Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 5

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 5

- Biết vì sao gọi ông tới đây không?
- Biết, vì cần tìm hiểu những hoạt động của tôi trong cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn.
Trong một gian phòng lớn rộng thênh thang có ốp ván cách âm, gã béo hói đầu ngồi sau chiếc bàn viết, gương mặt chìm trong bóng tối phía sau chiếc đèn. Anh đèn chiếu vào mặt ông Đường, hai tay ông đặt trên gối, cung kính ngồi trên một chiếc ghế không có lưng tựa, cổ định vào mặt sàn.
- Họ tên ông là gì?
- Đường Quốc Đào.
- Bao nhiêu tuổi?
- 111 tuổi.
- Trước khi bị bắt sống ở đâu?
- Số 35 ngõ Đàn Tử.
- Nhập ngũ khi nào?
- Tháng 3 năm 1899.
- Đã từng nhận chức vụ gì?
- Tiểu đội trưởng, bách tổng, nhị sư huynh, đại sư huynh, Nhất Tuyệt pháp sư.
- Đã nhận những hình thức khen thưởng kỉ luật gì?
- Năm 1900 bị xử tử hình.
- Có mụn cơm không?
- Không.

Trong gian phòng khám trắng như tuyết, Nguyên Báo trên người chỉ mặc độc chiếc quần bơi ngồi bên bàn trả lời câu hỏi của một nữ bác sĩ. Vị nữ bác sĩ vừa hỏi vừa ghi chép.
- Có bị hôi nách không?
- Không.
- Có bị trĩ không?
- Không.
- Sao anh cái gì cũng không thế?
- Bà có thể ngửi, xem xem?
- Tôi tin anh. Chắc anh cũng không bị đái dầm?
- Có nhưng giờ thì hết rồi.
- Đứng lên cái cân kia, - nữ bác sĩ chỉ vào cái cân hàng to đùng ở góc phòng.
Cô y tá xem cân chăm chú nhìn mũi kim, đứng thẳng lưng lên tuyên bố với nữ bác sĩ:
- Hơn 80 cân.
- Bây giờ tụt quần xuống đi vào phía sau tấm rèm. - Nữ bác sĩ bỏ bút xuống, xoa tay đứng lên.
- Làm gì vậy? - Nguyên Báo lo lắng hỏi.
- Để xem tình trạng phát dục của anh, - nữ bác sĩ nói gương mặt không chút biểu cảm.
- Nghe lời đi, - Bạch Độ đứng một bên dịu dàng khuyên. - Vị bác sĩ đây đã tắt kinh rồi.
- Nhưng tôi chưa từng cho ai xem bao giờ. - Nguyên Báo xấu hổ trả lời, cùng nữ bác sĩ bước vào trong rèm.
Một lát sau, nữ bác sĩ bước ra, đến bồn nước rửa tay, nói với cô y tá đang thay bà ghi chép:
- Tình trạng phát dục, bình thường.

- 88 năm trước, trong đêm liên quân 8 nước đánh thành, ông đang ở đâu?
- Tôi ở nhà. - Dưới ánh đèn chiếu ông Đường tỏ ra rất bình thản.
- Tại sao không đi chiến đấu? Lúc đó Đại đao Vương Ngũ đang chiến đấu, cha của Lão Xá cũng đang chiến đấu.
- Tôi có một nhiệm vụ rất quan trọng.
- Nhiệm vụ gì?
- Tôi vội về nhà, trước tiên giết hết cả nhà cha mẹ vợ con từng người một. Hôm đó trời cũng tối đen, cũng lạnh như thế này. Tôi vừa xử lý xong cả nhà già trẻ lớn bé chợt nghe thấy có người gõ cửa, gọi khẽ: “Sư nương, sư nương, người mau mở cửa ra”. Tôi mở cửa ra chỉ thấy một người tiến vào, tay trái ôm một đứa bé, tay phải cầm một chiếc đèn...
- Là ai?
- Là vợ của tôi - là người vợ của tôi bây giờ - lúc đó cô ấy là “Hồng Đăng Chiếu”.

[Một tổ chức của Nghĩa Hòa Đoàn, chỉ thu nhận phụ nữ. Người tham gia hội thường mặc áo đỏ quần đỏ, tay phải cầm đèn đỏ, tay trái cầm quạt giấy đỏ]

- Đứa trẻ đó là ai?
- Là Hoắc Nguyên Giáp.
- Trời ơi sao từ trước tới nay tôi chưa từng nghe nói có chuyện như vậy nhỉ!
- Vợ tôi vừa nhìn thấy tôi liền quỳ sụp xuống, miệng nói: “Sư phụ sư phụ, sư nương sư tỷ tôi đều chết cả rồi”. Tôi trả lời: “Đúng, đều bị ta giết cả”. Vợ tôi vừa khóc vừa nói: “Từ nay về sau con chính là người thân của sư phụ, đứa bé này...”. Tôi cắt ngang lời cô ấy, nói: “Đứa bé đưa từ đâu tới thì trả về chỗ ấy”...
- Sau đó thì sao? - Gã béo quệt nước mắt.
- Sau đó tiếng súng nổ ầm ĩ, bọn Nhật xông vào, miệng chửi bakayaro [đồ ngu], giơ súng chỉ vào tôi, hỏi “Làm nghề gì?”. Nói thì chậm chứ thực thì rất nhanh, khi bọn Nhật xông vào, tôi đã chui trong chăn rồi, hướng quỳ của vợ tôi cũng đã đổi, quay sang dập đầu trước mặt bọn chúng: “Ông ơi, chồng con làm nghề xay đậu phụ, là người dân lương thiện”. Bọn Nhật cười hắc hắc, dùng lưỡi lê chọc vào người cô ấy miệng gọi “Hoa cô nương”. Lúc đó, tôi tung chăn nhảy ra quát lớn một tiếng: “Dừng tay! Ta chính là thủ lĩnh Nghĩa Hòa Đoàn mà các người muốn bắt, khống có quan hệ gì đến dân chúng!”...
- Lão Đường, việc này là ông bịa rồi, - gã béo nhíu mày nói. - Theo như tôi biết, cơ sở Nghĩa Hòa Đoàn vốn không bao giờ lập đảng.
- Chàng trai à, đó là anh không biết đấy thôi, 100 năm trước chúng tôi đã có chuyện tre già măng mọc rồi.

Đường Nguyên Báo bị Tôn Quốc Nhân kẹp tay dắt đi hối hả trong hành lang dài hun hút.
Tôn Quốc Nhân dẫn anh ta đi vào một phòng khám, mấy người đàn ông mặc áo blouse trắng kéo anh ta ngồi lên ghế, quàng cổ buộc giật cánh khuỷu, lắp các loại thiết bị, ống thở, giữ cố định toàn thân và tứ chi của Nguyên Báo. Một máy X quang đã được đẩy lên trước, chiếu vào Đường Nguyên Báo.
- Chúng ta bắt đầu chạy thử - thông điện! - Bác sĩ chính nói.
Nguyên Báo đang ngồi trên ghế bị dòng điện truyền vào cơ thể, giật nảy người vặn vẹo.
- Đau quá, - Nguyên Báo hét lớn.
Bác sĩ liền lấy một miếng cao ướt giảm đau dán lên mồm anh ta, anh ta lập tức im bặt.
Đèn báo trên các loại máy móc đều sáng lên, máy hiện sóng lóe lên ánh đèn huỳnh quang xanh đen, bước sóng rối loạn. Các thiết bị phát ra những âm thanh kỳ quái.
- Bây giờ bắt đầu kiểm tra, các máy điều khiển báo cáo số liệu.
- Tim, một.
- Gan, một.
- Dạ dày, một.
- Thận, một.
- Dừng lại - sao chỉ có một quả thận?
Nhân viên điều khiển máy thò đầu từ phía sau ra hỏi Nguyên Báo:
- Quả thận kia của anh đâu?
Tôn Quốc Nhân vội giật miếng cao trên miệng Nguyên Báo ra, Nguyên Báo há cái miệng đỏ bừng ra hỏi:
- Chỉ một quả thận thì không được sao?
- Không thể, - nhân viên điều khiển máy nói. - Ai cũng có đủ hai quả thận, nghĩ kỹ xem nó ở đâu?
- Không nhớ ra, tôi hồi bé hay làm mất đồ lắm.
- Xem kích thước của quả thận ấy đi, - bác sĩ chính nói.
Nhân viên điều khiển lại vùi đầu vào sau máy, lát sau báo cáo:
- Gần bằng quả dứa.
- Vẫn chưa kết luận được, một quả làm việc bằng hai, - bác sĩ chính nói với mọi người. - Tiếp tục.
- Phổi tám trăm mét vuông.
- Mỡ có thể chọc đũa vào.
Chiếc máy in tự động kêu lọc cọc ghi lại tất cả mọi số liệu trên mảnh giấy dài ngoằng.
Vị bác sĩ chính và Bạch Độ cầm tờ giấy xem xét.
- Về cơ bản là hoàn hảo, - bác sĩ chính nói với Bạch Độ, - nếu không làm giải phẫu tiêu bản.
- Cởi trói. - Bạch Độ nói với mấy anh chàng kia, lại quay sang Nguyên Báo vừa đứng lên khỏi ghế đang vung vẩy cái cổ tay tê cứng, nói: - Xin mời đi sang bên này.
Đường Nguyên Báo bị anh chàng đẹp trai Tôn Quốc Nhân kẹp tay dắt đi hối hả trên hành lang dài hun hút.
Trong một phòng khám màu trắng khác, một nhóm bác sĩ đang chăm chú nhìn Đường Nguyên Báo bị Tôn Quốc Nhân đẩy loạng choạng ngồi xuống ghế.
Một vị bác sĩ tầm tuổi trung niên mắt đeo kính đen tay cầm một tập giấy dày cộp, hòa nhã nói với Nguyên Báo:
- Sau đây tôi sẽ làm một cuộc trắc nghiệm nho nhỏ, đừng lo lắng. Giống như hồi nhỏ bố mẹ hỏi anh ấy mà, không trả lời được cũng không sao, tôi tin anh sẽ trả lời rất tốt. Đây đều không phải là câu hỏi khó, không cần căng thẳng đâu.
- Xin mời, - Nguyên Báo thành khẩn nói. - Tôi sẽ cố hết sức làm vừa lòng các vị.
- Cám ơn, - bác sĩ nói. - Sau đây bắt đầu. Xin hãy nhìn tấm biển trong tay tôi, trên đó vẽ một con khỉ và một con người. Câu hỏi thứ nhất của tôi, anh có thể dùng một câu nói chỉ rõ sự khác biệt căn bản giữa khỉ và người không - mời anh trả lời.
- Loài khỉ toàn thân có lông. Con người chỉ một số chỗ là có lông.
- Trả lời chính xác. Cộng điểm.
Đường Nguyên Báo cười hì hì, tự đắc liếc nhìn bảng điểm trên tay một bác sĩ khác, nhìn tới Bạch Độ, vội không cười nữa, ngồi lại nghiêm chỉnh.
- Sau đây tôi hỏi câu thứ hai. vẫn là tấm biển này, giữa con người và con khỉ này thì da mặt người dày hơn hay da mặt khỉ dày hơn, hay dày như nhau - mời anh trả lời.
- Da mặt người dày hơn.
- Trả lời sai. Trừ điểm.
- Không sai. - Nguyên Báo nhìn thấy số điểm vừa giành được bị trừ hết, hơi cuống. - Là da mặt người dày hơn mà. Mặt khỉ toàn màu hồng còn mặt người thì không. Rõ ràng da mặt người dày hơn khỉ.
- Anh sai rồi. Phải nói là mông khỉ toàn màu hồng còn mông người thì không - phơi nắng cũng không hồng được. Đương nhiên vấn đề không phải ở đây, tôi hỏi về da mặt chứ không hỏi về mông. Đáp án chính xác của câu này phải là da mặt khỉ dày hơn, vì người trong hình không có mặt.
- Thế bác sĩ hỏi tôi về cái gì?
- Mặt, khuôn mặt, - bác sĩ trầm giọng nói. - Đây là một câu hỏi tư biện, anh không hiểu rõ ý câu hỏi.
- Ông cứ hỏi tiếp đi.
- Câu thứ ba: một con người và một con khỉ ai có quan niệm truyền thống mạnh hơn? Vì sao?
- Khỉ, vì khỉ không bao giờ thay đổi còn con người thì luôn luôn biến đổi không ngừng.
- Trả lời chính xác. Cộng điểm. Sau đây tôi hỏi anh câu thứ tư. Theo anh, một con khỉ và một con người ai vui sướng hơn? Vì sao?
- Vui sướng như nhau. Vì khỉ không học tập còn con người lại học tập. Học hay không học đều vô cùng sung sướng.
- Trả lời sai. Trừ điểm! Không học thì làm sao vui vẻ được? Người không học tập thì sẽ bị lạc hậu. Ngay câu này anh cũng chưa nghe qua sao?
- Nhưng bọn khỉ không đi học cũng không lạc hậu.
- Anh vẫn cho rằng chúng chưa đủ lạc hậu sao?
- Bọn khỉ chả con nào đi học cả.
- Anh so sánh chúng với ai vậy? Ai mới là mẫu mực trong mắt anh. Thị phi đảo điên, quái người lẫn lộn... cạn lời rồi. Nói lý thì anh không hơn được tôi vì tôi hiếu học hơn anh. Sau đây tôi đổi cách hỏi khác, vẫn là tấm biển này, vẫn có bốn câu hỏi, khi tôi đặt câu hỏi anh chỉ phải trả lời có hoặc không, phải lập tức trả lời, không được suy nghĩ. Câu một, con khỉ đứng trước mặt con người có cảm giác tự ti phải không?
- Có.
- Cộng điểm. Người này muốn giết chết con khỉ có chắc chắn thành công hay không?
- Không.
- Trừ điểm.
- Đương nhiên không được. Người không có tổ chức, không có vũ khí, lấy một chọi một. Khỉ giết chết người mới đúng.
- Câu thứ ba, trước kia người và khỉ có quan hệ huyết thống. Anh là người, anh và con khỉ trong tấm biển này có quan hệ huyết thống không? Nói cách khác, hai người có phải thân thích không?
- ...Có.
- Cộng điểm. Câu 4, tuy anh và nó có quan hệ thân thích nhưng nếu đưa nó cho anh nuôi dưỡng, anh vẫn ngược đãi nó phải không?
- Đúng!
- Trừ điểm! Giờ ta sẽ xem xem anh được mấy điểm.
Bác sĩ quay đầu nhìn tờ phiếu điểm:
- Thật đáng tiếc, một điểm cũng không được.
- Tôi muốn hỏi các ông dựa trên tiêu chuẩn nào để cho điểm?
- Ấn tượng. Chúng tôi đều dựa vào ấn tượng để đánh giá. Anh cho là không công bằng ư?
- Không không. Tôi nghĩ là công bằng hơn thì không có, không dựa vào ấn tượng để đánh giá thì mới lạ chứ.
- Thế này đi, - bác sĩ thì thầm vào tai mấy người khác, rồi nói với Nguyên Báo: - Chúng tôi lại ra đề khác để quyết trận thư hùng, vẫn là tấm biển này, con khỉ và con người...
- Ông có thể lấy tấm biển khác trong tay ra hỏi tôi không - thế thì hỏi mới hay.
- Không! Trong những vấn đề nhân sinh anh chỉ cần trả lời được một tấm đã là rất tốt rồi. Những tấm biển kia là để chuẩn bị cho người khác, vẫn là tấm biển này, con khỉ và con người này, anh có thể nói cho chúng tôi biết chúng chăm chú nhìn nhau như vậy trong thâm tâm chúng đang nghĩ gì?
Đường Nguyên Báo và bác sĩ chăm chú nhìn nhau.
- Bọn chúng đều nghĩ, đừng biến thành giống như kẻ kia.
- Ông đã rút ra kết luận gì? - Bạch Độ hỏi bác sĩ.
Bác sĩ nhìn Bạch Độ lại quay sang nhìn Nguyên Báo.
- Rất tiếc, tôi vẫn không thể cộng điểm cho anh ta. Đương nhiên cũng không nhất thiết trừ điểm - tôi vẫn phải cân nhắc câu trả lời của anh ta.
- Như vậy nói về ấn tượng, ông bất tất phải vội vã cho tôi một đáp án mang tính khoa học, - Bạch Độ nói.
- Ấn tượng ư? - Vị bác sĩ dựa lưng vào ghế chăm chú nhìn Nguyên Báo. - Chỉ số thông minh không cao là điều không phải nghi ngờ. Bậc đại trung thì giống kẻ gian nịnh, thọ mệnh rất dài, hai lần kết hôn, không có con nối dõi, có chút tiền của nhưng bị tiểu nhân lừa gạt, lúc quan trọng sẽ có quý nhân phù trợ. Thế này đi, tôi tặng anh ta hai câu thơ, như thế có thể làm rõ hơn ý của tôi. “Xuân phong hữu ý dương triền liễu. Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn”. [Gió xuân có ý vương vấn liễu/Đoạn trường người khách chốn tha hương]. Chưa xem chỉ tay của anh ta, tôi chỉ nói được bấy nhiêu thôi.

- Nhưng trong sách lại không nói thế, để tôi giở từ trang 44 tới trang số 49.
Trong gian phòng thẩm vấn vang lên tiếng đọc sang sảng của gã béo đầu hói:
- “Đêm đó, toàn thành lửa cháy rợp trời, tiếng súng nổ chát chúa, quân Tây dương như hổ giữa bầy dê, tàn sát khắp nơi, quân dân ta thua chạy tán loạn. Đội Nhất Tuyệt pháp sư rơi vào tay quân Pháp ở Hợp Đức Môn, tuy đã tận lực chiến đấu nhưng cuối cùng vẫn bị bắt, giờ Mão ba khắc bị bọn Pháp chém đầu ở Thái Thị Khẩu. Lúc đó sa vào chỗ chết còn có thủ lĩnh quyền phỉ khác của Nghĩa Hòa Đoàn là Đại Đao Vương Ngũ và Tiểu Đao Triệu Lục... tới hơn trăm người”.
Gã béo ngẩng đầu lên nói với ông Đường đang đeo kính lão tay lần dò từng chữ từng chữ:
- Đương nhiên, nếu quá tin vào sách thì chẳng bằng không có sách, cuốn Thanh lâu ức cựu này chẳng qua cũng chỉ là tác phẩm viết về chuyện kỳ quái thôi. Nhưng lời nói của một phía vẫn có thể tạm thời tồn tại. Chúng ta đều có kiểu trải nghiệm này, những tin đồn lưu truyền chính là chị em song sinh của sự thật.
- Nói như thế tức là tôi sai sao? - Ông Đường ngẩng mặt lên, sững sờ nói. - Nhưng tôi nhớ chính xác tôi đã bị quân Nhật bắt vào trong lô cốt xử bắn một lần.
- Ông đã đọc cuốn Tiểu binh Trương Ca chưa?
- Đọc rồi, - ông Đường gật đầu.
- Điều này chẳng có gì lạ. Mấy hôm trước tôi thẩm vấn một gã phiên dịch béo, gã còn không nhớ hồi đó gã đứng về phía người Nhật hay đối đầu với họ.
- Vì sao tôi không thể bị quân Nhật bắn rồi lại bị quân Pháp giết? Dù gì việc tôi thoát chết trong gang tấc cũng đã được xác định rồi.
- Tôi chưa nói không thể, vấn đề là ông có làm kịp hay không, vừa bị quân Nhật bắn lại vội chạy đi để quân Pháp giết sao?
- Tôi cho là có thể, theo logic thì cũng hợp lý đấy chứ. Sau khi tôi bị trúng đạn ngã xuống bèn nhắm mắt giả chết. Rồi quân Nhật đi khỏi, tôi trèo qua xác của không biết bao nhiêu người, đứng dậy lau sạch vết máu trên mình, trong lòng ôm mối thù khắc cốt ghi tâm với chủ nghĩa đế quốc, lại bắt đầu đi chiến đấu.
Gã béo lắc đầu suy nghĩ về mấy lời của ông Đường:
- Nghe thì cũng đúng.
- Tôi men theo đường Đông Tứ, hướng về phía Nam chém giết, chỗ nào nghe tiếng súng nổ ầm ĩ, tôi liền tìm đến. Ruột lòi ra, tôi nhét vào, con mắt lòi ra, tôi nuốt luôn. Lúc đó tôi chẳng kịp nghĩ ngợi gì hết, trong đầu chỉ có một ý niệm: Không được gục ngã, nếu tôi ngã xuống, Trung Quốc đi đời!
- Sau đó thì sao?
- Về sau cuối cùng tôi cũng ngã xuống. Chỉ cảm thấy mắt nổ đom đóm, tựa như trời đất quay cuồng, rồi mọi thứ đen như mực.
- Ông nhớ được gì về vụ bị hành hình ở Thái Thị khẩu?
- Khi tỉnh lại tôi đã thấy mình ở đó rồi, mọi người sắp thành một hàng chờ chém đầu. Chưa kịp nói gì đã tới lượt tôi, còn chuyện chém đầu chém như thế nào, thì so với việc băm sườn cũng không khác lắm, một tay nắm sọ một tay vung đao.
- Chẳng nhẽ một câu cũng không nói sao? Lúc ông từ biệt các chiến hữu, lúc ông đối diện với đao phủ, về lý cũng phải nói một vài câu chứ.
- Hình như, hình như có nói câu “Cách mạng thế giới muôn năm”.
- Không thể.
- À, nhớ ra rồi. Tôi và Vương Ngũ chỉ nắm tay nhau, đưa mắt động viên nhau đôi chút. Đoạn tôi xoay người mắng tên đao phủ: “Bọn ta là người Trung Quốc mà lại phải chết trong tay lũ các người”.
- Đây xem ra mới là câu nói thật lòng, đao phủ là người Trung Quốc ư?
- Không, người Pháp.

- Bây giờ hãy giơ tay trái của anh lên. Nắm tay... Tay này, tay này là tay trái. Tốt, cùng chúng tôi tuyên thệ.
- Tuyên thệ với ai? Hướng về ai?
- Tuyên thệ với tôi, nhìn tôi này. - Bạch Độ và Nguyên Báo đều giơ tay trái lên đứng đối diện với nhau. Hai người nhìn nhau trang nghiêm.
- Tôi đọc một câu anh đọc một câu, phục vụ tổ chức, hy sinh cá nhân...
- Tôi đọc một câu anh đọc một câu, phục vụ tổ chức, hy sinh cá nhân...
- Từ nay về sau, ngoài tổ chức ra tôi không có người thân nào khác.
- Từ nay về sau, ngoài tổ chức ra tôi không có người thân nào khác.
- Đầu có thể rơi, máu có thể chảy.
- Đầu có thể rơi, máu có thể chảy.
- Lên núi đao, xuống vạc dầu.
- Lên núi đao, xuống vạc dầu.
- Quyết không chau mày.
- Quyết không chau mày.
- Không cầu sinh cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng tháng cùng năm.
- Không cầu sinh cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng tháng cùng năm.
- Bản quyền đã giữ, không được sao chép.
- Bản quyền đã giữ, không được sao chép.
- Nếu đơn phương phá bỏ thỏa thuận, bồi thường mọi tổn thất cho đối phương.
- ...bồi thường mọi tổn thất cho đối phương.
Tuyên thệ xong, Bạch Độ vồn vã nắm tay Nguyên Báo:
- Từ nay về sau, chúng ta là đồng chí rồi.
Nguyên Báo vô cùng vui sướng ngoác miệng cười:
- Nói như vậy chưa đúng. Phải nói từ nay về sau, chúng ta... là... không phải là người nữa, không phải người bình thường nữa rồi.

- Tôi rất muốn biết làm sao ông có thể chết đi rồi sống lại? Phải biết rằng trừ ông ra những người khác đều không thể gượng dậy được.
- Anh đã nghe qua câu này chưa? Người Trung Quốc giết không chết.
- Tôi lại nghe thấy câu này: Người Trung Quốc giết không hết.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét