Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

Luật Sư Nghèo - Chương 18

Luật Sư Nghèo

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Hồng Vân
NXB Văn Nghệ TP HCM - 2001

Chương 18

Bài học đầu tiên của tôi kéo dài 30 phút, trong lúc chúng tôi lái xe từ chỗ làm tới tòa nhà Samaritan ở Petworth, phía Đông bắc. Mordecai cầm lái và cầm chịch câu chuyện, tôi ngồi yên lặng, nắm chặt chiếc cặp trong lòng run rẩy như bất kì một tên lính mới tò te nào chuẩn bị làm mồi cho sói. Tôi mặc quần jean, áo sơ mi trắng thắt cà vạt, bên ngoài khoác một chiếc blouson lính thủy cũ, chân mang một đôi giày tennis hiệu Nike đã cũ và vớ trắng. Tôi không cạo râu nữa. Tôi là một luật sư của đường phố, và tôi có thể ăn mặc theo cách mà tôi muốn.
Mordecai tất nhiên là đã nhận ra sự thay đổi trong cách ăn mặc của tôi khi tôi bước vào phòng làm việc của ông và tuyên bố rằng tôi đã sẵn sàng bắt tay vào việc. Ông chẳng nói gì hết nhưng con mắt của ông dừng lại ở đôi giày cũ kĩ. Ông đã từng thấy nó ở dưới chân những luật sư sang trọng của những công ty lớn tạm rời cái tháp ngà của họ vài giờ để làm việc với người nghèo. Vì một lí do nào đó họ thấy mình bắt buộc phải để râu và ăn mặc thật nhếch nhác.
- Khách hàng của cậu là một hỗn hợp những cái một phần ba, - ông nói, lái xe rất ẩu chỉ với một tay, tay kia cầm li cà phê, lờ tất cả các phương tiện xe cộ khác trên đường. - Vào khoảng một phần ba là những người có việc làm, một phần ba là những gia đình có trẻ con, một phần ba là những bệnh nhân tâm thần và một phần ba là cựu chiến binh. Vào khoảng một phần ba những người có quyền hưởng trợ cấp nhà ở nhận được khoản tiền đó. Trong khoảng 15 năm qua người ta cắt béng hai triệu rưỡi đơn vị gia cư giá rẻ, chương trình hỗ trợ nhà ở của liên bang cũng bị cắt giảm 70%. Chẳng có gì ngạc nhiên về số người sống lang thang trên đường. Chính phủ cân bằng ngân sách trên lưng những người nghèo.
Những con số thống kê cứ tuôn ra rào rào không cần một cố gắng nào cả. Đó là cuộc đời và sự nghiệp của ông. Vốn là một luật sư được đào tạo bài bản trong những việc ghi chép tỉ mỉ tôi phải tự đấu tranh với mình để không mở cặp ra và hí hoáy ghi ghi chép chép. Tôi chỉ lắng nghe.
- Những người này có thu nhập ở mức tối thiểu vì vậy một ngôi nhà tầm tầm là chuyện không dám nghĩ đến. Thậm chí họ cũng chẳng dám mơ nữa. Số tiền họ kiếm được không theo kịp với đà leo thang giá nhà. Càng ngày họ càng bị bỏ xa lại phía sau, cùng lúc đó các chương trình trợ cấp cũng gặp nhiều trở ngại hơn. Hãy nhớ điều này chỉ có 14% những người tàn tật vô gia cư nhận được khoản tiền trợ cấp này. 14%! Rồi cậu sẽ gặp nhiều trường hợp như thế.
Chúng tôi khựng lại trước đèn đỏ, chiếc xe của ông lao một phần ra giữa đường. Còi xe hú lên ở tứ phía. Tôi thụp sâu trong ghế xe, đón nhận một sự va chạm nữa. Mordecai không có một chút ý niệm nào về việc xe của ông đang di chuyển trong giờ cao điểm. Ông chỉ đơn giản nhìn về phía trước, vào một thế giới khác.
- Điều đáng sợ trong cuộc sống của những người vô gia cư thì cậu sẽ không nhìn thấy trên đường phố. Vào khoảng một nửa những người nghèo này xài 70% thu nhập của họ trong cái cố gắng giữ cho được cái mái nhà trên đầu họ. Bộ gia cư và phát triển đô thị nói rằng họ trả một phần ba. Vậy là có khoảng hàng chục ngàn người ở đây khư khư bám lấy ngôi nhà của họ; rồi chỉ một lần mất chi phiếu, hay là một lần vô bệnh viện, hay một lần cấp cứu không mong đợi thế là mất nhà.
- Vậy thì họ đi đâu?
- Hiếm khi nào họ đi thẳng đến các trại dành cho họ. Đầu tiên họ đến ở với gia đình, bè bạn. Điều này làm cho số người mất nhà tăng thêm vì rằng họ hàng hay bạn bè của họ thì cũng chỉ có những ngôi nhà thuê ngắn hạn, còn hợp đồng thuê nhà thì hạn chế số người sống trong một căn hộ. Vì họ buộc phải vi phạm hợp đồng thế là cả những người họ hàng hoặc bạn bè kia cũng bị đuổi. Họ cứ chuyển vòng vòng. Khi thì họ để một đứa con này cho một người chị, một đứa khác cho một người bạn. Sự việc càng ngày càng tệ hơn. Rất nhiều kẻ không nhà sợ phải vào trại, họ cố gắng một cách tuyệt vọng để điều đó không xảy ra.
Ông dừng lại đủ lâu cho một hụm cà phê. Tôi hỏi:
- Tại sao vậy?
- Không phải tất cả các trại đều tốt. Ở đấy cũng có cướp bóc, tấn công thậm chí cả hãm hiếp nữa.
Và đấy là nơi mà tôi được mong đợi trải qua quãng đời còn lại trong sự nghiệp luật sư của mình.
- Tôi quên mang súng, - tôi nói.
- Cậu sẽ ổn thôi. Có hàng trăm người tình nguyện trong thành phố và tôi chưa từng nghe thấy có ai đó bị tổn hại.
- Thật là một tin tức tốt lành.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, phần nào có an toàn hơn.
- Có khoảng một nửa khách hàng của chúng ta có vấn đề lạm dụng chất gây nghiện, như anh bạn DeVon Hardy của chúng ta. Chuyện thường ngày ở huyện.
- Ông có thể làm gì cho họ?
- Tôi sợ rằng cũng chẳng được bao nhiêu. Cũng còn lại một số chương trình nhưng thật khó mà tìm ra một cái giường trống. Chúng tôi cũng đã tìm được một chỗ trong một trại phục hồi cho cựu chiến binh nhưng hắn lại bỏ đi. Những người nghiện quyết định khi nào cần cai nghiện.
- Ông ta nghiện thứ gì?
- Rượu. Vì đó là thứ dễ mua nhất. Có nhiều kẻ nghiện rượu hơn vì nó cũng rẻ nữa. Cậu sẽ chứng kiến rất nhiều chuyện, các loại ma túy thì đắt hơn.
- Năm ca đầu tiên của tôi như thế nào nhỉ?
- Hồi hộp lắm phải không?
- Vâng và tôi chẳng có một ý niệm nào hết.
- Cứ thoải mái đi. Công việc cũng chẳng có gì phức tạp hết, chỉ cần một sự kiên nhẫn thôi. Cậu sẽ gặp một người không nhận được tiền trợ cấp có thể là tem phiếu thực phẩm. Một vụ li dị. Một ai đó than phiền về chủ nhà. Một vụ tranh chấp về việc làm. Cậu sẽ chuẩn bị có cả những vụ phạm tội nữa.
- Thuộc loại nào?
- Chuyện vặt ấy mà. Một khuynh hướng trong các đô thị ở Mỹ là việc coi những người vô gia cư như những kẻ phạm pháp. Các thành phố lớn đã thông qua những đạo luật làm ra để ngược đãi những kẻ không nhà. Không được ăn xin, không được ngủ trên ghế, không được tạm trú dưới các gầm cầu, không được để những vật dụng cá nhân ở nơi công cộng, không được ngồi bên lề đường, không được ăn ở những chốn có người qua kẻ lại. Nhiều người trong số họ đã bị các phiên tòa đánh gục. Abraham đã từng làm được những điều tuyệt vời trong việc thuyết phục các vị quan tòa của liên bang rằng những luật tệ hại đó đã vi phạm đến quyền lợi trong tu chính án thứ nhất. Vì thế mà các thành phố đã chọn lọc lại một số điều luật, ví dụ như là việc đi la cà, sống lang thang, say ruợu nơi công cộng. Người ta nhắm vào những người vô gia cư. Một số thằng ăn mặc bảnh chọe nốc đẫy vào trong những quán bar đứng tè ngay ở ngay lối đi, chẳng có chuyện gì sất. Nhưng một kẻ lông bông cũng làm bừa như thế chính ngay trên lối đi ấy thì sẽ bị tóm ngay vì tội danh phóng uế nơi công cộng. Bị quét đi là cái chắc.
- Quét đi ư?
- Phải. Người ta nhắm một khu vực nào đó, gom hết những kẻ lang thang lại và đẩy đến một chỗ nào đó. Atlanta làm như thế trước kì thế vận hội Olympic, không thể có chuyện chường ra cảnh những người ăn xin hoặc ngủ trên ghế đá trong công viên trước ông kính được truyền đi khắp thế giới - vì thế mà có những đội đặc biệt để làm sạch những vấn đề này. Sau đó thì người ta được dịp huênh hoang về việc thành phố này sạch sẽ như thế nào.
- Người ta đã tống những người vô gia cư đi đâu?
- Chắc chắn là họ cũng chẳng được đưa đến một cái trại nào vì người ta làm gì có những thứ đó. Người ta chỉ đơn giản là chuyển những người này vòng vòng từ chỗ này đến chỗ khác, dồn họ lại như những đống phân. - Mordecai ngừng lại làm một ngụm cà phê nữa trong khi tay còn lại chỉnh lò sưởi trên xe, chẳng có bàn tay nào trên tay lái trong vòng 5 giây. - Hãy nhớ điều này Michael, ai cũng phải có một nơi nào đó để chui ra chui vào nhưng những người này không có một sự lựa chọn nào khác. Nếu cậu đói thì cậu phải ngửa tay xin ăn thôi. Nếu cậu mệt thì cậu sẽ lăn ra ngủ ở bất cứ chỗ nào mà cậu tìm ra được. Nếu cậu là một kẻ lang thang thì cậu cũng phải có một nơi nào đó để sống chứ.
- Thế người ta có bắt họ không?
- Hàng ngày, và đó là một chính sách xã hội rất ngu ngốc. Lấy ví dụ một gã vô gia cư nào đó, có thể sống ở trong hay ngoài trại, làm công ở một đâu đó với đồng lương rẻ mạt, cố hết sức để không bị xuống dốc và tr thành người hữu dụng. Rồi anh ta bị bắt vì ngủ dưới gầm cầu. Anh ta cũng đâu có muốn ngủ ở đó nhưng ai rồi thì cũng phải có một chỗ nào để ngủ chứ. Anh ta trở thành người có tội bởi vì hội đồng thành phố, với cái sự khôn ngoan tuyệt vời của nó đã khiến những kẻ không nhà trở thành kẻ tội phạm. Anh ta phải trả 30 đô để ra khỏi tù và 30 đô nữa cho sự sạch sẽ của anh ta. Sáu mươi đô la chui ra khỏi cái túi vốn đã cạn kiệt. Thế là anh ta lại rơi vào một cái hố khác. Anh ta bị bắt giữ, bị làm nhục, bị phạt tiền, bị đánh đập và người ta cho rằng anh ta sẽ nhìn ra lỗi lầm trong cách sống và sẽ đi tìm một mái nhà. Tránh xa những đường phố khốn kiếp này. Điều tồi tệ vẫn thường xuyên xảy ra trong hầu hết các thành phố của chúng ta.
- Có thể là ở trong tù còn tốt hơn đối với anh ta.
- Lúc sau này cậu đã từng ở trong tù chưa?
- Chưa.
- Đừng bao giờ nhé. Cảnh sát không được huấn luyện để đối phó với vấn đề của những người vô gia cư, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến những rối loạn tâm thần và dân nghiện hút. Các trại giam đông nghẹt. Khởi sự nghiên cứu hệ thống pháp lí về tội phạm hình sự quả là một cơn ác mộng và ngược đãi những kẻ không nhà chỉ làm cho mọi việc thêm bế tắc. Và đây mới là chuyện ngu ngốc nhất: cần phải tốn thêm 25% chi phí mỗi ngày được giam giữ một kẻ vô gia cư hơn là cung cấp cho họ một chỗ trú, thức ăn, phương tiện đi lại và dịch vụ tư vấn. Những thứ này tất nhiên là có lợi ích lâu dài. Nhưng những thứ này tất nhiên cũng có ý nghĩa hơn. 25%! Mà đấy là chưa kể đến chi phí cho chuyện bắt bớ và các thủ tục pháp lí. Hầu hết các thành phố đều bị vướng vào chuyện này, đặc biệt là D.C. Đấy là lí do tại sao người ta đóng cửa các trại, nên nhớ rằng tuy vậy họ vẫn phung phí tiền bạc bằng cách biến những người vô gia cư thành tội phạm.
- Có vẻ như đã đến lúc khởi kiện rồi đấy. - Tôi nói, cho dù ông chẳng cần đến một sự gợi ý như vậy.
- Chúng tôi kiện cáo như điên ấy chứ. Luật sư ở khắp nơi trong nước đang tấn công vào những luật lệ này. Các thành phố đáng nguyền rủa này tốn tiền cho những thủ tục tố tụng này nhiều hơn là xây lều trại cho những kẻ vô gia cư. Cậu chắc là sẽ yêu mến đất nước này. New York thành phố giàu nhất thế giới lại không phải là mái nhà cho cư dân của nó vì thế mà người ta phải ngủ trên đường phố và ăn xin trên Đại lộ số 5 và chính điều này đã làm cho những người dân New York nhạy cảm phải nhức đầu, thế là họ bỏ phiếu cho thằng Rudy cái khỉ mốc gì đó, người hứa hẹn sẽ dọn sạch các đường phố và ông này đã khiến cho cái hội đồng các ông nghị bà nghị sạch sẽ cho ra những đạo luật cấm những người vô gia cư như là: không được ăn xin, không được ngồi bệt ở lối đi, không được phép không có nhà. Người ta cắt giảm ngân sách dùng cho người không nhà như điên, đóng cửa các trại, cắt giảm sự trợ giúp. Trong lúc đó thì họ trả hàng đống tiền cho các luật sư ở New York để biện hộ họ trước tội danh mưu loại bỏ người nghèo.
- Mọi chuyện ở Washington cũng tồi tệ như thế sao?
- Không tệ như ở New York, nhưng cũng chẳng tốt hơn, tôi e là thế. - Mordecai trả lời.
Chúng tôi đang ở một khu vực của thành phố mà cách đây hai tuần tôi chưa từng dám đi ngang qua giữa ban ngày dù là trong một chiếc xe bọc thép. Phía trước các cửa hiệu người ta làm những hàng chấn song sắt đen xì; những chung cư cao, cấu trúc cứng nhắc với vô số quần áo phơi dọc hàng rào. Mỗi một dãy nhà đều được xây bằng gạch xám, mỗi một dãy đều được đánh dấu bằng một kiểu kiến trúc chẳng ra kiểu quái gì bằng số tiền vội vã của liên bang.
- Washington là một thành phố đen, - ông tiếp tục, - với một số người cực giàu. Nó hấp dẫn biết bao người muốn thay đổi, những nhà hoạt động xã hội và những tay cấp tiến. Những người giống như cậu ấy.
- Tôi khó có thể trở thành một nhà hoạt động xã hội hay một tay cấp tiến.
- Bây giờ mới là sáng thứ Hai. Hãy nghĩ là cậu đã ở đâu những buổi sáng thứ Hai trong suốt 7 năm qua chứ.
- Ở bên bàn làm việc của tôi.
- Một cái bàn làm việc rất xịn.
- Phải.
- Trong một căn phòng riêng trang hoàng hết ý.
- Phải.
Ông ta chìa cho tôi một nụ cười rộng ngoác đến mang tai và nói:
- Bây giờ thì cậu là một người cấp tiến rồi đấy.
Và với câu nói đó thì bài học kết thúc.
Ngay phía bên phải là một nhóm những người trùm lên người một lùm quần áo to sù sụ chen chúc nhau bên một cái lò sưởi xách tay bằng khí đốt ở một góc phố. Chúng tôi rẽ đi bên cạnh họ, đậu xe bên vỉa hè. Tòa nhà vốn đã là một cửa hàng bách hóa nhiều năm về trước. Một cái biển sơn bằng tay có dòng chữ: Nhà Samaritan.
- Đây là một cái trại tư nhân. - Mordecai nói. - Chín mươi giường. Thức ăn khá lắm. Được tài trợ bởi một hiệp hội các nhà thờ ở Arlington. Chúng tôi đã đóng đô ở đây 6 năm.
Một chiếc xe tải nhỏ của ngân hàng thức ăn đậu ngay ngoài cửa; những người tình nguyện dỡ những hộp đựng thức ăn và rau quả. Mordecai nói chuyện với một quý ông đứng tuổi làm việc ở bên cửa ra vào và chúng tôi được phép vào trong.
- Tôi sẽ dẫn cậu xem qua một vòng. - Mordecai nói.
Tôi đi sát bên cạnh ông khi chúng tôi đi ngang qua tầng chính. Đó là một mê cung rối rắm với vô số những hành lang ngắn nối với những căn phòng nhỏ vuông chằn chặn được làm bằng gỗ dán không sơn. Mỗi một phòng có một cái cửa và một ống khóa. Một cái phòng m cửa, Mordecai ngó đầu vào và lên tiếng chào.
Một người đàn ông bé nhỏ có đôi mắt hoang dại ngồi bên mép võng chỉ ngó chúng tôi không nói gì.
- Đây là một căn phòng tốt đấy, - Mordecai nói với tôi. - Nó riêng tư, có một chiếc giường tiện lợi, có chỗ để đồ và có điện.
Ông ấn vào một công tắc ở gần cửa và một chùm ánh sáng từ một ngọn đèn nhỏ tắt lịm. Căn phòng bỗng trở nên tối hơn trong một giây sau đó ông lại bật công tắc lên. Nhưng đôi mắt hoang dại không hề chớp.
Căn phòng không có trần, những tấm ván cũ kĩ của chiếc tủ đựng đồ cũ mèm cao khoảng gần một mét.
- Thế còn phòng tắm thì sao? - Tôi hỏi.
- Ở phía sau. ít trại có phòng tắm riêng lắm. Chào một ngày tốt lành. - Mordecai nói với một người và người này gật đầu chào lại.
Radio mở oang oang ở nhiều nơi, nào âm nhạc nào tin tức. Người ta đi đi lại lại. Bây giờ mới là sáng thứ Hai mà người ta có nhiều việc để làm, nhiều nơi để đi mà.
- Khó mà kiếm được một phòng ở đây phải không? - Tôi hỏi cầm chắc câu trả lời.
- Gần như là không thể. Danh sách chờ đợi dài hàng dặm, và trại chắt lọc dữ lắm.
- Họ có thể ở đây bao lâu?
- Cũng còn tùy. Trung bình là ba tháng. Đây là một trong những cái trại tốt nhất vì thế mà ở đây khá an toàn. Ngay khi họ vừa ổn định thì người ta lại cố gắng chuyển họ đến một khu nhà có sẵn nào đó.
Mordecai giới thiệu tôi với một phụ nữ trẻ mang đôi ủng lính màu đen “Đây là luật sư mới của chúng ta” và đó cũng là lời miêu tả tôi. Cô ta chào mừng tôi đã đến trại. Hai người nói chuyện với nhau về một khách hàng nào đó đã biến mất còn tôi thì tiếp tục đi lang thang trong mê cung cho đến khi tôi tìm đến khu gia đình. Tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc và bước vào một cân phòng để ngỏ. Căn phòng có vẻ lớn hơn những phòng khác một chút và được ngăn đôi. Một người đàn bà to khỏe không lớn hơn cái tuổi 25 ngồi trên một chiếc ghế, ở trần đến thắt lưng đang cho con bú chẳng hề bi rối trước cái nhìn ngớ ngẩn của tôi đang đứng cách đấy chừng vài bước chân. Hai đứa trẻ vật lộn trên giường. Tiếng nhạc ráp phát ra từ radio.
Với bàn tay phải, người đàn bà nâng bầu vú còn lại và chìa nó cho tôi. Tôi chạy vọt ra hành lang đi tìm Mordecai.
Khách hàng đang đợi chúng tôi. Phòng làm việc là một góc phòng ăn gần bếp. Bàn làm việc là một chiếc bàn gấp mà chúng tôi mượn của người đầu bếp. Mordecai mở một tủ tài liệu ở trong góc và chúng tôi vào việc. Sáu người ngồi trên một hàng ghế dọc tường.
- Ai trước? - Ông lên tiếng và một người đàn bà tiến lên cùng với chiếc ghế trên tay. Bà ta ngồi trước mặt hai luật sư của mình, cả hai đều sẵn sàng giấy bút trong tay, một người là lão tướng trong luật đường phố, người kia chẳng có ý niệm gì hết.
Tên bà ta là Waylene, 27 tuổi, hai con và không chồng.
- Một nửa khách hàng là ở trong trại, - Mordecai nói với tôi trong khi chúng tôi ghi chép, - nửa kia là đến từ các đường phố.
- Chúng ta nhận bất cứ ai sao?
- Bất cứ ai không nhà.
Vấn đề của Waylene không có gì phức tạp. Cô ta làm việc ở một cửa hàng thức ăn nhanh trước khi nghỉ việc vì một lí do mà Mordecai nghĩ rằng không thích hợp và người chủ còn nợ cô ta hai kì lương. Bởi vì cô ta không có địa chỉ thường trú nên người chủ đã gửi chi phiếu đến sai địa chỉ. Những phiếu chuyển tiền biến mất người chủ không thèm quan tâm đến.
- Tuần tới cô sẽ ở đâu? - Mordecai hỏi.
Cô ta không biết chắc lắm. Có thể ở chỗ này có thể ở chỗ khác. Cô đang tìm việc và nếu cô tìm được, hoặc là một sự cố nào đó xảy ra và cô ta có thể chuyển đi chỗ khác sự việc cứ thế. Hoặc là tìm một chỗ nào cho cô ta.
- Tôi sẽ lấy tiền cho cô và tôi sẽ làm sao cho séc chuyển tiền sẽ được gửi đến văn phòng của tôi. - Ông nói chìa cho cô ta một tấm card rồi tiếp: - Hãy gọi cho tôi số này trong tuần nghe!
Cô ta cầm tấm card, cảm ơn rồi vội vã bỏ đi.
- Cậu hãy gọi đến chỗ này này, tự giới thiệu cậu là luật sư của cô ta. Đầu tiên hãy tỏ ra tử tế nhã nhặn, rồi thì làm ầm lên nếu như họ không chịu hợp tác. Nếu cần thiết thì cậu có thể ghé qua, và tự mình lãnh tiền về.
Tôi ghi lại những lời chỉ dẫn như thể chúng rối rắm lắm ấy. Tổng số tiền của Waylene là 210 đô. Cái vụ cuối cùng tôi làm việc cho Drake & Sweeney với tư cách là luật sư chống độc quyền trị giá 900 triệu đô.
Người khách hàng thứ hai không có khả năng nói lên được một vấn đề rắc rối cụ thể nào. Ông ta chỉ muốn nói chuyện với một ai đó. Ông ta nghiện rượu hoặc là bị thần kinh, có thể là cả hai, và Mordecai đã dẫn ông ta vào bếp rót cho ông ta một li café.
- Một số những người nghèo này không thể sống hòa mình được với những người xung quanh. - Mordecai nói.
Người thứ ba là người sống ở trong trại này, đã ở đây được hai tháng rồi vì thế mà vấn đề về địa chỉ trở nên đơn giản hơn. Bà ta 58 tuổi, sạch sẽ và gọn gàng, một quả phụ của một cựu chiến binh. Theo như những giấy tờ mà tôi đọc qua trong lúc người cộng sự của tôi nói chuyện với bà thì bà đang theo đuổi tiền trợ cấp cựu chiến binh. Nhưng séc chuyển tiền thì lại được chuyển đến một tài khoản ở một nhà băng ở Maryland, một nơi mà bà không có quyền sử dụng. Bà ta giải thích như vậy. Giấy tờ của bà rất phức tạp. Mordecai nói:
- Sở cựu chiến binh là một tổ chức tốt. Chúng tôi sẽ làm cho séc được gửi về đây.
Hàng người đông thêm trong khi chúng tôi làm việc một cách hiệu quả với các khách hàng. Mordecai đã thấy trước mọi vấn đề: tem phiếu thực phẩm cung cấp gián đoạn vì không có địa chỉ ổn định, chủ nhà từ chối hoàn lại số tiền đặt cọc, trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em không được trả, một lệnh bắt vì viết một séc giả, lời than phiền xù khoản tiền không đầy đủ của sở An sinh xã hội. Sau hai giờ làm việc và kết thúc với 10 khách, tôi chuyển tới một cái bàn khác và bắt đầu tự mình hỏi chuyện khách hàng. Trong cả một ngày làm việc đầu tiên của tôi với tư cách là một luật sư của người nghèo, tôi đã thực sự là tôi, ghi chép và hành động cũng đầy vẻ quan trọng như là chính người đồng nghiệp của tôi vậy.
Marvis là khách hàng đầu tiên của riêng tôi. Ông ta muốn li dị. Tôi cũng thế. Sau khi nghe câu chuyện buồn thảm của ông ta tôi muốn chạy ngay về nhà với Claire và cúi xuống hôn chân nàng. Vợ của Marvis là một gái điếm, người thoạt tiên cũng vào loại đàng hoàng cho đến khi bị dính vào ma túy. Nàng tiên nâu dẫn bà ta đến với một kẻ buôn bán ma túy rồi một tên ma cô, và cuối cùng ném bà ta ra ngoài đường. Trong suốt thời gian ấy bà ta ăn cắp rồi bán bất cứ thứ gì mà họ có và người chồng dính vào bao nhiêu là món nợ. Cuối cùng ông đã khánh kiệt. Bà ta dẫn hai đứa con và chuyển đến sống với tên ma cô nọ.
Ông ta có những câu hỏi chung về thủ tục li dị, và vì tôi chỉ biết những điều đơn giản nhất tôi đã cố gắng làm hết sức mình. Trong một lúc nào đó giữa những ghi chép của mình tôi sững người bởi cái cảnh tượng Claire cũng đang ngồi trong văn phòng sang trọng của luật sư của nàng, cũng chính lúc này để hoàn thành nốt kế hoạch giải phóng mối liên hệ giữa chúng tôi.
- Thủ tục li dị này mất bao lâu? - Marvis hỏi dứt tôi ra khỏi phút mơ màng ngắn ngủi.
- Sáu tháng. Ông có nghĩ là bà ta sẽ phản đối không?
- Ông muốn nói sao?
- Bà ta sẽ đồng ý li dị chứ?
- Chúng tôi còn chưa trao đổi về chuyện này.
Người đàn bà đã bỏ nhà đi hơn một năm rồi, nghe có vẻ như một vụ không quá khó khăn với tôi. Quy vào trường hợp ngoại tình, tôi hình dung là vụ này rất dễ giải quyết thôi.
Marvis vào trại này tuần trước. Ông ta lành mạnh đã được cai nghiện và đang tìm việc. Tôi sung sướng với nửa giờ làm việc cùng ông ta và hứa sẽ giúp ông ta thoát được mụ vợ.
Buổi sáng nhanh chóng trôi qua, sự hồi hộp của tôi biến mất. Tôi đã đi đến chỗ giúp những con người thực sự với những vấn đề thực sự, những con người bé nhỏ không có nơi nào để đi và không có người đại diện hợp thức. Họ bị áp đảo không chỉ bởi mình tôi mà còn cả cái thế giới rộng lớn còn lại của luật pháp, quy định, các phiên tòa, và các thủ tục hành chính. Tôi học được cách cười và làm cho họ cảm thấy thoải mái. Một số người xin lỗi vì không có tiền trả thù lao cho tôi. Tiền không quan trọng, tôi nói với họ như vậy. Quả thật đồng tiền không quan trọng.
Vào 12 giờ trưa mọi người ngồi ngay ở bàn làm việc ăn bữa trưa. Phòng ăn đông nghịt, món súp đã sẵn sàng. Vì chúng tôi đang ở ngay trong khu vực của mình chúng tôi dừng lại ăn ở Florida Avenue Grill. Tôi là khuôn mặt da trắng duy nhất trong hiệu ăn đông nghịt, nhưng mà tôi đã quen với việc này. Không có ai cố tìm cách thủ tiêu tôi hết. Mà cũng chẳng có ai quan tâm.
Sofia tìm thấy một chiếc máy điện thoại mà tình cờ làm sao nó vẫn còn dùng được. Nó nằm dưới một đống giấy tờ trên một cái bàn gần cửa ra vào. Tôi cảm ơn bà ta và rút lẹ vào sự riêng tư trong phòng làm việc của mình. Tôi đếm có 8 người lặng lẽ ngồi đợi Sofia, một người không phải là luật sư, để xin những lời khuyên cần thiết. Mordecai gợi ý rằng tôi nên dành buổi chiều để nghiên cứu về những trường hợp mà chúng tôi đã làm việc sáng nay ở nhà Samaritan. Tổng cộng có 19 trường hợp. Ông ta cũng ngụ ý rằng nếu tôi giải quyết mọi việc một cách hiệu quả tôi có thể giúp Sofia vào lúc đông khách.
Nếu tôi nghĩ rằng chẳng có bao nhiêu việc phải làm cho một luật sư đường phố thì tôi đã nhầm. Tôi bỗng nhiên cảm thấy đầu óc mình chứa đầy bao nhiêu vấn đề của những người khác. Cũng may là về cơ bản tôi là người tham việc và thích làm, cho nên tôi mau chóng thích hợp với nhịp độ công việc.
Tuy vậy cú điện thoại đầu tiên của tôi là về Drake & Sweeney. Tôi cần gặp Hector Palma ở bộ phận nhà đất, và phải đợi. Tôi bỏ máy xuống sau 5 phút, rồi lại gọi lại. Một thơ kí trả lời, lại bắt tôi đợi nữa. Cái giọng the thé của Braden Chance đột nhiên vang lên trong tai tôi:
- Tôi có thể giúp ông điều gì?
Tôi khó nhọc nuốt nước bọt và nói:
- Vầng tôi muốn gặp Hector Palma. - Tôi đã cố thay đổi giọng và nói lè nhè.
- Ông là ai? - Ông ta gặng hỏi.
- Rick Hamilton, một bạn học cũ.
- Anh ta không làm việc ở đây nữa, xin lỗi. - Ông ta nói rồi cúp máy. Tôi nhìn chằm chằm vào ống nghe. Tôi nghĩ đến việc gọi điện cho Polly nhờ cô ta thẩm tra lại xem chuyện gì đã xảy ra với Hector. Việc này sẽ không mất thời gian nhiều với cô ta. Hoặc là gọi cho Rudolph, hay là Barry Nuzzo, hoặc là một người phụ tá thân tín nào đó. Rồi tôi nhận ra rằng họ đã không còn là bạn tôi nữa. Tôi đã ra đi. Tôi đã vượt quá giới hạn cho phép. Tôi là kẻ thù của họ. Tôi đang có vấn đề và cấp trên cấm họ nói chuyện với tôi.
Có ba Hertor Palma trong cuốn sổ niên giám điện thoại. Tôi định gọi cho họ nhưng mà điện thoại bận liên tục. Văn phòng này chỉ có 2 số điện thoại mà có tới 4 luật sư.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét