Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 4

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


IV

Lúc đó là mười giờ sáng. Nắng tháng Tư phơi phới trên từng chiếc lá xanh non. Cơn giông ban đêm khiến không khí nhẹ nhàng, dễ chịu. Chốc chốc lại có một kỵ sĩ phóng ngựa trên phố Quả Phụ, phá tan bầu không khí yên tĩnh quạnh hiu. Bên lề con đường đầy bóng râm, quay lưng về phía túp nhà tranh có tên là Người đẹp thành Lille, Évariste ngồi đợi Élodie trên một chiếc ghế dài. Từ hôm mấy ngón tay họ chạm nhau trên chiếc khăn thêu, hơi thở họ quyện vào nhau, anh chưa trở lại tiệm Tình yêu họa sĩ. Tính khắc kỷ kiêu hãnh cùng với tính rụt rè cố hữu càng ngày càng thêm quá quắt đã khiến anh xa lánh Élodie suốt một tuần. Anh đã viết cho chị một bức thư trang nghiêm, ảm đạm, sôi nổi; anh nêu ra các tội lỗi của công dân Blaise; không đả động đến tình yêu, giấu kín nỗi đau đớn của mình, anh tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại tiệm bán tranh và tỏ thái độ kiên quyết mà không một người tình nào có thể chấp nhận.
Bản tính Élodie trái ngược với anh; mong muốn bảo vệ những gì đã có, chị nghĩ ngay đến việc gặp lại anh. Thoạt tiên chị tính đến nhà anh, đến xưởng vẽ ở quảng trường Thionville. Nhưng biết lòng anh phiền muộn, và qua bức thư, đoán là anh đang tức giận, chị sợ anh để mối hận trùm lên cả con lẫn bố, sẽ tìm cách không bao giờ gặp lại chị. Theo chị, cách tốt nhất là hẹn gặp anh, một cuộc hẹn hò lãng mạn mà anh không thể lẩn tránh, chị sẽ có đủ thì giờ làm anh vui và thuyết phục anh. Rồi nỗi cô đơn sẽ đồng minh với chị để cám dỗ, chiến thắng anh.
Hồi đó, tại các công viên thiết kế theo kiểu Anh và ở tất cả các nơi dạo chơi thời thượng, những kiến trúc sư tài năng thường dựng lên những mái nhà tranh để đáp ứng tính ham thích cảnh thôn dã của dân thành thị. Ngôi nhà Người đẹp thành Lille do một chủ tiệm giải khát phụ trách kết hợp được cảnh nghèo nàn giả tạo với những phế tích cũng giả tạo của một lâu đài cổ, làm cho vẻ đẹp thôn dã hài hòa với cảnh điêu tàn... Để làm xúc động những tâm hồn đa cảm, chủ tiệm còn dựng bên cạnh cây liễu một ngôi mộ và một chiếc cột, trên đặt một bình di cốt mang dòng chữ: “Cléonice gửi người chung tình Azor”. Nhà tranh, phế tích, ngôi mộ: trước khi suy tàn, giai cấp quý tộc đã dựng trong các khu lâm viên cha truyền con nối những biểu tượng về bần cùng, hủy diệt và tử vong. Và bây giờ các thị dân yêu nước lại thích chè chén, nhảy múa, yêu đương trong những ngôi nhà tranh giả đó, dưới bóng những tu viện giả, giữa những ngôi mộ giả vì tất cả đều coi thiên nhiên là bạn tình, đều là môn đồ của Jean-Jacques; đều có tấm lòng nhạy cảm và tinh thần triết học.
Đến nơi hẹn trước giờ đã định, Évariste ngồi đợi và giống như quả lắc đồng hồ, anh đo thời gian bằng nhịp đập của trái tim. Một đoàn tuần tra đi qua dẫn theo tù nhân. Mười phút sau, một phụ nữ mặc toàn đồ hồng tay cầm một bó hoa theo mốt mới cùng với một chàng kỵ binh mũ ba vành, mặc trang phục đỏ, áo vét và quần ngắn có sọc đi tới và lẻn nhanh vào nếp nhà tranh. Trông họ giống hệt những người tình dưới chế độ cũ. Thật đúng như nhận xét của công dân Blaise, trong con người có những tính chất mà các cuộc Cách mạng không thể thay đổi.
Một lúc sau, từ phía Rueil hay Saint-Cloud gì đó, một bà già đi tới, tay cầm một cái hộp hình viên trụ sơn màu sặc sỡ. Ngồi xuống chiếc ghế Gamelin đang ngồi, bà đặt cái hộp xuống trước mặt, trên nắp hộp có chiếc kim để bọn con nít quay số. Bà cụ bán bánh “khoái”, - tên gọi mới của một loại bánh ngọt đã có từ xưa. Không biết từ thời nào người ta gọi nó là bánh “cúng”; nhưng bây giờ không ai còn dùng tên này nữa có lẽ vì dùng mãi đâm chán hoặc vì nó làm ta nghĩ đến chuyện ơn huệ, nợ nần, cúng lễ không còn hợp thời nữa.
Bà cụ lấy tạp dề lau mồ hôi trên trán rồi bắt đầu than thở. Bà oán trách Thượng đế bất công bắt các sinh vật do Ngài tạo ra chịu khổ cực. Cụ ông trông coi một quán rượu ở Saint-Cloud còn cụ bà ngày nào cũng ngược lên Champs-Élysées, tay lắc chuông, luôn miệng rao “Bánh khoái đây, mời quý bà”. Khổ cực như vậy mà nào có nuôi nổi thân già.
Thấy chàng thanh niên có vẻ thông cảm, bà nói rất nhiều về nguyên nhân nỗi khổ của mình. Chính vì làm cho người giàu khánh kiệt, chế độ Cộng hòa đã làm kẻ nghèo mất miếng bánh. Cũng chẳng hy vọng rồi ra sẽ khá hơn, trái lại có nhiều dấu hiệu chứng tỏ tình hình sẽ ngày thêm nguy kịch. Ở Nanterre, một phụ nữ sinh con đầu rắn; ở Rueil sét đánh xuống nhà thờ và làm cháy cây thánh giá trên tháp chuông; ở rừng Chaville người ta trông thấy ma chó sói. Có những kẻ đeo mặt nạ rắc thuốc độc vào các con suối và tung vào không khí các thứ bột sinh bệnh.
Nhưng Évariste đã trông thấy Élodie từ trên xe nhảy xuống. Anh chạy lại. Mắt cô gái sáng long lanh dưới bóng mờ của chiếc mũ cói. Chị mỉm cười, đôi môi đỏ thắm như những bông cẩm chướng chị cầm trong tay. Một chiếc khăn quàng lụa đen vắt chéo qua ngực, thắt nút sau lưng. Dưới chiếc áo dài màu vàng, trên đôi bàn chân đi giày đế phẳng, hai đầu gối chị chuyển động thực nhanh nhẹn. Cách mạng đã giải phóng không bắt thân hình các nữ công dân bị gò bó, nhưng chiếc váy rộng lại còn phồng ra ở chỗ thắt lưng đã làm thay đổi hình dáng chị.
Anh muốn nói nhưng không tìm được lời; anh tự trách mình đã quá vụng về, nhưng Élodie lại thích thế hơn là thấy anh tiếp chị một cách thân mật. Chị còn nhận thấy và coi đó là dấu hiệu tốt, anh đã thắt cà vạt có nghệ thuật hơn trước. Chị vừa giơ tay ra nắm tay anh vừa nói:
- Em muốn gặp anh, muốn nói chuyện với anh. Em đã không trả lời thư anh vì nó làm em bực mình, em không thấy hình ảnh anh trong thư anh viết. Nếu anh viết tự nhiên hơn, bức thư sẽ dễ thương hơn. Em không tin rằng anh không muốn trở lại tiệm Tình yêu họa sĩ chỉ vì một chuyện cãi cọ không đâu về chính trị với một người nhiều tuổi hơn anh nhiều. Điều đó chỉ khiến người ta hiểu sai về tính tình và trí óc anh. Anh cứ tin chắc rằng anh không có gì phải e ngại rằng cha em sẽ không tiếp anh đàng hoàng khi anh trở lại nhà em. Anh chưa hiểu cha em đấy thôi. Ông không nhớ là đã nói gì và anh đã trả lời ra sao đâu. Đúng là hai người không ưa nhau, nhưng cha em không hiềm thù ai. Em cũng thấy cần nói thẳng là ông không quan tâm gì đến anh... và cả em nữa. Ông chỉ nghĩ đến chuyện làm ăn và chơi bời.
Chị đi về phía các bụi cây gần căn nhà tranh. Anh ngại ngùng đi theo chị vì biết đó là nơi hò hẹn của những mối tình mua bán, những chuyện yêu đương tạm bợ. Chị chọn chiếc bàn kín đáo nhất.
- Em có bao nhiêu chuyện cần nói với anh, anh Évariste. Em là bạn anh, chắc em có quyền, anh cho phép em sử dụng quyền đó chứ? Nếu anh muốn, em sẽ nói nhiều về anh... và chỉ nói ít về em.
Chủ tiệm mang ra một cái bình cùng với mấy chiếc ly. Chị rót nước ra ly như một bà nội trợ đảm đang. Rồi chị kể cho anh về tuổi thơ ấu của mình, về sắc đẹp của bà mẹ mà chị ca tụng vì bà là mẹ chị và nhan sắc của chị cũng do bà mà có. Chị đề cao tính kiên cường của ông bà mình, chắc là chị hãnh diện về dòng máu tư sản của mình. Người mẹ chị yêu thương đã mất năm chị sáu tuổi, từ đó chị sống không tình thương, không chỗ dựa. Chị tự mô tả mình thật đúng: linh hoạt, nhạy cảm, can trường, rồi chị nói tiếp:
- Anh Évariste, tuổi trẻ của em quá u sầu, quá cô đơn nên em không thể không thấy hết giá trị của một tấm lòng như tấm lòng anh. Em xin nói thẳng không bao giờ tự em, em quên đi mối thiện cảm anh dành cho em. Đối với em nó hết sức quý báu và em hoàn toàn tin tưởng ở nó.
Évariste âu yếm nhìn chị.
- Élodie, anh có thể hy vọng là em không hoàn toàn dửng dưng với anh không? Anh có thể tin?...
Anh ngừng lại sợ mình đã nói quá nhiều, sợ mình đã lợi dụng một tình bạn chân thành.
Chị đưa tay cho anh nắm, một bàn tay nhỏ nhắn, phúc hậu dưới những chiếc tay áo dài, hẹp, viền đăng ten. Ngực chị phập phồng, rung động.
- Anh cứ gán cho em, anh Évariste, mọi tình cảm anh muốn em có đối với anh. Chắc chắn là anh sẽ không lầm đâu.
- Élodie, Élodie, điều em nói em có dám nhắc lại không nếu em biết...
Anh ngập ngừng.
Chị cúi mặt nhìn xuống.
Và anh nói tiếp nhỏ hơn:
- ...rằng anh yêu em?
Nghe những lời nói cuối cùng đó, chị đỏ mặt vì vui thích. Và trong khi mắt chị ánh lên tất cả niềm hoan lạc êm đềm, chị vẫn không kìm được nụ cười hài hước làm nhếch khóe môi. Chị nghĩ: “Chắc anh chàng tưởng là anh đã tỏ tình trước!... và có lẽ anh sợ làm mình giận!...”.
Chị ngọt ngào nói:
- Vậy anh không biết, anh của em, là em cũng yêu anh?
Họ tưởng cả thế gian chỉ có mình họ. Trong lúc hứng khởi, Évariste ngước mắt nhìn bầu trời lấp lánh ánh sáng và màu xanh:
- Hãy nhìn kìa, bầu trời nhìn chúng ta! Bầu trời đáng mến, cũng hiền hậu như em, em yêu, bầu trời cũng rực rỡ, cũng dịu dàng, cũng có nụ cười của em.
Anh thấy mình hòa vào thiên nhiên, anh kết hợp thiên nhiên với niềm vui và vinh quang của mình. Dưới mắt anh, như để mừng buổi đính hôn của anh, các bông hoa dẻ sáng lên như những chùm nến, những cây dương cháy lên như những bó đuốc vĩ đại.
Anh hoan hỉ vì sức mạnh và sự lớn lao của mình.
Còn chị, dịu dàng và tinh tế hơn, mềm dẻo và linh hoạt hơn, chị hiểu ưu điểm của mình là sự yếu đuối, nên ngay sau khi chinh phục, chị phục tùng anh. Chị thừa nhận anh là ông chủ, là người anh hùng, là một vị thần và sẵn sàng vâng lời, ngưỡng mộ và hiến dâng. Dưới bóng một khóm cây, anh hôn chị, một cái hôn dài, nóng bỏng; chị ngả đầu, và trong hai cánh tay anh, chị cảm thấy tất cả da thịt mình chảy ra như sáp.
Họ còn nói chuyện rất lâu về chính họ, quên hết thế gian. Évariste diễn tả chủ yếu những ý tưởng mơ hồ và thuần khiết làm Élodie say đắm. Còn Élodie lại nói những điều dịu dàng, những chuyện cần thiết, riêng tư. Nhưng đã đến lúc chị thấy không thể nán lại lâu hơn được nữa, chị quyết định đứng dậy, tặng bạn ba bông cẩm chướng đỏ thắm mới nở ở cửa sổ phòng mình rồi nhanh nhẹn nhảy lên chiếc xe độc mã đã đưa chị đến nơi hò hẹn. Đó là một chiếc xe nhỏ sơn vàng, bánh rất cao. Chiếc xe, kể cả anh đánh xe không có gì đặc biệt. Nhưng Gamelin chưa bao giờ đi xe, và những người sống quanh anh cũng vậy. Nhìn chị ngồi trên chiếc xe hai bánh quay tít, lòng anh như thắt lại và một linh cảm đau đớn xâm chiếm tâm hồn anh: một thứ ảo giác hoàn toàn trí tuệ khiến anh cảm thấy chiếc xe ngựa thuê kia đang đưa nàng ra ngoài sự việc và thời gian hiện tại, đến một đô thị giàu có, vui nhộn, đến những ngôi nhà sang trọng, đầy hoan lạc, nơi anh sẽ không bao giờ đến.
Chiếc xe đã đi khuất. Cơn rối loạn của Évariste cũng tan dần nhưng nỗi lo sợ ngấm ngầm vẫn tồn tại. Anh cảm thấy những giờ phút yêu thương và quên lãng vừa qua, anh sẽ chẳng bao giờ được sống lại nữa.
Anh qua đại lộ Champs-Élysées. Có những phụ nữ mặc áo dài màu sáng đang ngồi trên các ghế gỗ, khâu vá hay thêu thùa trong khi con họ chơi dưới bóng cây. Một chị bán bánh khoái, tay bưng một chiếc hộp hình trống làm anh nhớ lại bà cụ bán bánh này ở đường Quả Phụ. Anh cảm thấy giữa hai lần gặp gỡ hình như cả một thời gian của cuộc đời anh đã trôi qua.
Anh đi ngang quảng trường Cách mạng; trong vườn điện Tuileries anh nghe thấy từ xa tiếng gầm kéo dài vô tận của những ngày vĩ đại trước đây, những tiếng nói đồng lòng, nhất trí mà bọn thù hằn Cách mạng quả quyết là đã tắt từ lâu rồi.
Trong tiếng la hét mỗi lúc một lớn dần, anh rảo bước đến phố Honoré đông nghẹt đàn ông, đàn bà đang hô lớn: “Cộng hòa muôn năm! Tự do muôn năm!”. Trên tường công viên, tại các cửa sổ, bao lơn, mái nhà đầy những người vẫy mũ, tung khăn. Đằng trước có một lính công binh dẹp đường, xung quanh có các thẩm phán, ủy viên thành phố, vệ binh quốc gia, lính pháo thủ, sen đầm, kỵ binh và theo sau là các công dân, một người từ từ tiến bước, một người có nước da bánh mật, đầu quấn một vòng lá sồi, mình mặc chiếc áo dài đã cũ màu xanh lá cây, cổ áo bằng lông chồn. Nhiều phụ nữ tung hoa lên người ông. Ông đảo đôi mắt vàng khè nhưng sắc bén nhìn khắp xung quanh như thể đang tìm trong đám đông đầy nhiệt tình những kẻ thù của nhân dân cần tố cáo, những tên phản bội phải trừng trị. Khi ông đi qua, Gamelin đầu để trần cũng hòa tiếng hô của mình với trăm nghìn tiếng khác:
“Marat muôn năm!”
Giống như thần Định mệnh, người chiến thắng bước vào phòng họp của Quốc ước. Trong khi dòng người từ từ diễu qua, Gamelin ngồi trên một cột mốc phố Honoré, lấy tay ôm ngực để ngăn bớt tiếng đập của trái tim. Quang cảnh vừa rồi làm anh xúc động cao độ và phấn khởi tột cùng.
Anh sùng bái, yêu thương Marat: ốm đau, bệnh tật, khắp mình lở loét, ông vẫn cống hiến chút lực tàn để phục vụ nền Cộng hòa. Anh nhớ lại trong căn nhà nghèo nàn ai cũng có thể vào được, ông đã dang cánh tay tiếp anh, nhiệt tình trao đổi với anh về lợi ích chung, đôi khi còn hỏi anh về mưu đồ của bọn gian ác. Anh sung sướng thấy kẻ thù của công lý càng hãm hại ông, ông càng chiến thắng vẻ vang. Anh ca ngợi Tòa án Cách mạng bằng hành động tha bổng người Bạn của nhân dân, đã trả lại cho Quốc ước một ủy viên lập pháp hăng hái nhất, trong sạch nhất. Mắt anh như thấy lại cái đầu sốt hầm hập, quấn một vòng lá tượng trưng lòng yêu nước, bộ mặt đầy vẻ kiêu hãnh đức độ và tình thương khắc nghiệt, bộ mặt bị giày vò, biến dạng, đầy sức mạnh, cái miệng mím, bộ ngực rộng; con người khỏe mạnh đang hấp hối đó từ đỉnh cao chiến thắng dường như đang nói với mọi công dân đồng bào của mình: “Noi gương tôi các bạn hãy yêu nước cho đến lúc chết!”.
Đường đã vắng tanh, bóng đêm trùm lên cảnh vật; bác đốt đèn đi qua với cây đèn lồng, Gamelin lẩm bẩm:
“Cho đến lúc chết!”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét