Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 3

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 3

Sáng sớm, trời vừa rạng vầng dương đã mọc tít lên cao, ánh nắng rực rỡ chiếu sáng khắp mọi con đường, ngõ hẻm, sân vườn. Trong sân, rất nhiều nồi niêu chum vại đang được phơi nắng, những chú ve trên cây táo già giữa sân đã kêu râm ran. Đây là một ngôi nhà tứ hợp viện hết sức bình thường, khung nhà, cửa chính, cửa sổ đều hỏng hóc, xám xịt cũ kỹ, phai mất màu gốc, gạch xanh trên tường chi chít vết lồi lõm sứt sẹo, ngói ngư lân trên mái mọc đầy cỏ xanh. Cái sân vốn cũng khá rộng bị các hộ gia đình lấy gạch vụn, giấy dầu xây thành những căn bếp nhỏ trông cong queo không ra hình dạng gì, còn thừa lại mảnh đất trống hình bàn tay lại bày chen chúc các loại hoa cỏ. Hoa cỏ ở đây đều không phải loại gì quý giá, được trồng trong mấy cái chậu sành hay bồn rửa mặt vỡ, không nhằm đẹp đẽ, chỉ cần cành lá tươi tốt sum suê, nhìn vào thích mắt, có chút sức sống là được.
Bà Đường mặc chiếc áo vạt chéo màu trắng xanh, đôi vú lớn thõng xuống sau làn áo, nhắm mắt giơ tay đi chầm chậm trong sân. Đừng nghĩ bà nhắm mắt không thấy đường, bà đi qua đi lại giữa đống chậu hoa như đường dao xẻ tron tru, ở chỗ mà ngay cả cây kim cũng không xuyên thấu được thì đôi chân nhỏ bé như cặp bánh tét của bà qua lại vững vàng không hề sai lệch một phân. Thứ bà Đường đang luyện khá nổi tiếng, gọi là “Hạc lập trang”.
Đường Nguyên Phượng, con gái của bà Đường, một cô bé mày rậm mắt to khoảng mười tám mười chín tuổi, tay cầm ca nước, miệng ngậm bàn chải đánh răng đầy bọt trắng xóa chạy từ trong nhà ra, bước lên trên bậu cửa, vừa ngoẹo đầu đánh răng vừa liếc nhìn bà Đường.
- Mẹ ơi, cẩn thận nhé, đừng đá vào chậu hoa, - Đường Nguyên Phượng rút bàn chải ra, miệng ngậm toàn kem đánh răng nói với mẹ.
- Yên tâm, - bà Đường thong thả đung đưa đôi tay, tựa như chim nhạn vươn cánh. - Trong lòng mẹ giống như tấm gương sáng vậy. Bao nhiêu năm rồi nhỉ?
- Con biết mẹ chưa chuẩn bị đá cái chậu hoa ấy. - Nguyên Phượng một tay chống đùi, cúi người xoay hông. - Chỉ là nhìn thấy sợ thôi.
Đường Nguyên Phượng đứng thẳng lưng lên, lại cầm bàn chải nhét vào miệng, đánh răng xoèn xoẹt.
- Anh, anh còn chưa dậy hả? Tí nữa em phải phơi chăn đấy.
- Gọi cái gì, gọi cái gì? Mới sáng sớm, chưa nghe tiếng chim hót đã toàn nghe tiếng em thôi.
Đường Nguyên Báo, anh chàng đạp xích lô tối qua giờ người cởi trần, mặc quần ống túm, thắt lưng to bản vui vẻ bước ra cửa, đứng trên bậc thềm, hai tay nắm chặt nhau vặn vẹo người.
-  Ồn ào gì mà khiếp thế? Để mai anh thắt lại cho, thắt cái dây thanh của em lại.
Nguyên Báo vừa nói vừa giậm chân nhảy phắt một cái, một chân bắc lên khung cửa thành hình một chữ đại.
- Đánh răng! - Nguyên Phượng khạc cục đờm ra bậu cửa, mau mồm mau miệng đáp trả. - Còn không xem cái miệng bẩn của anh, mùi hôi bốc đầy cả phòng. Nửa đêm về sáng em mơ mơ màng màng tưởng bị ngộ độc khí ga cơ đấy.
- Nếu không thì làm sao xua muỗi được, ngủ mở toang cửa mà chẳng có con nào dám đốt em.
Nguyên Báo đổi chân, lại ghếch chân kia lên, ép thành hình cong như cánh cung cho giãn gân giãn cốt.
- Đừng có rách toạc. - Nguyên Phượng ngậm một ngụm nước to, súc miệng rồi phun ra như hình cánh quạt. - Cầu vồng cầu vồng! - Nó vừa hét vừa chỉ.
- Vô duyên. - Đường Nguyên Báo hạ chân xuống, lườm em gái một cái, vận khí bước xuống thềm, nhấc hai chậu cây xương rồng lên, xé mấy nút thắt bằng ni lông vẫn buộc trên chậu hoa ra, buộc mỗi chậu vào một bên bắp chân. Chỉnh xong nút buộc liền vừa xếch đũng quần vừa choãi chân bước, mỗi bước đều để lại dấu chân trên mặt đất, tiến về phía cây táo già.
- Anh vô duyên! - Nguyên Phượng đứng trên bậc thềm hét. - Y như chó đái vậy!
Nguyên Báo bước tới trước cây táo, xuống tấn, tập trung tinh thần, nín thở đỏ mặt, hai tay chống bên hông, từng quyền từng quyền đánh vào thân cây. Mỗi lần đánh một quyền đều phải vội vàng giữ lấy cây táo đang bị lay động dữ dội, điệu bộ như sợ mình sắp đánh bật gốc cây lên vậy. Đánh ba quyền đá một cước, kỹ thuật giữ thăng bằng lúc nhấc chân có mang chậu hoa ấy có thể sánh ngang với diễn viên xiếc chuyên cầm cây sào đi trên dây.
- Bác bảo này, Nguyên Báo, tại sao cháu không chịu buông tha cho cây táo ấy thế? Ngày nào cũng đánh đập nó dã man.
Bà Lý hàng xóm vừa chui ra từ căn bếp nhỏ dưới cây táo, trong giây lát bị không biết bao nhiêu cành lá rơi lả tả xuống mắc vào đầu vào mặt, vừa lấy tay phủi vừa chất vấn:
- Mày đánh cái cây thâm đen, nó không kết trái, chỉ có bọn côn trùng ở thôi.
Nguyên Báo lòng không xao động, mắt không nhìn ngang, tựa như không nghe thấy gì, vẫn ba quyền một cước mà đấm mà đá.
- Tôi nói này người anh em, chúng ta nên thỏa thuận một chút chăng, anh trèo lên nhà tôi thì được nhưng con trai anh thì không được phá cây táo của tôi.
Trên mái nhà nổi lên một tràng cười hắc hắc quái dị, cha của Nguyên Báo, một ông già trọc đầu lưng trần khỏe mạnh đang xòe hết tứ chi y như con thạch sùng bám trên mái hiên trước hành lang nhà bà Lý, điệu bộ trông còn ung dung hơn cả thạch sùng.
- Hai cha con các người một kẻ hành hạ tôi là đủ lắm rồi. - Bà Lý ngẩng mặt lên trời cầu khẩn.
Ông cụ nhảy từ trên mái hiên xuống, khi tiếp đất còn nhẹ nhàng nảy lên vài cái, cười ha hả:
- Bà chị ơi, luyện võ cường thân là để bảo vệ quê hương. Chị không nhìn ra đứa con này của chúng tôi rồi, chí khí của nó lớn lắm đấy.
- Người anh em, mấy lời anh nói đều là mấy câu thời Dân quốc, thời nay hết chuộng lâu rồi. Bây giờ phải nói văn minh lịch sự, khách khách khí khí, trước tiên làm giàu, anh luyện võ như vậy có tác dụng gì chứ. Tôi không hiểu? Chồng chúng tôi trước thời nhà Thanh cũng đã tham gia đội tuần đinh, cũng là tráng chí chưa thành công, song chưa thấy ai lại không tự bỏ qua cho mình như vậy. Có đúng không hả chị Đường? - Bà Lý quay sang hỏi mẹ Nguyên Báo.
- Đạo lý ấy tám trăm năm trước tôi đã chỉ ra cho bố con ông ấy rồi. - Bà Đường kiễng chân vỗ vỗ hai tay bước tới. - Toàn công toi cả, có ai chịu nghe đâu?
Lúc đó, ngoài ngõ vang lên những âm thanh huyên náo, tiếng bước chân rầm rập của một nhóm người đang la hét om sòm dần tiến vào. Hắc Tử, con trai bà Lý, một anh chàng xấp xỉ tuổi Nguyên Báo chạy về tới trước cửa nhà thở không ra hơi, lắp bắp nói với Nguyên Báo:
- Báo, Báo ơi, trong ngõ kéo đến một đám người đang dò hỏi về anh, xem ra không phải người lương thiện.
- Có chuyện gì vậy? - Đường Nguyên Báo ngừng luyện võ, hai tay chống nạnh dạng chân bước đến bên cạnh Hắc Tử. - Ra ngoài xem xem.
- Gượm đã, - bà Đường cản con trai lại. - Con đừng ra mặt vội.
Đám người ầm ĩ đã kéo tới trước cổng nhà họ Đường, bà Đường mờ cổng ra, đứng chắn ngang cửa. Chỉ thấy Lưu Thuận Minh đầu đầy mồ hôi đi đầu tiên, chỉ nhà họ Đường nói với đám người phía sau:
- Chính là ngôi nhà này, tôi tận mắt thấy gã đó chạy vào trong nhà này. Nói không chừng cái xe xích lô vẫn được khóa ở ngoài sân. - Lưu Thuận Mình phát hiện ra chiếc xích lô được đặt ở góc tường bên ngoài, khám xét một hồi, tay nắm lấy chỗ ngồi trên xe hét lên đắc thắng.
- Đúng rồi, chính là chiếc xe này, - Bạch Độ nói với Triệu Hàng Vũ. - Hắn chạy không thoát đâu, nhất định đang ở trong ngôi nhà này.
Triệu Hàng Vũ xem xét mấy cánh cửa mục nát, hoàn toàn coi như không nhìn thấy bà Đường, rút chiếc quạt giấy vẫn gài sau cổ áo ra, xòe ra phe phẩy quạt, chỉ vào trong nhà:
- Vào, mấy người đi vào gọi hắn ra đây.
Mấy gã thanh niên đeo kính định tiến vào nhà bị bà Đường giơ tay cản lại.
- Chờ đã, có chuyện gì thì hãy nói với bà già này.
- Ở đâu lại chui ra bà già này? - Triệu Hàng Vũ nói với Bạch Độ. - Bảo bà ta mau tránh ra, đừng làm ảnh hưởng tới việc chúng ta thi hành công vụ.
- Bác ơi, - Bạch Độ bước lên dịu dàng nói, - chúng tôi không phải đến tìm bác, mà đến tìm một chàng trai.
- Đừng giở trò miệng nam mô bụng một bồ dao găm với tôi. Tìm ai? Làm gì? Hãy nói cho rõ ràng trước đã, nếu không, đừng mơ vào nhà tôi. Các người đao quang kiếm ảnh sát khí đằng đằng dám tới đây bắt người sao?
- Hoàn toàn không phải như thế đâu. Bác định thần nhìn kỹ xem, đây là ánh sáng máy ảnh đấy chứ.
- Không cần lôi thôi với bà ta, mất thời gian, người tôi cần là anh chàng đó.
Triệu Hàng Vũ vẫy tay ra hiệu cho thủ hạ tiến lên, bà Đường cố sức chặn cửa, mấy gã thô bạo đẩy tay bà ra.
- Đau chết tôi, giết người, - bà Đường ngửa mặt lên trời gào to.
- Dừng tay lại! - Một tiếng quát lớn vang lên, Đường Nguyên Báo xuất hiện trước cửa. Thủ hạ của Triệu Hàng Vũ đều phải lùi lại. Lưu Thuận Minh thì thầm vào tai Triệu Hàng Vũ:
- Chính là hắn.
Triệu Hàng Vũ hỏi:
- Anh là người đạp xích lô ở ga Bắc Kinh tối qua?
- Phải thì sao? - Đường Nguyên Báo đã nhận ra Bạch Độ và Lưu Thuận Minh. - Hảo hán làm hảo hán chịu! Mọi người mau tránh ra cho tôi thoải mái tay chân.
Đường Nguyên Báo hùng dũng bước ra khỏi cửa, đám người trong ngõ đều tránh dạt ra.
Bà Lý thấy thế bèn bảo con trai:
- Mau đi gọi người tới.
Hắc Tử dạ một tiếng, nhân lúc không ai chú ý, lẻn ra khỏi cửa, từ từ đi dọc mép tường vài bước rồi co cẳng chạy.
Bên kia, Nguyên Báo đã mở sàn đấu, càng bước càng rộng, càng bước càng tròn, nhóm người Triệu Hàng Vũ, Bạch Độ bị anh ta ép thành một hàng đứng sát tường.
Cha Nguyên Báo cũng hùng dũng xuất hiện trước cửa, nói với con trai:
- Múa võ đi, múa cho bọn chúng hoa mắt, khiến chúng không đánh mà phải tự rút lui.
Nguyên Báo nghe thế liền vung tay múa quyền, trông như bánh xe quay tít, bước chân càng lúc càng nhanh, dần dần trở thành hình bóng mơ hồ, chỉ thấy một đám bụi xoay tròn.
Nguyên Phượng bê ra một chậu nước rửa mặt, ông bố tiếp lấy quát lên một tiếng:
- Xem đây!
Ông già hắt chậu nước vào đầu Đường Nguyên Báo. Một trận mưa bạc chứa muôn ngàn giọt nước lấp lánh bắn ngược ra rải đều thành một vòng tròn, tất cả mọi người xung quanh không ít thì nhiều đều bị dính một vài giọt.
Lại thấy Nguyên Báo đứng vững vàng giữa vòng tròn, cả người từ trên xuống dưới không hề dính một giọt nước nào, hoàn toàn khô ráo.
- Hay! - Người xem đồng thanh hô to.
- Chậu nước này rất hiệu nghiệm. - Triệu Hàng Vũ cười tít mắt, vỗ tay dẫn đầu tiến lên, hai tay nắm chặt lấy đôi tay của Nguyên Báo, lắc thật lực. - Quả nhiên danh bất hư truyền, cho chúng tôi mở rộng tầm mắt, nước nhà may thay, dân tộc may thay.
- Các người nói cái gì vậy? - Đường Nguyên Báo bị đám người đeo kính xếp thành hàng ngũ bước tới lần lượt bắt tay làm cho hồ đồ. - Không phải các người đến để đánh nhau sao?
- Chúng tôi tới vì việc đánh nhau, - Một người đàn ông đeo kính nói. - Nhưng không phải chúng tôi đánh nhau với anh.
- Võ nghệ của anh rất lợi hại. - Triệu Hàng Vũ nói. - Chúng tôi rất hài lòng, anh đã trúng tuyển.
- Các người nói trúng tuyển cái gì cơ? - Nguyên Báo ngơ ngác hỏi.
- Trúng tuyển gì anh ta vẫn chưa biết. - Đám người Triệu Hàng Vũ thấy thế cười ha hả.
- Vinh dự rất lớn, - một người đàn ông đeo kính nói. - Anh nên cảm thấy vui mừng.
- Tôi hỏi anh, - Triệu Hàng Vũ mỉm cười, khéo léo dẫn dụ, - nếu có một người bị sỉ nhục trong mắt anh, anh có quản hay không?
- Tôi quản cái gì? - Nguyên Báo trả lời. - Tôi đâu phải là cảnh sát.
- Nếu người đó là người thân của anh? - Triệu Hàng Vũ mỉm cười tiếp tục hỏi. - Nếu người thân của anh, bạn tốt của anh bị đánh?
- Thế thì phải xem vì sao lại bị đánh, đánh có đúng đạo lý hay không? Nếu vô cớ kiếm chuyện gây sự với người khác thì bị đánh là đáng đời mà?
- Không ngờ anh lại là người biết phải trái như vậy.
Triệu Hàng Vũ cười hơi gượng gạo, nhưng vẫn tiếp tục cười.
- Bất kể người bị đánh là ai, chỉ cần không phải là anh, anh đều không quản?
- Tôi mặc kệ, việc này thì đi mà tìm chính quyền, tìm đồn công an, tôi thì làm được gì? Quản được hay sao? - Đường Nguyên Báo cười hăng hắc nói với đám người ngây ngốc xung quanh. - Nếu là đánh nhau vặt, bố tôi sẽ bảo tôi ít quản chuyện không đâu.
Triệu Hàng Vũ trở nên nghiêm túc:
- Nếu kẻ bị sỉ nhục là đất nước của chúng ta?
Đường Nguyên Báo trừng mắt:
- Nước ta bị ai sỉ nhục? Chưa từng nghe nói đấy? Chỉ nghe nói tại Thế vận hội Olympic ở Hàn Quốc bị người ta đánh bại thôi.
- Mọi người cứ nói như vậy với anh ta thì anh ta chẳng bao giờ hiểu được, - Bạch Độ không chịu nổi nữa, nói. - Chi bằng nói thẳng ra. Việc là thế này... À, đúng rồi vẫn chưa biết xưng hô thế nào? Tên anh là gì?
- Đường Nguyên Báo, chữ Nguyên trong nguyên soái, chữ Báo trong con báo.
- Việc là thế này, đồng chí Đường Nguyên Báo. Chúng tôi là Đoàn chủ nhiệm Ủy ban Tổng động viên nhân dân toàn quốc, trước là Ban thư ký Ủy ban tổ chức giải thi đấu tự do Trung Quốc mở rộng.
- Tôi chẳng quan tâm nó là cái gì.
- Đúng đúng, không cần quan tâm, để tôi nói cho anh biết tại sao chúng tôi lại tìm anh. Cấp trên của tôi vừa nói với anh, cách đây không lâu nước ta vừa bị người ta sỉ nhục. Anh đã biết chưa? Việc xảy ra vào mùa xuân năm nay, một gã Tây đã đánh người Trung Quốc ở Sapporo.
- Bị đánh có thảm không?
- Ôi thê thảm lắm, không ai nỡ nhìn cả.
- Xem rồi anh có thể tức chết, - Lưu Thuận Minh nói chen vào. - Chúng tôi đều bật khóc, hận không thể lập tức xông lên đánh chết từng tên một.
- Thế sao không xông lên? - Nguyên Báo hỏi.
- Lúc đó chúng tôi đâu có ở Sapporo, - Lưu Thuận Minh trả lời. - Dẫu muốn nhưng không thể.
- Việc lớn như vậy sao chúng tôi không ai nghe nói cả? - Nguyên Báo quay người ra hỏi hàng xóm xung quanh. - Ti vi cũng không phát?
- Không dám tuyên truyền rộng rãi, - Lưu Thuận Minh nói. - Đây là việc đáng xấu hổ.
- Sau đó thì sao?
- Sau đó nhóm chúng tôi không làm như vậy. Vì sao người Trung Quốc chúng ta lại để bọn Tây khinh thường thế, tại sao chúng ta không thể khinh thường bọn chúng?
- Chúng tôi là một tổ chức tự phát, quyết định phải dạy cho bọn Tây một bài học. - Bạch Độ chỉ tay vào đám người phía sau. - Đây đều là những đồng chí có tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc.
- Chúng tôi chuẩn bị mời gã Tây đó tới, - Triệu Hàng Vũ nói. - Đánh cho hắn một trận tơi tả. Cho nên chúng tôi đi tìm anh, từ lâu đã nghe nói về sự lợi hại của Đại Mộng quyền, chúng tôi nghĩ rằng muốn đánh bại gã Tây đó phi Đại Mộng quyền thì không xong.
- Anh nhất định không được từ chối. - Lưu Thuận Minh rơi lệ quỳ xuống dưới chân Nguyên Báo, đột nhiên đám người phía sau cũng lần lượt quỳ xuống, không khí rất trang nghiêm.
- Người Hoa chúng ta một trăm mấy mươi năm nay không được an lòng, việc này không thể tiếp diễn. Trung Quốc bây giờ trông chờ vào anh, nếu anh không đồng ý, tất cả chúng tôi sẽ dập đầu đến chết trước mặt anh.
- Mau đứng lên mau đứng lên. - Nguyên Báo nhảy phắt một cái đỡ Lưu Thuận Minh dậy, những người quỳ phía sau cũng lần lượt đứng lên. Nguyên Báo nói với mọi người: - Tâm ý mọi người tôi đã hiểu, đừng quỳ nữa, tôi nhận không nổi đâu. Đường Nguyên Báo tôi cũng là con cháu của Viêm Hoàng, mọi người gặp chuyện bực dọc, Đường Nguyên Báo tôi cũng không vui. Sự việc tôi đã hiểu cả, đánh một gã Tây chả đáng gì. vấn đề là đã được chính phủ chấp thuận chưa? Chúng ta không thể như bầy chim tụ lại, việc gì cũng phải có tổ chức, đừng để tôi đánh bại gã Tây rồi lại đi ngược với chính sách của chính phủ.
- Điều này thì anh yên tâm, - Triệu Hàng Vũ nói. - Anh cứ tha hồ luyện tập, chỉ cần lo đánh chết hắn, nếu lỡ mất mạng thì thuộc hạ của tôi có rất nhiều người sẵn lòng thay anh vào ngồi trong đại lao.
- Cha, cha nói đi! - Nguyên Báo quay lại nhìn cha mình. - Việc này con có nên đồng ý hay không?
- Còn do dự gì nữa con trai? Chẳng phải là con đã bức xúc từ lâu muốn làm nên sự nghiệp vĩ đại sao? Nếu có tổ chức cho người già ta cũng muốn tham gia.
- Ôi lão anh hùng. - Triệu Hàng Vũ dẫn mọi người quay sang chắp tay vái chào. - Thứ lỗi cho chúng tôi có mắt không tròng, mãi mà không nhận ra ngài.
Tiếp đó mọi người đều sững sờ nhìn cha của Nguyên Báo, vẫn là Lưu Thuận Minh trấn tĩnh lại trước tiên.
- Không phải năm Canh Tý ông đã bị người Tây chém đầu rồi sao?
- Nói năng kiểu gì thế? - Nguyên Báo chưa hành động gì. - Vừa nãy còn nói toàn điều tốt đẹp, giờ lại gây khó dễ cho bố tôi.
- Tôi mà nói bừa thì tôi là hạt cải.
Lưu Thuận Minh móc ra tâm ảnh tráng sĩ Nghĩa Hòa Đoàn bị giải tới pháp trường, vừa chỉ vào người đàn ông đen sì mập mạp trong ảnh vừa nhìn cha của Nguyên Báo.
- Giống y như đúc - thì ra ông thoát chết trong gang tấc.
Nguyên Báo chăm chú nhìn bức ảnh rồi quay lại nhìn cha mình, cũng ngây ra, nói:
- Cha bao nhiêu năm rồi mà gần như không thay đổi gì mấy.
Lão tráng sĩ cười ha hả, đón lấy bức ảnh mân mê, bao nhiêu tình cảm tràn về trong lòng, ông nói với Triệu Hàng Vũ:
- Nói như vậy lại nhắc tới Nghĩa Hòa Đoàn rồi.
- Lại nhắc tới rồi, lại nhắc tới rồi. - Đám người vừa rớt nước mắt vừa cười hạnh phúc.
- Theo tôi nghĩ, nếu lão anh hùng vẫn còn khỏe mạnh, Đại Mộng quyền phổ phải chăng nên trả về chủ cũ? - Bạch Độ nhẹ nhàng nói với Triệu Hàng Vũ .
- Nên, nên chứ! -  Triệu Hàng Vũ gạt lệ, bảo với thuộc hạ. - Quyền phổ phải trả cho lão anh hùng.
Cha Nguyên Báo cầm cuốn sách bìa các tông, nước mắt tuôn trào, cất cao giọng bảo.
- Nguyên Báo, con lại đây, nếu con không đánh gục gã người Tây cho ta thì con không phải là con trai ta.
- Cha, con sẽ làm tốt, - Nguyên Báo khẳng khái hiên ngang nói. - Cả mối thù năm đó của cha, con cũng sẽ bắt chúng trả giá.
- Rót rượu rót rượu. - Triệu Hàng Vũ quay lại nói lớn. - Rót rượu cho tráng sĩ.
Một người đàn ông đeo kính tay bê vò rượu và bát tô đã chuẩn bị từ trước, theo lệnh của Triệu Hàng Vũ rót ra dòng rượu trắng lóng lánh.
Triệu Hàng Vũ tay cầm bát rượu, nói với cha của Nguyên Báo:
- Chỗ rượu này chúng ta nên uống hay không?
- Nên uống, - lão anh hùng nâng bát rượu lên nói một cách hào sảng. - Không chỉ uống mà còn phải uống cạn.
Đám người giơ cao bát rượu, uống một hơi là cạn, nhe ra toàn răng với lợi. Nguyên Báo đầu óc lâng lâng lảm nhảm với Bạch Độ.
- Không giấu gì cô, cha tôi rất hiểu tôi, tôi vốn không thích nghề đạp xe kiếm sống này, từ lâu đã muốn làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa.
- Lần này chắc chắn anh sẽ làm nên chuyện kinh thiên động địa, - Bạch Độ điềm tĩnh vung vẩy bát rượu đã uống cạn. - Tôi đảm bảo.
- Tráng sĩ ở đâu? Tráng sĩ ở đâu? - Mấy tiếng kêu vang lên, một người đàn ông to lớn cao gần hai mét, khắp đầu và cánh tay quấn đầy bông băng chen vào vòng tròn người, một tay kéo Nguyên Báo ôm vào lòng, nước mắt chảy như mưa. - Anh nhất định phải báo thù cho tôi.
- Đây là tuyển thủ của nước ta đã bị đánh bại trong hội võ ở Sapporo, - Triệu Hàng Vũ điềm đạm nói. - Trông anh ta bị đánh toàn thân không còn chỗ nào lành lặn cả.
- Trời ơi! - Tất cả mọi người đều thốt lên một tiếng đầy thương xót.
Lúc đó, từ bên ngoài vọng đến tiếng quát tháo:
- Chúng nó ở đâu? Chúng nó ở đâu?
Chỉ thấy con trai bà Lý dẫn một nhóm người mặc quần ống túm thắt lưng to bản kéo nhau thành hàng dài trong ngõ múa đao khua côn trông như một đoàn người múa quyền cước biểu diễn các tiết mục tạp kỹ chạy tới.
- Đừng cản đường tôi, đừng cản đường tôi, các người đừng ai ngăn cản tôi. - Hắc Tử vừa quát vừa liều mạng húc đầu vào bụng một người đàn ông đeo kính:
- Người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc. - Lưu Thuận Minh anh dũng xông ra dang rộng hai tay bảo vệ cho Triệu Hàng Vũ ở phía sau, trông như gà mẹ bảo vệ đàn con. Bị người ta đá quét một cái liền nện mông xuống đất.
- Vô lễ! - Cha Nguyên Báo quát lớn. - Người lớn đang bàn chuyện quốc gia đại sự, nhãi con không được làm ồn, - rồi quay sang Triệu Hàng Vũ, - Chủ nhiệm Triệu không cần phải lo lắng.
- Đâu có đâu có, - Triệu Hàng Vũ liếc mắt nhìn đám người đi cùng Hắc Tử, lại nhìn cha của Nguyên Báo cười lớn. - Quý ngõ quả là nơi ngọa hổ tàng long.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét