Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

Luật Sư Nghèo - Chương 25

Luật Sư Nghèo

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Hồng Vân
NXB Văn Nghệ TP HCM - 2001

Chương 25

Tôi gõ vào cánh cửa nhà hàng xóm nơi Hector Palma đã sống và nghe một giọng phụ nữ cất lên:
- Ai đó?
Nhưng mà bà ta chẳng mở xích hoặc là mở khóa cả. Tôi đã suy nghĩ rất lâu mới có được cái mánh khóe này. Tôi đã tập dượt nó trong lúc lái xe đến Bethesda. Nhưng tôi vẫn không tin là mình có thể thuyết phục được.
- Bob Stevens, - tôi nói với vẻ khúm núm. - Tôi muốn hỏi Hector Palma.
- Ai? - Bà ta hỏi lại.
- Hector Palma, người hàng xóm của bà.
- Ông muốn gì?
- Tôi nợ ông ấy một ít tiền và tôi kiếm ổng để trả nợ vậy thôi.
Nếu tôi nói rằng tôi đi quyên góp tiền hoặc là làm một việc gì nghe không lọt tai lắm thì những người hàng xóm dễ có thái độ thiếu thiện cảm. Tôi nghĩ là cái cớ của tôi là một mẹo khá khôn ngoan.
- Ông ta chuyển đi rồi. - Bà ta nói vẻ lạnh nhạt.
- Tôi biết. Nhưng bà có biết ông ta chuyển đi đâu không?
- Không.
- Ông ta có để lại địa chỉ không?
- Không.
- Bà có thấy họ chuyển đi không?
Tất nhiên câu trả lời là có nhưng chẳng có cách gì moi thông tin từ bà ta. Thay vì sẵn lòng giúp đỡ bà ta lại có thể rút vào trong nhà và gọi nhân viên an ninh. Tôi lặp lại câu hỏi, bấm chuông lần nữa nhung chẳng có trả lời. Thế là tôi đi vòng sang căn hộ phía bên kia. Hai hồi chuông và cửa từ từ mở ra cho nhưng chiếc dây xích vẫn giữ cánh cửa lại, và một người đàn ông trạc tuổi tôi hiện ra với một chút nước sốt còn dính trên mép hỏi:
- Anh muốn gì?
Tôi nhắc lại cái câu chuyện về Bob Stevens. Anh ta chăm chú nghe tôi nói trong lúc mấy đứa con anh ta chạy ra từ phòng khách đến sau lưng anh ta. Một chiếc TV hỏng. Lúc ấy là 8 giờ ti và trời lạnh, tôi đã phá rối bữa ăn ti.
Nhưng anh ta không có vẻ bực mình.
- Tôi không hề biết anh ta. - Anh ta nói.
- Thế còn vợ anh ta?
- Không. Tôi hay vắng nhà lắm. Tôi đi suốt ấy mà.
- Thế vợ anh có biết họ không?
- Không. - Anh ta nói điều này quá nhanh.
- Anh hoặc vợ anh có nhìn thấy họ dọn đi không?
- Không. Chúng tôi không có ở nhà tuần vừa rồi.
- Anh có biết là họ đi đâu không?
- Không.
Tôi cảm ơn anh ta, quay lại gặp một nhân viên bảo vệ với cơ bắp nổi cuồn cuộn mặc đồng phục tay phải cầm một chiếc dùi cui bảnh chọe, đập đập nó vào bàn tay trái như một cảnh sát giao thông trong phim.
- Anh làm gì ở đây? - Hắn ta hằm hè hỏi tôi.
- Tôi tìm một người quen. Bỏ cái thứ ấy xuống. - Tôi nói.
- Chúng tôi không nghe những thỉnh cầu.
- Anh có điếc không đấy. Tôi đi tìm người quen chứ không xin xỏ gì hết. - Tôi đi qua anh ta về bãi để xe.
- Chúng tôi nhận được một lời khiếu nại. Anh phải rời khỏi đây ngay. - Hắn nói vào lưng tôi.
- Tôi đang làm thế đây.

Bữa tối gồm có món ăn bắp xào Tây Ban Nha và bia trong một chỗ vừa có thể ăn vừa vui chơi cách đấy không xa. Tôi cảm thấy an toàn hơn nếu như dùng bữa ở các quán ăn ngoại ô. Nhà hàng là loại rập theo một khuôn có sẵn, thuộc một chuỗi nhà hàng đang làm giàu lên với những quán rượu mới ở gần đó. Thực khách chủ yếu là những viên chức chính phủ trẻ tuổi trong khi cố gắng về nhà sớm vẫn không ngớt bàn luận về chính trị và các chủ trương trong lúc vừa nốc bia và la hét trong các trò chơi.
Sự cô đơn cũng có giá trị nhất định của nó. Vợ và bạn bè cũ của tôi đã bị bỏ lại phía sau. Bảy năm làm việc ở cái xưởng vắt mồ hôi - Drake & Sweeney - không phải là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tình bạn hoặc tình vợ chồng hay một cái gì tương tự như thế. Ở cái tuổi 32 tôi không còn phù hợp với cuộc sống độc thân nữa. Trong lúc tôi quan sát các trò vui và những người đàn bà trong quán, tôi tự hỏi lòng mình phải chăng tôi quay trở lại quán ăn này hay tìm đến những hộp đêm để tìm bạn. Chắc chắn là có những chỗ khác và những cách thức khác.
Tôi chán nản bỏ về.
Tôi lái xe chầm chậm qua thành phố, chẳng hề nóng lòng muốn quay về nhà. Tên của tôi có trong hợp đồng thuê nhà, được nạp vào một máy tính nào đó và tôi hình dung ra việc cảnh sát chẳng khó khăn gì tìm ra cái tổ của tôi. Nếu họ dàn xếp một cuộc bắt bớ thì tôi cho rằng chắc chắn nó sẽ diễn ra vào ban đêm. Họ chắc sẽ khoái làm cho tôi hoảng hồn bằng cách gõ cửa nhà tôi vào lúc nửa đêm, một chút thô bạo trong lúc khám xét tôi và bập cái còng số 8 vào tay tôi, đá vào cửa khi giải tôi đi, lôi tôi vào thang máy với một cái xiết chết người dưới cánh tay tôi, nhét tôi vào ghế sau của chiếc xe tuần tiễu và phóng thẳng đến nhà tù của thành phố nơi có lẽ tôi là thằng da trắng duy nhất có nghề nghiệp bị bắt vào ban đêm. Họ chắc sẽ chẳng làm điều gì khá hơn việc tống tôi vào một xà lim gồm một đám ma cô ô hợp và để tôi lại đấy để tự bảo vệ mình.
Tôi luôn mang 2 thứ bên mình, bất kể là tôi làm gì. Một là điện thoại cầm tay để tôi có thể gọi cho Mordecai ngay khi tôi bị bắt. Hai là một gói tiền gồm 20 tờ 100 đô dùng để đóng tiền tại ngoại với hi vọng là tôi có thể giải phóng cho mình trước khi tôi bị tống vào nhà giam.
Tôi đậu xe cách chỗ tôi ở hai khi nhà và nhìn mỗi chiếc xe trống với một mối lo sợ có một nhân vật khả nghi nào đó. Tôi cũng xem xét cẩn thận cái chòi áp mái của tôi, nó chưa bị ai đột nhập.
Phòng khách của tôi được đặt thêm hai chiếc ghế nhồi cỏ và một cái thùng bằng nhựa được dùng như một chiếc bàn con có chân dùng để uống cà phê. TV đặt trên một cái thùng khác. Tôi thích cách bày biện có nhiều khoảng trống ở đây và tôi quyết định sẽ sắp đặt theo cách mà tôi thích. Sẽ không có ai biết tôi sống như thế nào.
Mẹ tôi gọi cho tôi. Tôi mở nghe lại băng ghi âm. Ba mẹ tôi lo ngại cho tôi và muốn đến thăm tôi. Họ đã bàn bạc với anh trai Warner và có thể anh cũng sẽ đi cùng. Tôi gần như có thể hiểu được những phân tích của họ về cuộc sống mới của chúng tôi. Một ai đó phải làm cho tôi hiểu ra lẽ phải.
Cuộc biểu tình vì Lontae là câu chuyện nóng hổi ở kênh 11. Có một bức ảnh cận cảnh chụp năm cỗ quan tài đặt ở bậc tam cấp của tòa hành chính quận sau đó là hình ảnh những cỗ quan tài này diễu qua các phố phường. Mordecai đứng diễn thuyết trước đám đông. Những người tham dự đông hơn là tôi tưởng, con số ước tính lên đến 5.000 người. Thị trưởng thành phố không có ý kiến gì. Tôi tắt TV và bấm máy gọi Claire. Chúng tôi đã không liên lạc với nhau bốn ngày nay và tôi nghĩ rằng cũng nên nhóm lại một chút không khí ấm áp và làm tan lớp băng giá giữa chúng tôi. Chẳng gì thì trên danh nghĩa chúng tôi vẫn còn là vợ chồng. Cũng thật dễ chịu nếu như có thể ăn tối với nhau tuần một lần. Sau hồi chuông thứ ba một giọng lạ hoắc miễn cưỡng nói: “Hello”. Đó là một giọng đàn ông.
Trong một giây, tôi quá sững sờ để có thể đáp lại lời chào. Bây giờ là 11 giờ 30 tối thứ Năm. Claire có một người đàn ông ở với nàng tới lúc này. Tôi mới bỏ đi chưa được một tuần. Tôi đã định cúp máy nhưng rồi tôi cố gắng vượt qua giây phút đó và nói:
- Tôi muốn gặp Claire.
- Ai gọi đấy. - Hắn hỏi một cách xấc xược.
- Michael, chồng của cô ấy.
- Cô ấy đang tắm. - Hắn nói không giấu diếm sự thỏa mãn.
- Bảo cô ấy là có tôi gọi. - Tôi nói và cúp máy thật nhanh.
Tôi đi đi lại lại trong 3 căn phòng cho tới tận nửa đêm, sau đó thì mặc quần áo vào và đi dạo trong cái đêm giá rét. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ bạn có dịp suy ngẫm về mọi sự trên đời. Có phải là nó chỉ thuần túy là một sự xa nhau không hay còn là một cái gì phức tạp hơn thế nữa? Phải chăng tôi đã không nhận ra những dấu hiệu báo trước? Anh ta mới chỉ qua đêm với nàng đêm nay hay là họ đã gặp nhau hàng năm nay rồi? Anh ta là một bác sĩ dâm dục đã có vợ có con hay là một sinh viên y khoa trẻ trung cường tráng có thể cho nàng cái mà nàng thấy thiếu ở nơi tôi.
Tôi tự thuyết phục mình là chuyện ấy chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi không li dị vì chuyện ngoại tình. Đã quá trễ để quan tâm đến việc nàng lòng thòng với ai.
Cuộc hôn nhân đã kết thúc, một cách dễ dàng đơn giản. Vì một lí do nào đó. Nàng có thể ra sao thì cũng mặc. Nàng đã bị kết thúc, đã bị bỏ qua và đã bị lãng quên. Nếu tôi được tự do theo đuổi những phụ nữ khác thì điều đó cũng được áp dụng cho nàng.
Phải, đúng thế.
Vào lúc 2 giờ sáng tôi thấy mình lang thang ở Dupont Circle lờ đi tiếng huýt gió của bọn đồng tính nam, đi quanh những người đàn ông cuộn mình trong hàng đống quần áo chăn mền ngủ trên những chiếc ghế đá. Điều này thật nguy hiểm nhưng tôi cóc cần.
Một vài giờ sau tôi mua một hộp thức ăn đủ loại ở Krispy Kreme với hai hộp cà phê và một tờ báo. Ruby đang trung thành chờ tôi ở cửa toàn thân run rẩy vì lạnh. Mắt cô đỏ hơn thường ngày và tiếng chào của cô cũng không được mau mắn lắm.
Chúng tôi ngồi ở phòng ngoài, trên một cái bàn có ít những tập hồ sơ lưu cữu nhất. Tôi dọn một khoảng trông trên bàn và bày bánh kẹo với cà phê lên đấy. Cô không thích chocolat nhưng vui lòng ăn một loại bánh có nhân trái cây.
- Cô có đọc báo không? - Tôi hỏi trong lúc mở báo ra.
- Không.
- Vậy cô đọc thứ gì?
- Chẳng đọc gì hết.
Thế là tôi đọc cho cô nghe từ trang nhất chính là vì nó có tấm ảnh chụp năm cỗ quan tài có thể nhìn rõ trên biển người. Câu chuyện được in ngay giữa phần cuối trang và tôi đọc từng chữ cho Ruby, cô nghe rất chăm chú. Cô đã nghe câu chuyện về cái chết của mẹ con Lontae và những chi tiết trong chuyện làm cho cô chú ý.
- Tôi có chết như vậy không?
- Không, trừ phi xe của cô có động cơ và cô bật máy sưởi.
- Tôi ước gì nó có.
- Cô có thể chết vì thiếu bảo vệ.
- Thế nghĩa là gì?
- Chết cóng.
Cô lau miệng bằng chiếc khăn giấy, và uống cà phê. Cái đêm Ontario và gia đình nó chết nhiệt độ là 11 độ. Làm sao mà Ruby có thể sống sót?
- Cô đi đâu trong lúc trời quá lạnh?
- Chẳng đi đâu hết.
- Cô ở trên xe?
- Phải.
- Cô làm gì để cho khỏi chết rét?
- Tôi có rất nhiều chăn. Tôi chỉ vùi mình vào trong đó.
- Cô chưa bao giờ vào trại à?
- Chưa từng.
- Nếu cô vào thì cô có thể gặp được Terrence.
Cô nghẹo đầu sang một phía và nhìn tôi một cách lạ lùng.
- Nói lại đi. - Cô đề nghị.
- Cô muốn gặp Terrence. Đúng không?
- Đúng.
- Vậy thì cô phải cai nghiện, đúng không?
- Đúng.
- Để cai nghiện cô phải vào sống ở một trung tâm bài trừ tệ nạn xã hội một thời gian. Đó có phải là điều cô muốn làm không?
- Có thể. - Cô nói.
Chỉ là có thể.
Đó là một bước tiến nhỏ nhưng không phải là vô nghĩa.
- Tôi có thể giúp cô có lại được Terrence và cô sẽ là một phần trong cuộc sống của nó. Nhưng cô phải trở lại là một người lành mạnh, và lành mạnh suốt đời.
- Tôi làm như vậy bằng cách nào? - Cô hỏi, mắt cô không thể nhìn vào mắt tôi. Cô nâng li cà phê, hơi nóng phả lên mặt cô.
- Hôm nay cô có đến Naomi?
- Có.
- Tôi đã nói chuyện với người phụ trách ở đấy. Họ có hai cuộc hội thảo hôm nay, về những người nghiện rượu và nghiện ma túy. Họ gọi là AA/NA. Tôi muốn cô dự cả hai cuộc họp đó. Người phụ trách sẽ gọi cho tôi.
Cô gật đầu như một đứa trẻ bị trách mắng. Tôi không muốn đi xa hơn, nhất là vào lúc này. Cô nhấm nháp những hạt đậu phộng, uống cà phê mê mải nghe hết câu chuyện này đến câu chuyện khác tôi đọc cho cô nghe. Cô không quan tâm đến những mẩu chuyện ở nước ngoài hoặc thể thao, cô thích nghe những tin về thành phố. Cô đã đi bỏ phiếu một lần, nhiều năm về trước và các nhà chính trị của quận thì rất dễ nhớ. Cô hiểu được những chuyện tội phạm.
Một bài bình luận dài của biên tập viên về những thất bại của quốc hội và thành phố trong việc tìm kiếm tiền tài trợ cho những người vô gia cư. Sẽ có những Lontae tiếp theo, nó cảnh cáo trước như vậy. Sẽ có những đứa trẻ khác chết trên đường phố ngay dưới bóng của điện Capitol, tôi đọc rõ ràng cho Ruby nghe người như bị chìm đắm trong câu chuyện đó.
Một con mưa nhỏ nhưng lạnh buốt đổ xuống, vì thế mà tôi đánh xe chở Ruby đến chỗ đậu thứ hai của cô trong ngày. Trung tâm Naomi dành cho phụ nữ là một dãy nhà bốn tầng nằm trên đường số 10, NW, trong một khối nhà có kiến trúc tương tự giống nhau. Nó mở cửa vào lúc 7 giờ và đóng cửa vào lúc 4 giờ, trong một ngày nó cung cấp cho những phụ nữ vô gia cư thức ăn, quần áo, nơi để tắm rửa, các hình thức hoạt động giải trí lành mạnh, và công tác tư vấn. Ruby thường xuyên lui tới đây, vì thế chúng tôi nhận được sự tiếp đón niềm nở khi bước vào nơi đây.
Tôi có một cuộc trao đổi nhẹ nhàng với người giám đốc, một phụ nữ trẻ tên là Megan. Chúng tôi muốn đưa Ruby vào chương trình cai nghiện. Một nửa số phụ nữ ở đây bị bệnh thần kinh. Một nửa lạm dụng chất gây nghiện, một phần ba nhiễm HIV dương tính. Ruby, như chỗ Megan biết, không có bệnh lây lan.
Khi tôi ra về, một đám đông phụ nữ tụ tập ở phòng chính ca hát.
Tôi đang chúi mũi vào công việc thì Sofia gõ cửa và bước vào trước khi tôi trả lời.
- Mordecai nói rằng anh đang tìm một người. - Bà nói và cầm trên tay giấy bút, sẵn sàng ghi chép. Tôi suy nghĩ trong một giây và nhớ ra Hector.
- Ồ vâng.
- Tôi có thể giúp anh. Nói cho tôi nghe tất cả mọi thứ về anh ta.
Bà ta ngồi xuống ghi tất cả những thứ mà tôi đọc cho bà, tên tuổi, địa chỉ, chỗ làm cuối cùng, tình trạng sức khỏe, và cái thông tin là anh ta có vợ, con.
- Bao nhiêu tuổi?
- Khoảng 30.
- Lương chừng bao nhiêu?
- 35.000.
- Với 4 đứa con chắc chắn là anh có một đứa đi học. Với mức thu nhập như thế và sống ở Bethesda, tôi nghĩ rằng anh ta không có khả năng đi theo một tuyến riêng. Anh ta mang dòng máu Tây Ban Nha vì thế chắc chắn anh ta là một tín đồ Thiên Chúa giáo. Còn gì nữa không?
Tôi chẳng nghĩ ra được cái gì. Sofia trở về chỗ ngồi của mình và giở một cuốn sách đày cộp và sột soạt lật từng trang. Tôi để cửa mở, để tôi có thể quan sát bà. Cuộc điện thoại đầu tiên là cho một ai đó ở công ty điện thoại. Câu chuyện nhanh chóng chuyển sang tiếng Tây Ban Nha và tôi chịu thua luôn. Các cuộc điện thoại nối tiếp nhau. Đầu tiên bà cất tiếng chào bằng tiếng Anh rồi chuyển sang tiếng mẹ đẻ. Rồi bà gọi cho giáo phận Thiên Chúa, cuộc này kéo theo nhiều cuộc điện thoại nữa và tôi hết cả hứng thú theo dõi.
Một tiếng sau bà trở lại phòng tôi và thông báo:
- Họ đã chuyển đến Chicago. Anh có muốn biết địa chỉ không?
- Làm sao mà bà có thể...
Mấy tiếng chuồi ra khỏi miệng tôi khi tôi sửng sốt nhìn bà không thể nào tin được.
- Đừng hỏi. Một người bạn của một người bạn đi chung một nhà thờ với họ. Họ chuyển nhà vội vàng vào cuối tuần trước. Anh có muốn biết địa chỉ mới của họ không?
- Mất bao lâu?
- Không dễ đâu nhưng tôi sẽ chỉ đúng hướng cho anh.
Bà có ít nhất 6 khách hàng đang ngồi chờ để có được lời khuyên của bà.
- Không phải bây giờ. - Tôi nói. - Có thể là sau này. Cám ơn.
- Đừng bận tâm về điều đó.
Đừng bận tâm về điều đó. Tôi đã nghĩ ngợi bao lâu rồi mất mấy giờ trong đêm tối gõ cửa những nhà hàng xóm, đụng độ với thằng cha bảo vệ hắc ám lạnh lùng, chỉ với hi vọng là không ai bắn tôi. Còn bà ta chỉ ngồi bên điện thoại có một tiếng đồng hồ và tìm ra một người đã mất tích.
Drake & Sweeney có hơn một trăm luật sư ở chi nhánh của nó ở Chicago. Tôi đã đến đây hai lần trong các vụ chống độc quyền. Văn phòng ở trong một ngôi nhà chọc trời ven hồ. Phòng đợi của tòa cao ốc cao vài tầng với những vòi phun nước và các cửa hàng quanh đường vành đai cầu thang cuốn chạy dích dắc lên phía trên. Một chỗ lí tưng để ẩn nấp và quan sát Hector Palma.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét