Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 19

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XIX

Trong khi cha Longuemare và cô gái Athénaïs bị lôi ra phân khu hỏi cung thì hai người lính sen đầm giải ông Brotteaux đến Luxembourg, nhưng viên cai ngục không nhận vì nhà tù hết chỗ chứa. Vị quan thu thuế lại được dẫn đến ngục Conciergerie rồi đưa vào phòng lục sự, một căn phòng hẹp có một tấm vách lấp kín ngăn đôi. Trong lúc viên lục sự ghi tên ông vào sổ, ông Brotteaux trông thấy qua các ô kính hai người đàn ông nằm trên những chiếc đệm xấu, bất động như người chết, mắt mở lớn, khờ khạo như chẳng thấy gì. Đĩa, chai, bánh vụn vung vãi quanh họ. Đó là những người bị tuyên án tử hình đang đợi xe chở đi.
Con người trước có tên là des Ilettes được đưa đến phòng giam. Dưới ánh sáng lờ mờ của một cây đèn lồng, ông thấy hai hình người đang nằm, một người dữ tợn, cụt chân, xấu xí, còn người kia lại thanh nhã, dịu hiền. Hai tù nhân xích lại nhường một phần ổ rơm mục nát, lúc nhúc dòi bọ cho Brotteaux để ông khỏi phải nằm ngay trên mặt đất đầy cứt đái dơ dáy. Trong bóng tối hôi hám, ông nằm phịch trên một chiếc ghế dài, đầu ép vào tường, câm nín, bất động. Ông đau khổ đến mức nếu còn đủ sức đã đập ngay đầu vào tường. Ông không tài nào thở được, mắt như có một cái màng che lấp, một tiếng động kéo dài nhưng vô cùng lặng lẽ vang đến tai ông, thế rồi cả con người ông chìm trong cõi hư vô hoan lạc. Trong phút giây vô giá đó, tất cả đối với ông là hài hòa, ánh sáng trong trẻo, hương thơm, hiền dịu. Rồi ông không còn biết gì nữa.
Khi ông tỉnh lại, ý nghĩ đầu tiên là tiếc mình chỉ ngất đi có một khoảnh khắc phù du. Nhưng trong lúc sững sờ thất vọng ông vẫn là một nhà triết học để ông nghĩ ông phải ngụp lên tận đáy vực thẳm, phải chờ đến lúc được chở ra pháp trường mới cảm thấy được tất cả niềm lạc thú vô biên mà giác quan chưa bao giờ cho ông được hưởng. Một lần nữa ông tìm cách làm tan biến mọi cảm giác nhưng vô ích. Trái lại, dần dần ông thấy bầu không khí hôi hám ở nhà ngục mang đến buồng phổi ông cùng sự nồng ấm của cuộc sống khốn cùng không thể chịu đựng nổi của ông.
Trong khi đó hai người bạn tù coi sự im lặng của ông là một điều sỉ nhục độc ác đối với họ. Ông Brotteaux là người dễ gần gũi kẻ khác nên cố gắng thỏa mãn óc tò mò của họ. Tuy nhiên khi họ biết ông là kẻ người ta gọi là tù “chính trị”, tức là người chỉ có mỗi tội lỗi nhẹ là ăn nói, suy nghĩ thế nào đó, lập tức họ mất cả tôn trọng lẫn cảm tình với ông. Tội gán cho hai tù nhân kia cụ thể hơn: người nhiều tuổi là một tên sát nhân, còn người kia làm tín phiếu giả. Cả hai đã quen với tình trạng của mình, thậm chí còn cảm thấy phần nào thú vị. Tự nhiên Brotteaux nghĩ bây giờ trên đầu ông là chuyển động, tiếng ồn, ánh sáng, cuộc sống; ở khu lâu đài, sau các quầy hàng nước hoa, son phấn hay tạp hóa, mấy cô bán hàng xinh đẹp đang mỉm cười với khách qua đường, những người sung sướng, tự do, ý nghĩ đó càng làm ông trở nên thất vọng.
Rồi đêm đến. Thực ra cũng khó phân biệt ngày, đêm trong bóng tối và cảnh lặng lẽ của nhà tù, nhưng dù sao đêm vẫn nặng nề, ảm đạm hơn. Một chân gác lên chiếc ghế dài, lưng áp vào tường, ông thiếp đi. Và ông thấy mình đang ngồi ở gốc một cây sồi xanh lá xum xuê, đầy tiếng chim hót; mặt trời buổi chiều chiếu những ánh hồng loang loáng trên mặt sông, những đám mây đều viền một màu đỏ rực. Đêm dần qua, ông lên cơn sốt; giơ ngay chiếc hũ lên miệng, ông uống không biết bao nhiêu là nước dơ làm ông thêm bệnh.
Hôm sau, khi mang súp lại, viên cai ngục hứa hẹn nếu ông đồng ý trả tiền, sẽ chuyển ông đến phòng giam ưu tiên ngay khi có điều kiện, mà chắc sẽ sớm có điều kiện. Quả nhiên hôm sau nữa, ông quan thu thuế được chuyển chỗ. Cứ lên một bậc thang ông cảm thấy sức lực, đời sống như bắt đầu trở lại, và đến khi thấy mình ở trong một căn phòng lát gạch men đỏ với một chiếc giường vải phủ một tấm mền loại xấu, ông tưởng khóc được vì vui mừng. Chiếc giường sơn son thếp vàng ngày xưa với những con bồ câu đang quấn mỏ vào nhau mà ông đặt làm cho cô vũ nữ xinh đẹp nhất Nhà hát Nhạc kịch không gây ra cảm giác dễ chịu và hứa hẹn nhiều hoan lạc đến thế.
Chiếc giường của ông cùng với mười bảy chiếc giường khác tương tự có những tấm vách cao ngăn cách được đặt trong một gian phòng lớn, tương đối sạch sẽ. Nhóm người ở đây gồm toàn cựu quý tộc, nhà buôn, chủ ngân hàng, thợ thủ công. Ông quan thu thuế cũ không cảm thấy khó chịu vì ông dễ thích ứng với đủ hạng người. Ông thấy cũng như ông, những con người đó, mặc dầu bị tước bỏ mọi thú vui, lúc nào cũng có thể chết dưới bàn tay đao phủ, vẫn cười đùa, vẫn thích bông lơn, hài hước. Bản tính không quý trọng con người, ông quan niệm là sở dĩ các bạn cùng cảnh ngộ thoải mái là vì họ hời hợt, không đánh giá chính xác tình cảm của họ. Ông càng chắc chắn mình nghĩ đúng vì những người thông minh nhất trong bọn nhiều khi lộ vẻ buồn rõ rệt. Ông cũng nhận thấy là đa số đã tìm được trong ly rượu nguồn vui mãnh liệt, đôi khi điên dại. Không phải người nào cũng can đảm nhưng ai cũng muốn tỏ ra mình là người can đảm. Điều này không làm ông ngạc nhiên: ông biết người ta sẵn sàng thú nhận là mình độc ác, nóng tính, thậm chí keo kiệt, nhưng không bao giờ tự nhận là mình hèn nhát. Thú nhận như vậy thì dù sống với những người đã man hay trong một xã hội thuần thục, họ đều dễ dàng gặp những chuyện nguy hiểm chết người. Vì vậy ông nghĩ dân tộc nào cũng là dân tộc anh hùng, quân đội nào cũng gồm toàn những người dũng cảm.
Nhưng còn mạnh hơn cả rượu, tiếng lách cách của các khẩu súng hay chìa khóa, tiếng ken két của các ổ khóa, tiếng giậm chân của các công dân ở cửa Tòa án, tiếng các người canh gác gọi nhau, tất cả đều kích động tù nhân, khiến họ ưu tư, cuồng nhiệt hay phẫn nộ. Đã có những người lấy dao cạo tự cứa cổ hoặc nhảy qua cửa sổ.
Sau ba ngày ở phòng giam ưu tiên, qua nhân viên phụ trách chìa khóa, ông Brotteaux biết cha Longuemare đang nằm bẹp trên một ổ rơm mục nát, đầy dòi bọ, giữa đám trộm cắp, sát nhân. Ông điều đình đưa cha đến phòng ưu tiên mới có một giường trống. Bản thân chẳng có bao nhiêu, muốn có tiền trả cho nhà tu hành, quan thu thuế nghĩ ra chuyện vẽ chân dung, mỗi bức một ê-quy. Ông còn nhờ một viên cai ngục cung cấp những chiếc khung đèn rồi khéo léo lấy tóc tù nhân kết thành những tác phẩm nho nhỏ rất được hâm mộ vì nhiều người muốn lưu lại kỷ niệm cho người thân.
Cha Longuemare luôn luôn giữ vững tình cảm và trí óc. Trong thời gian chờ đợi ra đối chất trước Tòa án Cách mạng ông chuẩn bị tự bào chữa. Nhưng không tách rời việc biện hộ cho bản thân ra khỏi việc bênh vực Giáo hội, ông quyết định sẽ trình bày với các thẩm phán về những rối loạn, bê bối gây ra cho Giáo hội do chế định dân sự hóa giới tăng lữ. Theo ông, cô trưởng nữ của Giáo hội* [Chỉ nước Phápđang tiến hành một cuộc chiến tranh phạm thánh chống Đức Giáo hoàng; giới tăng lữ bị tước đoạt, cưỡng bức, phụ thuộc một cách bỉ ổi vào những kẻ vô thần; các linh mục, đội quân chiến đấu của đức Kitô thì bị bóc lột, phân tán. Ông dẫn lời thánh Grégoire vĩ đại và thánh Irénée, đưa ra rất nhiều điều khoản trong luật giáo hội và những chương giáo lệnh đầy đủ.
Suốt ngày ngồi ở chân giường, dùng đầu gối làm chỗ tựa, ông nhúng những đoạn bút lông mòn vẹt vào mực muội đèn, bã cà phê. Ông viết những chữ thật khó đọc lên giấy bọc nến, giấy gói hàng, lề sách, thư từ, hóa đơn, quân bài; ông nghĩ cả đến việc viết lên áo sơ mi sau khi hồ đặc. Ông xếp thành đống hết tờ nọ đến tờ kia, rồi chỉ mớ bản thảo lem luốc, ông nói:
- Ra trước tòa, tôi sẽ làm cho bọn thẩm phán bị ngợp vì ánh sáng.
Một hôm nhìn đống giấy tự biện hộ cứ dày thêm mãi với vẻ thỏa mãn, lại nghĩ đến quan tòa mà ông nôn nóng làm cho lúng túng, mất mặt, ông kêu lớn:
- Thực sự ta không muốn ngồi vào vị trí của chúng!
Các tù nhân mà số phận quy tụ trong chốn giam cầm này là những người bảo hoàng hoặc liên bang; cũng có một người trong nhóm Jacobin. Họ khác nhau về phương cách điều hành đất nước, nhưng trong đám người ấy không còn ai giữ lại một chút tín ngưỡng Kitô nào. Cũng như Brotteaux, những người Feuillants, người lập hiến, người Girondins đều thấy Thượng đế rất xấu đối với họ nhưng lại rất tốt với quần chúng nhân dân. Thay vì đấng Jéhovah, phái Jacobin dựng ra một ông thần Jacobin để từ trên cao giội chủ nghĩa Jacobin xuống toàn thế giới. Vì không thể tưởng tượng người ta có thể vô lý đến mức tin vào một thứ tôn giáo mặc khải, lại thấy cha Longuemare chẳng phải là hạng người ngu si, đần độn, các tù nhân liền coi ông là con người xảo quyệt. Trong lúc đó, có lẽ để chuẩn bị cho hành động tử vì đạo, ông công bố đức tin của mình với bất là người nào nhưng càng thành khẩn, ông càng giống một tên bịp bợm.
Ông Brotteaux không thành công khi bảo đảm cha Longuemare là người tu hành thực tâm; chính ông cũng chỉ tin một phần ở lời mình khẳng định. Quan điểm của nhà tu hành quá kỳ cục nên có vẻ giả tạo và không hoàn toàn thuyết phục được ai. Ông gọi Jean-Jacques là tên vô lại tầm thường nhưng đặt Voltaire vào hàng ngũ những người siêu việt, tuy không bằng Helvétius đáng mến, Diderot hay nam tước Holbach. Theo ông thiên tài lớn nhất thế kỷ là Boulanger. Ông cũng đánh giá cao nhà thiên văn Lalande và Dupuis, tác giả một bản “Báo cáo về nguồn gốc các chòm sao”. Những kẻ thích đùa ra sức bỡn cợt nhà tu hành dòng Barnabites nhưng chẳng bao giờ ông biết họ chế nhạo ông; vì ông quá khờ khạo nên những lời châm chọc trở thành vô hiệu.
Bị lo lắng dằn vặt, day dứt vì sống mãi trong cảnh nhàn cư, tù nhân tìm mọi cách giải trí: chơi cờ đam, đánh bài, thò lò... Họ không được phép mang vào nhà giam bất kỳ nhạc cụ nào. Sau mỗi bữa ăn chiều họ lại hát hay ngâm thơ. Bài thơ “Cô trinh nữ” của Voltaire cũng đem lại ít nhiều an ủi cho những người đau khổ, họ nghe đi nghe lại những đoạn hay mà không biết chán.
Nhưng rồi không thoát khỏi ý nghĩ khủng khiếp vẫn cắm sâu vào trái tim họ, đôi khi họ biến chuyện khủng khiếp thành trò chơi. Trong gian phòng của mười tám chiếc giường đó, trước khi đi ngủ, họ đóng kịch Tòa án Cách mạng. Việc nhập vai được dựa vào sở thích và khả năng. Kẻ này đóng vai thẩm phán và ủy viên công tố. Kẻ khác vai bị cáo và nhân chứng, lại có những người làm đao phủ và lũ tay sai. Vụ án nào cũng kết thúc bằng việc xử tử kẻ phạm tội được họ đặt nằm trên giường, cổ vươn ra dưới một tấm ván. Sau đó là cảnh địa ngục. Những tù nhân nhanh nhẹn nhất đóng vai quỷ sứ.
Một luật sư trẻ ở Bordeaux là Dubosc, người bé nhỏ, đen, chột mắt, lưng gù, chân thọt, lại đội thêm đôi sừng, đúng là quỷ thọt hiện hình, đến kéo chân lôi cha Longuemare ra khỏi giường, tuyên bố cha bị xét án lửa thiêu đời đời và bị đày xuống địa ngục mà không bao giờ được ân xá vì tội đã biến đấng tạo ra vũ trụ thành con người ghen tị, ngu ngốc, độc ác, một kẻ thù của niềm vui và tình yêu.
- Ha! Ha! Ha! - Con quỷ kêu lên khủng khiếp, - tên tu sĩ già nua kia, mi đã giảng dạy là Thượng đế thích thú nhìn cảnh sinh linh héo hon trong cảnh khổ hình và không có những thiên tư quý nhất của Người. Tên đại bịp, tên đạo đức giả, tên đội lốt tu hành kia, ta phạt mi đời đời kiếp kiếp ngồi trên đinh và ăn vỏ trứng!
Cha Longuemare đáp lại một cách đơn giản rằng trong bài diễn văn kia quỷ sứ đã lộ nguyên hình là một nhà triết học và bất cứ hồn ma, bóng quỷ nào dưới địa ngục cũng lảm nhảm ít điều ngu ngốc hơn thế vì ít hay nhiều chúng cũng đã tiếp xúc với môn thần học và chắc chắn không ngu si, đần độn như một học giả bách khoa.
Nhưng đến khi vị luật sư Girondins gọi cha là tu sĩ dòng thánh François thì cha đỏ mặt lên vì bực bội và tuyên bố một kẻ không phân biệt nổi một tu sĩ Barnabite với một tu sĩ dòng thánh François thực chẳng khác gì không trông thấy con ruồi sa vào tô sữa.
Tòa án Cách mạng tiếp tục làm vơi bớt các nhà tù trong khi các ủy ban làm chúng đầy ắp trở lại. Trong thời gian ba tháng gian phòng gần mười tám người đã được đổi mới một nửa. Cha Longuemare không còn bị tên tiểu quỷ quấy nhiễu; luật sư Dubosc bị kết án tử hình vì theo chủ nghĩa liên bang, âm mưu phá hoại sự thống nhất của nền Cộng hòa. Cũng như những người bị kết án khác, khi ra khỏi Tòa án, ông đi qua một hành lang dài chạy xuyên qua nhà tù đến căn phòng mà suốt ba tháng liền tính tình ông làm cho vui nhộn. Khi chào vĩnh biệt các bạn tù, ông vẫn giữ được cái giọng nhẹ nhàng và bộ điệu vui vẻ quen thuộc:
- Hãy tha lỗi cho tôi, thưa ông, - ông nói với cha Longuemare, - vì tôi đã túm chân kéo ông ra khỏi giường. Tôi sẽ không làm như thế nữa.
Quay về phía ông già Brotteaux, ông nói tiếp:
- Chào vĩnh biệt, tôi sẽ đi trước ông vào hư vô. Tôi sẵn sàng giao lại thiên nhiên những nguyên tố cấu thành tôi, hy vọng rồi ra thiên nhiên sẽ sử dụng chúng tốt hơn. Phải thừa nhận, với tôi nó đã sử dụng không có kết quả lắm.
Rồi ông đi thẳng về phía văn phòng lục sự để lại ông Brotteaux âu sầu, buồn bã và cha Longuemare run rẩy, xanh như tàu lá, sợ tái người vì thấy con người vô đạo vẫn còn cười cợt khi đã đặt chân lên bờ vực thẳm.
Khi tháng Nẩy mầm* [Tháng thứ bảy theo lịch Cách mạng, khoảng tháng 3 tháng 4 dương lịch] đem lại những ngày nắng ráo, ông Brotteaux đa tình nhiều lần mò xuống phía sân sát trại giam phụ nữ. Ông lại gần chỗ máng nước, nơi các tù nhân nữ sáng nào cũng giặt giũ quần áo. Có một hàng rào cách ly hai khu vực, nhưng các chấn song đặt không đủ gần để ngăn cản người ta nắm tay, ôm hôn nhau. Những đêm tối trời, từng cặp một đứng sát vào nhau. Ông Brotteaux kín đáo lẩn vào cầu thang, và ngồi trên một bậc thang, ông rút tập Lucrèce ra khỏi chiếc áo đuôi tôm màu nâu đỏ. Dưới ánh sáng một cây đèn lồng, ông đọc mấy câu châm ngôn nghiêm túc nhưng thật an ủi lòng người: “Sic ubi non erimus... Khi chúng ta từ giã cõi đời, không có gì còn có thể làm chúng ta xúc động dù bầu trời, trái đất và biển cả có trộn vào nhau những mảnh vụn hoang tàn”. Nhưng trong lúc khoan khoái cảm thụ thứ đạo lý siêu việt đó, ông Brotteaux vẫn ghen tị với tính điên rồ khiến nhà tu hành dòng Barnabites không nhìn thấy vũ trụ.
Cuộc khủng bố mỗi tháng một khốc liệt thêm. Đêm đêm bọn cai ngục say rượu dắt chó đi từ phòng giam này đến phòng giam khác, mang theo những bản cáo trạng. Chúng gào tên những người bị kết tội, sai cả dấu, cả vần, làm tất cả tù nhân thức giấc và với hai mươi nạn nhân bị đưa đi hành quyết, họ gây kinh động hai trăm người. Trong những hành lang đầy bóng người đỏ như máu đó hàng ngày có hai mươi, ba mươi, năm mươi người bị kết án đi qua, không một lời thở than, oán trách. Có đủ cả ông già, phụ nữ, thiếu niên, hết sức khác nhau về hoàn cảnh, tính cách, tình cảm, khác nhau đến mức người ta phải tự hỏi chẳng biết họ có phải bị kết án do bốc thăm không.
Nhưng người ta vẫn cứ chơi bài, uống rượu, đề ra những dự án và đêm đêm vẫn hẹn hò ở chỗ hàng rào. Bây giờ thành phần tù nhân gần như hoàn toàn đổi khác, phần lớn là những “kẻ quá khích” và những “kẻ nổi khùng”* [Chỉ những người chủ trương cực đoan chống lại Robespierre. Lãnh tụ là Jacques Hébert (1757-1794), ông và nhiều đồng chí bị xử tử]. Phòng giam có mười tám giường vẫn là nơi lịch sự, tao nhã nhất. Trừ hai tù nhân vừa từ Luxembourg chuyển đến mà người ta nghi là những “con cừu”, tức bọn do thám, là các công dân Navette và Bellier, còn lại toàn là những người tử tế có thể tin cậy được. Họ nâng ly chúc mừng các chiến thắng của chế độ Cộng hòa. Trong nhóm cũng có một vài thi sĩ như thường thấy trong bất cứ tập hợp những người vô công rồi nghề nào. Những người khéo léo sáng tác và cường điệu ngâm những vần thơ ca ngợi các chiến công của đạo quân sông Rhin và được hoan hô ầm ĩ. Riêng ông Brotteaux chỉ khen ngợi qua quýt người chiến thắng và kẻ làm thơ ca tụng họ. Một hôm ông nói:
- Từ thời Homère đến nay, thi sĩ có thói quen kỳ lạ là ca tụng quân nhân, chiến tranh đâu có phải là một xảo năng, chính may rủi quyết định số phận của trận chiến. Hai ông tướng đối địch nhau dù cả hai đều ngớ ngẩn cũng phải có một ông thắng. Các bạn cứ chờ một ngày kia một vị đeo gươm mặc giáp mà bây giờ các bạn đang coi như thần thánh đến nuốt chửng các bạn như con sếu trong chuyện ngụ ngôn nuốt con nhái vậy. Lúc đó hắn mới thực là ông thần! Vì thần chính là kẻ tham ăn tục uống nhất.
Các chiến công rực rỡ không bao giờ làm ông Brotteaux xúc động, ông hoàn toàn không vui mừng trước những tin thắng trận của nền Cộng hòa mà ông đã dự đoán trước. Ông không ưa gì cái chế độ đã được củng cố bởi thắng lợi đó. Ông bất mãn. Đã có những người bất mãn vì một thiệt hại nhỏ hơn nhiều.
Một buổi sáng có tin Ủy ban An ninh sẽ khám xét các nơi giam giữ tù nhân để tịch thu tín phiếu, đồ vật bằng vàng, bạc, dao, kéo... Họ đã lục soát như vậy ở Luxembourg và lấy đi thư từ, giấy bút, sách vở.
Lập tức người ta nghĩ ra đủ mọi chỗ để cất giấu những gì người ta cho là quý nhất. Cha Longuemare vác từng ôm bản tự bào chữa giấu vào máng nước còn ông Brotteaux đem tập Lucrèce vùi dưới lớp tro trong lò.
Khi các ủy viên, cổ đeo băng tam tài, đến tịch thu thì họ chỉ thấy những thứ chẳng có lý do gì để mang đi cả. Họ vừa đi, cha Longuemare chạy vội đến máng nước để lấy lại những gì gió, mưa chưa cuốn trôi hết, còn ông Brotteaux rút khỏi đống tro tập thơ đã đen nhèm bồ hóng, ông nghĩ:
“Ta cần tận hưởng hiện tại vì có những dấu hiệu cho thấy thời gian còn lại của mình cũng chẳng còn bao lâu nữa”.
Một đêm mát trời tháng Đồng cỏ* [Tháng thứ chín theo lịch Cách mạng, khoảng tháng 5, tháng 6 dương lịch] vừng trăng với hai chiếc sừng bạc lơ lửng treo trong bầu trời mờ sáng phía trên sân nhà giam, ông Brotteaux đang ngồi trên một bậc thang đá đọc tập Lucrèce như thường lệ thì chợt nghe thấy tiếng gọi, một giọng phụ nữ tuyệt vời nhưng không biết là tiếng ai. Ông vội chạy ra sân thì thấy sau hàng rào một bóng người mà thoạt tiên ông không nhận ra. Thân thể nàng chan hòa màu xanh và ánh bạc; những đường nét mơ hồ duyên dáng của nàng khiến ông nhớ lại tất cả những phụ nữ ông đã từng yêu thương. Thế rồi ông chợt nhận ra cô diễn viên xinh đẹp ở phố Feydau, cô Rose Thévenin.
- Cô ở đây, cô bé! Nỗi vui mừng được gặp cô trong hoàn cảnh này thực cay đắng. Từ bao giờ và vì sao cô phải đến đây?
- Từ hôm qua.
Rồi cô thì thào:
- Em bị tố cáo là bảo hoàng. Họ buộc em tội âm mưu giải cứu hoàng hậu. Vì em biết ông ở đây, em vội tìm cách gặp ông. Nghe em nói, ông bạn của em..., ông có muốn em gọi ông như vậy không? Ngay ở đây em biết một số người, ngoài ra chắc chắn còn có những người có cảm tình với em ở trong Ủy ban Cứu quốc. Em sẽ tìm cách để các bạn em vận động: họ sẽ thả em, rồi em sẽ tìm cách cứu ông.
Nhưng ông Brotteaux vội vã nói:
- Điều thiết yếu nhất với cô, cô bé, là đừng làm gì hết! Không viết, không xin xỏ; không nhờ vả ai bất cứ điều gì, tôi khẩn cầu đấy, hãy để họ quên cô đi.
Nhưng hình như cô chưa hiểu hết lời ông vừa nói, ông khẩn khoản hơn:
- Hãy im lặng, Rose, cô cần để người ta quên hẳn cô đi, cô mà sống được chính là nhờ vậy. Các bạn cô càng hoạt động, họ càng đẩy cô tiến nhanh đến cái chết. Cần kéo dài thời gian. Chỉ còn ít, rất ít thời gian nữa thôi là cô thoát nạn... Nhất là đừng tìm cách làm họ xúc động, bọn thẩm phán, hội thẩm, một tên như Gamelin. Họ không phải là con người mà là đồ vật: không thể nói lý lẽ với đồ vật. Làm thế nào để họ quên cô. Cô bạn, nếu cô nghe lời tôi, tôi có chết cũng sung sướng vì đã cứu được cô.
Cô trả lời:
- Em xin vâng lời ông... Nhưng ông đừng nói đến chuyện chết nữa.
Ông nhún vai:
- Đời tôi hết rồi, cô bé. Cô hãy sống và mong cô hạnh phúc.
Cô nắm tay ông và đặt tay ông lên ngực mình:
- Nghe em nói, ông ơi... Em chỉ gặp ông có một ngày, nhưng đối với em, ông hoàn toàn không phải là người xa lạ. Và nếu điều em sắp nói đây có thể lại gắn bó ông với cuộc sống, xin ông hãy tin rằng: ông muốn em thế nào... thì em sẽ như vậy đối với ông.
Và qua hàng rào, họ hôn môi nhau.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét