Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 14

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XIV

Thức giấc từ lúc sáng sớm, cha Longuemare sau khi quét dọn buồng sạch sẽ, đi làm lễ Mixa tại một nhà thờ nhỏ trên phố Địa Ngục do một linh mục không tuyên thệ cai quản. Ở Paris, có hàng nghìn nơi kín đáo tương tự; giới tăng lữ không phục tùng luật pháp bí mật tập hợp ở đó những nhóm nhỏ tín đồ trung thành, cảnh sát mặc dầu luôn luôn cảnh giác nghi ngờ cũng đành nhắm mắt làm ngơ đối với những thánh đường bí mật, phần vì sợ con chiên nổi giận, phần vì đối với chuyện thánh thần họ vẫn còn một chút tôn kính nào đó. Nhà tu hành dòng Barnabites tạm biệt chủ nhân; ông này khẩn khoản mời khách trở lại ăn trưa, và chỉ sau khi nói rõ bữa ăn sẽ rất đạm bạc, khách mới chịu nhận lời.
Khi còn lại một mình, ông Brotteaux nhóm lò, vừa chuẩn bị bữa ăn cho nhà tu hành và bản thân mình, một người theo chủ nghĩa khoái lạc của Epicure, vừa đọc tập Lucrèce và suy ngẫm về thân phận con người.
Nhà hiền triết không ngạc nhiên khi thấy những con người khốn cùng bị thiên nhiên vùi dập, nhiều khi ở trong những tình huống hết sức vô lý và nặng nề. Nhưng ông sai lầm ở chỗ cho những người cách mạng là độc ác hơn, ngu ngốc hơn những người khác và như vậy ông cũng rơi vào một ý thức hệ riêng. Nhưng ông không bi quan và không nghĩ đời sống chỉ có đau khổ. Ông ngưỡng mộ thiên nhiên về một số mặt, đặc biệt về sự vận hành của vũ trụ và về tình yêu vật chất, ông thích nghi với các công việc của đời sống, hy vọng đến một lúc, lo âu cũng hết mà ham muốn cũng chẳng còn.
Ông cẩn thận phết màu mấy con rối, tạo một con giống nàng Thévenin và đặt tên nó là Zerline. Ông thích cô gái và vì là môn đệ của Epicure, ông cứ phân vân mãi không biết tại sao các nguyên tử lại khéo sắp xếp với nhau để tạo ra một con người như vậy.
Ông cứ bận rộn như thế đến tận lúc nhà tu hành quay trở về.
- Thưa cha, - ông vừa nói vừa mở cửa, - tôi đã nói là bữa ăn của chúng ta sẽ vô cùng thanh đạm. Món ăn duy nhất là hạt dẻ, mà tôi cũng không biết liệu gia vị có vừa không!
- Hạt dẻ! - Cha Longuemare mỉm cười kêu lên, - món ăn hạng nhất đối với tôi. Cha tôi là một nhà quý phái nghèo vùng Limoges, tài sản chỉ có một ngôi nhà đã bé lại nát, một vườn cây bỏ hoang và mấy cây hạt dẻ. Cha mẹ và mười hai anh chị em tôi đều sống bằng hạt dẻ xanh to, vậy mà tất cả đều béo khỏe. Tôi là con út và cũng hiếu động nhất: cha tôi thường nói đùa sẽ tống tôi sang Mỹ làm nghề cướp biển... Thưa ông, món súp hạt dẻ này mới thơm ngon làm sao! Nó làm tôi nhớ đến chiếc bàn với lũ trẻ bâu xung quanh và mẹ tôi nhìn chúng tôi mỉm cười.
Ăn xong ông Brotteaux đến nhà ông Joly, nhà buôn đồ chơi phố Neuve-des-Petits-Champs. Ông này vui vẻ nhận mua số con rối lão Caillou vừa từ chối, lại đặt làm thêm không phải mười hai tá như lần này, mà hãy mở đầu bằng hai mươi tư tá.
Khi ra đến phố trước đây là phố Hoàng Gia, ông Brotteaux thấy trên quảng trường Cách Mạng một hình tam giác lấp lánh ánh sáng giữa hai cây cột gỗ: đó là chiếc máy chém. Một đám rất đông những kẻ tò mò, vui vẻ chen lấn nhau xung quanh máy chém, đợi những chiếc xe chở đầy người sắp tới. Có những phụ nữ, khay bánh đeo trước bụng, luôn miệng rao bánh Nanterre, những người đàn ông bán giải khát không ngừng lắc chuông. Và ở chân tượng thần Tự do, một ông già giới thiệu gánh hát rong, có một chú khỉ đung đưa trên một chiếc đu. Dưới gầm máy chém, những con chó liếm những vết máu hôm qua còn chưa khô hẳn. Ông Brotteaux quay lại phố Honoré.
Trở lại gian kho, nơi nhà tu hành đang đọc kinh thánh, ông lau bàn cẩn thận và đặt lên đó hộp màu và các dụng cụ, vật liệu, đồ nghề, ông nói:
- Nếu cha không nghĩ rằng công việc của tôi bất xứng với tư cách thiêng liêng của cha, xin cha vui lòng giúp tôi làm mấy con rối. Trong khi tôi phết màu, vẽ lên các hình đã hoàn thành, cha có thể cắt theo mẫu các đầu, mình và chân tay. Không thể có mẫu nào đẹp hơn vì đều dựa theo các tác phẩm của Watteau và Boucher.
- Đúng như ông nói, - cha Longuemare trả lời, - các ông Watteau, Boucher rất giỏi khi sáng tạo ra những vật dụng linh tinh này; vì thanh danh của họ, tốt nhất là các vị ấy chỉ nên làm những con rối ngây thơ như những con chúng ta có đây. Tôi rất vui lòng giúp ông, nhưng sợ mình quá vụng về.
Cha Longuemare nghi ngờ bàn tay của mình là rất đúng. Sau vài lần thử, rõ ràng ông không có tài dùng mũi dao nhỏ tỉa tót ở tấm các tông mỏng những hình có đường nét ưa nhìn. Nhưng khi theo yêu cầu của ông, ông Brotteaux đưa cho ông một sợi dây và một chiếc kim để xỏ, ông tỏ rõ khả năng bắt những thằng người bé tí mà ông không thể chế tạo, cử động nhanh nhẹn và dạy chúng khiêu vũ. Ông khéo léo cho mỗi con nhảy vài bước theo vũ điệu gavôt, và khi chúng đáp ứng yêu cầu, trên đôi môi nghiêm nghị của ông thoáng hiện một nụ cười.
Một lần trong khi giật dây con Scaramouche, ông kể một câu chuyện lạ:
- Lúc đó là vào năm 1746, tôi đang hoàn thành thời gian tập tu dưới sự hướng dẫn của cha Magitot, một người đã có tuổi, kiến thức uyên bác và sinh hoạt khắc khổ. Có lẽ ông còn nhớ, hồi đó những con rối chủ yếu để mua vui cho lũ trẻ, lại được phụ nữ, thanh niên và cả ông già ưa thích; người ta đua nhau chơi con rối. Những tiệm bán những đồ vật thịnh hành đầy ắp loại đồ chơi này. Người ta thấy con rối ở nhà quý tộc, ở những nơi dạo chơi, trên đường phố; có những người thật đạo mạo cũng mang theo con rối, giật dây cho nó nhảy múa. Cha Magitot cũng không thoát khỏi bệnh dịch đó mặc dầu tuổi tác, tính cách và nghề nghiệp của người. Mỗi khi thấy người nào cho con rối bằng các tông nhảy, cha lại thấy ngứa ngáy chân tay không sao chịu nổi. Một hôm vì một việc có quan hệ đến dòng tu, cha đến thăm ngài Chauvel là luật sư của Pháp viện tối cao, nhìn thấy một con rối treo ở lò sưởi và nảy ra ý muốn muốn đùa giỡn với nó một lúc, một ý muốn mãnh liệt cố gắng lắm cha mới thắng nổi. Nhưng rồi ước mong vô nghĩa kia lúc nào cũng theo đuổi, dằn vặt ông. Con rối ám ảnh không ngừng khi cha đang nghiên cứu, lúc suy tư, khi cầu nguyện, tại nhà thờ, buổi họp, trong phòng xưng tội, trên tòa giảng... Rối loạn khủng khiếp như thế mất mấy ngày, ông trình bày cái “ca” bất thường đó cho vị linh mục trưởng dòng tu may mắn lúc đó có mặt ở Paris. Linh mục trưởng là một vị tiến sĩ nổi tiếng và đứng trong hàng giáo sĩ cao cấp của nhà thờ Milan. Ông đánh giá ngay ham muốn của cha Magitot về nguyên tắc thì vô hại mà hậu quả có thể khôn lường nên khuyên cha, hay nói đúng hơn, chỉ thị cho cha quay lại nhà ông Chauvel. Như lần trước, luật sư đón tiếp khách tại phòng làm việc và con rối vẫn trên lò sưởi. Cha Magitot lại gần và đề nghị chủ nhân vui lòng cho xem con rối. Luật sư đồng ý ngay, không những thế còn tâm sự là đôi khi ông cũng cho Scaramouche nhảy múa trong khi chuẩn bị các lời biện hộ. Ngay mới hôm trước, ông đã cho nó nhảy ăn nhịp với đoạn kết bài cãi cho một phụ nữ bị vu oan đầu độc chồng. Cha Magitot run run nắm lấy dây, và dưới bàn tay ông, con Scaramouche vùng vẫy như kẻ bị ma ám được phù phép trừ tà. Sau đó cha hết bị ám ảnh.
- Câu chuyện của cha không làm tôi ngạc nhiên, - ông Brotteaux nói. - Đã có những chuyện tương tự, nhưng không phải chỉ có những hình nhân bằng các tông mới là nguyên nhân.
Cha Longuemare là một tín đồ không bao giờ bàn đến tôn giáo, còn ông Brotteaux lại thích đề cập đến loại chuyện này. Và vì ông có cảm tình với nhà tu hành, ông thích làm cha lúng túng bằng cách bắt bẻ nhiều điều của thuyết Cơ đốc.
Một lần, khi đang cùng nhau sản xuất các con Zerline và Scaramouche, ông Brotteaux nói:
- Khi tôi xem xét các sự kiện đã đưa chúng ta đến nỗi này, khi tìm hiểu xem trong cái thế giới điên loạn này, kẻ nào điên loạn nhất, tôi đã gần đi đến chỗ tin rằng kẻ đó chính là triều đình.
- Thưa ông, - nhà tu hành đáp, - con người ta ai cũng mất trí khi bị Thượng đế chối bỏ, như trường hợp nhà vua Nabuchodonosor, nhưng hiện nay không ai ngu ngốc và sai lầm hơn tu viện trưởng Faucher, không có kẻ nào làm hại vương triều hơn lão ta. Thượng đế ắt phải tức giận nước Pháp sôi sục nên mới phái đến đây một kẻ như vậy!
- Chẳng lẽ ngoài Fauchet lại không có những kẻ xấu xa, đê tiện khác?
- Linh mục Grégoire cũng vô cùng tai hại.
- Thế còn Brissot, còn Danton, còn Marat và hàng trăm kẻ khác, cha nghĩ thế nào?
- Họ là những người thế tục, những người thế tục không chịu trách nhiệm giống các nhà tu hành. Tội ác của họ không có tính phổ biến.
- Thế còn Thượng đế, thưa cha, ông nghĩ thế nào về cách xử sự của Thượng đế trong cuộc cách mạng đang diễn ra?
- Tôi không hiểu anh định nói gì.
- Epicure đã từng nói: “Hoặc Thượng đế muốn ngăn cản điều ác nhưng không thể ngăn cản, hoặc Người có thể ngăn cản nhưng không muốn, hoặc không thể mà cũng không muốn, hoặc vừa muốn vừa có thể”. Nếu Người muốn mà không thể, tức là Người bất lực; nếu có thể mà không muốn, tức là Người tai ác; nếu muốn cũng không, có thể cũng không, Người vừa bất lực vừa tai ác; nhưng nếu Người muốn và có thể, tại sao Người không làm, thưa cha?
Nói rồi ông Brotteaux nhìn người đối thoại ra chiều hả hê, thỏa mãn.
- Thưa ông, không gì thảm hại hơn những khó khăn ông vừa nêu ra. Khi tôi xem xét nguyên nhân sự thiếu lòng tin đối với tôn giáo, tôi dường như trông thấy những con kiến dùng mấy cọng cỏ làm con đê cản một dòng thác từ trên núi đổ xuống. Tôi không muốn tranh luận với ông: tôi có quá nhiều lý do nhưng không đủ sắc sảo. Vả lại qua linh mục Guénée và hai chục người khác, ông sẽ thấy lập luận của ông bị lên án thế nào. Tôi chỉ thêm rằng lời Epicure mà ông dẫn lại vừa rồi chỉ là một điều ngốc nghếch: ông ta đã xét đoán Thượng đế như thể Thượng đế là một con người bình thường và có đạo đức của một con người bình thường. Thực vậy, thưa ông, những kẻ thiếu lòng tin từ Celse đến Bayle và Voltaire đã lừa những kẻ ngu ngốc bằng những nghịch lý tương tự.
- Cha thấy đấy, đức tin của cha đang dẫn cha đến đâu. Cha đã không thấy chân lý trong toàn bộ các sách thần học của cha mà cha lại không muốn tìm chân lý nào trong các tác phẩm của các bậc thiên tài nếu họ suy nghĩ khác cha.
- Ông chẳng hiểu gì cả. Trái lại, tôi cho rằng không có điều gì hoàn toàn sai lầm trong tư duy con người. Về phương diện tri thức, người vô thần đứng ở nấc thang thấp nhất; nhưng ngay ở nấc thang đó vẫn còn le lói lẽ phải và chân lý, và ngay cả khi bóng tối đang nhấn chìm một con người, vầng trán của y vẫn nhô lên; trong vầng trán đó Thượng đế đã ban cho trí thông minh: đó là số phận của Lucifer.
- Thưa cha, - ông Brotteaux nói, - tôi không thể dễ tính như cha, tôi thấy phải thú nhận là trong các tác phẩm của các nhà thần học tôi chẳng thấy một chút lẽ phải nào cả.
Dù sao Brotteaux không nhận là mình muốn công kích tôn giáo vì theo ông tôn giáo rất cần cho nhân dân: ông chỉ mong linh mục là nhà triết học chứ không phải là người ưa tranh cãi. Ông tiếc là nhóm Jacobin muốn thay tôn giáo có sẵn bằng một tôn giáo trẻ hơn và độc hại hơn, tôn giáo của tự do, bình đẳng, Cộng hòa và Tổ quốc. Ông đã nhận xét là, chính ở tuổi thanh xuân, các tôn giáo bao giờ cũng điên cuồng và độc ác nhất và trở nên hòa dịu khi đã về già. Vì vậy ông mong muốn vẫn duy trì đạo Cơ đốc là đạo đã từng ăn tươi nuốt sống biết bao nạn nhân khi nó đang sung sức, và bây giờ tuổi tác đã làm nó nặng nề, chậm chạp, ăn uống kém đi nên trong vòng một trăm năm chỉ cần đưa lên giàn hỏa thiêu để nướng bốn hay năm tên dị giáo!
- Hơn nữa, - ông nói thêm, - tôi bao giờ cũng hòa hợp được với bọn tin ở thần thánh cũng như những người thờ Chúa Cơ đốc. Tôi có một cha tuyên úy ở lâu đài des Ilettes: sáng chủ nhật nào cũng cầu kinh và các khách của tôi đều dự lễ. Trong số đó, các triết gia là những người nhập định nhất, còn các cô diễn viên Nhà hát Nhạc kịch là những kẻ thành tâm nhất. Thời đó tôi sống hạnh phúc và có nhiều bạn.
- Nhiều bạn, - cha Longuemare kêu lên, - có đúng là bạn không?... Hỡi ơi, ông tưởng họ yêu ông, những nhà triết học, những mụ đàn bà lẳng lơ..., những kẻ đã làm tâm hồn ông sa đọa. Thượng đế làm sao thấy ở tâm hồn ông, một trong những ngôi đền Người đã xây dựng vì vinh quang của Người?

* * *

Cha Longuemare còn ở nhà quan thu thuế tám ngày liền mà không ai đến gây phiền hà. Nhập gia tùy tục, ông cố gắng ăn ở theo nếp sống của chủ nhà, và tối tối ông lại từ ổ rơm bước ra quỳ xuống nền gạch bông đọc kinh nhật tụng, và mặc dầu cả hai chỉ ăn những thức ăn đáng vứt đi, cha vẫn có những buổi nhịn ăn và ăn chay. Chứng kiến kiểu sinh hoạt khắc khổ đó, một hôm nhà triết học buồn bã nhưng vẫn tươi cười hỏi ông:
- Cha có tin rằng Thượng đế vui lòng khi thấy Cha ăn đói, mặc rét như thế này không?
- Bản thân Thượng đế, - nhà tu khổ hạnh trả lời, - vẫn nêu gương cho chúng ta về sự đau khổ của Người.
Đến ngày thứ chín, kể từ ngày nhà tu hành đến ở cùng, vào lúc nhá nhem tối, nhà triết học mang con rối đến tiệm ông Joly. Khi trở về, đang mừng vì bán hết hàng, lúc đến phố trước đây là phố Carrousel, một cô gái lưng khoác áo xa-tanh xanh viền lông chồn ở đâu chạy lại, nắm cánh tay và ôm chầm lấy ông như những kẻ van xin thường làm.
Người cô run bần bật, có thể nghe thấy cả tiếng trống ngực đập liên hồi. Khen cô khéo đóng vai đau khổ, ông Brotteaux nghĩ ngay rằng nếu nữ diễn viên Raucourt chứng kiến cảnh này chắc sẽ rút ra nhiều điều bổ ích.
Cô gái hổn hển nói, thật thấp giọng sợ người qua đường nghe thấy:
- Ông làm ơn làm phúc đưa con đi trốn, con cần có nơi ẩn nấp!... Họ đang ở nhà con, nhà con ở phố Fromenteau. Khi họ đang lên gác, con trốn sang nhà cô Flora hàng xóm và nhảy qua cửa sổ, ngã trẹo chân... Họ đến; họ muốn tống con vào nhà tù, giết con... Tuần trước, họ đã giết Virginie...
Ông Brotteaux hiểu là con bé đang nói đến các phái viên của Ủy ban Cách mạng phân khu hay ủy viên Ủy ban an ninh. Lúc này Công xã đang có một ông chưởng lý rất đạo đức, công dân Chumette. Ông ta truy nã các cô gái giang hồ như truy nã những kẻ thù nguy hiểm nhất của chế độ Cộng hòa. Ông muốn khôi phục thuần phong mỹ tục. Nói cho đúng, mấy cô ở Lâu đài Bình Đẳng không có tinh thần yêu nước lắm. Nhiều cô đã bị chặt đầu vì dính líu vào các âm mưu nhưng số phận bi đát của họ lại kích thích rất nhiều đồng bọn.
Công dân Brotteaux liền hỏi cô gái đang năn nỉ tại sao cô lại bị truy nã.
Cô thề không biết gì, không làm điều gì đáng trách.
- Nếu vậy, - ông Brotteaux nói, - chẳng có ai nghi ngờ con, con không việc gì phải sợ. Về đi ngủ và để ta yên.
Lúc này cô gái đành thú nhận.
- Con đã vứt phù hiệu và kêu: Đức vua muôn năm!
Ông và cô gái đi theo những con đường vắng vẻ. Con bé vẫn nép vào cánh tay ông, nó nói:
- Thực ra con có yêu gì cái ông vua ấy; con không bao giờ biết mặt vua và có lẽ ông ta cũng chẳng khác người khác bao nhiêu. Nhưng bọn này ác quá, ác cả với những đứa con gái khốn khổ. Họ làm chúng con ê chề, bực bội, chửi rủa chúng con đủ mọi cách. Họ muốn cấm con hành nghề mà con thì còn biết làm gì khác. Chắc ông cũng hiểu, nếu có nghề khác, con đã chẳng làm cái nghề khốn khổ này... Họ muốn gì? Họ cứ nhằm những kẻ thấp cổ bé họng để hành hạ, ông bán sữa, bác bán than, người gánh nước thuê, bà thợ giặt, chỉ khi nào tất cả những người cùng khổ bị cái thế giới khốn kiếp này chống lại họ mới vừa lòng.
Ông nhìn cô gái: cô giống như một đứa trẻ. Bây giờ cô đã hết sợ lại còn mỉm cười, nhẹ nhàng tập tễnh bước theo ông. Ông hỏi tên. Cô cho biết tên cô là Athénaïs và mới mười sáu tuổi.
Cô nói ông vui lòng dẫn cô đi đâu cũng được nhưng cô không quen ai ở Paris, chỉ có một người cô làm nghề đầy tớ ở tiệm Palaiseau và bà có thể cho cô ở nhờ. Ông quyết định.
- Thôi được, đi theo ta, - ông nói.
Rồi ông dẫn cô gái đi trong khi cô vẫn nép vào cánh tay ông.
Khi họ về đến gian kho, cha Longuemare đang đọc kinh thánh. ông chỉ vào Athénaïs đang cầm tay ông và nói:
- Thưa cha, đây là cô gái ở phố Fromenteau có tội đã kêu: “Đức vua muôn năm!”. Cảnh sát đang lùng bắt cô và cô không biết trốn vào đâu. Không biết cha có vui lòng cho phép cô qua đêm nay ở đây không?
Cha Longuemare gập sách lại nói:
- Nếu tôi hiểu đúng lời ông vừa nói thì cô bé này giống như tôi đang bị truy nã, cô có thể ngủ đêm nay ở đây trong cùng phòng này với tôi, để tạm thời lánh nạn?
- Đúng vậy, thưa cha.
- Tôi lấy quyền gì để phản đối? Và nếu tôi cho là mình bị xúc phạm vì cô bé có mặt, liệu tôi có chắc là mình có giá trị hơn cô ta không?
Thế là đêm đó, cha ngủ trong chiếc ghế bành rách nát, đoan chắc là ngủ ở đấy rất tốt. Athénais nằm trên đệm. Còn ông Brotteaux tắt nến và nằm xuống ổ rơm.
Từng giờ và từng nửa giờ chuông đồng hồ ở gác chuông các nhà thờ lại điểm. Ông không ngủ được và nghe tiếng thở hòa vào nhau của nhà tu hành và cô gái điếm. Mặt trăng, hình ảnh và vật đã chứng kiến những mối tình của ông, nhô lên cao và rọi vào gian phòng sát mái một tia bạc làm bừng sáng mớ tóc bồng bềnh, từng chiếc lông mi vàng, cái mũi thanh tú, cái miệng tròn và đỏ của Athénaïs đang ngủ ngon giấc, hai bàn tay nắm chặt. Ông nghĩ:
“Đó là kẻ thù nguy hiểm của nền Cộng hòa!”
Khi Athénaïs tỉnh dậy, trời đã sáng rõ. Nhà tu hành đã đi, dưới ô cửa đục trên mái nhà ông Brotteaux đọc tập Lucrèce, cố gắng qua những bài dạy của nàng thơ La-tinh học cách sống thế nào để không sợ lo âu mà cũng chẳng màng dục vọng. Vì dù sao ông vẫn còn day dứt vì luyến tiếc và lo ngại.
Athénaïs ngạc nhiên mỉm cười thấy trên đầu mình những rui kèo của một gian kho. Rồi cô nhớ lại, mỉm cười với ân nhân và vuốt ve ông bằng đôi bàn tay nhỏ, bẩn nhưng đẹp. Cô chỉ vào chiếc ghế bành tồi tàn, chỗ nhà tu hành đã ngủ đêm qua:
- Ông ấy đi rồi?... Ông ấy không tố cáo con chứ? Nói đi ông.
- Không con ạ, không ở đâu có một bậc quân tử như ông lão điên dại ấy.
Athénaïs liền hỏi ông già điên thế nào; và khi ông Brotteaux trả tời tôn giáo làm cho ông điên dại thì cô nghiêm trang trách ông đã nói như vậy. Cô nói con người không tôn giáo còn tồi tệ hơn con vật. Riêng cô, cô thường cầu nguyện Thượng đế, cầu xin Người tha thứ cho mọi tội lỗi của mình và tiếp nhận cô trong lòng nhân từ của Chúa.
Thấy ông Brotteaux đang cầm một quyển sách, cô tưởng đây là Kinh thánh nên nói:
- Đấy, cả ông nữa, ông cũng cầu nguyện. Thượng đế sẽ ban thưởng ông về những gì ông đã làm cho con.
Ông Brotteaux nói không phải là Kinh thánh và quyển sách này đã viết từ trước khi Kinh thánh ra đời, thì cô nghĩ ngay đó là sách Đoán điềm giải mộng nên lại hỏi không biết có lời giải giấc mơ kỳ lạ cô vừa trải qua không. Cô không biết đọc, chỉ nghe người ta nói và tưởng trên đời chỉ có hai cuốn sách đó.
Ông Brotteaux bảo quyển sách chỉ cắt nghĩa giấc mộng của cuộc đời. Cô bé thấy câu trả lời khó hiểu quá nên không muốn biết thêm gì nữa. Cô nhúng đầu mũi vào chiếc chậu sành dùng thay các chiếc thau bằng bạc trước kia ông thường dùng. Rồi cô vuốt lại mái tóc trước chiếc gương cạo râu của chủ nhà một cách tỉ mỉ, nghiêm trang. Đôi cánh tay trắng ôm sau đầu, cô nói từng lời ngắt quãng:
- Thưa ông, trước kia ông giàu có lắm.
- Sao con lại nghĩ như vậy?
- Con không biết nhưng trước kia ông đã giàu có và đã là quý tộc, con chắc thế.
Cô lấy trong túi ra bức hình nhỏ Đức mẹ Đồng trinh bằng bạc đặt trong một vòng tròn bằng ngà, một miếng đường, cái kéo, sợi chỉ, một cái bật lửa, chọn kỹ rồi vá lại chiếc váy đã rách nhiều chỗ.
- Con ạ, muốn an toàn, con nên khâu thêm cái này vào khăn đội đầu, - ông Brotteaux vừa nói vừa đưa cho cô một phù hiệu tam tài.
- Con sẵn sàng làm như vậy, thưa ông, vì yêu ông chứ không phải vì yêu đất nước.
Và sau khi ăn vận, trang điểm đẹp đến mức tối đa, hai tay nâng váy, cô cúi đầu chào như người ta dạy cô chào khi còn ở làng.
- Thưa ông, con là đứa hầu gái hèn mọn của ông.
Cô sẵn sàng chiều ý ông bằng mọi cách nhưng lại cho rằng tốt nhất ông không yêu cầu gì mà cô cũng chẳng hiến dâng gì: hình như chia tay nhau như vậy là dễ thương và đúng phép hơn cả.
Ông Brotteaux đặt vào lòng bàn tay cô gái vài tờ tín phiếu để cô có thể thuê xe đi Palaiscau, số tín phiếu là nửa số tiền ông có. Trước kia ông đã lừng danh vì tính hào phóng đối với phụ nữ, nhưng chưa bao giờ ông chia nửa tài sản của mình cho ai.
Cô hỏi tên ông.
- Ta là Maurice, thôi tạm biệt Athénaïs, - ông trả lời và buồn rầu mở cửa.
Cô ôm hôn ông.
- Thưa ông Maurice, khi nghĩ đến con, ông hãy gọi là Marthe, đấy là tên thánh của con, tên con khi ở làng. Xin tạm biệt và cảm ơn... Con là đứa hầu gái của ông, thưa ông Maurice.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét