Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 10

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


X

Sáng thứ Bảy vào khoảng bảy giờ, ông Blaise lấy cán chiếc roi ngựa gõ vào cửa phòng vẽ. Ông ăn mặc rất chỉnh tề: mũ hai múi đen, gilê hồng điều, quần ngắn bằng da và bốt vàng có ve. Lúc đó bà quả phụ Gamelin đang nói chuyện thân mật với công dân Brotteaux, còn Évariste thì đang đứng trước tấm gương nhỏ thắt chiếc cà vạt màu trắng.
- Chúc các vị lên đường bình an, ông Blaise! - Nữ công dân nói. - À mà này, đi vẽ thì ông cũng nên mời thêm ông Brotteaux. Ông Brotteaux cũng là họa sĩ.
- Nếu vậy, công dân Brotteaux, mời ông đi cùng với chúng tôi.
Thấy mình đi cũng chẳng phiền cho ai, ông Brotteaux, con người thích giao du và cũng thích đi chơi, vui vẻ nhận lời.
Nữ công dân Élodie cũng chịu khó leo lên bốn tầng lầu để ôm hôn bà Gamelin và gọi bà là mẹ thân yêu. Chị bận toàn đồ trắng, mùi hương oải hương tỏa ra thơm ngát. Một cỗ xe song mã cũ có hòm, mui được hạ xuống, đang đợi ở quảng trường. Rose Thévenin đang ngồi sẵn phía sau cùng cô Julienne Hasard. Élodie xếp chị diễn viên ngồi bên phải, mình ngồi bên trái và đặt cô Julienne mảnh dẻ ngồi giữa. Ông Brotteaux cũng ngồi phía sau xe đối diện với cô Thévenin, Philippe Dubois ngồi đối diện với cô Hasard còn Évariste thì ngồi trước Élodie. Philippe Desmahis, chàng trai có thân hình lực sĩ, ngồi trước xe bên cạnh người đánh xe; anh ba hoa kể chuyện cho anh này nghe về một nước nào đó bên châu Mỹ dồi heo và xúc xích mọc lủng lẳng trên cây.
Ông Blaise xứng đáng là một kỵ sĩ thực thụ; ông cưỡi ngựa suốt dọc đường và lúc nào cũng đi trước để tránh hít bụi.
Chiếc xe lăn đến ngoại ô và khách du lịch bắt đầu quên bẵng lo âu, phiền muộn. Nhìn cánh đồng trải dài, ngắm cây cỏ, bầu trời, họ trở nên vui tươi, thoải mái hơn. Élodie tự nhiên có ý nghĩ mình sinh ra để nuôi gà bên chàng Évariste hội thẩm dân sự ở một làng quê yên tĩnh cạnh một con sông và một khu rừng nhỏ. Những cây du non bên đường lùi dần, lùi dần mãi. Khi qua một ngôi làng, những con chó to lớn chạy bổ vào chiếc xe và sủa inh ỏi giữa chân ngựa; một con chó épagneul* [tên một giống chó săn] đang nằm giữa đường uể oải đứng dậy như luyến tiếc, nhường chỗ cho xe qua; những chị gà mái nhớn nhác bay qua đường trong khi các chú ngỗng vẫn chậm rãi đi thành hàng. Nhiều đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc nhìn đoàn người đi qua.
Sáng hôm đó nóng, bầu trời trong xanh, mặt đất nứt nẻ chờ mưa.
Đến gần thị trấn Villejuif, họ xuống xe. Desmahis vào nhà một cô bán hoa quả để mua anh đào cho cả đoàn. Cô bán hàng thực xinh đẹp và không thấy anh chàng trở ra nữa. Philippe Dubois dùng ngay biệt danh các bạn thường dùng để gọi anh:
- Barbaroux! Barbaroux!
Nghe thấy cái tên gớm ghiếc đó, nhiều người qua đường vểnh tai lên nghe, có những bộ mặt thò ra ngoài cửa sổ. Và khi họ thấy một chàng trai trẻ đẹp từ nhà cô bán hoa quả đi ra, áo vét còn hở phanh, chiếc khăn che ngực bay phấp phới trên bộ ngực lực sĩ, vai vác một sọt anh đào thì họ cho y đúng là tên Girondins đang bị lưu đày và túm ngay anh ta lại, định giải ra Hội đồng thị xã mặc dầu anh phản đối điên cuồng. Cũng may là ông Brotteaux, Gamelin và ba cô gái đều xác nhận anh là công dân Philippe Desmahis làm nghề khắc trổ và là một Jacobin thực thụ. May hơn nữa là anh xuất trình được chứng chỉ ái quốc, đúng là điều bất ngờ vì anh ít chú ý đến việc đó. Nhờ vậy anh thoát khỏi tay các công dân yêu nước, chỉ bị rách một bên măng-sét viền đăng ten, một thiệt hại không đáng kể. Các vệ binh quốc gia còn xin lỗi anh, ôm hôn anh và định công kênh anh ra hội đồng thị trấn.
Khi đã được trả tự do và có mấy cô gái vây quanh, Desmahis cười chua chát, cảnh cáo Phillippe Dubois mà anh không ưa và anh nghĩ là định hại anh:
- Dubois, nếu từ nay mày còn gọi tao là Barbaroux, tao sẽ gọi mày là Brissot, cái thằng cha thấp bé và lố bịch, tóc, da bóng nhẫy, bàn tay lúc nào cũng ướt. Chúng nó sẽ cho mày đúng là thằng khốn kiếp Brissot, kẻ thù của nhân dân, và những người Cộng hòa kinh sợ, ghê tởm mày sẽ treo cổ mày lên cột đèn... Mày hiểu chứ?
Công dân Blaise vừa cho ngựa uống nước xong nói với mọi người là ông đã thu xếp sự vụ mặc dầu ai cũng hiểu sự vụ đã được thu xếp mà ông không hề có mặt.
Mọi người lại lên xe. Trên đường, Desmahis cho anh đánh xe biết chính tại khu đồng bằng Longjumeau này, xưa kia có nhiều người từ mặt trăng rơi xuống. Về hình dáng, màu sắc, chúng giống loài ếch nhưng cao lớn hơn nhiều.
Philippe Dubois và Gamelin bàn về nghệ thuật. Dubois là học trò họa sĩ Régnault và đã từng qua Rome, ở đó anh đã có dịp xem các bức thảm treo tường của Raphael mà anh đánh giá là đứng trên mọi tác phẩm. Anh ca ngợi màu sắc của Corrège, sức sáng tạo của Anniball Carrache và hình vẽ của Dominiquin, nhưng cho rằng về phong cách thì không gì sánh kịp các bức họa của Pompeio Battoni. Ở Rome, anh cũng đã giao du với ông Ménageot và bà Lebrun nhưng không đả động đến các họa sĩ đó vì họ phản đối Cách mạng. Anh cũng ca ngợi Angelica Kauffmann, người được anh đánh giá là có óc thẩm mỹ trong sáng và hiểu biết về nghệ thuật cổ.
Về phần Gamelin, anh than phiền là nền hội họa Pháp đã đạt đến đỉnh cao chói lọi tuy muộn màng với Le Sueur, Claude và Poussin đúng vào lúc các trường phái Ý và Flandre suy tàn, nhưng ngay sau đó nó tụt xuống dốc vừa nhanh vừa sâu. Theo anh, nguyên nhân là do phong tục tập quán và hội Văn học - Nghệ thuật cũng có phần trách nhiệm. Cũng may mà Cách mạng đã giải tán Hội. David và trường phái của ông đã chịu ảnh hưởng của những nguyên lý mới nên đã xây dựng một nền nghệ thuật mới, một nền nghệ thuật xứng đáng với một dân tộc tự do. Trong các họa sĩ trẻ, Gamelin đặt Hennequin và Topino-Lebrun lên hàng đầu, còn Philippe Dubois thích ông thầy của mình là Régnault hơn David và cho rằng họa sĩ trẻ Gérard là niềm hy vọng của ngành hội họa.
Élodie khen ngợi nữ công dân Thévenin về chiếc nón không vành bằng nhung đỏ và chiếc áo dài trắng của chị, còn cô diễn viên lại ca ngợi hai bạn đồng hành về cách ăn mặc của họ và hướng dẫn họ cách thức làm tăng sắc đẹp. Theo chị, không nên quá cầu kỳ.
- Phụ nữ chưa bao giờ biết ăn mặc thực đơn giản. Điều đó, chúng tôi học được ở nhà hát: quần áo phải phô bày được hết dáng đi đứng, đường nét của chúng ta. Đẹp là thế và không có vẻ đẹp nào khác.
- Chị nói đúng, bà chị xinh đẹp của em, - Élodie trả lời. - Nhưng càng đơn giản càng tốn kém. Không phải vì không biết cách ăn mặc mà phải thêm mấy cái tua, mấy cái diềm vào quần áo; có khi vì tiết kiệm.
Họ say sưa bàn bạc về thời trang mùa thu, những chiếc áo dài trơn, những chiếc áo cánh ngắn.
- Bao nhiêu phụ nữ xấu đi vì sính thời trang! - Thévenin nói. - Ăn mặc thế nào là phải theo dáng người.
- Chỉ có lấy tơ lụa quấn lên người là đẹp, - Gamelin tham gia ý kiến. - Còn phải cắt, phải may thì thứ quần áo nào cũng xấu cả.
Những quan điểm đó nếu ghi trong một tập sách của Winckelmann thì có lẽ đúng chỗ nhưng từ miệng một anh thanh niên nói với mấy cô thiếu nữ Paris thì lập tức bị bác bỏ bằng thái độ lãnh đạm, coi thường.
- Mùa đông này, - Élodie nói, - người ta đã may những áo choàng kiểu laponne bằng lụa Florence hay lụa Sicile, những áo đuôi tôm thân tròn ngoài phủ gilê theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ.
- Đây là những áo choàng, có bán sẵn, - Thévenin nói. - Tôi quen một chị may quần áo cực giỏi và giá cũng phải chăng. Tôi sẽ giới thiệu chị ấy với cô em.
Những lời lẽ đó được trao đổi ríu rít, nhẹ nhàng trong khi xe chạy làm tung bay những tà áo mỏng bằng the, lụa Florence sọc, lụa Bắc Kinh trơn...
Nghe họ líu lo trò chuyện, ông Brotteaux hứng thú nhưng cũng buồn bã nghĩ đến những tấm áo mỏng đắp lên những thân hình đẹp nhưng chóng tàn tạ, luôn luôn tái sinh như những bông hoa trên đồng ruộng. Và cặp mắt ông, tươi cười đẫm nước mắt, lướt qua ba phụ nữ trẻ để ngắm những bông xa cúc lam, hoa mào gà mọc trong các luống cày.
Đến Orangis vào khoảng chín giờ, họ dừng lại ở quán “Quả Chuông”, nơi vợ chồng ông Poitrine cho trọ cả người lẫn ngựa, ông Blaise đến trước đã rửa mặt mũi mát mẻ giơ tay đón các phụ nữ xuống xe. Sau khi gọi bữa ăn trưa, cả đoàn người, lỉnh kỉnh những hộp màu, bìa cứng, giá vẽ do một chú bé trong làng vác đi trước, đi bộ qua những cánh đồng đến nơi hợp lưu của hai dòng sông nhỏ Orge và Yvette, một nơi tuyệt trần từ đó có thể nhìn thấy khu đồng bằng Longjumeau xanh rờn, trải rộng; xa xa là sông Seine và các khu rừng Sainte-Geneviève.
Ông Jean Blaise, người dẫn đoàn nghệ sĩ lúc này hàn huyên với vị nguyên là nhà tài chính về đủ loại chuyện phiếm đầu Ngô mình Sở, về Verboquet hào hiệp, về Catherine Cuissot chuyện phao tin đồn nhảm, các cô nàng Chaudron, lão phù thủy Galichet và những nhân vật gần đây hơn như Cadet-Roussel và bà Angot.
Évariste Gamelin tự nhiên thấy tình yêu thiên nhiên nổi dậy, cảm động đến trào nước mắt xem các anh thợ gặt bó các lượm lúa; giấc mơ về hòa hợp, yêu thương tràn ngập trái tim anh. Còn Desmahis chơi trò thổi các hạt bồ công anh bám nhẹ trên mái tóc các nữ công dân. Ba cô gái tỉnh thành đều thích hoa. Họ đua nhau hái trên bãi cỏ những nhánh hoa phổi với những bông bé tí mọc sát nhau thành chùm xung quanh thân, những cây hoa chuông với những tầng chuông màu hoa cà dịu mát, những nhánh cỏ lức xà, có cơm cháy, bạc hà, mộc tê vàng, dương kỳ thảo và cả một đám hoa lá đồng quê vào lúc mùa hè đã bước vào những ngày cuối. Và cũng vì ông Jean-Jacques đã làm cho môn thực vật trở nên thời thượng đối với các cô gái tỉnh nên các cô đều gọi được tên các loài hoa và những mối tình liên quan đến chúng. Khi những bông hoa, cánh đã mảnh lại héo vì khô hạn, rơi từng cánh trong bàn tay và đổ xuống chân như mưa, cô Élodie ngậm ngùi than thở:
- Thôi tàn rồi, ôi những bông hoa!
Các họa sĩ bắt tay ngay vào việc và cố gắng diễn đạt thiên nhiên bằng nhãn quan riêng, nói đúng hơn theo nhãn quan của các ông thầy của họ. Chỉ một thời gian ngắn, Philippe Dubois đã tìm được một trang trại bỏ không, những cây chặt đổ ngổn ngang, một thác nước đã cạn khô theo đúng phong cách của Hubert Robert. Évariste Gamelin tìm thấy bên bờ sông Yvette những phong cảnh theo kiểu Poussin, còn Philippe Desmahis đứng trước một chuồng bồ câu bắt đầu phóng bút theo kiểu mã thượng giang hồ của Callot và Duplessis, ông Brotteaux muốn bắt chước các họa sĩ xứ Flandre bắt đầu vẽ tỉ mỉ một con bò cái. Élodie phác thảo một túp nhà tranh trong khi cô bạn Julienne Hasard, con một nhà buôn bột màu, giúp pha màu. Nhiều đứa trẻ bâu quanh xem chị vẽ. Chị xua để chúng khỏi vướng tầm nhìn, gọi chúng là những con nhặng và phát kẹo cho chúng, còn Thévenin mỗi khi thấy đứa nào xinh đẹp, lại rửa mặt, gội đầu và cài hoa lên tóc nó. Chị dịu dàng vuốt ve chúng, mặt lộ vẻ buồn vì chị chưa có niềm vui làm mẹ. Chị nghĩ một tình cảm trìu mến sẽ làm cho mình thêm đẹp, đồng thời chị cũng thực tập nghệ thuật diễn tả hành động và bày tỏ thái độ.
Chỉ có mình chị là không vẽ nhưng chị muốn đóng một vai trò nào đấy, nhất là chị muốn mọi người vui lòng. Một quyển sổ trong tay, chị loăng quăng đi từ người này đến người kia như một cái bóng thực nhẹ nhàng, thực đáng yêu và làm cho không gian chứa đầy chuyển động, màu sắc, hài hòa. Tính khí thất thường, nhạy cảm, dễ cáu nhưng cũng dễ nguôi, ngôn ngữ sắc sảo với phong thái lễ độ đúng mực, phù phiếm, hèn mọn, chân thật, giả dối, ngọt ngào, nếu Rose Thévenin còn chưa làm thực tốt công việc của mình, nếu cô chưa trở thành một vị nữ thần, chính vì thời cơ chưa thuận và ở Paris không có hương khói, cũng chẳng có bàn thờ cho các vị thần sắc đẹp. Cô Blaise thường bĩu môi và gọi chị là bà “dì ghẻ”, nhưng mỗi lần gặp lại chịu khuất phục trước vẻ duyên dáng đáng yêu của chị.
Lúc này ở Feydeau người ta đang diễn tập vở “Các nữ tu dòng Đức Mẹ Thăm Viếng”, và Rose mừng là được giao một vai rất tự nhiên. Tự nhiên chính là điều chị tìm kiếm, theo đuổi và đạt được.
- Như vậy chúng ta sẽ không được xem vở Pamela nữa hay sao? - chàng Desmahis đẹp trai hỏi.
Nhà hát Quốc gia đã bị đóng cửa và các diễn viên đã được đưa đi an trí.
- Như vậy có phải là tự do không? - Thévenin kêu lớn, đôi mắt đẹp ngước lên trời, phẫn nộ.
- Các kịch sĩ của Nhà hát Quốc gia, - Gamelin nói, - là bọn quý tộc, vở kịch của công dân Francois muốn làm người ta luyến tiếc các đặc quyền của giai cấp quý tộc.
- Thưa các ngài, - Thévenin nói, - phải chăng các ngài chỉ muốn nghe người ta ca tụng các ngài?
Gần trưa mọi người đều đói và cả nhóm quay về quán trọ.
Évariste đi cạnh Élodie mỉm cười nhắc lại kỷ niệm những lần đầu mới gặp.
- Em còn nhớ không, hai con chim nhỏ rơi từ mái nhà nơi chúng làm tổ xuống rìa cửa sổ phòng em? Em đã chăm sóc, bón cho chúng ăn. Nhưng chỉ một con còn sống và bay đi còn con kia chết trong chiếc tổ bông mà em đã chuẩn bị. Em nói: “Đây là con chim em yêu nhất”. Ngày hôm đó, em cài chiếc nơ đỏ trên mái tóc.
Philippe Dubois và ông Brotteaux đi lùi phía sau hơi xa những người khác, nói chuyện về Rome, thành phố cả hai đã từng đến, một người vào năm 72, người kia vào những ngày cuối của Viện Văn học - Nghệ thuật, ông Brotteaux vẫn còn nhớ công chúa Mondragone; theo ông, nàng nhất định đã than thở với ông nếu bá tước Altieri không kèm nàng như hình với bóng. Philippe Dubois không quên kể lại việc giáo chủ Bernis đã mời ăn và ông là người chủ nhà có thái độ ân cần không ai bì kịp.
- Tôi biết ông ta, - Brotteaux nói, - và tôi có thể nói mà không hề tự hào là trong một thời gian tôi đã là một trong số những người gần gũi ông ta nhất: ông thích giao du với bọn tứ chiếng giang hồ. Đó là một con người thực đáng yêu. Mặc dầu nghề của ông là kể cho thiên hạ nghe những chuyện hoang đường, trong ngón tay ông còn có nhiều triết lý lành mạnh hơn đầu óc của các vị Jacobin muốn biến chúng ta thành những kẻ có đạo đức và tin vào một thượng đế. Chắc chắn tôi còn thích bọn người chất phác ngày xưa, những kẻ nói gì không biết, làm gì không hay, hơn là bọn bôi bác pháp luật muốn chém đầu chúng ta để chúng ta đạo đức và biết điều hơn, để chúng ta kính yêu Đấng Tối thượng, kẻ đã tạo ra họ theo hình ảnh của Người. Ngày xưa, tôi có gặp một cha xứ làm lễ ở nhà thờ des Ilettes; ông này sau khi rượu chè bét nhè thường nói: “Không nên nói xấu những kẻ có tội: chính nhờ họ mà những linh mục tồi tệ như chúng tôi còn có chỗ kiếm ăn”. Phải thừa nhận rằng, cái thằng cha lải nhải kinh kệ đó có những quan điểm đúng đắn về việc cai trị. Phải trở lại nguyên tắc: cai trị con người đúng với thực trạng của họ chứ không phải con người ta muốn họ trở thành.
Cô Thévenin lại gần ông Brotteaux. Chị biết ông đã có thời sống cuộc đời vương giả và chị để cho óc tưởng tượng tô điểm cho sự nghèo túng hiện nay của nhà tài chính xưa kia. Chị cho rằng nghèo như vậy không có gì phải xấu hổ vì bây giờ ai cũng nghèo, nghèo do xã hội suy sụp. Tò mò nhưng không vì thế mà thiếu lòng tôn trọng, chị coi ông như tàn dư của các vị triệu phú hào phóng mà các kịch sĩ đàn anh của chị bao giờ cũng buồn bã tôn vinh. Hơn nữa phong thái đàng hoàng của ông già mặc chiếc áo đuôi tôm màu nâu đỏ đã sờn nhiều nhưng rất sạch sẽ làm chị thích thú.
- Thưa ông Brotteaux, - chị nói, - có người kể vào những đêm trăng sáng ông thường lẻn vào một công viên đẹp dạo chơi dưới bóng những cây hương đào với các nữ diễn viên, các cô vũ nữ trong khi xa xa văng vẳng tiếng sáo, tiếng đàn... chao ôi, các tiên nữ của ông, các chị Nhà hát Nhạc kịch, Nhà hát Hài kịch Pháp, chắc đẹp hơn những kịch sĩ quốc gia khốn khổ chúng cháu nhiều lắm, có phải không?
- Đừng tin vào những chuyện nhảm nhí đó, thưa cô, - ông Brotteaux trả lời, - cô nên biết rằng, vào thời đó nếu có một người nào đó như cô, cô ta sẽ có thể dạo chơi trong vườn hoa cô vừa tưởng tượng mà không có ai sánh kịp.
Quán trọ “Quả Chuông” là một quán trọ quê mùa mộc mạc. Qua một cửa nhỏ hẹp, phía trên có một cành cây nhựa ruồi treo lủng liểng, người ta đi vào một cái sân ướt át có mấy con gà đang kiếm ăn. Cuối sân là một ngôi nhà gồm tầng trệt và một lầu có mái cao, rêu xanh phủ kín, tường khuất sau những dây hồng leo đầy hoa nở. Bên phải những cọc nhọn nhô lên khỏi bức tường thấp quanh vườn. Bên trái là một tàu ngựa ngoài kê máng cỏ và một kho chứa lúa mì bằng gỗ. Một chiếc thang áp vào tường. Cũng phía bên trái còn có một cái làn ngổn ngang dụng cụ đồng áng, những gốc củi khô và trên một chiếc xe bò một chú gà trống trắng tuyền đứng láo liên như đang kiểm soát mấy chị gà mái. Sau hết là những chuồng bò, dằng trước có một đống phân cực to. Một cô gái tóc vàng rơm đúng là chiều cao không bằng chiều ngang đang dùng chĩa cào phân. Phân chảy đầy guốc, thỉnh thoảng cô lại nhấc chân lên giơ cái gót vàng như nghệ, chiếc váy vén cao để lộ những bắp chân to, ngắn bám đầy đất cát bẩn thỉu. Trong khi Philippe Desmahis mải ngắm cô gái, ngạc nhiên và buồn cười vì tạo hóa hình như đùa giỡn mới sinh ra một cô gái to ngang đến thế, thì chủ quán gọi to:
- Này! Con Tronche đâu, đi múc nước!
Cô gái quay lại cho thấy một bộ mặt đỏ au, một cái miệng cực rộng. Chiếc chĩa đặt trên vai, cô cười để lộ một chiếc răng khuyết. Phải cần đến sừng một chú bò tót mới làm sứt một hàm răng khỏe như vậy! Như cặp đùi, hai cánh tay trần của cô lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Bàn ăn dọn trong một phòng thấp, gà vừa quay xong trong lò sưởi phía trên gác những khẩu súng cũ. Căn phòng dài trên hai mươi bộ, quét vôi trắng, ánh sáng rọi vào qua những ô kính màu xanh nhạt của cửa ra vào và một cửa sổ duy nhất với những cành hồng leo bao quanh. Một bà cụ ngồi gần cửa sổ đang quay xa. Bà đội một chiếc khăn và chiếc mũ trùm đính đăng ten, có từ thời Nhiếp chính. Những ngón tay đầy máu dính đất cát cầm cọc sợi, ruồi bâu trên mi mắt mà cụ cũng không buồn đuổi. Khi còn nằm ẵm ngửa trong lòng mẹ, cụ đã trông thấy đức vua Louis XIV vi hành qua nhà trên xe ngựa.
Cách đây sáu mươi năm, cụ đã đi Paris và kể lại, giọng yếu ớt nhưng véo von như hát, là đã được xem Tòa Thị chính, điện Tuileries, cửa hàng Samaritaine. Khi cụ đang đứng trên cầu Hoàng Gia, một chiếc tàu chở táo ra chợ Mail chìm và táo nổi lên đỏ ối cả mặt sông.
Cụ cũng được biết về những biến cố xảy ra trong vương quốc, nhất là mối bất hòa giữa linh mục chịu tuyên thệ và linh mục không chịu tuyên thệ*. Cụ cũng biết đã có chiến tranh, đói kém và nhiều điềm trời. Nhưng cụ không tin là đức vua đã qua đời. Người đã được đưa đi trốn qua một đường ngầm và thay vì đức vua, người ta giao cho tên đao phủ một bác thường dân.

*[Tuyên thệ: theo điều luật dân sự về giới tăng lữ được ban hành (12-7-1790), tất cả tăng lữ trở thành “viên chức công cộng” phải làm lễ tuyên thệ dân sự]

Nằm trong nôi đặt dưới chân bà cụ, bé Jeannot, đứa con út của vợ chồng Poitrine, đang sốt mọc răng. Cô Thévenin nhấc cả nôi lên và cười với cháu, nhưng cháu rên khe khẽ vì sốt cao và co giật. Cháu sốt nặng nên gia đình đã phải mời thầy thuốc là công dân Pelleport, đại biểu dự khuyết Quốc ước, nhưng ông không bao giờ nhận tiền thăm bệnh.
Nữ công dân Thévenin ở đâu cũng coi như ở nhà.
Thấy con Tronche làm không sạch, chị đã rửa lại chén đĩa. Khi bà Poitrine nấu súp, chị cũng tham gia nếm như một đầu bếp thực thụ, còn Élodie cắt thành khoanh các chiếc bánh mì nặng bốn livre vừa mới lấy ra khỏi lò. Gamelin nhìn chị cắt bánh nói:
- Cách đây vài ngày, anh có đọc một tiểu thuyết của một tác giả người Đức nhưng anh quên tên, đã được dịch ra tiếng Pháp rất khá. Sách nói về một cô gái đẹp tên là Charlotte. Cũng như em, nàng cắt bánh mì phết bơ và cũng như em, cử chỉ của nàng thật duyên dáng. Duyên dáng đến mức chỉ xem nàng lao động, chàng Werther đã cảm thấy say mê nàng.
- Và cuối cùng hai người lấy nhau? - Élodie hỏi.
- Không, câu chuyện kết thúc với cái chết bất đắc kỳ tử của chàng.
Họ ăn rất nhiều vì người nào cũng đói ngấu nhưng phải nói rằng thức ăn không ngon. Jean Blaise kêu ca nhiều nhất vì ông rất chú ý đến ăn uống, đặt ăn ngon thành một quy tắc sống. Cách mạng đảo lộn mọi thói quen ăn uống trong các gia đình. Người dân thường thì không có gì cho vào miệng; còn những kẻ khéo léo như Blaise kiếm chác được nhiều trong khi toàn dân chịu cực, thì thường lui tới các tiệm ăn sang trọng vừa ních chặt diều vừa khoe khoang, khoe giỏi; ông Brotteaux vào năm Tự do thứ hai đã sống bằng hạt dẻ và các mẩu bánh mì, vẫn nhớ đã từng yến tiệc ở nhà ông Grimod de la Reynière ở đầu đại lộ Champs-Élysées. Ông cũng muốn tỏ ra là sành ăn; ngồi trước món bắp cải nấu mỡ của bà Poitrine, ông mô tả cách chế biến một loạt món ăn ngon lành và những nguyên tắc ẩm thực cần áp dụng. Nhưng khi Gamelin cả quyết một người đúng là người Cộng hòa thì phải biết coi thường ăn nhậu, ông già xưa là nhà tài chính rất am hiểu chuyện kim cổ Đông Tây liền giới thiệu với chàng trai thích khắc khổ, cách chế biến món “canh đen”.
Sau bữa ăn trưa, ông Jean Blaise, con người không bao giờ quên chuyện làm ăn, yêu cầu các họa sĩ vẽ ký họa hay phác thảo ngay quán trọ. Theo ý ông vẻ điêu tàn của quán có vẻ lãng mạn hấp dẫn lòng người. Khi Philippe Desmahis và Philippe Dubois đang vẽ chuồng bò thì cô Tronche đến cho heo ăn. Công dân Pelleport là sĩ quan quân y đến khám cho cháu bé cũng vừa ra khỏi căn phòng thấp, ông lại gần và khen ngợi các nghệ sĩ; ông cho rằng tài năng của các anh sẽ làm vinh quang cho đất nước, ông chỉ cô Tronche đang đứng giữa đàn heo:
- Các bạn nhìn thử sinh vật kia, - ông nói, - nó không phải là một cô gái mà là hai cô. Đó là tôi nói theo nghĩa đen. Tôi rất ngạc nhiên về thể tích lớn của bộ xương của cô nên đã xem xét kỹ và thấy phần lớn các xương là kép: ở đùi có hai xương đùi ghép với nhau, ở mỗi vai có hai xương cánh tay. Các cơ bắp cô ta cũng kép cả, vì vậy tôi cho đây là hai đứa trẻ sinh đôi liên kết chặt chẽ với nhau hay nói đúng hơn, lồng vào nhau. Ca này đúng là thú vị và tôi đã báo cáo ông Saint-Hilaire và ông rất cảm ơn. Trước mắt các bạn là một quái vật. Người nhà gọi cô là cô Tronche, nhưng phải gọi là “các cô Tronche” mới đúng vì đây là hai người. Đó, thiên nhiên có khi tạo ra những điều kỳ cục như vậy... Thôi chào các công dân họa sĩ! Đêm nay có thể có giông...
Sau bữa ăn chiều, dưới ánh sáng của mấy cây nến, tất cả mọi người cùng một đứa con trai, một đứa con gái của gia đình Poitrine chơi trò bịt mắt bắt dê ở sân quán trọ. Trước khi trời tối hẳn, ông Blaise đề nghị giải trí ở phòng ăn bằng những trò chơi thực hiền lành. Cô Élodie đề nghị trò “săn đuổi trái tim” được mọi người tán thành. Theo chỉ dẫn của cô, Desmahis lấy phấn vẽ lên bàn ghế, lên cửa, lên tường bảy hình trái tim, nghĩa là ít hơn số người tham dự một hình, vì ông Brotteaux cũng vui lòng tham gia cuộc chơi. Mọi người đang nhảy theo vòng thì Élodie ra hiệu, ai nấy chạy ùa ra đặt tay lên một trái tim. Gamelin đãng trí và vụng về không còn thấy trái tim nào chưa có người đặt tay lên: anh phải đặt cược con dao nhỏ sáu xu, anh mua ở hội chợ Saint-Germain, con dao anh đã dùng để cắt bánh mì cho một bà mẹ nghèo. Trò chơi tiếp tục, lần lượt Blaise, Élodie, Brotteaux và cô Thévenin không tìm được trái tim phải đặt cược: chiếc nhẫn, lưới bao tóc, cuốn sách nhỏ bọc da, chiếc vòng. Các vật đặt cược được đặt trên đầu gối cô Élodie để rút thăm; chủ nhân muốn chuộc phải trổ tài giao tiếp, hát một bài hay ngâm mấy câu thơ. Ông Brotteaux đọc mấy câu trong bài “Trinh nữ”:

Denis là ta và nghề ta là thánh.
Ta yêu xứ Gaule...

Công dân Blaise, tuy ít chữ nghĩa hơn, cũng đọc được câu trả lời của bá tước Richemond:

Thưa ngài Thánh, ngài vạ gì
Bỏ thiên quốc ra đi...

Rồi mọi người thích thú ngâm nga tác phẩm của Arioste, cười vui vẻ mối tình của Jeanne và Dunois, các cuộc phiêu lưu của Agnès và Monrose và các kỳ tích của chú lừa có cánh. Những người có văn hóa đều thuộc lòng các đoạn hay của bài thơ vừa vui vừa có tính triết học đó. Gamelin tuy nghiêm trang, khắc khổ, khi chuộc lại con dao sáu xu đặt trong lòng cô Élodie, cũng vui vẻ đọc chuyện Grisbourdon vào âm phủ. Còn nữ công dân Thévenin thì hát, không có đệm đàn, bản tình ca “Khi anh yêu trở về”. Desmahis hát theo điệu Faridondaine:

Vài kẻ kia bắt chú heo
Của thánh Antoine phúc đức,
Chụp cho cái mũ trùm đầu
Biến nó thành nhà tu hành đích thực,
Chỉ có cách làm cao thấp mà thôi...

Nhưng Desmahis đang băn khoăn. Vào giờ này anh thấy yêu say đắm cả ba cô gái anh vừa cùng chơi trò “đặt cược”. Anh nhìn cả ba cô thật hiền hòa, nồng nhiệt. Anh yêu Thévenin vì vẻ yêu kiều duyên dáng, cặp mắt đưa tình và giọng nói đi thẳng vào trái tim; anh yêu Élodie vì bản chất chan hòa, phong phú, đắm say, anh cũng thích Julienne Hasard mặc dầu tóc cô nhợt nhạt, lông mi trắng, mặt có những vết đỏ và bộ ngực gầy đét. Cũng như chàng Dunois trong bài thơ “Trinh nữ” của Voltaire, anh sẵn sàng ban cho cô kém nhan sắc nhất một dấu hiệu tình yêu, vì không được ai lưu ý đến, cô sẽ dễ lung lạc nhất vì vậy anh tấn công tất cả. Lợi dụng những lúc gặp gỡ tình cờ trong khi chơi trò “săn đuổi trái tim”, anh nói với Thévenin vài lời âu yếm; cô không giận nhưng dưới cặp mắt ghen tuông của ông Jean Blaise, cô có muốn đáp ứng cũng không được. Anh lộ vẻ say mê Élodie dù anh biết chị đã đính ước với Gamelin, nhưng chắc bạn anh không cố chấp muốn giữ trọn vẹn một trái tim cho riêng mình. Élodie không thể yêu anh tuy thấy anh đẹp trai và cũng không hoàn toàn giấu giếm điều đó. Cuối cùng, anh rót những lời thiết tha khẩn khoản nhất vào tai nữ công dân Hasard: chị trả lời bằng vẻ sững sờ, hiểu là phục tùng ưng thuận cũng đúng mà dửng dưng lãnh đạm cũng chẳng sai. Mà Desmahis thì không tin cô lãnh đạm với mình.
Quán trọ chỉ có hai phòng ngủ và cả hai đều ở trên lầu. Phòng bên trái đẹp hơn, tường dán giấy hoa, vật trang trí duy nhất là một chiếc gương to bằng bàn tay, khung mạ vàng đã mọt lỗ chỗ, mua từ khi vua Louis XV còn là đứa trẻ. Dưới trần căng vải in hoa có kê hai chiếc giường có gối nhồi lông chim, có chăn lông vịt và mền đắp chân dành cho các nữ công dân.
Đến giờ ngủ, Desmahis và cô Hasard, mỗi người cầm một cây nến, chúc nhau ngủ ngon, chàng nghệ sĩ đa tình đưa cho cô gái con nhà lái buôn một lá thư ngắn ngỏ ý muốn gặp, khi mọi người đã yên giấc, ở gian kho phía trên phòng các cô gái.
Chả là đã tính toán từ trước, ban ngày anh đã quan sát từng vị trí và đã thăm dò gian kho chứa đầy những thùng, rương, những bó hành và rất nhiều trái cây đang khô dần giữa đàn ong vò vẽ. Anh còn thấy ở đó một chiếc giường lâu ngày không ai dùng, một cái nệm rơm rách bọ chét bò lổm ngổm.
Đối diện phòng nữ là một phòng nhỏ hơn kê ba chiếc giường dành cho nam giới. Nhưng ông Brotteaux, con người phóng khoáng, vào ngủ trên đống cỏ khô ở kho lúa. Ông Jean Blaise biến đi đâu không ai biết, Dubois và Gamelin chẳng mấy lúc đã ngủ say. Desmahis cũng lên giường nằm. Nhưng khi cảnh lặng lẽ đêm khuya đã phủ lên ngôi nhà im ắng như làn nước ao tù, anh nhổm dậy, chân không trèo lên chiếc thang bắt đầu kêu cót két. Cửa kho hé mở, hơi nồng ngột ngạt và mùi hăng hắc của trái cây thối xông ra nồng nặc... Trên chiếc giường vải khập khiễng, con Tronche đang ngủ, miệng há, áo sơ mi vén lên, hai chân dạng ra trông thực đồ sộ.
Một tia sáng trắng giội màu xanh bạc lên da thịt cô gái tuy mốc meo bẩn thỉu nhưng rực rỡ tươi mát. Desmahis nhảy vào ôm lấy cô gái; cô choàng tỉnh và hớt hải kêu lên. Nhưng khi biết anh ta muốn gì thì cô không còn tỏ ra ngạc nhiên khó chịu nữa mà còn giả bộ đang ngủ mơ màng, giấc ngủ khiến cô không ý thức được sự việc và đem lại cho cô một cảm giác nào đó...
Desmahis trở về phòng ngủ một giấc say sưa yên lành cho đến sáng.
Hôm sau, sau một ngày làm việc nữa, đoàn nghệ sĩ lưu động lên đường trở về Paris. Khi ông Jean Blaise trả tiền chủ quán bằng tín phiếu, ông này than phiền từ lâu chỉ thấy thứ “bạc vuông” và hứa biếu một cây nấm thật đẹp cho vị nào mang đến cho ông những đồng tiền vàng.
Ông tặng hoa các nữ công dân. Theo lệnh ông, con Tronche chân đi guốc, vén váy trèo lên thang để lộ đôi bắp chân đầy đất cát lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nó cắt, cắt mãi những bông hồng leo phủ kín mặt tường. Từ hai bàn tay to bè của nó, những bông hồng như mưa, như lũ, như thác, rớt xuống váy căng của các cô Élodie, Julienne và Thévenin. Cỗ xe song mã chất đầy hoa. Khuya lắm cả đoàn mới về đến nhà, mang từng ôm hoa hồng khiến cho giấc ngủ ngào ngạt mùi thơm, cả buổi sáng khi họ thức giấc.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét