Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 15

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XV

Cần làm giảm bớt số người trong các nhà tù chật ních phạm nhân; muốn vậy phải xét xử, xét xử không nghỉ, không ngừng. Các vị thẩm phán dưới chế độ mới lưng dựa vào các bức tường phủ các chùm lá và mũ chụp đỏ, giữ vẻ trầm mặc, im lặng khủng khiếp y như các bậc tiền nhiệm khi họ phục vụ chế độ quân chủ. Ủy viên công tố và các viên phụ tá đều kiệt sức vì mệt nhọc, rã rời vì mất ngủ và rượu mạnh; họ chưa ngã gục chỉ nhờ nỗ lực phi thường, và chính tình hình sức khỏe đó lại làm cho họ khủng khiếp hơn. Các hội thẩm thì rất đa dạng về nguồn gốc và tính cách, người có học, kẻ ngu đần, nhưng dù hèn nhát hay độ lượng, hiền hay dữ, xảo quyệt hay thực thà, tất cả bọn họ ước định tình hình Tổ quốc và chế độ Cộng hòa lâm nguy, đều cảm thấy hay giả bộ cảm thấy một nỗi căm hờn giống nhau, đều bừng cháy lên một ngọn lửa như nhau. Tất cả đều tàn bạo vì đạo đức hay vì sợ hãi, tất cả chỉ có một cái đầu duy nhất, điếc lác, căm giận, chỉ có một tâm hồn, tất cả tạo thành một con vật thần bí. Con vật đó do thi hành nhiệm vụ theo bản năng đã gây ra không biết bao nhiêu tang tóc. Các thẩm phán luôn luôn đổ cho xúc cảm chi phối, lúc thì nhân từ, lúc lại trở thành độc ác; bây giờ họ có thể rớt nước mắt khóc thương và tha bổng một bị can mà một giờ trước đó họ có thể trừng phạt với những lời lẽ mỉa mai cay độc. Và càng làm việc họ càng để trái tim thôi thúc.
Các hội thẩm đi xét xử trong cơn sốt và trong khi ngủ gà ngủ gật vì bận rộn quá nhiều. Họ xét xử dưới tác động của các kích động bên ngoài, chỉ thị của vị chúa trùm, sự đe dọa của những người cách mạng, các bà đan len đang chen chúc trong các hàng ghế cao, các khu vực dành cho quần chúng; họ bị chi phối bởi những bằng chứng mơ hồ, những lời lẽ cuồng nhiệt của các bản buộc tội. Họ xét xử trong bầu không khí hôi hám, đầu óc trì trệ, tai ù, thái dương đập mạnh và trước mắt như có một bức màn máu che phủ. Rồi lại có những tiếng xầm xì về những hội thẩm để cho bị cáo dùng vàng mua chuộc. Hội thẩm đoàn đáp lại bằng những lời phản kháng phẫn nộ và những bản án không chút xót thương. Nói cho cùng, họ là những con người không tốt hơn, không xấu hơn những người khác. Nhiều khi người ta trong sạch, vô tội vì gặp may chứ không phải vì đạo đức: ai ở địa vị họ cũng sẽ hành động như họ và sẽ thực hiện những nhiệm vụ khủng khiếp đó với một tâm hồn kém cỏi.
Rồi cuối cùng đến lượt Marie-Antoinette mà quần chúng chờ đợi đã lâu, với chiếc áo vải đen, đến ngồi vào chiếc ghế bành định mệnh. Căm thù bốc lên ngùn ngụt vây quanh bị cáo như một bản hợp xướng, và chỉ nhờ đã biết trước kết quả bản án nên nghi thức xét xử mới được tôn trọng. Để trả lời các câu hỏi chết người, thái độ của bị cáo không nhất quán, lúc thì để bản năng sinh tồn chi phối, lúc lại tỏ thái độ kiêu kỳ quen thuộc, nhưng một lần do tính chất bỉ ổi của một người buộc tội, bà đã giữ vẻ uy nghiêm của một mẫu nghi thiên hạ. Chỉ các nhân chứng là có quyền phỉ báng và vu khống còn bên bị luôn luôn hết hồn vì khủng khiếp. Tòa án buộc phải xét xử đúng luật nên đợi đến khi mọi thủ tục đã hoàn thành mới quăng cái đầu mụ người Áo ra trước toàn thể Âu châu.
Ba ngày sau vụ hành hình Marie-Antoinette, Gamelin được mời lên gặp công dân Fortuné Trubert đang hấp hối cách phòng quân sự nơi anh đã cống hiến những sức lực cuối cùng chừng ba mươi bước, trên một chiếc giường vải, trong một phòng nhỏ hẹp của một nhà tu hành Barnabites nào đó đã bị trục xuất. Chiếc gối lõm sâu dưới cái đầu trắng bệch không còn giọt máu. Đôi mắt không còn nhìn thấy nữa, quay những con ngươi mờ đục về phía Évariste, bàn tay khô đét của anh nắm lấy tay bạn, nắm chặt bằng sức mạnh không ngờ. Chỉ trong hai ngày anh đã ba lần thổ ra máu. Anh cố nói, giọng nói mới đầu khàn khàn và yếu như tiếng thì thầm sau lớn lên dần:
- Wattignies! Wattignies!... Jourdan đã đẩy lui quân địch vào căn cứ của chúng... đã giải tỏa Maubeuge... chúng ta đã chiếm lại Marchiennes. Sẽ ổn cả... ổn cả...
Và anh mỉm cười.
Điều anh vừa nói không phải là giấc mơ của người ốm; mà là nhãn quan trong sáng về hiện tình lóe lên trong bộ óc đang bị bóng tối chiếm lĩnh dần dần, vĩnh viễn. Cuộc xâm lăng đang bị chặn đứng: các ông tướng khiếp đảm đã hiểu rằng điều tốt nhất đối với họ là chiến thắng. Trước kia việc tòng quân tình nguyện không cho phép tổ chức một đạo quân đông đảo và có kỷ luật, nay nhờ lệnh trưng binh, khó khăn đó đã được giải quyết. Chỉ cần cố gắng một chút nữa là cứu được chế độ Cộng hòa.
Sau nửa giờ thiếp đi, khuôn mặt đã thấp thoáng bóng tử thần của Trubert lại linh hoạt, bàn tay anh giơ lên.
Anh dùng ngón tay chỉ cho bạn chiếc bàn nhỏ bằng gỗ dẻ, thứ đồ đạc duy nhất trong phòng. Rồi bằng một giọng hổn hển, yếu ớt nhưng hoàn toàn tỉnh táo:
- Bạn ạ, mình bắt chước Eudamidas, nhờ cậu trả hộ mấy món nợ: ba trăm hai mươi livre, chi tiết trong quyển vở bìa đỏ. Vĩnh biệt Gamelin. Cậu đừng ngủ quên. Hãy thức để bảo vệ chế độ Cộng hòa. Sẽ ổn cả.
Bóng đêm đã tràn ngập gian phòng nhỏ. Tiếng người hấp hối thở khô khan, tiếng bàn tay cào vào khăn trải giường.
Đến nửa đêm, anh nói đứt quãng:
- Thêm diêm tiêu... Hãy giao súng... Sức khỏe hả? Tốt lắm... Hạ chuông xuống...
Anh thở hơi cuối cùng vào lúc năm giờ sáng.
Theo lệnh phân khu, xác anh được đặt trong gian giữa tòa nhà trước đây là nhà thờ Barnabites trên chiếc giường nhỏ ngay dưới chân bàn thờ Tổ quốc: một lá cờ tam tài phủ trên người, một vòng lá sồi quanh trán.
Mười hai cụ già bận áo choàng La Mã tay cầm tàu lá cọ, mười hai thiếu nữ khăn trùm kéo lê thê và ôm hoa, vây quanh linh sàng. Phía chân người chết hai đứa trẻ mỗi đứa cầm một bó đuốc chúc xuống. Trong hai đứa, Évariste nhận ra bé Joséphine, con gái bà gác cửa. Nét nghiêm trang trẻ con và vẻ đẹp của cháu làm cho anh nghĩ đến các vị thần của ái tình và tử vong mà người La Mã thường khắc trên các cỗ quan tài.
Đám tang đi về nghĩa địa Saint-André-des-Arts trong tiếng hát của bài “Marseillaise”* và bài “Sẽ ổn cả”.

*[La Marseillaise: thoạt tiên là một bài ca ái quốc do Rouget de Lisle soạn cho đạo quân vùng sông Rhin. Từ 1795, và sau đó từ 1879, trở thành Quốc ca Pháp]

Khi đặt chiếc hôn vĩnh biệt lên trán Fortuné Trubert, Évariste khóc. Anh khóc cho mình, ghen tị với số phận của người nằm đó, hai tay buông xuôi sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Khi về nhà, anh nhận được thông báo được cử làm thành viên Tổng Hội đồng Công xã. Anh đã ứng cử từ bốn tháng nay và được bầu không có người tranh cử sau tới ba mươi lần bỏ phiếu. Không cần biểu quyết vì các phân khu nay đã vắng ngắt; giàu cũng như nghèo chỉ tìm cách lẩn trốn các nhiệm vụ chung. Những sự kiện trọng đại nhất cũng không làm ai phấn khởi hay tò mò, không ai thiết đọc báo. Évariste còn sợ rằng trong số bảy trăm nghìn dân Thủ đô, không biết còn có được ba hay bốn nghìn người giữ được tâm hồn Cộng hòa.
Ngày hôm đó Hai Mươi Mốt tên phải ra Tòa. Họ vô tội hay là thủ phạm gây ra bao nhiêu đau khổ và tội ác của chế độ Cộng hòa? Phải chăng đó là những kẻ vô dụng, dại dột, đầy tham vọng và nhẹ dạ, vừa ôn hòa vừa quá khích, nhu nhược khi khủng bố cũng như lúc cần khoan hồng, tuyên bố chiến tranh thì vội vàng nhưng chỉ đạo chiến tranh lại lề mề, chậm chạp? Và nay chính họ bị lôi ra tòa theo đúng thể thức trước đây họ đã thi hành với người khác!
Dù thế nào, họ vẫn tượng trưng cho tuổi thanh xuân chói lọi của Cách mạng; chính họ đã làm cho Cách mạng có một thời kỳ đầy hấp dẫn và vinh quang, còn các kẻ xét xử họ? Viên thẩm phán sắp hỏi cung họ với sự thiếu khách quan uyên bác, viên công tố nước da tái mét ngồi trước chiếc bàn nhỏ đang chuẩn bị đưa họ đến án tử hình và ô nhục, những tên hội thẩm lát nữa sẽ bóp nghẹt bên bị; đám công chúng ngồi trên các hàng ghế cao thường nhấn chìm họ trong những lời thóa mạ, tiếng la ó. Tất cả những người ấy, dù là thẩm phán, hội thẩm hay nhân dân trước đây đều đã vỗ tay hoan nghênh tài hùng biện, ca tụng tài năng và đạo đức của họ nhưng nay không còn nhớ gì nữa.
Évariste đã từng xem Vergniaud như ông thần, coi Brissot như vị thánh của mình. Anh cũng quên hết. Và nếu trong ký ức anh còn rơi rớt chút ít lòng khâm phục ngày xưa thì cũng chỉ để quan niệm rằng những con quái vật đó đã có lúc cám dỗ được những công dân ưu tú nhất.
Về đến nhà sau phiên họp, Gamelin nghe thấy tiếng trẻ con kêu như xé tai. Đó là bé Joséphine bị mẹ dùng roi quật vì đã cùng bọn trẻ nô đùa trên quảng trường làm bẩn chiếc áo trắng đẹp mẹ mặc cho để dự lễ tang công dân Trubert.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét