Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 9

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


IX

Évariste Gamelin nhận nhiệm vụ ngày 14 tháng 9 sau khi tòa án được cải tổ thành bốn tòa án phân khu, mỗi phân khu có mười lăm hội thẩm. Các nhà tù chật ních người; ủy viên công tố mỗi ngày phải làm việc mười tám giờ. Để chống lại việc quân đội thất trận, các tỉnh nổi loạn, chống lại các cuộc âm mưu, phản bội, Quốc ước đặt khủng bố thành quốc sách. Các hung thần đang lên cơn khát.
Hoạt động đầu tiên của vị hội thẩm mới là thăm viếng để tỏ lòng tôn kính ông chánh án Herman; anh rất cảm kích thấy ông ăn nói mềm mỏng, tiếp đãi lịch thiệp. Là đồng hương và bạn thân của Robespierre, người mà ông đồng quan điểm, ông chứng tỏ có tấm lòng nhạy cảm và đạo đức... Ông hoàn toàn thấm nhuần những tình cảm nhân đạo lâu nay vẫn xa lạ với các thẩm phán, những tình cảm đã làm cho những người như Dupaty* và Beccaria** đời đời vẻ vang. Ông hãnh diện thấy phong tục đã bớt khắt khe thể hiện trong ngành tư pháp bằng việc xóa bỏ tra tấn và nhục hình. Ông cũng vui lòng thấy án tử hình ngày xưa được công bố tùy tiện và mới đây thôi còn dùng để trừng phạt những vi phạm nhỏ nhặt bây giờ được sử dụng ít hơn nhiều và chỉ dành cho những trọng tội. Cũng như Robespierre, ông sẵn sàng xóa bỏ án này đối với mọi tội không liên quan đến an ninh quốc gia; tuy nhiên ông nghĩ là mình sẽ phản bội Nhà nước nếu không áp dụng cách trừng phạt đó đối với những tội chống chủ quyền dân tộc.

*[Charles-Marguerite-Jean-Baptiste Mercier Dupaty (1746-1788): thẩm phán Pháp]

**[Cesare Beccaria (1738-1794): là một luật sư, nhà tội phạm học của Italia. Cuốn “Về tội phạm và hình phạt” (1764) của ông là công trình đánh dấu bước ngoặt cho sự ra đời của trường phái tội phạm học cổ điển. Ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng bãi bỏ án tử hình. Tư tưởng của Beccaria đưa lịch sử pháp lý của nhân loại mở ra một kỷ nguyên mới]

Các bạn đồng nghiệp của ông đều nghĩ là quan điểm quân chủ về quyền lợi quốc gia phải soi sáng Tòa án Cách mạng. Tám thế kỷ chuyên chế đã đào tạo ra các thẩm phán của nó và nó cũng dựa vào các nguyên tắc thần quyền để xét xử những kẻ thù của tự do.
Cũng ngày hôm đó Évariste Gamelin đến gặp ủy viên công tố Fouquier. Anh được ông ta tiếp tại văn phòng, nơi ông làm việc với một viên lục sự. Đó là một người khỏe mạnh, giọng nói khó nghe, cặp mắt sắc như mắt mèo. Trên khuôn mặt rỗ, to ngang, xám xịt của ông hiện rõ hậu quả tai hại mà một cuộc sống ít hoạt động, suốt ngày ru rú giữa bốn bức tường, gây ra cho những người đầy sức lực cần môi trường thoáng đãng và hoạt động mạnh mẽ. Những chồng hồ sơ xung quanh ông chất cao như những bức tường mộ chí, nhưng ông lại có vẻ thích thú trước những đống giấy tờ khủng khiếp tưởng chừng khiến ông phải nghẹt thở đó. Ông phát biểu những ý kiến của một vị thẩm phán tận tụy, hết lòng hoàn thành nhiệm vụ; tinh thần tư tưởng của ông không vượt ra khỏi phạm vi công việc của mình. Hơi thở của ông sặc mùi rượu mạnh. Nhưng ông uống rượu để tự trấn an chứ rượu không lên đến óc vì ông có những lời lẽ tuy không cao siêu nhưng cũng mạch lạc sáng sủa.
Công dân Fouquier sống tại một căn hộ nhỏ ngay trong Tòa án cùng với bà vợ trẻ sinh cho ông hai đứa con sinh đôi, một bà cô tên là Henriette và một chị người làm. Ông tỏ ra dịu dàng và đối tốt với họ. Tóm lại, đây là một con người tuyệt vời trong gia đình và cũng rất tốt trong công việc tuy nhiên không có nhiều ý kiến và hoàn toàn thiếu óc tưởng tượng.
Gamelin không sao ngăn được cảm giác khó chịu khi nhận thấy các thẩm phán mới rất giống về tinh thần và cung cách những quan tòa của chế độ cũ. Mà thực ra họ là những người của chế độ cũ: Herman từng là chưởng lý ở tòa án Artois, Fouquier nguyên là chưởng lý ở Châtelet và họ vẫn giữ nguyên tính cách của họ. Nhưng Gamelin tin vào sức cải tạo của Cách mạng.
Rời viện công tố, anh đi ngang qua hành lang tòa án và dừng lại trước những cửa tiệm có bán đủ mọi vật dụng được trưng bày rất mỹ thuật. Tại quầy sách của nữ công dân Tesnot, anh lật nhanh các tác phẩm lịch sử, chính trị và triết học: Xiềng xích nô lệ, Bàn về chủ nghĩa chuyên chế, Tội ác của các hoàng hậu. “Tốt quá, anh nghĩ, đây là tác phẩm của những người Cộng hòa!”. Anh hỏi cửa hàng có bán được nhiều sách loại này không. Bà chủ lắc đầu:
- Chỉ bán được ca khúc và tiểu thuyết.
Rồi rút từ ngăn kéo ra một tập sách mỏng, bà nói:
- Thí dụ như quyển này có vẻ thú vị đấy.
Évariste đọc tên sách: “Nữ tu sĩ trong chiếc áo sơ mi”.
Ở tiệm bên, anh gặp Desmahis, khôi vĩ, dịu dàng, đang tán tỉnh nữ công dân Saint-Jorre, cô bán hàng xinh đẹp thơm lừng mùi nước hoa, son phấn. Anh đoan chắc tình yêu của anh, hứa sẽ vẽ chân dung cô và mong cô cho gặp chỉ một lúc vào buổi tối ở vườn Tuileries. Đã đẹp trai, anh lại thuyết phục cô bằng đầu mày, cuối mắt, bằng những lời nói trơn tuột mỹ miều. Nữ công dân Saint-Jorre yên lặng nghe anh nói và hình như sẵn sàng tin anh, lim dim đôi mắt.
Để làm quen với nhiệm vụ khủng khiếp vừa được trao, vị hội thẩm mới đi lẫn vào đám đông dự một phiên xử của tòa án. Anh trèo lên các bậc thang đã có đông đảo nhân dân ngồi như trong một đại giảng đường và đi vào căn phòng rộng trước là phòng họp của Pháp viện Paris.
Người ta chen chúc đến ngạt thở để xem xử một viên tướng. Theo nhận xét của ông Brotteaux, Quốc ước đã noi gương chính phủ nhà vua Anh đưa ra xét xử mấy ông tướng bại trận thay vì mấy ông tướng phản quốc vì tất nhiên mấy ông này đâu có để người ta xét xử! Ông Brotteaux còn nói thêm: “Mấy ông bại trận không phải đương nhiên là có tội vì trong một cuộc chiến thế nào cũng có kẻ thắng, người bại. Nhưng rõ ràng không gì tốt bằng xử tử một ông để khích lệ tinh thần mấy ông khác...”.
Cho đến nay ngồi ở ghế bị cáo đã có nhiều quân nhân nhẹ dạ và bướng bỉnh, những người có bộ óc chim sẻ trong một cái đầu bò. Người bị xét xử lần này cũng không hiểu biết về các cuộc vây hãm, các cuộc chiến đấu dưới sự chỉ đạo của ông hơn mấy vị thẩm phán hỏi cung. Bên nguyên cũng như bên bị đều sa lầy trong các vấn đề quân số, mục tiêu, vũ khí đạn dược, hành quân và rút quân. Đông đảo các công dân theo dõi các cuộc tranh luận tối mò và bất tận kia chỉ thấy đằng sau lão quân nhân ngu ngốc Tổ quốc bị bỏ trống và xâu xé với hàng ngàn người mạng vong; bằng cái nhìn, lời nói, họ thúc ép các hội thẩm giờ đây còn ngồi yên trên ghế phải giáng một bản án như giáng một quả chùy vào đầu các kẻ thù của nền Cộng hòa.
Évariste cảm thấy rất rõ ràng điều đó: qua tên khốn nạn, phải đánh vào hai con quái vật đang làm đất nước tan nát là nổi loạn và bại trận. Tất nhiên cũng phải biết người quân nhân này có tội hay không. Nhưng khi Vendée vẫn không khuất phục, cảng Toulon tự nạp mình cho địch, khi đạo quân sông Rhin cứ lùi mãi trước bọn chiến thắng ở Mayence, khi đạo quân miền Bắc rút về trại César có thể bị quân đội Hoàng gia đánh chiếm lúc nào không biết, khi bọn Anh, bọn Hà Lan làm chủ Valenciennes thì vấn đề quan trọng hơn hết là dạy cho mấy ông tướng biết chiến thắng hay là chết. Khi thấy tên võ biền tàn tật và đần độn kia trong phiên tòa cứ lạc lõng, không biết đằng nào mà lần trên bản đồ cũng y như đã lạc lõng ở nơi xa xôi trên các vùng đồng bằng phía Bắc, Gamelin vội vã đi ra khỏi phòng xử án để khỏi cùng quần chúng hô lớn: “Xử tử!”.
Trong hội nghị phân khu, vị hội thẩm mới được ông chủ tịch Olivier khen ngợi. Ông yêu cầu anh tuyên thệ trước bàn thờ chính của nhà thờ dòng Barnabites nay đã biến thành bàn thờ Tổ quốc: nhân danh nhân loại thiêng liêng, anh sẽ bóp chết trong tâm hồn mình mọi sự yếu đuối của con người.
Gamelin giơ tay thề trước vong hồn tôn nghiêm của Marat, người đã hy sinh cho tự do. Một bức tượng bán thân của ông vừa được đặt trên một cái trụ trước tượng bán thân của Le Peletier.
Vài tiếng vỗ tay vang lên xen lẫn tiếng thì thầm. Cuộc họp náo động vì ở cửa vào nhà thờ một nhóm dân trong phân khu trang bị giáo mác đang hò hét. Ông chủ tịch lớn tiếng nói:
- Mang vũ khí vào nơi họp của những người tự do là chống lại nền Cộng hòa.
Và ông ra lệnh đưa ngay súng ống, giáo mác vào nơi trước kia là gian nhà áo.
Một anh gù, mắt sắc, môi vều là công dân Beauvisage trong Ủy ban Cảnh giác, tiến vào giảng đài nay là diễn đàn phía trên có gắn một chiếc mũ chụp đỏ. Anh nói:
- Các ông tướng đang phản bội chúng ta và giao các đạo quân của ta cho địch. Mấy ông vua nước ngoài đã cho kỵ binh xâm nhập xung quanh Péronne và Saint-Quentin, cảng Toulon đã lọt vào tay quân Anh và chúng đã cho đổ bộ mười bốn ngàn tên. Kẻ thù của chế độ Cộng hòa mưu phản ngay trong Quốc ước. Còn tại Thủ đô không biết bao nhiêu âm mưu được sắp đặt hòng cứu mụ người Áo. Khi tôi đang nói đây, có tin con trai tên Capet đã trốn khỏi pháo đài Temple và được đón rước linh đình ở Saint-Cloud. Có kẻ muốn khôi phục ngai vàng và đưa hắn lên ngôi. Thực phẩm đắt đỏ, tín phiếu mất giá, đó là kết quả các hoạt động tội ác của bọn tay sai nước ngoài tiến hành ngay trong mỗi gia đình chúng ta, trước mắt chúng ta. Với danh nghĩa Cứu quốc, tôi yêu cầu công dân hội thẩm không được thương xót bọn âm mưu và bọn phản quốc.
Khi anh ta từ diễn đàn đi xuống, có những tiếng hô lớn trong hội nghị: “Đả đảo Tòa án Cách mạng! Đả đảo bọn ôn hòa!”
Béo tốt, hồng hào, công dân Dupont-anh làm nghề thợ mộc ở quảng trường Thionville bước lên diễn đàn tuyên bố muốn đặt câu hỏi với công dân hội thẩm. Và ông hỏi Gamelin về thái độ của anh đối với bọn Brissot và mụ quả phụ Capet.
Évariste bản tính rụt rè, không biết ăn nói trước quần chúng. Nhưng lần này sự phẫn nộ đã giúp anh cách trả lời. Mặt tái đi, anh đứng lên với giọng trầm đục:
- Tôi là hội thẩm. Tôi chỉ phụ thuộc vào lương tâm của tôi. Mọi hứa hẹn mà tôi đưa ra với ông là trái với bổn phận của tôi. Tôi có nghĩa vụ nói khi ở Tòa án, còn ở bất kỳ nơi nào khác tôi phải im lặng. Từ nay tôi không biết ông là ai: tôi không có bạn cũng không có kẻ thù.
Ở hội nghị này cũng như trong mọi hội nghị khác, ý kiến thường khác nhau, nhiều người phân vân, do dự, cuối cùng cũng tán thành. Nhưng công dân Dupont-anh lại tấn công. Ông ta không tha thứ cho Gamelin cái tội đã chiếm được một địa vị mà ông muốn tranh giành.
- Tôi hiểu, - ông nói, - thậm chí tôi còn tán thành sự đắn đo của công dân hội thẩm. Có người nói anh ta là người yêu nước, vậy anh ta cần vấn lương tâm mình xem có xứng đáng ngồi ở một tòa án lập ra để tiêu diệt kẻ thù của nền Cộng hòa hay lại nể nang chúng. Hiện có những mưu toan mà một công dân tốt cần phải tránh xa. Chẳng phải đã có nhiều hội thẩm ở Tòa án này được các bị cáo dùng vàng mua chuộc đó sao? Lão chánh án Montané chẳng đã dựng lên chứng cớ giả hòng cứu mụ Corday* khỏi rơi đầu đó sao?

*[Charlotte Corday (1768-1793): ám sát Marat khi ông đang tắm, bị xử tử]

Nghe đến đây, phòng họp vang lên những tiếng vỗ tay. Nhưng khi những tiếng vang cuối cùng còn đang dội lên các vòm nhà thờ thì Fortuné Trubert bước lên diễn dàn. Mấy tháng gần đây anh gầy đi nhiều lắm. Trên khuôn mặt anh, gò má dường như nhô ra khỏi da, mí mắt anh đỏ và các con ngươi trắng đục.
- Các công dân, - anh nói, giọng yếu, hơi hổn hển nhưng có sức cuốn hút lạ lùng, - ta không thể nghi ngờ Tòa án Cách mạng mà đồng thời không nghi ngờ Quốc ước và Ủy ban cứu quốc* vì Tòa án Cách mạng là con đẻ của hai tổ chức vừa nói. Công dân Dupont đã làm chúng ta hoang mang lo sợ khi dẫn chứng chánh án Montané vi phạm thủ tục tố tụng để cứu một tên tội phạm. Nhưng tại sao ông không nói thêm để chúng ta yên tâm là Montané đã bị ủy viên công tố tố cáo và y đã bị bãi nhiệm và tống giam?... Ta không thể bảo đảm được an ninh chung mà không cần gieo rắc sự hoài nghi sao? Chẳng lẽ không còn ai có tài có đức ở Quốc ước. Thế Robespierre, Couthon**, Saint-Just*** không phải là người chân thực hay sao? Cần chú ý là chính những kẻ chưa bao giờ chiến đấu cho nền Cộng hòa lại tuôn ra những lời lẽ kịch liệt nhất! Chúng không thể làm khác vì chúng muốn mọi người căm ghét chế độ. Hỡi các công dán, hãy nói ít thôi và hành động nhiều hơn! Chúng ta cứu nước Pháp bằng đại bác chứ không phải bằng những tiếng la ó. Có tới nửa số hầm trong phân khu chưa được lục soát. Nhiều công dân còn tàng trữ số lượng đồng rất lớn. Chúng tôi xin nhắc với những người giàu có rằng các đóng góp do tinh thần yêu nước là những bảo đảm có giá trị nhất đối với họ. Tôi mong mọi người quan tâm đến vợ con binh lính của chúng ta đang chiến thắng vinh quang ở biên giới và trên sông Loire. Một trong những người đó là, anh lính khinh kỵ binh Augustin Pommier, trước là quản lý tiệm ăn phố Jérusalem. Ngày 10 tháng trước ở gần Condé trong khi đưa ngựa đi uống nước, anh bị sáu kị binh Áo tấn công. Anh đã giết hai và bắt bọn còn lại làm tù binh. Tôi đề nghị phân khu ta tuyên bố Pommier đã làm tròn nhiệm vụ.

*[Ủy ban Cứu quốc là cơ quan lo việc hành pháp được Quốc ước thành lập ngày 6-4-1793, bị giải tán tháng mười năm 1795]

**[George Couthon (1755-1794): chính khách Pháp, cùng với Robespierre và Saint-Just tạo thành “Tam hùng”, đã đàn áp cuộc nổi loạn ở Lyon năm 1793, bị xử tử cùng với Robespierre]

***[Saint-Just (1763-1794): chính khách Pháp, thành viên ủy ban Cứu quốc, lý luận gia của chính phủ cách mạng và của công tác khủng bố, tổ chức lại quân đội có kết quả, bị xử tử cùng với Robespierre]

Mọi người vỗ tay tán thưởng rồi giải tán trong những tiếng hô: “Cộng hòa muôn năm!”
Khi còn lại một mình với Trubert, Gamelin bắt tay anh:
- Cám ơn cậu. Cậu thế nào?
- Mình ấy à? Rất khỏe, rất khỏe! - Trubert vừa trả lời vừa nấc rồi khạc ra máu vào một chiếc mùi soa. - Chế độ Cộng hòa còn rất nhiều kẻ thù bên ngoài và bên trong; ngay phân khu ta cũng còn khá nhiều. Người ta không xây dựng các đế quốc bằng tiếng hò hét mà bằng sắt thép, bằng luật pháp... Tạm biệt nhé..., Gamelin, mình còn phải thảo vài bức thư nữa.
Rồi anh đi vào nơi trước đây là phòng áo, chiếc mùi soa vẫn áp trên môi.

* * *

Bà quả phụ Gamelin, chiếc phù hiệu từ nay đeo nghiêm chỉnh hơn trên chiếc khăn đội đầu, mới hôm trước hôm sau đã giữ vẻ bệ vệ tư sản, niềm tự hào Cộng hòa và dáng vẻ đi đứng đàng hoàng phù hợp với mẹ một công dân hội thẩm. Từ tuổi thơ bà được nuôi dạy theo tinh thần tôn trọng pháp luật, khâm phục tấm áo choàng và sợ hãi đến mức khiếp đảm những con người mà Thượng đế đã nhường quyền sinh sát trên trái đất. Những tình cảm đó khiến bà thấy con mình là tôn nghiêm, đáng kính trọng và thần thánh, đứa con mà cách đây không lâu bà còn gần xem như một đứa trẻ. Trong tâm hồn cực kỳ đơn giản của mình, bà quan niệm tính liên tục của công lý trong suốt quá trình cách mạng cũng mạnh mẽ không kém các nhà lập pháp của Quốc ước quan niệm tính liên tục của Nhà nước khi chế độ này chuyển sang chế độ khác; trước mắt bà, Tòa án Cách mạng cũng uy nghiêm như các tòa án dưới chế độ cũ mà bà luôn tôn trọng.
Đối với vị hội thẩm trẻ tuổi, ông Brotteaux tỏ lộ vẻ quan tâm xen lẫn ngạc nhiên, sự tôn kính có phần nào gượng ép. Cũng như bà Gamelin, ông xem công lý có tính liên tục qua các chế độ; nhưng khác bà cụ, ông khinh thường Tòa án Cách mạng không kém gì các tòa án dưới chế độ cũ. Không dám phát biểu thẳng thắn nhưng cũng không thể im lặng hoàn toàn, ông sa vào những mâu thuẫn vừa đủ để Gamelin nghi ngờ ông thiếu ý thức công dân. Một lần ông nói:
- Anh sắp sửa nhận nhiệm vụ ở một tòa án tôn nghiêm do Quốc hội Pháp lập ra để bảo vệ chế độ Cộng hòa. Tất nhiên các nhà lập pháp của chúng ta đã xuất phát từ một tư tưởng đạo đức khi đưa kẻ thù của mình ra xét xử. Tôi cho rằng tư tưởng đó là độ lượng nhưng không chính trị. Theo tôi khôn khéo nhất là đánh các kẻ thù không thể dung hòa được trong bóng tối, còn đối với các kẻ khác, phải tìm cách thu phục bằng ân thưởng, bằng hứa hẹn. Tòa án bao giờ cũng trừng phạt quá chậm chạp, gây cho đối phương thiệt hại thì ít mà sợ hãi thì nhiều: nó chỉ có tính răn dạy. Điều nguy hiểm là Tòa án của các anh sẽ hóa giải các phần tử bị nó làm khiếp đảm và kết hợp một mớ hỗn độn những quyền lợi, những tham vọng trái ngược thành một đảng lớn có khả năng thực hiện một hành động chung và mạnh. Các anh gieo rắc sợ hãi, và chính nỗi sợ hãi chứ không phải lòng can đảm đã làm nảy sinh các anh hùng. Cho phép tôi hỏi anh, công dân Gamelin, các anh có nghĩ là chính những điều kỳ diệu do sợ hãi phát sinh kia một ngày sẽ chống lại các anh không?
Chàng họa sĩ kiêm điêu khắc Desmahis tuần này lại mê một cô gái gần Lâu đài Bình Đẳng, cô Flora có nước da nâu và vóc dáng khổng lồ. Tuy nhiên anh cũng dành ra năm phút đến mừng bạn. Anh nói việc bổ nhiệm như vậy làm vinh dự rất nhiều cho ngành mỹ thuật.
Còn Élodie, tuy không ý thức được là mình thực sự ghét tất cả những gì là cách mạng và coi mọi công vụ như những tình địch nguy hiểm nhất có thể giành giật trái tim người tình, nhưng bản tính hiền dịu, chị vẫn chịu ảnh hưởng mạnh của vị thẩm phán được dành quyền quyết định về những vấn đề hệ trọng. Chị cũng cảm thấy sung sướng vì việc chỉ định Évariste làm hội thẩm đã có ngay tác dụng tốt đến những người xung quanh. Ông Jean Blaise đến tận phòng vẽ ở quảng trường Thionville thân ái ôm hôn vị hội thẩm mới.
Như mọi kẻ phản cách mạng, ông kính trọng những vị chức quyền của chế độ Cộng hòa; từ khi bị tố cáo gian lận trong việc cung cấp hàng cho quân đội, Tòa án Cách mạng làm ông vô cùng nể sợ: Ông tự thấy mình bị nhiều người nhòm ngó lại dính líu đến quá nhiều chuyện, nên không chắc chắn được sẽ tuyệt đối an toàn: ông thấy cần lấy lòng công dân Gamelin. Dù sao ông cũng là một công dân tốt, tha thiết tôn trọng luật pháp.
Ông chìa tay ra trước chàng họa sĩ kiêm hội thẩm, tỏ thái độ thân ái và yêu nước, quan tâm đến nghệ thuật, tự do. Gamelin cũng hào hiệp bắt chặt bàn tay rộng mở.
- Công dân Évariste Gamelin, - ông Jean Blaise nói, - bây giờ tôi cần đến tình bạn, đến tài năng của anh đây. Ngày mai mời anh đi với tôi về nông thôn chơi trong hai ngày. Anh sẽ có dịp vẽ và chúng ta sẽ nói chuyện với nhau.
Năm nào nhà buôn tranh cũng tổ chức những cuộc du lịch hai ba ngày với các họa sĩ để họ vẽ phong cảnh cùng các di tích lịch sử theo yêu cầu của ông. Ông nắm bắt rất giỏi thị hiếu của người đương thời; những chuyến đi như vậy đã cung cấp những bản vẽ sau khi hoàn chỉnh ở xưởng và khắc lại một cách thông minh, sẽ biến thành những tranh in tay màu nâu gạch hay nhiều màu rất ăn khách. Căn cứ vào các ký họa đó, ông còn cho khắc những hình để trang trí trên cửa hay lò sưởi, cũng bán được nhiều, có khi còn nhiều hơn những tác phẩm trang trí của Hubert Robert.
Lần này ông muốn Gamelin cùng đi để anh phác họa những cảnh thiên nhiên; dưới mắt ông, chức vụ hội thẩm đã làm nhà họa sĩ lớn hẳn lên. Hai nghệ sĩ khác cũng được mời là Desmahis chuyên về khắc nhưng vẽ cũng giỏi và Philippe Dubois ít người biết đến, chuyên vẽ theo phong cách của Robert. Như thường lệ, nữ công dân Élodie và bạn cô là Hasard cùng đi với các nghệ sĩ. Jean Blaise, con người giỏi kết hợp làm ăn với vui chơi, không quên mời nữ công dân Thévenin, diễn viên kịch nói, được người ta đồn là người tình của ông.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét