Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 11

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XI

Sáng hôm mồng bảy tháng Chín, nữ công dân Rochemaure đến nhà hội thẩm Gamelin để đề nghị anh quan tâm đến một người quen đang bị tình nghi. Ở ngưỡng cửa chị gặp ngay người trước kia là ngài Brotteaux des Ilettes mà chị đã từng yêu thương trong những ngày hạnh phúc. Ông Brotteaux lúc đó định vác mười hai tá con rối đến tiệm buôn đồ chơi phố Luật Pháp. Để mang đi cho dễ, ông đã bắt chước mấy chú bán rong buộc chúng lên đầu một con sào. Đối với các bà, các cô bao giờ ông cũng tỏ ra lịch sự, kể cả với những người chỉ còn ít sức quyến rũ vì quá quen thuộc như bà Rochemaure; tất nhiên trừ trường hợp xa cách quá lâu, phản bội hay thiếu trung thành. Ở ngay chỗ bậc thang dơ dáy với những viên gạch bông long lở, ông đã tiếp chị như xưa đã tiếp ở thềm lâu đài des Ilettes và đề nghị cho ông nói chuyện tại gian kho của mình, chị nhanh nhẹn trèo lên thang và đã đứng dưới những chiếc rui kèo nghiêng đỡ chiếc mái ngói có trổ một ô cửa nhỏ. Chúng ta đã biết, vào nhà ông Brotteaux thì không thể đứng thẳng người được nên chị ngồi ngay vào chiếc ghế bành duy nhất của gian kho chật hẹp, sau khi đảo mắt nhìn những viên ngói xô lệch, chị ngạc nhiên và buồn bã hỏi:
- Vậy ông ở đây, ông Maurice? Thế này thì còn sợ ai đến quấy rầy nữa? Chỉ có ma quỷ hay lũ mèo mới tìm thấy nơi ông ở.
- Đúng là quá chật, - ông nói. - Và cũng chẳng giấu gì bà, nhiều khi nước mưa còn rơi xối xả trên chiếc giường tồi tàn kia. Kể cũng hơi bất tiện. Nhưng vào những đêm đẹp trời tôi lại nhìn thấy vầng trăng, hình ảnh và vật chứng giám của mọi mối tình. Vầng trăng, thưa bà, vào thời nào cũng được các cặp tình nhân lôi ra làm chứng. Khi trăng tròn mờ chiếu nó lại nhắc nhở người ta nhớ đến mối tình của mình.
- Tôi hiểu, - nữ công dân đáp lại.
- Đến mùa giao phối, - ông Brotteaux nói tiếp, - các chú mèo lại đuổi nhau ầm ĩ ở chỗ máng nước kia. Nhưng ta phải tha thứ cho tình yêu khi nó meo meo thề thốt trên các mái nhà trong khi nó gây cho cuộc sống loài người bao nhiêu đau khổ và tội ác!
Cả hai đều hiểu biết nên đã đối xử với nhau như những bạn thân mới tạm biệt nhau hôm trước, trước khi đi ngủ. Và bây giờ tuy coi nhau là người xa lạ, họ vẫn nói chuyện với nhau chân tình và thân mật.
Nhưng bà Rochemaure đang có chuyện buồn phiền. Cuộc Cách mạng lâu nay vẫn tươi cười, lợi lộc với bà, đã bắt đầu làm cho bà phải suy nghĩ, lo âu. So với trước đây, những bữa ăn chiều do bà tổ chức đã kém phần choáng lộn, vui tươi; tiếng đàn hạc không còn làm bừng sáng những bộ mặt ưu tư; các khách giàu sang đã ngừng lui tới đánh bạc nhà bà, nhiều chỗ thân quen bị nghi ngờ đang lẩn trốn, nhà tài chính Morhardt, bạn bà, đã bị bắt. Chính vì ông ta mà chị đã tới nhờ vả hội thẩm Gamelin. Rồi bản thân bà cũng bị tình nghi. Vệ binh quốc gia đã đến nhà bà lục tủ áo, cậy ván sàn, dùng lưỡi lê đâm nát đệm. Không tìm được gì, họ đã xin lỗi và nốc rượu vang trước khi ra về. Điều đáng chú ý là họ đã đến chỉ ít bữa sau khi bà trao đổi thư từ với một tên lưu vong là ông d’Expilly. Vài người bạn nằm trong nội bộ nhóm Jacobin bắn tin là chàng nhân tình đẹp trai là Henry của bà bắt đầu trở nên nguy hiểm; y đã ăn nói quá cực đoan để chứng tỏ lòng trung thành của y với Cách mạng.
Khuỷu tay chống đầu gối, hai nắm tay áp má, suy tư, bà hỏi ông bạn già đang ngồi trên ổ rơm:
- Vậy ông thấy các câu chuyện ấy thế nào, ông Maurice?
- Tôi nghĩ, với một nhà triết học hay một tay ham nghệ thuật sân khấu, thì đây là dịp để nghĩ ngợi, để vui chơi, nhưng với bà, bạn thân yêu, tốt nhất là bà tìm cách chuồn khỏi nước Pháp.
- Nhưng Maurice, tất cả chuyện này sẽ dẫn chúng ta đến đâu?
- Chính điều đó, Louise, một hôm bà đã hỏi tôi khi bà đang ngồi trên xe ở bờ sông Cher, trên đường đi đến lâu đài des Ilettes lúc con ngựa của chúng ta bị hàm thiếc đập vào răng đã lồng lên mà ta không kìm nổi. Đàn bà đến là lạ! Hôm nay bà cũng muốn biết chúng ta sẽ đi đến đâu. Hãy đi hỏi mấy mụ bói bài tây, bạn tình ơi, tôi đâu phải thầy bói! Và triết học dù là thứ triết học lành mạnh nhất cũng vô ích khi cần giải đáp tương lai. Chỉ biết mọi việc rồi sẽ kết thúc vì việc gì cũng phải kết thúc. Chúng ta có thể dự kiến những tình huống khác nhau. Liên minh sẽ thắng và quân đồng minh sẽ tiến vào Paris. Họ không còn cách xa bao nhiêu nhưng đến được hay không thì vẫn đáng ngờ vì quân đội của chế độ Cộng hòa đang chiến đấu với một nhiệt tình không gì có thể dập tắt. Cũng có khi ông Robespierre sẽ kết hôn với bà hoàng và được chỉ định làm người bảo vệ vương triều khi vua Louis XVII còn là ấu chúa.
- Ông tin như vậy? - Nữ công dân sốt sắng hỏi, nôn nóng muốn tham gia vào chuyện li kỳ đẹp đẽ đó.
- Cũng có thể, - ông Brotteaux tiếp tục nói, - xứ Vendée sẽ giành thắng lợi và Chính phủ của các linh mục sẽ lên nắm chính quyền trên hoang tàn và những đống xương chất cao như núi. Bạn thân yêu, bà chưa hình dung được quyền lực mà giới tăng lữ còn nắm được đối với vô vàn con l...ừa* [Trong nguyên tác tiếng Pháp, ông Brotteaux nói nhịu từ âme (linh hồn) thành từ âne (con lừa)]. Xin lỗi, tôi muốn nói vô vàn “linh hồn” nhưng nói nhịu! Điều chắc chắn nhất, theo ý tôi, là rồi Tòa án Cách mạng sẽ dẫn đến sự tiêu diệt chế độ đã lập ra nó: nó đe dọa quá nhiều sinh mạng! Số người tòa án gây hoảng sợ đông vô kể, họ sẽ tập hợp nhau lại, và muốn tiêu diệt tòa án, họ sẽ tiêu diệt cả chế độ: tôi nghĩ rằng bà đã vận động đưa được anh chàng Gamelin tham gia thứ công lý đó. Anh ta là người đạo đức: anh ta sẽ khủng khiếp. Bà bạn xinh đẹp của tôi, càng nghĩ tôi càng cho rằng tòa án họ lập ra để cứu chế độ Cộng hòa sẽ tiêu diệt bản thân chế độ đó. Cũng như vương triều trước kia, Quốc ước muốn có những Ngày vĩ đại, muốn có Phòng Rực lửa* [Phòng Rực lửa (hay phòng Rực sáng): dưới chế độ quân chủ Pháp, từ này chỉ tòa án xét xử những vụ án đặc biệt (dị giáo, đầu độc...), căng vải đen và dùng đuốc thắp sáng], đã cắt cử và bắt lệ thuộc vào họ mấy ông thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho mình. Nhưng những Ngày vĩ đại của Quốc ước đâu có vĩ đại bằng những Ngày vĩ đại của Vương triều và Phòng Rực lửa làm sao mang tính chính trị bằng những tòa án dưới thời vua Louis XIV! Tại Tòa án Cách mạng hình thành một ý niệm về công lý thấp kém, về công bằng tầm thường khiến nó trở nên khả ố, lố bịch, làm gai mắt mọi người. Tòa án sắp đưa ra xét xử hoàng hậu của nước Pháp và hai mươi mốt nhà lập pháp, nhưng chính nó mới hôm qua lại kết tội một chị người làm đã hô “Đức vua muôn năm!” với dụng ý xấu và muốn lật đổ chế độ Cộng hòa. Các ông thẩm phán đội mũ gài lông đen của chúng ta hành xử chẳng khác gì ông William Shakespeare được người Anh ưa chuộng lồng vào những màn kịch bi đát nhất của ông những lời hài hước thô lỗ nhất.
- À này, ông Maurice, có phải lúc nào ông cũng được hạnh phúc trong tình yêu không?
- Thôi thôi! Bồ câu bay tới những chuồng sơn trắng đẹp đẽ chứ khi nào còn chịu đậu trên một cái tháp hoang tàn.
- Ông không hề thay đổi... Tạm biệt ông, ông bạn.
Tối hôm đó chàng long kỵ binh Henry không được mời vẫn cứ đến thăm bà Rochemaure. Thấy bà đang dán một lá thư trên phong bì có ghi địa chỉ công dân Rauline ở Vernon, Henry biết ngay đó là thư gửi đi Anh. Thường thường một người phu trạm trao thư từ của bà Rochemaure cho Rauline để chị nhờ một bà bán hải sản mang đến cảng Dieppe. Từ đó một chủ thuyền lợi dụng đêm tối sẽ đem thư tới một chiếc tàu Anh lượn lờ ngoài khơi, ông Expilly, một người lưu vong, nhận thư ở London, nếu thấy cần sẽ chuyển thư đến văn phòng ở Saint-James.
Henry là một anh chàng vừa trẻ vừa đẹp. Nếu anh ta trang bị thêm vũ khí của Ulysse thì đến Achille cũng thua xa về vẻ duyên dáng và rắn rỏi. Trước đây mẽ ngoài của chàng anh hùng trẻ tuổi của công xã đã làm nữ công dân rung động thì nay chị đã quay ngoắt lại, không thèm ngó ngàng đến nữa. Chị được mật báo anh ta bị tố cáo với phái Jacobin là một phần tử cực đoan và như vậy trở thành nguy hiểm có thể làm chị mất mạng như chơi. Riêng Henry thì cho rằng nếu từ nay anh phải chấm dứt chuyện yêu đương với Rochemaure thì cũng chẳng phải là chuyện hy sinh gì to lớn lắm, nhưng anh rất khó chịu thấy chị không chú ý gì đến mình nữa. Mà anh cũng lợi dụng chị để kiếm chác, để trang trải những phí tổn đáp ứng yêu cầu công tác của anh dưới chế độ Cộng hòa. Phụ nữ, anh nghĩ, có thể chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ yêu đương đằm thắm đến lãnh đạm hoàn toàn. Họ rất dễ hy sinh những gì họ yêu quý và để mất đi những gì họ tôn thờ. Và như vậy cái bà Louise tuyệt vời này một ngày nào đó có thể vứt anh vào ngục để tống khứ anh đi cho rảnh. Khôn ngoan hơn hết là chinh phục lại người đẹp và muốn thế phải dùng vẻ duyên dáng của mình làm vũ khí. Anh lập tức trình diễn các động tác khi tiến gần, lúc lùi xa, rồi đụng vào người rồi trốn tránh theo đúng quy tắc chinh phục người yêu trong các vũ điệu ba lê. Anh thừ người, ngồi phịch xuống ghế; và bằng một giọng thảm thiết dường như không gì cưỡng nổi đi thẳng vào tâm hồn phụ nữ, anh ca tụng thiên nhiên, cảnh cô tịch rồi đề nghị não nuột một chuyện du ngoạn cùng chị ở vùng Ermenonville.
Nhưng chị lại lấy đàn hạc ra dạo vài khúc và nhìn quanh quẩn ra chiều sốt ruột.
Đột nhiên Henry đứng dậy, ủ rũ và kiên quyết báo cho biết mình đã gia nhập quân đội và chỉ nay mai sẽ có mặt ở Maubeuge.
Chị không tỏ vẻ nghi ngờ hay ngạc nhiên mà gật đầu tán thành.
- Bà khen tôi đã quyết định như vậy?
- Đúng tôi khen anh đó.
Chị đang đợi một người bạn mới thật dễ thương lại có thể đem lại cho chị nhiều món lợi lớn, thỉnh thoảng chị lại tưởng nghe thấy tiếng chuông, và giật mình. Để tống khứ anh chàng Henry, chị im lặng, ngáp dài rồi lật giở mấy trang nhạc, rồi lại ngáp. Thấy hắn mãi không chịu đi, chị nói chị phải đi ngay có việc cần và sang phòng rửa mặt.
Anh nói với theo, giọng cảm động:
- Vĩnh biệt Louise! Không biết rồi đây tôi còn được gặp bà nữa không!
Vừa nói anh vừa lục ngăn kéo bàn giấy đang hé mở.
Khi ra tới ngoài đường, anh mở ngay bức thư gửi công dân Rauline và chăm chú đọc. Bức thư đưa ra một nhận định thật đặc sắc về tâm trạng của nhân dân Pháp, thư cũng nói đến hoàng hậu, cô Thévenin và Tòa án Cách mạng; nhiều lời tâm sự của ông Brotteaux des Ilettes tốt bụng cũng được ghi lại.
Đọc xong, anh cất thư vào túi, lưỡng lự đôi chút nhưng rồi quyết tâm ngay. Anh tự nhủ là phải hành động càng sớm càng tốt; thế rồi anh rảo bước đến điện Tuileries và vào thẳng phòng đợi của Ủy ban An ninh chung.

* * *

Cùng ngày hôm đó, vào lúc ba giờ chiều, Évariste ngồi vào ghế hội thẩm cùng với mười bốn bạn đồng nghiệp phần lớn anh đã quen từ trước. Toàn là những thường dân trung thực, yêu nước, những nhà khoa học, nghệ sĩ hay thủ công; một họa sĩ như anh, một họa công - cả hai đều có tài, một nhà phẫu thuật, một người bán giày, một người trước là hầu tước nhưng đã chứng minh được lòng yêu nước của mình bằng nhiều hành động cụ thể, một thợ nhà in, một số tiểu thương, tóm lại một thế giới nho nhỏ đại diện cho đám thị dân bình thường ở Paris. Họ ngồi đó trong y phục thợ thuyền hay tư sản, tóc cắt ngắn theo kiểu vua Titus hay để dài có dải buộc sau gáy, mũ có chỏm sụp xuống tận mắt hay mũ tròn đội hất ra sau, có người đội mũ chụp đỏ che tai. Người này bận vét, áo và quần chẽn theo kiểu thời xưa, kẻ khác bận áo vét ngắn, quần kẻ theo cách ăn mặc của những người cách mạng. Họ đi ủng, đi dép có khóa hay đi giày gỗ. Tóm lại, đủ thứ quần áo, giày dép, mũ mão thông dụng với mọi người thời đó.
Vì tất cả đã xử án nhiều lần nên họ có vẻ thoải mái trên chiếc ghế dài và Gamelin cảm thấy ghen tị trước thái độ bình thản của họ. Tim anh đập mạnh, tai ù, mắt hoa; tất cả xung quanh như mang một màu sắc nhợt nhạt.
Khi viên thừa phát lại công bố Tòa án bắt đầu họp, ba viên thẩm phán đứng lên chiếc bục nhỏ, ngồi trước chiếc bàn màu xanh. Họ đội mũ có phù hiệu cắm những lông chim lớn màu đen, mặc một áo thụng tòa án có băng tam tài, một chiếc huy chương nặng bằng bạc đeo lủng lẳng trước ngực. Trước mặt họ, ngay chân bục là chỗ ngồi của ông biện lý ăn mặc tương tự mấy ông thẩm phán… Viên lục sự ngồi giữa Tòa và chiếc ghế bành của bị can lúc đó chưa có mặt. Gamelin thấy những con người này rất khác những con người anh từng trông thấy trước đây. Họ đẹp hơn, nghiêm trang hơn, đáng sợ hơn mặc dù họ vẫn giữ thái độ bình thường! Đang lật mấy trang giấy, gọi viên mõ tòa hay ngả người ra phía sau để nghe hoặc nói gì đó với một hội thẩm hay một nhân viên phục vụ.
Phía trên các thẩm phán có treo các bảng Tuyên ngôn nhân quyền; bên phải và bên trái là các tượng bán thân của Le Peletier, Saint-Fargeau và Marat đặt áp vào các bức tường cổ kính xây từ thời phong kiến. Trước mặt các hội thẩm và ở phía cuối phòng là chỗ ngồi các công dân được bố trí hơi cao hơn. Ở những hàng ghế đầu đã có nhiều phụ nữ ngồi chờ sẵn với những mớ tóc đủ màu vàng hoe, nâu, xám; tất cả đều đội mũ trùm đầu cao có dải dài xếp nếp che tối cặp má. Ngực họ quấn chéo chiếc khăn vuông trắng hay phủ một phần bằng chiếc yếm tạp dề xanh vẫn để lộ bộ vú nở nang theo đúng thời trang. Họ khoanh tay ngay ngắn đặt lên thành bàn. Sau các bà lác đác trên các bậc thềm là các nam công dân ăn mặc đủ kiểu khiến cho đám đông bao giờ cũng mang màu sắc vừa lạ vừa đẹp mắt. Bên phải, ngay lối ra vào, sau một bức rào hoàn toàn kín, có một khoảng trống để quần chúng có thể đứng dự phiên tòa.
Lần này số người đến xem không đông lắm. Chỉ có một ít khán giả quan tâm đến vụ án sắp xét xử, chắc chắn cũng vào lúc này các tòa án khác đang giải quyết những vụ gây xúc động hơn.
Chính điều đó đã phần nào làm Gamelin yên tâm vì mới lần đầu anh sợ tim anh không chịu nổi cái không khí hừng hực của những vụ án quan trọng. Mắt anh vẫn theo dõi từng chi tiết: anh nhìn thấy cả mẩu bông gòn trong lỗ tai viên lục sự, một vết mực trong hồ sơ của ông biện lý. Anh trông thấy như soi qua kính lúp những mũ cột được chạm trổ tỉ mỉ vào thời kỳ nghệ thuật cổ đã suy tàn bên dưới là những cây cột theo kiến trúc Gô-tích trang trí bằng những vòng cành lá tầm ma hay nhựa ruồi. Nhưng mắt anh luôn luôn trở lại chiếc ghế bành kiểu rất xưa, bọc nhung Utrecht đỏ, chỗ ngồi đã mòn trơ và tay vịn đen bẩn. Nhiều vệ binh quốc gia vũ khí trong tay canh gác mọi lối ra vào.
Cuối cùng bị cáo xuất hiện có những anh lính cao lớn áp tải, nhưng chân tay không bị xiềng xích như luật quy định. Đó là một người đàn ông tuổi trạc năm mươi, khô, gầy, nước da nâu, đầu gần hói hoàn toàn, má hóp, môi mỏng và tím nhạt, mặc theo kiểu cũ một chiếc áo màu đỏ tiết bò. Chắc ông đang lên cơn sốt nên mắt có ánh long lanh như ngọc và má ông xanh như nhuộm phẩm. Ông ngồi xuống ghế, đôi chân gầy guộc quá mức bắt tréo, những bàn tay to rộng có mấu bóp chặt lấy chân. Ông tên là Marie-Adolphe-Guillergues, can tội phí phạm rơm, cỏ của nhà nước Cộng hòa. Bản cáo trạng nổi lên những sự việc vừa nhiều vừa nghiêm trọng, nhưng không sự việc nào tuyệt đối chắc chắn. Khi bị hỏi, Guillergues phủ nhận phần lớn vụ việc, đối với các vụ việc còn lại, ông giải thích theo cách có lợi cho mình, ông sử dụng một ngôn ngữ chính xác và lạnh lùng, khôn khéo một cách kỳ lạ và gây ra cảm giác là muốn bàn tính chuyện gì với ông cũng không dễ dàng. Ông trả lời tất cả các câu hỏi. Khi thẩm phán đặt một câu hỏi gây lúng túng, nét mặt ông vẫn bình thản, giọng nói vẫn chắc nịch nhưng đôi bàn tay đặt trước ngực như co giật vì lo âu. Gamelin nhận thấy ngay điều đó và nói nhỏ vào tai người ngồi bên cũng là họa sĩ như anh:
- Hãy nhìn xem những ngón tay y.
Nhân chứng thứ nhất cung cấp cho tòa những chứng cứ khó chối cãi. Toàn bộ cáo trạng dựa vào lời khai của người này. Nhưng những nhân chứng tiếp theo lại đưa ra những bằng chứng quá mơ hồ. Viên chức biện lý phát biểu hùng hồn nhưng không chính xác trong khi đó luật sư dùng những lời lẽ có vẻ chân thật khiến cho bị cáo tranh thủ được thiện cảm, điều mà bản thân bị cáo không lãnh nổi. Phiên tòa tạm nghỉ để các hội thẩm họp trong phòng luận tội. Tại đây sau một cuộc tranh luận mịt mù, lộn xộn, họ chia thành hai nhóm số lượng tương đương nhau. Một bên là những người như vô tình, ngoài cuộc, sa vào tranh luận nhưng không nhiệt tình; còn bên kia là những kẻ để cho tình cảm dẫn dắt, các lập luận không có cơ hội thấm vào đầu óc họ, họ dùng trái tim để xét xử, bao giờ cũng kết luận bị cáo là có tội; họ là những người tốt, những người nguyên tắc, họ chỉ nghĩ đến việc bảo vệ nền Cộng hòa, còn chuyện khác thì không đáng băn khoăn. Thái độ đó gây ấn tượng mạnh đối với Gamelin và anh thấy mình đồng cảm với họ.
“Cái tên Guillergues kia, - anh nghĩ, - đúng là một tên bất lương xảo quyệt, một kẻ gian ác đã ăn cắp rơm, cỏ khô cung cấp cho kỵ binh của chúng ta. Tha hắn là để một thằng phản bội thoát tội, là phản bội Tổ quốc, làm cho quân đội ta đi đến thất bại”, - và anh hình dung những kỵ binh ngồi trên lưng những con ngựa gầy ốm bước cao, bước thấp mặc cho kẻ địch tha hồ sát hại... “Nhưng nếu hắn vô tội?...”.
- Không có bằng chứng. - Gamelin nói to.
- Chẳng bao giờ có bằng chứng cả, - ông trưởng đoàn hội thẩm, một người tốt, một người nguyên tắc nhún vai trả lời.
Cuối cùng có bảy phiếu kết tội, tám phiếu chống.
Hội thẩm đoàn trở lại phòng họp vì công tác xét xử tiếp tục.
Các hội thẩm có trách nhiệm trình bày lý do phán quyết của họ. Từng người một nói trước chiếc ghế bành bỏ trống. Có người phát biểu dông dài, có kẻ ấp úng điều gì không rõ. Đến lượt mình, Gamelin đứng lên nói:
- Trước một tội ác lớn là tước đoạt khả năng chiến thắng của những người đang bảo vệ Tổ quốc thì cần những bằng chứng cụ thể, nhưng chúng ta không hề có.
Bằng đa số phiếu, bị can được tuyên bố vô tội.
Guillergues được dẫn trở lại trước các thẩm phán, nhưng những tiếng thì thào đầy thiện cảm của khán giả đã cho ông biết mình được trắng án. Và bây giờ trước tòa ông là một con người khác. Những nét khô khan biến đi đâu mất, môi ông như mềm ra, ông có vẻ đáng kính, nét mặt biểu lộ sự vô tội. Viên chánh án giọng xúc động đọc bản án tha bị can. Cả phòng nổ lên những tràng vỗ tay. Viên sen đầm đã áp tải ông bước tới ôm lấy ông, chánh án gọi ông lại và ôm hôn thân mật. Gamelin đầm đìa nước mắt.
Ngoài sân Tòa án còn rơi rớt những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tà, một đám đông đang gào thét. Hôm trước cả bốn tòa án phân khu đã xử ba mươi án tử hình và trên các bực thềm Tòa án, các bà đan len đang ngồi chờ các xe chở tù nhân xuất phát. Nhưng Gamelin trong khi từ từ đi xuống các bậc giữa làn sóng các hội thẩm và khán giả, không nghe thấy gì ngoài hành động công bằng và nhân đạo của mình, tự ca tụng mình đã công nhận kẻ kia vô tội. Ngoài sân Élodie mặt trắng bệch, tươi cười và đẫm lệ, lao vào ôm ghì lấy anh, ngây ngất. Và khi có thể nói thành lời, chị bảo anh:
- Évariste, anh thực đẹp, thực tốt, anh thực hào hiệp! Trong phòng xử, tiếng nói hùng hồn, từ ái của anh xuyên qua cả người em như những sóng từ trường. Ngồi tại chỗ, em chỉ ngắm anh, chỉ trông thấy anh. Mà anh, anh của em, tại sao anh không đoán là em cũng có mặt? Không có gì báo cho anh biết là em ở đó hay sao? Em ngồi ngay ở hàng hai, bên phải. Trời ơi! Làm điều thiện mới sung sướng làm sao! Anh đã cứu con người đau khổ kia. Không có anh, ông ấy đã rồi đời. Anh đã cho ông trở lại với cuộc sống, với tình yêu của gia đình. Lúc này chắc con người ấy đang cầu phúc cho anh. Anh Évariste, em sung sướng, tự hào đã yêu anh!
Rồi tay trong tay, đi sát bên nhau, họ đi trên các đường phố, lòng nhẹ nhõm, như đang bay lượn.
Họ đi về phía tiệm Tình yêu họa sĩ. Khi đến nhà thờ Oratoire, Élodie nói:
- Ta đừng đi qua tiệm.
Chị dẫn anh vào cửa phụ rồi đưa anh lên lầu. Đến ngưỡng cửa, chị rút từ túi lưới ra một chiếc chìa khóa lớn:
- Anh thấy không, anh Évariste, đúng như một chiếc chìa khóa nhà tù. Anh sắp là tù nhân của em.
Họ đi qua phòng ăn rồi vào phòng cô gái.
Évariste cảm thấy trên môi mình đôi môi thơm mát, nồng nàn của Élodie. Anh ghì chặt nàng trong hai cánh tay. Đầu nàng ngả, mắt nhắm nghiền, tóc rũ rượi, toàn thân ngả xuống, gần như ngất xỉu, nhưng nàng vùng khỏi tay anh, chạy ra cài chốt cửa...
Đêm đã khuya lắm khi nữ công dân Blaise mở cửa cho người tình về; chị thì thầm với anh trong bóng tối:
- Tạm biệt anh yêu! Bây giờ cha em chắc sắp về. Nếu anh nghe thấy tiếng động ở cầu thang, anh hãy trèo nhanh lên lầu trên và chỉ khi nào chắc không ai nhìn thấy, hãy trở xuống. Muốn cho bà gác cổng mở cửa ra đường, anh cứ gõ ba tiếng vào cửa sổ. Tạm biệt nhé, cuộc sống của em, linh hồn của em!
Ra đến đường, anh thấy cửa sổ phòng Élodie hé mở. Một bàn tay nhỏ thò ra hái một bông cẩm chướng đỏ, rồi bông hoa rơi xuống chân anh như một giọt máu.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét