Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Các Hung Thần Lên Cơn Khát - 25

Các Hung Thần Lên Cơn Khát


Tác giả: Anatole France

Dịch giả: Trần Mai Châu

Nhà xuất bản Văn học - 2015


XXV

Trong khi mấy chiếc xe được lính sen đầm áp tải lăn bánh về phía quảng trường Ngai Vàng Lật Đổ đưa Brotteaux và tòng phạm ra pháp trường, thì Évariste ngồi trầm tư trên một chiếc ghế dài ở vườn Tuileries. Anh đợi Élodie. Mặt trời buổi xế chiều chiếu những tia lửa làm bừng sáng các cây dẻ um tùm. Gần hàng rào quanh vườn, tượng thần Renommée cưỡi con ngựa có cánh vẫn ngậm chiếc kèn muôn thuở. Mấy người bán báo rao tin chiến thắng lớn ở Fleurus.
Phải, - Gamelin suy nghĩ, - chiến thắng đã về tay ta. Chúng ta đã phải trả giá đắt”.
Anh như trông thấy những viên tướng bất tài kéo lê hình bóng trong đám bụi đẫm máu ở quảng trường Cách mạng nơi họ đã bị xử tử. Anh mỉm cười kiêu hãnh; nếu không có những trừng phạt nghiêm khắc mà anh có dự phần tạo ra thì hôm nay những con ngựa Áo đã đến gặm vỏ mấy cây dẻ này.
Anh reo lên ở trong lòng:
Khủng bố để cứu nước, ôi khủng bố thần thánh! Năm ngoái, vào thời gian này, chỉ có những kẻ chiến bại anh dũng ăn mặc rách rưới bảo vệ chúng ta; lãnh thổ nước nhà bị xâm lăng, hai phần ba các tỉnh nổi loạn. Bây giờ các đạo quân của ta trang bị tốt, được các vị tướng tài ba chỉ huy đang phản công, sẵn sàng đem tự do đến khắp thế giới. Toàn thể lãnh thổ Cộng hòa trở lại hòa bình... Khủng bố cứu nước! Ôi khủng bố thần thánh! Máy chém thương yêu! Năm ngoái, vào thời gian này, nền Cộng hòa bị các phe phái xâu xé, chủ nghĩa liên bang như con mãng xà bảy đầu, đe dọa nuốt chửng nó. Bây giờ những người Jacobin một lòng một dạ trải rộng trên đất nước sức mạnh và sự khôn ngoan của họ”.
Tuy nhiên anh vẫn u uất. Một vết nhăn hằn sâu ngang trán anh; miệng anh đắng ngắt. Anh tư lự: “Chúng ta đã nói: Chiến thắng hay là chết. Chúng ta đã lầm, đúng ra phải nói: Chiến thắng và chết”.
Anh nhìn quanh. Nhiều đứa trẻ đắp những ô cát. Trên những ghế dựa gỗ ở gốc cây, những nữ công dân đang thêu thùa, may vá. Khách qua đường ăn mặc cực kỳ lịch sự vừa đi về nhà vừa nghĩ đến công việc hoặc thú vui của họ. Gamelin cảm thấy cô đơn giữa mọi người: “Mình không phải là đồng bào và cũng không phải là kẻ sống đồng thời với họ. Vậy điều gì đã xảy ra? Tại sao sau nhiệt tình những năm đẹp đẽ lại là sự thờ ơ, mệt mỏi và có lẽ sự chán ghét nữa? Rõ ràng người ta không muốn nghe nói đến Tòa án Cách mạng và quay lưng lại máy chém. Nó đã trở nên quá chướng mắt ở quảng trường Cách Mạng nên đã được đưa đến cuối ngoại ô Antoine. Mà ở đó, khi thấy những chiếc xe chở tội nhân đi qua, người ta cũng xầm xì. Đã từng có người kêu: “Thôi đủ rồi!”.
Đủ rồi khi vẫn còn bè lũ phản bội, mưu phản! Đủ rồi khi còn phải đổi mới các ủy ban, thanh lọc Quốc ước! Đủ rồi khi còn những kẻ ác ôn làm nhục nhã những người đại diện nhân dân! Đủ rồi khi ngay trong Tòa án Cách mạng người ta đang trù tính hạ bệ Người chính trực! Có những chuyện nghĩ đến thấy khủng khiếp nhưng lại có thực! Chính Fouquier* đang mưu phản. Chính vì muốn làm hại Maximilien hắn đã rầm rộ lôi ra giết hại năm mươi bảy nạn nhân** trong chiếc sơ mi đỏ của những kẻ giết cha. Nước Pháp liệu còn có những nỗi xót thương tai hại nào nữa? Phải cứu nó dù nó không muốn và khi nó yêu cầu mọi người khoan dung thì phải bịt tai lại và đánh nữa. Than ôi! Số mệnh đã muốn như vậy: Tổ quốc nguyền rủa những người cứu nó. Thôi thì cứ nguyền rủa chúng tôi để Tổ quốc được sống!

*[Antoine Quentin Fouquier de Tinville (1746-1795): là biện lý Tòa án Cách mạng, bị xử tử năm 1795]

**[Trong số 57 người bị xử chém có Nicole, một cô gái quá nhỏ tuổi chỉ có tội là cho một người bị tình nghi ăn uống. Việc cô bị giết làm một số rất đông người xúc động, họ cho đó chỉ là vụ trả thù của một kẻ thất tình]

Tiêu diệt bọn vô danh tiểu tốt, những tên quý tộc, tài chính, ký giả, thi sĩ, một Lavoisier, một Roucher, một André Chénier, đâu đã đủ. Phải đánh vào bọn gian ác có thế lực lớn, bàn tay đầy vàng và đẫm máu, đang chuẩn bị triệt hạ phái Montagne như bè lũ Fouché Tallien, Rovère, Carrier, Bourdon. Nhà nước phải sạch bóng kẻ thù. Nếu Hébert thành công thì Quốc ước đã bị lật đổ, nền Cộng hòa đã lao xuống vực thẳm; nếu Desmoulins, Danton thành công, Quốc ước mất hết đạo đức đã trao nền Cộng hòa cho bọn quý tộc, bọn buôn chứng khoán, bọn tướng lãnh. Nếu rồi đây bọn Tallien, bọn Fouché, những con quái vật đã từng giết người, cướp của, thành công thì nước Pháp sẽ chìm trong tội ác và ô nhục... Người vẫn ngủ, Robespierre, trong khi bọn tội phạm điên cuồng vì căm hờn và hoảng sợ đang âm mưu giết người và chuẩn bị đưa đám nền tự do.
Couthon, Saint-Just, các ông đợi đến bao giờ mới chịu tố giác những kẻ mưu phản?
Sao có thể như vậy được! Nhà nước cũ, chế độ quân chủ khủng khiếp nắm chắc quyền thống trị bằng cách hàng năm giam cầm bốn trăm ngàn người, treo cổ mười lăm ngàn, cho bánh xe nghiến nát ba ngàn, thế mà chế độ Cộng hòa lại do dự không chịu hy sinh thêm vài trăm mạng để giữ vững nền an ninh và quyền lực của mình! Chúng ta hãy dìm mình trong biển máu để cứu nguy Tổ quốc”.
Anh đang suy nghĩ thì Élodie chạy tới, xanh mét, rã rượi:
- Évariste, anh định nói với em chuyện gì? Sao anh không lại tiệm Tình yêu họa sĩ, lại căn phòng màu xanh của chúng ta? Tại sao anh bảo em đến đây?
- Để nói với em lời vĩnh biệt.
Chị thì thầm là anh điên rồ, chị không thể hiểu.
Anh khẽ giơ tay ngăn chị:
- Élodie ạ, anh không thể tiếp tục nhận tình yêu của em.
- Đừng nói nữa, Évariste, đừng nói nữa!
Chị rủ anh đi xa một quãng vì có nhiều người đang nhìn và nghe họ nói.
Hai người đi được khoảng hai chục bước, anh bình tĩnh nói tiếp:
- Anh đã hy sinh cho Tổ quốc đời anh, danh dự anh. Nhưng anh sẽ chết một cách tủi nhục, sẽ chỉ còn để lại cho em những kỷ niệm gớm ghiếc... Ta yêu nhau ư? Ai còn có thể yêu anh?... Anh còn có thể yêu ai không?
Chị nói anh đã mất trí, chị yêu anh và còn yêu anh mãi. Chị nhiệt tình thành khẩn; nhưng chị cũng cảm thấy như anh, cảm thấy hơn anh là anh nói đúng. Nhưng chị vẫn vùng vẫy chống lại sự thật hiển nhiên.
Anh lại nói:
- Anh không tự trách mình. Điều anh đã làm, anh sẽ còn làm nữa. Vì Tổ quốc anh đã trở thành người bị ghét bỏ, bị nguyền rủa. Anh đã tự đặt mình ra ngoài nhân loại. Anh sẽ không trở lại được nữa. Không! Nhiệm vụ lớn chưa hoàn thành. Hỡi ôi! Khoan hồng, tha thứ!... Bọn phản bội có tha thứ không? Bọn mưu phản có khoan hồng không? Bọn gian ác mỗi ngày một nhiều, chúng từ dưới đất chui lên, từ các biên thùy kéo đến: đó là những thanh niên đáng lẽ phải hy sinh ngoài chiến địa, các ông già, trẻ em, phụ nữ ra vẻ ngây thơ, trong trắng, đáng yêu. Và giết họ rồi, lại mọc ra nhiều người hơn nữa... Em thấy rõ anh phải chối từ tình yêu, thú vui, cảnh nhàn hạ, cả cuộc sống nữa.
Đột nhiên anh ngừng lại. Sinh ra để hưởng những thú vui êm ả, từ lâu nay Élodie sợ hãi thấy qua những nụ hôn của người yêu, qua cảm giác hoan lạc hiện lên những hình ảnh đẫm máu. Chị không trả lời anh. Sự im lặng đó khiến Évariste có cảm tưởng như vừa uống một ly mật đắng.
- Em cũng thấy rõ đấy, Élodie: Bọn các anh đang phải hối hả, nhiệm vụ đang giày vò anh. Ngày giờ của các anh dài đằng đẵng. Chẳng bao lâu nữa anh đã sống một thế kỷ. Hãy nhìn vầng trán này! Đâu có phải là vầng trán của một người yêu! Yêu làm sao được!
- Évariste, anh là của em, em giam giữ anh; em không trả tự do cho anh.
Chị nói với giọng đầy hy sinh. Anh cảm thấy và chính chị cũng cảm thấy như vậy.
- Élodie, một ngày kia em có thể chứng nhận là anh đã sống trung thành với nhiệm vụ, là lòng anh thẳng thắn, hồn anh trong sáng, anh chỉ có một ham muốn là lợi ích chung, là bản chất anh hiền hòa, đa cảm không? Không! Chắc em sẽ không nói thế. Anh cũng không yêu cầu em phải nói thế. Hãy để cho kỷ niệm về anh phai tàn! Vinh quang của anh nằm trong lòng anh, tủi hổ bao quanh anh. Nếu em còn yêu anh, em hãy vĩnh viễn đừng nhắc đến tên anh.
Một đứa bé khoảng tám, chín tuổi đang chơi vòng đâm choàng vào chân Gamelin.
Anh liền ôm nó nhấc lên cao:
- Cháu ạ, cháu sẽ lớn lên, tự do, hạnh phúc và đó là nhờ tên Gamelin hèn hạ. Tôi ghê gớm để cho cháu sung sướng, tôi tàn ác để cho cháu tốt lành; tôi khắc nghiệt để mai đây mọi người Pháp sẽ ôm hôn nhau nhỏ những giọt lệ vui mừng.
Anh ôm chặt đứa nhỏ vào ngực.
- Cháu ạ, nhờ tôi khi lớn lên, cháu sẽ được hạnh phúc, giữ được tâm hồn trong trắng; nhưng nếu có khi nào nghe người ta nhắc đến tên tôi thì cháu cứ việc nguyền rủa nó.
Anh đặt đứa bé xuống đất; hoảng hốt nó vội chạy đến túm váy mẹ và bà cũng vội chạy đến như để giải thoát nó.
Người mẹ còn trẻ đó, xinh xắn và có cái dáng thanh nhã của một người quý tộc trong chiếc áo dài bằng vải lanh trắng, dắt con đi, vẻ cao ngạo.
Gamelin dữ tợn quay lại nhìn Élodie:
- Anh đã ôm đứa nhỏ; nhưng có thể anh sẽ đưa mẹ nó lên máy chém.
Rồi anh rảo bước đi ra xa.
Élodie đứng im lặng giây lát, mắt đăm đăm nhìn xuống. Đột nhiên chị đuổi theo người tình rồi giận dữ, đầu tóc bù xù, như một cô đồng tế thần rượu, chị nắm lấy anh như muốn xé ra từng mảnh, chị kêu lên, giọng nghẹn ngào vì lệ, vì máu:
- Được rồi, anh yêu ạ, anh cũng đưa em lên máy chém đi, anh cũng cho chặt đầu em đi!
Nghĩ đến lưỡi dao chạm trên gáy mình, chị thấy tất cả da thịt như tan ra trong khủng khiếp và hoan lạc.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét