Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 16

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XVI

Sau ba tháng trời, ngày nào cũng như ngày nào, làm lễ hiến sinh cho Tổ quốc những nạn nhân tên tuổi lẫy lừng hay tiểu tốt vô danh, đến lượt Évariste giải quyết một vụ án vì mình; một bị cáo của nhà nước biến thành bị cáo của riêng anh.
Từ khi ngồi ở Tòa án, anh hau háu dò tìm trong số can phạm lần lượt diễu qua mặt, xem kẻ nào đã quyến rũ Élodie. Trong óc tưởng tượng xếp đặt có lớp lang anh đã hình dung vài nét chính xác về con người đó. Nó phải là một người trẻ, đẹp, hỗn xược và chắc chắn đã lưu vong sang nước Anh. Anh cho rằng đã khám phá ra y dưới cái tên Maubel, một gã lưu vong trẻ tuổi trở về nước và bị chủ nhà tố cáo. Y bị bắt ở Passy trong một quán trọ; phòng công tố của Fouquier Touville đang lập hồ sơ sự vụ cùng với hàng ngàn sự vụ khác. Người ta đã tìm được trong người y những bức thư mà bên công tố coi như những bằng chứng về một âm mưu do Maubel và bọn tay chân của Pitt sắp xếp, nhưng thực ra đó chỉ là những bức thư do các chủ ngân hàng ở London gửi vì trước đây y đã gửi họ một số tài khoản. Maubel là một thanh niên trẻ, đẹp, hình như dính dáng đến nhiều chuyện trai gái. Trong quyển sổ của y có vài bằng cớ chứng tỏ y có quan hệ với Tây Ban Nha lúc đó đang có chiến tranh với Pháp. Kỳ thực đó là thư từ riêng và nếu phòng công tố còn chưa ra lệnh miễn tố chỉ vì công lý bao giờ cũng hoạt động theo nguyên tắc đã bắt giam thì không được thả quá nhanh.
Gamelin nắm được biên bản hỏi cung lần đầu và anh đặc biệt chú ý đến chàng thanh niên mà anh tưởng tượng đúng với hình ảnh con người đã lừa gạt Élodie. Thế là anh ở lại văn phòng lục sự nhiều giờ liền để nghiên cứu hồ sơ với một nhiệt tình đặc biệt. Nghi ngờ lại tăng gấp bội khi anh thấy trong cuốn sổ bỏ túi đã cũ của tên lưu vong địa chỉ tiệm Tình yêu họa sĩ, nói cho đúng ngoài tiệm đó còn có tiệm Con khỉ xanh, Chân dung nàng Dauphine và nhiều tiệm bán tranh in tay và tranh vẽ khác. Rồi đến khi người ta cho anh biết cũng trong cuốn sổ bỏ túi đó còn có vài cánh hoa cẩm chướng gói kỹ trong giấy lụa, anh nghĩ ngay đó là loài hoa Élodie yêu nhất, nàng đã trồng ngay ở cửa sổ, đã gài trên mái tóc và đã cho anh để biểu lộ tình yêu (điều này anh biết rõ). Đến lúc này Évariste không còn hồ nghi gì nữa. Nghĩ là mình đã có bằng chứng đầy đủ, anh quyết định hỏi Élodie nhưng giấu không cho nàng biết anh đã phát hiện kẻ phạm tội trong trường hợp nào.
Khi lên thang, ngay từ những tầng dưới, anh đã ngửi thấy mùi quả chín bốc lên ngào ngạt vì lúc ấy trong xưởng vẽ, cô Élodie đang giúp bà Gamelin làm mứt mộc qua. Trong khi bà cụ nhóm bếp, đang nghĩ xem có cách nào tiết kiệm than, đường mà chất lượng không bị ảnh hưởng, thì cô Blaise ngồi trên chiếc ghế mây, mình quấn chiếc tạp dề màu xám, vạt áo đầy những quả vàng ươm, gọt mộc qua, gọt đến đâu lại bổ tư ném vào chiếc chậu đồng. Tua của chiếc khăn đội đầu hất ra đằng sau, các món tóc đen xoắn xít trên vầng trán đẫm mồ hôi; từ nàng toát ra vẻ duyên dáng, nét yêu kiều thân thuộc khiến người ta liên tưởng ngay đến những ý nghĩ êm đềm và niềm hoan lạc đầy thanh thản.
Không động đậy, nàng ngước đôi mắt như vàng ròng nhìn người tình:
- Thấy không, anh Évariste, mẹ anh và em vất vả vì anh. Rồi cả mùa đông anh sẽ tha hồ ăn món mứt mộc qua thực tuyệt làm dạ anh thêm chắc và lòng anh lúc nào cũng vui tươi.
Nhưng Gamelin đã tiến lại gần nói vào tai chị:
- Jacques Maubel...
Đúng lúc đó, ông thợ giày Combalot thò cái mũi đỏ qua cánh cửa mở hé, ông đến giao đôi giày đã đóng lại đế và cho biết tiền phải trả.
Sợ mang tiếng là một công dân xấu, ông gọi tên ngày tháng theo lịch mới. Còn nữ công dân Gamelin muốn tính toán rạch ròi nên không muốn lạc lõng trong những tháng Quả*, tháng Nho.

*[Fructidor (tháng Quả), tháng thứ 12 theo lịch Cách mạng, bắt đầu ngày 18 hay 19 tháng Tám]

Và bà thở than:
- Giêxuma! Họ cứ muốn thay đổi, ngày, tháng, mùa rồi mặt trăng, mặt trời! Trời đất, ông Combalot, đôi giày đế gỗ ngày mồng 8 tháng Nho là thế nào?
- Nữ công dân, bà cứ nhìn vào quyển lịch là biết ngay.
Bà lấy lịch ra, coi một lát rồi lắc đầu kinh hoàng:
- Chả có gì là Cơ đốc cả!
- Đâu đã hết, - ông thợ giày nói, - trước là bốn tuần, nay chỉ còn ba. Rồi phải thay cách tính nữa. Chẳng còn đồng xèng, đồng denier, mọi cái rồi sẽ được thanh toán bằng nước cất.
Nghe đến đấy, bà Gamelin môi run run ngước mắt nhìn trần thở dài:
- Họ cũng quá quắt lắm!
Và trong khi bà đang than phiền như mọi bà già than phiền trước nỗi đau khổ triền miên, đang lúc bà vô ý, một cành khô cháy bốc khói khó chịu, kết hợp với mùi mộc qua sực nức, làm cho không khí ngạt thở.
Élodie kêu cổ họng bị rát nên yêu cầu mở cửa sổ. Lúc bác thợ giày vừa ra khỏi và bà cụ quay lại bếp, Évariste nhắc lại vào tai chị:
- Jacques Maubel.
Chị hơi ngạc nhiên nhìn anh rồi vẫn bình thản tiếp tục bổ tư các quả mộc qua.
- Sao?... Jacques Maubel làm sao?
- Chính nó!
- Ai, nó?
- Em đã tặng nó một bông cẩm chướng đỏ.
Chị nói chị không hiểu gì cả và yêu cầu anh giải thích.
- Tên quý tộc! Tên lưu vong! Tên khốn nạn đó!...
Chị nhún vai và chối một cách tự nhiên là chưa bao giờ biết ai là Jacques Maubel cả.
Và đúng là chị không biết Jacques Maubel.
Chị cũng cả quyết là ngoài Évariste, chị chưa bao giờ tặng ai hoa cẩm chướng đỏ; nhưng có lẽ về điểm này, chị đã không nhớ kỹ.
Anh không biết gì nhiều lắm về phụ nữ và cũng không tìm cách hiểu sâu tính tình của Élodie nhưng anh cho rằng chị rất có thể giả đò và có thể đánh lừa những người còn khôn ngoan hơn anh.
- Sao lại nói dối? Anh biết.
Nhưng một lần nữa chị khẳng định không quen ai là Maubel. Vì đã gọt xong, chị muốn có ít nước rửa tay vì tay chị nhớt nhát, bẩn thỉu. Gamelin mang chậu nước lại; vừa rửa chị vừa chối, nhắc lại là không biết Maubel.
Nhưng anh, anh vẫn nói là anh biết hết, và lần này chị im lặng.
Chị không hiểu câu hỏi của người yêu nhằm mục đích gì, và đúng là còn xa lắm chị mới có thể nghĩ rằng cái anh chàng Maubel kia mà chị chưa bao giờ nghe tên sắp phải ra Tòa án Cách mạng. Chị không hiểu gì về những nghi ngờ đang ám ảnh anh, chỉ biết là chúng không có cơ sở. Vì vậy đã không hy vọng xua tan nghi hoặc chị cũng chẳng tìm cách xua tan nữa. Rồi chị chẳng buồn cãi là đã từng quen biết một anh Maubel nào đó. Mà có khi để anh chàng ghen tuông cứ mò mẫm lạc đường lại là một điều hay, đến một lúc nào đó, bất kỳ sự cố nhỏ nhặt nào cũng sẽ giúp anh tìm ra sự thật. Cái anh ký quèn ngày xưa của chị nay đã là một chàng long kỵ binh yêu nước đẹp trai và đã cắt đứt quan hệ với bà tình nhân quý tộc. Khi gặp Élodie ngoài đường, anh ta lại nhìn chị bằng cặp mắt như ngụ ý: “Thôi nào! Cô em xinh đẹp; anh cảm thấy đã đến lúc không phản bội em nữa, bây giờ anh rất gần em và lại tiếp tục trả lại em tình cảm của anh”.
Như vậy là chị chẳng cần cố gắng cải chính điều mà chị coi là những ý nghĩ ngông cuồng của bạn; còn Gamelin thì vẫn tin chắc như đinh đóng cột là Jacques Maubel đúng là kẻ đã quyến rũ Élodie.

* * *

Những ngày sau đó, Tòa án không ngừng lo đến việc tiêu diệt chủ nghĩa liên bang, con mãng xà bảy đầu đã từng đe dọa nuốt chửng nền tự do. Đó là những ngày rất vất vả; các hội thẩm kiệt sức vì mệt mỏi tìm cách thanh toán mau lẹ mụ Roland, coi như kẻ chủ mưu hay đồng lõa các tội ác của nhóm phiến loạn Brissot.
Còn Gamelin sáng nào cũng đến phòng công tố thúc ép giải quyết vụ Maubel. Có những giấy tờ quan trọng còn đang ở Bordeaux, thì anh điều đình cho bằng được việc cử một ủy viên dùng ngựa trạm đi ngay, và cuối cùng cũng đã có đủ tài liệu.
Ông phó biện lý đọc, nhăn mặt bảo Évariste:
- Chẳng có gì rõ ràng cả! Nội dung đâu đâu... toàn chuyện lẩm cẩm! Chỉ khẳng định được một điều, trước đây y là bá tước de Maubel và đã từng lưu vong!...
Nhưng cuối cùng Gamelin vẫn đạt được mục đích. Chàng thanh niên Maubel nhận được bản cáo trạng và bị đưa ra tòa ngày 11 tháng Sương mù.*

*[Brumaire (tháng Sương mù): tháng thứ Hai theo lịch Cách mạng (23-10 - 21-11)]

Ngay khi tòa khai mạc, viên chánh án giữ bộ mặt đăm chiêu đáng sợ mà ông thường cố tình nặn ra đối với những vụ không có tài liệu rõ ràng. Viên phó biện lý lấy chiếc bút lông gãi cằm ra vẻ thanh thản vì lương tâm của mình hoàn toàn trong sáng, còn viên lục sự thì đọc bản cáo trạng với nội dung rỗng tuếch chưa từng thấy.
Chánh án hỏi bị cáo xem anh có nắm được các luật lệ xét xử những kẻ lưu vong không, thì nghe câu trả lời:
- Tôi đã biết và tôi tôn trọng. Khi rời nước Pháp tôi có đủ giấy thông hành hợp lệ.
Về lý do đi Anh rồi trở về Pháp, anh đưa ra câu trả lời thỏa mãn. Mặt mũi anh dễ thương, có vẻ thực thà và tự hào, nên gây được cảm tình. Phụ nữ ở các hàng ghế nhìn anh bằng con mắt thiện cảm. Bên nguyên quả quyết bị cáo đã từng ở Tây Ban Nha vào lúc giữa nước đó và nước Pháp có chiến tranh, nhưng anh khẳng định hồi đó anh chưa rời Bayonne. Chỉ còn một điểm chưa rõ. Trong số giấy tờ anh ném vào lò sưởi khi bị bắt và chỉ còn vài mảnh, người ta đọc được vài chữ Tây Ban Nha và tên một người là “Nieves”.
Nhưng về vấn đề này, Jacques Maubel từ chối không chịu giải thích theo yêu cầu. Đến khi ông chánh án nói rõ bị cáo cần giải thích đầy đủ chính vì quyền lợi của mình, anh liền trả lời không phải bao giờ người ta cũng hành động vì quyền lợi của mình.
Riêng Gamelin chỉ nghĩ đến việc buộc Maubel phải thú nhận một tội duy nhất: ba lần anh ép ông chánh án yêu cầu bị can giải thích ý nghĩa của bông hoa cẩm chướng, tại sao anh giữ trân trọng đến thế, trong chiếc ví, những cánh hoa đã héo tàn.
Maubel trả lời là anh không bắt buộc phải trả lời một câu hỏi không liên quan gì đến pháp luật, vì đâu có thư từ, tài liệu giấu trong những cánh hoa!
Hội thẩm đoàn rút vào phòng thảo luận với tình cảm có lợi cho chàng thanh niên: sự vụ đúng là không rõ ràng nhưng hình như chỉ che giấu những bí mật nào đó về tình yêu. Lần này, cả những người tốt, những người trung thành nhất cũng sẵn sàng tha bổng. Một người đã cống hiến nhiều cho Cách mạng nói:
- Phải chăng chúng ta kết tội anh ta vì nguồn gốc gia đình? Chính tôi, tôi cũng chẳng may sinh ra trong giai cấp quý tộc.
- Đúng, nhưng cậu đã thoát ly giai cấp, còn y vẫn ở lại, - Gamelin đáp.
Rồi anh hùng hồn kêu gọi trừng trị tên phản loạn, tên tay sai của Pitt, tên đồng lõa với Cobourg, kẻ đã vượt núi, qua biển để kích động các kẻ thù của tự do. Lời yêu cầu kết tội tên phản quốc nhiệt tình đến mức khơi dậy được mối lo ngại thường xuyên, tính nghiêm khắc cố hữu của những hội thẩm yêu nước.
Một trong những người này trắng trợn bảo Gamelin:
- Giữa đồng nghiệp với nhau có khi không thể từ chối giúp đỡ.
Bản án tử hình được chấp thuận với đa số phiếu.
Người bị kết tội nghe đọc bản án với một nụ cười bình thản. Mắt anh từ từ nhìn khắp phòng đến khi gặp bộ mặt Gamelin thì thể hiện sự khinh bỉ không giấu giếm.
Không ai vỗ tay hoan nghênh.
Được đưa trở về nhà tù Conciergerie, trong khi chờ đợi bị dẫn lên máy chém ngay tối hôm đó dưới ánh đuốc, Jacques Maubel đã viết những dòng sau đây:

Em gái yêu quý, Tòa án đưa anh lên đoạn đầu đài là tạo cho anh nguồn vui duy nhất anh không còn được hưởng sau khi Nieves yêu dấu của anh mất. Chúng đã chiếm đoạt của anh tài sản duy nhất anh còn giữ lại của nàng đó là bông hoa lựu, mà không biết vì sao chúng lại gọi là hoa cẩm chướng.
Anh yêu nghệ thuật: ở Paris, trong thời kỳ hạnh phúc, anh đã sưu tầm những bức tranh, những bản khắc hiện nay đang cất ở nơi an toàn. Em sẽ nhận được mọi thứ khi điều kiện cho phép. Em gái thân yêu, để nhớ đến anh, em hãy giữ gìn những kỷ vật đó.

Rồi anh cắt một ít tóc để vào trong bức thư, gập lại, ghi trên phong bì:

Gửi nữ công dân Clémence Dezeimeries, nhũ danh Maubel.

La Réole.

Có bao nhiêu tiền, anh đưa hết cho viên cai ngục, khẩn khoản nhờ anh ta chuyển lá thư cho người nhận, xin một chai rượu vang và uống từng hớp nhỏ trong khi chờ đợi chiếc xe bò.
Sau bữa ăn Gamelin chạy như bay đến tiệm Tình yêu họa sĩ, lên thẳng căn phòng xanh, nơi đêm nào Élodie cũng đợi anh.
- Em đã được trả thù, - anh nói. - Jacques Maubel không còn nữa. Chiếc xe đưa y ra máy chém đã đi qua trước cửa sổ nhà em trong ánh đuốc.
Lúc này chị mới hiểu.
- Tên khốn kiếp! Chính mày đã giết ông ấy, ông ấy đâu phải là người tình của tao... Tao không biết ông ấy... tao chưa bao giờ trông thấy ông ấy... Ông ấy thế nào? Trẻ, đáng yêu..., vô tội! Thế mà mày giết, đồ khốn kiếp! Khốn kiếp!
Chị ngất đi. Nhưng trong bóng tối vật vờ của cái chết nửa chừng đó, chị cảm thấy mình đang chìm trong khủng khiếp và hoan lạc, chị tỉnh dần, đôi mi nặng trĩu hé mở chỉ cho thấy lòng trắng, ngực phồng căng, bàn tay quờ quạng tìm người yêu. Chị ôm ghì lấy anh cho đến ngạt thở, cắm sâu móng tay vào da thịt, và bằng cặp môi rách nát, hôn anh một cái hôn câm lặng nhất, lâu dài nhất, đau đớn nhất và cũng sung sướng nhất.
Chị yêu anh bằng tất cả da thịt mình. Anh càng độc ác, tàn bạo, khủng khiếp, mình anh càng đầy máu các nạn nhân, chị càng thèm muốn, đói khát anh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét