Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 18

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XVIII

Bà Gamelin rất quý ông già Brotteaux, bà cho ông là con người đáng mến nhất, danh giá nhất mà bà quen biết. Bà không dám ra chào khi ông bị bắt, sợ làm như vậy có vẻ bất chấp chính quyền; ở địa vị thấp kém, bà coi hèn nhát là một nghĩa vụ, nhưng rõ ràng bà đã bị giáng một đòn choáng váng không thể gượng dậy.
Bà không ăn được và than phiền chẳng còn thiết gì ăn uống vào lúc đã tương đối được no đủ. Bà vẫn còn sùng bái cậu con trai nhưng không dám nghĩ đến những nhiệm vụ khủng khiếp anh đang thực hiện, lại còn mừng mình chỉ là đàn bà ngu dốt để khỏi phải đánh giá, xét đoán anh.
Bà mẹ đau khổ tìm lại được một chuỗi tràng hạt cất ở tận đáy một chiếc rương; bà sử dụng tràng hạt không thành thạo nhưng có nó bàn tay run rẩy của bà còn có việc. Cả đời không đi lễ, nay bà tự nhiên thành kẻ sùng đạo. Suốt ngày ngồi bên bếp lửa, bà cầu nguyện Thượng đế cứu vớt con bà và ông già Brotteaux tốt bụng. Cô Élodie cũng hay lui tới thăm bà; hai người không dám nhìn nhau và bên nhau họ chỉ nói những chuyện bâng quơ vô nghĩa.
Một hôm vào tháng Mưa*, những bông tuyết bay làm tối tăm trời đất, át mọi tiếng động trong thành phố, bà đang ngồi một mình ở nhà thì nghe tiếng gõ cửa.

*[Tháng thứ năm theo lịch Cách mạng, khoảng tháng 1, tháng 2 dương lịch]

Bà giật mình: từ nhiều tháng nay mỗi tiếng động nhỏ cũng làm bà khiếp sợ. Bà mở cửa. Một chàng trai chừng mười tám, đôi mươi bước vào, chiếc mũ kín đội trên đầu. Anh mặc một chiếc áo choàng màu xanh vỏ chai có ba lần cổ áo che kín cả ngực lẫn thân, đi đôi ủng cổ lật kiểu Anh. Tóc màu hạt dẻ với những lọn tóc quăn xóa đến vai. Anh tiến vào giữa xưởng vẽ như muốn tất cả ánh sáng một ngày mưa tuyết lọt qua cửa kính chiếu thẳng vào người. Anh đứng bất động, không nói một lời.
Cuối cùng, trong khi nữ công dân Gamelin còn đang sững sờ nhìn khách:
- Mẹ không nhận ra con gái mẹ?...
Bà già chắp hai tay:
- Julie!... Con... trời ơi, thật à?...
- Đúng, đúng con đây! Hôn con đi mẹ.
Bà quả phụ Gamelin hai tay ôm chặt con gái, nước mắt nhỏ lên cổ áo cô, rồi bà nói, giọng lo âu:
- Con, ở Paris!...
- Ôi, mẹ! Nhưng con đâu có một mình! Con ăn mặc thế này, chẳng ai nhận ra con được.
Mà đúng vậy, chiếc áo choàng che giấu hình dáng chị, trông chị chẳng khác mấy cậu thanh niên để tóc tai rẽ sang hai bên. Nét mặt chị thanh tú, đẹp nhưng rám nắng, rộc đi vì mệt mỏi, dạn dày vì lo âu. Ở chị toát ra vẻ cứng cỏi, can trường. Người chị mảnh dẻ, chân dài, thẳng, cử chỉ tự nhiên; nếu có ai đoán ra được thì chỉ do giọng nói trong trẻo của chị.
Bà mẹ hỏi chị có đói không, chị trả lời rất muốn ăn, và khi mẹ đã dọn lên bánh, rượu vang, giăm-bông, một khuỷu tay đặt lên bàn, chị bắt đầu ăn ngấu nghiến như Cérès trong căn lều của bà già Baubô.
Thế rồi, ly rượu vẫn còn trên môi, chị hỏi:
- Mẹ có biết bao giờ anh con về không? Con đến để nói chuyện với anh.
Bà mẹ lúng túng nhìn con, không biết nói thế nào.
- Con phải gặp anh. Sáng nay chồng con bị bắt và giải đến Luxembourg*.

*[Lâu đài Luxembourg được sử dụng làm nhà tù trong thời cách mạng Pháp]

Chị gọi Fortuné de Chassagne là “chồng”; trước đây anh là quý tộc, sĩ quan thuộc trung đoàn Bouillé. Khi chị còn là công nhân làm quần áo phụ nữ ở phố Lombards, anh đã yêu chị, rủ chị đi trốn rồi đưa chị sang Anh, nơi anh lưu vong sau ngày 10 tháng Tám. Thực ra Fortuné là người tình của chị, nhưng chị thấy đối với mẹ, gọi anh là chồng thì hợp hơn. Chị còn tự nhủ cảnh nghèo túng đã khiến họ thực sự thành vợ, thành chồng và đau khổ chính là nghi lễ cưới xin của họ.
Cả hai đã từng qua bao nhiêu đêm trên một chiếc ghế dài trong các công viên ở London, nhặt từng mẩu bánh mì dưới gầm bàn các quán rượu ở Picadilly.
Nhưng bà mẹ vẫn không trả lời, vẫn lo lắng nhìn chị.
- Mẹ không nghe con nói, hở mẹ? Thời gian gấp lắm rồi, con phải gặp anh Évariste ngay, chỉ có anh mới cứu được Fortuné.
- Julie, tốt nhất là con đừng nói gì với anh con.
- Thế nào? mẹ vừa nói gì, mẹ?
- Mẹ nói là con không nên nói với anh con về ông de Chassagne.
- Nhưng con phải nói mà.
- Con ạ, Évariste không tha thứ ông de Chassagne đã quyến rũ con. Con không biết mỗi khi anh con nói về ông ấy, nó tức giận thế nào, gọi ông bằng những tên gì.
- Phải rồi, anh gọi ông ấy là kẻ làm bại hoại gia phong nhà ta chứ gì, - Julie nhún vai vừa nói vừa cười gằn.
- Con ạ, anh con thấy mình bị xúc phạm nặng nề nên quyết định không bao giờ nhắc đến ông de Chassagne. Từ hai năm nay nó không hề đả động đến ông ta và cả đến con nữa. Tính nết nó bao giờ cũng thế; con cũng biết tính nó, nó không tha thứ cho cả hai.
- Nhưng, mẹ ạ, Fortuné đã kết hôn với con, ở London.
Bà mẹ đau khổ ngước mắt và giơ hai tay lên:
- Chỉ cần Fortuné là người quý tộc, một kẻ lưu vong cũng đủ để Évariste coi ông là kẻ thù.
- Nếu vậy, mẹ hãy trả lời con. Chắc mẹ nghĩ rằng nếu con nhờ anh ấy vận động với ông ủy viên công tố, với Ủy ban An ninh để cứu Fortuné, anh sẽ không đồng ý?... Mẹ ạ, nếu anh từ chối thì anh đúng là một con quái vật!
- Con ạ, anh con là một người thực thà, một đứa con hiếu thảo. Nhưng con đừng nhờ nó, đừng yêu cầu nó quan tâm đến ông de Chassagne. Nó không bao giờ tâm sự với mẹ, chắc mẹ cũng không thể hiểu nó được... nhưng anh con là hội thẩm nó có nguyên tắc của nó, nó hành động theo lương tâm. Đừng đề nghị gì với nó, Julie.
- Con thấy bây giờ mẹ mới hiểu anh ấy, mẹ mới biết anh ấy lạnh lùng, vô tình thế nào; anh ấy độc ác, kiêu căng, đầy tham vọng. Mà mẹ bao giờ cũng yêu anh hơn con. Khi ba mẹ con còn sống bên nhau, mẹ luôn luôn lôi anh ra làm gương cho con bắt chước. Dáng đi đứng, điệu bộ, cách ăn nói nghiêm trang của anh làm mẹ nể sợ, mẹ thấy anh có mọi ưu điểm. Còn con, lúc nào mẹ cũng không đồng ý với con, mẹ gán cho con đủ mọi tính xấu vì con thẳng thắn, vì con thích leo trèo cây cối. Con nói thực với mẹ, con căm thù anh, anh Évariste của mẹ, một con người giả dối, giả đạo đức, giả nhân nghĩa.
- Julie, im đi con. Bao giờ mẹ cũng là một bà mẹ hiền với con, với anh con. Mẹ đã cho con học nghề. Con không còn là đứa con gái ngoan, con không lấy chồng theo đúng hoàn cảnh nhà mình, lỗi ấy không phải tại mẹ. Bao giờ mẹ cũng yêu con tha thiết và bây giờ mẹ vẫn yêu con. Mẹ tha thứ cho con và mẹ thương con. Nhưng con đừng nói xấu Évariste. Nó là đứa con hiếu thảo, lúc nào cũng chăm sóc mẹ. Con ạ, khi con bỏ mẹ ra đi, bỏ nghề nghiệp, cửa hàng để sống với ông de Chassagne, nếu không có anh con, mẹ sẽ sống ra sao? Mẹ sẽ chết nghèo, chết đói.
- Đừng nói thế mẹ. Mẹ biết rõ là chúng con, anh Fortuné và con, đã chăm lo cho mẹ nếu mẹ không bị Évariste kích động, quay mặt làm ngơ không thèm nhìn nhận chúng con. Để con nói. Anh ấy không thể làm bất kỳ điều gì tốt; anh muốn mẹ ghê tởm con nên mới làm ra vẻ trông nom mẹ. Anh ấy mà yêu mẹ!... Không biết anh có thể yêu ai không, cái con người không tim, không óc ấy! Anh không có tài cán gì, hoàn toàn không. Muốn là họa sĩ, người ta phải có bản chất dịu hiền, mà anh thì không có.
Chị đưa mắt nhìn các bức tranh trong xưởng, thấy chúng vẫn y nguyên như lúc chị bỏ nhà ra đi.
- Đấy, tâm hồn của anh ấy đấy! Anh đã để tất cả tâm hồn, một tâm hồn lạnh lùng, ảm đạm vào những bức tranh. Cái anh chàng Oreste của anh, chàng Oreste có con mắt ngây dại, cái miệng nhăn nhó như một kẻ bị nhục hình, tất cả con người anh là như vậy... Vả lại, thưa mẹ, mẹ không hiểu gì à? Con không thể để Fortuné ngồi mãi trong tù. Chắc mẹ cũng hiểu bọn Jacobin, bọn ái quốc, ái quần, cả một bè, một lũ như Évariste. Chúng sẽ giết chết anh ấy. Mẹ, mẹ thân yêu, mẹ bé nhỏ của con, con không muốn chúng nó giết anh ấy. Con yêu anh ấy! Con yêu anh ấy! Anh ấy lúc nào cũng tốt với con, chúng con đã cực khổ bên nhau! Đây, cái áo khoác này là của anh. Con chẳng còn sơ mi để mặc nữa. Một anh bạn của Fortuné cho con mượn chiếc áo vét; con ở nhà một người bán đồ giải khát ở Doutées còn Fortuné thì làm việc tại một tiệm hớt tóc. Chúng con cũng biết về Pháp lúc này là mất mạng như chơi; nhưng người ta đã hỏi chúng con có muốn về Paris để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng không... Chúng con đã đồng ý; dù có làm việc cho ma quỷ chúng con cũng nhận. Người ta đã trả tiền đi đường và giao cho chúng con một hối phiếu để lĩnh tiền tại một ngân hàng ở Paris. Nhưng ngân hàng đóng cửa, ông chủ đang ngồi tù đợi ngày lên máy chém. Thế là một đồng, một chữ cũng không có. Những người trong nhóm, những người có thể nhờ vả đều đang lẩn trốn hay đã bị giam cầm. Không còn biết gõ cửa nhà ai nữa. Chúng con ngủ trong một chuồng ngựa ở phố Bà Không Đầu. Một bác làm nghề đánh giày cho anh mượn một chiếc thùng gỗ nhỏ, một bàn chải, một hộp xi đã dùng gần hết. Thế là trong nửa tháng liền anh đánh giày ở quảng trường Grève.
Thứ hai vừa rồi một thành viên Công xã đặt chân lên thùng bảo anh đánh đôi bốt. Đó là lão bán thịt trước đã bị Fortuné đá đít về tội cân thiếu. Khi Fortuné ngẩng đầu lên để lấy hai xu, thằng khốn nạn nhận ra anh, gọi anh là tên quý tộc và dọa bắt anh. Nhiều người xúm lại; có người tốt nhưng mấy tên ác ôn kêu lên: “Giết chết tên lưu vong!” rồi họ gọi sen đầm đến. Đúng lúc đó con mang súp lại cho Fortuné. Con thấy họ giải anh ra phân khu rồi giam ở nhà thờ Saint-Jean. Con muốn ôm lấy anh nhưng họ đẩy con ra. Suốt đêm con ngủ ở thềm nhà thờ như một con chó... Sáng nay họ giải anh...
Julie không nói được nữa; tiếng nức nở làm chị nghẹn ngào.
Chị ném chiếc nón xuống sàn rồi quỳ xuống chân mẹ.
- Sáng nay họ giải anh đến nhà tù Luxembourg. Mẹ, mẹ ơi, hãy giúp con cứu anh ấy; mẹ hãy thương con gái mẹ.
Vừa khóc chị vừa mở phanh chiếc áo khoác để hở bộ ngực cho mẹ thấy rõ nỗi xúc động của chị; cầm bàn tay mẹ, chị ép nó lên ngực đang bồi hồi, thổn thức.
- Con gái yêu quý, Julie, Julie của mẹ! - bà quả phụ than thở.
Bà áp bộ mặt đầm đìa nước mắt lên má con.
Cứ như thế họ im lặng hồi lâu. Người mẹ đau khổ cố moi óc xem có cách nào giúp con, còn Julie nước mắt đầm đìa thì dò xét nét mặt mẹ.
“Có lẽ, - bà mẹ suy nghĩ, - cũng có lẽ nếu mình nói với Évariste, nó sẽ mủi lòng. Kể ra nó vẫn tốt, vẫn hiền hòa. Nhưng nếu chính trị chưa làm lòng nó chai sạn, nếu nó còn chưa chịu ảnh hưởng của bọn Jacobin thì nó đã chẳng có cái vẻ nghiệt ngã làm mình không hiểu nổi, làm mình hoảng sợ”.
Bà giơ hai tay ôm đầu Julie:
- Con nghe nhé. Mẹ sẽ nói với Évariste. Mẹ sẽ chuẩn bị cho nó gặp con, nghe con nói. Bây giờ gặp con ngay, nó có thể nổi nóng, mẹ sợ cái phản ứng đầu tiên của nó... Mẹ cũng biết tính nó: con ăn mặc thế này thế nào cũng làm nó khó chịu; nó rất nghiêm khắc với những gì dính dáng đến phong tục, tập quán. Chính mẹ, mẹ cũng hơi ngạc nhiên thấy con gái Julie của mẹ ăn mặc như con trai.
- Mẹ ơi, chuyện lưu vong và những lộn xộn khủng khiếp trong vương quốc khiến việc cải trang như thế này trở thành chuyện bình thường. Phải cải trang để có việc làm, để người ta không nhận ra mình, để phù hợp với một giấy thông hành hay một chứng chỉ giả. Ở London có một anh chàng là Girey, người nhỏ bé, ăn mặc giả gái, mà lại là một cô gái rất xinh đẹp; mẹ phải công nhận là làm như vậy còn kỳ cục hơn con nhiều.
- Con gái đáng thương của mẹ, con không phải thanh minh với mẹ về việc này cũng như việc khác. Mẹ là mẹ con nên đối với mẹ bao giờ con cũng ngây thơ, vô tội. Để mẹ nói với Évariste, mẹ sẽ nói...
Bà ngừng lại. Bà đã có cảm giác con trai mình là người thế nào, nhưng bà không muốn tin, không muốn biết.
- Anh con tốt. Nó sẽ vì mẹ... vì con làm mọi việc mẹ yêu cầu.
Cả hai mẹ con đều mệt mỏi không nói được nữa. Julie ngủ thiếp trên đầu gối mẹ như chị vẫn ngủ hồi còn thơ dại. Trong khi đó, tay lần tràng hạt, bà mẹ đáng thương vẫn ngồi khóc, nghĩ đến những khổ đau đang lặng lẽ tiến tới trong cái lặng lẽ của một ngày tuyết rơi mà tất cả đều câm nín: tiếng chân người, tiếng xe lăn và cả bầu trời.
Bỗng nhiên, lo âu làm giác quan thêm nhạy bén, bà nghe thấy tiếng con trai đang bước trên cầu thang.
- Évariste đấy!... - bà nói. - Trốn đi con.
Và bà đẩy con gái vào phòng mình.

- Mẹ thân yêu, hôm nay mẹ khỏe chứ?
Évariste treo mũ lên mắc áo, thay bộ đồ xanh bằng bộ đồ lao động rồi đến ngồi trước giá vẽ. Mấy hôm nay anh dùng than phác họa. Thần Chiến Thắng đặt vòng hoa lên trán một chiến sĩ hy sinh cho Tổ quốc. Chắc chắn anh đã hăm hở hoàn thành đề tài nhưng công việc ở Tòa án đã chiếm hết cả thời gian lẫn tâm hồn anh, bàn tay lâu không vẽ trở nên vụng về, lười biếng.
Anh ngân nga bài hát “Sẽ ổn cả”.
- Con của mẹ, - nữ công dân Gamelin nói, - con hát, chắc con vui lắm.
- Mẹ ạ, ai cũng mừng vì có nhiều tin vui. Vendée nổi dậy bị đè bẹp, bọn Áo thua trận, quân đoàn sông Rhin chọc thủng phòng tuyến địch ở Lantern và Wissembourg. Đã gần đến ngày chế độ Cộng hòa chiến thắng vinh quang tỏ rõ độ lượng khoan hồng. Nhưng mẹ ạ, không hiểu tại sao ta càng mạnh, bọn phản loạn càng liều lĩnh, ta càng giáng những đòn sấm sét vào kẻ địch trực tiếp tấn công thì bọn phản quốc càng lén lút đánh vào Tổ quốc trong bóng tối.
Nữ công dân Gamelin, kính trễ đến sống mũi, vừa đan bít tất vừa quan sát con trai.
- Ông già Berzelius, người mẫu của con, đến đòi mười livre con còn thiếu, mẹ đã trả ông. Con bé Joséphine đau bụng vì ăn quá nhiều mứt của bác thợ mộc, mẹ đã sắc thuốc cho nó uống... Desmahis có đến, anh rất tiếc không được gặp con. Anh muốn khắc một đề tài do con sáng tác. Nhìn mấy bản phác họa của con, anh ra vẻ thích thú lắm. Anh nói con có tài.
- Khi hòa bình lập lại, các vụ âm mưu chống phá bị đập tan, con sẽ trở lại bức họa Oreste. Con không hay khoe khoang nhưng ở đó có một cái đầu tuyệt vời, thực xứng với thầy David của con.
Anh lấy bút vạch bằng một nét uy nghi cánh tay Thần Chiến Thắng.
- Thần Chiến Thắng giơ vòng hoa, - anh nói. - Nhưng nếu chính những cánh tay của thần là những vòng hoa thì đẹp hơn.
- Évariste này!
- Gì hở mẹ?
- Mẹ vừa nhận được tin tức, con thử đoán xem của ai?
- Làm sao con biết được!
- Của Julie... em con... Nó không sung sướng.
- Nếu nó sung sướng thì mới là chuyện nhục nhã.
- Đừng nói thế, nó là em con. Bản chất nó không xấu, nó có những tình cảm tốt lại được đau khổ trui rèn. Em con yêu con và mẹ cam đoan với con, Évariste, là nó đang khao khát được sống một cuộc đời lao động mẫu mực. Nó chỉ mong được gặp lại người thân. Nó đã lấy Fortuné de Chassagne.
- Nó viết thư cho mẹ?
- Không.
- Vậy tin tức ở đâu ra?
- Không phải là thư, con ạ, mà là...
Anh đứng bật dậy, ngắt lời mẹ, bằng một giọng khủng khiếp:
- Mẹ im đi! Đừng nói với con là cả hai chúng nó đã trở về Pháp... Vì chúng nó phải chết, tốt nhất là không phải do con. Vì chúng nó, vì mẹ, mẹ hãy làm sao cho con không biết là chúng nó đang ở Paris... Đừng bắt con phải biết: nếu không...
- Con muốn nói gì, con của mẹ? Con muốn, con dám...
- Mẹ nghe đây: Nếu con biết là cô em Julie của con hiện nay ở trong phòng kia... (anh lấy ngón tay chỉ chiếc cửa đóng kín), con sẽ lập tức đi tố cáo nó với Ủy ban Cảnh giác phân khu.
Bà mẹ đau khổ, mặt trắng bệch như chiếc khăn quấn trên đầu, tay lập cập đánh rơi chiếc tất, thở dài nói nhỏ, nhỏ hơn cả lời nói thầm nhỏ nhất:
- Tôi không muốn tin, nhưng tôi thấy rõ: nó đúng là một con quái vật.
Cũng nhợt nhạt như mẹ, mép sùi bọt, Évariste chạy trốn, chạy đến với Élodie, mong tìm thấy bên chị sự lãng quên, giấc ngủ, cái thú vị ngọt ngào sắp được vào cõi hư vô.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét