Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 28

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XXVIII

Ngày 10 tháng Nóng*, khi trên chiếc ghế bố đặt trong ngục tối, Évariste kinh hoảng thức giấc sau một cơn sốt li bì thì Paris bao la, Paris duyên dáng đang cười với ánh nắng. Hy vọng lại trỗi dậy trong lòng các tù nhân; nhà buôn hoan hỉ mở cửa tiệm, người tư sản cảm thấy giàu hơn, thanh niên sung sướng hơn, phụ nữ đẹp hơn vì Robespierre bị lật đổ. Chỉ có một nhóm người Jacobin, vài ông linh mục đã tuyên thệ và mấy bà già là run sợ khi thấy đất nước rơi vào tay bọn người độc ác, tham nhũng. Một phái đoàn của Tòa án Cách mạng gồm ủy viên công tố và hai thẩm phán đi vào Quốc ước để ca ngợi hội đồng đã dập tắt được các vụ mưu phản. Hội đồng quyết định đưa máy chém trở lại quảng trường Cách Mạng để những kẻ giàu có, lịch sự, các phụ nữ đẹp không cần đi xa mà vẫn có thể chứng kiến việc hành hình Robespierre sẽ diễn ra ngay hôm đó. Tên độc tài và bọn đồng lõa đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật: danh tính của chúng chỉ cần được hai viên chức Tòa Thị chính xác nhận là đủ để giao chúng cho tên đao phủ. Nhưng lại nảy ra một khó khăn: việc xác nhận không thể thực hiện được theo đúng thủ tục vì toàn bộ Công xã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Hội đồng cho phép tòa án tiến hành việc đó bằng người làm chứng bình thường.

*[Ngày mười tháng Nóng tức ngày 28-07-1794, Robespierre và các bạn ông bị đưa lên máy chém]

Tam hùng được lôi ra pháp trường cùng với bọn tòng phạm chính, giữa nỗi vui mừng, giận dữ, những lời nguyền rủa, tiếng cười, điệu vũ.
Ngày hôm sau Gamelin hơi lại sức và cố gắng đứng dậy được, liền bị lôi ra khỏi ngục tối và đưa đến tòa án. Họ đặt anh lên trên bục mà trước đây anh đã thấy chất đầy bị cáo, đã thấy lần lượt đến ngồi bao nhiêu nạn nhân tầm thường hay nổi danh. Hôm nay chiếc bục cót két kêu than dưới sức nặng của bảy mươi người, phần lớn là thành viên Công xã và vài hội thẩm như anh và cũng như anh, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Anh lại trông thấy chiếc ghế anh thường ngồi, cái lưng ghế anh vẫn dựa, nơi từ đó anh vẫn khủng bố tinh thần những người đau khổ, anh đã chịu đựng cái nhìn của Jacques Maubel, Fortuné de Chassagne, Maurice Brotteaux, cặp mắt van vỉ của nữ công dân Rochemaure, người đã vận động để anh trở thành hội thẩm và anh đã đền đáp bằng cách xử bà chết chém. Anh lại trông thấy sừng sững trên chiếc bục có đặt ba chiếc ghế bành bằng gỗ gụ bọc nhung đỏ dành cho thẩm phán, các tượng bán thân của Chalier, Marat và bức tượng Brutus trước đó anh đã tuyên thệ. Chẳng có gì thay đổi, vẫn những lưỡi búa, những vòng, những mũ chụp in trên giấy dán tường, vẫn những lời nhục mạ của những bà đan len ngồi trên các hàng ghế cao, vẫn cái tinh thần của Fouquier - Tinville bướng bỉnh, cần mẫn luôn luôn hí hoáy với tập hồ sơ giết người và với tư cách là một vị quan tòa mẫu mực, sẵn sàng đưa những bạn bè ngày hôm trước ra pháp trường.
Các công dân Remacle, gác cổng kiêm thợ may và Dupont-anh, thợ mộc ở quảng trường Thionville nhận có biết Évariste Gamelin, họa sĩ, nguyên hội thẩm Tòa án Cách mạng, nguyên thành viên đại hội đồng Công xã. Họ làm chứng để kiếm một tín phiếu một trăm xu trích ở ngân sách phân khu nhưng vì có mối liên quan láng giềng, bạn bè với người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, họ cảm thấy ngượng ngùng khi trông thấy anh. Hơn nữa trời nóng, họ khát nước nên vội đi uống một ly rượu chát.
Gamelin cố gắng trèo lên một chiếc xe ngựa: anh đã mất nhiều máu, vết thương cũng làm anh vô cùng đau đớn. Người đánh xe lấy roi quất ngựa và cả đoàn lên đường giữa những tiếng la ó.
Nhận ra Gamelin, nhiều phụ nữ la lớn:
- Đi đi mày! Tên uống máu người! Tên sát nhân mỗi ngày ngửa tay lấy mười tám quan! Nó không cười nữa: trông kìa, mặt nó tái mét, thằng hèn!
Cũng những phụ nữ trước đây đã chửi rủa bọn mưu phản, quý tộc, quá khích, ôn hòa đã bị Gamelin và các bạn đồng sự đưa lên máy chém. Chiếc xe rẽ ra bến Morfondus, từ từ tiến đến Cầu Mới và phố Nhà Tiền! Họ đang trên đường tới Quảng trường Cách Mạng, đến chiếc máy chém đã chặt đầu Robespierre. Con ngựa đi khập khễnh, tên lái xe liên tục lấy roi quất nhẹ lên vai nó. Đám đông những người đi xem vui vẻ, náo nhiệt làm cả đoàn tiến chậm; họ khen ngợi các lính sen đầm đã giữ cho ngựa đi thành hàng thẳng. Đến góc phố Honoré, tiếng chửi rủa càng vang lên dữ dội. Một đám thanh niên ngồi ăn uống các quán thời thượng cầm khăn ăn chạy ra cửa sổ hô lớn:
- Đồ ăn thịt người, đồ khát máu!
Chiếc xe sụt xuống một đống rác chưa được dọn đi trong hai ngày rối loạn, bọn thanh niên giàu sang reo lên:
- Chiếc xe lún bùn! Tống cả bọn Jacobin vào bãi phân.
Gamelin suy nghĩ, và anh như chợt hiểu:
“Tôi chết thực đúng. Chúng tôi thực đáng phải chịu đựng những lời lăng nhục nền Cộng hòa mà chúng tôi có bổn phận bảo vệ. Chúng tôi đã có tội vì quá khoan dung; chúng tôi đáng bị số phận này. Bản thân Robespierre, con người trong sạch, ông thánh, cũng phạm tội vì mềm yếu, vì độ lượng. Cũng như ông, tôi đã phản bội nền Cộng hòa. Nó bị tiêu diệt, tất nhiên tôi phải chết với nó. Tôi đã sợ máu đổ, vậy bây giờ máu tôi phải đổ! Tôi phải chết! Tôi chết là đúng...”.
Đang miên man suy nghĩ, anh chợt trông thấy chiếc biển tiệm Tình yêu họa sĩ; từng đợt sóng cay đắng lẫn ngọt ngào xao xuyến lòng anh.
Tiệm đóng cửa, các bức mành cửa sổ đều được buông xuống. Khi chiếc xe đi ngang qua cánh cửa sổ bên trái, cánh cửa của căn phòng màu xanh, một bàn tay phụ nữ, ngón áp út đeo một chiếc nhẫn bạc, vén mành ném về phía Gamelin một bông cẩm chướng đỏ. Tay bị trói chặt, Gamelin không bắt được bông hoa mà anh trân trọng như biểu tượng và hình ảnh đôi môi đỏ, thơm đã bao lần làm miệng anh mát rượi. Nước mắt anh trào ra và với tấm lòng xúc động vì sự vĩnh biệt mê ảo kia, anh trông thấy trên quảng trường Cách Mạng hiện lên lưỡi dao đẫm máu.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét