Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 21

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XXI

Trong thời gian này, vẫn trong chiếc áo khoác màu xanh vỏ chai, Julie Gamelin ngày nào cũng tới khu vườn cạnh lâu đài Luxembourg. Ngồi trên một chiếc ghế dài ngay đầu một lối đi, chị đợi người tình xuất hiện ở một khung cửa sổ nhỏ. Họ làm dấu, trao đổi ý nghĩ bằng thứ ngôn ngữ không lời do họ sáng chế ra. Nhờ đó chị biết anh đang sống ở một phòng khá tốt cùng với những con người dễ chịu, anh đang cần một cái mền, một chiếc bình chườm và anh tha thiết yêu chị.
Chị không phải là người duy nhất đến gần tòa lâu đài đã biến thành nhà tù này để nhìn lại một khuôn mặt thân yêu. Một bà mẹ còn trẻ ngồi gần chị cũng dán mắt vào một cửa sổ đóng kín và ngay khi cửa vừa mở, đã vội nâng đứa con nhỏ lên khỏi đầu. Một bà già mặt che mạng đăng ten, ngồi im hàng giờ trên chiếc ghế xếp đợi một cách vô vọng anh con trai đến tận lúc vườn đóng cửa trong khi anh chơi đánh đáo trong sân nhà tù vì sợ mủi lòng lúc trông thấy mẹ.
Trong những buổi chờ đợi dài đằng đẵng dưới bầu trời u ám hay trong xanh, có một người đàn ông đứng tuổi, khá mập, quần áo tươm tất ngồi ở một chiếc ghế gần đấy; ông thường lấy hộp thuốc hay chiếc dây đồng hồ ra nghịch, hoặc mở một tờ báo mà không hề đọc. Ông ăn mặc theo lối cũ của những người tư sản, mũ ba vành có dải vàng, áo màu tím đỏ, gilê xanh thêu chỉ bạc. Trông ông có vẻ thực thà, có lẽ là một nhạc sĩ nếu căn cứ vào đầu ống sáo thò ra khỏi túi. Không lúc nào ông rời mắt khỏi con người bé nhỏ giả trai, luôn luôn mỉm cười với anh, thấy anh đứng dậy cũng đứng dậy lủi thủi đi theo. Vì đau khổ, cô đơn, Julie cũng thấy xúc động vì mối thiện cảm kín đáo của người đàn ông tốt bụng.
Một hôm khi chị vừa ra khỏi vườn thì mưa bắt đầu rơi. Người đàn ông lại gần chị và giương chiếc dù lớn màu đỏ đề nghị cho phép cùng che mưa. Bằng một giọng thật trong trẻo chị nhỏ nhẹ trả lời rằng chị đồng ý. Nhưng vừa nghe chị nói và hình như cảm thấy có hơi phụ nữ mơ hồ toát ra từ người chị, ông vội vàng tránh ra xa, để chị đứng trơ một mình giữa cơn mưa giông, chị hiểu ngay, nên dù đang có nhiều điều phiền muộn vẫn không ngăn nổi nụ cười.
Julie ở một gian phòng sát mái phố Cherche-Midi, chị giả dạng là một viên thư ký xưởng dệt da đang đi tìm việc. Bà Gamelin biết rõ chị càng gần mình bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu nên đã cố đưa chị rời xa quảng trường Thionville và phân khu Cầu Mới. Bà cung cấp thức ăn, quần áo cho chị theo khả năng của bà. Hàng ngày Julie nấu nướng, đi đến Luxembourg để nhìn mặt người yêu rồi lại trở về căn phòng lụp xụp. Công việc diễn ra đều đều, buồn chán như vậy cũng phần nào làm dịu bớt nỗi đau đớn và vì chị còn trẻ, khỏe mạnh, suốt đêm chị vẫn ngủ thực đẫy giấc. Tính chị dũng cảm, lại quen với những cuộc phiêu lưu, có những buổi tối bị bộ quần áo nam nhi khoác lên người kích thích, chị đi đến tiệm rượu ở phố Four có chiếc bảng mang tên “Hồng thập tự”. Đây là nơi hội tụ đủ hạng người, kể cả bọn phụ nữ lẳng lơ. Người ta uống rượu vui chơi, làm tình và luôn luôn xảy ra các vụ ẩu đả. Chị đọc báo, chơi thò lò với một anh làm công trong tiệm hay một chàng lính hút tẩu thở khói vào mũi chị.
Một buổi tối, một gã đàn ông đang uống rượu thì nghe thấy tiếng vó ngựa ở ngã tư, hắn vén màn che cửa nhìn ra ngoài và khi nhận ra công dân Hanriot*, chỉ huy trưởng đoàn quân cảnh vệ đang phóng ngựa về phía bộ tham mưu, hắn lẩm bẩm trong miệng: “Đúng là con lừa của lão Robespierre**.”

*[Hanriot François (1761-1794): là chỉ huy trưởng quân đội và các phân khu ở Paris trong thời gian có cuộc khủng bố. Bị chết chém ngày 7-7-1794]

**[Thành ngữ này còn dùng để chỉ người say rượu bét nhè]

Nghe nói thế, Julie cười phá lên.
Nhưng một công dân yêu nước có ria mép phê phán gay gắt:
- Kẻ nào nói như vậy chỉ là một tên quý tộc mạt hạng, cho nó ngồi rũ tù là tao khoái nhất. Các người cần nhớ tướng Hanriot là người yêu nước chân chính; khi cần đến, ông sẽ bảo vệ Paris và Hội đồng Quốc ước, chính vì thế mà bọn Bảo hoàng đã không dung thứ ông.
Nói xong, nhìn chằm chằm vào mặt Julie vẫn tiếp tục cười lớn:
- Còn thằng nhãi, coi chừng không tao đá đít để dạy mày biết kính trọng những người yêu nước.
Có những tiếng nhao nhao:
- Hanriot là một tên say rượu, một thằng ngu ngốc!
- Hanriot là người Jacobin tốt! Hanriot muôn năm!
Hai nhóm hình thành. Họ đánh nhau, đấm vào đầu, vào mặt nhau làm rách, bẹp nón mũ, xô đổ bàn ghế, ly tách bắn lên tung tóe, đèn tắt, phụ nữ rú lên thất thanh. Bị nhiều công dân yêu nước xông vào đánh, Julie dùng một chiếc ghế con làm vũ khí; bị quật ngã, chị cào cấu cắn xé địch thủ. Chiếc áo choàng hở toang, khăn quàng ngực rách để lộ bộ ngực phập phồng hổn hển. Một nhóm tuần tra nghe thấy tiếng ồn ào kéo đến nhưng Julie luồn qua chân lính sen đầm trốn thoát.

Ngày ngày những chiếc xe vẫn đi qua chở đầy người bị kết án.
- Dù sao con không thể để người yêu của con chết được. - Julie nói với mẹ.
Chị quyết định xin xỏ, vận động, đi tới các ủy ban, các văn phòng, đến nhà các đại biểu, thẩm phán, bất kỳ nơi nào cần đi. Không có áo dài, chị nhờ mẹ mượn nữ công dân Blaise cho chị một chiếc áo có sọc và chiếc khăn choàng đầu bằng đăng ten. Thế rồi ăn mặc như một phụ nữ, một phụ nữ yêu nước, chị đến nhà quan tòa Renaudin, một căn nhà ẩm thấp, tối tăm ở phố Mazarine. Chị run rẩy trèo lên chiếc cầu thang vừa bằng gỗ vừa lát gạch và được viên thẩm phán tiếp tại một phòng làm việc tồi tàn, đồ đạc chỉ có một cái bàn gỗ thông và hai cái ghế nhựa nhồi rơm. Giấy phủ tường đã rách bươm từng mảnh. Renaudin là một người có mái tóc đen dính bệt nhau, đôi mắt tối tăm, ảm đạm, môi hếch, cằm nhô. Y ra hiệu để chị nói và yên lặng ngồi nghe.
Chị nói mình là em gái công dân de Chassagne bị bắt giam ở Luxembourg. Hết sức khéo léo, chị trình bày hoàn cảnh anh bị bắt, cố chứng minh là anh vô tội và tỏ ra vô cùng khẩn khoản.
Nhưng y vẫn trơ trơ, khắc nghiệt.
Chị quỳ xuống chân y, năn nỉ khóc lóc.
Thấy chị khóc, nét mặt y thay đổi: cặp đồng tử đen hơi đỏ bỗng rực cháy, bộ hàm xanh to bè rung lên như để nuốt nước miếng xuống chiếc cổ họng khô rát.
- Nữ công dân, cần phải làm gì, chúng tôi sẽ làm. Chị đừng lo.
Rồi mở cửa, y đẩy người phụ nữ đến nhờ vả y vào một phòng khách nhỏ màu hồng, có những bức tranh sơn, những tượng sứ, một chiếc đồng hồ treo tường, những bộ đèn nến thếp vàng, những ghế bành thấp, một ghế dựa dài có trang trí một bức họa đồng quê của Boucher. Julie sẵn sàng chấp nhận tất cả để cứu người yêu.
Renaudin hành động như một con thú vật và thật nhanh chóng. Khi đứng dậy sửa lại chiếc áo đẹp của nữ công dân Élodie, chị bắt gặp cái nhìn độc ác và chế nhạo của tên đàn ông; chị cảm thấy ngay mình đã hy sinh vô ích.
- Ông đã hứa trả tự do cho anh tôi, - chị nói.
Hắn cười khẩy.
- Nữ công dân, ta sẽ nói là ta sẽ làm mọi điều cần thiết, nghĩa là sẽ thi hành luật pháp, không hơn không kém. Ta đã nói với chị không phải lo ngại, mà tại sao lại lo ngại chứ? Tòa án Cách mạng bao giờ cũng công bằng.
Julie đã định xổ tới cắn hắn, móc mắt hắn. Nhưng cảm thấy làm như vậy càng đẩy nhanh Fortuné Chassagne đến chỗ chết, chị chạy trốn và trong gian phòng áp mái, chị cởi bỏ chiếc áo dài đã hoen ố của Élodie. Rồi một mình, chị ngồi suốt đêm gào thét vì căm giận, vì đau đớn.
Hôm sau, khi quay lại Luxembourg, chị thấy lính sen đầm đã chiếm lĩnh khu vườn đang xua đuổi đàn bà, con trẻ. Lính gác ở các lối đi ngăn không cho người qua đường liên lạc với những người bị giam giữ. Bà mẹ trẻ ngày nào cũng ẵm con trên tay nói với Julie là hình như có âm mưu gì đó trong các nhà tù, và người ta đổ tội cho phụ nữ tụ tập ở khu vườn để gây xúc động trong nhân dân làm lợi cho bọn quý tộc và bọn phản bội.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét