Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 6

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


VI

Mười giờ sáng. Không một luồng gió nhẹ. Chưa có tháng Bảy nào nóng như thế này. Trên phố Jérusalem chật hẹp khoảng một trăm công dân xếp hàng nối đuôi nhau trước tiệm bánh mì, dưới sự kiểm soát của bốn lính vệ quốc đang hút tẩu, súng đặt dưới đất.
Quốc ước đã ban hành sắc lệnh Tối đa. Lập tức bột mì biến mất trên thị trường. Như người Do Thái trên sa mạc, muốn có cái ăn, dân Paris phải dậy trước khi trời sáng. Trong hàng dài người đủ cả đàn ông, đàn bà, trẻ con, kẻ nọ đứng sát người kia dưới một bầu trời nóng như thiêu, như đốt. Sức nóng làm các chất thối rữa trong cống rãnh, mùi mồ hôi, mùi cáu ghét bốc lên nồng nặc. Họ gọi nhau, nhìn nhau với mọi thứ tình cảm có thể có đối với nhau: ác cảm, chán ghét, quan tâm, ham muốn, lãnh đạm. Kinh nghiệm cho biết không có đủ bánh cho mọi người nên kẻ đến sau muốn chen lên trước, người mất chỗ tức giận, hoài công kêu la về chuyện quyền lợi của mình bị coi rẻ. Đàn bà cũng điên cuồng xô lấn nhau để giữ chỗ hay giành chỗ tốt hơn. Nhiều người bị ép đến ngạt thở, lâu lâu lại có tiếng la: “Đừng có xô đẩy”. Nhưng ai cũng phản đối, ai cũng nói chính mình bị xô đẩy.
Để tránh cảnh hỗn loạn ngày nào cũng xảy ra, các ủy viên được phân khu phái đến đã có sáng kiến buộc vào cửa tiệm bánh mì một sợi thừng để mọi người nắm khi đứng trong hàng. Nhưng những bàn tay đặt quá gần nhau lại xô đẩy nhau và đã rời tay ra thì đừng mong nắm lại. Thế rồi bất mãn, bọn đùa dai cắt phăng sợi dây và sáng kiến trên cũng tiêu luôn.
Trong cái đuôi dài lê thê kia, người ta nghẹt thở tưởng chết, có kẻ bỡn cợt, có người nói năng nhăng nhít, hoặc chửi rủa bọn quý tộc, bọn liên bang, coi chúng là nguyên nhân của mọi điều bất hạnh. Một con chó chạy qua, có người gọi nó là con Pitt. Thỉnh thoảng vang lên một tiếng bạt tai: một nữ công nhân vả vào mặt một tên hỗn xược, trong khi gần đó một chị người làm còn trẻ bị một anh chàng ép chặt, mắt lim dim, miệng hé mở, thở hổn hển, yếu ớt. Mỗi khi thấy một lời nói, một cử chỉ, một dáng điệu có thể làm thức dậy cái tính thích nhả nhớt của những người Pháp đáng yêu thì một lũ thanh niên phóng túng lại hát rộ lên “Sẽ ổn cả”... Mấy ông già Jacobin kịch liệt phản đối, bực tức thấy bọn trẻ nhại một điệp khúc thể hiện đức tin Cộng hòa vào một tương lai công bằng, hạnh phúc để mô tả những chuyện lập lờ, bẩn thỉu.
Một bác vác thang đến dán trên bức tường đối diện với tiệm bánh mì một yết thị của Công xã loan báo việc cung cấp thịt theo định lượng. Nhiều người qua đường dừng lại đọc tờ giấy còn ướt hồ. Một bà bán bắp cải, sọt rau nặng trĩu trên lưng, giọng run run nói:
- Bò, bê đã hết sạch! Buộc bụng lại thôi!
Bỗng nhiên từ miệng cống bốc lên một mùi tởm lợm làm mấy người suýt nôn oẹ, một phụ nữ ngất xỉu được hai vệ binh khiêng đi đặt dưới một chiếc bơm cách đó vài bước. Mọi người bịt mũi, trao đổi với nhau, lo âu, khiếp sợ. Họ hỏi nhau không biết có ai chôn con vật gì ở đó, hay có người cố tình bỏ thuốc độc, hay đó là xác một tên quý tộc hoặc tu sĩ bị giết trong vụ tàn sát tháng Chín bị bỏ quên trong căn hầm kế cận.
- Vậy họ vứt xác vào đó à?
- Chỗ nào cũng vứt.
- Chắc là một trong những người chết ở Châtelet. Hôm mồng hai, mắt tôi trông thấy có đến ba trăm xác người chất đống trên Cầu Hối Đoái.
Người dân Paris rất sợ những kẻ đã chết trả thù, đầu độc họ.
Évariste Gamelin đến xếp tiếp vào hàng, anh không muốn mẹ già phải chờ đợi mệt mỏi. Ông láng giềng của anh là công dân Brotteaux cùng đi với anh vẫn điềm tĩnh, tươi cười, tập thơ Lucrèce vẫn nằm trong cái túi há miệng của chiếc áo đuôi tôm màu màu đỏ.
Ông già đáng yêu ca ngợi cảnh trước mắt, xem đó như một sinh hoạt dân gian đáng để một Téniers hiện đại cầm bút vẽ.
- Đám phu khuân vác, bọn đàn bà lẻo mép, - ông nói, - còn đáng yêu hơn những người Hy Lạp, La Mã mà các họa sĩ ngày nay thích thú. Riêng tôi bao giờ tôi cũng thích lối vẽ vùng Flandre.
Điều ông không nói ra, vì khôn ngoan và tế nhị, là trước đây ông có cả một phòng tranh với những bức họa Hòa Lan mà chỉ phòng tranh của ngài De Choiseul mới có thể so sánh về số lượng cũng như chất lượng.
- Chỉ có nghệ thuật cổ và phỏng cổ là đẹp. - Gamelin trả lời, - nhưng tôi cũng đồng ý với ông là các tranh sinh hoạt của Téniers, Steen, Ostade còn có giá trị hơn các đồ trang trí rẻ tiền của Watteau, Boucher hay Van Loo: con người có xấu đi nhưng không bị hạ thấp như trong những tranh của Boudouin hay Fragonard.
Một người rao tin vừa đi vừa rao:
“Thông báo của Tòa án Cách mạng!... danh sách những người bị kết án đây!”
- Một Tòa án Cách mạng chưa đủ, - Gamelin nói. - Mỗi thành phố phải có một tòa án... Tôi nói gì nhỉ? Mỗi thôn, mỗi xã cũng phải có. Mỗi người cha trong gia đình, mỗi công dân phải là một quan tòa. Khi quốc gia nằm trong tầm đại bác của kẻ thù, dưới lưỡi dao găm của bọn phản quốc thì khoan hồng cũng có tội như giết cha, giết mẹ. Ông thấy không? Lyon, Marseille, Bordeaux nổi dậy, đảo Corse làm loạn, vùng Vendée chìm trong khói lửa, Mayence, Valenciennes rơi vào tay liên quân, phản bội ở khắp các nông thôn, thành thị, trại quân, phản bội nằm ngay trong Hội đồng Quốc ước, phản bội ngồi trên ghế, tay cầm bản đồ, trong các Hội đồng tướng lĩnh...! Chỉ có máy chém mới cứu được Tổ quốc lâm nguy!
- Về căn bản tôi không phản đối máy chém, - ông già Brotteaux trả lời. - Thiên nhiên, người tình duy nhất, bà giáo duy nhất của tôi, không cho tôi thấy giá trị của đời sống con người, trái lại nó dạy tôi bằng nhiều cách là đời sống đó chẳng có giá trị gì. Cứu cánh duy nhất của mỗi con người có vẻ như là để trở thành thức ăn cho kẻ khác. Giết người là quyền tự nhiên, vậy án tử hình là chính đáng, miễn là ta không thi hành quyền đó vì đạo dức hay vì công lý, mà vì cần thiết hay để đạt được lợi ích nào đó. Tuy nhiên, chắc vì bản năng của tôi đã lệch lạc, tôi vẫn còn ghê tởm khi thấy máu chảy; đó là một điều đồi bại mà tất cả triết lý của tôi vẫn không sao sửa chữa nổi.
- Những người Cộng hòa rất nhân đạo, rất nhạy cảm. Chỉ có bọn bạo chúa mới chủ trương án tử hình là một biểu hiện cần thiết của quyền uy. Ngày nào nhân dân có quyền tối thượng, nó sẽ được xóa bỏ. Robespierre đã chống lại nó, những người yêu nước cũng đồng tình với ông. Chẳng bao lâu đạo luật bãi bỏ án tử hình sẽ được ban hành. Nhưng đạo luật sẽ chỉ được áp dụng khi kẻ thù cuối cùng của nền Cộng hòa bị thanh gươm pháp luật tiêu diệt.
Sau Gamelin và Brotteaux lại có thêm những người đến trễ: một cô thợ dệt cao lớn, đẹp, đầu quấn khăn, đi guốc, đeo gươm chéo qua vai; một cô khác với mái tóc vàng bù xù, chiếc khăn che đầu nhàu nát; một bà mẹ còn trẻ, xanh xao, gầy còm đang cho con bú, một đứa bé ốm nhách, khẳng khiu.
Đứa bé bú không ra sữa mẹ gào lên, nhưng tiếng gào quá yếu bị tiếng khóc nức nở át đi.
Người mẹ mắt đỏ hoe đau đớn nhìn con.
- Cháu còn nhỏ quá, - Gamelin vừa nói vừa quay lại đứa bé đang rên rỉ vì bị đám đông ép đến ngạt thở phía sau lưng anh.
- Cháu mới sáu tháng. Thực khổ cho cháu... Cha cháu đang ở trong quân ngũ. Anh thuộc số binh sĩ đã đánh lui quân Áo ở Condé. Tên anh là Michel Dumonteil, trước anh làm thư ký ở xưởng dệt da. Anh xin tòng quân tại một rạp hát người ta dựng lên trước Tòa thị chính. Người chồng khốn khổ của em muốn bảo vệ Tổ quốc và đi xem đất nước... Anh khuyên em gắng chờ. Nhưng ông thấy đấy, em làm sao nuôi được Paul, tên cháu là Paul, khi nuôi mình còn không nổi.
- Ôi chao! - Cô gái đẹp có mớ tóc vàng kêu lớn. - Chắc phải một giờ nữa mới xong, rồi chiều nay lại phải đi diễn cái trò này trước cửa hàng đồ khô. Dám chết mới mua được ba quả trứng và một chút bơ.
- Có bơ à, - nữ công dân Dumonteil than thở, đến ba tháng nay tôi chẳng thấy mặt mũi nó.
Rồi cả đám phụ nữ rên rẩm than phiền về thực phẩm khan hiếm, đắt đỏ, nguyền rủa bọn lưu vong và chỉ muốn chém sạch bọn ủy viên quân khu vì những chuyện bẩn thỉu đã cung cấp cho lũ đàn bà hư hỏng nào gà béo, nào bánh mì nặng tới bốn livre* [Khoảng gần 2 kg]. Họ kháo nhau về chuyện những con bò bị dìm chết ở sông Seine, những bao bột bị trút xuống cống, những chiếc bánh mì quẳng vào hố tiêu... Đúng là tay chân của bọn bảo hoàng, bọn theo Roland, Brissot đang âm mưu tiêu diệt nhân dân Paris.
Đột nhiên cô gái đẹp có mớ tóc vàng đầu đội khăn vuông kêu ầm lên rồi giũ váy, lộn túi, nói có kẻ móc mất ví cô.
Cả đoàn người đang đứng xếp hàng vô cùng phẫn nộ; họ đã từng phá phách các biệt thự ở khu Saint-Germain, chiếm điện Tuileries mà không thèm lấy một thứ gì; những thợ thủ công, những bà nội trợ đó sẵn sàng đốt lâu đài Versailles nhưng coi việc lấy ở đó một chiếc kim cũng là điều sỉ nhục. Thấy cô gái đẹp bị mất cắp, mấy chàng thanh niên phóng đãng đã định đưa ra những lời trêu chọc độc ác nhưng phải câm miệng vì quần chúng đang ồn ào giận dữ. Có người đề nghị treo cổ tên ăn cắp lên cột đèn. Sau đó một cuộc điều tra hỗn loạn, đầy ác ý bắt đầu. Cô thợ dệt cao lớn chỉ vào một ông già có người ngờ là một tu sĩ, cả quyết đúng lão thầy tu dòng Capucin* này là tên ăn cắp. Thế là đám đông la ó đòi đánh chết ông.

*[Capucin là một nhánh dòng tu thánh François (dòng Phan Sinh) hay còn gọi là dòng Anh em hèn mọn Capucin]

Ông già bị tố cáo lúc đó đang hiền lành đứng trước công dân Brotteaux. Đúng là xét bề ngoài ông giống như một người trước đây đã đi tu. Ông vẫn còn vẻ khả kính nhưng bạo hành của đám đông và những kỷ niệm nóng hổi của những ngày tháng Chín bắt đầu làm ông lo ngại, vẻ sợ sệt lộ trên nét mặt ông càng khiến cho mọi người ngờ vực. Họ nghĩ chỉ có tội mới sợ, họ đâu có biết chính việc buộc tội vô lý, vội vã đã khiến những người hoàn toàn vô tội cũng phải kinh hoàng.
Ông Brotteaux lâu nay vẫn đề ra nguyên tắc là không làm trái ý nhân dân nhất là lúc họ tỏ ra vô lý và tàn bạo “vì lúc đó, - ông nói, - tiếng nói của nhân dân là tiếng nói của Thượng đế”. Nhưng ông cũng có tật là tiền hậu bất nhất; ông bộc trực nói ngay là người đứng trước ông, dù là tu sĩ hay không tu sĩ, không thể móc túi nữ công dân vì không lúc nào đứng gần cô.
Quần chúng lập tức kết luận kẻ bênh vực tên ăn cắp là tên tòng phạm và họ bàn cách xử lý thực nghiêm hai tên lưu manh. Gamelin vội đứng ra bảo đảm cho ông Brotteaux; mấy người tương đối ôn hòa liền đưa ra ý kiến giải cả anh và hai tên kia ra phân khu.
Nhưng cô gái đột nhiên kêu lên là đã tìm thấy chiếc ví. Thế là những tiếng cười chế giễu nổi lên và có người dọa nọc chị ra đánh đòn.
- Thưa ông, - nhà tu hành nói với ông Brotteaux, - xin cám ơn ông đã bênh vực tôi. Tên tôi thực không đáng nói đến nhưng tôi cũng phải thưa với ông: tôi là Louis de Longuemare. Tôi là tu sĩ thực sự chứ không phải tu sĩ dòng thánh François như mấy bà ấy nói. Tôi là tăng lữ dòng Barnabites, một dòng tu đã cung cấp cho Giáo hội không biết bao nhiêu là tiến sĩ và các vị thánh. Vị sáng lập ra dòng tu không phải là thánh Charles Borromée như người ta tưởng mà là thánh tông đồ Paul vì ta thấy tên tắt của Người trên các huy hiệu của dòng. Tôi buộc phải rời bỏ tu viện vì tu viện đã trở thành trụ sở của phân khu Cầu Mới và đành mặc bộ đồ thế tục.
- Thưa cha, - Brotteaux vừa nói vừa ngắm chiếc áo choàng của de Longuemare, - bộ đồ cha đang mặc đủ chứng tỏ cha chưa từ bỏ chức vụ, cha đã cải đạo dòng tu chứ không rời bỏ nó. Chính cái bề ngoài khắc khổ đã khiến cha bỗng dưng bị đám dân chúng vô thần sỉ nhục.
- Dù sao tôi cũng không thể mặc bộ đồ xanh như một vũ công!
- Điều tôi nói về bộ đồ của cha chính là để tỏ lòng cảm phục tư cách của cha và để lưu ý cha tránh những tai họa có thể gặp.
- Thưa ông, trái lại, ông nên khuyến khích tôi công bố rõ đức tin của mình. Tôi đã quá sợ nguy hiểm. Tôi đã từ bỏ chiếc áo tu sĩ, đó là một hành động bội giáo, nhưng tôi vẫn không muốn rời bỏ ngôi nhà mà Thượng đế đã cho tôi được hưởng trong bao nhiêu năm một cuộc sống bình an, ẩn dật. Tôi được người ta cho phép ở lại trong một phòng nhỏ trong khi cả nhà thờ và dãy hành lang biến thành một thứ tòa thị chính nhỏ gọi là phân khu. Tôi đã trông thấy, thưa ông, tôi đã trông thấy người ta dùng búa đập nát các biểu tượng của chân lý thần thánh; tôi đã trông thấy tên của tông đồ Paul thay bằng chiếc mũ chụp của một tên tù khổ sai. Có khi tôi còn dự các buổi họp bí mật của phân khu ở đó người ta phát biểu những điều lầm lẫn kỳ lạ. Cuối cùng tôi đành rời bỏ thánh đường bị uế tạp để sống bằng tiền trợ cấp một trăm pistole trong một chuồng ngựa trống vì tất thảy cả bầy ngựa đã bị quân đội trưng dụng. Ngay tại chuồng ngựa tôi đã làm lễ cho vài tín đồ đến khẳng định tính vĩnh cửu của giáo hội Kitô.
- Còn tôi, thưa cha, nếu cha muốn biết tên, tôi là Brotteaux, trước đây là quan thu thuế.
- Thưa ông, - cha Longuemare đáp, - theo gương thánh Matthieu tôi biết mình có thể chờ những lời nói hay của một quan thu thuế.
- Cha ngay thật quá.
- Công dân Brotteaux, - Gamelin lên tiếng, - nhân dân ta tốt thật, họ thật đáng ca ngợi, thà chịu đói ăn chứ không chịu đói công lý: ai cũng sẵn sàng chịu mất chỗ để trừng trị tên ăn cắp. Những người đàn ông, đàn bà đó nghèo nàn, thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng họ vẫn cực kỳ lương thiện, họ không dung thứ bất kỳ một hành vi bất lương nào.
- Ta phải thấy, - Brotteaux đáp lại, - vì muốn treo cổ tên ăn cắp, những người đó có thể làm hại một nhà tu hành lương thiện, người bênh vực ông ta và cả người bênh vực người bênh vực. Họ làm như vậy chính vì họ keo kiệt, chỉ nghĩ đến lợi riêng: họ nghĩ tên ăn cắp làm thiệt một người là đe dọa mọi người nên khi trừng trị hắn, họ bảo vệ chính mình... Nói cho công bằng, chắc phần lớn những người lao động và các bà nội trợ đều ngay thẳng, đều tôn trọng tài sản của người khác. Những đức tính đó được các ông bố, các bà mẹ trau dồi từ khi họ còn nhỏ bằng cách nọc ra đánh đòn nhiều lần. Đạo đức đã đến với họ qua mông đít.
Gamelin không giấu giếm là những lời phát biểu vừa rồi thực không xứng đáng với một triết gia.
- Đạo đức, - anh nói, - là bản tính con người; Thượng đế đã gieo mầm đạo đức vào trái tim người.
Nhưng Brotteaux là người vô thần và chủ nghĩa vô thần đã mang lại cho ông một nguồn khoái lạc vô tận.
- Công dân Gamelin, đối với những việc trên mặt đất anh là người cách mạng, nhưng đối với trời anh lại là phần tử bảo thủ, thậm chí phản động nữa. Robespierre và Marat cũng không khác gì anh. Tôi cũng thấy rất lạ là người Pháp chúng ta một mặt không chịu đựng nổi một ông vua một ngày nào đó sẽ chết lại cứ nhất định giữ lại một ông vua bất tử chuyên chế bạo ngược hơn nhiều. Thử hỏi ngục Bastille, cả tòa án đặc biệt nữa đã là cái gì so với địa ngục? Nhân loại tạo ra các thần linh của họ qua hình ảnh các tên bạo chúa, còn các anh, các anh vứt bản chính để giữ lại bản sao!
- Công dân, - Gamelin nói lớn, - nói thế ông không thấy xấu hổ sao? Tại sao ông lại lẫn lộn các thần linh đen tối do ngu dốt, sợ hãi tạo ra với Tác giả của muôn loài? Lòng tin vào một Thượng đế nhân từ rất cần cho đạo đức. Đấng Tối cao chính là nguồn gốc của mọi đức tính và chúng ta không thể là người Cộng hòa nếu ta không tin vào Thượng đế. Robespierre hiểu rất rõ điều đó nên đã cho rời khỏi phòng họp của nhóm Jacobin tượng bán thân của triết gia Helvétius, người có tội là đã khiến người Pháp sẵn sàng chấp nhận cách sống nô lệ bằng cách dạy họ chủ nghĩa vô thần... Công dân Brotteaux, tôi hy vọng khi chế độ Cộng hòa thiết lập xong việc thờ phụng Lý trí, ông sẽ bằng lòng gia nhập một thứ tôn giáo đúng đắn như vậy.
- Tôi yêu lý trí, nhưng tôi không yêu nó một cách cuồng tín. Lý trí chỉ đường, soi sáng chúng ta, nhưng khi anh biến lý trí thành một thần linh, nó sẽ làm các anh mù quáng và xui các anh gây tội ác.
Ông tiếp tục lập luận. Chân giẫm trong rãnh nước, như ông đã từng làm trước kia khi ngồi trên chiếc ghế bành sơn son thiếp vàng của nam tước Holbach. Có lần ông đã nói chính chiếc ghế bành là nền tảng của triết học tự nhiên.
- Jean-Jacques Rousseau kể ra cũng có một vài tài lẻ, nhất là về âm nhạc. Nhưng ông chỉ là một tác giả hạng bét khi ông cho là đạo đức mà ông chủ trương được rút ra từ thiên nhiên trong khi thực sự ông đã rút nó ra từ các nguyên lý của Calvin*. Thiên nhiên dạy chúng ta cắn xé nhau và nêu ra những tấm gương của đủ thói hư, tật xấu của mọi tội ác mà xã hội tìm cách sửa chữa hay che đậy. Ai cũng phải yêu mến đạo đức, nhưng cũng cần biết đạo đức chẳng qua chỉ là thủ đoạn con người bày đặt ra để có thể chung sống với nhau một cách tiện lợi. Cái mà chúng ta gọi là đạo đức chỉ là một mưu toan tuyệt vọng của con người chống lại trật tự của thiên nhiên, trật tự đó là đấu tranh, là tàn sát và sự va chạm mù quáng giữa các lực lượng đối kháng nhau. Đạo đức sẽ tự tiêu diệt và càng nghĩ đến điều đó tôi lại càng nghĩ là vũ trụ điên khùng, chính vì các triết gia, các nhà thần học coi Thượng đế là tác giả của thiên nhiên, là kiến trúc sư của vũ trụ, họ làm cho ta thấy Người thực phi lý và độc ác. Họ bảo Người tốt vì họ sợ Người, nhưng họ vẫn buộc phải thừa nhận Người có những hành động hung bạo. Người lại có tính quỷ quyệt mà con người ít khi có. Và chính bằng cách ấy họ làm ta tôn thờ Người trên trần thế này. Loài người khốn khổ chúng ta đâu có tôn thờ các thần công bằng, nhân hậu; vì thấy vô ích, không bao giờ chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với ân huệ của các vị thần đó. Không có địa ngục và lễ rửa tội, Thượng đế chỉ còn là một lão già đáng thương.

*[Jean Calvin (1509-1564): là người Pháp ở thế kỷ XVI chủ trương cải cách đạo Thiên chúa cho hợp với tính chất nguyên thủy của đạo]

- Thưa ông, - linh mục Longuemare nói, - xin ông đừng nói về thiên nhiên, ông có hiểu thiên nhiên là gì đâu.
- Nhưng tôi hiểu thiên nhiên cũng như cha, thưa cha!
- Ông không thể hiểu được vì ông không có tôn giáo, chỉ có tôn giáo mới cho ta biết thiên nhiên là gì, thiên nhiên tốt ở mặt nào và tại sao nó sa đọa. Nhưng đừng chờ đợi tôi giải đáp. Thượng đế không ban cho tôi lời nói đủ nhiệt tình, lý trí đủ sức mạnh để bác bỏ các sai lầm của ông. Tôi non kém nên sợ tạo điều kiện cho ông báng bổ và khiến ông chai cứng thêm, kết quả lòng kính Chúa, thương người của tôi sẽ chỉ là...
Câu nói gián đoạn vì tiếng ồn ào từ đầu đoàn người xếp hàng. Tiệm bánh mở cửa, mọi người từ từ nhích lên. Một vệ binh đứng trông cho từng người vào. Ông chủ tiệm, bà chủ và cậu con được hai ủy viên dân sự đeo băng tam tài giúp bán bánh, kiểm soát người mua có thực ở trong phân khu không và bánh giao có đúng số nhân khẩu từng nhà hay không.
Công dân Brotteaux coi việc tìm thú vui là cứu cánh duy nhất của cuộc đời: ông cho là vì không có thần thánh, lý trí và giác quan, những quan tòa duy nhất, không thể quan niệm một cứu cánh khác được.
Ông thấy chàng họa sĩ hơi cuồng tín còn nhà tu hành lại quá giản đơn, nói chuyện với họ chẳng hứng thú gì lắm. Để phù hợp với tính cách cũng như chủ nghĩa của mình, để giải trí trong lúc thời gian chờ đợi còn dài, con người hiền triết đó nên rút ra khỏi cái túi há miệng của chiếc áo đuôi tôm màu nâu đỏ tập Lucrèce, tập thơ lúc nào cũng gây cho ông một nỗi hân hoan vô tả. Quyển sách bọc da đỏ đã mòn, công dân Brotteaux còn cẩn thận cạo sạch cái huy hiệu hình ba hòn đảo màu vàng, đã được mua bằng những đồng denier đẹp đẽ từ hồi ông thân sinh ra ông cũng là quan thu thuế còn sống. Ông mở tập thơ đúng đoạn nhà thơ kiêm triết gia muốn chữa con người khỏi bệnh tương tư vô nghĩa mô tả cảnh một thiếu nữ và các con hầu trong một tình huống làm mọi kẻ si tình đều cảm thấy bị xúc phạm. Ông đọc thơ nhưng mắt vẫn không rời khỏi chiếc gáy với những sợi tóc vàng, mũi vẫn khoan khoái ngửi mùi da đẫm mồ hôi của cô gái đẹp đứng trước ông. Thi sĩ Lucrèce chỉ đơn thuần là hiền nhân, học trò ông là Brotteaux đa dạng hơn nhiều.
Ông tiếp tục đọc, mỗi khắc nhích lên được hai bước. Nhịp điệu trầm lắng của Nàng thơ La-tinh vang lên trong tai ông, át tiếng eo sèo của mấy bà lắm điều vì bánh, đường, cà phê, nến, xà bông mỗi ngày một giá. Đằng sau ông, Gamelin đã nhìn thấy hình bó lúa vàng trên những chấn song sắt cửa tiệm.
Rồi đến lượt anh. Các ngăn, các thúng đã sạch trơn. Ông chủ đưa anh miếng bánh duy nhất còn lại không cân đủ hai livre. Anh trả tiền xong, cửa tiệm đóng sập lại sợ đám đông nhộn nhạo tràn vào. Nhưng chuyện đó không xảy ra: những con người đau khổ đó đã được bọn áp bức cũ và những kẻ giải phóng mới giáo dục tinh thần phục tùng, lầm lũi giải tán, đầu cúi thấp, chân bước nặng nề.
Ra đến góc phố, Gamelin trông thấy nữ công dân Dumonteil ôm con nhỏ trên một cột mốc. Chị ngồi bất động, nước mắt ráo hoảnh, cái nhìn trống rỗng. Gamelin đứng một lúc trước mặt chị, rụt rè, bất định và chị dường như không trông thấy anh. Anh ấp úng vài lời rồi rút trong túi ra một con dao nhỏ có cán bằng đồng, anh cắt đôi miếng bánh mì, đặt một nửa lên đầu gối chị. Chị nhìn theo anh ngạc nhiên, nhưng anh đã rẽ sang đường khác.
Khi về đến nhà, anh thấy mẹ ngồi bên của sổ đang mạng bít tất. Anh vui vẻ đặt miếng bánh vào tay mẹ:
- Mẹ tha lỗi cho con, mẹ yêu quý. Vì đi mãi mệt quá, trời lại nóng, con cứ miếng một ăn hết phần của con. Bây giờ còn chưa đủ phần của mẹ.
Và anh làm bộ lấy tay phủi những mẩu bánh vụn còn vương trên áo.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét