Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Luật Sư Nghèo - Chương 4

Luật Sư Nghèo

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Hồng Vân
NXB Văn Nghệ TP HCM - 2001

Chương 4

Hóa chất tác dụng trong tôi cho đến tận 4 giờ sáng hôm sau. Khi tôi thức dậy tôi như ngửi thấy mùi hăng hắc của chất nhầy trong não của Mister còn vương trong mũi tôi. Tôi bàng hoàng cả người một lúc trong bóng tối. Tôi dụi mắt mũi và trở mình trên ghế sofa cho đến khi tôi nghe thấy có tiếng cục cựa. Claire ngủ trên một chiếc ghế cạnh tôi.
- Không sao, - nàng dịu dàng nói và chạm vào vai tôi, - chỉ là một giấc mơ xấu thôi.
- Em lấy cho anh chút nước được không? - tôi hỏi và nàng đi vào bếp.
Chúng tôi nói chuyện trong một tiếng. Tôi kể cho hàng nghe tất cả những gì mà tôi có thể nhớ được về sự cố trên. Nàng ngồi sát bên tôi, xoa xoa vào đầu gối tôi, tay cầm li nước và lắng nghe rất chăm chú. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất ít trong những năm qua.
Nàng có ca trực lúc 7 giờ, vì thế chúng tôi cùng làm bữa sáng, bánh quế và thịt nướng.
Chúng tôi ngồi ăn ở quầy ăn, có một chiếc TV nhỏ trước mặt. Bản tin vào lúc 6 giờ sáng được bắt đầu bằng tấn kịch bắt cóc. Có một vài máy quay phim trong suốt quá trình diễn ra vụ bắt giữ con tin, đám đông hỗn loạn bên ngoài, mấy người bạn bị bắt giữ cùng với tôi vội vã đi ra ngoài, khi mọi chuyện đã qua. Ít nhất có một máy bay trực thăng mà chúng tôi nghe thấy tiếng là của hãng thông tấn, và nó hạ ống kính xuống quay ngay màn cửa xếp. Trên màn hình Mister hiện lên một vài giây lúc ông ta ghé mắt nhìn ra ngoài.
Tên ông ta là DeVon Hardy, 45 tuổi, cựu chiến binh ở Việt Nam, có một tiền án hình sự nhỏ. Một bức ảnh chụp Mister, do cảnh sát chụp sau lần ông ta bị bắt vì ăn trộm, hiện lên trên màn phía sau phát thanh viên. Trông chẳng giống Mister tí nào - không râu không kính và còn trẻ hơn nhiều. Ông được mô tả như một người vô gia cư có tiền sử nghiện hút. Không được biết về động cơ của vụ bắt cóc. Không có người thân đến liên hệ.
Không có một lời bình luận nào từ phía công ty tôi, và câu chuyện xẹp xuống.
Sau đó là bản tin thời tiết. Dự báo tuyết sẽ rơi nhiều vào chiều và tối nay. Đã là ngày thứ 12 của tháng Hai, và có dự đoán là sẽ có bão tuyết.
Claire chở tôi đến sở làm vào lúc 6 giờ 45, và tôi chẳng hề ngạc nhiên khi thấy chiếc Lexus của tôi đậu chung với vài chiếc xe nhập khẩu khác. Bãi xe không bao giờ trống, luôn có những người ngủ lại trong văn phòng.
Tôi hứa sẽ gọi lại cho nàng vào giữa giờ buổi sáng, chúng tôi sẽ cố thu xếp ăn trưa với nhau ở trong bệnh viện. Nàng không muốn tôi lo nghĩ gì ít nhất là trong vòng một hai ngày.
Tôi phải làm gì nhỉ? Nằm trên ghế sofa và uống thuốc ư? Tôi được mọi người chờ đợi làm gì nào? Mọi ý kiến dường như nhất trí là tôi cần một ngày nghỉ, sau đó tôi lại trở về với nhịp độ công việc nghẹt thở của mình.
Tôi chào hai nhân viên an ninh đầy tinh thần cảnh giác ở tiền sảnh. Ba trong số bốn thang máy đang mở cửa và tôi cần phải lựa chọn. Tôi bước vào cái thang máy mà tôi và Mister đã bước vào ngày hôm qua, và mọi chuyện lại từ từ trở lại.
Hàng trăm câu hỏi được đặt ra: Tại sao ông ta lại chọn tòa nhà của chúng tôi? Công ty của chúng tôi? Ông ta đã ở đâu trước khi bước vào tiền sảnh? Nhân viên bảo vệ ở đâu trong khi có ai đó lảng vảng ở đàng trước? Tại sao lại là tôi? Hàng trăm luật sư ra vào nơi này cả ngày cơ mà. Tại sao lại là lầu sáu?
Và ông ta theo đuổi cái gì? Tôi không tin là Mister dấn thân vào những chuyện cực kì nguy hiểm, quấn đầy người dây mìn và liều cả mạng sống của mình chỉ để sỉ vả và hành hạ một lũ luật sư giàu có vì thiếu quan tâm đến người khác.
Câu hỏi của ông, “Ai tiến hành việc đuổi người thuê nhà?” không được trả lời. Nhưng mà chuyện ấy sẽ không kéo dài lâu đâu.
Thang máy dừng lại, tôi bước ra ngoài và lần này thì chẳng có ai bước theo tôi. Bà Devier vẫn lim dim ngủ gật vào giờ này ở chỗ nào đó, và lầu sáu vẫn hoàn toàn yên lặng. Tôi dừng lại trước quầy của bà, nhìn vào hai cái cửa của phòng họp. Tôi từ từ mở cái gần nhất, cái cửa mà Umstead đứng khi viên đạn sượt qua đầu anh ta ghim vào đầu Mister. Tôi hít một hơi dài và bật đèn lên.
Chẳng có gì thay đổi hết. Bàn và ghế vẫn được xếp sắp một cách hoàn hảo. Chiếc thảm phương Đông tuyệt đẹp mà Mister nằm chết trên đó đã được thay bằng một chiếc khác thậm chí còn đẹp hơn. Các bức tường được phủ một lớp sơn mới. Thậm chí vết đạn bắn lên trần phía trên đầu Rafter cũng biến mất. Những ông chủ ở Drake & Sweeney đã chỉ thị làm tất cả vào đêm trước để chắc chắn là biến cố hôm qua không còn dấu vết gì và không bao giờ tái hiện. Phòng họp thu hút những đôi mắt tò mò và chắc chắn chẳng có gì để xem cả. Nó có thể làm cho người ta xao lãng công việc trong một vài phút. Đơn giản là không được để lại bất cứ một dấu tích nào của một gã ma cô ngoài đường trong văn phòng toàn bích của chúng tôi.
Đó là một công việc thu dọn vô cảm lạnh lẽo, và đáng buồn thay tôi hiểu cái lí do nằm đàng sau việc đó. Tôi là một trong những thằng da trắng giàu có. Tôi chờ đợi cái gì, một đài tưởng niệm ư? Một vòng hoa do những bạn bè lang thang ngoài phố của Mister đem tới ư?
Tôi cũng chẳng biết tôi chờ đợi cái gì nữa, nhưng mùi sơn mới khiến tôi buồn nôn.
Trên bàn làm việc của tôi ở một chỗ bất di bất dịch là hai tờ báo The Wall Street Journal và The Washington Post. Tôi từng biết tên người đã đưa báo vào đây nhưng rồi cái tên đã bị lãng quên từ lâu. Trên trang nhất của Post ở mục Metro, dưới nếp gấp là cũng cái ảnh chụp Mister ở đồn cảnh sát và một câu chuyện dài về thảm kịch ngày hôm qua.
Tôi đọc lướt qua bởi vì tôi nghĩ mình biết nhiều hơn bất cứ nhà báo nào. Nhưng tôi cũng biết thêm được vài điều. Những que màu đỏ không phải là mìn. Mister đã lấy một vài cây cán chổi, cưa thành từng khúc rồi cuộn những tấm giấy màu xung quanh, và làm cho chúng tôi một phen bở vía. Súng tự động, cỡ 44, là khẩu súng ăn cắp.
Vì đây là tờ Post cho nên nó đề cập đến DeVon Hardy nhiều hơn là nạn nhân của ông ta, mặc dù nói một cách công bằng tôi cảm thấy hài lòng hơn khi không có một phát ngôn nào đề cập đến phía chúng tôi.
Theo một cái ông Mordecai Green nào đó, giám đốc Cơ sở luật từ thiện trên đường 14 thì DeVon Hardy đã làm lao công nhiều năm ở National Arboretum. Ông mất việc vì chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ. Mấy tháng nằm tù vì tội ăn cắp, sau đó thì bị ném ra ngoài phố. Ông ta cũng phải chống chọi với rượu và ma túy và thường bị bắt vì chôm chỉa trong siêu thị. Cơ sở của Green nhiều lần đại diện cho ông ta. Nếu ông ta có người thân thì luật sư của ông cũng chẳng biết gì về điều đó cả.
Về động cơ của vụ bắt cóc, Green biết không nhiều. Ông nói rằng Mister mới bị đuổi ra khỏi một nhà kho cũ mà ông ta đã chiếm cứ.
Cuộc trục xuất là hợp pháp và được thực hiện bởi các luật sư. Tôi có nghĩ đến một trong hàng ngàn công ty đã tống cổ Mister ra ngoài đường.
Cơ sở luật từ thiện trên đường 14 dựa trên những nguồn vốn từ thiện và chỉ làm việc cho những người vô gia cư, theo Green cho biết. “Khi chúng tôi có tiền trợ cấp của chính phủ chúng tôi có bảy luật sư, hiện nay chỉ còn có hai”, ông nói.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tờ Journal chẳng đề cập gì đến câu chuyện ngày hôm qua. Nếu một trong chín luật sư của công ty giàu có thứ năm trên toàn quốc này bị giết hoặc chỉ bị thương nhẹ thôi, thì nó ngay lập tức đưa tin đó lên trang nhất.
Cảm ơn Chúa là chuyện này đã không xấu hơn. Giờ đây tôi ngồi bên bàn làm việc, đọc báo buổi sáng, một việc nhỏ trong nhiều việc phải làm. Tôi cũng có thể đã là một cái xác theo sau Mister lắm chứ.
Polly đến phòng tôi một vài phút trước 8 giờ với một nụ cười tươi rói và một dĩa bánh nhà làm. Cô chẳng ngạc nhiên khi thấy tôi đi làm.
Thực ra thì tất cả 9 con tin hôm qua đều đi làm, hầu hết còn đến sớm nữa. Sẽ là một bằng chứng rõ ràng về sự yếu kém nếu như phải ở nhà để vợ nuông chiều.
- Arthur đang ở đầu dây, - Polly thông báo. Công ty chúng tôi có ít nhất 10 Arthur, nhưng chỉ có một người mà cái tên Arthur có thể được phát lên ở khắp tòa nhà này mà không cần kèm theo họ. Arthur Jacobs là người hùn vốn thâm niên, là tổng giám đốc điều hành, là động lực, một người mà chúng tôi kính phục và ngưỡng mộ thật sự. Nếu như công ty có một trái tim và một linh hồn thì đó là Arthur. Trong bảy năm qua tôi chỉ được nói chuyện với ông có ba lần.
Tôi nói với ông là tôi khỏe, ông ngợi khen tôi về sự lanh trí và lòng quả cảm của tôi trong vụ căng thẳng ngày hôm qua, làm cho tôi cảm tưởng rằng tôi là một anh hùng.
Tôi tự hỏi ông biết mọi việc như thế nào. Chắc chắn là ông sẽ nói chuyện với Malamud trước tiên, và theo cách ấy xuống những người thấp hơn. Thế là những câu chuyện bắt đầu và rồi đến những chuyện đùa. Umstead và cái bình hoa chắc chắn là gây nên những trận cười vỡ bụng.
Arthur muốn gặp những con tin ngày hôm qua vào lúc 10 giờ, ở phòng họp, để quay video về cuộc trò chuyện.
- Để làm gì ạ? - tôi hỏi.
- Mấy tay ở bộ phận tố tụng cho rằng đó là một ý hay, - giọng của ông âm vang, khỏe khoắn mặc dù ông đã ở cái tuổi 80. - Gia đình hắn có thể kiện cảnh sát.
- Tất nhiên rồi. - Tôi nói.
- Và họ có thể kiện cả chúng ta. Người ta kiện bất cứ cái gì, anh biết đấy.
Ơn Chúa, tôi gần như thốt lên. Nếu không có những vụ kiện thì chúng ta biết làm gì đây?
Tôi cảm ơn sự quan tâm của ông, và ông bỏ máy gọi cho những người khác.
Nhưng mà cuộc “thăm hỏi” thì bắt đầu từ lúc 9 giờ, những người mau mồm miệng và thích những chuyện tầm phào nấn ná trong phòng tôi, bầy tỏ lòng quan tâm sâu sắc đến tôi nhưng chính là thèm biết về các chi tiết đến chết đi. Tôi có cả đng việc phải làm nhưng tôi không thể nhúc nhắc tay chân được. Trong khoảng yên tĩnh giữa hai cuộc thăm viếng, tôi ngồi như hóa đá, nhìn trân trân vào những chồng hồ sơ đang chờ tôi nghiên cứu. Tay tôi không thể vươn ra chạm tới những tập hồ sơ này.
Có cái gì không giống trước nữa. Công việc không còn quan trọng. Bàn làm việc của tôi không phải là chuyện sinh tử nữa. Tôi đã nhìn thấy cái chết, gần như cảm nhận được nó nữa, và tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng mình có thể đơn giản rũ bỏ nó, và quay trở lại cuộc sống bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra.
Tôi nghĩ về DeVon Hardy với những cái que màu đỏ và những sợi dây đủ màu chạy mọi hướng. Ông ta đã mất nhiều thời gian để chế ra trò chơi của mình và lập kế hoạch tấn công chúng tôi. Ông ta ăn trộm một khẩu súng, tìm ra công ty của chúng tôi và gây ra một sai lầm khủng khiếp trả giá bằng tính mạng của ông ta, vậy mà không ai, không một người nào làm việc chung với tôi mảy may nghĩ đến ông ta.
Cuối cùng tôi rời khỏi phòng. Người ta kéo tới mỗi lúc một đông hơn và tôi sẽ phải tán chuyện với những người mà tôi không thể chịu được. Hai phóng viên gọi tới. Tôi nói với Polly rằng tôi có việc phải ra ngoài, và cô ta nhắc tôi nhớ đến cuộc họp với Arthur. Tôi đến chỗ xe của tôi, mở máy. Tôi mở luôn máy sưởi và ngồi một lúc lâu tự hỏi xem tôi có nên tham gia buổi họp mặt này không. Nếu tôi không đến Arthur sẽ giận lắm. Không có ai dám bỏ một cuộc họp với Arthur.
Tôi lái xe đi. Đó là một dịp hiếm hoi để làm một điều gì thật ngu ngốc. Tôi đang bị chấn động mạnh. Tôi cần phải ra ngoài một chút. Arthur và cả công ty cũng phải cho tôi một chút xả hơi chứ.
Tôi lái xe về hướng Georgetown, nhưng không biết đi đâu. Mây đen xà thấp, những người bộ hành bước gấp trên các lề đường; xe cào tuyết sắp chạy qua. Tôi lái xe qua một người người ăn xin ở đường M, và tự hỏi không biết người này có biết Mister không. Những người không cửa không nhà sẽ đi đâu trong những cơn bão tuyết?
Tôi gọi điện đến bệnh viện và được biết rằng vợ tôi đang thực hiện một ca mổ cấp cứu kéo dài vài giờ. Quá đủ cho bữa ăn trưa lãng mạn của vợ chồng tôi trong căn tin của bệnh viện.
Tôi quay đầu xe và đi về phía Tây bắc, qua Logan Circle vào những khu vực nghèo nàn hơn cho đến khi tôi tìm thấy Cơ sở luật từ thiện trên đường 14. Nó nằm ngay ngã tư giữa đường 14 và đường Q. Tôi đậu xe ở lề đường, chắc chắn là mình sẽ không còn được thấy lại chiếc Lexus của tôi nữa.
Cơ sở này chiếm một nửa ngôi nhà kiểu Victoria ba tầng bằng gạch đỏ, đã từng có những ngày vẻ vang. Các ô cửa sổ ở tầng trên cùng đã bị bịt lại bằng gỗ dán cũ kĩ. Cạnh nó là một cửa hàng giặt tự động xấu xí, những ngôi nhà xiêu vẹo cách đấy không xa. Cổng ra vào được che bởi một mái vòm màu vàng và tôi không biết là nên gõ cửa hay là cứ tự tiện đẩy cửa bước vào. Cửa không khóa, tôi từ từ xoay nắm đấm và bước vào một thế giới khác.
Nó cũng là một loại văn phòng luật sư nhưng khác một trời một vực với những phòng làm việc lát gỗ đào hoa tâm và cẩm thạch của Drake & Sweeney. Căn phòng lớn trước mặt tôi có kê bốn chiếc bàn bằng kim loại, cái nào cũng chất chồng hồ sơ xếp cao khoảng ba tấc. Nhiều tập hồ sơ nữa bày lộn xộn trên một chiếc thảm mòn xơ xác cạnh những chiếc bàn này. Những chiếc giỏ rác cũng chất đầy giấy, nhiều giấy tờ nữa vứt rải rác trên sàn nhà. Một bức tường kê kín những cái tủ đủ màu. Máy chữ và điện thoại thì cũng 10 năm có lẻ. Một chiếc giá sách bằng gỗ xập xệ. Một bức chân dung lớn của Martin Luther King treo xộc xệch ở bức tường đối diện. Một vài phòng làm việc nhỏ hơn có cửa nối với phòng trước.
Nó rất bận rộn và rất dơ bẩn, tôi ngây người ra vì kinh ngạc.
Một người đàn bà gốc Latinh dữ tợn, ngừng đánh máy sau khi đã quan sát tôi một lát. “Anh tìm ai?”, bà ta hỏi. Đó là một câu để đuổi khách nhiều hơn là một lời đề nghị. Một tiếp tân ở Drake & Sweeney sẽ bị đuổi tức khắc nếu như đưa ra một lời chào như vậy.
Bà ta là Sofia Mendoza theo cái biển tên gắn ở một bên bàn làm việc, và tôi nhanh chóng hiểu ra rằng bà ta không chỉ là một tiếp tân. Một tiếng gầm vang lên từ một trong những chiếc phòng ở bên cạnh làm tôi giật mình mà không làm Sofia bối rối.
- Tôi muốn gặp ông Mordecai Green, - tôi lịch sự nói, cùng lúc đó ông ta xuất hiện với một tiếng gầm, sầm sập bước ra khỏi phòng làm việc để ra phòng chính. Sàn nhà rung chuyển dưới mỗi bước chân của ông ta. Ông gọi một ai đó tên là Abraham.
Sofia gật đầu với ông, quên ngay tôi và trở về với việc đánh máy. Green là một người da đen khổng lồ cao ít nhất cũng khoảng 1 mét chín với một thân hình kềnh càng đồ sộ. Ông khoảng ngoài 50, có một bộ râu xám và mang một cặp kính tròn có gọng màu đỏ. Ông nhìn tôi một cái, chẳng nói gì lại kêu tướng lên cái tên Abraham trong khi cứ tiếp tục đi lại làm sàn nhà kêu cót két. Ông biến vào một trong những căn phòng, vài phút sau lại xuất hiện không có ai là Abraham theo sau cả.
Lại nhìn tôi lần nữa hi:
- Tôi giúp gì được ông đây?
Tôi bước lên một bước, tự giới thiệu.
- Rất vui được gặp ông, - ông nói thế nhưng mà chỉ vì phép xã giao bắt buộc thôi. - Ông cần gì?
- DeVon Hardy.
Ông nhìn tôi vài giây sau đó liếc mắt về phía Sofia, bà này đang ngập trong công việc. Ông gật đầu về phía phòng làm việc của ông và tôi đi theo ông vào một căn phòng vuông chằn chặn diện tích khoảng bốn nhân bốn mét chẳng hề có cửa sổ và mỗi một tấc vuông đều phủ đầy những tập hồ sơ màu nâu và những cuốn sách luật rách te tua.
Tôi đưa cho ông tấm cạc của Drake & Sweeney có đóng khung vàng, ông ta ngắm nó với một cái chau mày. Sau đó ông trả lại tôi và nói.
- Đi “vi hành” hả?
- Không, - tôi đáp, lấy lại tấm cạc.
- Vậy thì làm gì?
- Tôi đến vì một chuyện khác. Viên đạn của ông Hardy suýt nữa thì xuyên qua người tôi đấy.
- Anh ở cùng một phòng với ông ta hả?
- Phải.
Ông ta hít một hơi sâu và cái cau mày biến mất. Ông chỉ vào cái ghế duy nhất bên cạnh tôi và bảo.
- Ngồi xuống đi, nhưng coi chừng anh sẽ bị dơ đó.
Chúng tôi cùng ngồi xuống, đầu gối của tôi chạm vào bàn làm việc của ông, hai tay tôi thọc sâu trong túi áo khoác. Một chiếc máy điều hòa kêu rọt rẹt sau lưng ông. Chúng tôi nhìn nhau sau đó lại nhìn đi chỗ khác. Vì là tôi tự tôi chui đầu đến, tôi phải nói một cái gì đó. Nhưng ông lại nói trước.
- Chắc anh trải qua một ngày tồi tệ hả? - Cái giọng lệnh vỡ của ông hạ thấp xuống gần như là trìu mến.
- Không đến nỗi tệ như là với ông Hardy. Tôi đọc tên ông trên báo nên mới tìm đến đây.
- Tôi không chắc tôi có làm gì được không.
- Ông có nghĩ là gia đình ông ta sẽ kiện không? Nếu thế thì tôi sẽ ra về ngay.
- Không có gia đình, chẳng có kiện tụng gì đâu. Tôi cũng có thể gây om xòm chút đỉnh. Tôi nghĩ rằng tên cớm bắn ông ta là người đa trắng, vì thế tôi có thể moi vài đồng từ thành phố, chắc chắn là một cuộc dàn xếp những chuyện vặt. Nhưng mà cũng chẳng ăn thua gì. - Ông phẩy tay qua bàn. - Chúa cũng biết là tôi có đủ việc phải làm rồi.
- Tôi không nhìn thấy tay cớm đó, - tôi nói, lần đầu tiên nhận ra điều đó.
- Quên chuyện kiện cáo đi. Đấy là lí do anh ở đây sao?
- Tôi cũng không biết tại sao tôi ở đây. Tôi đi làm sáng nay như không có chuyện gì xảy ra, nhưng tôi không sao bình thường lại được. Tôi lái xe một vòng. Và tôi ở đây.
Ông chậm rãi lắc đầu, như thể cố gắng hiểu điều tôi nói.
- Cà phê chứ?
- Không, cảm ơn. Ông biết rõ Hardy chứ?
- Có. Ông ta thường xuyên ghé đây.
- Bây giờ ông ta ở đâu?
- Tất nhiên là trong nhà xác thành phố ở bệnh viện trung tâm.
- Nếu không có gia đình thì chuyện chôn cất làm sao?
- Thành phố sẽ lo cho những người không có thân quyến. Trong những cuốn sách, người ta gọi là một đám tang của kẻ cùng khốn. Có một nghĩa trang ở gần Sân vận động RFK, người ta chôn cất những người này ở đấy. Cậu sẽ ngạc nhiên trước con số những người chết như vậy.
- Chắc hẳn rồi.
- Thực ra thì cậu sẽ ngạc nhiên về mỗi khía cạnh trong cuộc sống của những người vô gia cư.
Một cú hích nhẹ nhưng tôi chẳng có tâm trạng nào đáp lại.
- Ông có biết là ông ấy có bị AIDS không?
Ông ngửa đầu ra sau nhìn lên trần nhà, lẩm nhẩm cái gì đó trong vài giây.
- Tại sao anh quan tâm đến chuyện đó vậy?
- Tôi đứng ngay sau lưng ông ta. Gáy ông ta vỡ tung ra. Máu tưới đầy mặt tôi. Thế đấy.
Với điều này tôi vượt qua cái đường biên ngăn cách một gã tồi tệ với một người da trắng trung bình.
- Tôi không nghĩ ông ta mắc bệnh AIDS.
- Họ có kiểm tra những người này khi họ chết không?
- Những người vô gia cư á?
- Phải.
- Trong phần lớn các trường hợp, thì có. Tuy vậy DeVon chết vì chuyện khác.
- Ông có thể biết được không?
Ông nhún vai và có vẻ thoải mái hơn.
- Chắc được, - ông nói với vẻ miễn cưỡng, và lôi một cái bút ra khỏi túi. - Đó là lí do anh tới đây? Lo lắng vì bệnh AIDS?
- Đó là một trong những lí do. Ông không phiền chứ?
- Không.
Abraham bước vào, một người đàn ông bé nhỏ dề bị kích động, tuổi trạc 40. Những đặc điểm của một luật sư quan tâm đến những vấn đề sống còn của nhân loại in đậm nét trong con người ông ta. Do Thái, râu đen, kính gọng sừng, áo khoác cà tàng, quần kaki nhàu nát, áo len dơ hầy, và cái phong thái của một người muốn cứu cả thế giới. Ông ta chẳng chào tôi mà Mordecai thì cũng không phải là một người chú ý đến những phép xã giao thông thường.
- Người ta dự đoán là tuyết sẽ đổ xuống như trút ấy, - Green nói với ông ta. - Chúng ta cần chắc ăn là tất cả những trại cứu trợ đều mở cửa.
- Tôi sẽ lo vụ này. - Abraham đáp rồi lập tức rời khỏi phòng.
- Tôi biết ông rất bận. - Tôi nói.
- Đó là tất cả những gì anh muốn biết hả? Một xét nghiệm máu?
- Vâng chắc thế. Ông có ý kiến gì về động cơ hành động của ông ta không?
Ông bỏ cặp kiếng đỏ ra lau bằng một miếng giấy, sau đó thì dụi mắt.
- Ông ta có vấn đề về thần kinh như mọi người vô giá cư khác. Anh sống nhiều năm ngoài đường phố, chìm trong những cơn say, bập vào ma túy, ngủ ngoài trời mùa đông, bị cớm xua đuổi hàng ngày, rồi thì anh cũng phát điên lên thôi. Hơn nữa ông ta cũng có lí do nữa.
- Vụ trục xuất.
- Phải. Một vài tháng trước đây ông ta dọn đến một khu nhà kho bỏ hoang ở góc đường New York và Florida. Có một ai đó đã quăng lên một vài tấm gỗ dán, chia ra từng ngăn và làm thành những căn hộ nhỏ. Chẳng phải là một chốn tồi mà những người vô gia cư có thể dung thân - một mái nhà, buồng vệ sinh và nước. Một trăm đô một tháng trả cho một tên giang hồ nào đó đã sửa chỗ này và tuyên bố là của hắn.
- Thật vậy sao?
- Tôi nghĩ thế. - Ông nói, lấy ra một tập hồ sơ mỏng, trong một đông hồ sơ trên bàn, và thật là kì diệu nó đúng là cái mà ông cần. Ông đọc mục lục của nó một lúc. - Ở đây có một điểm làm cho mọi việc trở nên rắc rối hơn. Cái khu nhà kho đó tháng trước đã được một rông ty kinh doanh địa ốc lớn tên là RiverOaks mua lại.
- Và RiverOaks đã đuổi mọi người đi.
- Phải.
- Thật là kì quặc, vậy là RiverOaks có thể là một khách hàng của công ty chúng tôi.
- Đúng, rất kì cục.
- Tại sao mọi việc lại trở nên phức tạp?
- Tôi nghe nói lại là họ đã không có thông báo trước khi đuổi người. Những người ở đây kêu ca là họ có trả tiền cho một gã ma cô nào đó và như vậy họ không phải là những kẻ chiếm nhà bất hợp pháp. Họ là những người thuê nhà, do đó muốn đuổi phải theo đúng thủ tục.
- Với dân chiếm ngụ bất hợp pháp thì không cần thông báo trước sao?
- Không và chuyện này xảy ra luôn ấy. Những người này lại chuyển đến một khu nhà bỏ hoang nào đó, nhưng trong phần lớn trường hợp chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Vì thế mà họ nghĩ họ là chủ. Chủ nhân thật sự nếu muốn thì có thể đuổi họ thẳng cánh mà không cần thông báo. Họ chẳng có quyền gì sất.
- Làm cách nào mà Hardy tìm đường đến được công ty của tôi?
- Ai mà biết được. Dù vậy ông ta đâu có ngu. Điên điên nhưng không ngu.
- Ông có biết cái gã ma cô ấy không?
- Biết chứ. Hoàn toàn không đáng tin cậy.
- Ông nói là khu nhà kho ấy ở đâu?
- Không còn nữa. Họ đã ủi nó tuần trước.
Tôi đã làm phiền ông khá đủ rồi. Ông liếc nhìn đồng hồ của ông, tôi liếc vào tay tôi. Chúng tôi đưa cho nhau số điện thoại và hứa sẽ liên lạc với nhau.
Mordecai Green là một người nhiệt tình, từ tâm và nguyện làm việc trên đường phố để bảo vệ đông đảo khách hàng vô danh của ông. Quan điểm về luật pháp của ông đòi hỏi nhiều về một tấm lòng hơn là tôi có thể hình dung được.
Lúc ra ngoài tôi lờ Sofia đi bởi vì rõ ràng bà ta làm như không có tôi trên đời này.
Chiếc Lexus của tôi vẫn đậu ở bên ngoài, trên mui có phủ một lớp tuyết dày.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét