Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 13

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XIII

Lần thứ hai Gamelin ra tòa nghị án. Trước khi Tòa khai mạc, anh trao đổi với các đồng nghiệp trong hội thẩm đoàn về những tin mới nhất, có những tin còn chưa rõ hoặc chắc chắn sai, nhưng những gì có thể ghi nhận thì thực là khủng khiếp. Quân liên minh đã làm chủ mọi ngả đường và tiến quân đồng loạt. Vendée chiến thắng quân Chính phủ, Lyon nổi dậy, cảng Toulon lọt vào tay quân Anh và chúng đổ bộ vào đấy mười bốn ngàn người.
Các vị hội thẩm này coi những sự kiện làm toàn thế giới quan tâm cũng là những việc của riêng mình. Chắc chắn sẽ bị tiêu diệt nếu Tổ quốc không tồn tại, họ xem công cuộc cứu quốc cũng là việc của từng cá nhân. Và quyền lợi quốc gia lẫn lộn với quyền lợi cá nhân đã chỉ đạo mọi tình cảm ham muốn cũng như thái độ của họ.
Đang ngồi trò chuyện thì Gamelin nhận được thư của Trubert, bí thư ủy ban quân sự; anh ta cho biết đã được bổ nhiệm làm ủy viên phụ trách thuốc súng và diêm tiêu.
- Cậu hãy cho đào tất cả các hầm trong phân khu để thu thập những gì cần cho việc chế thuốc súng, chỉ nay mai kẻ địch có thể tới cửa ngõ Paris; đất đai của Tổ quốc phải cung cấp cho ta đủ sấm sét để giội lên đầu quân xâm lược. Kèm theo thư này, tôi gửi cậu một chỉ thị của Quốc ước liên quan đến vụ xử lý diêm tiêu. Gửi cậu lời chào hữu nghị.
Đang lúc đó bị cáo được dẫn vào Tòa. Đó là một trong những viên bại tướng cuối cùng, viên tướng ít người biết đến nhất, mà Quốc ước giao cho Tòa án xét xử. Nhìn thấy y, Gamelin run lên. Anh như thấy lại lão quân nhân cách đây ba tuần anh đi lẫn vào quần chúng xem xét xử và đưa lên máy chém. Cùng một loại người bướng bỉnh, ngu dốt, cùng một cách xét xử. Vẻ xảo trá và tàn nhẫn của y khi trả lời làm cho những lời bào chữa đáng lẽ có giá trị mất hết ý nghĩa.
Các mánh khóe, đôi khi sự tế nhị quá đáng, những lời buộc tội cấp dưới làm cho người nghe quên rằng y đang có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ danh dự và sinh mạng của mình. Toàn bộ sự việc đều không rõ ràng, đều đặt thành nghi vấn; từ vị trí đóng quân, quân số, đạn dược đến lệnh phát ra, lệnh nhận được, công tác di chuyển quân đội đều khó hiểu. Không ai hiểu gì về các cuộc hành quân mơ hồ, vô lý, không có mục tiêu đã dẫn đến thảm họa. Không ai hiểu gì, cả ủy viên bào chữa và bản thân bị cáo đến ủy viên công tố, thẩm phán, hội thẩm; và điều rất kỳ lạ là không ai dám thú nhận với người khác, kể cả với chính mình là họ chẳng hiểu gì hết. Mấy ông hội thẩm bàn cãi về kế hoạch, lập luận về chiến thuật, chiến lược, còn bị cáo thì luôn luôn giữ các mánh khóe, thủ đoạn chứ không tự bào chữa một cách tự nhiên.
Cuộc tranh luận kéo dài không dứt. Trong lúc đó, Gamelin như trông thấy trên các con đường gian khổ ở miền Bắc những xe chở đạn bị sa lầy, những khẩu đại bác lật đổ trong rãnh bùn và ở khắp nơi những đoàn quân bại trận kéo dài lê thê không còn trật tự, bị kỵ binh địch từ các cứ điểm bỏ trống ập tới chém giết, và anh nghe thấy từ đạo quân bị phản bội vang lên tiếng gào thét đòi kết tội viên tướng. Khi cuộc tranh luận kết thúc, bóng tối đã giăng đầy phòng xử và hình Marat mờ ảo hiện lên như một bóng ma phía trên đầu ông chánh án. Ý kiến của hội thẩm đoàn không nhất trí. Gamelin bằng một giọng trầm đục, cương quyết, như nghẹn lại trong cổ họng khẳng định bị cáo can tội phản bội chế độ Cộng hòa và tiếng thì thầm tán thành trong quần chúng như vuốt ve, ca ngợi đạo đức của chàng thanh niên. Quyết định của Tòa án được đọc trong ánh đuốc. Ánh sáng nhợt nhạt của những bó đuốc run rẩy trên vầng thái dương hõm sâu, lấm tấm những giọt mồ hôi của bị cáo.
Ở lối ra, nhiều mụ đàn bà đeo phù hiệu ngồi lúc nhúc trên các bậc thềm của Tòa án, và trong khi Gamelin nghe những kẻ hay lui tới Tòa án nhắc đến tên mình, một cái tên bắt đầu quen thuộc thì các bà đan len vây lấy anh, giơ nắm đấm, đòi trao cho họ cái đầu của mụ người Áo.
Hôm sau, Évariste phải quyết định về số phận một người xấu số khác, mụ quả phụ Meyrion làm nghề đưa bánh mì. Hàng ngày mụ đẩy một chiếc xe nhỏ trên các đường phố và đeo một ván gỗ, dùng dao đánh dấu số bánh đã giao. Làm như vậy để kiếm tám xu một ngày. Viên phó biện lý tỏ thái độ hết sức dữ dằn vì hình như mụ đã hô nhiều lần “Đức vua muôn năm!”, nói năng phản cách mạng tại những địa điểm giao bánh và còn dính líu vào một âm mưu giúp mụ Capet vượt ngục. Khi bị hỏi cung, mụ thú tất cả các tội danh gán cho mình; có thể vì đầu óc quá đơn giản mà cũng có thể do cuồng tín, mụ bày tỏ tinh thần bảo hoàng một cách hết sức hứng khởi và đã đến nước ấy thì vô phương cứu chữa.
Tòa án Cách mạng thể hiện tinh thần bình đẳng triệt để bằng thái độ khắc nghiệt đối với người phu khuân vác hay mấy chị người làm không khác gì đối với mấy nhà quý tộc hay các ông tài chính. Bản thân Gamelin cũng quan niệm không thể làm khác dưới một chính thể nhân dân. Anh cho rằng không dùng cực hình khi xét xử nhân dân là coi thường, là hỗn xược với họ. Làm như vậy chẳng khác gì nói nhân dân không xứng đáng được trừng phạt. Nếu máy chém chỉ dành riêng cho bọn quý tộc thì đó là một thứ ưu tiên bất công. Anh bắt đầu xem trừng phạt như một cái gì có ý nghĩa tôn giáo và thần bí, gán cho trừng phạt một thứ đạo đức và những giá trị riêng. Theo anh, đã phạm tội thì phải chịu hình phạt, tước đoạt cái quyền đó là làm thiệt hại nhân dán. Anh tuyên bố mụ Meyrion phạm pháp và phải chịu hình phạt cao nhất, chỉ tiếc rằng bọn cuồng tín đã dẫn mụ vào con đường tội ác, tội còn nặng hơn mà không có mặt trước Tòa để cùng chung số phận.
Tối nào Évariste cũng đến gặp gỡ các hội viên Jacobin tại nơi trước đây là tu viện dòng Dominique nhưng thường gọi là tu viện Jacobin tại phố Honoré. Ngoài sân có một cây dương còn gọi là cây Tự do, gió thổi làm cành lá không ngừng xào xạc! Kiến trúc tu viện vừa nghèo nàn vừa xấu xí, mái ngói nặng nề, phía đầu hồi có một cửa sổ mắt bò và một cửa ra vào vòm cuốn, trên treo một lá cờ đất nước trên có chiếc mũ chụp tượng trưng cho nền Tự do. Các hội viên Jacobin, cũng như các hội viên Cordeliers và Feuillants đã chiếm luôn chỗ ở và tên các tu sĩ bị giải tán. Gamelin trước hay họp với nhóm Cordeliers nay đến với những chiến sĩ Jacobin không còn thấy ở đó những đôi guốc, áo vét ngắn, những tiếng la hét quen thuộc của bọn Danton* nữa.

*[Georges Jacques Darton (1759-1794): chính khách Pháp, thành viên nhóm Montagne, thành viên ủy ban cứu quốc. Đòi chấm dứt khủng bố và bị xử tử]

Câu lạc bộ của Robespierre luôn thể hiện sự thận trọng của những người quen làm hành chính và tính nghiêm trang của những người tư sản. Sau khi người “Bạn dân” qua đời, Évariste theo các lớp do Maximilien de Robespierre giảng dạy. Tư tưởng của Robespierre chi phối toàn bộ các hội viên Jacobin và qua họ, nhờ hàng ngàn tổ chức liên kết, tư tưởng ấy phát triển trên toàn lãnh thổ Pháp. Trong khi thuyết trình, ông có thói quen đảo mắt nhìn các bức tường xám và buồn, không có chút trang trí; những bức tường đã từng chứng kiến các vị đại pháp quan xét xử bọn dị giáo nay lại tập hợp các pháp quan lòng đầy nhiệt huyết xét xử các tội ác chống lại Tổ quốc.
Ở đây đặt trụ sở quyền lực cao nhất của Nhà nước, một trụ sở không lộng lẫy nhưng thực trang nghiêm. Quyền lực ấy cai trị đô thành, đế quốc, đọc các quyết định để Hội đồng Quốc ước ban hành. Những người xây dựng trật tự mới là những kẻ triệt để tôn trọng pháp luật: sau năm 1791 họ còn là những người bảo hoàng, họ vẫn còn muốn bảo hoàng sau khi Louis XVI bị bắt ở Varennes; họ kiên trì gắn bó với Hiến pháp, trung thành với trật tự đã lập, cả sau vụ tàn sát đẫm máu ở Champ-de-Mars; không bao giờ làm cách mạng để chống lại cách mạng, xa lạ với các phong trào quần chúng, họ nuôi dưỡng trong tâm hồn một tình yêu Tổ quốc âm thầm, mãnh liệt, vì tình yêu ấy họ đã thành lập mười bốn đạo quân và dựng lên máy chém. Évariste ca ngợi ở họ tinh thần cảnh giác, đầu óc ngờ vực, tư tưởng giáo điều, tính kỷ luật, nghệ thuật thống trị và trí sáng suốt cao cả.
Từ đám quần chúng tham dự lớp học chỉ thấy vẳng lên tiếng âm vang đều đều, thống nhất như tiếng âm vang của những lá cây Tự do sừng sững trước trụ sở.
Ngày hôm đó, ngày 11 tháng Nho*, một người còn trẻ, mắt sắc, mũi nhọn, cằm nhọn, mặt rỗ, vẻ lạnh lùng từ từ bước lên diễn đàn. Mặt ông trát phấn và chiếc áo xanh bó sát người, ông có dáng dấp khoan thai, hơi kiểu cách khiến những người muốn chế giễu gọi ông là thầy dạy nhảy và những kẻ ưa chuộng ông gọi ông là “chàng Orphée của nước Pháp”. Người đó là Maximilien de Robespierre. Ông đọc một bài diễn văn hùng hồn chống các kẻ thù của chế độ Cộng hòa, sử dụng những lập luận siêu hình và khủng khiếp để lên án Brissot và bè lũ. Ông nói thật lâu, thật phong phú, văn hoa. Ông như bay lượn trên lĩnh vực cao siêu của triết học đã giáng sấm sét vào đầu bọn phiến loạn đang bò lúc nhúc trên mặt đất.

*[Tháng Nho là tên tháng thứ nhất (tương đương tháng 9, 10 dương lịch) trong lịch Cách mạng thiết lập ngày 24-10-1793]

Évariste đã nghe và đã hiểu. Trước đây anh lên án bọn Girondins chuẩn bị phục hồi chế độ quân chủ hay tạo điều kiện cho bọn phiến loạn Orléans giành thắng lợi, muốn tiêu diệt thành phố anh hùng đã giải phóng nước Pháp và một ngày không xa sẽ giải phóng cả thế giới. Bây giờ nghe bậc hiền triết giảng giải, anh khâm phục những chân lý cao hơn và thuần khiết hơn; anh tiếp thu một lý luận cách mạng siêu hình không để những sự kiện ngẫu nhiên thô thiển đánh lạc hướng, không để giác quan mình lừa gạt và như vậy tiến vào lĩnh vực những chân lý tuyệt đối.
Tất cả các sự việc đều mập mờ, lẫn lộn, phức tạp đến mức càng vào sâu càng lạc lối. Robespierre đã đơn giản hóa chúng, bảo cho anh biết thế nào là đúng, thế nào là sai bằng cách vận dụng những công thức đơn giản, sáng sủa. Chủ nghĩa liên bang và tính không thể chia cắt: thống nhất và không chia cắt là con đường sống; theo chủ nghĩa liên bang là bước vào địa ngục tối tăm. Gamelin tận hưởng lạc thú vô hạn của một tín đồ tìm được lẽ cứu rỗi và lẽ diệt vong. Kể từ nay, cũng như các Tòa án Giáo hội xưa kia, Tòa án Cách mạng có quyền xét xử loại tội ác tuyệt đối, tội ác ngôn từ. Vì có tâm hồn tôn giáo, anh tiếp thu các thần khải đó với một cảm hứng vô hạn; lòng anh tràn đầy cảm kích và vui mừng, vì để phân biệt chính, tà anh đã có một tín điều. Ôi sức mạnh của lòng tin, mi có thể thay thế tất cả!
Nhà hiền triết Maximilien còn vạch cho anh thấy các ý đồ thâm độc của những kẻ muốn san bằng của cải và chia đều ruộng đất, muốn xóa bỏ giàu nghèo và tạo cho tất cả mọi người một thứ hạnh phúc thấp kém, tồi tệ. Trước đây bị mê hoặc vì các khẩu hiệu của chúng, đã có lúc anh tán thành các dự định anh cho rằng phù hợp với các nguyên tắc của một người Cộng hòa chân chính. Nhưng qua những buổi nói chuyện ở Câu lạc bộ Jacobin, Robespierre đã chỉ rõ các âm mưu của họ, đã chứng minh mục tiêu của chúng bề ngoài có vẻ trong sáng thực chất là nhằm lật đổ chế độ Cộng hòa; họ làm cho người giàu hoảng sợ chỉ để xây dựng chính quyền hợp pháp của những kẻ thù hùng mạnh và độc ác. Thực vậy, khi quyền sở hữu bị đe dọa, toàn dân sẽ đột nhiên quay lại chống chế độ Cộng hòa, kể cả người nghèo vì càng ít quyền lợi họ càng thiết tha bảo vệ quyền lợi của mình. Làm cho mọi người sợ mất quyền lợi chính là mưu phản, chúng bề ngoài ra bộ mưu cầu hạnh phúc của toàn dân, làm cho công lý thắng lợi hoàn toàn, kiến nghị coi bình đẳng và cộng đồng tài sản là đối tượng tranh đấu của toàn dân, thực chất chúng là những tên phản quốc, những kẻ thù gian ác còn nguy hiểm hơn bọn liên bang.
Nhưng phát hiện quan trọng nhất mà nhà hiền triết Robespierre vạch cho anh thấy rõ là tội ác và những điều bỉ ổi của chủ nghĩa vô thần. Gamelin không bao giờ phủ nhận sự hiện hữu của Thượng đế. Anh là người hữu thần và tin vào một đấng Thượng đế luôn luôn chăm lo đến con người. Nhưng anh chỉ có một khái niệm mơ hồ về Đấng Tối Cao và vì rất thiết tha với tự do tín ngưỡng, anh sẵn sàng đồng ý là những người lương thiện có thể noi gương La Mettrie, Boulanger, nam tước Holbach, Lalande, Helvétius, công dân Dupuis, phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế, với điều kiện thiết lập được một nền đạo đức tự nhiên và tìm thấy ở chính bản thân mình các quy tắc của một đời sống đạo đức.
Anh thường thông cảm với các người vô thần khi họ bị lăng nhục và ngược đãi. Nhờ Maximilien mà đầu óc anh minh mẫn, mắt anh mở to. Con người vĩ đại đó đã diễn đạt thực hùng hồn quan điểm đạo đức của ông, cho anh hiểu tính chất thực sự của chủ nghĩa vô thần, bản chất, mưu đồ và ảnh hưởng của nó. Ông chứng minh chủ nghĩa đó thoát thai từ các phòng khách của giai cấp quý tộc, là sáng tạo xảo trá nhất của kẻ thù làm cho nhân dân mất tinh thần và cuối cũng sẽ nô dịch họ. Tội ác của chủ nghĩa vô thần là làm cho những người đau khổ không còn hy vọng gì ở một Thượng đế lòng lành sẽ ân thưởng họ, không còn ai dìu dắt, họ mặc sức chạy theo dục vọng làm con người sa đọa, biến thành kẻ nô lệ đớn hèn. Và cuối cùng thứ chủ nghĩa Epicure quân chủ của tên Helvétius đang dẫn dắt con người đến chỗ vô đạo đức, tàn bạo, đến mọi tội ác. Từ khi nghe giảng, anh căm thù bọn vô thần, nhất là những kẻ vô thần có một tấm lòng rộng mở và vui tươi như lão Brotteaux.
Trong những ngày tiếp theo, Évariste lần lượt xét xử một tên chắc chắn đã hủy hoại lúa mì để nhân dân đói khổ, ba tên lưu vong trở lại Pháp để gây nội chiến, hai cô gái ở Lâu đài Bình Đẳng, mười bốn kẻ mưu phản người xứ Bretagne, rồi đàn bà, ông già, thiếu niên, ông chủ, đầy tớ dù loại. Tội ác xác định xong thì cứ luật pháp thi hành. Trong số bị can có một phụ nữ mới hai mươi tuổi, xinh đẹp, trang điểm lộng lẫy để chờ đón những ngày cuối cùng của cô. Một chiếc nơ màu xanh da trời giữ mớ tóc vàng, và một cái cổ trắng, mềm lộ ra sau chiếc khăn vuông bằng vải mịn.
Évariste luôn luôn biểu quyết tử hình và tất cả các bị cáo, trừ một ông lão làm vườn, đều được đưa ra máy chém.
Tuần lễ tiếp theo Évariste và các bạn anh cho hành quyết 45 đàn ông và 18 phụ nữ.
Các thẩm phán của Tòa án Cách mạng không phân biệt nam, nữ, xuất phát từ một nguyên tắc có cũng lâu đời như chính nền công lý. Vì ông chánh án Montané do cảm thông lòng dũng cảm và nhan sắc của Charlotte Corday đã tìm cách cứu cô bằng cách cố tình vi phạm thủ tục xét xử nên mất ghế. Theo luật chung cho các tòa án, nhìn chung các phụ nữ khi bị hỏi cung đều không được hưởng một sự biệt đãi nào. Các hội thẩm thường cảnh giác với phụ nữ, đề phòng tính xảo quyệt, thói quen nói dối và các thủ đoạn cám dỗ của họ. Thực ra không hề thua kém nam giới về tinh thần dũng cảm, phụ nữ yêu cầu tòa án xử họ như xử nam giới. Phần lớn những người xét xử ít ham mê nhục dục hay chỉ ham mê tùy lúc nên họ không hề lúng túng. Họ kết tội, họ tha bổng đều theo lương tâm hoặc thành kiến, nhiệt tình, tình yêu nhiều hay ít của họ đối với chế độ Cộng hòa. Phụ nữ ra trước tòa thường ăn vận đàng hoàng tới mức cao nhất mà tình trạng khổ đau của họ cho phép. Phần lớn đó là những người không còn trẻ, nhan sắc dưới bình thường, tù tội và lo âu làm cho họ tàn tạ, ánh sáng gắt của phòng xử lại làm lộ thêm những mi mắt héo hắt, da mặt quầng đỏ, môi trắng bệch và co rúm. Nhưng chiếc ghế bành khủng khiếp cũng đã nhiều lần tiếp đón một phụ nữ trẻ, đẹp mặc dầu xanh xao, trong khi một bóng tối tang tóc làm mờ đi đôi mắt của chị. Trông thấy một kẻ như thế, các hội thẩm dù xúc động hay tức giận, dù trong thâm tâm họ muốn dò xét những uẩn khúc thầm kín nhất của một con người tuy còn sống nhưng cũng xem như đã chết và trong khi trong lòng họ những hình ảnh khoái lạc và đẫm máu đang lay động, họ thường cảm thấy cái thú điên khùng được giao cho tên đao phủ cái thân hình kiều diễm kia. Sự thật phũ phàng đó có lẽ không nên nói ra, nhưng ta không thể phủ nhận nếu ta hiểu biết về con người. Riêng Évariste Gamelin, vì là một nghệ sĩ lạnh lùng, uyên bác, anh chỉ công nhận nghệ thuật cổ mới có giá trị, nên sắc đẹp chỉ có thể làm anh kính trọng chứ ít khi làm anh rối loạn, sở thích thiên về cổ điển quá chặt chẽ làm anh ít thấy phụ nữ nào đáp ứng đòi hỏi của mình. Anh không rung động trước vẻ quyến rũ của một khuôn mặt đẹp cũng như không bao giờ thích thú màu sắc của Fragonard hay các hình thể của Boucher. Anh chỉ cảm thấy ham muốn xác thịt khi tình yêu thực sâu sắc.
Cũng như phần lớn đồng nghiệp, anh cho rằng đàn bà nguy hiểm hơn đàn ông. Anh căm thù những kẻ đã từng là bà hoàng, bà chúa, những kẻ mà anh hình dung trong các giấc mơ khủng khiếp, như Elisabeth, như mụ người Áo, đang nghiền những viên đạn để ám sát những công dân yêu nước. Anh ghê tởm các cô bạn gái xinh đẹp của các nhà tài chính, triết gia, văn sĩ vì họ đã hưởng lạc quá nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần và đã sống trong thời kỳ sung sướng. Anh căm thù nhưng không dám thú nhận là mình căm thù nên khi có dịp xét xử họ, anh đã kết tội do căm giận và tưởng như vậy là công bằng và phục vụ công cuộc cứu nước. Tính trung thực, trọng liêm sỉ, óc sáng suốt lạnh lùng, lòng tận tụy đối với quốc gia, và tất cả các đức tính của anh đã đẩy lên đoạn đầu đài không biết bao nhiêu phụ nữ đáng thương.
Nhưng bây giờ tình hình như đổi khác làm cho người ta khó lòng giải thích nổi.
Trước kia còn phải đi tìm thủ phạm, phải lôi bằng được chúng ra khỏi hang ổ và bắt chúng thú nhận tội ác. Bây giờ không còn chuyện truy lùng với bao nhiêu người hộ tống như săn đuổi một con mồi nhút nhát: các nạn nhân tự nộp mình từ khắp nơi trong nước. Bọn quý tộc, các trinh nữ, binh lính, gái làm tiền ồ ạt kéo đến Tòa án, bắt các thẩm phán phải kết tội nhanh hơn, đòi được chết như đòi một quyền lợi mà họ nóng lòng hưởng thụ. Số đông không kể xiết mà bọn tố giác làm cho nhà tù chật cứng và viên biện lý với bao nhiêu nhân viên làm việc không kể ngày đêm để đưa ra Tòa, vẫn còn chưa đủ. Còn phải trừng phạt cả những kẻ không muốn chờ đợi lâu hơn nữa. Và còn bao nhiêu người khác, nhanh hơn và kiêu hãnh hơn, tranh giành với lũ quan tòa và đao phủ cái quyền cho họ chết, tự tiêu diệt bằng chính bàn tay mình. Rõ ràng một bên thì chém giết điên cuồng, một bên trả lời bằng sự muốn chết cũng điên cuồng không kém. Đúng như vậy, ở nhà tù Conciergerie* có một anh lính trẻ, khỏe, đẹp trai được mọi người yêu mến vào tù, anh để lại một cô người yêu xinh đẹp; cứ nói: “Anh hãy vì em mà sống”. Nhưng anh chẳng muốn sống vì nàng, vì tình yêu hay vì vinh quang. Khi nghe đọc cáo trạng, anh châm lửa hút thuốc. Là người Cộng hòa, anh hít thở tự do qua từng lỗ chân lông; anh nhận là phần tử bảo hoàng để được chết. Tòa án tìm cách tha anh, nhưng bị cáo mạnh hơn: thẩm phán và hội thẩm đành nhượng bộ.

*[Conciergerie là một phần của Tòa án Paris, được xây từ thời Trung cổ; từ năm 1392 được sử dụng làm nhà giam]

Về bản chất Évariste là người lo lắng và thận trọng. Nay thấm nhuần những bài học của nhóm Jacobin và những chuyện xảy ra trong cuộc đời, anh lại càng hay nghi ngờ, hoảng hốt. Ban đêm khi đi theo những con đường thiếu ánh sáng để đến nhà Élodie, anh tưởng chừng trông thấy qua từng ô cửa của những căn hầm những bản gỗ in tín phiếu giả; ô phía trong cùng các tiệm bánh mì hay thực phẩm là những kho đầy ắp lương thực ăn cắp; qua cửa kính lấp lánh ánh đèn của các tiệm ăn sang trọng, anh như nghe thấy bọn phiến loạn vừa nốc những chai rượu vang vùng Beaune hay Chable vừa nhỏ to âm mưu đưa đất nước đến chỗ kiệt quệ; trong các ngõ hẻm hôi hám, bẩn thỉu, có những gái làm tiền sẵn sàng đạp chân lên lá quốc kỳ trong tiếng vỗ tay hoan hô của bọn thanh niên quần áo lịch sự. Đến đâu cũng chỉ thấy bọn âm mưu và bọn bán nước, anh tự nhủ: “Ôi chế độ Cộng hòa, để chống lại vô vàn kẻ thù giấu mặt hay công khai, người chỉ có một con đường giải thoát! Máy chém thần thánh, mi hãy cứu Tổ quốc!”.
Élodie đợi anh trong căn phòng nhỏ màu xanh dịu, phía trên tiệm Tình yêu họa sĩ. Muốn thông báo anh có thể lên lầu, chị đặt trên rìa cửa sổ, một bình tưới nhỏ sơn xanh cạnh chậu hoa cẩm chướng. Nhưng bây giờ anh làm cho chị khiếp sợ như khiếp sợ một con quái vật: sợ nhưng vẫn yêu. Suốt đêm, cuống cuồng ôm ấp nhau, người tình khát máu và cô gái ham khoái lạc trao cho nhau những cái hôn giận dữ trong im lặng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét