Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Luật Sư Nghèo - Chương 9

Luật Sư Nghèo

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Hồng Vân
NXB Văn Nghệ TP HCM - 2001

Chương 9

Kể từ hôm xảy ra sự cố với Mister vào ngày thứ Ba tôi hầu như không làm được một giờ nào cho công ty Drake & Sweeney thân yêu của tôi. Tôi đã làm 200 giờ một tháng trong vòng 5 năm. Có nghĩa là 8 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần cùng với một hai giờ có lẻ. Không một ngày lãng phí và số giờ quý báu thì không thể đếm được. Khi tôi cảm thấy mình bị tụt lại, mà điều này hiếm lắm, tôi lập tức làm 12 giờ ngày thứ Bảy và cũng cỡ đó vào ngày Chủ nhật. Khi tôi cảm thấy mình không bị bỏ lại tôi làm bảy tám tiếng vào ngày thứ Bảy, thêm vài tiếng vào ngày Chủ nhật. Chẳng lấy gì làm lạ khi Claire đi học ở trường y. Khi tôi nằm nhìn chằm chằm lên khoảng trần nhà ở phòng ngủ vào cuối buổi sáng thứ Bảy, tôi gần như tê dại cả người với trạng thái không làm gì hết. Tôi không muốn đi làm. Tôi ghét cái ý nghĩ ấy. Tôi ớn cái sấp giấy nhắn tin màu hồng mà Polly xếp gọn gàng trên bàn tôi, những bản thông báo dự những cuộc họp cấp cao đòi hỏi tôi phải áo quần tề chỉnh, những câu chuyện phiếm tọc mạch từ những kẻ ngồi lê đôi mách và câu chào muốn thuở “Anh thế nào?” từ cả nhũng người thực sự quan tâm đến tôi cho đến những kẻ chẳng coi tôi là bạn. Dù vậy cái mà tôi sợ nhất là công việc. Thủ tục cho những vụ án về chống độc quyền mất nhiều thời gian và rất gian khổ, hồ sơ nhiều đến mức cần phải dùng đến hàng bao nhiêu thùng giấy để chứa, mà để làm gì cơ chứ? Một công ty bạc tỉ chống lại một công ty bạc tỉ. Một trăm luật sư vào cuộc, tất cả khởi động bằng những tờ giấy.
Tôi phải thừa nhận rằng tôi chưa bao giờ yêu thích công việc này, nó chỉ có ý nghĩa là một cứu cánh mà thôi. Tôi đã lao đầu vào nó với một tham vọng, sau đó trở thành một chuyên gia hàng đầu, một ngày kia người ta sẽ cần tôi. Có thể làm trong lãnh vực thuế hay là lao động hay là thủ tục tố tụng. Ai mà thích công việc của một luật sư chống độc quyền chứ?
Bằng một nỗ lực hết sức, tôi buộc mình phải ra khỏi giường và đi tắm một cái. Bữa sáng là một cái bánh sừng bò ở một tiệm bánh ngọt trên đường M, với một li café đặc tất cả đều ăn bằng một tay ở bên tay lái. Tôi tự hỏi không biết Ontario ăn gì trong bữa sáng, sau đó tôi tự nhủ tự hành hạ mình như thế là đủ rồi. Tôi có quyền ăn mà không cảm thấy mình có lỗi, nhưng thức ăn cũng đã hết cả ý nghĩa đối với tôi rồi.
Đài thông báo nhiệt độ cao nhất trong ngày là 20 thấp nhất là zero, sẽ không có tuyết trong vòng một tuần nữa.
Tôi đậu xe thật xa tòa nhà trước khi bị tháp tùng bởi một trong những bạn đồng nghiệp của tôi. Bruce đang trò chuyện với ai đó bước vội về phía thang máy trong khi tôi vừa bước vào và chào một cách nghiêm trọng.
- Chào, anh thế nào, anh bạn!
- Khỏe, còn anh? - tôi đốp lại.
- Cũng tạm. Xem này chúng tôi đợi anh đến đấy.
Tôi gật đầu như thể sự giúp đỡ của anh ta là quan trọng lắm. May thay anh ta đi lên lầu 2 nhưng trước khi bước ra còn hạ cố vỗ vai tôi. “Cút đi cho rảnh, Bruce”. Tôi nhủ thầm.
Tôi đã phải thật cố gắng, bước chân tôi nặng như chì lúc bước qua bàn làm việc của bà Devier và phòng họp. Tôi đi qua gian tiền sảnh lát đá hoa cương cho đến khi tôi đi đến phòng làm việc của mình và ngồi phịch xuống ghế da, mệt đứt hơi.
Polly có vài cách để lại những lời nhắn tin điện thoại. Nếu tôi cần trả lời vài cú điện thoại quan trọng hoặc nếu như cô ta hài lòng về những cố gắng của tôi cô ta sẽ để lại một hai tờ nhắn gần điện thoại. Tuy vậy nếu tôi không tỏ ra cố gắng và nếu điều này khiến cô ta không hài lòng thì cô ta sẽ chẳng làm gì hơn là để một đống trên bàn tôi, cả một biển giấy màu hồng sắp xếp theo trật tự thời gian.
Tôi đếm được 39 tờ nhắn cả thảy, có vài cái rất khẩn cấp, có vài cái từ hội đồng quản trị. Rudolph có vẻ đặc biệt khó chịu nếu căn cứ vào dấu hiệu của Polly. Tôi đọc một cách chậm chạp trong lúc tôi phân loại rồi gạt chúng sang một bên. Tôi điềm tĩnh uống hết li café, trong một sự thanh thản. Tôi ngồi bên bàn cầm li bằng cả hai tay nhìn chằm chằm vào hư vô chắc là trông ging như một người đứng cheo leo bên bờ vực thẳm, thì Rudolph bước vào. Một tên mật thám nào đó đã gọi cho ông ta; một phụ tá luật sư nào đó trông thấy hoặc có thể là Bruce trong thang máy. Có lẽ cả công ty cảnh giác với tôi. Không. Họ có bao nhiêu việc phải làm mà.
- Chào anh Mike! - Ông ta nói giọng dứt khoát, kéo ghế ngồi, vắt chéo chân chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện quan trọng.
- Chào Rudy, - tôi chưa bao giờ gọi ông ta như thế trước mặt. Chỉ có người vợ hiện thời của ông ta và những người chung vốn trong công ty gọi ông ta như thế.
- Anh chui ở đâu ra thế? - ông ta hỏi không một chút thương xót.
- Ở Memphis.
- Memphis?
- Phải. Tôi cần thăm cha mẹ tôi, vả lại ở đấy có một bác sĩ tâm thần của gia đình chúng tôi.
- Bác sĩ tâm thần à?
- Phải, ông ta khám cho tôi trong vài ngày.
- Khám cho cậu à?
- Phải, một trong số những người oanh liệt lắm lắm ấy với những tấm thảm Ba Tư đắt tiền, cá hồi đen trong bữa ăn tối. 1.000 đô một ngày đấy.
- Cậu ở đấy 2 ngày à?
- Phải. - Tôi đáp, lời nói dối không làm bận lòng tôi, tôi cũng chẳng cảm thấy khó chịu bởi vì chuyện này chẳng là cái quái gì cả. Công ty có thể trở nên khắc nghiệt thậm chí độc ác khi nó muốn thế, và tôi cũng chẳng có tâm trạng nào nghe Rudolph quở mắng. Ông ta thừa lệnh của hội đồng quản trị, và ông ta sẽ phải báo cáo với họ ngay khi rời khỏi phòng tôi. Nếu tôi làm ông ta thoải mái, bản báo cáo sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, bộ sậu bên trên sẽ thở dài nhẹ nhõm. Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn, ít ra là trong một khoảng thời gian ngắn.
- Lẽ ra cậu phải gọi cho một ai đó. - Ông ta nói giọng vẫn cứng rắn nhưng không còn chắc chắn như trước.
- Đúng thế Rudolph, tôi đã không gọi điện thoại. - Giọng đau khổ của tôi đã làm ông ta dịu lại.
- Cậu ổn chứ? - sau một hồi im lặng ông ta hỏi.
- Tôi rất khỏe.
- Cậu khỏe ư?
- Bác sĩ bảo tôi khỏe.
- 100% chứ?
- 110%. Không có vấn đề gì hết. Tôi cần được nghỉ ngơi một thời gian, thế thôi. Tôi khỏe. Trở về với công việc với toàn bộ sức lực.
Đó là điều mà Rudolph muốn nghe, ông ta mỉm cười nhẹ nhõm và nói:
- Chúng ta có nhiều việc phải làm lắm.
- Tôi hiểu và tôi không đợi được.
Ông ta gần như chạy ra khỏi phòng tôi. Ông ta sẽ chạy thẳng đến điện thoại báo cáo ngay với một trong những người nắm quyền điều khiển công ty. Tôi khóa cửa và tắt đèn rồi mất một giờ đau khổ ngồi phủ đầy giấy tờ và những bản tính toán trên bàn làm việc. Chẳng cái gì ra cái gì nhưng ít nhất thì tôi cũng đã ngồi làm việc kiếm tiền theo giờ. Khi không chịu nổi nữa, tôi đứng dậy nhét những bản nhắn tin điện thoại đầy túi quần rồi chuồn, tôi biến luôn mà không bị bắt gặp.
Tôi dừng xe trước một cửa hàng lớn bán đồ hạ giá ở Massachusetts và mua một ít đồ, kẹo và đồ chơi cho con nít, xà bông tắm cho cả nhà, giày vớ các loại cho trẻ con, và một bịch lớn tã giấy. Tôi chưa bao giờ tiêu hết 200 đô mà lòng vui đến thế.
Tôi sẽ trả bất cứ cái gì cần thiết để có một chỗ ở ấm áp cho họ. Nếu chỉ là phòng trọ trong một tháng thì không có vấn đề gì. Họ sẽ mau chóng trở thành khách hàng của tôi. Tôi sẽ đe dọa, sẽ kiện tụng với một sự báo thù khủng khiếp cho đến khi họ có được một mái nhà thật sự. Tôi nóng lòng muốn kiện một ai đó.
Tôi đậu xe phía bên kia nhà thờ không còn sợ như đêm trước nhưng vẫn còn ớn thật sự. Tôi khôn ngoan để tất cả những gói đồ trên xe. Nếu tôi bước vào nhà thờ như một ông già Noel thì sẽ gây nên một cảnh náo loạn mất. Ý định của tôi là đem gia đình họ ra khỏi đây, đưa họ đến một nhà trọ, thuê cho họ một phòng, chắc chắn rằng họ được tắm rửa sạch sẽ được tẩy trùng cẩn thận, sau đó cho họ ăn đến no phè ra thì thôi, chú ý để họ được chăm sóc về mặt y tế cẩn thận, có thể mua cho họ giầy và quần áo ấm, rồi lại cho họ ăn lần nữa. Tôi không quan tâm đến việc chuyện đó sẽ làm tôi tốn bao nhiêu thời gian hoặc tiền bạc.
Mà tôi cũng chẳng quan tâm đến việc người ta có thể nghĩ rằng tôi là một thằng da trắng giàu có làm những chuyện như vậy để cứu chuộc tội lỗi của hắn.
Bà Dolly vui vẻ khi thấy tôi, bà cất tiếng chào và chỉ cho tôi một đống rau quả còn chưa lột vỏ. Dù vậy, thoạt đầu tôi cũng nhìn xem có Ontario và gia đình nó không, nhưng không thấy. Họ không ở chỗ hôm qua vì thế mà tôi đi loanh quanh trong tầng hầm. Bước qua và đi vòng quanh hàng chục người nằm ngổn ngang. Gia đình Ontario không ở trong điện thờ chính cũng như ở ngoài ban công.
Tôi tán chuyện với bà Dolly trong khi tôi gọt khoai tây. Bà vẫn nhớ gia đình hôm qua nhưng họ đã không còn ở đây khi bà quay lại vào lúc 9 giờ.
- Họ có thể đi đâu nhỉ? - Tôi băn khoăn.
- Ồ, cưng ơi nhũng người này như dân du mục ấy. Họ đi từ bếp này sang bếp khác, trại này sang trại khác. Có thể cô ta nghe đâu là có phô mai ở Brightwood, hoặc là người ta phát chăn mền ở đâu đấy. Cô ta có thể có một việc gì đó ở một cửa hàng McDonald nào đó, và cô ấy đi làm để bọn trẻ con cho bà chị trông nom. Cưng sẽ không bao giờ biết được. Họ chẳng bao giờ ở nguyên một chỗ.
Tôi thực sự nghi ngờ cái khả năng mẹ của Ontario có một việc làm nhưng tôi chẳng muốn cãi lại bà Dolly ngay trong bếp của bà.
Mordecai đến trong khi người ta xếp hàng chờ bữa ăn trưa. Tôi nhìn thấy ông trước khi ông nhìn thấy tôi và khi mắt chúng tôi gặp nhau khuôn mặt ông nở hoa.
Một người tình nguyện mới làm bánh sandwich, Mordecai và tôi đứng ở bàn phục vụ, nhúng cái muôi vào nồi súp và đổ vào những cái tô nhựa. Đó cũng là một nghệ thuật, quá nhiều nước người ta sẽ lườm anh ngay. Quá nhiều rau thì sẽ chẳng còn gì trong nồi nước súp. Mordecai đạt đến một kĩ thuật hoàn hảo trong những năm qua. Tôi nhận được vài cái lườm trước khi tôi có thể làm việc trôi chảy. Mordecai nói những lời dễ thương với những người mà chúng tôi trao cho tô súp: Xin chào, Chào buổi sáng, Anh (chị) thế nào? Rất vui khi được gặp ông (bà)... Một số người chào lại, có những người một mực không nhìn lên. Đúng giữa trưa, các cửa ra vào trở nên đông hơn và hàng người càng dài hơn. Nhiều người tình nguyện nữa xuất hiện và bếp ăn rào rào thứ âm thanh dễ chịu của tiếng va chạm bát đĩa và những con người hạnh phúc bận rộn với công việc của họ. Tôi vẫn ngóng tìm Ontario, ông già Noel xuất hiện mà những đứa trẻ của ông vẫn chưa thấy tăm hơi.
Chúng tôi đợi cho đến khi hàng người đã vãn hẳn, rồi múc mỗi người một tô. Các bàn đã đầy người vì thế chúng tôi ăn trong bếp, tựa lưng vào bồn rửa chén.
- Ông có nhớ vụ thay tã hôm qua không? - Tôi hỏi giữa hai miếng ăn.
- Làm như tôi có thể quên ấy.
- Tôi không thấy họ hôm nay.
Ông nhai nhai và nghĩ trong vòng mấy giây:
- Họ vẫn còn ở đây khi tôi rời đây sáng nay.
- Lúc mấy giờ?
- 6 giờ họ vẫn ngủ ở góc ấy đấy.
- Bây giờ họ đang ở đâu?
- Cậu sẽ không bao giờ biết được.
- Thằng nhỏ bảo tôi rằng họ sống trong một cái xe.
- Cậu nói chuyện với nó hả?
- Phải.
- Và bây giờ cậu muốn tìm nó phải không?
- Phải.
- Đừng bận tâm đến điều đó.
Sau bữa trưa mặt trời lại ló ra và đám người bắt đầu di chuyển. Từng người từng người một họ đi đến bàn phục vụ lấy một trái táo hoặc một trái cam rồi rời tầng hầm.
- Những người vô gia cư này rất dễ bị kích động, - Mordecai giải thích trong lúc chúng tôi quan sát họ, - họ thích đi lang thang. Họ có những nghi thức, thói quen, những địa điểm ưa thích, bạn bè trên các đường phô và những việc phải làm nào đó. Rồi họ quay về công viên hay các ngõ hẻm đào từ trong tuyết ra.
- Lúc này bên ngoài là 20 độ. Sẽ gần zero tối nay.
[20 độ F = - 6,6 độ C; 0 độ F = - 17,7 độ C]
- Họ sẽ quay về đây. Chờ đến ti nơi này sẽ lại đông nghẹt. Chúng ta đi một vòng đi.
Chúng tôi qua chỗ bà Dolly, xin phép được ra ngoài một chút. Mordecai lái một chiếc Ford Taurus cũ mèm đậu ngay cạnh chiếc Lexus của tôi.
- Cái này sẽ không thọ ở đây đâu, - ông nói chỉ vào chiếc xe của tôi, - nếu cậu định lui tới nơi này, tôi cho rằng cậu phải đổi xe khác thôi.
Tôi chả dám nghĩ đến việc chia tay chiếc xe tuyệt vời của tôi. Tôi cảm thấy gần như bị xúc phạm.
Chúng tôi chui vào chiếc Taurus và chiếc xe rời khỏi bãi. Trong vòng vài phút tôi đã biết rằng Mordecai là một tay lái xe rất liều mạng. Tôi định thắt chặt dây an toàn nhưng nó đã bị đứt. Ông không nhận thấy điều này.
Chúng tôi đi qua những đường phố nghèo vùng tây bắc Washington, qua những khối nhà, những dãy nhà vuông chằn chặn, qua những khu vực dữ dội đến nỗi không một tài xế lái xe cấp cứu nào chịu vào đây, qua những trường học mà dây thép gai buông tua tủa từ trên nóc xuống, vào cái vùng hiện nay đang nổi tiếng vì những vụ bạo loạn.
Mordecai là một hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời. Mỗi một tấc đất ở đây đều là của ông, mỗi một góc phố đều có một câu chuyện để kể, mỗi một con đường đều có một lịch sử. Chúng tôi đi qua nhiều trại và bếp ăn cho người nghèo. Ông biết tất cả các đầu bếp và các ông cha cố. Nhà thờ nào tốt nhà thờ nào không tốt với những nguyên tắc cứng nhắc. Những nhà thờ này không những không mở cửa cho những người vô gia cư mà còn khóa chặt cửa với họ nữa. Ông chỉ cho tôi trường luật ở Howard một cách rất tự hào. Ông học luật ở đây trong năm năm, học buổi tối còn ban ngày thì làm việc ở hai nơi, một nơi làm toàn bộ thời gian, một nơi bán thời gian. Ông chỉ cho tôi một dãy nhà bị cháy nơi mà những kẻ buôn ma túy đã từng đóng ở đây. Con trai thứ ba của ông, Cassius, bị giết ngay ở lề đường đằng trước.
Khi chúng tôi đi đến gần văn phòng của ông, ông hỏi liệu ông có thể ghé qua một lát kiểm tra xem có thư không. Tôi chẳng có ý kiến gì. Tôi chỉ đi theo ông thôi mà.
Ngôi nhà tối mò, lạnh và trống trải. Ông bật điện lên và bắt đầu nói chuyện.
- Chỗ chúng tôi có ba người. Tôi, Sofia Mendoza và Abraham Lebow. Sofia chỉ là một người làm công tác xã hội, nhưng hiểu biết của bà ta về luật đường phố còn nhiều hơn của cả tôi và Abraham cộng lại.
Tôi đi theo ông quanh những chiếc bàn bừa bộn giấy tờ.
- Đã từng có tới 7 luật sư làm việc ở đây, tin được không? Đó là lúc mà chúng tôi có được tiền của liên bang rót xuống cho những dịch vụ tư vấn luật pháp từ thiện. Bây giờ thì nhờ đảng Cộng hòa mà chúng tôi không có lấy một xu. Ở đây có ba văn phòng, cả ba cái đều ở bên phía này. - Rồi ông chỉ khắp mọi hướng. - Nhiều chỗ còn trng lắm.
Có thể là chỉ thiếu về nhân sự, còn thì khó có thể bước qua nơi này mà không vấp phải những giỏ hồ sơ và hàng đống sách luật cũ.
- Ai làm chủ cơ sở này?
- Quỹ Cohen Trust. Leonard Cohen là người sáng lập ra một hãng luật lớn ở New York. Ông chết vào năm 86, chắc cũng phải ngoài trăm tuổi. Ồng làm ra cả đống vàng và vào cuối đời ông quyết định chết cũng chẳng mang theo được gì. Vì thế ông bắt đầu làm một điều gì đó để lại cho đời, một trong những việc làm đó là xây dựng một quỹ ủy thác giúp những luật sư nghèo làm việc cho những người vô gia cư. Đó là lí do ra đời của cơ sở này. Quỹ này có ba cơ sở - ở đây, New York và ở Newark. Tôi được tuyển vào làm ở đây năm 83 và trở thành giám đốc năm 84.
- Tất cả tiền vốn hoạt động của chỗ ông là đều từ một nguồn hả?
- Gần như thế. năm ngoái tổ chức này cấp cho chúng tôi 110.000 đô. Năm trước nữa là 150.000 đô vì thế mà chúng tôi mất một luật sư. Một ngày một ít đi. Quỹ này làm ăn kém vì thế mà ngày càng ăn vào vốn. Tôi nghi rằng chúng tôi chỉ tồn tại được 5 năm có thể là 3 năm.
- Các ông không làm ra tiền à?
- Ô có chứ. Năm ngoái chúng tôi kiếm được 9.000 đô. Nhưng mà kiếm tiền cần có thời gian. Chúng tôi có thể tư vấn luật hoặc kiếm tiền. Sofia thì không hòa hợp với người khác, Abraham thì là một thằng ngốc cục cằn gàn dở từ New York đến. Tất cả chỉ trông vào tôi và tính cách quyến rũ của tôi thôi.
- Tổng chi phí là bao nhiêu? - tôi hỏi chỉ cho có chuyện thôi chứ không thật sự quan tâm. Hầu hết các tổ chức phi lợi nhuận đều cho đăng những báo cáo hàng năm về hoạt động và con số thu chi của mình.
- Hai ngàn một tháng. Sau khi chi những phí tổn và một khoản tiền bảo quản nhỏ, ba chúng tôi chia nhau 98.000 đô. Chia đều. Sofia cho rằng bà ta cũng là một người chung vốn toàn phần. Thành thực mà nói, chúng tôi sợ tranh luận với bà ta. Tôi mang về nhà cho vợ gần 30.000 đô, số tiền mà như tôi biết được gần bằng con số trung bình của một luật sư nghèo. Ồ chào mừng anh đến với đường phố.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng vào đến phòng ông, và tôi ngồi đối diện với ông.
- Ông có quên trả tiền cho hệ thống sưởi không đấy? - tôi hỏi, run lẩy bẩy vì lạnh.
- Chắc chắn rồi. Chúng tôi không làm việc nhiều vào cuối tuần mà. Tiết kiệm tiền. Chỗ này không thể làm lạnh đi hay nóng lên được.
Điều này sẽ chẳng bao giờ khiến bất cứ một ai ở Drake & Sweeney bận tâm. Đóng cửa vào ngày cuối tuần. Để tiết kiệm tiền. Và còn những cuộc hôn nhân nữa chứ.
- Và nếu chúng tôi để cho nơi này quá tiện nghi thì khách hàng sẽ không chịu đi cho. Vì thế mà nó phải lạnh vào mùa đông và nóng vào mùa hè thì mới có chỗ mà thở. Cậu uống cà phê nhé?
- Không. Cảm ơn.
- Tôi chỉ nói đùa thôi, cậu biết đấy. Chúng tôi không làm điều gì để cho họ phải rời đây. Thời tiết chẳng có gì quan trọng ở đây cả. Khách hàng của chúng tôi đều lạnh và đói, thì tại sao chúng tôi lại quan tâm đến vấn đề này. Cậu có cảm thấy áy náy khi cậu ăn điểm tâm sáng nay không?
- Có.
Ông tặng tôi nụ cười của một người có tuổi và khôn ngoan đã nhìn thấy trước mọi chuyện.
- Điều này rất bình thường. Chúng tôi từng làm việc với rất nhiều luật sư trẻ từ những công ty lớn, những chàng trai tình nguyện như tôi vẫn gọi họ, và tất cả đều nói với tôi rằng họ ăn mất cả ngon trong những ngày đầu. - Ông vỗ vào bụng mình. - Nhưng rồi cậu sẽ quen thôi.
- Những người tình nguyện này làm gì? - tôi hỏi. Tôi biết mình đang đến gần mồi câu, và Mordeccai biết điều mà tôi biết.
- Chúng tôi cử họ đến các trại. Họ gặp gỡ các khách hàng và chúng tôi hướng dẫn họ xử lí. Đa số các trường hợp này rất dễ giải quyết, chỉ cần một luật sư sủa vào máy điện thoại một kẻ quan liêu nào đó không chịu làm việc. Tem phiếu thực phẩm, tiền dành cho cựu chiến binh, trợ cấp nhà, bảo hiểm y tế, tiền trợ cấp nuôi con - khoảng 20% công việc của chúng tôi liên quan đến tiền trợ cấp các kiểu.
Tôi lắng nghe chăm chú, và ông có thể đọc được ý nghĩ củạ tôi. Ông bắt đầu thôi miên tôi.
- Cậu biết đấy Michael, những người vô gia cư không có tiếng nói trong cộng đồng. Không ai nghe họ, không ai quan tâm và họ cũng chẳng trông mong có người giúp đỡ. Vì thế mà khi họ cần dùng điện thoại để hỏi về những khoản trợ cấp dành cho họ, lời nói của họ chẳng có kí lô gì. Họ cứ phải chờ đợi, mãi mãi. Những cú điện thoại của họ chẳng bao giờ được trả lời. Họ không có một địa chỉ. Những tên cạo giấy chẳng thèm quan tâm tới họ. Và thế là họ phải bấu víu vào một ai đó mà họ trông mong sẽ giúp họ. Một người làm công tác xã hội có kinh nghiệm ít nhất cũng làm cho những tên quan liêu đó lắng nghe anh ta nói, có thể khiến hắn nhìn vào hồ sơ và trả lời một cú điện thoại. Nhưng mà nếu anh có một luật sư sủa nhặng xị vào máy điện thoại thì được việc đấy. Bọn quan liêu sẽ phải nhúc nhắc chân tay. Bộ máy sẽ chuyển động cho ra những giấy tờ cần thiết. Không có địa chỉ ư? Không thành vấn đề. Gửi chi phiếu cho tôi tôi sẽ chuyển đến cho khách hàng.
Giọng của ông cất cao lên, tay ông vung vẩy trong không khí. Và quan trọng hơn hết mọi chuyện khác Mordecai là một người có tài ăn nói hoàn hảo. Tôi cho rằng ông biết cách gây được ảnh hưởng tt với một bồi thẩm đoàn.
- Có một chuyện rất buồn cười, - ông nói tiếp. - Cách đây khoảng một tháng, một trong những khách hàng của chúng tôi đến văn phòng An sinh xã hội để xin một tờ khai xin trợ cấp, một chuyện hết sức thông thường thôi. Ông này 60 tuổi và bị chứng đau lưng kinh niên. Cứ ngủ trên vỉa hè và ghế đá trong vòng 10 năm thì cậu cũng bị thế thôi. Ông ta xếp hàng ngoài văn phòng 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng vào được bên trong, đợi thêm một tiếng nữa, cuối cùng cũng đến được cái bàn đầu tiên, cố gắng giải thích điều ông ta muốn, đụng ngay phải một bà chằng, cô này chắc có lẽ gặp phải một ngày khó ở. Cô ta thậm chí nhắc cả đến cái mùi khó ngửi của ông già. Tất nhiên ông ta lấy làm nhục nhã lắm, ông ta ra về chẳng có giấy má gì hết chọi. Ông ta gọi cho tôi. Tôi làm loạn lên trên điện thoại, và thứ Tư tuần trước chúng tôi có một bữa tiệc nhỏ ngay tại văn phòng của sở An sinh xã hội. Tôi đến đấy cùng với khách hàng của tôi, cô thư kí cũng ở đấy cùng với sếp của cô ta và sếp của sếp cô ta, rồi giám đốc sở, một ông lớn từ bộ An sinh xã hội. Người thư kí đứng trước mặt khách hàng của tôi đọc tờ xin lỗi dài một trang. Nó được viết rất hay rất cảm động. Sau đó cô ta trao cho tôi những mẫu đơn xin trợ cấp, và tôi được tất cả những người có mặt đoan chắc là những lá đơn này sẽ được chú ý tới tức thì. Đó là sự công bằng, Michael ạ, đó là điều mà luật đường phố nhắm đến. Đó là nhân phẩm.
Các câu chuyện cứ tuôn ra bất tận, tất cả đều kết thúc với một kết cục có hậu, những luật sư đường phố là những gã trai tốt bụng và những người vô gia cư rốt cục là những người chiến thắng. Tôi biết là ông đã dự trữ cả một kho những chuyện như vậy, những chuyện thương tâm cảm động, và có lẽ cũng thêm thắt nhiều, nhưng mà ông cũng dựa trên những cơ sở thực tế.
Tôi quên mất thời gian. Ông thì chẳng nói gì đến thư từ cả. Cuối cùng chúng tôi trở lại trại.
Đó là một giờ trước khi trời tối hẳn, tôi nghĩ đến việc chui vào trong tầng hầm ấm cúng, trước khi những băng tội phạm hoành hành trên đường phố. Tôi thấy mình bước đi chậm rãi tự tin bên cạnh Mordecai. Tôi đi xuyên qua màn tuyết, hơi cúi xuống, đôi chân nóng vội hầu như không chạm đất.
Bà Dolly bằng một cách nào đó kiếm được cả mấy con gà còn nguyên con, và đang bầy ra đợi tôi. Bà nấu nước luộc gà còn tôi thì xé những miếng thịt còn nóng hổi.
Vợ của Mordecai, JoAnne cũng ra nhập bọn với chúng tôi vào giờ cao điểm. Bà cũng dễ thương như đức ông chồng và cũng cao gần bằng ông. Hai người con trai đều cao tới 2 mét còn Cassius thì cao đến trên hai mét mốt, một ngôi sao mới của đội bóng rổ chuyên nghiệp khi cậu bị bắn vào lúc 17 tuổi.
Tôi ra về vào lúc nửa đêm. Chẳng thấy tăm hơi Ontario và gia đình của bé.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét