Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 2

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


II

Ra khỏi nhà thờ dòng Barnabites, Évariste Gamelin đi về hướng quảng trường Dauphine nay đổi tên là quảng trường Thionville để tôn vinh một thị trấn nhỏ bé bất khuất.
Lọt trong một quận có đông người qua lại nhất Paris, từ gần một thế kỷ nay quảng trường đã mất đi cảnh trí đẹp đẽ ban đầu. Những tòa nhà xây trên ba mặt quảng trường vào thời vua Henri IV thuần bằng gạch đỏ kết hợp đá phiến trắng, nơi cư ngụ của các vị thẩm phán sang trọng, đã mất đi những chiếc mái đen quý phái để nhận lấy hai, ba tầng lầu được xây thêm bằng thứ nguyên liệu mạt hạng. Có chỗ nhà cũ lại được san bằng đến mặt đất và ở đó mọc lên những căn hộ quét vôi nham nhở. Bây giờ thì toàn khu mặt tiền lô xô, nghèo nàn, bẩn thỉu với những cửa sổ kích cỡ không đều, hẹp, nhiều vô kể, được trang trí chậu hoa, lồng chim và cả quần áo phơi đầy trên dây. Đến ở đây có không biết cơ man nào thợ thủ công các loại, thợ kim hoàn, thợ chạm, sửa đồng hồ, bán kính, công nhân in, các bà khâu vá, bán mũ phụ nữ, thợ giặt và cả mấy ông già đã từng là luật gia nhưng không bị cơn lốc cuốn đi cùng với nền công lý vương triều.
Bây giờ là một buổi sáng mùa xuân. Những tia nắng đầu mùa say sưa như rượu ngọt cười vui trên các mảng tường rồi chảy vào những gian phòng sát mái. Các cánh cửa sổ được nâng lên để lộ mái tóc bù xù của những bà nội trợ. Viên lục sự của tòa án cách mạng bước ra khỏi nhà để đi đến nhiệm sở, vừa đi vừa vỗ nhẹ lên má các trẻ em đang chơi đùa dưới bóng cây. Từ Cầu Mới có nhiều tiếng người kêu la phản đối sự phản bội của tên khốn kiếp Dumouriez* [Charles François Dumouriez (1739-1823): là một đại tướng đã đánh thắng nhiều trận. Năm 1793 thua trận ở Neerwinden, bị Hội đồng Quốc ước cách chức, ông chạy sang hàng ngũ địch]. Nhà Évariste Gamelin ở bến Cột Đồng Hồ. Ngôi nhà xây từ thời vua Henri IV cũng có thể khang trang nếu người ta không cơi thêm một buồng kho nhỏ dưới mái ngói vào thời gian trước khi tên bạo chúa cuối cùng lên ngôi. Để ngôi nhà trước kia của một nguyên lão nghị sĩ thích hợp với sinh hoạt của mấy gia đình tư sản và thủ công, rất nhiều vách ngăn, phòng nhỏ đã được xây thêm. Như công dân Remacle, gác cửa kiêm thợ may, sống ở một gác lửng tầng trệt đã thấp lại hẹp. Qua cửa kính, người ta thấy ông ngồi xếp bằng tròn đang may bộ đồng phục cho một vệ binh trong khi vợ ông cắm cúi nấu ăn. Bếp không có ống khói nên cầu thang mặc sức đưa bụi và mùi xào nấu đầu độc cả bầu không khí trong nhà. Ở ngưỡng cửa, cháu Joséphine, con gái họ, đẹp như nắng mai, mặt mũi dính đầy mật, đang chơi với con chó của bác thợ mộc.
Nữ công dân Remacle có tấm lòng đầy đặn như ngực và mông bà; dư luận cho là bà luôn ban đặc ân cho bác láng giềng là công dân Dupont-anh, một trong mười hai ủy viên của ban Thanh tra. Ông chồng chắc là biết chuyện nên chẳng mấy ngày người ta không thấy họ hết cãi cọ lại làm lành.
Mấy lầu trên đều có người ở như công dân Chaperon, thợ kim hoàn có tiệm ở bến Cột Đồng Hồ, một sĩ quan quân y, một luật gia, một thợ dát vàng và một số nhân viên Tòa án.
Évariste Gamelin leo một cầu thang cổ lỗ lên lầu tư và cũng là tầng thượng. Ở đó anh có một xưởng vẽ và một phòng riêng cho mẹ. Chỗ này đã hết các bậc thang gỗ cẩn gạch vuông, tiếp nối những bậc thang lớn bằng đá của các tầng dưới. Một chiếc thang nhỏ áp tường dẫn lên gian kho. Ngay lúc đó, một người đàn ông to lớn, đã có tuổi, khuôn mặt đẹp, hồng hào, tươi vui đang xuống thang, lúng túng với một chiếc bọc lớn, nặng nhưng vẫn hát khe khẽ: Ta đã mất gã người hầu.
Ngừng hát, ông nhã nhặn chào Gamelin. Anh cũng thân ái chào lại và giúp ông mang bọc xuống thang làm ông cảm ơn rối rít.
- Trong này có những con rối, - ông vừa nói vừa ôm lấy chiếc bọc nặng. - Tôi đem đi giao cho một ông bán đồ chơi ở phố Luật Pháp. Có đủ loại người do tôi tạo ra: tôi cho chúng một hình hài có thể tàn tạ, chúng không biết vui mừng, đau khổ. Tôi không cho chúng tư duy vì tôi là một Thượng đế tốt bụng.
Ông già đó là công dân Maurice Brotteaux, nguyên công chức ngành thuế và cũng từng là nhà quý tộc: cha ông làm giàu nhờ buôn bán đã mua được tước vị. Vào thời vàng son, Brotteaux, còn được gọi là ngài des Ilettes, thường tổ chức tại tư dinh phố Hàng Ghế, những bữa tối ngon lành, những bữa ăn được phu nhân de Rochemaure, vợ một ông chưởng lý, làm bừng sáng vì cặp mắt rạng rỡ của bà. Bà de Rochemaure đúng là một phụ nữ mẫu mực, chắc chắn sẽ còn chung thủy với ông Brotteaux nếu Cách mạng đã không tước đi của ông chức vụ, lợi tức, tư dinh, đất đai và tên tuổi. Từ đó ông sinh sống bằng đủ mọi nghề: vẽ chân dung dưới các cổng tò vò, làm bánh xèo, bánh rán tại bến Thuộc Da, sáng tác những bài diễn văn cho các vị đại biểu nhân dân và dạy khiêu vũ cho nữ công dân trẻ tuổi. Giờ đây phòng ông muốn đứng thì phải lom khom, muốn lên thì phải leo một chiếc thang hẹp. Tài sản chỉ còn một lọ hồ, một bó dây, một hộp bột màu nước và vài mẩu giấy, Brotteaux tạo ra những con rối đem bán cho các nhà buôn đồ chơi. Họ bán lại cho những người bán rong nghễu nghện vác những vật nho nhỏ lấp lánh ở đầu các con sào trên đại lộ Champs-Élysées trong nỗi hân hoan của bầy trẻ nhỏ. Giữa cơn hỗn loạn xã hội và nỗi bất hạnh lớn lao mà bản thân ông phải chịu đựng, ông vẫn giữ một tâm hồn thanh thản và thường tự động viên bằng cách đọc Lucrèce, tập thơ lúc nào ông cũng để trong cái túi há miệng của chiếc áo đuôi tôm màu nâu đỏ.
Évariste Gamelin đẩy cửa vào phòng. Nhà nghèo, anh không phải lo đến việc mua khóa. Những khi bà mẹ tiện tay cài chốt, anh đều nói: “Cài làm gì, mẹ? Người ta đâu có lấy trộm mấy bức tranh chỉ để nhện giăng. Tranh của con cũng chẳng hơn gì”. Trong phòng vẽ, những bức tranh anh vẽ lúc mới ra trường chất đống dưới lớp bụi dày hay đặt úp vào tường. Hồi đó, theo thời thượng, anh vẽ những cảnh tình tứ, đưa ngọn bút rụt rè phác họa tranh “Le Carquois Épuisé”*, những cánh chim bay, những trò chơi nguy hiểm và những giấc mơ hạnh phúc, những nàng chăn ngỗng đang vén váy, những cô chăn cừu trên ngực có che mấy bông hồng.

[Le Carquois Épuisé: tên một bức tranh nổi tiếng của Pierre Antoine Baudouin (1723-1769) - họa sĩ người Pháp]

Nhưng cách vẽ đó không hợp với tính tình thanh cao của anh. Các bức họa đều không có hồn, Gamelin không thể nào trở thành một họa sĩ khiêu dâm. Bây giờ, mặc dù chưa đến ba mươi, anh thấy những chủ đề đó dường như đã có từ thời tiền sử. Chúng biểu lộ sự sa đọa của chế độ quân chủ và cảnh hủ hóa nhục nhã của các vương triều. Anh tự lên án mình đã nhúng tay vào một loại hình dơ dáy để cho tinh thần nô lệ làm mòn mỏi tài năng. Ngày nay, là công dân một nước tự do, anh dùng màu đen để mạnh mẽ vẽ lên những Tự do, Nhân quyền, Hiến pháp Pháp quốc, Đạo đức Cộng hòa, những chàng Hercule nhân dân quật ngã thần chuyên chế là con Mãng xà bảy đầu, và anh đặt vào những bức họa đó tất cả tấm lòng yêu nước nồng nàn. Hỡi ôi! Anh đâu có vì thế mà kiếm đủ sống. Thời gian này không thích hợp với các nghệ sĩ.
Chắc chắn lỗi không ở Hội đồng Quốc ước đang bận lo tung ra bốn phương các đạo quân để chống lại bọn vua chúa các nước. Quốc ước kiêu hãnh, thản nhiên đang kiên quyết chống lại một Âu châu đang toa rập với nhau hòng tiêu diệt nền Cộng hòa non trẻ; Quốc ước quỷ quyệt và tàn ác với chính mình, đang tự xâu xé mình, vừa ban hành chính sách khủng bố, lập một tòa án hà khắc để trừng trị nội phản, kể cả các đại biểu Hội đồng. Nhưng Quốc ước cũng bình tĩnh suy tư, biết kết bạn với khoa học và mỹ thuật, cải cách lịch, thành lập những trường đặc biệt, ra sắc lệnh tổ chức các cuộc thi hội họa, điêu khắc, đặt giải thưởng khuyến khích các nghệ sĩ, hàng năm mở các phòng triển lãm, lập viện bảo tàng, và theo gương Athènes và Rome, tổ chức thật huy hoàng các hội hè, lễ tang công cộng.
Nhưng lúc này, nền nghệ thuật Pháp trước đây từng nổi tiếng ở Anh, Đức, Nga, Ba Lan, không còn kiếm được thị trường ở nước ngoài. Các nhà sưu tầm tranh, những kẻ muốn tìm hiểu về nghệ thuật, các lãnh chúa và nhà tài chính đều khánh kiệt, đã lưu vong hay đang lẩn trốn. Những kẻ làm giàu nhờ cách mạng, những nông dân được sở hữu các tài sản quốc gia, bọn buôn chứng khoán, cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội, những tay hồ lì sòng bạc ở khu Palais Royal chưa dám phô trương sự giàu sang của mình. Vả lại họ đâu có quan tâm đến hội họa! Muốn bán được tranh, phải có tên tuổi của Régnault hay tài khéo của chàng trẻ tuổi Gérard. Greuze, Fragonard, Houin đang lâm vào cảnh khốn cùng, Prudhon chật vật lắm mới nuôi nổi vợ con bằng cách vẽ các chủ đề Copia đã khắc chấm. Các họa sĩ yêu nước như Hennequin, Wicar, Topino-Lebrun đang vô cùng đói rét.
Còn Gamelin, vì không đủ tiền thuê người mẫu, thậm chí thiếu cả tiền mua màu, phải để dở dang bức họa lớn “Bạo chúa bị Nữ Thần Phục Hận đuổi theo ở Địa ngục”.
Bức họa chiếm một nửa xưởng vẽ với những hình chưa hoàn chỉnh, ghê gớm, lớn hơn hình thực, có vô vàn con rắn lục, con nào cũng thè ra hai cái lưỡi nhọn và cong. Ở hàng đầu phía trái là hình một Charon gầy guộc và hung dữ đang đứng trong thuyền. Đúng là một bức phác đẹp, bút pháp mạnh mẽ nhưng vẫn còn mang tính cách học trò. Họa sĩ tỏ tài năng và tự nhiên hơn trong một bức nhỏ hơn nhiều, cũng chưa hoàn thành, treo ở chỗ sáng sủa nhất trong phòng. Bức tranh tả một Oreste đau khổ nằm trên giường đang được cô em gái, nàng Électre nâng dậy. Bằng một cử chỉ thật xúc động, thiếu nữ gạt làn tóc rối che mắt anh. Gương mặt đẹp và bi thảm của người trong tranh hao hao giống mặt nhà họa sĩ.
Nhiều lúc Gamelin ngồi ngắm bức họa với cặp mắt u buồn; có khi anh run rẩy đưa tay lên khuôn mặt Électre đã phác thảo dở dang định vẽ tiếp nhưng lại buông tay xuống, bất lực. Lòng nghệ sĩ tràn đầy cảm hứng và tâm hồn anh hướng về bao chuyện lớn lao. Nhưng việc thực hiện một cách xoàng xĩnh những tác phẩm theo đơn đặt hàng đã làm anh kiệt sức. Anh đã phải thỏa mãn những thị hiếu tầm thường và không thể in nổi lên những việc nhỏ nhặt dấu ấn của thiên tài. Anh vẽ những bức họa phúng dụ nhỏ để Desmahis, bạn anh khắc lại khá khéo léo rồi tô đen hay màu đem bán rẻ cho công dân Blaise, một nhà buôn tranh in tay ở phố Honoré. Nhưng việc buôn bán loại tranh này ngày một xuống dốc và ít lâu nay ông ta không muốn mua gì nữa.
Tuy nhiên lần này cảnh thiếu thốn khiến Gamelin nảy ra một sáng kiến. Anh hình dung một phát minh tài chính mới mẻ mà anh tin là sẽ làm giàu cho cả nhà buôn, người khắc lẫn bản thân mình. Đó là một cỗ bài trong đó các quân tây, quân đầm, quân bồi của chế độ cũ được thay bằng quân Thần, quân Tự do, quân Bình đẳng. Anh phác họa đủ các hình, đã hoàn chỉnh một số và đang nôn nóng trao cho Desmahis những hình có thể khắc ngay. Bức hình anh thấy đạt yêu cầu nhất là hình một chiến sĩ tình nguyện đội mũ ba múi, áo xanh có lai tay đỏ, quần ngắn vàng, ghệt đen, đang ngồi trên một chiếc thùng, chân gác lên một chồng đạn đại bác, khẩu súng trường đặt giữa hai chân. Đó là “công dân cơ” thay quân “bồi cơ”. Từ hơn sáu tháng nay, Gamelin luôn luôn vẽ các chiến sĩ tình nguyện với tình yêu thương dào dạt và cũng đã bán được vài bức. Nhiều bức còn treo trong xưởng vẽ, năm sáu bức vẽ bằng thuốc nước, bột hồ hoặc vẽ chì còn nằm rải rác trên bàn, trên ghế. Suốt tháng Bảy năm 1792, trong khi tại các quảng trường ở Paris người ta dựng nên những bục tuyển quân, tại các quán rượu trang hoàng hoa lá, vang lên những tiếng hô “Quốc gia muôn năm! Tự do hay là chết!”, Gamelin chưa khi nào bước qua Cầu Mới hay trước Tòa Thị chính mà tấm lòng không rộn ràng hướng về chiếc lều treo cờ, nơi các thẩm phán mặc áo thắt đai chéo ghi tên những người tình nguyện trong tiếng nhạc của bài “Marseillaise”. Nhưng nếu anh tòng quân thì mẹ già lấy gì mà ăn!
Mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ gay, bà quả phụ Gamelin hổn hển bước vào xưởng, phù hiệu tam tài đeo trễ trên chiếc mũ chụp sắp sửa rớt xuống đất. Bà đặt chiếc giỏ xuống ghế và đứng thẳng người cho dễ thở rồi than thở về chuyện thực phẩm đắt đỏ.
Cũng như người chồng quá cố, bà làm nghề bán dao kéo ở tiệm “Thành phố Châtellerault” phố Grenelle-Saint-Germain và bây giờ, nội trợ nghèo túng, bà lui về sống qua ngày ở nhà chàng họa sĩ, con bà. Anh là con đầu. Con gái bà, cô Julie, trước kia bán quần áo ở phố Honoré nhưng bây giờ tốt nhất là không nên biết ra sao vì chuyện cô đã vượt biên với một tên quý tộc nói ra thực chẳng hay ho gì.
- Trời đất! - Bà nữ công dân vừa thở dài vừa đưa con xem một khúc bánh mì vừa cứng vừa xám, - Thực không có giá nào nữa, mà có phải là bột mì thực cho cam! Ngoài chợ không trứng, không rau, không phó mát. Ăn mãi hạt dẻ rồi biến thành hạt dẻ mất!
Ngừng một lúc lâu, bà lại nói tiếp:
- Ngoài phố có bao nhiêu là phụ nữ không biết lấy gì nuôi con. Người khổ càng khổ. Và sẽ còn như thế nếu tình hình không ổn định.
- Mẹ ạ, - Gamelin cau mày đáp, - đói kém là do bọn vét hàng, bọn đầu cơ. Chúng muốn dân đói, chúng cấu kết với kẻ thù bên ngoài để nhân dân chán ghét nền Cộng hòa và để hủy diệt tự do của chúng ta. Đó là hậu quả gây ra do âm mưu của bọn Brissot* [Jacques Pierre Brissot (1754-1793): nhà báo, đại biểu nhân dân trong Hội đồng Quốc ước, một trong những lãnh tụ của phái Girondins bị Tòa án Cách mạng xét xử và bị chết chém], do sự phản bội của bè lũ Pétion*[Jérôme Pétion de Villeneuve: chính trị gia, thị trưởng Paris năm 1791. Bị kết tội là theo phái Girondins, ông đã tự tử năm 1794] và Roland* [Jean-Marie Roland de la Platière: chính trị gia, bộ trưởng nội vụ năm 1792, rất thân thiết với phái Girondins. Ông tự tử năm 1793 sau khi vợ ông bị xử tử]. Cũng còn may mà bọn theo chủ nghĩa liên bang chưa mang vũ khí đến Paris tàn sát các công dân yêu nước, những người chưa bị nạn đói tiêu diệt. Không thể chậm trễ: phải đánh thuế bột mì và chặt đầu bất kỳ kẻ nào đầu cơ thực phẩm, gây rối, hay câu kết với nước ngoài. Hội đồng Quốc ước vừa thành lập một tòa án bất thường để xét xử bọn mưu phản. Tòa án gồm toàn công dân yêu nước nhưng không hiểu họ có đủ nghị lực để bảo vệ Tổ quốc chống lại mọi kẻ thù không. Ta cứ hy vọng vào Robespierre*. Ông là người đạo đức. Ta phải tin tưởng ở Marat. Ông ta yêu nhân dân, hiểu rõ đâu là quyền lợi thực sự của nhân dân và phục vụ các quyền lợi đó. Lúc nào ông cũng là người đầu tiên vạch mặt kẻ thù, làm thất bại mọi âm mưu của chúng. Không ai mua chuộc được ông và ông không biết sợ. Ông là người duy nhất có khả năng cứu nền Cộng hòa đang lâm nguy.

[Maximilien de Robespierre (1758-1794): chính trị gia. Đứng đầu nhóm Montagne trong Hội đồng Quốc ước, ông đánh đổ nhóm Girondins. Ông chủ xướng chính sách khủng bố. Bị lật đổ và chết chém ngày 27-07-1794]

Nhưng nữ công dân Gamelin vẫn lắc đầu làm tuột khỏi mũ chiếc phù hiệu giắt cẩu thả.
- Thôi đi, Évariste. Marat của con cũng chỉ là một người như bao người khác và ông ta cũng không hơn gì bọn họ. Con còn trẻ, con có nhiều ảo tưởng. Điều hôm nay con nói về Marat thì trước đây con đã nói về Mirabeau*, về La Fayette*, Pétion, Brissot.

*[Honore Mirabeau (1749-1791): đại biểu giới tư sản trong Hội đồng tư vấn (sau Cách mạng 1789 được đổi thành Hội nghị lập hiến). Ông có tài hùng biện, chủ trương chế độ quân chủ lập hiến. Bị kết án là phản bội và chết năm 1791]

[Hầu tước de La Fayette (1757-1834): đại tướng và chính trị gia phái bảo hoàng nhưng có đầu óc tự do, tham gia chiến tranh giành độc lập ở Mỹ, Cách mạng 1789 và 1830 ở Pháp]

- Đâu có, - Gamelin kêu lên. Anh đã thực tình quên chuyện cũ.
Sau khi thu dọn một phần chiếc bàn gỗ tạp bề bộn giấy tờ, sách vở, bàn chải, bút chì, bà mẹ đặt lên đó liễn súp sành, hai cái tô bằng thiếc, hai nĩa sắt, miếng bánh mì nâu và bình rượu pi-két.
Hai mẹ con yên lặng ăn súp rồi ăn tiếp mỗi người một miếng thịt mỡ nhỏ. Bà mẹ đặt thức ăn lên bánh mì rồi dùng mũi dao đưa từng miếng nhỏ vào miệng đã rụng hết răng và nhai từ tốn, trân trọng những thứ bà phải bỏ ra bao nhiêu tiền mới mua nổi.
Bà để lại trên đĩa phần ngon nhất cho con, trong khi anh chàng đãng trí đang mải suy tư. Chốc chốc bà lại nói:
- Ăn đi, ăn đi, con.
Và lời nói đó mang vẻ trang trọng của một châm ngôn tôn giáo.
Bà trở lại than phiền về đời sống đắt đỏ và Gamelin một lần nữa nêu lên việc cần đánh thuế, coi đó như liều thuốc duy nhất để chữa lành mọi đau khổ.
Nhưng bà lại nói tiếp:
- Ta đâu còn tiền nữa. Bọn lưu vong đã cuỗm đi tất cả. Lòng tin đã cạn. Chẳng còn hy vọng vào đâu được.
- Đừng nói nữa, mẹ, đừng nói nữa! - Gamelin kêu lớn. - Những thiếu thốn, đau khổ nhất thời của chúng ta có gì đáng kể! Cách mạng sẽ mang lại cho loài người hạnh phúc đời đời.
Bà già nhúng miếng bánh mì vào rượu. Trí óc bà trở nên minh mẫn hơn và bà mỉm cười vừa nghĩ đến thời son trẻ, khi bà nhảy múa trên bãi cỏ vào Lễ Nhà Vua. Bà cũng nhớ đến ngày Joseph Gamelin, anh thợ làm dao, hỏi bà làm vợ. Mẹ bà nói: “Sửa soạn quần áo đi con. Mẹ con mình ra quảng trường Grève, vào tiệm kim hoàn của ông Bierassis, xem người ta xé xác tên Damiens”. Khó khăn lắm hai mẹ con mới lách qua được đám đông những người tò mò. Trong tiệm, cô gái đã gặp Joseph Gamelin trong bộ y phục màu hồng và đoán ra ngay mọi chuyện. Suốt thời gian cô đứng bên cửa sổ xem kẻ giết vua bị tùng xẻo, nước chì nấu chảy đổ lên người, bốn ngựa phanh thây rồi quăng vào lửa, anh đứng sau cô không ngớt khen nước da, chiếc nón cô đội và thân hình đẹp đẽ của cô.
Bà uống cạn ly rượu và tiếp tục nhớ lại.
- Évariste ạ, mẹ sinh con đâu có đủ ngày, đủ tháng. Hôm đó mẹ sợ quá vì suýt bị xô ngã trên Cầu Mới đông nghẹt những người đổ xô đi xem hành hình lão de Lally. Con ra đời nhỏ tí xíu, nhỏ đến nỗi thầy thuốc tưởng con không sống nổi. Nhưng Thượng đế đã thương mẹ, đã giữ con cho mẹ. Mẹ nuôi con khôn lớn, không tiếc tiền cũng không tiếc sức. Công bằng mà nói thì con lúc nào cũng tỏ ra biết ơn và ngay từ tấm bé con đã luôn luôn tìm cách làm vui lòng mẹ. Bản tính con thật dịu dàng, đáng yêu. Em con cũng không xấu nhưng nó ích kỷ, hung hãn. Con biết thương người hơn nó. Khi bọn trẻ ngoài phố tìm được tổ chim trên cây, con cố gắng giằng lại mấy con chim con để trả lại mẹ chúng và chỉ chịu thua khi bị lũ trẻ giẫm đạp lên người, đánh con tàn nhẫn. Năm lên bảy, thay vì gây gổ với bọn xấu, khi ra đường con yên lặng, lẩm nhẩm đọc kinh; rồi cứ gặp ai nghèo khổ con lại đưa về nhà giúp đỡ, đến nỗi mẹ phải quất vào mông để con chừa. Thấy ai đau khổ con cũng khóc. Khi trưởng thành, con rất đẹp trai. Mẹ rất lạ vì hình như con không biết điều đó, con thật khác với các cậu con trai thích làm đỏm và kiêu hãnh vì bộ mặt của mình.
Mẹ già nói đúng. Ở tuổi hai mươi Évariste có những nét của nữ thần Minerve: Khuôn mặt nghiêm trang và đẹp, một vẻ đẹp thật khắc khổ nhưng cũng rất duyên dáng. Giờ đây cặp mắt u tối, đôi má nhợt nhạt của anh biểu lộ một tâm hồn u sầu và mãnh liệt. Nhưng khi quay sang mẹ, anh lại có cái nhìn dịu dàng của thời trai trẻ.
Bà liên tục:
- Lẽ ra con có thể lợi dụng các ưu điểm của con để chạy theo mấy cô gái, nhưng con thích ở cửa tiệm gần mẹ. Đôi khi mẹ phải nhắc để con đừng lúc nào cũng bám lấy váy mẹ, để con đi chơi với bạn bè cho bạo dạn con người. Rồi đây trước khi nhắm mắt, mẹ phải chứng thực một điều là Évariste, con của mẹ, là đứa con ngoan. Bố mất đi, con đã dũng cảm nhận gánh nặng nuôi mẹ. Mặc dù chẳng kiếm được bao nhiêu, không bao giờ con để mẹ thiếu và nếu bây giờ mẹ con ta cơ cực, mẹ không thể trách con: lỗi là ở Cách mạng.
Anh định phản đối nhưng bà nhún vai nói tiếp:
- Mẹ không phải là quý tộc. Mẹ biết nhiều ông lớn khi họ còn quyền thế, phải nói rằng họ rất ỷ thế, cậy quyền. Mẹ đã trông thấy bố con bị lũ đầy tớ của Công tước de Canaleilles dùng gậy đánh vì ông không kịp tránh đường khi lão đi qua. Mẹ cũng chẳng ưa gì con mụ người Áo*: mụ kiêu hãnh quá, hoang phí quá. Còn nhà vua trước đây mẹ tưởng ông rất tốt, nhưng mẹ đã thay đổi ý kiến sau khi ông bị kết án. Nói cho cùng, mẹ đâu có ưa gì chế độ cũ, mặc dầu dưới chế độ ấy đời mẹ cũng có vài lúc vui tươi. Con đừng nói Cách mạng sẽ đem lại bình đẳng cho con người, vì con người không bao giờ bình đẳng; điều đó không thể có và dù người ta có xáo trộn đất nước đến đâu đi nữa thì bao giờ cũng có kẻ lớn, người nhỏ, kẻ béo, người gầy.

*[Chỉ hoàng hậu Marie-Antoinette sinh ở Vienne (Áo) năm 1755, lấy vua Louis XVI năm 1770, bị chết chém năm 1793]

Bà vừa nói vừa thu dọn chén đĩa. Họa sĩ không nghe mẹ nói nữa. Anh đang bận tìm hình một chiến sĩ tình nguyện, quần ngắn, áo vét ngắn, mũ chụp đỏ, chiếc hình sẽ thay quân bồi pích đã bị anh loại bỏ trong cỗ bài.
Có ai gõ nhẹ cửa rồi một cô gái, một cô gái quê, xuất hiện. Cô gái to ngang, tóc đỏ, chân khoèo, một bên kính che mắt trái còn mắt phải xanh nhạt, nhạt đến mức gần như trắng, môi dày, răng vẩu.
Chị hỏi Gamelin có phải là họa sĩ không, anh có thể vẽ chân dung Ferrand, chiến sĩ tình nguyện quân đoàn Ardennes, chồng chưa cưới của chị không. Gamelin trả lời anh sẵn sàng vẽ khi người chiến sĩ dũng cảm trở về. Cô gái dịu dàng nhưng hấp tấp cho biết là chị cần ngay.
Họa sĩ cố nhịn cũng phải mỉm cười; anh tuyên bố không thể làm gì được nếu không có người thật làm mẫu.
Không ngờ lại gặp khó khăn như thế, cô gái chẳng biết trả lời ra sao. Chị ngồi yên, bất động, đầu hơi nghiêng sang vai phải, hai tay chắp trước ngực, vẻ mặt buồn thiu. Họa sĩ cảm động nhưng cũng thấy vui vui vì tính tình quá đơn giản của cô gái; để làm nhẹ nỗi buồn của chị, anh đặt vào tay chị một bức tranh màu nước vẽ một anh lính tình nguyện và hỏi người chồng chưa cưới của chị có giống thế không.
Chị nhìn bức tranh bằng cặp mắt buồn bã; cặp mắt dần dần linh hoạt lên rồi lấp lánh và rực sáng; khuôn mặt to bè của chị rạng rỡ một nụ cười tươi rói. Rồi đột nhiên chị reo lên:
- Đúng là anh ấy, đích thực như thế, đúng là Ferrand bằng xương bằng thịt, anh Ferrand không lẫn với ai được.
Trước khi họa sĩ nghĩ đến việc gỡ tay cô gái lấy lại bức tranh thì chị đã cẩn thận gập nó lại bằng những ngón tay to và đỏ, gập mãi thành hình vuông bé tí, đặt nó vào ngực giữa lần áo lót và chiếc sơ mi, ấn vào tay họa sĩ tờ tín phiếu năm livre, chào mọi người rồi tập tễnh nhưng nhẹ nhõm bước ra cửa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét