Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Luật Sư Nghèo - Chương 8

Luật Sư Nghèo

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Hồng Vân
NXB Văn Nghệ TP HCM - 2001

Chương 8

Mordecai đưa tôi lên một cái cầu thang tối om dẫn đến phòng chờ.
- Bước cẩn thận đấy, - ông thì thào nói với tôi trong khi chúng tôi đẩy cánh cửa bước vào điện chính. Ở đấy cũng rất tối vì rằng mọi người cố ngủ ở khắp nơi. Người ta nằm cuộn tròn trên ghế ngáy o o, người ta chui cả vào gầm ghế, các bà mẹ cố dỗ cho lũ trẻ nằm yên. Người ta chen chúc cả trên lối đi chỉ còn chừa lại một khoảng rất nhỏ cho chúng tôi len qua trong lúc chúng tôi đi về phía bục giảng đạo. Cả phòng áp mái dành cho ca đoàn cũng chật cứng.
- Không có nhiều nhà thờ làm như thế này đâu, - ông thì thào trong lúc chúng tôi đứng bên cạnh bàn thờ quan sát các dãy ghế.
Tôi có thể hiểu được sự miễn cưỡng của họ.
- Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày Chủ nhật? - tôi cũng thì thầm hỏi lại.
- Tùy thuộc vào thời tiết. Đức cha là một người của chúng tôi. Có trường hợp ông hủy bỏ buổi lễ thay vì đuổi những người này ra ngoài đường.
Tôi không biết “một người của chúng tôi” có nghĩa gì, tôi chỉ cảm thấy không muốn ở trong số đó thôi. Tôi nghe tiếng trần nhà kêu răng rắc và nhận ra là trên đầu mình có một cái ban công hình chữ U. Tôi ghé mắt chăm chú nhìn vào một đám người khác nằm xếp lớp trên những hàng ghế ở đây. Mordecai cũng nhìn chăm chăm.
- Có bao nhiêu người nhỉ? - tôi lẩm bẩm vẫn không dứt ra được ý nghĩ này.
- Chúng tôi không đếm, chúng tôi chỉ lo chuyện ăn ngủ thôi.
Một trận gió ào tới luồn qua các cửa sổ. Ở đây lạnh hơn ở dưới tầng hầm. Chúng tôi nhón chân qua những thân hình nằm ngổn ngang, bỏ về qua cửa hông.
Lúc này là 11 giờ đêm. Tầng hầm vẫn đông nhưng hàng người chờ ăn súp đã vãn.
- Đi theo tôi, - ông nói.
Ông lấy một cái tô chìa ra cho một người tình nguyện và nói với một nụ cười:
- Hãy cho tôi xem súp của chị ngon như thế nào?
Chúng tôi ngồi giữa đám đồ đạc của những người vô gia cư và chiếc bàn xếp của họ chạm cả vào khuỷu tay của chúng tôi. Ông ta có thể ăn uống và trò chuyện với họ giản dị như không nhưng tôi thì không thể. Tôi ngoáy ngoáy tô súp, kể ra thì nhờ bà Dolly nó ngon thật đấy nhưng tôi không thể nuốt trôi được vì cái sự thật là tôi, Micheal Brock, một gã da trắng giàu có sinh trưởng ở Memphis, thành danh từ Yale và Drake & Sweeney, lại ngồi giữa một đám cầu bơ cầu bất trong tầng hầm của một nhà thờ ở giữa vùng tây bắc D.C. này. Tôi có nhìn thấy một người da trắng, một gã say rượu ăn xong đã chuồn lẹ.
Tôi chắc rằng chiếc xe đẹp đẽ của tôi đã đi đời nhà ma và chính cái mạng tôi cũng chưa chắc giữ được chỉ 5 phút sau khi rời nhà thờ. Tôi thầm nghĩ phải bám chặt theo Mordecai, bất cứ khi nào và bằng cách nào khi ông quyết định ra về.
- Súp ngon đấy, - ông nói, - nó rất khác nhau, - ông giải thích thêm, - phụ thuộc vào những gì anh có. Mà cách nấu thì mỗi nơi một khác.
- Tôi ăn mì ở bàn ăn của Martha hôm nọ. - Một người đàn ông tham gia vào câu chuyện, ông ta ngồi bên phải tôi, cùi chỏ của ông ta còn gần cái tô súp của tôi còn hơn là khuỷu tay của chính tôi.
- Mì hay là súp? - Mordecai hỏi với vẻ không tin một cách giễu cợt.
- Đúng mà. Khoảng một tháng được ăn mì một lần. Tất nhiên mọi người đều biết là khó mà chen chân vào đấy lắm.
Tôi không thể biết là anh ta nói đùa hay thật, nhưng tôi nhìn thấy một cái ánh tinh nghịch trong mắt anh ta. Cái ý nghĩ rằng một người vô gia cư thương tiếc cho việc mất một chỗ trong bếp ăn thân thuộc của anh ta đi với tôi cũng thật khôi hài lắm. Khó khăn lắm mới tìm được một chỗ trên bàn ăn, bao nhiêu lần tôi được nghe câu nói đó từ miệng của bạn bè tôi ở Georgetown?
Mordecai mỉm cười:
- Tên anh là gì? - Ông hỏi người đàn ông. Tôi nhận ra rằng ông luôn cần một cái tên đi kèm theo một khuôn mặt. Đối với ông những người này là một cái gì đó còn hơn là những nạn nhân, họ là người của ông.
Điều này cũng kích thích trí tò mò tự nhiên của tôi. Tôi cũng muốn biết làm thế nào mà một người bị ném ra ngoài đường. Điều gì đã phá vỡ hệ thống liên kết hùng mạnh của chúng tôi khiến cho có những người Mỹ trở nên nghèo đói đến mức phải ngủ dưới gầm cầu.
- Drano, - ông ta đáp, bốc những miếng cần tây lớn của tôi.
- Drano ư? - Mordecai hỏi lại.
- Drano, - người đàn ông lặp lại.
- Họ của anh là gì?
- Không có họ, quá nghèo mà.
- Ai đặt cho anh cái tên là Drano?
- Mẹ tôi.
- Anh được mấy tuổi thì mẹ anh đặt cho cái tên này?
- Khoảng 5 tuổi.
- Tại sao lại là Drano?
- Mẹ tôi có một em bé không chịu im mồm lấy một phút, lúc nào cũng gào khóc không ai ngủ được với nó. Tôi cho nó ăn một ít Drano.
Tôi lắng nghe Drano. Anh ta vừa kể lại câu chuyện vừa khuấy tô súp của mình. Nó được kể đi kể lại nhiều lần và quá hoàn hảo, tôi không tin dù chỉ một từ trong câu chuyện đó. Nhưng những người khác lắng nghe anh ta chăm chú, và anh ta lấy làm khoái chí.
- Chuyện gì xảy ra với em bé đó. - Mordecai hỏi muốn đùa giỡn với anh chàng này
- Chết rồi.
- Chắc đó là em trai của anh?
- Không, đó là em gái tôi.
- Tôi biết, vậy là anh đã giết em anh.
- Vâng nhưng sau đó tất cả chúng tôi được ngủ yên.
Mordecai nháy mắt với tôi làm như ông đã nghe loại chuyện này nhiều lần.
- Anh sống ở đâu, Drano? - Tôi hỏi.
- Ở đây, D.C. này.
- Anh đang ngụ tại đâu? - Mordecai hỏi sửa lại cách nói của tôi.
- Ở chỗ này chỗ kia, có nhiều bà lớn muốn giữ tôi làm bạn với họ.
Hai người đàn ông bên cạnh Drano lấy đó làm thú vị, một người cười khúc khích, một người cười phá lên.
- Anh nhận thư ở đâu? - Mordecai hỏi.
- Ở bưu điện. - Anh ta có sẵn câu trả lời cho mọi câu hỏi vì thế chúng tôi để anh ta yên.
Bà Dolly pha café cho những người tình nguyện, sau khi bà ta trở lại bếp. Những người không nhà đã bắt đầu ngủ.
Mordecai và tôi ngồi ở một đầu bàn trong gian nhà bếp ti lờ mờ uống café và nhìn qua cửa sổ vào đám đông chen nhau ngủ.
- Ông thường ở đến mấy giờ? - Tôi hỏi.
- Cũng còn tùy, - ông nhún vai, - hàng trăm con người ngủ trong một nơi như thế này, nên thường có chuyện xảy ra. Đức cha sẽ yên tâm hơn nếu có tôi ở lại.
- Cả đêm ư?
- Nhiều lần tôi ở lại suốt đêm.
Tôi không định ngủ lại suốt đêm với những người này, và tôi cũng không muốn rời chn này mà không có Mordecai.
- Khi nào cậu muốn về thì cứ tự nhiên nhé.
Ra về là giải pháp xấu nhất trong những khả năng lựa chọn rất hạn chế của tôi. Nửa đêm, một đêm thứ Sáu, ở khu vực nguy hiểm nhất ở D.C. Da trắng, xe xịn. Dù có tuyết hay không tôi cũng không muốn liều mạng.
- Ông có gia đình không? - Tôi hỏi.
- Vợ tôi là thư kí của Sở Lao động. Ba con trai, một đứa học Đại học, một đang đi lính.
Giọng ông chùng xuống trước khi ông ta nói đến đứa thứ ba. Mà tôi cũng không định hỏi tiếp.
- Và một đứa bị giết ngay trên đường phố năm ngoái. Bọn du đãng giết nó.
- Tôi rất tiếc.
- Thế còn cậu thì sao?
- Có vợ nhưng chưa có con.
Lần đầu tiên tôi nghĩ tới Claire sau mấy giờ đồng hồ. Nàng sẽ phản ứng như thế nào khi biết tôi ở đây? Cả hai chúng tôi đều không có thì giờ đành cho việc từ thiện. Nàng hẳn sẽ làu bàu rằng tôi bị loạn trí hoặc là một cái gì tương tự như vậy.
Tôi cóc cần.
- Vợ cậu làm gì? - Ông ni lại câu chuyện.
- Bác sĩ phẫu thuật tại Georgetown.
- Chà vợ chồng cậu thật ngon lành ha. Chồng sẽ là người chung vốn của một công ty lớn. Vợ sẽ là một phẫu thuật gia. Lại một giấc mơ Mỹ nữa.
- Chắc thế.
Đức Cha từ đâu đó hiện ra và kéo Mordecai vào bếp vì một cuộc thảo luận riêng tư nào đó.
Tôi bốc 4 cái kẹo ở một cái tô và đi đến góc nhà nơi người mẹ trẻ đang ngủ, đầu kê trên một chiếc gối, đứa bé nhất nằm gọn trên cánh tay mẹ. Hai đứa lớn hơn nằm im thin thít trong chăn. Nhưng đứa lớn nhất thức dậy. Tôi ngồi chồm hổm trước mặt nó, đưa ra một cái kẹo. Mắt sáng lên, nó cầm lấy cái kẹo. Tôi nhìn nó cắn từng miếng, rồi nó đưa tay ra xin cái nữa. Nó bé nhỏ và gầy gò chắc chưa đầy 4 tuổi. Đầu người mẹ gật sang một bên, và cô ta tỉnh dậy. Cô nhìn tôi với đôi mắt rầu rĩ, mệt mỏi, đoạn nhận ra tôi là kẻ đang chơi trò cho kẹo. Cô mỉm cười yếu ớt, rồi sửa lại cái gối.
- Tên cháu là gì?
Sau hai cái kẹo bây giờ chúng tôi đã là bạn thật rồi.
- Ontario, - nó trả lời chậm rãi và đơn giản.
- Cháu bao nhiêu tuổi?
Nó đưa ra 4 ngón tay, gập lại một ngón, rồi sau đó lại giơ lên.
- Bốn tuổi à? - Tôi hỏi.
Nó gật đầu chìa tay ra xin thêm một cái kẹo nữa, tôi vui lòng đưa cho nó. Tôi có thể cho nó bất cứ thứ gì.
- Cháu sống ở đâu?
- Trong một cái xe.
Cần một giây để hiểu tất cả những điều này. Tôi không biết phải hỏi gì tiếp theo. Nó chăm chú ăn không để ý gì đến việc nói chuyện. Tôi hỏi 3 câu, nó đã trả lời 3 câu một cách chân thực: họ sống trong một cái xe. Tôi muốn chạy lại chỗ Mordecai hỏi xem ông ta sẽ làm gì khi ông ta tìm thấy người sống trong một cái xe, nhưng tôi vẫn giữ một nụ cười trên môi với Ontario. Nó mỉm cười với tôi. Cuối cùng nó hỏi:
- Chú có còn nước trái cây không?
- Còn chứ, - tôi nói và đi vào bếp lấy hai li nước.
Nó uống ực một li, tôi đưa cho nó li thứ hai.
- Hãy nói cháu cám ơn đi!
- Cám ơn, - nó nói và lại chìa tay ra lấy cái kẹo cuối cùng. Tôi tìm một cái ghế xếp và ngồi xuống bên cạnh Ontario, lưng dựa tường. Tầng hầm yên tĩnh vào lúc đó nhưng không phải cái im lặng thông thường ở phòng ngủ. Những người không được ngủ trên giường không bao giờ ngủ một cách bình thản. Thỉnh thoảng Mordecai vẫn len lỏi giữa mọi người để dàn xếp một chuyện bột phát nào đó. Ông ta to lớn và dữ tợn đến nỗi không ai dám đối chọi với quyền lực của ông.
No bụng, Ontario bắt đầu ngủ thiếp đi, mái đầu bé nhỏ của nó gối lên chân mẹ. Tôi xuống bếp rót một li café rồi trở lại cái góc của tôi.
Chợt đứa bé nhất thức dậy. Cái giọng oe oe đáng thương của nó vang lên to lạ lùng, và cả phòng dường như giật mình vì tiếng khóc. Người mẹ đờ đn, mệt mỏi, thất vọng vì bị đánh thức dậy. Cô dỗ nó nín, đặt nó lên vai đưa qua đưa lại. Nó còn khóc to hơn và làm cho những người khác càu nhàu.
Với một sự vô thức hoặc thiếu suy nghĩ hoàn toàn, tôi đưa tay ra đón đứa bé, mỉm cười với người mẹ khi tôi làm thế với cố gắng trấn an. Cô ta chẳng thèm quan tâm, còn cảm thấy nhẹ cả người khi thoát được nó một lúc.
Đứa bé nhẹ bỗng và điều tệ hại là nó ướt sũng. Tôi nhận ra điều đó khi tôi nhẹ nhàng đặt nó lên vai và bắt đầu vỗ vỗ vào lưng nó. Tôi đi vào bếp mong muốn chết gặp được Mordecai hoặc một người tình nguyện để nhờ giúp đỡ. Bà Dolly đã ra về cách đó một tiếng.
Trái với sự ngạc nhiên và phỏng đoán của tôi, đứa bé im bặt trong khi tôi đi đi lại lại trước bếp lò, vỗ về và tìm kiếm một cái khăn nào đó. Tay của tôi ướt sũng.
Tôi đang ở đâu đây? Tôi đang làm cái quái gì thế này? Bạn bè tôi sẽ nghĩ gì khi họ thấy tôi trong cái bếp tối om, bế một đứa trẻ cầu bơ cầu bất, thầm mong rằng cái tã chỉ ướt vì nó tè thôi?
Tôi không ngửi thấy mùi hôi nhưng tôi chắc chắn rằng tôi có cảm thấy rằng có rệp nhảy từ đầu nó sang đầu tôi. Cuối cùng thì ông bạn quý Mordecai cũng xuất hiện và bật điện lên.
- Đứa nhỏ kháu khỉnh làm sao? - Ông nói.
- Ông có tã không? - tôi la lên.
- Chuyện lớn hay chuyện nhỏ đó, - ông hỏi giọng vui vẻ và đi về phía những cái tủ.
- Tôi không biết nhưng nhanh lên.
Ông ta lôi ra một gói tã giấy và tôi đưa đứa nhỏ cho ông. Cái áo khoác của tôi ướt một vệt lớn trên vai trái. Với một sự khéo léo không ngờ, ông đặt đứa nhỏ lên bàn, cởi cái tã ướt ra, bây giờ mới rõ là một bé gái, lau cho nó sạch sẽ bằng một miếng vải mềm, quấn nó lại bằng một cái tã mới rồi bồng trả lại tôi.
- Đây nó đây, tốt đẹp như mới sinh ra nhé. - ông nói một cách tự hào.
- Đó là điều mà họ không dạy trong trường luật. - Tôi nói và đón lấy đứa bé. Tôi đi đi lại lại khoảng một tiếng cho đến khi nó ngủ lại. Tôi cuốn nó trong chiếc áo khoác của tôi và nhẹ nhàng đặt xuống giữa mẹ nó và Ontario.
Lúc đó đã 3 giờ sáng ngày thứ Bảy và đến lúc tôi phải về. Lương tâm tôi đã đón nhận được quá nhiều điều trong một ngày. Mordecai tiễn tôi ra đường cảm ơn tôi đã đến, và hộ tống tôi phong phanh không áo khoác. Chiếc xe của tôi vẫn nằm yên chỗ cũ phủ một lớp tuyết mới.
Ông đứng trước cửa chờ cho xe của tôi phóng đi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét