Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 13

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 13

- Cậu đã phụ sự tín nhiệm của tôi, - Lưu Thuận Minh mắt đỏ hoe, trên đầu đắp một chiếc khăn lạnh, ngồi trên giường nói với Nguyên Báo đang hết sức cung kính đứng trước mặt anh ta. - Giờ thì xong rồi, tôi còn mặt mũi nào đi gặp bạn bè trong giới văn nghệ sĩ nữa chứ.
Lưu Thuận Minh cố nén những giọt nước mắt đang chực trào ra, nhìn Nguyên Báo:
- Cậu cũng xong rồi, không phải mơ làm người có văn hóa gì đó nữa. Ngay cả tôi cũng bị bọn họ đuổi ra.
- Hảo hán dám làm dám chịu, sao lại có thể liên lụy đến thầy được. - Nguyên Báo khảng khái hiên ngang, giận dữ đùng đùng.
- Có mấy người có thể nói lý như cậu? Những người có văn hóa đều rất tức giận, nói tôi quản giáo không nghiêm.
- Tôi đi tìm bọn họ nói lý. Đuổi tôi cũng chẳng sao, nhưng trong đội ngũ văn hóa không thể thiếu người như thầy. Thầy là người có văn hóa chân chính, thầy phải rời bỏ đội ngũ văn hóa tôi thật không biết thầy là người thế nào nữa.
- Thôi bỏ đi, không cần tranh cãi vì tôi. Bất kể có trong đội ngũ hay không, cũng đều phải tiếp tục dùng tiêu chuẩn của người có văn hóa để yêu cầu bản thân. Cậu có thể làm được điểm này, tôi cũng an tâm.
- Đúng đúng, tôi chắc chắn, bọn họ có thể chiếm được cơ thể tôi, nhưng không thể đoạt được trái tim của tôi.
- Phải tiếp tục khổ luyện, không được nghỉ ngơi. Mấy hôm nay trên giường bệnh tôi đã suy nghĩ kỹ về phương án huấn luyện cậu, phát hiện đường quyền của cậu còn có khuyết điểm. Thế quyền này của chúng ta phải lưu truyền cho hậu thế, chỉ có giá trị sử dụng thôi vẫn chưa được mà còn phải chú ý đến thẩm mỹ, vừa phải có giá trị thực tế vừa phải đẹp mắt, đó mới là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Trải qua những thử thách của thời gian, cái thế quyền cước lung tung lộn xộn của ba ba quyền* nếu có thắng cũng bị người đòi cười chê.
[(Miết quyền = Ba ba quyền). Khi đánh nhau lấy thân mình làm trục quay tít đôi tay như bánh xe, gọi là ba ba quyền]
- Đúng đúng, vậy thầy nói nên sửa thế nào cho tốt?
- Tôi đã nghĩ kỹ rồi, thể thao, xiếc và múa võ Kinh kịch đều bị tôi phủ quyết rồi. Đều không đủ triệt để, những kỹ thuật tương tự này cùng lắm cũng chỉ là làm phong phú thêm một chút hình thái và động tác, sửa sang chắp vá, vẫn không đủ trở thành sự thay đổi mang tính cách mạng thực sự. Chính là nói, có làm phong phú các động tác này thì vẫn nhìn ra đó là quyền thuật chứ không phải cái gì khác. Tôi cảm thấy ý nghĩa không lớn, phải sửa cho triệt để, thay đổi hoàn toàn, nếu không thì chẳng thà không sửa, cứ để nguyên trạng.
- Đúng, lão bà cả đời đều là trinh nữ... chống Nhật đến cùng.
- Không không, cậu hiểu sai rồi, ý tôi là phải sửa, hơn nữa còn phải sửa đến mức trời long đất lở, sửa hoàn toàn luôn.
- Đúng, lão bà cả đời đều là trinh nữ... hà tất phải thế.
- Không có gì phải e ngại cả. Rùa đen ăn thịt hổ già, thành công thì là lần đầu khai thiên lập địa; không thành thì đầu rùa rụt lại, làm cháu rùa của ta như trước.
- Đúng, lão bà cả đời đều là trinh nữ... vui vẻ.
- Tôi quyết định rồi, đem Đại Mộng quyền ghép với múa ba lê, đã học thì phải học cái tiên tiến nhất. Ngon không bằng sủi cảo, thú vị không bằng chim sẻ, chúng ta đều là hạng nhất.
- Đúng, khói ấm nhà, mông ấm giường, sửa thì phải tốt hơn không sửa.
- Tôi quyết định sẽ mời một giáo viên giỏi nhất cho cậu, tìm nơi yên tĩnh, tĩnh tâm luyện tập cho tốt. Cậu nhất định phải thay tôi trả mối hận này, làm cho tốt để đám người văn hóa kia thấy, có các anh thì ăn đậu phụ, không có các anh cũng không nhai đậu.
- Nhưng ở đâu có nơi yên tĩnh nhỉ?

Bảo tàng nghệ thuật hiện đại. Treo đầy tường là những chiếc áo rách nát được phun đủ loại phẩm màu, đóng trên các tấm bìa các tông xé thành đủ mọi hình dạng. Vô số tranh ảnh phong cảnh, các nhân vật dị thường, các bộ phận kỳ lạ được trình bày theo kiểu bùng nổ, kiểu vòng xoáy, kiểu bắn phụt... xếp dán chồng chéo lên nhau.
Ở giữa sảnh triển lãm bày lốp xe, bàn ghế bị đập gãy, chiếc ô tô bị phá hủy và khung cửa sổ mục nát. Giữa những đồ triển lãm còn có vài người nam nữ khỏa thân, trên người và trên mặt tô đủ loại màu sắc hoặc đứng hoặc ngồi hoặc nhẹ nhàng đi lại, tạo các tư thế, nét mặt không chút biểu cảm.
Lưu Thuận Minh mặt mũi đầy vẻ bệnh tật dẫn Nguyên Báo, còn giáo viên múa ba lê, một bà lão gầy đét có chiếc cằm nhọn như dao, và mấy cô gái học trò của bà ta đi vào.
Nhân viên quản lý viện bảo tàng nghệ thuật, một ông béo ăn mặc luộm thuộm ra chào đón, hỏi bằng giọng khàn khàn:
- Các cậu tìm ai?
- Chúng tôi đến bao cả viện bảo tàng, - Lưu Thuận Minh nói. - Thuê chỗ này của ông để triển khai một vài hoạt động.
- A, các ngài chính là mấy vị đại từ thiện, đã bao toàn bộ vé vào cửa của chúng tôi. Biết rồi biết rồi, chúng tôi có bánh hấp ăn cũng may nhờ các vị.
- Lão tiên sình, lát nữa xin ông coi cửa cho tốt, đừng để những người nhàn rỗi vào vây xem, ảnh hưởng đến không khí làm việc của các nghệ sĩ.
- Yên tâm, ngay cả tìm tiền cũng không ai dám vào chỗ này đâu. Bảo tàng đã tổ chức lực lượng ra phố đi lùng bắt ba lần, chuyên chọn bắt phái hiện đại, dùng xích sắt khóa cửa nhốt lại cho họ nhìn, cuối cùng họ vẫn phá cửa sổ bỏ chạy. Đây là nơi vắng vẻ nhất toàn Bắc Kinh, kẻ xấu gây án đều không đến chỗ này.
Ông già lập cập đi khỏi.

Giáo viên múa ba lê nghiêm túc nói:
- Hãy tranh thủ thời gian bắt đầu luyện tập thôi, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Lưu Thuận Minh đến bên một cái thùng xả nước nhà vệ sinh, đặt cái đệm xuống và ngồi lên, ngó nghiêng khắp nơi, nhìn những cái mông đầy màu sắc như ngựa vằn.
Nguyên Báo, bà lão và các cô gái đều cởi quần áo treo dưới bức tường của sảnh triển lãm, bên cạnh những chiếc áo rách, rồi họ mặc đồ tập luyện vào đứng thành một hàng.
Bà lão tiện tay rút ra từ sau lưng ra một ngọn roi mây, nhúng nhúng vào thùng nước trong số các đồ triển lãm, đập đập trên tay, quay lại, phẩy phẩy vào chân Nguyên Báo và các cô gái.
- Đứng nghiêm đứng nghiêm. Hai chân khép lại, thẳng người lên, hóp bụng vào, ưỡn ngực ra, ngẩng đầu...
Nói đến đâu tay đến đó, chỉ đâu đánh đó.
Đợi Nguyên Báo và các cô gái đừng thành một hàng thẳng rồi, bà lão lại rút ra nắm bút chì, lần lượt nhét vào giữa háng của từng người.
- Kẹp chặt, kẹp chắc, trước tiên các trò cần phải luyện sức mạnh cơ bắp ở hai đùi, không ai được phép làm rơi, ai đánh rơi ta sẽ đánh cho ba roi.
Bà lão đi đến trước mặt mọi người, nhìn họ cười lạnh lùng:
- Đừng tưởng múa ba lê dễ học, ta không để các trò chết vài lần thì là đã làm hại người khác.
Chiếc bút chì kẹp trong háng Nguyên Báo rơi xuống, bà lão đánh đúng ba roi, nhặt chiếc bút lên rồi lại nhét vào. Vừa mới rời tay, bút lại rơi xuống. Bà lão lại đánh cho ba roi nữa, lại kẹp, lại rơi.
- Chê nhỏ phải không?
- Có một chút, bà có thể tìm một quả bóng rổ.
- Không có bóng rổ, cậu thấy tôi thế nào?
- Bà cũng hơi nhỏ.
- Xem ra cậu đã từng luyện rồi. - bà lão nghiến răng nghiến lợi nói một cách hung dữ. - Được rồi, trước tiên chúng ta luyện mở hông.
Bà lão lôi Nguyên Báo ra khỏi hàng, đá cho mỗi chân một cái để Nguyên Báo ngồi xoạc hai chân ra trên mặt đất, sau đó lập tức nhấc chân cưỡi lên cổ Nguyên Báo ra sức dận mông xuống.
- Chúng ta lại tập eo dưới.
Rồi lại đập đập lên tay Nguyên Báo.
- Hai tay ôm lấy chân, mặt chui từ trong háng ra, nhìn ta, cười đi.
Mặt Nguyên Báo bị kẹp giữa hai đùi, ngẩng mắt lên nhìn rốn mình, khẽ cười một tiếng.
- Con người tài ba, coi như là cậu có khả năng đấy. Ra đi, chúng ta lại luyện xoay từng chân.
Bà lão lấy hết sức vặn hai vai Nguyên Báo, Nguyên Báo bắt đầu xoay như chong chóng, bà lão đứng một bên vỗ tay hô:
- Xoay! Xoay! Xoay! Đừng dừng lại!
Nguyên Báo xoay như một con gió lốc, cả thân hình dường như biến mất, chỉ còn đôi mắt lúc ẩn lúc hiện trong con lốc.
Bà lão nhìn chăm chú Nguyên Báo một hồi lâu, dần dần trên khuôn mặt hiện ra nụ cười:
- Tốt, cậu luyện rất tốt, bây giờ chúng ta luyện tập múa hai người... Các cô đừng có động đậy, kẹp cho chặt vào.
Bà lão đột ngột quay đầu lại giận dữ quát mấy cô gái đang lung lay sắp ngã. Rồi bà ngọt ngào uyển chuyển tiến vào lòng Nguyên Báo, xoay người ngẩng mặt nói với Nguyên Báo:
- Nắm chặt eo của ta.
Bà lão nhảy múa thoăn thoắt, tạo dáng chim thiên nga cúi đầu rỉa cánh, một chân hướng lên trời, một tay đung đưa như sóng trước miệng, một tay uốn éo loạn lên trước miệng Nguyên Báo.
- Chú ý nhìn thế tay của ta, bây giờ đỡ ta xoay, bước đi, nhấc ta lên, nhẹ nhàng đặt xuống, lại nhấc lên... Dừng.
Nguyên Báo buông bà lão ra, bà lão quay người lại hỏi:
- Đã nhìn rõ động tác này chưa?
- Nhìn rõ rồi, - Nguyên Báo trả lời.
- Tốt, thế cậu làm lại một lần, tôi sẽ diễn vai nam.
Bà lão né ra, gắng sức nắm lấy eo Nguyên Báo, giống như đang kéo một chiếc xe muốn tuột xuống dốc, vừa kêu to:
- Tay, tay, tay đưa lên.
Nguyên Báo một tay giơ lên đến miệng bà lão, mấy ngón tay xoa xoa, đánh một quả cầu bùn tưởng tượng.
- Thể trọng của cậu không được rồi, - bà lão đặt Nguyên Báo xuống, thả lỏng tay vừa thở vừa nói. - Ít nhất phải giảm mười lăm cân. Cậu về không được ăn cơm, tôi sẽ tìm cho cậu một ít thuốc xổ.
- Được rồi, bà muốn trút giận thế nào thì cứ làm thế ấy đi.
- Các cô, - bà lão gọi các cô gái, - bỏ bút chì ra, tất cả đầu hướng về phía sau, khi nào ta bảo dậy mới được dậy.
Các cô gái uốn cong lưng xuống, nhìn giống như những cây cầu nhỏ cong cong.
Bà lão nằm nghiêng mình trên sàn nhà, đầu gối lên cánh tay, một chân co lại một chân duỗi thẳng, cảm giác như đang say ngủ bên hoa. Gọi Nguyên Báo:
- Nào, bế ta dậy... Đừng có như bế trẻ con chết như thế, một tay nhấc chân, một tay bê đùi, đúng rồi, nắm chặt lấy chân ta, nhấc lên, hai tay duỗi thẳng...
Nguyên Báo giống như đang nhấc một lá cờ lớn lên, một tay nắm cổ chân một tay nắm đùi của bà lão dựng bà ta lên thật cao.
Bà lão hai tay múa loạn lên trong không trung, đầu lắc lư như đang đánh trống, dáng vẻ như thể chết đi sống lại, thấp thỏm lo âu, cầu mà không được, lực bất tòng tâm, múa đến mức trời đất tối sầm, mặt trăng mặt trời không ánh sáng, mồ hôi nước mắt nước mũi cứ chảy tong tong không ngừng, cả đầu cả mặt Nguyên Báo ướt đầm đìa.
Lưu Thuận Minh đang ngồi trên cái bồn xả nước nhẹ nhàng vỗ tay.
Các cô gái cũng lộ mặt từ sau đũng quần, vừa cắn hạt dưa, vừa tán gẫu nhìn bà lão tấm tắc khen ngợi.
- Cảm ơn, - bà lão nhảy từ trong lòng Nguyên Báo ra. - Cậu là một bạn múa cặp trời sinh đấy.
Bà lão bỏ mặc Nguyên Báo, đi đến bên tường lấy quần áo xuống. 
Vừa đưa tay ra thì đột nhiên nghe thấy tiếng quát:
- Này, làm gì thế?
Ông nhân viên quản lý béo luộm thà luộm thuộm cau mày trợn mắt đi ra, trừng mắt nhìn bà lão.
- Lấy quần áo chứ còn làm gì nữa!
- Lấy quần áo? - Ông béo ngắm nghía bà lão đang bán khỏa thân từ trên xuống dưới, chỉ vào những bộ quần áo trên tường. - Bà muốn lấy bộ quần áo này á? Không có tiền mua quần áo thì cởi trần, chứ ăn trộm không xong đâu.
- Thế nào là ăn trộm? Áo quần này là tôi cởi ra treo lên đó.
- Này ông ơi, - Nguyên Báo bước đến giải thích, - vị phu nhân này đúng là không phải ăn trộm đâu. Không chỉ có bà ấy, quần áo của chúng tôi cũng đều treo ở đây... Vừa nãy khi chúng tôi đi vào ông chẳng phải cũng đều nhìn thấy từng người chúng tôi mặc đủ loại quần áo sao.
- Đừng có bịp tôi, cậu bé, - ông béo nói. - Tôi tuy già nhưng không hồ đồ đâu. Làm nha dịch ở cái viện bảo tàng này cũng không phải chỉ mới dăm ba năm, bệnh lâu thành thầy thuốc, cái gì là quần áo cái gì là tác phẩm nghệ thuật ta vẫn phân ra được. Cậu nói cho ta xem, những bộ quần áo treo trên tường bộ nào là quần áo bộ nào là tác phẩm nghệ thuật?
Tất cả mọi người cùng nhìn, quả nhiên những bộ quần áo làm đồ triển lãm và quần áo của các chị em treo trên tường không thể phân biệt được, đều sặc sỡ như thể thành một khối thống nhất.
- Thôi đi, ta cũng không nói các cậu là một tập đoàn lừa bịp nữa, mau biến khỏi đây. - Lão ta đuổi tất cả ra ngoài. - Toàn là người lớn, đặc biệt là bà, phu nhân, ít ra cũng phải bảy mươi rồi, tìm bát cơm sạch ăn không tốt sao?
- Nhưng đúng là chúng tôi mặc quần áo đến mà. - Nguyên Báo vừa bị ông béo đẩy ra ngoài vừa cố gắng giải thích.
- Các cậu đừng kêu oan, tốt xấu gì mỗi người vẫn còn giữ được một bộ áo tắm, có người còn không một mảnh vải che thân đi trên đường phố cơ. Sống đến thế này rồi mà có cái đạo lý đó cũng không hiểu sao? Thứ gì đã treo lên tường thì ý nghĩa thay đổi rồi, không thể bỏ xuống được nữa.
Lưu Thuận Minh rón rén đứng lên định chuồn ra, ngoài liền bị lão ta liếc nhìn thấy:
- Đi đâu đấy?
- Đi về, - Lưu Thuận Minh thản nhiên trả lời.
- Về chỗ nào? - Ông béo ngăn lại, đẩy anh ta ngồi xuống lại cái bình xả. - Đã bảo anh ngồi ở cái bồn xả thì ngồi yên đi, đừng có hai lòng.
- Tôi không phải đồ triển lãm. - Lưu Thuận Minh nhảy dựng lên trên cái bồn xả, bị ông lão ấn chặt xuống.
- Có phải là đồ triển lãm hay không anh nói cũng không được tính đâu. Với tôi chỉ có một điều, đồ vật trong viện bảo tàng này không ai được động vào, bất kể là cái gì.
Ông béo đẩy bọn Nguyên Báo ra ngoài rồi khóa cửa lại. Lưu Thuận Minh lao đến dưới cửa kính, đưa tay cào cào vào mặt kính, nhìn những người đi cùng được tự do ở bên ngoài một cách tuyệt vọng.
Nguyên Báo và các cô gái hai tay ôm lấy vai, co cụm run rẩy thành một nhóm, quanh quẩn trên bậc thềm của bảo tàng nghệ thuật, xấu hổ không dám nhìn mọi người.
Bà lão ngẩng cao đầu bước đi ung dung trên phố, nụ cười lạnh lùng hiện ra trên gương mặt, dùng ánh mắt sắc như dao đáp lại những kẻ to gan dám nhìn bà. Dưới ánh mắt nhìn chằm chằm của bà, tất cả những người nhìn bà đều từ cười chế nhạo chuyển thành sợ hãi. Có những người khó mà không khỏi động lòng, thực sự không thanh thản, cũng nhất định cởi áo quần ra, bán khỏa thân hùng dũng lũ lượt đi theo sau bà lão, hoàn toàn yên trí kiêu hãnh nhìn người khác.

Nguyên Báo giống như một huấn luyện viên đang dẫn đầu đoàn vận động viên đi huấn luyện, miệng hô to khẩu lệnh, đưa nhóm các cô gái chạy về nhà. Không ai chú ý đến họ.
Dưới ánh đèn đường, ở mỗi góc tường chỗ nào cũng có từng người hoặc từng đôi nam nữ mặc áo gió mắt đeo kính hoặc đứng hoặc đi lại, mỗi người ôm trong lòng một quyển sách dày, tay cầm một chai “Co ca”, đi lại như những âm hồn, có người trừng mắt tức giận, có người trầm ngâm suy nghĩ, có người lại mặt mũi buồn rầu.
Trong bóng tối, hai người phụ nữ đeo băng đỏ thì thầm nói chuyện riêng: “Nhìn ra lối này chưa? Bọn học sinh này lại gây chuyện rồi”.

- Hai vị lão gia, hai vị lão gia, nên dậy thôi.
Một người bồi bàn mặc chiếc áo cánh lớn cung kính đứng trước giường khẽ gọi.
Triệu Hàng Vũ và Tôn Quốc Nhân đang ngủ trên giường, ngáy khò khò một cách say sưa.
- Hai vị lão gia, hai vị lão gia, đến giờ rồi.
Triệu Hàng Vũ từ trên giường vùng tỉnh dậy, ngồi phắt lên, đầu ướt đẫm mồ hôi, mặt mũi hoảng hốt, há cái miệng khô khốc ra hỏi:
- Đây là đâu?
- Trong cung, - người bồi bàn mỉm cười trả lời. - Không phải trên đoạn đầu đài đâu.
- Phù... - Triệu Hàng Vũ thở phào một cái, định thần lại, rồi hỏi đầy bực bội: - Đang ngủ ngon, gọi tôi làm gì?
- Đến giờ rồi, - người bồi bàn chỉ vào chiếc đồng hồ đặt trên bàn. - Đúng hai giờ sáng, ngài chẳng phải đã dặn, cứ cách hai tiếng lại gọi ngài một lần, đổi phòng khác để ngủ hay sao.
- À, đúng rồi, nhớ ra rồi. - Triệu Hàng Vũ lay Tôn Quốc Nhân ở bên cạnh. - Dậy đi dậy đi, đổi sang long sàng nhà Thanh ngủ thôi.
Triệu Hàng Vũ và Tôn Quốc Nhân mắt nhắm mắt mở từ trên chiếc giường lò xo tụt xuống, đi theo người bồi bàn rời khỏi căn phòng ngủ sang trọng kiểu Pháp, bước ra hành lang. Đi trong hành lang dài tít tắp, vàng son lộng lẫy, đâu đâu cũng là gương và đèn chùm lấp lánh, với hàng dãy những căn phòng sang trọng kiểu dáng khác nhau.
Triệu Hàng Vũ và Tôn Quốc Nhàn đến một căn phòng mang phong cách Trung Quốc, tất cả đồ đạc đều là đồ gỗ, đồ cổ rực rỡ, trèo lên chiếc long sàng cực lớn có treo rèm, nằm xuống là ngủ luôn.
Tôn Quốc Nhân trong giấc mơ vẫn không quên dặn dò người bồi:
- Bốn giờ gọi chúng tôi đi đền thờ Blue Mosque* nhé.
[Đền thờ Hồi giáo nổi tiếng ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ]
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét