Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 3

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


III

Buổi chiều cùng ngày, Évariste đến nhà công dân Jean Blaise, nhà buôn tranh in tay, nhưng cũng bán thêm các thứ hộp, các vật dụng bằng bìa các tông và đủ loại bài. Tiệm Tình yêu họa sĩ ở phố Honoré đối diện nhà thờ Oratoire gần hãng Vận tải. Nó chiếm cả tầng trệt một ngôi nhà xây từ sáu mươi năm trước. Phiến đá trên vòm cửa được khắc hình một chiếc mặt nạ có sừng. Ở ngay vòm có một bức tranh sơn dầu vẽ “Chàng Sicile hay Tình yêu họa sĩ” được ông thân sinh ra Blaise treo lên từ năm 1770. Bức tranh mô phỏng một bức họa của Boucher, đến nay nét vẽ đã phai mờ gần hết qua thời gian và mưa nắng. Ở hai bên cửa chính có ô cửa tương tự, nhưng phiến đá trên đỉnh vòm lại khắc hình đầu một nữ thần. Bên trong cửa có đặt những tủ kính cực lớn phô bày trước mắt người qua đường những bức tranh in tay đang được ưa chuộng, những tranh khắc màu mới nhất.
Hôm nay trong tủ kính có trưng bày những bức tranh mô tả những cảnh tình tứ “Bài học về tình chồng vợ” và “Kháng cự dịu dàng” được Boilly minh họa với nét bút hơi khô khan. Phái “Jacobin”* [Jacobin, từ chỉ thành viên một tổ chức Cộng hòa thời cách mạng Pháp có trụ sở ở một tu viện đường Saint-Jacques. Từ này cũng chỉ người nhiệt liệt tranh đấu cho nền dân chủ] đã vô cùng phẫn nộ và những người cách mạng trung kiên đã tố cáo việc trưng bày những tranh dâm ô này với Hội nghệ thuật. Ngoài ra người ta còn thấy bức “Cuộc dạo chơi” của Debucourt vẽ một cậu chủ quần ngắn màu hoàng yến được đặt nằm trên ba chiếc ghế, những con ngựa của Carle Vernet, những quả khí cầu, bức “Virginie tắm” và những hình vẽ theo lối cổ.
Trong số các công dân lũ lượt đi qua tiệm chỉ có những kẻ khố rách áo ôm mới dừng lại lâu trước hai tủ kính để giải trí, để cặp mắt được tận hưởng những lạc thú trên đời, họ say sưa chiêm ngưỡng các hình ảnh, miệng há hốc trong khi những người quý tộc chỉ liếc qua, nhíu mày rồi đi thẳng.
Từ thật xa, Évariste đã ngước mắt nhìn lên một trong hai cửa sổ mở rộng phía trên tiệm tranh, khung cửa bên trái nơi có một chậu hoa cẩm chướng đỏ đặt sau ban công bằng thép uốn hình vỏ ốc. Trong cửa là phòng Élodie; cô cùng cha là ông Jean Blaise, nhà buôn tranh, sống ở lầu một ngôi nhà đó.
Évariste dừng lại một lúc như để lấy lại sức trước khi bước vào tiệm Tình yêu họa sĩ. Anh xoay quả đấm hình mỏ vịt mở cửa và trông thấy nữ công dân Élodie vừa bán xong mấy bức tranh đang cẩn thận xem lại trước khi cất vào két những tín phiếu chị vừa nhận của khách hàng. Đứng ở chỗ có nhiều ánh sáng, chị giương đôi mắt đẹp nhìn những sọc ngang, sọc dọc, những hình in bóng, vẻ mặt lo âu vì trong thành phố đang lưu hành cả tiền thật lẫn tiền giả, số lượng chắc cũng ngang nhau, một điều vô cùng tai hại cho các người buôn bán. Cũng như những kẻ giả mạo chữ ký nhà vua trước kia, bọn in tiền giả đều bị kết án tử hình. Dầu vậy người ta đã tìm thấy những bản khắc tín phiếu giả trong rất nhiều căn hầm; bọn Thụy Sĩ đưa lậu vào trong nước hàng triệu tín phiếu giả; bọn Anh ngày nào cũng thả trôi vào bờ biển từng ba lô nhằm làm cho dân chúng hết tin tưởng ở nền Cộng hòa và khiến các công dân yêu nước lâm vào cảnh khốn cùng. Élodie sợ nhận phải tiền giả và còn sợ tiêu tiền đó hơn vì như thế sẽ bị coi như đồng lõa với Pitt* [William Pitt trẻ (1759-1806): thủ tướng Anh từ năm 1783 đến 1801, thù ghét cách mạng, tìm mọi cách để chống lại nước Pháp]. Dù sao chị vẫn tin vào vận may và nghĩ là sẽ thoát hiểm nếu gặp chuyện không hay.
Évariste ủ ê nhìn chị, một cái nhìn biểu lộ tình yêu rõ hơn mọi nụ cười. Và chị nhìn lại, hơi bĩu môi chế giễu làm nhăn cặp mắt đen. Chị biết mình được yêu, không bực tức về chuyện đó, chị làm như vậy để trêu tức người yêu khiến anh ta phải thở than, phải thổ lộ nếu chưa thổ lộ. Và đó là trường hợp Évariste.
Sau khi cất tín phiếu vào két, chị lôi ra khỏi giỏ đồ khâu một chiếc khăn quàng trắng đã thêu dở và bắt đầu chăm chỉ làm việc. Theo bản năng, chị coi thêu thùa như một cách làm dáng và chị cũng muốn làm vui lòng người tới thăm chị. Cách thêu của chị thay đổi tùy đối tượng: uể oải với những người chị muốn bày tỏ một tình cảm sầu muộn, loăng quăng, nhảy nhót với những kẻ chị muốn phải ít nhiều thất vọng. Riêng đối với Évariste, chị thêu cẩn thận vì muốn duy trì với anh một tình cảm nghiêm chỉnh.
Élodie không còn trẻ và cũng không đẹp lắm. Thoạt nhìn có thể cho là chị còn xấu nữa. Nước da nâu hơi tái dưới chiếc khăn trắng quấn hờ hững quanh đầu để xòa ra ngoài những lọn tóc quăn xanh, đôi mắt đen luôn luôn rực lửa. Nhìn bộ mặt tròn, tươi tắn, gò má thật cao, mũi hơi tẹt, quê mùa và u dật, họa sĩ như thấy lại cái đầu của vị thần thôn dã trong điện Borghèse có cái vẻ tinh nghịch thoát phàm làm anh mến mộ. Một vệt ria mép lờ mờ in trên đôi môi nồng nhiệt. Ngực chị phập phồng tràn đầy yêu thương làm nhấp nhô chiếc khăn quấn chéo theo cách ăn mặc đang thịnh hành. Thân hình dẻo dai, đôi chân nhanh nhẹn, chị cử động với vẻ thật uyển chuyển, hoang dại. Cách nhìn, hơi thở, những rung động trên da thịt chị, tất cả đều như đòi hỏi và hứa hẹn yêu đương. Đứng sau quầy hàng, chị làm ta nghĩ đến một bức tranh của họa sĩ Chardin mô tả một nữ thần nhảy múa, một cô đồng tế rượu ở nhà Hát nhạc kịch đã trút bỏ lốt da linh miêu để ẩn núp dưới cái vẻ ngoài bình dị của người nội trợ.
- Cha em không có nhà, nhưng sẽ về ngay thôi, - chị nói với họa sĩ, - xin ông đợi một lát...
Những bàn tay lại thoăn thoắt đưa kim trên miếng vải mỏng.
- Ông có thấy cái hình này hợp ý không, ông Gamelin?
Gamelin không biết nói dối, tình yêu khiến anh bạo dạn, anh bộc trực nói:
- Cô thêu khéo đấy, nữ công dân, nhưng phải nói thực là hình vẽ của cô không đủ đơn sơ, giản dị, còn chịu ảnh hưởng của thị hiếu kiểu cách đã ngự trị quá lâu đời ở nước Pháp trong ngành trang trí vải vóc, đồ đạc, trần nhà. Vẫn còn những cái nút, những vòng hoa làm ta nhớ lại phong cách nhỏ bé, tủn mủn được ưa chuộng dưới thời tên bạo chúa. Thiên hạ bắt đầu biết thưởng thức, có điều là trước đây chúng ta đã đi quá xa. Từ thời tên vua Louis XV khốn kiếp, cách trang trí đã có vẻ Tàu. Người ta đóng những tủ com-mốt với cái bụng tròn to, những tay nắm uốn cong kiểu cách, thực chỉ đáng vứt vào lò lửa để sưởi ấm các công dân yêu nước, chỉ có đơn giản là đẹp, ta cần trở lại nghệ thuật cổ. Họa sĩ David đang sáng chế các kiểu giường và ghế bành dựa theo các bình cổ Etrurie và những bức họa của Herculanum.
- Em đã thấy những giường, những ghế đó. Đẹp thật đấy. Rồi ra sẽ không ai thích các kiểu khác. Cũng như ông, em rất thích nghệ thuật cổ.
- Nếu vậy, nếu cô trang trí chiếc khăn này bằng một đường chữ triện, những lá thường xuân, những con rắn hay những mũi tên đan chéo, nó sẽ xứng với một cô gái Sparte... và với cô hơn. Tuy nhiên cô vẫn có thể giữ lại mẫu này, chỉ cần đơn giản hóa, trở lại các đường thẳng.
Chị hỏi anh cần bỏ những phần nào.
Anh cúi xuống chiếc khăn: tóc anh lướt nhẹ mái tóc cô gái, tay họ chạm nhau trên miếng vải, hơi thở họ quyện vào nhau. Trong khoảnh khắc đó anh thấy niềm vui tràn ngập, nhưng khi cảm thấy môi mình gần môi Élodie, anh sợ xúc phạm nàng và đột ngột lùi ra.
Blaise cũng yêu Gamelin. Chị thấy anh đẹp tuyệt vời với đôi mắt to nồng nàn, khuôn mặt trái xoan, nước da xanh xao, mái tóc rậm và đen rẽ trước trán và chảy xuống đôi vai, dáng điệu nghiêm trang, lanh lẹ, cách tiếp xúc cương nghị, lời nói rắn rỏi không a dua, nịnh bợ. Tình yêu khiến chị nhìn thấy ở anh thiên tài của một nghệ sĩ; một ngày kia tên anh sẽ nổi như cồn và chị lại càng yêu anh hơn. Blaise không tán thưởng tính nhút nhát của phái nam, chị sẽ không cảm thấy bị xúc phạm nếu có một người đàn ông không kiềm chế nổi tính đam mê, thị hiếu, dục vọng của mình, chị yêu Évariste, một con người trong trắng, tất nhiên không phải chỉ vì anh trong trắng, nhưng điều đó cũng quan trọng vì chị sẽ chẳng phải ghen tuông, ngờ vực, chẳng sợ có ai là tình địch.
Dù sao vào lúc này chị thấy anh dè dặt quá. Nếu nàng Aricie trong bi kịch của Racine yêu Hippolyte, ca ngợi đạo đức mãnh liệt của vị anh hùng, chính là vì nàng hy vọng chiến thắng đạo đức đó, nhưng rồi nàng phải than khóc vì chàng đâu có vì nàng mà tìm cách vượt qua phong tục khắt khe. Theo gương nàng Aricie mềm mỏng, Blaise cũng quan niệm là về tình yêu, phụ nữ cần đi trước một bước. Chị tự nhủ: những người say đắm nhất chính là những người rụt rè nhất, cần giúp đỡ, khuyến khích họ. Họ ngây thơ nên phụ nữ phải đi trước nửa đoạn đường hoặc hơn nữa mà không để họ biết, làm họ tưởng chính họ tấn công dũng mãnh và chiến thắng vinh quang. Chị tin tưởng sẽ đạt được kết quả vì chị biết trước khi Cách mạng biến Gamelin thành anh hùng thì anh đã yêu, yêu như mọi người, một phụ nữ chẳng có gì là đặc biệt, cô gác cổng Viện Hàn lâm.
Élodie đâu có khờ khạo, chị hiểu tình yêu có năm bảy đường. Tình cảm Évariste gây cho chị đã đủ sâu sắc để chị nghĩ đến chuyện trao thân gửi phận cho anh. Nhưng chị sợ cha chị không đồng ý để đứa con gái duy nhất của mình gắn bó với một nghệ sĩ vô danh nghèo khổ. Gamelin hoàn toàn tay trắng trong khi nhà buôn tranh giàu nứt đố đổ vách. Lợi tức do tiệm Tình yêu họa sĩ đem lại đã lớn, các khoản tiền chiết khấu và hoa hồng còn nhiều hơn nữa. Ông còn liên kết với một nhà thầu cung cấp cỏ và yến mạch ướt cho đội kỵ binh Cộng hòa nữa. Sau hết, con trai ông thợ làm dao phố Saint-Dominique, chỉ là một nhân vật quá nhỏ bé bên cạnh nhà xuất bản tranh in tay được cả châu Âu biết tiếng, có quan hệ với Blaizot, Basan, Didot và thường lui tới nhà các công dân Saint-Pierre và Florian. Không phải vì hiếu thảo mà chị thấy cần cha ưng thuận để lập gia đình. Cha chị góa vợ từ sớm, tham lam, nhẹ dạ, hám gái, thích tiền, thực ra chưa bao giờ chăm sóc, khuyên răn chị, để mặc chị sống tự do không cần biết chị ăn ở ra sao. Quá hiểu biết phụ nữ, ông đánh giá cao tính hăng say và những cách quyến rũ của con gái mà ông biết mạnh hơn một khuôn mặt xinh đẹp nhiều. Là một cô gái quá phóng khoáng chẳng cần giữ gìn, quá thông minh không thể lầm lạc, khôn ngoan khi say đắm, chị không để cho tính ham thích yêu đương đưa ra khỏi phong tục tập quán đương thời. Cha chị rất hài lòng về sự khôn ngoan của con, và vì chị thừa hưởng ở ông năng khiếu buôn bán, tính ham thích kinh doanh nên ông chẳng quan tâm đến chuyện con gái đã lớn mà chưa lấy chồng, vẫn muốn ở nhà. Chị ở nhà thì cũng được việc ngang một quản gia và bốn thầy ký. Ở tuổi hăm bảy chị thấy mình đã đủ trí khôn, đủ kinh nghiệm để tự lập, không cần ai khuyên bảo hay phải chiều ý một ông bố còn trẻ, dễ dãi và ham chơi. Nhưng muốn kết hôn với Gamelin, phải làm thế nào để ông Blaise gây dựng cho chàng rể nghèo, đưa anh vào tiệm, bảo đảm công việc cho anh như ông đã từng làm với nhiều nghệ sĩ, nói tóm lại, bằng cách này hay cách khác, tạo điều kiện cho anh kiếm ra tiền. Nhưng thực khó có chuyện một bên trao, một bên nhận vì hai người có rất ít thiện cảm với nhau.
Càng nghĩ cô Élodie dịu hiền và khôn ngoan lại càng thấy lúng túng. Chị đã tính đến chuyện cứ bí mật kết hôn với chàng và để Thượng đế chứng giám lòng thành của họ. Chị cho rằng làm như vậy cũng dễ dàng, cũng không ai chê trách được vì chị sống độc lập mà Évariste lại là một người thật thà, đạo đức. Nhưng Évariste đang gặp bao nhiêu khó khăn mới nuôi nổi mình và mẹ; trong cuộc sống eo hẹp như thế dường như không còn chỗ đứng cho một mối tình dù đơn giản đến đâu đi nữa. Vả lại anh cũng chưa tỏ lộ tình cảm, chưa đả động gì đến dự định của mình.
Nữ công dân Blaise hy vọng sớm buộc được anh làm việc đó.
Chị ngừng suy nghĩ và chiếc kim cũng ngừng hoạt động, chị nói:
- Công dân Évariste, em cũng như anh chẳng thích gì chiếc khăn này. Anh làm ơn nghĩ giùm em một mẫu khác. Trong khi anh vẽ em sẽ bắt chước Pénelope, tháo bỏ những gì đã được làm khi anh vắng mặt.
Anh nhiệt thành trả lời:
- Tôi xin làm ngay, nữ công dân. Tôi sẽ vẽ cho cô thanh gươm của Harmodius, thanh gươm trong một vòng nguyệt quế.
Rồi rút cây bút chì, anh phác họa những thanh gươm và những bông hoa theo một kiểu giản dị, đơn sơ mà anh ưa thích. Vừa vẽ anh vừa trình bày quan điểm:
- Người Pháp hồi sinh phải từ bỏ mọi di sản của thời kỳ nô lệ: thị hiếu, hình thức, lối vẽ, tất cả đều xấu. Watteau, Boucher, Fragonard vẽ để phục vụ bọn bạo chúa và những người nô lệ. Trong các tác phẩm của họ, không hề thấy một phong cách đẹp, những đường nét trong sáng, không hề thấy thiên nhiên và chân lý. Chỉ là những mặt nạ, những con rối, những giẻ rách, những trò hề. Hậu thế sẽ khinh bỉ các sáng tác hời hợt của họ. Một trăm năm nữa, tranh của Watteau sẽ nằm mục nát trong kho; đến năm 1893 sinh viên trường Mỹ thuật sẽ bôi lên tranh của Boucher để phác họa những bức tranh của họ. Họa sĩ David đã mở ra con đường mới; ông tiến gần tới nghệ thuật cổ, nhưng ông vẫn chưa đủ đơn giản, đủ mạnh mẽ, đủ trần trụi. Nghệ sĩ của chúng ta còn phải học hỏi nhiều lắm về các bí quyết trong những bức trang trí của Herculanum, các bức phù điêu La Mã, các bình của xứ Etrurie.
Anh nói nhiều về vẻ đẹp cổ đại rồi anh trở lại Fragonard mà anh căm ghét đến tận xương tủy.
- Nữ công dân, chị có biết lão già đó không?
Élodie gật đầu.
- Chắc chị cũng biết Greuze, một thằng cha hết sức lố lăng với thanh kiếm và bộ quần áo màu hồng điều. Nhưng bên cạnh lão Fragonard thì y lại giống một nhà hiền triết Hy Lạp. Cách đây ít lâu tôi đã gặp lão khốn nạn đó đi lon ton dưới các vòm của Cung điện Bình Đẳng, tóc rắc phấn, vẻ duyên dáng, nhảy nhót, nhả nhớt, ghê tởm. Trông thấy y, tôi chỉ mong có một người yêu thích nghệ thuật treo y lên cây rồi lột da y như Apollon lột da Marsyas* để làm gương cho các họa sĩ tồi tệ.
*[Marsyas là bạo chúa xứ Phrygie thi tài thổi sáo với Apollon, thần ánh sáng, nghệ thuật. Thua cuộc, y bị Apollon lột da]
Élodie đăm đăm nhìn anh với đôi mắt tươi vui và phóng đãng.
- Ông biết ghét thật đấy, ông Gamelin, chẳng hiểu ông có biết yêu...?
- Ông Gamelin đấy à? - Một giọng nam cao cất lên. Công dân Blaise bước vào tiệm, đôi ủng lộp cộp, các dây đeo chạm nhau kêu lanh canh, tà áo bay phấp phới. Trên đầu ông đội một chiếc mũ đen lớn, chỏm xòa xuống tận vai.
Élodie mang giỏ đi lên phòng.
- Thế nào, ông Gamelin! - Công dân Blaise hỏi, - ông có gì mới mang cho tôi không?
- Có thể là mới đây, - họa sĩ trả lời.
Rồi anh trình bày:
- Những bộ bài của ta thực tương phản với phong tục, tập quán hiện nay. Mấy cái tên quân bồi, quân vua* [Ta thường gọi là quân tây] xúc phạm các công dân yêu nước. Tôi đã nghĩ ra và vẽ xong một bộ bài mới, bộ bài cách mạng, trong đó thay vì quân vua, quân đầm, quân bồi sẽ có các quân Tự do, Bình đẳng, Bác ái; quân át có mấy chùm lá bao quanh, tôi gọi là quân Luật pháp… Anh sẽ đánh quân Tự do - chuồn, Bình đẳng - pích, Bác ái - rô, Luật pháp - cơ… Những quân đó vẽ khá đẹp, tôi định nhờ Desmahis khắc để lĩnh bằng sáng chế.
Anh rút từ chiếc cặp bìa cứng ra mấy cái hình đã vẽ xong bằng thuốc nước đưa cho nhà buôn tranh xem.
Công dân Blaise không cầm, ông quay mặt đi.
- Chú em, hãy đem tới Hội đồng Quốc ước, anh sẽ được hưởng vinh dự của một buổi họp. Nhưng đừng hy vọng kiếm một xu nhỏ nhờ phát minh mới, mà chẳng có gì gọi là mới của anh cả. Anh dậy muộn quá! Bộ bài cách mạng của anh là bộ thứ ba người ta mang đến cho tôi. Mới tuần trước ông Dugoure, bạn anh, đã gửi tôi một bộ bài pi-kê có bốn quân Thần, bốn Tự do, bốn Bình đẳng. Người ta cũng đề nghị một bộ khác có người hiền, người dũng cảm, có Caton, Rousseau, Annibal, tôi cũng chẳng nhớ còn những ai nữa!... Các quân đó lại có ưu điểm so với các quân của anh là vẽ sơ sài và khắc bằng dao nhỏ trên gỗ. Anh biết quá ít về con người nên mới tưởng bọn cờ bạc sẽ dùng các quân bài vẽ theo kiểu David, khắc theo lối Bartolozzi! Cũng là một ảo tưởng kỳ lạ cái ý nghĩ phải làm như vậy để các bộ bài đã có từ xưa phù hợp với tư tưởng hiện tại. Nếu thấy nói như cũ là thiếu ý thức công dân thì mấy anh cách mạng trung kiên sẽ tự động sửa lại và hô: “Tên bạo chúa” hay đơn giản hơn “Lão lợn ỉ”. Người ta sẽ tiếp tục sử dụng các quân bài đã cáu bẩn chứ không đời nào mua bộ khác. Đấy, người ta mua bài nhiều nhất tại các sòng bạc ở khu Lâu đài Bình Đẳng, tôi khuyên anh đến đó giới thiệu với bọn hồ lỳ, bọn cờ bạc các quân Tự do, Bình đẳng, quân..., anh nói gì nhỉ? Quân Pháp luật - cơ... của anh rồi anh trở lại cho tôi biết họ đã tiếp anh ra sao!
Công dân Blaise ngồi lên quầy hàng, búng tay gảy các sợi thuốc lá trên chiếc quần ngắn bằng vải Nam Kinh. Nhìn Gamelin với vẻ thương hại, ông nói tiếp:
- Cho phép tôi khuyên anh, công dân họa sĩ: nếu anh muốn kiếm tiền, anh hãy từ bỏ các quân bài ái quốc, ái quần, từ bỏ các biểu tượng cách mạng, các thần Hercule, mãng xà bảy đầu, các thần Căm giận đuổi theo tội ác, các thần Tự do. Anh hãy vẽ cho tôi những cô gái đẹp. Nhiệt tình đổi mới của các công dân sẽ nguội dần theo thời gian nhưng đàn ông thì bao giờ cũng yêu đàn bà. Hãy vẽ cho tôi những cô nàng thực hồng hào với bàn chân nhỏ, bàn tay thon. Anh cần nhớ là bây giờ chẳng ai quan tâm đến Cách mạng, chẳng ai muốn nghe nói gì về Cách mạng nữa!
Nghe đến đây, Évariste Gamelin như chồm lên.
- Sao! Chẳng ai muốn nghe nói gì về Cách mạng nữa!... Nhưng việc xây đắp tự do, những chiến thắng của quân đội ta, việc trừng phạt bọn bạo chúa chẳng phải là những sự kiện khiến hậu thế phải đời đời thán phục ư? Tại sao những điều đó lại không đập mạnh vào trí óc chúng ta? Sao! Anh chàng cách mạng Jesus còn thành lập được một giáo phái kéo dài gần mười tám thế kỷ, việc phụng thờ tự do chẳng lẽ chưa đầy bốn năm lại bị tiêu diệt!
Nhưng Jean Blaise vẫn ngạo mạn:
- Anh đang sống trong mơ còn tôi sống trong cuộc đời. Hãy tin tôi, anh bạn. Cách mạng làm người ta chán ngán, nó kéo dài quá. Năm năm nhiệt thành, năm năm ôm hôn, tàn sát, diễn thuyết, hát “Marseillaise”, rung chuông báo động, treo cổ quý tộc lên cột đèn, đầu lâu cắm trên ngọn giáo, đàn bà cưỡi đại bác, cây tự do đội mũ chụp đỏ, những cô gái, ông già mặc áo trắng được lôi đi trong những chiếc xe hoa, năm năm ngục tù, máy chém; phân phối định lượng, áp phích, phù hiệu, chùm lông cắm trên đầu, trên mũ, gươm, áo vét..., đã quá đủ rồi. Bây giờ thì người ta chẳng còn hiểu gì nữa. Đã có quá nhiều công dân vĩ đại được các anh đưa lên đài vinh quang để rồi chính các anh lại xô xuống vực thẳm như những tên tội phạm: Necker, Mirabeau, La Fayette, Bailly, Pétion, Manuel, và bao nhiêu người khác. Biết đâu các anh lại không dành cho các vị anh hùng mới của các anh một số phận tương tự!... Thực không tài nào hiểu nổi.
- Kể tên họ đi, công dân Blaise, ông hãy nêu tên những anh hùng mà chúng tôi chuẩn bị hy sinh! - Gamelin nói bằng một giọng khiến nhà buôn tranh phải thận trọng.
- Tôi thích chế độ Cộng hòa, tôi cũng yêu nước, - ông đáp lại, bàn tay để lên ngực. - Tôi cũng Cộng hòa, yêu nước như anh, công dân Évariste Gamelin. Tôi không nghi ngờ lòng yêu nước của anh và hoàn toàn không nghĩ là anh nay thế này, mai thế nọ. Nhưng anh cũng cần biết rằng lòng tận tụy đối với Tổ quốc, đối với việc công ích của tôi đã được xác minh bằng nhiều hành động. Nguyên tắc của tôi là: tín nhiệm bất kỳ ai có khả năng phục vụ quốc gia. Đứng trước các vị được nhân dân giao cho một nhiệm vụ vinh quang mà cũng cực kỳ nguy hiểm là quyền lập pháp như Marat, như Robespierre, tôi xin cúi đầu; tôi sẵn sàng giúp các vị ấy bằng khả năng hèn mọn của tôi, bằng sự đóng góp nhỏ bé của một công dân tốt. Các ủy ban có thể xác nhận nhiệt tình, lòng tận tụy của tôi. Phối hợp với những công dân thực sự yêu nước, tôi đã cung cấp cỏ khô và yến mạch cho đội kỵ binh dũng cảm, cung cấp giày cho binh sĩ của chúng ta. Chính hôm nay từ Vernon tôi đã gửi sáu chục con bò cho đạo quân miền Nam, qua một vùng đầy giặc cướp và bọn điệp viên của Pitt, của Condé*. Tôi không nói, tôi hành động.
*[Louis V Joseph de Bourbon-Condé (1736-1818): là một trong những nhà quý tộc bỏ ra nước ngoài sớm nhất (1789). Năm 1792, ông thành lập đạo quân phản cách mạng, thường được gọi là “đạo quân Condé”]
Gamelin lặng lẽ xếp những tranh bột nước vào chiếc cặp bìa cứng, buộc dây rồi cắp vào nách.
- Mâu thuẫn kỳ cục, - anh nói, hai hàm răng xít vào nhau. - Một mặt giúp quân đội ta gieo rắc tự do khắp thế giới, mặt khác lại phản bội bằng cách gây rối loạn, lo âu trong tâm hồn những người đang bảo vệ tự do... Xin chào công dân Blaise.
Trước khi rẽ vào cái ngõ hẹp bên hông nhà thờ Oratoire, Gamelin lòng nặng trĩu yêu thương và giận dữ, quay lại nhìn những bông cẩm chướng đỏ thắm nở rộ bên lề một khung cửa sổ.
Anh không nghi ngờ chuyện Tổ quốc sẽ vượt qua được cơn thử thách. Anh chống lại những lời lẽ thiếu ý thức của Blaise, anh tin tưởng ở cách mạng nhưng cũng phải thừa nhận rằng ý kiến của lão nhà buôn cũng có mặt đúng; nhân dân Paris quả không còn quan tâm đến các diễn biến đang xảy ra. Buồn thay! Sau nhiệt tình ban đầu, đúng là bây giờ mọi người tỏ ra lãnh đạm. Không bao giờ có thể thấy lại quang cảnh những đám đông người một lòng một dạ năm tám mươi chín, quang cảnh hàng triệu người năm chín mươi chen chúc nhau bên bàn thờ để bảo vệ tự do. Nếu vậy các công dân tích cực sẽ phải cố gắng, sẽ phải nỗ lực gấp đôi, sẽ phải thức tỉnh nhân dân đã bắt đầu ngủ quên, nhắc nhở họ phải lựa chọn giữa tự do và cái chết.
Gamelin suy nghĩ miên man, và mối tình đối với Élodie lại nâng đỡ tinh thần cho anh.
Khi anh đến bờ sông, mặt trời đã hạ xuống chân trời sau những đám mây nặng nề như những lớp thạch phún cháy đỏ rực, các mái nhà tắm trong ánh sáng màu vàng, những kính cửa sổ như bắn ra muôn vàn tia chớp. Anh tưởng tượng ra các thần Titan đang lấy các mảnh vụn của thế giới cũ để rèn một thành phố bằng đồng.
Không có nổi một mẩu bánh mì mang về cho mẹ và cho mình, anh mơ màng thấy đang ngồi bên một chiếc bàn dài vô tận, ở đó có chỗ dành cho tất cả nhân loại phục sinh. Trong khi chờ đợi, anh tự thuyết phục rằng Tổ quốc như bà mẹ hiền sẽ nuôi dưỡng đứa con trung hiếu. Rồi cứng rắn trở lại trước thái độ ngạo mạn của lão buôn tranh, anh lại thấy quan điểm của mình về bộ bài cách mạng là mới và đúng, và với các tranh bột nước đã hoàn tất, anh đang nắm trong tay một tài sản lớn. “Desmahis sẽ khắc, anh nghĩ. Chính ta sẽ tự xuất bản bộ bài yêu nước, chắc chắn chỉ một tháng sẽ bán được mười ngàn bộ, giá hai mươi xu một bộ”.
Nóng lòng thực hiện ý định, anh rảo bước đến nhà bạn. Desmahis cư ngụ ở bến Hàng Sắt, trên lầu một tiệm bán kính.
Vợ ông chủ tiệm cho anh biết công dân Desmahis không có nhà. Anh không ngạc nhiên, biết bạn có tính hay lang thang, vô định. Nhiều khi anh cũng thắc mắc không hiểu tại sao người ta có thể khắc nhiều, khắc đẹp đến thế mà chẳng cần chăm chỉ chút nào. Anh quyết định đợi bạn. Bà chủ nhà lôi ra một chiếc ghế mời anh ngồi rồi với vẻ rầu rĩ bắt đầu than phiền về chuyện buôn bán ế ẩm mặc dầu có người nói bán kính rất phát tài vì Cách mạng đã đập bể không biết bao nhiêu là cửa sổ.
Trời tối dần. Đợi mãi không được, Gamelin từ biệt bà chủ. Ra đến Cầu Mới, anh thấy từ phố Morfondus đổ ra nhiều vệ binh quốc gia cưỡi ngựa dẹp người qua lại. Họ mang theo những bó đuốc, gươm giáo loảng xoảng, áp tải một chiếc xe đang chầm chậm lăn ra pháp trường. Xe chở một người đàn ông không ai biết tên, người đầu tiên bị tòa án mới thành lập xét xử và kết tội. Nạn nhân ẩn hiện giữa những chiếc nón của các vệ binh, ngồi quay về phía sau xe, tay bị trói quặt ra sau lưng, cái đầu để trần lắc lư không ngớt. Tên đao phủ đứng gần, lưng dựa vào thành xe. Người qua đường xúm lại, thản nhiên đứng nhìn, bảo nhau chắc đây là tên đã gây ra nạn đói. Gamelin tiến lại gần, nhận ra trong đám người xem, Desmahis bạn anh đang cố lách qua đám đông định băng qua đoàn người ngựa để sang phía bên kia. Anh gọi và đặt tay lên vai bạn. Desmahis quay đầu lại: đó là một thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh. Trước đây ở Viện Văn học - Nghệ thuật, người ta vẫn nói anh có cái đầu của Bacchus và cái mình của Hercule. Các bạn anh còn gọi anh là Barbaroux vì anh rất giống vị đại biểu nhân dân có cái tên đó.
- Lại đây, - Gamelin nói, - mình có việc quan trọng muốn bàn với cậu.
- Để mặc mình! - Desmahis vội trả lời.
Rồi anh lầu bầu những lời không rõ ràng, chỉ đợi dịp là lại xông lên:
- Mình đang đuổi theo một cô gái, một công nhân bán quần áo, một nàng tiên đội nón có mớ tóc vàng óng để xõa sau lưng. Cái xe bò chết tiệt đã tách mình ra khỏi nàng. Nàng vượt lên trước, kia kìa nàng đã ở đầu cầu.
Gamelin định nắm áo giữ bạn lại, thề rằng chuyện anh sắp nói là quan trọng.
Nhưng Desmahis đã băng qua đám người, ngựa, gươm, đuốc, đuổi theo cô gái bán quần áo.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét