Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 7

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


VII

Dùng một cách nói rất cũ, bà quả phụ Gamelin đã có lần bảo con: “Cứ ăn hạt dẻ mãi, dễ mình sẽ biến thành hạt dẻ mất”. Trưa hôm đó, ngày 13 tháng Bảy, hai mẹ con bà lại ăn món canh hạt dẻ. Bữa ăn đạm bạc vừa xong thì một phụ nữ đẩy cửa vào và cả xưởng vẽ tràn ngập ánh sáng và hương thơm. Évariste nhận ra ngay nữ công dân Rochemaure. Tưởng chị vào nhầm nhà và muốn gặp công dân Brotteaux, người bạn cũ của chị, anh đã định chỉ lên gian kho hay gọi ông Brotteaux xuống để người phụ nữ lịch sự khỏi phải trèo lên chiếc thang ọp ẹp; nhưng chị đã cho biết là chị muốn đến thăm công dân Évariste Gamelin, rồi nói ngay là chị sung sướng được gặp và phục vụ anh.
Họ không phải là người xa lạ: họ đã gặp nhau ở xưởng vẽ của họa sĩ David, trong một diễn đàn hội nghị, tại phòng họp của phái Jacobin, tại nhà người sửa tranh Vénua: chị đã chú ý đến vẻ đẹp trẻ trung và gợi cảm của anh.
Nữ công dân Rochemaure đội một chiếc nón có quấn băng như một kỵ sĩ lại được giắt thêm một chùm lông như một đại biểu đi công cán. Chị còn đội tóc giả. Trát phấn, gắn nốt ruồi, xức xạ hương, da thịt còn tươi mát sau lớp phấn son lòe loẹt. Cách trang điểm thời thượng đó biểu lộ lối sống gấp và cơn sốt của những ngày khủng khiếp đang diễn ra với một tương lai đầy bất trắc, chị mặc một chiếc áo chẽn, ve lớn, đuôi dài màu huyết dụ đính đầy những cúc bằng kim loại sáng loáng: vì chị có cái vẻ ngoài vừa quý phái vừa cách mạng nên người ta không thể biết màu đỏ kia là màu của các nạn nhân hay màu của tên đao phủ. Một chàng long kỵ binh còn trẻ đi theo chị.
Tay cầm chiếc can khảm xà cừ, người phụ nữ đẹp, cao lớn, ngực phốp pháp đi một vòng xưởng vẽ, đưa chiếc kính cặp mũi gọng vàng sát vào đôi mắt xám để xem các bức tranh. Thỉnh thoảng chị lại mỉm cười, reo lên, rồi ca ngợi để được ca ngợi lại.
- Thế bức tranh thật cao quý, thật cảm động vẽ một phụ nữ dịu dàng, xinh đẹp ngồi cạnh một người bệnh còn trẻ mô tả cảnh gì vậy?
Gamelin trả lời anh muốn dựng lại cảnh Oreste đang được nàng Électre, em chàng, chăm sóc. Anh nói thêm:
- Nếu bức họa hoàn tất, nó sẽ không phải là một tác phẩm quá tệ. Chủ đề rút ra từ vở Oreste của Euripide. Trong một bản dịch cổ của bi kịch đó, có một cảnh làm tôi vô cùng ngưỡng mộ: cảnh nàng Électre nâng anh trai đau đớn trên giường, lau bọt ở mép anh, vén những sợi tóc che mắt anh và cầu xin anh nghe nàng nói trong cảnh im lặng hãi hùng của thần Thịnh nộ... Đọc đi đọc lại bản dịch đó, tôi cảm thấy như có một lớp sương mù không thể xua tan đang bao phủ các nhân vật Hy Lạp. Tôi hình dung nguyên bản phải gân guốc hơn, phải có giọng điệu khác thế. Muốn có một ý niệm chính xác, tôi đã nhờ đến ông Gail, lúc đó (năm 1791) đang dạy tiếng Hy Lạp ở Pháp quốc Học viện, giảng nghĩa từng chữ cảnh đó cho tôi. Ông đã giảng nghĩa và tôi thấy người xưa đơn giản hơn, bình dị hơn chúng ta hình dung nhiều. Thực ra Électre nói với Oreste: “Anh yêu quý, anh ngủ được làm em vui sướng quá. Anh có muốn em đỡ anh dậy không?”. Và Oreste trả lời: “Có, hãy giúp anh, ôm anh, chùi những vết bọt còn bám xung quanh miệng anh, mắt anh. Hãy để ngực em sát ngực anh, vén những sợi tóc rối trên mặt đang che mắt anh...”. Lòng tràn đầy cái thi vị trẻ trung, sinh động đó, cách diễn đạt thơ ngây, mạnh mẽ đó, tôi đã phác họa ngay bức tranh bà đang xem, thưa nữ công dân.
Họa sĩ bình thường rất kín đáo khi nói về họa phẩm của mình lại không tiếc lời đối với bức tranh nói trên. Được nữ công dân Rochemaure khuyến khích, anh giải thích tiếp:
- Hennequin đã mô tả tuyệt vời cơn thịnh nộ của Oreste. Nhưng Oreste làm ta xúc động khi chàng buồn hơn là khi chàng giận. Số mệnh mới thực oái oăm! Chính vì hiếu thảo, chính vì vâng theo các mệnh lệnh thiêng liêng mà chàng đã phạm tội ác. Thần linh đã xá tội cho chàng nhưng con người lại không bao giờ tha thứ. Để trả thù cho công lý bị chà đạp, chàng đã chối bỏ thiên nhiên, đã mất tính người, đã tự cấu xé ruột gan mình. Tội ác của chàng thực khủng khiếp nhưng lại rất đạo đức, và chàng vẫn thấy tự hào... Đó, tôi muốn miêu tả điều đó trong lúc vẽ hai nhân vật anh và em.
Anh lại gần, khoan khoái ngắm bức tranh, rồi nói tiếp:
- Có vài phần đã gần hoàn chỉnh; đầu và cánh tay phải của Oreste chẳng hạn.
- Đúng là bức tranh rất đẹp... Và Oreste trông thật giống anh, công dân Gamelin ạ.
- Bà thấy thế à? - Họa sĩ vừa nói vừa mỉm cười nghiêm nghị.
Chị ngồi vào chiếc ghế Gamelin mời. Anh long kỵ binh đứng sau, tay đặt lên thành ghế. Cử chỉ đó khiến ta có cảm tưởng cách mạng đã thành công vì dưới chế độ cũ, một người đàn ông cùng đi không bao giờ được đặt dù chỉ một ngón tay lên chiếc ghế có phụ nữ ngồi. Đó là thứ xã giao gò bó, đôi khi nghiêm khắc của một nền giáo dục buộc người ta phải giữ ý tứ trong chỗ đông người, nếu buông lơi sẽ bị coi nhẹ.
Là con gái một viên trung úy lo việc săn bắn của nhà vua, quả phụ một ông biện lý và đã từng là bạn trung thành của nhà tài chính Brotteaux trong suốt hai mươi năm trời, Rochemaure đã sớm tán thành các đường lối mới. Tháng Bảy năm 1790, chị đã đi cuốc đất ở khu Champ de Mars... Quyết tâm của chị gần gũi những kẻ chức quyền đã đưa chị từ những người Feuillants* đến các nhóm Girondins** và Montagne***.

*[Chỉ những người chủ trương quân chủ lập hiến, có trụ sở đặt ở tu viện dòng Feuillants]

**[Girondins là một nhóm chính trị trong cuộc cách mạng Pháp, còn được gọi là nhóm Brissotins vì Brissot là lãnh tụ của nhóm]

***[Montagne: tức phái Núi, chỉ nhóm đại biểu hăng hái nhất ngồi ở những hàng ghế cao nhất và ở bên trái Hội đồng Quốc ước]

Đồng thời tinh thần thỏa hiệp, tính ôm đồm và ở mức độ nào đó tài tính kế, bày mưu vẫn còn gắn bó chị với các nhà quý phái và bọn phản cách mạng. Đó là một kiểu người ta thường thấy lui tới các quán rượu, rạp hát, tiệm ăn nổi tiếng, sòng bạc, phòng triển lãm, tòa báo, phòng đợi của các ủy ban. Cách mạng đã mang đến cho chị nhiều điều mới mẻ, những cuộc giải trí, những nụ cười, trò vui, những chuyện làm ăn, kinh doanh béo bở. Luôn luôn xen vào những mưu toan chính trị, những chuyện đàn đúm, lăng nhăng, biết chơi đàn hạc, vẽ phong cảnh, hát tình ca, nhảy vũ điệu Hy Lạp, chiêu đãi, tiếp các bà, các cô xinh đẹp như nữ bá tước Beaufort và nữ diễn viên Descoings, đánh bạc suốt đêm nhưng vẫn quan tâm, săn sóc bè bạn. Ham tìm hiểu, thích hoạt động nhưng đầu óc lộn xộn, phù phiếm, chị biết rõ từng người nhưng lại chẳng chú ý gì đến đám đông, xa lạ với những quan điểm chị tán thành cũng như những ý kiến chị bác bỏ, không có một ý niệm gì về những sự việc đang xảy ra ở nước Pháp, chị tỏ ra là người dám nghĩ, dám làm, dũng cảm, đôi khi liều lĩnh vì chị không để ý đến những nguy hiểm đang đe dọa và quá tin tưởng vào sức quyến rũ của mình.
Chàng long kỵ binh cùng đi với chị còn rất trẻ. Một chiếc nón đồng bọc da báo, chỏm có những tua màu hoa mĩ nhân phủ bóng mờ lên khuôn mặt kim đồng và trùm lên lưng anh một chiếc bờm khủng khiếp. Một áo vét đỏ che chưa hết lưng càng làm tăng dáng dấp lịch sự của anh. Thắt lưng anh đeo một thanh gươm lớn có chuôi sáng loáng hình mỏ chim ưng. Một chiếc quần ngắn màu xanh nhạt với những dải xanh sẫm bó sát đùi anh. Trông anh thực giống một vũ công được một học trò của họa sĩ David lo sửa soạn y phục để thủ vai người hùng phong nhã trong vở kịch “Achille ở Scyros” hay “Đám cưới Alexandre”.
Gamelin nhớ lờ mờ đã gặp anh chàng này ở đâu: đó là anh lính cách đây nửa tháng đã hô hào quần chúng gần Nhà hát Quốc gia.
Nữ công dân Rochemaure giới thiệu:
- Công dân Henry, nhân viên Ủy ban cách mạng phân khu Nhân quyền.
Lúc nào chị cũng có anh chàng này bám theo; anh là tấm gương tình yêu và là giấy chứng nhận chắc chắn nhất về lòng yêu nước của chị.
Nữ công dân khen ngợi tài năng của họa sĩ rồi hỏi anh có đồng ý vẽ cho một bà bán quần áo mà chị quen biết không. Anh sẽ họa một chủ đề thích hợp, chẳng hạn một phụ nữ đang thử khăn quàng trước gương hay một nữ công nhân trẻ tay xách chiếc hộp đựng mũ.
Kể ra thì thực hiện một công trình nhỏ như vậy nhiều người có thể làm được như Fragonard, Ducis hoặc Prudhomme, nhưng chị thích nhờ Évariste hơn. Tuy nhiên nói đến đấy chị không nêu cụ thể gì thêm nên ta thấy ngay câu chuyện chỉ là cái cớ để chị nói tiếp. Quả thực chị đến đây vì việc khác. Biết anh quen Marat, chị muốn đề nghị anh giới thiệu chị với người Bạn dân.
Gamelin trả lời anh chỉ là một nhân vật quá nhỏ bé, làm sao anh có thể giới thiệu, vả lại, cần gì phải có người giới thiệu. Marat dù bận trăm công nghìn việc nhưng đâu có phải là người không thể gặp như người ta nói.
Anh nói thêm:
- Người sẽ tiếp bà nếu bà đau khổ, vì trái tim lớn của người khiến người thông cảm với mọi điều bất hạnh và xúc động trước mọi khổ đau. Người sẽ tiếp bà nếu bà có thể phát giác ra điều gì liên quan đến việc cứu nước: người đã nguyện hiến dâng cuộc đời để lột mặt nạ những tên phản bội.
Nữ công dân Rochemaure trả lời là chị sẽ rất sung sướng được đến chào một công dân nổi tiếng như Marat, người đã cống hiến biết bao thành tích lớn lao cho đất nước và có khả năng còn cống hiến những thành tích lớn lao hơn nữa. Chị mong nhà lập pháp đó có dịp tiếp xúc với những con người đầy thiện chí, những người giàu có nhân ái, sẵn sàng cung cấp cho ông những phương tiện mới để đáp ứng tình yêu nhân loại nồng nhiệt của ông.
Chị nói thêm:
- Vì sự phồn vinh của đất nước, nên làm cách nào để người giàu hợp tác với chính quyền.
Thực ra, nữ công dân này đã hứa với chủ ngân hàng Morhardt là chị sẽ tìm cách để ông ta dự một bữa ăn tối với Marat.
Cũng như Marat, Morhardt là người gốc Thụy Sĩ. Y đã liên lạc với nhiều đại biểu Quốc ước như Julien, Delaunay và Chabot - ông cựu tu sĩ dòng anh em hèn mọn Capucin để đầu cơ các cổ phần của Công ty Đông Ấn. Thủ đoạn của chúng rất đơn giản: bằng mọi cách đánh sụt giá các cổ phần xuống sáu trăm năm mươi livre, mua thật nhiều với giá đó, rồi lại nâng giá nhanh chóng lên bốn hay năm ngàn livre. Nhưng âm mưu của Chabot, Julien, Delauna bị phát giác. Người ta nghi ngờ Lacroix, Fabre d’Eglantine và cả Danton nữa. Người chủ xướng chuyện làm ăn này, nam tước de Batz đang đi tìm những đồng lõa mới trong Quốc ước, đã khuyên chủ ngân hàng Mohardt đến gặp Marat.
Mưu mô của bọn đầu cơ phản cách mạng thực ra cũng chẳng có gì lạ. Bọn họ bao giờ cũng tìm cách liên kết với những người đang có quyền thế. Bằng ngòi bút, bằng phẩm chất, vì được lòng dân, Marat đang là một thế lực ghê gớm. Bọn Girondins đang chết chìm, nhóm Danton bị bão táp vùi dập không còn lãnh đạo đất nước. Robespierre, thần tượng của nhân dân, lại quá trung thực, luôn luôn ngờ vực và chẳng ai có thể lại gần. Vậy điều quan trọng là phải nịnh bợ, phỉnh phờ Marat, thu phục được cảm tình của ông vào ngày ông trở thành độc tài. Mà hiện đã có những dấu hiệu cho thấy ông sắp đi vào con đường đó: lòng dân, tham vọng kèm với tính vội vã sử dụng những biện pháp quyết liệt của ông. Nói cho cùng, Marat cũng có thể phục hồi lại trật tự, phục hồi tài chính, sự phồn vinh. Nhiều lần ông đã lên tiếng chống bọn quá đề cao tinh thần yêu nước của ông, và gần đây ông đã tố cáo cả bọn mị dân lẫn những người chủ trương ôn hòa. Sau khi kích động quần chúng treo cổ bọn đầu cơ ngay tại cửa hàng của chúng, ông hô hào các công dân phải bình tĩnh, khôn ngoan: ông đang trở thành người thực sự nắm quyền cai trị trong nước.
Mặc dầu có những lời đồn đại quanh ông cũng như quanh các nhà cách mạng khác, bọn thao túng tài chính không tin là ông tham nhũng. Nhưng họ biết ông có tính huênh hoang và cả tin: họ hy vọng có thể mua chuộc ông bằng những lời tâng bốc, bằng cách luôn luôn thân mật, chiều ý ông, xem đó là cách nịnh hót có sức cám dỗ con người mạnh nhất. Dựa vào ông, họ tính có thể làm mưa, làm gió đối với những chứng khoán họ muốn mua đi bán lại, đẩy ông vào chỗ phục vụ quyền lợi của họ trong khi tưởng mình đang phục vụ đất nước.
Trong vai trò môi giới, tuy còn trong tuổi yêu đương, nữ công dân Rochemaure tự coi mình có nhiệm vụ liên kết nhà lập pháp kiêm nhà báo với ông chủ ngân hàng; óc tưởng tượng điên rồ của chị khiến chị hình dung thấy con người tiền sử, bàn tay còn đẫm máu những ngày tháng Chín gia nhập đảng của bọn tài chính mà chị là người dẫn lối, đưa đường, thấy con người vì đa cảm và ngây thơ bị ném vào cái thế giới của bọn đầu cơ, bọn cung cấp vật liệu, tay sai nước ngoài, bọn gá bạc và các phụ nữ lẳng lơ.
Chị năn nỉ xin công dân Gamelin đưa chị đến yết kiến người Bạn dân, ông cũng ở gần nhà anh, phố Thầy tu, cạnh nhà thờ. Sau mấy câu từ chối, họa sĩ nhận lời.
Chàng long kỵ binh Henry không chịu đi cùng, viện lý do muốn giữ quyền tự do hành động ngay cả đối với công dân Marat, con người chắc chắn đã cống hiến cho nền Cộng hòa nhưng nay đã tỏ ra nhu nhược: trong báo ông đã chẳng khuyên nhân dân Paris kiên nhẫn chịu đựng là gì?
Rồi với một giọng lên bổng xuống trầm có xen lẫn những tiếng thở dài não ruột, Henry than phiền là nền Cộng hòa đã bị những người anh đặt biết bao kỳ vọng phản bội: Danton không chịu đánh thuế bọn nhà giàu, Robespierre chống lại việc bắt các phân khu hoạt động liên tục còn Marat thì đã bẻ gãy khí thế của các công dân vì những lời khuyên nhút nhát.
Anh kêu lớn:
- Than ôi! So với Leclerc, với Jacques Roux, những người đó quá bạc nhược!... Roux! Leclerc! Các ông mới đích thực là những người bạn của nhân dân!
Nhưng Gamelin không nghe thấy những lời báng bổ trên vì anh đã vào phòng bên sửa soạn quần áo.
- Bà có quyền tự hào về con trai bà, - nữ công dân Reochemaure nói với nữ công dân Gamelin. - Về tài năng cũng như tính cách, anh ta thực là một con người xuất chúng.
Trước một bà danh giá, bà quả phụ Gamelin cũng công nhận con mình có một số đức tính nhưng không lộ vẻ tự hào: từ nhỏ bà đã được dạy là kẻ tiện dân phải có thái độ nhún nhường trước người quyền quý. Rồi bà than thở vì có nhiều điều phải than thở và than thở được thì ưu phiền cũng nhẹ bớt. Bà thường nói nhiều về nỗi bất hạnh của mình với những ai bà cho là có thể làm bà đỡ khổ và hình như bà Rochemaure thuộc loại người này. Thấy lúc này là dịp thuận tiện, bà kể ra một thôi một hồi về sự cùng cực của hai mẹ con, đến cái ăn hàng ngày cũng không có. Bây giờ không còn bán được tranh nữa! Cách mạng như đã cầm dao đâm chết việc buôn bán. Còn thực phẩm đã khan hiếm lại đắt đỏ không thể tưởng tượng được...
Bà nói thật nhanh, thật nhiều, mong nói hết trước khi con trở lại; anh rất tự trọng sẽ không bằng lòng thấy mẹ kêu ca, than phiền như vậy. Bà cố gắng để trong một thời gian thật ngắn làm mủi lòng người mà bà đánh giá là giàu có, rộng rãi, hy vọng người ta quan tâm đến số phận con trai bà. Bà cũng có cảm giác mơ hồ là vẻ khôi ngô tuấn tú của Évariste có thể góp phần tác động mạnh đến tâm hồn con người quý tộc.
Mà quả thực nữ công dân Rochemaure có vẻ xúc động trước nỗi khổ cực của hai mẹ con Gamelin. Chị sẽ cố gắng để các bạn bè giàu có mua tranh của anh. Chị mỉm cười nói:
- Ở Pháp người ta còn tiền, có điều nó đang ẩn náu ở đâu đó thôi.
Tuy nhiên, hiện nay ít ai quan tâm đến nghệ thuật, chị sẽ tìm cho Évariste một công việc ở nhà Morhardt hoặc nhà anh em Perregaux, hoặc để anh làm thư ký cho một người cung cấp vật dụng cho quân đội.
Rồi chị lại thấy những việc trên không thích hợp với một người như Évariste. Suy nghĩ một hồi, chị nảy ra ý kiến.
- Hiện Tòa án Cách mạng đang cần một số hội thẩm. Tôi chắc công tác xét xử đáp ứng được nguyện vọng của con bà. Tôi quen biết nhiều vị trong Ủy ban Cứu quốc, tôi cũng biết Robespierre anh, còn em ông ta thì thường đến dùng bữa ở nhà tôi. Tôi sẽ nói chuyện với họ, với Montané, Dumas, Fouquier.
Nữ công dân Gamelin hết sức cảm động và biết ơn, nhưng bà đã để một ngón tay lên miệng vì Évariste đang trở lại phòng vẽ.
Anh cùng Rochemaure đi xuống một chiếc cầu thang hơi tối. Những bậc bằng gỗ hay lát gạch phủ một lớp đất cát không biết đã đọng lại từ bao giờ.
Mặt trời xế chiều đổ dài bóng chiếc bệ, trước đây có đặt một con ngựa đồng đen, bây giờ lại được trang trí nhiều lá cờ Tổ quốc, lên trên Cầu Mới, nơi một đám đông đàn ông, đàn bà đứng thành từng nhóm đang nghe các công dân thì thầm nói chuyện. Mọi người có vẻ sững sờ, lặng lẽ, thỉnh thoảng lại bật lên tiếng rên rỉ hay kêu gào phẫn nộ. Một số đi nhanh về phía phố Thionville, trước đây là phố Dauphine. Lại gần một nhóm, Gamelin nghe thấy họ bàn tán việc Marat vừa bị ám sát.
Dần dần tin tức được khẳng định rồi cụ thể hóa thêm: ông bị sát hại ngay trong bồn tắm; thủ phạm là một phụ nữ từ Caen đến.
Vài người nói y đã trốn thoát nhưng phần lớn cả quyết y đã bị bắt.
Bây giờ tất cả ở đó, như một đàn cừu không người chăn dắt. Họ nghĩ:
“Ôi Marat! Một con người nhạy cảm, nhân đạo, hiền hòa! Marat đâu còn nữa để dẫn dắt chúng ta, ông không bao giờ sai lầm, ông đoán trước được mọi việc, dám phanh phui mọi chuyện!... Làm gì bây giờ? Chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta đã mất người cố vấn, người bảo vệ, người bạn của chúng ta”.
Người ta đã đoán ra ai tổ chức vụ này, ai điều khiển cánh tay con đàn bà này. Người ta rên rỉ.
“Marat bị hại bởi những bàn tay tội ác, những bàn tay muốn tiêu diệt tất cả chúng ta. Cái chết của người là tín hiệu mở đầu cho việc tàn sát mọi người yêu nước”.
Họ thuật lại khác nhau hoàn cảnh cái chết bi thảm và những lời nói cuối cùng của nạn nhân; họ bàn tán về hung thủ nhưng chỉ biết đó là một phụ nữ còn trẻ do bọn phản quốc thuộc phái liên bang cử đến. Các công dân nhe răng, trợn mắt muốn tên sát nhân phải chịu nhục hình; máy chém còn quá nhẹ, cần lôi con quái vật ra khảo bằng vồ, đặt lên bánh xe, xé xác phanh thây hắn; họ còn tưởng tượng ra một số nhục hình mới.
Các vệ binh quốc gia, vũ khí lăm lăm giải một người đàn ông vẻ mặt cương quyết, quần áo tả tơi, những vệt máu chảy ròng ròng trên mặt. Người ta đã bắt gặp hắn nói Marat chết thực đáng vì ông ta luôn luôn kích động cướp bóc, chém giết. Tự vệ phải khó khăn lắm mới lôi được hắn đi vì một đám đông vô cùng căm phẫn đòi giết hắn ngay tại chỗ. Mọi người chỉ tay vào mặt hắn, xem hắn là đồng lõa của kẻ sát nhân.
Gamelin sững sờ vì đau đớn. Những giọt nước mắt hiếm hoi cạn khô trong đôi mắt nóng bỏng. Anh đã thương ông như con thương cha, như người dân yêu nước sùng bái một lãnh tụ.
Anh tự nhủ: “Sau Le Peletier, sau Bourdon là Marat!... Số phận những người yêu nước là như vậy: họ đã bị tàn sát ở Champ de Mars, ở Nancy, ở Paris, họ sẽ chết hết”. Rồi anh nghĩ đến tên phản quốc Wimpfen ngày nào cầm đầu một bọn sáu chục ngàn tên bảo hoàng tiến về Paris. Nếu không bị những người yêu nước chặn lại ở Vernon thì chúng đã nhận chìm cái thành phố anh dũng này trong máu lửa.
Và còn bao nhiêu hiểm họa, âm mưu ác độc, bao nhiêu chuyện phản nghịch chỉ nhờ đầu óc khôn ngoan, tinh thần cảnh giác của Marat mới phát hiện và tiêu diệt được! Còn ai tố cáo tên Custine đang chơi đông dài ở trại César không chịu giải vây Valenciennes, tên Biron án binh bất động ở Hạ Vendée để quân thù tự do chiếm Saumur, vây Nantes, tên Dillon phản bội Tổ quốc ở Argonne?
Trong lúc đó, xung quanh anh chốc chốc lại rộ lên tiếng kêu thê thảm:
“Marat mất rồi, bọn quý tộc giết ông rồi!”
Lòng Gamelin nặng trĩu đau đớn, căm thù và yêu thương; và trong khi anh đến vĩnh biệt một con người đã hy sinh cho nền tự do thì một bà nông dân già đầu đội chiếc nón vùng Limoge lại gần anh, hỏi anh cái ông Marat vừa bị ám sát phải chăng là cha Mara ở giáo phận Saint-Pierre-de-Queyroix.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét