Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 9

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 9

Trên một chiếc bàn dài phủ khăn trải bàn màu hồng bày những đồ vật như đồng hồ đeo tay, giày thể thao, ấm trà, bật lửa và thư tín..., trên mỗi đồ vật đều treo một tấm phiếu ghi mã số.
Đám đông ngồi đầy trong lễ đường với đủ mọi dáng vẻ khác nhau, già có trẻ có, nam có nữ có. Ai cũng tò mò nghển cổ lên nhìn những thứ đồ được bày tại chiếc bàn trên sân khấu.
Một hồi chuông vọng tới, người dẫn chương trình mặc áo đuôi tôm, đeo găng tay trắng đi ra. Dưới sân khấu vang lên tiếng vỗ tay, người dẫn chương trình cúi rạp người chào cử tọa bên dưới, rồi đến phía sau bục phát biểu có đặt một chiếc micro, cầm lên một chiếc búa nhỏ.
Một chàng trai cao lớn cũng mặc áo đuôi tôm giống như vậy cầm một chiếc khay gỗ dài đi ra đứng sau bàn, và cũng nhận được một tràng pháo tay như thế.
Người dẫn chương trình tuyên bố:
- Bây giờ bắt đầu cuộc bán đấu giá. Đồ vật số 1... một chiếc đồng hồ đeo tay.
Chàng trai dùng khay nâng chiếc đồng hồ lên cao, giơ ra trước toàn thể hội trường.
Người dẫn chương trình hai tay dựa vào bục nhìn ngắm chiếc đồng hồ thật kỹ nói:
- Đây là một chiếc đồng hồ đeo tay có một nửa được làm bằng thép hiệu “Bảo Thạch Hoa”, đã từng được Nguyên Báo đeo tám năm trên tay, nó đã cùng với chủ nhân của mình trải qua biết bao mưa sa bão táp, là nhân chứng sống của rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Đồ vật số một, giá chúng tôi đưa ra là tám mươi tệ.
Cả hội trường im phăng phắc.
- Bảy mươi lăm tệ.
Vẫn không có ai lên tiếng.
- Bảy mươi tệ.
...
- Hai mươi lăm tệ.
Ớ phía xa một cánh tay mảnh khảnh như một cây hành nhỏ đeo mấy chiếc nhẫn to tướng của một phụ nữ giơ lên cao.
- A! - Người dẫn chương trình kịp thời gõ chiếc búa, và chỉ người phụ nữ đó. - Hai mươi làm đồng bán cho chị!
Chàng trai cao to cầm chiếc khay đưa qua đưa lại lấy đà, rồi dùng hết sức vung ra, chiếc đồng hồ bay đúng vào lòng người phụ nữ nọ.
- Bây giờ chúng ta bán đấu giá vật thứ hai. Đây là một đôi dép cao su giải phóng, từng được Nguyên Báo đi tám năm, nó đã cùng chủ nhân của mình đi qua bao nhiêu trắc trở của cuộc đời... Đồ vật thứ hai chúng tôi phát giá là ba tệ hai.
- Anh ta có bị hôi chân không... Người chủ của đôi dép này ấy? - Một người khách cất tiếng hỏi lớn. - Nếu bị hôi chân thì không đến cái giá ấy đâu.
- Không, - người dẫn chương trình lịch sự trả lời. - Theo như tôi được biết thì Đường Nguyên Báo ngoài việc có chút ít mồ hôi chân ra thì không có một tì vết nào rõ ràng đâu.
- Hai tệ rưỡi. - Người khách vừa đặt câu hỏi phát giá.
- Hai tệ rưỡi bán cho ngài.
Cùng với đó một tiếng búa vang lên. Đôi dép da lướt qua hội trường, bay vào lòng người kia.
- Bây giờ chúng ta bán đấu giá đồ vật thứ ba. Đây là một chiếc quần đùi quân dụng, chủ nhân của nó không bị giang mai cũng như không bị AIDS. Cũng chưa từng bị lở loét, bị nấm ngoài da, chưa từng đái dầm hay bị di tinh, trừ việc có bị ố vàng một chút, còn đâu thì có thể nói là sạch không một chút bụi, hai cái lỗ ở đằng sau mông chính là để hai chân cho vào từ góc độ khác, thiết kế cực khéo, khiến cho gió mát tự nhiên ra vào, chấy rận đứng không vững, bọ chó không nhảy nổi, đúng là trước kia không có mà sau này cũng tuyệt đối không... Đồ vật thứ ba chúng tôi phát giá là một tệ bảy.
...
- Bây giờ chúng ta tiến hành bán đồ vật thứ mười lăm, đây là một bản kiểm điểm do Nguyên Báo tự tay viết, nội dung là anh ta đã bắt nạt bạn cùng học như thế nào trong giờ học... Chúng tôi phát giá chín xu chín...

Lưu Thuận Minh mang một túi bột dẫn một nhóm người Triệu Hàng Vũ mặc áo khoác quân đội vén rèm đi vào một chiếc lán.
- Thưa cụ, các lãnh đạo đến thăm cụ đây ạ.
Lưu Thuận Minh đặt túi bột xuống, nói với bà mẹ Nguyên Báo đang ngồi trên thảm chơi bài với mấy bà già khác.
Triệu Hàng Vũ vội đi lên phía trước, nắm chặt lấy tay bà mẹ Nguyên Báo.
- Cụ không phải đứng lên đâu, cháu đến đây cốt là để chúc Tết cụ.
- Đã làm khó ngài phải nghĩ đến, bận trăm công nghìn việc mà vẫn đến đây một chuyến. Thực ra không đến cũng được, tôi nhìn thấy ngài còn không yên lòng bằng ngài nhìn thấy tôi.
Triệu Hàng Vũ nhìn một vòng chiếc lán sơ sài, sống mũi cay cay nói:
- Đã giải phóng bao nhiêu năm rồi, cuộc sống của quần chúng vẫn còn khổ thế này.
- Cũng là do năm nay gặp tai họa, chứ những năm trước không khổ thế này.
Một đám người ngồi quây lại làm bánh sủi cảo trong lán. Triệu Hàng Vũ cầm một chiếc bánh được làm rất xinh xắn lên, hỏi mẹ Nguyên Báo:
- Cụ còn thiếu gì không? Áo ấm mùa đông có chưa?
- Tốt xấu cũng giật ra được vài bộ, nên bây giờ chưa đến mức chết rét.
- Phải có niềm tin, đến khi chúng ta bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước, tự mình làm việc, cơm no áo ấm.
- Chẳng dám hy vọng người khác...
- Cháu sẽ thường xuyên đến thăm cụ.
- Rồi ngài sẽ quên tôi thôi.
- Sao cụ lại nói vậy!
- Không không, không được kích động, - Triệu Hàng Vũ ngăn Lưu Thuận Minh đang chuẩn bị nổi cáu. - Nếu quần chúng có oán trách thì cũng là điều dễ hiểu, đó là do chúng ta làm việc chưa tốt.
- Xin bạo gan hỏi một câu, chính phủ có biết những chuyện mà các anh làm không?
- Thưa cụ, cụ tưởng chúng cháu là ai?
- Anh béo tốt như vậy tôi không dám nói. Còn anh ta, Lưu tư lệnh, sao tôi càng nhìn lại càng thấy giống Uy Hổ sơn.
[Uy Hổ sơn: tên một đỉnh núi cao ở tỉnh Hắc Long Giang, trong tác phẩm “Rừng Thẳm Tuyết Dầy” của nhà văn Khúc Ba thuật lại trận đánh của GPQ TQ với thổ phỉ Tọa Sơn Điêu. Ý bà Đường nói Lưu Thuận Minh không khác gì thổ phỉ]
*

Bức tượng đất sét hình ông già họ Đường mở trừng mắt giận dữ, chân trước co chân sau duỗi, hai tay cầm đao giơ cao quá đỉnh đầu như đang ra sức chém giết, đứng sừng sững chào đón trong đại sảnh của nhà bảo tàng. Sau lưng ông còn có một nhóm người, người thì cúi đầu với chiếc cổ lớn xuống, hai tay nắm chặt đeo xích sắt, có người hai tay bưng bát rượu, ngửa mặt lên trời tu một hơi dài.
Dưới chân họ là một đám lính Tây và quan lại nhà Thanh vừa lăn vừa bò giãy giụa.
- Trong xã hội cũ muôn vàn ác nghiệt đó, trên đầu người nghèo là ba tầng đao...
Nguyên Phượng đứng trước bức ảnh trong phòng triển lãm, tay cầm thước gỗ, nói đúng bài bản với một nhóm trẻ đeo khăn quàng đỏ.
- Lấy Son Đông làm ví dụ, trong hon ba trăm sáu mươi hộ ở thôn Lê Viên huyện Quán, địa chủ chiếm hơn một trăm mẫu ruộng trở lên chỉ có hai mươi tám hộ. Còn như Bắc Kinh, khu vực chỉ từ cổng chào Tây Đơn đến phía Nam, trong ngoài Tuyên Vũ Môn, mỗi tháng đã có hơn một trăm nhà phải nộp tiền thuế nhà cho giáo đường North Cathedral. Đương thời có câu ca dao được lưu truyền như sau: “Tây vào Trung Quốc, người già đứng thẳng lưng, dựa thế Tây, theo đạo Tây, không xấu hổ, không tanh hôi, mau mau sửa lại bức họa thôi”.

Triệu Hàng Vũ dẫn mấy người như Tôn Quốc Nhân, Lưu Thuận Minh đứng phía sau bọn trẻ, lặng lẽ nhìn Nguyên Phượng.
- Nhìn người ta kìa, làm rất chuyên nghiệp.

- Ở đâu có áp bức, ở đó có phản kháng. - Nguyên Phượng gõ thước “bộp” một cái lên bức ảnh. - Sau đây xin xem phần thứ nhất: tiếng sấm mùa xuân chấn động thế giới! Năm 1899, Nghĩa Hòa Đoàn ở huyện Bình Nguyên phía Tây tỉnh Sơn Đông đã tổ chức bạo động vũ trang...
Nguyên Phượng vừa giảng giải vừa dùng cây thước chỉ từng bức ảnh và từng đồ vật được trưng bày trong tủ kính.
- Đây là bình trà mà các tráng sĩ Nghĩa Hòa Đoàn đã dùng để uống nước khi nghỉ ngơi trong những giờ luyện võ... Đây là chiếc ghế dài mà các tráng sĩ Nghĩa Hòa Đoàn đã ngồi khi nghỉ ngơi trong những giờ luyện võ... Đây là bức ảnh đại sư huynh của Nghĩa Hòa Đoàn là Đường Quốc Đào an cư lạc nghiệp sau khi cả nước được giải phóng...
Lũ trẻ mở to những đôi mắt ngây thơ sáng long lanh nhìn theo chuyển động của cây thước, cố gắng ghi lại từng câu nói của Nguyên Phượng lên một quyển vở nhỏ.
- Đây là chiếc bàn bát tiên lớn mà các lãnh tụ của Nghĩa Hòa Đoàn năm đó đã dùng khi bàn việc... Đây là chiếc nồi gang mà trong “cuộc chiến hành lang”*, Hồng Đăng Chiếu dùng để giết địch và dùng khi các dũng sĩ nướng bánh, phía trên còn lưu lại vết tích bị hun đen bởi lửa đạn chủ nghĩa đế quốc...”.
[Cuộc chiến xảy ra năm 1917, là một trong những cuộc nội chiến trong thời kỳ chính phủ Bắc Dương]

- Toàn bộ số đồ đạc hư hỏng của nhà họ Đường đều được họ trưng bày ở đây.

- Đây là chiếc áo cánh nhỏ mà các tráng sĩ Nghĩa Hòa Đoàn đã từng mặc... Đây là bình rượu mà các tráng sĩ Nghĩa Hòa Đoàn đã từng uống... Bức ảnh này là đống hoang tàn của nhà tráng sĩ Nghĩa Hòa Đoàn Đường Quốc Đào bị chủ nghĩa đế quốc phá hủy. Sau đây xin xem phần ba, sự hoang dâm vô độ của chủ nghĩa đế quốc và hoàng đế phong kiến. Đây là chiếc áo đen mà năm đó các giáo sĩ truyền giáo của chủ nghĩa đế quốc đã từng mặc và quyển kinh thánh chúng dùng để mê hoặc nhân dân Trung Quốc... Đây là đôi đũa bằng ngà voi và chiếc bát sứ được dát vàng mà hoàng đế phong kiến dùng khi ăn cơm...

- Rất tốt, rất tốt. - Triệu Hàng Vũ chỉ những vật trưng bày muôn hình muôn vẻ khen ngợi: - Đây mới gọi là làm nghệ thuật, có mở có đóng, đầy trí tưởng tượng.

- Sau đây xin xem phần bốn, một đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cánh đồng. Nhân dân Trung Quốc giết không hết, dọa không sợ. Sau hơn hai mươi năm, ở Nam Xương lại vang lên tiếng súng làm chấn động thế giới... Đây là khẩu súng trường mà năm đó Hồng quân đã sử dụng...

Bọn Triệu Hàng Vũ rời khỏi chỗ lũ trẻ, phóng tầm mắt ngắm vô so các gian triển lãm đang trưng bày thành quả của các thời kỳ lịch sử cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, rất ý tứ quay đầu trở ra.
Từng tốp từng tốp thiếu niên nhi đồng nghiêm túc đi vào các gian triển lãm dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo như dòng nước chảy mãi không ngừng.
- Những đứa trẻ hoạt bát đáng yêu này đều là tiền đó, - Triệu Hàng Vũ chắp tay sau lưng, hất cằm chỉ những đứa trẻ đó, cảm khái. - E là mấy ngày nữa lượng kem que được tiêu thụ của thành phố sẽ giảm mạnh.
Những người đi cùng lặng im không nói.
- Lần bán đấu giá này chúng ta thu được bao nhiêu tiền?
- Một trăm mười đồng... - Tôn Quốc Nhân vô cùng xấu hổ.
- Không phải tôi phê bình các anh, kiếm tiền thật ra cũng là một môn học. Chúng ta có những người có ưu thế, có được nhân vật lớn. Nhưng các anh đã làm được những gì? Chỉ được mấy trò hèn hạ.

“Tang tang tang...”. Cùng với hồi chiêng, một chú khỉ nhỏ mặc chiếc áo dài đánh chiêng, trên cổ buộc dây thừng đi vòng quanh bãi.
Người dẫn chương trình đứng giữa bãi, vung ống tay áo chắp tay cúi chào đám người đã quây lại thành một vòng tròn náo nhiệt.
- Người có tiền thì giúp tiền, người không có tiền thì đứng góp vui. Vị này vừa hỏi, anh hôm nay muốn trình diễn cho chúng tôi xem cái gì vậy? Tôi nói rồi, Bát lộ quân đánh quỷ, nhảy Rock'n Roll chắc các vị cũng xem không ít, nhưng cho dù là nói thế đi nữa thì những thứ hôm nay tôi cho các vị xem sẽ là những điều mà các vị chưa bao giờ được thấy.
“Ô...”, những người đang đứng xung quanh xem cùng kêu lên.
- À, đúng rồi, - người dẫn chương trình mặt không biến sắc, không hề nao núng nói. - Vị này vừa bảo, đừng nói khoác nữa. Bọn ông đây có cái gì là chưa từng nhìn thấy, đốt nhà, giặc nhảy tường cướp máy bay cướp ngân hàng, cái gì mà bốn thứ nguy hiểm, bốn thứ can đảm, bốn cái đại ác, bốn thứ mềm yếu... Anh thử đếm đi! Tôi trả lời, cứ từ từ, người xưa nói thế nào nhỉ? Thấy người ta đến chỉ có nụ cười, cũng chẳng thể vứt bỏ một tấm lòng. Ngoài trời có trời, ngoài núi có núi, thế giới rộng lớn không có điều gì kỳ lạ không thể xảy ra, vũ trụ mênh mông không biết đâu là bờ, tàu vũ trụ như thế nào, thụ tinh ống nghiệm như thế nào, cuộc đời này thật kỳ diệu biết bao... Chúng ta hãy gượm mà khoa ngôn một chút, sự nỗ lực khám phá tự nhiên của con người thật là không có điểm dừng!
Lác đác tiếng vỗ tay của người xem.
- Cảm ơn, - người dẫn chương trình đắc ý vuốt tóc, đổi giọng, nói. - Vị này vừa bảo, anh nói tràng giang đại hải, nước bọt bắn tứ phía, khoác lác lung tung, đấy chẳng phải là muốn móc tiền từ túi mấy anh em chúng tôi hay sao? Điều này chúng tôi hiểu, từ nhỏ chúng tôi ngày nào cũng chơi trò này, sớm đã chán rồi. Tôi bảo, anh sai rồi, các anh đúng là có phúc, từ thuở khai thiên lập địa đến nay mới gặp được một người chỉ yêu chân lý chứ không yêu tiền... Chẳng trách các anh không tin, ngay cả tôi cũng không tin, là thật hay giả công tội nghìn thu của chúng ta hãy để cho người đời bình xét! Tôi mà quản các anh, cần tiền của anh, thì tôi là đồ bỉ ổi! Cốt để có một cơ hội vui vầy! Cốt để tâm hồn sảng khoái! Ai bảo chúng ta có duyên chứ?
- Ôi, tôi hỏi rốt cục thì anh muốn cho chúng tôi xem cái gì đây? Phải diễn thuyết tới tận công viên Hyde Park sao? - Một người xem kêu lên.
- Vị này nói, sao anh cứ chỉ nói mà không làm, đã nửa tiếng rồi vẫn chưa thấy động tĩnh gì? Tôi nói, nói thì cứ nói, tập thì cứ tập, chỉ nói mà không tập thì đó là thế võ giả, chỉ tập mà không nói là thế võ ngốc, vừa nói vừa tập mới là thế võ thực sự. Giờ tôi nói xong rồi, chúng ta bắt đầu tập, không còn việc gì khác nữa. Chỉ có một yêu cầu, các anh xem mà thấy vui thì xin thưởng cho một chút.

- Nhìn cái gì nhìn cái gì? Mau tránh sang một bên.
Phía sau chiếc lán, Nguyên Báo mặc chiếc áo khoác quân đội đứng giữa một con dê năm chân, một con gà ba chân, một con lợn trên đầu mọc một cái sừng dài và một con rắn có hai đầu, để Bạch Độ kẻ lông mày cho anh ta.
Một đám trẻ đang vây lại xem.
- Sao anh lại có thể đối xử với quần chúng như vậy? - Bạch Độ phê bình Nguyên Báo. - Đừng quên là ai đã bồi dưỡng chúng ta, nếu không có quần chúng thì anh chỉ là con số không.
- Mau bắt đầu đi. - Người dẫn chương trình từ phía sân diễn chạy tới như bay. - Nếu không bắt đầu quần chúng sẽ đập nát nơi này mất.
- Bắt đầu bắt đầu, - Bạch Độ sắp đặt: - Các bộ phận chú ý, ánh sáng, âm nhạc... kéo rèm.
Trong tiếng nhạc của bài hát “Em gái, hãy can đảm đi về phía trước”, một con dê năm chân kéo một cái xe có một con khỉ mắt cận thị dáng vẻ thậm thà thậm thụt lắc lư chạy ra.
Tiếp đó, con lợn có một cái sừng dài trên đầu hổn hà hổn hển, lạch bạch đi ra.
Con gà ba chân vỗ hai cánh phành phạch bay ra, đậu đúng giữa sân khâu, ngẩng đầu ưỡn ức đi lại.
Người dẫn chương trình cầm micro đứng một bên tươi cười đắc ý nói rổn rảng:
- Không nhìn không biết, vừa nhìn thì sợ hết hồn.
Một con gấu mặc quần công nhân, trên cổ buộc một chiếc khăn tay màu trắng đẩy một chiếc xe đi ra, trên xe chất đầy gạch.
Một con tinh tinh lông tóc bóng mượt mắt đeo kính vừa đọc sách vừa đi ra, vừa đọc vừa cắn hạt dưa.
- Các quý vị kính mến, - người dẫn chương trình vô cùng xúc động nói. - Nếu như tất cả vẫn chưa thể làm cho quý vị kinh ngạc, vậy thì xin hãy xem loài cuối cùng ra sân khấu biểu diễn...
Âm nhạc đột ngột dừng lại, tiếp theo một hồi trống gấp gáp vang lẽn, Nguyên Báo khoác áo choàng oai vệ bước ra sân khấu, đứng vững như hình chữ “đinh”, cởi bỏ áo choàng, để lộ ra tứ chi trần trụi, một pha diễn tĩnh. [diễn viên chuyển từ cảnh động sang cảnh tĩnh nhằm tạo hiệu ứng]
Âm nhạc nổi lên mạnh mẽ, tất cả các con vật lại bắt đầu chạy, Nguyên Báo cười mỉm đi đến phía trước sân khấu.
- Loài động vật hiện giờ đang đi đến trước mặt quý vị chính là con người, - người dẫn chương trình tự hào giới thiệu. - Người thật một trăm phần trăm, mọi người có thể sờ, có thể cấu anh ta, xem có đúng là thật không. Tục ngữ nói, cóc ba chân dễ tìm, người hai chân khó kiếm. Truyền thuyết về con người đã được lưu truyền hơn hai nghìn năm ở nước ta, chỉ nghe nói, chưa có ai từng nhìn thấy. Cuối cùng thì lần này đã có thể nhìn no mắt rồi.
Một vài người ùa đến trước sân khấu, vươn tay sờ một cái cấu một cái hết chỗ này tới chỗ khác, bàn luận đầy tò mò:
- Đúng là không giống, anh xem chất da này.
- Nhìn kìa nhìn kìa, anh ta còn thở kìa.
Mọi người cười, nói, thưởng thức, hài lòng móc tiền ném vào trong chiếc mũ đặt dưới chân Nguyên Báo.
Âm nhạc càng thêm vui tươi, tất cả các con vật đều chạy lên đứng thành một hàng trước sân khấu, con nào có tay đều cầm một chiếc mũ, đưa về phía người xem.
Mọi người dường như chẳng hề chú ý đến những con vật khác, chỉ ném tiền tới tấp cho Nguyên Báo.
- Hôm nay thật hay, được xem người, rất có thu hoạch.
- Cũng không biết người này có thể nuôi được lớn hơn chút nữa không, mấy hôm trước ở vườn bách thú có con chim cánh cụt mới đến, sống chưa được mấy ngày đã chết vì nóng rồi.
Mọi người vui vẻ bàn luận, tản ra đi về bốn phía.

Xe ô tô của Triệu Hàng Vũ đi qua cái lều lớn của rạp xiếc, chỉ thấy có một hàng dài người xếp hàng dưới tấm biển quảng cáo lớn “Triển lãm người”, vô số người đứng ở đó nhẫn nại chờ được trả lại vé.
- Bọn họ đang làm gì vậy? - Triệu Hàng Vũ hỏi Tôn Quốc Nhân ở bên.
- Đợi xem triển lãm người. - Tôn Quốc Nhân e dè trả lời.
- Dung tục, thuần túy lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của quần chúng. Tôi không tin thế gian lại có “người” gì, treo đầu dê bán thịt chó, nhất định lại là một con tinh tinh mắc bệnh rụng lông.
- Người mà họ triển lãm chính là Đường Nguyên Báo của chúng ta.
Triệu Hàng Vũ sững sờ.
- Sao lại có thể dối lừa quần chúng như thế, giả mạo thương hiệu là phạm pháp đấy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét