Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 27

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XXVII

Người vẫn ngủ, Robespierre! Giờ phút trôi qua, thời gian quý báu cạn dần... Cuối cùng, ngày 8 tháng Nóng* [ngày 26-7-1794], tại Hội đồng Quốc ước, Lãnh tụ Không-thể-mua-chuộc-được đứng dậy lên tiếng. Mặt trời ngày 31 tháng Năm*, liệu mi còn mọc lại một lần nữa không? Gamelin chờ đợi, hy vọng. Chắc Robespierre sắp lôi ra khỏi hàng ghế mà họ làm ô nhục những tên lập pháp tội lỗi hơn bọn Liên bang, nguy hiểm hơn Danton... Không! Vẫn không, ông nói: “Tôi chưa thể quyết định xé toang bức màn che đậy những chuyện bí mật đồi bại đó”.
Thế là sét nổ tràn lan không đánh thẳng vào một kẻ mưu phản nào khiến cho cả bọn đều hoảng sợ. Từ mười lăm ngày nay, có đến sáu mươi đại biểu không dám ngủ ở nhà. Nếu còn Marat, ông đã điểm tên từng kẻ phản bội: ông đã chỉ thẳng vào mặt chúng. Lãnh tụ Không-thể-mua-chuộc-được do dự, thế là chính ông thành người bị cáo...

*[Ngày 31-5-1793 là ngày các phân khu ở Paris nổi dậy bắt buộc Hội đồng Quốc ước phải ra quyết định đặt nhóm Girondins ra ngoài vòng pháp luật]

Buổi tối, ở câu lạc bộ Jacobin, người ta chen chúc đến ngạt thở ở trong phòng, ở các hành lang, ở ngoài sân. Tất cả đều có mặt, cả những người bạn ồn ào lẫn những kẻ thù câm nín. Robespierre đọc lại bài diễn văn mà Quốc ước đã nghe trong một bầu không khí im lặng khủng khiếp; ở đây những người Jacobin xúc động vỗ tay ầm ĩ.
- Đó là lời trối trăng của tôi, - ông nói, - các bạn sẽ thấy tôi bình thản uống chất độc cần.
- Tôi sẽ cùng uống với ông, - David đáp lại.
- Tất cả, tất cả chúng tôi đều uống! - mọi người đồng thanh hô lớn. Rồi họ giải tán, không quyết định gì cả.
Trong khi người ta chuẩn bị cái chết của Người-chân-chính thì Évariste ngủ giấc ngủ của một môn đồ ở vườn Oliviers*.

*[Oliviers là tên một quả núi gần Jérusalem, nơi chúa Jesus tới cầu nguyện hôm trước ngày tử nạn]

Sáng hôm sau, anh tới tòa án có hai phiên xử diễn ra cùng lúc. Phân khu của anh xét vụ mưu phản của Lazare và hai mươi mốt tên tòng phạm. Trong lúc đó tin tức đến tới tấp:

“Sau một phiên họp kéo dài sáu giờ, Hội đồng Quốc ước ra quyết định truy tố Maximilien de Robespierre, Couthon, Saint-Just cùng với Augustin de Robespierre và Lebas là hai người yêu cầu được chia sẻ số phận với những bị cáo khác, cả năm người đã bị tống giam”.

Rồi công dân Dumas, chủ tịch phiên tòa đang họp ở phòng bên bị bắt ngay tại chỗ, nhưng phiên tòa vẫn tiếp tục. Có tiếng trống, tiếng chuông báo động đổ liên hồi.
Đang ngồi xử, Évariste nhận được lệnh của Công xã yêu cầu đến Tòa Thị chính để dự phiên họp của Đại hội đồng. Giữa tiếng chuông, trống, anh nghị án với các đồng nghiệp rồi chạy về nhà để ôm hôn mẹ và lấy chiếc khăn chéo. Quảng trường Thionville vắng tanh. Phân khu không dám quyết định chống hay không chống Quốc ước. Người ta sợ sệt đi men các bờ tường, lủi vào các lối đi, vội vã trở về nhà. Đáp lại tiếng trống, tiếng chuông kêu gọi mọi người nổi dậy là tiếng cửa sổ đóng sập, tiếng khóa rít. Công dân Dupont đã trốn trong tiệm, bác gác cửa Remacle đặt vật chướng ngại trong phòng gác. Cô bé Joséphine sợ hãi ôm chặt con chó Mouton. Bà quả phụ nữ công dân Gamelin rên rỉ than phiền thức ăn đắt đỏ, nguyên nhân mọi điều bất hạnh. Ngay ở chân cầu thang, Évariste gặp Élodie thở hổn hển, những lọn tóc bết trên cổ ướt đẫm mồ hôi.
- Em đến tòa án tìm anh thì anh vừa đi khỏi. Bây giờ anh đi đâu?
- Đến Tòa Thị chính.
- Đừng đến đó! chết đấy. Hanriot đã bị bắt... Các phân khu sẽ không hành động. Phân khu Giáo mác, phân khu của Robespierre, cũng ngồi yên. Em biết: cha em có chân ở đó. Đến tòa thị chính anh chết uổng mạng.
- Em muốn anh hèn nhát?
- Đâu có, trung thành với Quốc ước, tuân theo pháp luật là một hành động dũng cảm.
- Khi bọn ác ôn thắng thế thì còn đâu là luật pháp.
- Évariste, anh hãy nghe Élodie của anh; anh hãy nghe em gái anh; anh hãy đến ngồi cạnh em, để em xoa dịu tâm hồn anh khi anh đang xúc động.
Anh nhìn chị; chưa bao giờ anh thấy chị hấp dẫn đến như vậy, chưa bao giờ giọng nói của chị lại gợi tình, thuyết phục đến thế.
- Anh chỉ đi với em vài bước, vài bước thôi.
Chị kéo anh đến khu đất cao có cái bệ bức tượng đã bị lật đổ. Có nhiều nam nữ công dân ngồi chơi trên những chiếc ghế chung quanh. Một bà bán những thứ tạp nham mời khách mua đăng ten, một ông bán nước thuốc, lưng đeo thùng, luôn tay lắc chuông; mấy cháu nhỏ đang tung vòng. Trên bờ sông, những người câu cá, tay cầm cần, ngồi im phăng phắc. Bầu trời đầy mây như sắp có giông. Cúi xuống thành cầu, Gamelin phóng tầm mắt nhìn ở phía xa hòn đảo như một cái mũi tàu, nghe tiếng gió than van trên các ngọn cây. Anh thấy thấm vào tâm hồn một ước vọng yên bình và nỗi cô đơn vô hạn.
Rồi như một tiếng vang tuyệt diệu đáp lại ý nghĩ của anh, Élodie cất tiếng than thở:
- Anh còn nhớ không, khi trông thấy cảnh đồng áng xinh tươi, anh đã ước mơ trở thành thẩm phán hòa giải trong một ngôi làng nhỏ? Thế mà có hạnh phúc đấy anh ạ.
Nhưng qua tiếng lá cây xào xạc và tiếng nói của người phụ nữ, anh nghe thấy tiếng chuông, tiếng trống báo nguy, tiếng vó ngựa dồn dập ở dằng xa, tiếng pháo kéo trên đường phố.
Chỉ cách anh vài bước, một thanh niên nói với một nữ công dân ăn mặc lịch sự:
- Chị được tin chưa? Nhà hát nhạc kịch đã được thiết lập ở phố Luật Pháp.
Mọi người cũng đã biết chuyện: họ thì thầm tên của Robespierre nhưng vừa nói vừa run vì vẫn sợ ông. Nghe xì xào tin ông đã bị lật đổ, các phụ nữ cố giấu nụ cười.
Évariste Gamelin nắm lấy bàn tay Élodie nhưng lại buông ra ngay:
- Vĩnh biệt em! Anh đã liên kết em với những ý đồ ghê gớm của anh, anh đã vĩnh viễn làm đời em tàn tạ. Vĩnh biệt. Mong làm sao em quên được anh!
- Anh nhớ đêm nay đừng về nhà, anh cứ đến Tình yêu họa sĩ. Đừng bấm chuông, anh cứ ném một hòn đá vào cửa sổ, em sẽ ra mở cửa cho anh, em đưa anh ẩn trong gác xép.
- Em sẽ thấy anh trở lại trong chiến thắng hoặc không bao giờ gặp lại anh nữa. Thôi vĩnh biệt!

Khi đến gần Tòa Thị chính, anh nghe thấy vang lên bầu trời nặng mấy tiếng ì ầm của những ngày trọng đại. Trên quảng trường Grève, có tiếng vũ khí va chạm, có những khăn chéo, những đồng phục lấp lánh, những khẩu đại bác của Hanriot ở vị trí sẵn sàng nhả đạn. Anh trèo lên cầu thang danh dự và ký giấy hiện diện khi bước vào phòng Hội đồng. Đại hội Công xã với sự nhất trí của bốn trăm chín mươi mốt thành viên có mặt tuyên bố ủng hộ những người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Ông thị trưởng cho người mang đến bản nhân quyền rồi đọc điều khoản: “Khi chính phủ vi phạm quyền lợi của nhân dân thì đối với nhân dân khởi nghĩa là nghĩa vụ thiêng liêng và cần thiết”.
Ông tuyên bố Công xã chống lại cuộc đảo chính của Hội đồng Quốc ước bằng cuộc nổi dậy của nhân dân.
Các thành viên đại hội đồng tuyên thệ sẵn sàng hy sinh tại vị trí. Hai nhân viên thị chính có nhiệm vụ ra quảng trường Grève yêu cầu dân chúng sát cánh với những đại diện của họ để cứu Tổ quốc và Tự do.
Người ta tìm nhau, trao đổi tin tức, đưa ra những ý kiến. Giữa những người tai mắt chỉ có ít thợ thủ công; đó là thành phần Công xã mà cuộc thanh trừng của phái Jacobin muốn thấy: các thẩm phán và hội thẩm Tòa án Cách mạng, các nghệ sĩ như Beauvallet và Gamelin, những người hưởng trợ cấp, các giáo sư, những nhà tư sản giàu sụ, nhà buôn lớn, những mái đầu rắc phấn, những cái bụng có dây đeo; nhưng rất ít người có giày gỗ, mặc quần dài, áo vét ngắn, đội mũ chụp đỏ. Những người tư sản đó thật đông, thật kiên quyết. Nhưng nghĩ cho cùng, có lẽ những người Cộng hòa thực sự ở Paris chỉ có bấy nhiêu. Họ đứng trong tòa nhà thị chính như đứng trên mỏm đá tự do, chung quanh họ là một biển người lãnh đạm.
Tuy nhiên đã có những tin tức tốt đẹp. Các nhà tù giam giữ những người bị loại ra ngoài xã hội đều mở cửa, nhả lại những miếng mồi của chúng. Augustin Robespierre từ nhà ngục La Force đến Tòa Thị chính trước nhất và được mọi người hoan nghênh.
Đến tám giờ, có tin Maximilien sẽ đến với Công xã sau khi đã lưỡng lự rất lâu. Mọi người chờ đợi, ông sắp đến, rồi ông đến thực; tiếng hoan hô vang đội làm rung cả những vòm của Tòa Thị chính cổ kính. Mấy chục người công kênh đưa ông vào. Vẫn là con người mảnh dẻ, chải chuốt trong chiếc áo xanh, chiếc quần ngắn vàng.
Ông ngồi vào ghế, ông nói.
Hội đồng cho thắp sáng trưng mặt tiền nhà Công xã. Chế độ Cộng hòa, chính là ông. Ông nói, nói bằng một giọng nhỏ nhẹ, nói một cách thanh lịch, nói thật nhiều. Những người ở đó, những người đã gắn mạng sống của mình vào ông, kinh hoàng thấy ông là người chỉ biết nói, là người của các ủy ban, các diễn dàn, không có khả năng đưa ra một quyết định nhanh chóng, một hành động cách mạng.
Người ta kéo ông vào phòng nghị sự. Tất cả đều có mặt, những người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tên tuổi lẫy lừng: Lebas, Saint-Just, Couthon.
Robespierre lại tiếp tục nói. Đã mười hai giờ rưỡi đêm, ông vẫn còn nói. Cùng lúc đó, trong phòng hội đồng, Gamelin mắt dán vào cửa sổ nhìn ra ngoài lo lắng. Anh trông thấy trong đêm tối những làn khói bốc lên từ những cây đèn lồng. Đại bác của Hanriot vẫn ở vị trí sẵn sàng bắn trước Tòa Thị chính. Trên quảng trường đen ngòm, một đám đông người do dự lo âu.
Đúng mười hai giờ rưỡi có những ngọn đuốc xuất hiện tại góc phố Thuộc Da vây quanh một đại biểu Quốc ước. Ông này mình đeo nhiều phù hiệu, mở một tờ giấy đọc dưới ánh sáng đỏ quyết định của Quốc ước đặt ra ngoài vòng pháp luật các thành viên Công xã nổi loạn, các thành viên đại hội đồng ủng hộ họ cùng những công dân đáp ứng lời kêu gọi của Công xã.
Ngoài vòng pháp luật, tử hình không xét xử!
Chỉ nghĩ thế những kẻ quyết tâm nhất cũng phải tái mặt. Gamelin thấy trán mình lạnh toát. Anh nhìn đám đông rảo bước rời quảng trường Grève.
Và khi anh quay đầu lại, anh thấy gian phòng lúc nãy đông nghẹt gần như trống trơn.
Nhưng làm sao họ trốn được: họ đã ký.
Đã hai giờ đêm. Lãnh tụ không-thể-mua-chuộc-được vẫn thảo luận trong phòng bên với Công xã và các đại diện bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Gamelin thất vọng nhìn ra quảng trường tối đen. Dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng, anh thấy những cây nến gỗ chạm vào nhau khô khốc trên mái che của một tiệm bán đồ khô, những chóa đèn lắc lư nghiêng ngả trong cơn gió lớn. Thế rồi một cơn mưa giông đổ xuống: quảng trường hoàn toàn trống trơn. Những người chưa bị bản quyết định khủng khiếp làm chùn bước thì nay mấy giọt mưa cũng giải tán nốt. Các khẩu pháo của Hanriot nằm trơ không còn người sử dụng. Và đến lúc qua ánh chớp người ta thấy cùng một lúc từ phố Antoine và đường ven sông đội quân của Quốc ước đổ tới thì chung quanh tòa nhà Công xã không còn lấy một bóng người.
Cuối cùng Maximilien quyết định kêu gọi Phân khu Giáo mác hành động chống lại quyết định của Quốc ước.
Có lệnh cho mang gươm, giáo, súng ngắn, súng trường đến. Những tiếng vũ khí, tiếng chân người, tiếng kính vỡ đã vang lên. Đội quân của Quốc ước như một dòng thác tràn qua phòng nghị sự rồi ùa vào phòng Hội đồng. Một tiếng súng nổ vang: Gamelin thấy Robespierre ngã gục, hàm răng bể toang. Anh vội nắm lấy con dao, con dao giá sáu xu mà một ngày đói kém anh đã dùng cắt miếng bánh chia cho một bà mẹ nghèo, cũng con dao ấy, một buổi tối đẹp trời trong quán trọ ở Orangis, Élodie đã đặt trên đầu gối bốc thăm khi anh đem ra đặt cược. Anh mở dao đâm thẳng vào tim: lưỡi dao đụng xương ngực quằn lại cứa nát hai ngón tay anh. Gamelin gục xuống, máu me đầy mình. Anh không cử động được, người lạnh toát. Thế rồi trong một cuộc vật lộn dữ đội, bị giẫm đạp lên, anh nghe rõ tiếng anh long kỵ binh Henry dõng dạc hô lớn:
- Tên bạo chúa không còn nữa, bọn tay sai đã bị đập tan. Cuộc cách mạng lại thẳng tiến, uy nghi và ghê gớm.
Gamelin ngất đi.

Đến bảy giờ sáng, một y sĩ giải phẫu do Quốc ước cử tới băng bó cho anh. Quốc ước tỏ ra vô cùng ưu ái những kẻ tòng phạm với Robespierre: nó không muốn một người nào trong bọn thoát khỏi máy chém. Nhà họa sĩ, nguyên hội thẩm, nguyên thành viên Đại hội đồng Công xã được khiêng bằng cáng đến nhà tù Conciergerie.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét