Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 5

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


V

Chín giờ sáng, Évariste gặp Élodie, chị đã ngồi đợi anh trên một chiếc ghế dài ở vườn Luxembourg. Suốt một tháng kể từ ngày hai người tỏ tình, ngày nào họ cũng gặp nhau, khi thì ở tiệm Tình yêu họa sĩ, khi thì ở xưởng vẽ quảng trường Thionville. Évariste rất đằm thắm nhưng dè dặt, dè dặt vì tính anh nghiêm trang, đạo đức; tin ở Thượng đế và là công dân tốt, anh sẵn sàng kết hôn với người yêu, tùy theo hoàn cảnh, có thể trước pháp luật hoặc riêng trước Thượng đế nhưng phải quang minh chính đại, công khai. Élodie thấy quyết tâm của anh thực đáng kính nhưng chị chẳng mảy may hy vọng sẽ kết hôn với anh. Không dám đương đầu với phong tục, tập quán, chị chỉ nghĩ đến việc giữ kín mối tình rồi để thời gian lo liệu. Chị hy vọng một ngày nào đó sẽ thắng được tính đắn đo của một tình nhân quá dè dặt. Rồi không muốn trì hoãn mãi những điều cần bộc lộ, chị hẹn nói chuyện với anh ở một khu vườn vắng, gần tu viện Chartreux.
Chị nhìn anh vẻ trìu mến, thành thật, nắm tay anh, bảo anh ngồi cạnh rồi trầm ngâm nói:
- Em quá kính trọng anh nên không thể giấu anh điều gì, anh Évariste ạ. Em nghĩ mình xứng đáng với anh, nhưng em sẽ không xứng đáng nếu em không nói hết. Anh hãy nghe rồi làm quan tòa xét xử em. Em không làm gì để phải tự trách là có hành động ích kỷ chứ đừng nói là đê tiện, xấu xa nữa. Nhưng em yếu đuối, đã quá tin người. Dù sao anh đừng quên, anh của em, hoàn cảnh khó khăn của em. Như anh biết, em không còn mẹ, cha em còn trẻ, ham chơi, không hề săn sóc em. Em dễ xúc động, tấm lòng mềm yếu, tính tình độ lượng, nên mặc dù thiên nhiên đã phú cho em khả năng xét đoán chắc chắn, lành mạnh, có những lúc tình cảm ở em đã thắng lý trí. Than ôi! Tình cảm sẽ vẫn còn mạnh hơn lý trí nếu chúng không hòa hợp để khiến em hoàn toàn, vĩnh viễn là của anh...
Chị diễn đạt một cách từ tốn nhưng thật cương quyết. Chị đã chuẩn bị từng lời; từ lâu chị đã quyết định thú nhận vì chị thẳng thắn, muốn bắt chước Jean Jacques; chị cũng tự nhủ “Một ngày nào đó anh ta sẽ biết điều bí mật mà không hoàn toàn bí mật của mình; tốt nhất là thú nhận trước, như vậy anh biết là do mình nói, còn hơn là sau này anh khám phá ra khiến mình phải hổ thẹn”. Hiền dịu và sống một cách vô tư, chị không thấy mình tội lỗi gì lắm, việc thú tội cũng đỡ cực, vả lại chị cũng đã tính là chỉ nói những điều thật cần thiết.
Chị than thở:
- Anh Évariste yêu quý, tại sao anh không đến khi em bị lãng quên, khi em chỉ có một mình?
Gamelin hiểu theo nguyên văn yêu cầu của Élodie muốn mình làm nhiệm vụ quan tòa. Do bản chất, lại được giáo dục qua sách báo về việc xét xử những việc trong gia đình, anh chuẩn bị nghe những lời tự thú của Élodie.
Thấy chị ngập ngừng, anh ra hiệu cho chị nói tiếp.
Chị nói rất đơn giản:
- Có một thanh niên, một người có nhiều tính xấu nhưng cũng có vài điểm tốt, đã khéo léo làm cho em chỉ nhìn thấy những ưu điểm. Anh ta quý em, luôn luôn lui tới, thăm hỏi. Anh ta trẻ, duyên dáng, có quan hệ với nhiều phụ nữ xinh đẹp, và nhiều bà, nhiều cô không giấu giếm là cũng yêu anh ta. Không, không phải vì anh ta đẹp trai, thông minh mà em chú ý... Anh ta khéo bày tỏ tình yêu làm em cảm động, em tưởng anh ta yêu em thực sự. Anh ta hết sức mềm mỏng, săn đón. Em chỉ cần một điều là anh ta chung thủy, nhưng anh ta lại đổi thay... Không, em không trách ai cả, em chỉ tự trách em. Em không than phiền về y vì bây giờ đối với em, y chỉ là người xa lạ. Anh Évariste, em xin thề với anh là lúc này đối với em, y như không bao giờ có!
Chị ngừng lại. Gamelin cũng không nói gì. Anh khoanh tay, mắt nhìn thẳng, u uẩn. Cùng một lúc anh nghĩ đến Élodie và Julie, em gái anh. Julie cũng nghe theo lời tình nhân; nhưng thật khác nàng Élodie đáng thương, cô đi với người ta không phải vì tình cảm mà vì muốn xa người thân để được sống xa hoa, ăn chơi đàng điếm. Với tính cương nghị, anh đã lên án em gái, và bây giờ cũng muốn kết tội người yêu.
Élodie lại dịu dàng nói tiếp:
- Em nặng đầu óc triết lý; em nghĩ bản chất con người là ngay thẳng. Em khổ cực vì đã yêu một người không được ông thầy thiên nhiên và đạo đức giáo dục, một người bị thành kiến xã hội, tham vọng, lòng tự ái, tính sĩ diện biến thành một kẻ ích kỷ, lật lọng.
Những lời nói có tính toán của chị đã mang lại kết quả mong đợi. Mắt Gamelin dịu đi, anh hỏi:
- Kẻ quyến rũ em là ai? Anh có biết hắn không?
- Anh không biết hắn.
- Vậy em hãy nói tên hắn ra.
Chị đã dự kiến yêu cầu này và cương quyết không đáp ứng.
Chị nêu lý do:
- Anh miễn cho em, xin anh! Em thấy đã nói về chuyện không may đó quá nhiều, với anh cũng như đối với em.
Và vì anh cứ gặng hỏi, chị đáp:
- Vì lợi ích thiêng liêng của mối tình chúng ta, em sẽ không nói gì để anh rõ hơn về con người... xa lạ ấy. Em không muốn đặt một hồn ma vào lòng ghen tuông của anh, không muốn để một bóng đen ám ảnh chúng ta. Em đã quên hẳn người đó thì chẳng có lý do gì lại để anh biết hắn.
Nhưng Gamelin cứ ép chị phải nói tên kẻ quyến rũ, từ anh cứ nhắc đi nhắc lại vì anh tin chắc Élodie đã bị quyến rũ, lừa dối, cưỡng ép. Anh không tưởng tượng có thể khác được, không thể nghĩ là chị đã bị dục vọng chi phối, đã vâng theo đòi hỏi thầm kín của xác thịt, anh không quan niệm được là con người thú vị, dịu dàng kia, nạn nhân xinh đẹp kia lại tự hiến dâng. Chắc chắn chị đã bị chiếm đoạt bằng sức mạnh hoặc bằng thủ đoạn, đã bị đẩy vào cái bẫy mà kẻ kia đã giăng sẵn dưới chân chị. Anh đặt ra những câu hỏi tuy lời lẽ ôn hòa nhưng chính xác, chặt chẽ, khó chịu. Anh muốn biết sự gắn bó kia đã hình thành thế nào, lâu hay chóng, bình yên hay sóng gió và tại sao lại tan vỡ. Anh trở lại nhiều lần về phương cách con người kia áp dụng để quyến rũ chị như thể y đã dùng những phương cách li kì, chưa ai từng biết.
Nhưng anh đã tốn công vô ích. Dịu dàng cầu khẩn nhưng bướng bỉnh, chị vẫn im lặng, đôi môi mím chặt, nước mắt lưng tròng.
Đến khi Évariste hỏi hiện nay người đó ở đâu thì chị trả lời:
- Hắn đã rời vương quốc.
Biết lỡ lời, chị nói lại thật nhanh:
- ...đã rời nước Pháp.
- Một tên lưu vong! - Gamelin kêu lớn.
Chị nhìn anh không nói, vừa yên tâm vừa buồn bã vì anh đã tự tạo ra một sự thật phù hợp với tính đam mê chính trị của mình và dễ dàng khoác lên lòng ghen tuông của mình một màu sắc đặc biệt Jacobin.
Thực ra người tình cũ của Élodie chỉ là một viên thư ký quèn giúp việc một ông chưởng lý, một anh chàng chạy giấy đẹp trai mà chị yêu thương và kỷ niệm sau ba năm xa cách vẫn làm toàn thân chị nóng bỏng. Anh ta thích những bà giàu có đứng tuổi và đã bỏ rơi Élodie để đi theo một phụ nữ có nhiều kinh nghiệm tình ái và đã làm anh thỏa mãn dục tình. Sau khi công tác chưởng lý bị bãi bỏ, anh ta xin vào làm ở Tòa Thị chính Paris và nay là lính long kỵ binh.
- Một tên quý tộc! Một tên lưu vong! - Gamelin nhắc lại và chị cũng chẳng buồn cải chính vì chị đâu có mong anh biết rõ sự thật.
- Hắn đã bỏ rơi em một cách hèn nhát, phải không?
Chị hơi cúi đầu.
Anh ôm chặt chị vào lòng:
- Em là nạn nhân của sự sa đọa phong kiến, tình yêu của anh sẽ trả thù cho em. Trời mà cho anh gặp hắn, anh sẽ nhận ra hắn ngay!
Chị quay đầu đi, buồn vui lẫn lộn, lại thất vọng nữa. Chị muốn anh thông minh hơn về những chuyện yêu đương, muốn anh tự nhiên hơn, tàn bạo hơn. Chị có cảm tưởng sở dĩ anh tha thứ nhanh như thế vì trí tưởng tượng của anh quá lạnh lùng, điều bí mật chị vừa thổ lộ không hề gợi trong anh bất kỳ hình ảnh nào thường dằn vặt những kẻ ham khoái lạc, anh coi sự cám dỗ kia chỉ là một sự kiện đạo đức và xã hội.
Họ cùng đứng dậy rồi đi dạo trên những lối đi đầy cỏ xanh tươi. Anh cho biết chị đau khổ như vậy, anh càng quý chị hơn. Élodie không mong gì hơn, chị cũng yêu anh vì anh là anh, và vì chị ngưỡng mộ tài năng mà chị thấy ngời sáng nơi anh.
Ra khỏi công viên, họ gặp những đám đông tụ tập ở phố Bình Đẳng và xung quanh Nhà hát Quốc gia. Hai người không ngạc nhiên vì từ mấy hôm nay các phân khu yêu nước nhất trong thành phố đều náo động, người ta tố cáo bọn phiến loạn Orléans* và những tên đồng lõa với Brissot. Bọn chúng đang âm mưu làm cho Paris phải điêu tàn, chúng muốn tàn sát những người Cộng hòa. Trước đó không lâu, Gamelin đã ký vào kiến nghị đòi trục xuất bọn Hai mươi mốt tên.

*[Đây là chỉ phe cánh của Louis-Philippe I d’Orléans. Năm 1830, khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Bảy, Louis-Philippe, khi đó mang tước vị Công tước của Orléans, được các nghị sĩ đưa lên làm vua, lập nên nền Quân chủ tháng Bảy, với tước hiệu chính thức Vua của người Pháp. Năm 1848, Quân chủ tháng bảy được thay thế bằng Đệ nhị cộng hòa, Louis-Philippe phải thoái vị. Louis-Philippe sang sống tại Anh và mất ngày 26 tháng 8 năm 1850]

Trước khi đi qua dưới chiếc vòm cuốn nối nhà hát với ngôi nhà gần đó, họ phải đi ngang qua một nhóm công dân mặc áo vét ngắn đang nghe một anh lính trẻ thuyết giảng. Đội một chiếc mũ làm bằng da báo, anh lính trẻ đẹp như thần tình ái của Praxitèle đang kết tội người Bạn của nhân dân là bê trễ. Anh nói:
- Người đang ngủ, Marat, trong khi bọn Liên bang kề gươm vào cổ chúng tôi!
Chỉ liếc nhìn qua anh lính, Élodie vội nói:
- Đi đi, anh Évariste. Cứ thấy đông người là em sợ muốn ngất xỉu.
Họ chia tay nhau ở quảng trường Quốc Gia sau khi thề sẽ đời đời yêu nhau.

* * *

Cũng sáng sớm hôm đó, công dân Brotteaux đã biếu nữ công dân Gamelin một món quà tuyệt vời: một con gà sống thiến. Ông chả dại dột nói cho ai biết ông đã kiếm được con gà bằng cách nào: một bà ở phố chợ đã cho ông, mà ai cũng biết các bà đó rất bảo hoàng lại thường quan hệ với bọn lưu vong. Bà Gamelin hết sức cảm kích khi nhận gà. Ít khi người ta trông thấy những thứ đó vì thực phẩm càng ngày càng đắt. Nhân dân sợ đói kém, nhiều người cho là chính bọn quý tộc mong ước và bọn vét hàng chuẩn bị điều đó.
Ông Brotteaux được mời dùng bữa. Vừa tới, ông đã ca ngợi bà chủ về mùi thơm phức từ bếp tỏa ra, cả xưởng vẽ ngào ngạt mùi nước dùng béo ngậy.
- Thưa ông, ông thành thực quá, - bà chủ đáp. - Để chuẩn bị bụng ăn món gà thiến ông cho, tôi đã nấu súp rau với một miếng mỡ và một khúc xương bò to tướng. Không có gì làm súp thơm hơn một khúc xương còn cả tủy.
- Chân lý tuyệt vời, - ông già Brotteaux đáp lại. Ngày mai, ngày mốt, cho đến suốt tuần bà cứ bỏ khúc xương quý báu vào nồi và nó sẽ còn thơm mãi. Có một bà thầy bói ở Panzoust làm thế này: bà nấu canh bắp cải với mỡ heo và một khúc xương rồi cứ thế đun đi đun lại.
- Thưa ông, cái bà mà ông nói đó cứ ninh mãi một khúc xương, kể ra cũng khá chắt bóp.
- Bà ấy là một nhà tiên tri nhưng sống cơ cực, bà ấy nghèo lắm.
Vừa lúc ấy, Évariste bước vào nhà, lòng còn xúc động về những lời thú tội của Élodie; anh tự nhủ sẽ tìm mọi cách để biết tên nào đã quyến rũ chị, anh sẽ trừng trị hắn để trả thù cho nền Cộng hòa và mối tình của anh.
Sau mấy lời chào hỏi, công dân Brotteaux nối lại câu chuyện bỏ dở.
- Những người làm nghề đoán tương lai, hậu vận có mấy khi giàu. Người ta thường phát hiện ngay các mánh khóe bịp bợm của họ và khinh ghét họ. Họ lại càng đáng ghét hơn nếu họ đoán đúng. Một người sẽ khó có thể chịu đựng được đời sống nếu anh ta biết trước điều gì sắp xảy ra, không tận hưởng được những ngày vui hiện tại vì biết chúng sắp tàn. Không hiểu biết chính là điều kiện cần có để con người sống hạnh phúc và ta phải công nhận là con người có đầy đủ điều kiện đó. Ta gần như chẳng biết được bao nhiêu về mình, còn về người khác thì hoàn toàn không biết gì hết. Không hiểu biết làm ta yên lòng; dối trá khiến ta được hưởng đại hạnh phúc.
Nữ công dân Gamelin đặt tô súp lên bàn, đọc kinh Benedecite, mời khách, bảo con ngồi, rồi đứng ăn. Bà từ chối không chịu ngồi xuống chiếc ghế công dân Brotteaux mời bà ngồi ở bên cạnh ông. Bà nói phép lịch sự bắt buộc bà phải làm điều đó.
------------
Còn tiếp. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét