Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 24

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XXIV

Qua bao nhiêu phiên tòa người ta vẫn chưa xử xong vụ mưu phản trong các nhà tù. Hôm qua bốn mươi chín bị cáo ngồi chật các bậc. Maurice Brotteaux ngồi ở chỗ danh dự, trên chiếc bậc cao bên phải, ông vẫn mặc chiếc áo đuôi tôm màu nâu đỏ đã được ông chải kỹ tối hôm trước, cái túi đựng tập Lucrèce lâu ngày bị sờn rách cũng được vá lại. Ngồi cạnh ông là bà Rochemaure, bôi mắt, trát phấn, mặt mũi bóng loáng, ghê rợn. Cha Longuemare được đặt ngồi giữa bà và cô Athénaïs; sau một thời gian ở nhà tù Madelonnettes cô đã lấy lại được vẻ tươi mát thuở nào.
Bốn người không hề biết những bị cáo được lính sen đầm đặt ngồi xung quanh, và những người này chắc cũng không quen nhau, nhưng tất cả vẫn là đồng lõa; thôi thì đủ mọi hạng người: đại biểu, nhà báo, cựu quý tộc, các ông, các bà tư sản. Nữ công dân Rochemaure trông thấy Gamelin ngồi ở hàng ghế hội thẩm. Mặc dầu anh không trả lời những bức thư khẩn thiết, những lời nhắn gửi liên tiếp của bà, bà vẫn đặt hy vọng vào anh. Bà van vỉ nhìn anh, cố gắng làm đẹp và bi thương với anh. Nhưng bà hết ảo tưởng khi gặp cái nhìn lạnh lùng của viên hội thẩm trẻ.
Viên lục sự đọc bản cáo trạng thực ngắn ngủi với từng người nhưng lại dài lê thê vì số bị cáo quá lớn. Ông trình bày khái quát về vụ mưu phản được tổ chức trong các nhà tù nhằm nhấn chìm nền Cộng hòa trong máu các đại diện quốc gia và dân chúng Paris. Về tội của từng người, ông nói:
- Một trong những kẻ cầm đầu độc hại nhất của vụ mưu phản bỉ ổi này là Brotteaux, trước có tên là des Ilettes, làm quan thu thuế dưới thời tên bạo chúa. Ngay ở thời này y đã nổi tiếng vì có những hành vi phóng túng. Hắn là bằng chứng chắc chắn cho mọi người thấy lối sống trụy lạc cùng các phong tục đồi bại, là kẻ thù nguy hiểm nhất của tự do và hạnh phúc các dân tộc: thực vậy, sau khi đã hà lạm công quỹ, phá tán tài sản nhân dân để chơi bời trác táng, tên này đã hợp tác với nhân tình cũ của y là mụ Rochemaure để thư từ liên lạc với các kẻ lưu vong, hèn hạ báo cho họ biết tình hình tài chính, sự di chuyển của quân đội ta, những chuyển biến của dư luận trong nước ta.
Trong giai đoạn bỉ ổi của cuộc sống này, Brotteaux ăn ở với một tên gái điếm y nhặt về từ đống rác phố Fromenteau, lôi kéo nó tham gia vào mưu đồ của y, dùng nó để hình thành cuộc phản cách mạng bằng lối ăn nói nhơ bẩn và những lời khích động vô sỉ.
Vài lời phát ngôn của con người nguy hiểm này đủ chứng tỏ cho các vị thấy những ý nghĩ đê hèn và mục đích độc hại của y. Nhận xét về tòa án ái quốc mà hôm nay nhóm họp để trừng trị y, y đã tuyên bố một cách láo xược: “Tòa án Cách mạng giống như một vở kịch của William Shakespeare có lẫn lộn đủ cả những pha đẫm máu nhất và những lời chọc cười ti tiện nhất”. Hắn luôn luôn đề cao chủ nghĩa vô thần, coi nó là phương tiện chắc chắn nhất để làm giảm giá dân chúng và đưa họ vào con đường phi đạo đức. Bị giam ở nhà tù Conciergerie, y coi những chiến công mà các đạo quân anh dũng của ta lập được như những tai ách tệ hại nhất, y cố gắng làm mọi người nghi ngờ các vị đại tướng ái quốc bằng cách gán cho họ những ý đồ tàn bạo. Hắn dùng thứ ngôn ngữ độc ác mà ngòi bút chúng tôi khi ghi lại cũng phải ngại ngùng: “Các bạn hãy chờ đợi một ngày kia một trong các vị đeo gươm, mặc giáp hiện đang cứu nguy các bạn sẽ nuốt chửng các bạn như con sếu trong chuyện ngụ ngôn nuốt những con nhái vậy”.
Bản cáo trạng tiếp tục như sau:
- Mụ Rochemaure trước đây là quý tộc, nhân tình của Brotteaux, tội lỗi cũng chẳng kém gì y. Không những mụ đã thư từ với nước ngoài, được chính Pitt tài trợ, mụ còn hợp tác với những tên đồi bại như Julien ở Toulouse và Chabot, liên lạc với tên nam tước de Batz; mụ đã cùng tên khốn kiếp này nghĩ ra các mánh khóe làm sụt giá các cổ phần của công ty Đông Ấn, mua gom với giá rẻ mạt rồi lại đưa ra những thủ đoạn trấn an để nâng giá cổ phần; bằng cách đó mụ đã tước đoạt của cải của từng cá nhân cũng như của nhà nước. Bị giam giữ ở Bourbe rồi ở Malonettes, mụ vẫn không ngừng âm mưu trong tù, tìm cách thao túng hối đoái, hủ hóa các thẩm phán và hội thẩm.
Tên Louis Longuemare, cựu quý tộc, tu sĩ dòng thánh François từ lâu đã có những hành vi đê tiện, tội ác trước khi thực hiện những hành động phản bội mà hôm nay y phải trả lời trước tòa. Sống lang chạ nhục nhã với cô gái Gorcut, tức Athénaïs, ngay trong nhà tên Brotteaux, y là đồng lõa của con điếm và tên cựu quý tộc này. Suốt thời gian bị giam giữ ở Conciergerie, ngày nào y cũng ngồi viết những bài phỉ báng đời sống tự do và an bình của nhân dân.
Còn đối với Marthe Gorcut, tức Athénaïs thì ta có thể khẳng định bọn gái mại dâm là một tai họa cho phong tục mà họ chửi rủa, là một điều ô nhục cho xã hội mà họ làm hư hỏng. Những tưởng chẳng cần phải dài lời về những tội ác ghê tởm mà bị cáo thú nhận một cách vô cùng trơ trẽn.
Cáo trạng nói tiếp đến năm mươi tư bị can khác mà cả Brotteaux, cả cha Longuemare, cả nữ công dân Rochemaure đều không quen biết trừ việc đã gặp họ vài lần trong nhà tù, nhưng tất cả đều được gom chung với họ vào “vụ mưu phản ghê tởm chưa từng có trong lịch sử của bất cứ dân tộc nào”.
Bản cáo trạng kết thúc bằng đề nghị xử phạt tử hình tất cả các bị cáo.
Brotteaux được hỏi cung trước tiên.
- Ông có nhận đã mưu phản không?
- Không, tôi không mưu phản. Bản cáo trạng vừa đọc chẳng có điều nào đúng cả.
- Ông thấy không? Ngay lúc này ông còn âm mưu chống lại tòa án.
Ông chủ tịch chuyển sang hỏi bà Rochemaure; bà khóc lóc đưa ra những lý sự vụng về, những lời phản kháng tuyệt vọng.
Cha Longuemare nói ông hoàn toàn đặt cuộc đời ông trong ý Chúa, ông cũng chẳng buồn mang ra tòa bản tự biện hộ của ông.
Ông trả lời mọi câu hỏi với thái độ cam chịu. Tuy nhiên, khi ông chủ tịch gọi ông là tu sĩ dòng thánh François thì ông phản đối:
- Tôi không phải là tu sĩ dòng thánh François, tôi là linh mục dòng Barnabites.
- Thì cũng thế chứ gì, - ông chủ tịch ôn tồn đáp lại.
Cha Longuemare công phẫn nhìn ông chủ tịch:
- Không thể tưởng tượng người ta có thể lầm lẫn một tu sĩ dòng thánh François với một tu sĩ dòng Barnabites được chính thánh Paul sáng lập.
Tiếng cười, tiếng la ó nổi lên khắp phòng.
Coi thái độ chế giễu kia là dấu hiệu phủ nhận lời ông nói, cha Longuemare tuyên bố ông xin chết trong màu áo người tu sĩ dòng Barnabites mà ông tâm niệm.
Ông chủ tịch lại hỏi:
- Ông có nhận đã âm mưu với cô Gorcut, tức Athénaïs là người đã dành cho ông những ân huệ bẩn thỉu không?
Cha Longuemare đau đớn ngẩng nhìn lên cao, trả lời bằng sự im lặng bộc lộ nỗi ngạc nhiên của một tâm hồn thơ ngây, tính nghiêm trang của một vị tu hành sợ phải nói lên những lời dông dài vô ích.
- Còn chị Gorcut, - ông chủ tịch hỏi Athénaïs, - chị có nhận đã đồng mưu với tên Brotteaux không?
Chị trả lời thật nhẹ nhàng:
- Theo tôi biết, ông Brotteaux chỉ làm điều lành, cần có rất nhiều người như ông và chẳng ai có thể tốt hơn được. Nói trái lại là hoàn toàn sai lầm. Tôi chỉ xin nói thế thôi.
Ông chủ tịch lại hỏi chị có nhận là đã “sống chung chạ” với Brotteaux không. Vì chị chưa nghe thấy từ ngữ này bao giờ, người ta phải giải thích cho chị rõ. Khi đã hiểu, chị trả lời điều đó chỉ tùy thuộc vào ông nhưng ông không đòi hỏi ở chị bao giờ.
Trong các hàng ghế khán giả, mọi người cười ồ lên; Ông chủ tịch liền đe dọa sẽ đưa chị ra ngoài nếu chị cứ tiếp tục trả lời một cách trơ trẽn như vậy. Thế là chị gọi ông là tên đạo đức giả, đồ mặt mẹt, thằng mọc sừng rồi chị trút lên đầu ông, các thẩm phán và hội thẩm đủ mọi lời chửi rủa cho đến khi lính sen đầm kéo chị ra khỏi ghế và lôi ra ngoài.
Sau khi ông chủ tịch hỏi cung vắn tắt các bị cáo khác theo thứ tự họ ngồi trên các bậc. Một người tên là Navette trả lời anh không thể âm mưu trong một nhà giam mà anh mới đến được bốn ngày. Ông chủ tịch tuyên bố trường hợp này cần được xem xét và lưu ý các công dân hội thẩm nhớ kỹ khi luận tội. Một người khác là Bellier cũng trả lời tương tự và ông chủ tịch cũng đưa ra nhận xét có lợi cho bị can. Lòng khoan dung này của viên chánh án có thể là bằng chứng một sự vô tư đáng ca ngợi nhưng cũng có thể là một cái giá trả cho những kẻ tố giác.
Ông phó biện lý đứng dậy đọc lời buộc tội. Ông chỉ làm việc tán rộng bản cáo trạng rồi đặt ra các câu hỏi:
- Liệu có chắc chắn là các tên Maurice Brotteaux, Louise Rochemaure, Louis Longuemare, Marthe Gorcut tức Athénaïs, Eusèbe Rocher, Pierre Guyton-Fabulet, Marceline Descourtis, v.v…, v.v…, đã tổ chức mưu phản, các biện pháp họ sử dụng là ám sát, gây ra nạn đói, làm tiền và tín phiếu giả, làm bại hoại đạo đức và tinh thần nhân dân, tổ chức cuộc nổi dậy trong các nhà tù và mục đích là gây nội chiến, làm tan rã khối đại biểu của đất nước và tái lập chế độ quân chủ không?
Các hội thẩm rút vào phòng luận tội. Tất cả nhất trí khẳng định các bị can đều có tội ngoại trừ hai người là Navette và Bellier mà ông chủ tịch và sau đó phó biện lý đã gần như miễn tố. Khi đưa ra quyết định của mình, Gamelin tuyên bố:
- Tội lỗi của các bị cáo đã như chọc vào mắt: cần trừng trị họ để cứu nguy Tổ quốc và chính họ cũng phải mong muốn được chịu cực hình để có thể ăn năn, hối lỗi.
Ông chủ tịch đọc bản án mà không có mặt những người liên quan. Trong những ngày quan trọng đó người ta không để cho bị cáo nghe quyết định của tòa án, rõ ràng là vì sợ nỗi thất vọng của một số quá nhiều người. Sợ hãi vô ích vì sự phục tùng của các nạn nhân trong thời kỳ này là hoàn toàn và phổ biến! Viên lục sự bước xuống đọc quyết định của tòa trong cảnh yên lặng ngột ngạt khiến người ta có cảm tưởng những người bị kết tội theo đạo luật Tháng Đồng cỏ chẳng khác gì những thân cây đã chặt sẵn.
Nữ công dân Rochemaure khai mình có mang. Một nhà phẫu thuật cũng là hội thẩm được cử ra khám nghiệm chị. Người ta khiêng người phụ nữ đã ngất xỉu vào nhà giam.
- Ôi! - Cha Longuemare than thở, - mấy ông thẩm phán này thực đáng thương: tình trạng linh hồn họ thực tệ hại. Họ lẫn lộn tất cả, không phân biệt nổi một tu sĩ dòng thánh François với một tu sĩ dòng Barnabites.
Cuộc hành hình sẽ diễn ra cùng ngày ở địa điểm có tên là “Ngai vàng lật đổ”. Các tội nhân tắm gội sạch sẽ, tóc hớt ngắn, áo sơ mi khoét rộng cổ được gom lại như súc vật trong một gian phòng nhỏ cách văn phòng lục sự một vách ngăn có lắp kính.
Khi tên đao phủ và những kẻ tùy tùng đến, Brotteaux đang chăm chú đọc cuốn Lucrèce, ông đặt cái chặn vào trang đọc dở, gấp sách nhét vào túi chiếc áo đuôi tôm rồi nói với nhà tu hành:
- Kính thưa cha, điều tôi bực nhất là không còn bao giờ thuyết phục được cha. Chúng ta sắp sửa ngủ giấc ngủ cuối cùng, tôi không thể kéo cha dậy để nói: “Ông thấy đấy: ông không còn tình cảm, ý thức nữa; ông đã hoàn toàn vô tri. Cái gì đi sau đời sống cũng y hệt cái đã có trước nó”. - Ông muốn nhoẻn miệng cười; nhưng một nỗi đau ghê gớm như thắt ruột gan ông lại và ông như muốn ngất đi.
Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục nói:
- Thưa cha, tôi đã để cha trông thấy sự yếu đuối của tôi. Tôi yêu cuộc sống và không thể nào rời bỏ nó mà không luyến tiếc.
- Thưa ông, - nhà tu hành ôn tồn nói, - ông coi chừng đấy, rõ ràng ông can đảm hơn tôi, thế mà cái chết lại làm ông bối rối hơn. Điều đó có ý nghĩa gì nếu không phải là tôi trông thấy ánh sáng còn ông thì không.
- Cũng có thể, - Brotteaux nói, - tôi luyến tiếc cuộc đời vì tôi đã được hưởng nhiều vui thú hơn ông, ông đã ra sức làm nó gần giống cái chết.
- Thưa ông, - cha Longuemare nói, mặt tái đi, - giờ phút này thực nghiêm trọng. Xin thượng đế phù hộ cho tôi! Chắc chắn chúng ta sẽ chết mà không được cứu rỗi. Chắc là ngày xưa tôi đã nhận thánh lễ với tấm lòng không mấy nhiệt thành, lại bội bạc nữa nên bây giờ Chúa không cho tôi hưởng khi tôi hết sức cần đến.
Những chiếc xe đang đợi. Tội nhân bị chất lên xe, tay trói chặt. Bà Rochemaure không được xác nhận là có mang cũng bị lôi lên. Đã lấy lại được phần nào nghị lực, bà quan sát đám đông những người đúng xem, nhìn họ với vẻ cầu khẩn, hy vọng mong manh tìm thấy một người có thể cứu bà. Những kẻ hiếu kỳ đã ít hơn trước nhiều, đầu óc họ cũng không còn sôi nổi như xưa. Chỉ có một vài phụ nữ hô: “Giết chết bọn họ đi!”, hoặc giễu cợt những người sắp chết. Đàn ông thì nhún vai, im lặng quay đầu đi do khôn ngoan, cũng có thể vì tôn trọng pháp luật.
Khi thấy Athénaïs đi qua cửa, nhiều người rùng mình. Cô còn thơ ngây như một đứa trẻ.
Cô cúi đầu trước nhà tu hành:
- Thưa linh mục, xin cha rửa tội cho con.
Cha Longuemare nghiêm trang lầm rầm đọc mấy lời cầu nguyện rồi nói:
- Con ạ! Tâm hồn con đã vô cùng khủng hoảng; nhưng quả thực ta không thể trình trước Thượng đế một trái tim chất phác như trái tim con.
Nhẹ nhàng cô trèo lên xe. Rồi đứng thẳng người, chiếc đầu con trẻ kiêu hãnh ngẩng cao, cô hô lớn:
- Đức vua muôn năm!
Cô ra dấu cho ông Brotteaux biết bên cạnh cô còn chỗ. Brotteaux giúp nhà tu hành leo lên rồi đến đứng giữa ông và cô gái ngây thơ vô tội.
- Thưa ông, - cha Longuemare nói với nhà triết học đồ đệ của Epicure, - tôi xin ông một đặc ân: Thượng đế mà bây giờ ông còn chưa tin, xin ông cầu xin Người cho tôi. Không có gì chứng tỏ là ông không gần Người hơn chính tôi: chỉ một thời gian ngắn ngủi có thể quyết định điều đó, chỉ cần một giây thôi để ông có thể trở thành đứa con được hưởng ân sủng của Người. Thưa ông, ông hãy cầu nguyện cho tôi.
Trong lúc các bánh xe lăn ken két trên con đường dài ngoại ô, nhà tu hành đọc bằng tấm lòng và bằng đôi môi những lời nguyện cầu của những người sắp chết, Brotteaux nhớ lại mấy câu thơ của nhà thi sĩ của thiên nhiên: Sic ubi non erimus... Tay bị trói, chân không đứng vững trong chiếc xe ô nhục, ông vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, chỉ tìm cách làm thế nào thoải mái hơn. Bên cạnh ông, cô Athénaïs, tự hào được chết như hoàng hậu nước Pháp, nhìn đám đông một cách cao ngạo, còn quan thu thuế nhà ta, như một người lịch lãm, ngắm chiếc cổ nõn nà của cô gái mà tiếc cho ánh sáng ban ngày.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét