Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 20

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 20

- Anh thấy có vấn đề gì không? - Lưu Thuận Minh, Tôn Quốc Nhân ngồi xổm ngang hàng nhau trên hố xí, ống quần kéo lên, trong tay mỗi người cầm một tờ báo xé làm đôi, hút thuốc, vừa rặn vừa khẽ nói chuyện:
- Tôi cảm thấy không có lý do gì đình chỉ công việc của Nguyên Báo, - Lưu Thuận Minh nói. - Tuy rằng tôi cũng cảm thấy con người Nguyên Báo tư tưởng rất có vấn đề, nhưng anh ta vẫn chưa nảy sinh tâm lý phản kháng mạnh mẽ, đây chính là điều rất may mắn trong những điều bất hạnh.
- Đúng thế, trước đây chúng ta lo lắng nhất là điểm này, sợ rằng trong lòng cậu ta ngầm oán hận chúng ta. Bây giờ xem ra vẫn ổn, tiêu cực thì có tiêu cực một chút đấy, chỉ cần không tới mức phản động, có lẽ lại vừa khéo cho chúng ta cơ hội này.
- Cậu ta làm cho tôi rất cảm động, người Trung Quốc bất khuất kiên trung trước muôn vàn trắc trở, trong cái khó ló cái khôn, bền bỉ dẻo dai, luôn có thể tìm cho mình một lối thoát, có lẽ đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho dân tộc chúng ta đời đời đứng vững giữa muôn vàn dân tộc trên thế giới.
- Nhân dân cao cả, chúng ta nếu không làm một chút gì thì thực là phụ mảnh đất được cõng trời hậu đãi này.
- Như thế xương máu của các bậc tiền bối mới không bị uổng phí.
Hai người thở vắn than dài cảm khái một hồi, rồi lại quay trở về thực tại. Tôn Quốc Nhân thì thầm nói với Lưu Thuận Minh:
- Anh thấy con người Triệu Hàng Vũ thế nào?
- Rất tốt. - Lưu Thuận Minh cảnh giác nhìn Tôn Quốc Nhân một cái. - Làm người ai chẳng có chút khuyết điểm, nhưng làm một lãnh đạo thì chúng ta không thể đòi hỏi anh ấy nhiều hơn nữa.
- Anh không thấy gần đây tâm tình của anh ấy có gì không bình thường à? - Tôn Quốc Nhân đưa mắt nhìn Lưu Thuận Minh với vẻ cao thâm khó dò, giọng nói đầy hàm ý mập mờ.
- Anh còn phải ý tứ gì nữa, nói thẳng đi, anh em chúng ta còn có gì không thể nói với nhau nữa chứ?
- Tôi chẳng hề có ý gì khác. Kể ra thì con người cá nhân có quyền biểu lộ tình cảm, nhưng làm lãnh đạo mà lại quá chìm đắm trong tình cảm, thì thực là nguy hiểm. Mức độ ảnh hưởng tới công việc sẽ vượt ra khỏi phạm vi cá nhân, cần phải lãnh đạo toàn cục mà, thường xuyên kêu la khóc lóc thì còn ra gì nữa? Công việc thì không làm, không ăn uống thì cũng là thơ từ ca phú.
- Đúng vậy, anh Triệu đúng là có chút buông thả giống hàng thứ dân tầm thường. - Lưu Thuận Minh trầm tư nói.
- Thực tế thì, - Tôn Quốc Nhân rít một hơi thuốc, - công việc giai đoạn này chủ yếu là do anh đảm nhiệm. Tôi thấy không có ai khác động chân động tay, chúng ta cũng làm được rất tốt mà.
- Thậm chí cực tốt.
Tôn Quốc Nhân cười, nhìn Lưu Thuận Minh một cái đầy ý tứ sâu xa:
- Anh Triệu thích thơ từ, tôi thấy nên để anh ấy chuyên tâm nghiên cứu thơ từ không phải càng tốt sao?
Lưu Thuận Minh cũng cười:
- Trồng hoa húp cháo, sống thêm vài năm, còn những việc hao tâm tốn sức này thì để những người trẻ tuổi như chúng ta gánh vác.
- Tôi thấy lo thay cho anh Triệu, - Tôn Quốc Nhân nói rất chân tình. - Anh ấy không thể chịu nổi một cú sốc nào nữa, sau chuyện của Bạch Độ anh ấy già đi mấy tuổi.
- Những quốc bảo sống như thế của quốc gia, chết một người là thiếu đi một người, không thể để họ chết được.
- Cần phải quan tâm cứu lấy họ như cứu lấy những loài thú quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, phải bảo vệ nghiêm ngặt.
- Dù cho phải dựng nên cả một khu bảo tồn tự nhiên.
Hai người cười ha hả, cầm tờ giấy báo chùi đít qua quít, kéo quần rồi đứng dậy.

*

- Các đồng chí vẫn mạnh khỏe chứ? Thế nào? Chủ nhật đều nghỉ ngơi tốt chứ?
Triệu Hàng Vũ mặt mày vui vẻ cầm túi đi vào phòng họp, nghiễm nhiên bước vào vị trí đầu của bàn họp, vừa lôi ra từ trong túi những chén pha trà, hộp trà và quyển sổ ghi chép bằng bút máy vừa cười ha hả chào hỏi những người cùng ngồi xung quanh.
- Hai ngày nay tôi tràn trề cảm hứng, đọc được ít thơ từ, trong lòng rất vui vẻ thoải mái. Tự mình cũng viết được mấy bài, lúc nữa sẽ thử đọc cho mọi người nghe, ha ha, xin được dâng chút tài mọn, mong mọi người chỉ giáo cho tôi. Loại sâm Tây này rất tốt, tôi mách cho mọi người, mọi người về ăn thử, ăn xong sẽ cảm thấy thật khác lạ, giống như ta mặc một chiếc áo da, ngày đông tháng rét để tay trần chạy trên đường quả thực là toàn thân mồ hôi vã ra như tắm đấy... Ha ha...
Triệu Hàng Vũ ngồi xuống ghế đầu, hỏi Tôn Quốc Nhân:
- Cậu Tôn này, hôm nay họp gì thế? Vội vàng mời tôi đến như thế này, không có tôi không được hay sao?
- Lát nữa anh sẽ biết ngay mà, - Tôn Quốc Nhân ngồi ở đầu bàn bên kia, lạnh lùng đáp. Anh ta quay đầu tìm Lưu Thuận Minh: - Mọi người đến đủ cả chưa? Đến đủ rồi thì chúng ta bắt đầu họp thôi.
Thành viên của Đoàn chủ nhiệm Tổng hội đều ngồi im phăng phắc hai bên bàn họp.
- Chủ đề buổi họp hôm nay là gì? - Triệu Hàng Vũ vừa mỉm cười vừa gõ tay xuống bàn, nhẹ nhàng nói với Tôn Quốc Nhân. - Tôi là người chủ trì mà cũng không biết nữa.
- Buổi họp hôm nay do tôi chủ trì, - Tôn Quốc Nhân nói, quay mặt về phía mọi người. - Chủ đề thứ nhất, là phân công lại công việc một cách rõ ràng. Xét thấy chức danh của tôi đã có sự thay đổi, chức vụ Tư lệnh đội bảo an ở ngõ Đàn Tử đang để khuyết, tôi đề nghị để Lưu Thuận Minh khôi phục chức vụ trước đây, bây giờ biểu quyết...
- Lưu Thuận Minh khôi phục chức vụ trước đây e rằng không hợp lý đâu? - Triệu Hàng Vũ nói một cách chậm rãi từ tốn. - Cậu ta bị bắt giải đi một cách công khai kia mà.
- Có ai phản đối không? Không có ai phản đối, nhất trí thông qua.
Tôn Quốc Nhân cúi đầu đọc văn bản đã được đánh máy:
- Tiếp theo, chủ đề thứ hai, là rửa sạch nỗi oan cho đồng chí Lưu Thuận Minh, khôi phục danh dự và lật đổ tất cả những lời lẽ bôi nhọ láo toét đã chụp lên đầu đồng chí Lưu Thuận Minh, có ai phản đối không?
Tôn Quốc Nhân ngẩng đầu nhìn những người có mặt.
- Không có ai phản đối, nhât trí thông qua. Tiếp theo, chúng ta tiến hành chủ đề thứ ba, về việc triển khai phản đối tất cả những tư tưởng hành vi của giai cấp tư sản mang tính chất tiêu cực, có hại, không cầu tiến đang tồn tại trong nội bộ Tổng hội; vận động quét sạch ảnh hưởng của những tư tưởng và hành vi này... có ai phản đối không?
- Các cậu làm những việc này đã bàn bạc với tôi hay chưa?
- ...Không có ai phản đối, nhất trí thông qua.
- Làm bậy! - Triệu Hàng Vũ đập bàn. - Ai cho các cậu có cái quyền làm những cuộc vận động này? Việc lớn như vậy các cậu không hỏi tôi lấy một câu, tự mình quyết định, trong mắt các cậu còn có biết đến nguyên tắc của tổ chức nữa hay không?
- Tiếp theo tiến hành chủ đề thứ tư: Tuyên đọc thư chia tay đồng chí Triệu Hàng Vũ...
- Đánh lén bất ngờ. Hoàn toàn là đánh lén bất ngờ, - Triệu Hàng Vũ giận tới mức toàn thân lẩy bẩy, bàn tay run rẩy, nói không thành câu. - Sao có thể đối xử với đồng chí của mình như thế... chư hầu khởi binh thảo phạt triều đình vẫn phải đọc hịch văn trước chứ...
- Xin anh trật tự, nghe tôi đọc thư. - Lưu Thuận Minh nói với Triệu Hàng Vũ, tay cầm lấy tờ giấy đứng dậy đọc: - Đồng chí Triệu Hàng Vũ kính mến, toàn thể thành viên của Đoàn chủ nhiệm Tổng hội chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay đều bày tỏ sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với đồng chí. Trong những ngày thành lập Tổng hội, đồng chí đã quên ăn quên ngủ, một ngày phải giải quyết hàng trăm việc, không ngừng không nghỉ, lao tâm khổ tứ, tận tâm tận sức, đã dâng hiến tinh lực cả đời cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Trung Quốc. Kim âu [Kim âu: cái bình vàng, người ta thường ví kim âu với nước nhà] đã được thu thành một mối, chia đất chia đai thật là bận rộn; sống thì cao cả, chết thì vinh quang; máu đào đã kết thành hoa thắng lợi, giận hướng rừng đao viết bài thơ. [Nộ hướng đao tùng mịch tiểu thi. - Một câu thơ nổi tiếng của Lỗ Tấn]
Quan ải vụt bay đi [quan sơn độ nhược phi, đây là một câu trong bài “Mộc lan tử”]
Nâng chén mời trăng sáng [cử bôi yêu minh nguyệt, đây là một câu trong bài “Nguyệt hạ độc chước” (Uống rượu một mình dưới trăng) của Lý Bạch]
Trong mộng trời đất lớn,
Tỉnh giấc tháng ngày dài,
Ngàn dặm dựng lán dài,
Cuối cùng phải chia tay
Hoa đẹp không nở mãi,
Cảnh đẹp chẳng lâu dài;
Cảnh đẹp chẳng lâu dài;
Đến lúc buông tay hãy buông tay,
Tới lúc tha thứ cho người thì hãy tha thứ,
Thế cục chưa tàn thời mặc kệ
Hoa rơi nước chảy xuân qua rồi [Lấy ý trong bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ’’ của Trương Nhược Hư],
Nhân gian thay đổi.
Thuyền con một chiếc lửng lơ,
Phó cho sông biển kiếp thừa phù du [Nguyên văn: tiểu chu tòng thử thệ, giang hải ký dư sinh, vốn là hai câu trong bài “Dạ quy Lâm Cao” của Tô Đông Pha],
Đợi đến khi hoa núi khoe sắc,
Ở chốn ấy anh sẽ cất tiếng cười... [Nguyên văn: Đãi đáo sơn hoa lạn mạn thì, nhĩ tại tùng trung tiếu, lấy ý thơ của bài “Vịnh mai” theo điệu Bốc toán lừ của Mao Trạch Đông (đãi đáo sơn hoa lạn mạn thì, tha tại tùng trung tiếu)]
Lưu Thuận Minh đọc rất truyền cảm tiếng thơ thổn thức, khiến cho tất cả những người nghe đều sụt sịt không nguôi, lòng dạ rầu rĩ.
Triệu Hàng Vũ trong lòng lửa giận ngùn ngụt bỗng chốc biến thành chua xót, đã vội khóc như chết đi sống lại rồi nói:
- Tôi không được dìu lên ngựa thì thôi, thế đưa tiễn một đoạn thì sao?
- Đừng đi đâu nữa, - Tôn Quốc Nhân lau nước mắt nói. - Hôm nay anh trở về nhà, về sau hãy sống thật tốt vào nhé.
- Nhưng tôi không an tâm, cơ đồ lớn thế này, các cậu liệu có làm ra gì không? Tôi thực là ngựa hay nhốt chuồng, chí ở muôn phương... [Nguyên văn: lão ký phục lịch, nguyên là thơ của Tào Tháo: “lão ký phục lịch, chí tại thiên lý, liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ”. (tạm dịch: ngựa hay nhốt chuồng, chí ở muôn phương, người tài xế bóng, chí lớn phi thường), ở đây chúng tôi dịch thêm câu sau để rõ nghĩa hơn]
- Làm không ra gì hoặc làm không tồi ư? Dù thế nào thì cũng chẳng kém anh làm đâu... tiễn anh Triệu về phủ.
Hai nhân viên bảo vệ bước vào, một trái một phải đứng hai bên Triệu Hàng Vũ.
Triệu Hàng Vũ vẫn muốn nói tiếp điều gì đó, nhưng nhìn thấy hai nhân viên bảo vệ lại không thốt nửa lời, ngoan ngoãn đứng dậy, rồi loạng choạng bước ra ngoài.
Những người trong phòng họp tiễn ông ta bằng tràng pháo tay.
Triệu Hàng Vũ vịn tay đi từng bậc một xuống cầu thang, hai nhân viên bảo vệ đi theo ông ta. Họ cũng không cần dìu, mà chỉ nhìn theo ông ta vất vả đi xuống lầu.
Triệu Hàng Vũ đi tới trước cửa tòa nhà, không thấy ô tô đâu nữa, mà chỉ có một người đàn ông và một chiếc xe đạp chờ ông ta, yên sau xe đạp có bọc một miếng vải da.
- Anh ngồi “xe hạng hai” nhé, - một nhân viên bảo vệ chỉ chiếc xe đạp nói. - Tiền xe chúng tôi đã trả rồi.
Một nhân viên bảo vệ khác ném chiếc túi rách toạc của ông ta, chiếc túi bay vào lòng Triệu Hàng Vũ.
Hai người quay trở lại.
Triệu Hàng Vũ ôm chiếc túi ngửa mặt than trời:
- Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng?

Trong giảng đường lớn của trường học, Nguyên Báo và các cô gái cùng ngồi ở hàng trước, mở những đôi mắt vô tri nên càng sáng long lanh ngây thơ nhìn thầy giáo có dáng người cao gầy đang khoa chân múa tay trên bục giảng một cách rất sinh động - người thường bị chính những lời nói của mình trêu chọc tới mức cười không thành tiếng.
Thầy giáo lấy tay đẩy gọng kính, cúi đầu lật lật quyển giáo trình, rồi ngẩng đầu lên:
- Những gì tôi vừa giảng chỉ là phần dạo đầu, bây giờ chúng ta đi vào vấn đề chính: Lịch sử do ai sáng tạo ra?
Thầy giáo vô cùng đắc ý nhìn khắp lượt học sinh đang ngồi dưới nghe giảng:
- Bạn nào biết, thì trả lời.
Cô Vương đứng dậy:
- Quần chúng ạ.
- Ngồi xuống, không-đúng. Bạn có hai cái đuôi ngồi phía trước, bạn đứng dậy trả lời.
Nguyên Báo chỉ vào mình:
- Em ạ?
- Bạn đấy, bạn là nam sinh hay nữ sinh tôi cũng không rõ, dù sao thấy bạn cũng rất kỳ quặc.
Nguyên Báo đứng dậy:
- Là do sách sáng tạo ra ạ.
- S-ai, - thầy giáo phủ định. - Sách củng là do con người tạo ra mà.
- Vậy là do người viết sách tạo ra ạ.
- Nhăng-cuội! Ngồi xuống, có ai biết không?
- Đế vương quan tướng.
- Nói lăng nhăng, cách nói như thế đã bị phê phán bác bỏ từ lâu rồi. - Thầy giáo nhìn khắp một lượt: - Còn có ai biết không? Không có ai biết à? Vậy thì cho các em biết, lịch sử là do đàn bà tạo thành... khà khà.
Thầy giáo rất hài lòng vì hiệu quả do câu nói của mình tạo ra.
- Các em thử nghĩ xem, gà có trước hay trứng có trước? Theo tự nhiên thì gà có trước. Gà có thể là do chim biến thành, nhưng trứng không do gà đẻ ra, nó là trứng gì thì cũng không thể gọi là trứng gà được. Lịch sử chính là một quả trứng, là quả trứng do đàn bà sinh ra! Dù là quần chúng, anh hùng, người viết sách có người nào là không do đàn bà nuôi lớn? Chí ít cũng là đĩ điếm nuôi lớn. Nhìn suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, mỗi khi đến một thời khắc then chốt đều có một người phụ nữ đứng ra đứng mũi chịu sào, gạt bỏ mây mù lèo lái con thuyền đưa lịch sử tiến lên phía trước. Từ Đát Kỷ thời Ân Thương tới Bao Tự của thời Cơ Chu, từ Tây Thi tới Lữ Trĩ, Vương Chiêu Quân, Triệu Phi Yến, Dương Ngọc Hoàn, Võ Tắc Thiên đều là như thế, loại kém hơn thì có bọn bắt chước, cải trang thành phụ nữ như Triệu Cao, Cao Lực Sĩ, Ngụy Trung Hiền, Tiểu An Tử, Tiểu Lý Tử... vân vân. Những người này tuy không phải gánh vác, không phải đụng tay, nhưng chỉ cần một lời cũng có thể làm hưng bang, một cái cau mày cũng có thể làm vong quốc. Song bọn họ lại chẳng hề mang vai trò là kẻ thù của giai cấp và cũng chẳng có cách nào để trở thành kẻ thù của giai cấp cả. Từ đó, bọn họ cũng có thể khiến cho lịch sử của chúng ta trở nên thú vị vô cùng, thịnh suy bất định, để lại sự cảm thán không cùng cho chúng ta, tưởng tượng và trau chuốt một chút, họ đã đem tới cho sự phát triển của lịch sử một loại mô thức khác, có thể lấy được thiên hạ từ trên lưng ngựa, thì cũng có thể lấy được thiên hạ từ trên giường. Lời của Tôn Tử viết rằng: không cần đánh mà thắng, ấy là tướng tài vậy. Tôi thì nói rằng: không vất vả mà lại đạt được, ấy là thánh nhân vậy. Các bạn học sinh, các bạn nữ sinh, sự đánh giá này vẫn còn chưa cao sao? Không cần phải sợ bọn đàn ông nói này nói nọ, nào là phu quyền, nào là chủ nghĩa đàn ông. Bọn họ cảm thấy sợ hãi trước các bạn, nên mới nghĩ ra những chiêu này để mong tìm được sự cân bằng về mặt tâm lý. Các bạn hãy xem tại sao Cục công an không bắt những người tốt, mà chỉ chuyên bắt những phường lưu manh trộm cướp, chẳng phải vì sợ bọn lưu manh trộm cướp gây hại hay sao? Cho nên nói các bạn tuy là phận nữ lưu, nhưng hoàn toàn có thể giống đàn ông, có thể làm được những điều mà mình muốn làm. Đừng tự ti! Đàn bà thì sao? Đàn bà còn hung tàn hơn cả đàn ông...
Thầy giáo đánh một quả rắm nghe rất du dương trầm bổng, dư âm vang mãi không dứt, tự thấy xấu hổ vô cùng.
- Xin lỗi, tôi xin lỗi, vô cùng xin lỗi, bất lịch sự quá, xin cả lớp bỏ qua cho.
- Không sao, - cô Vương thay mặt cả lớp nói. - Buổi trước cũng có người bĩnh ra nhưng chúng em cũng không để ý đâu.

- Lẽ nào anh không hiểu? Bọn họ muốn hại anh đấy. - Trong giảng đường, mọi người đều đã đi hết, chỉ còn lại Nguyên Báo và Bạch Độ đã cải trang thành đàn ông đang ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Bạch Độ vô cùng xúc động nhưng vẫn khá bình tĩnh.
- Tất cả những việc làm này của bọn họ đều có mưu tính, có mục đích cả. Anh nên mau nghĩ cách thoát khỏi bọn họ càng nhanh càng tốt, nếu không thì muộn mất.
Nguyên Báo nhìn một cách lơ đãng vào mấy hàng ghế trống trong giảng đường, nửa nghe nửa không nghe, chẳng thốt một lời.
- Tôi đã tính rồi, tôi đưa cho anh mấy bộ quần áo. Tối ngày mai, anh giả vờ đi vệ sinh, anh vào nhà vệ sinh rồi thay bộ quần áo này, sau đó trèo qua tường rào đằng sau nhà vệ sinh, 8 giờ tôi sẽ đợi anh ở ngoài.
Bạch Độ lấy ra một bộ cảnh phục từ trong túi của cô.
- Anh mặc bộ quần áo này vào rồi thì chẳng ai dám chặn hỏi anh đâu.
Nguyên Báo nhìn bộ cảnh phục một lúc, mà vẫn chẳng có chút phản ứng gì, cũng không cầm lấy.
- Rốt cuộc anh đồng ý hay không đồng ý? Nếu như anh cảm thấy phương án này chưa ổn, chúng ta có thể nghĩ cách khác. Tôi cũng có thể tìm một chiếc xe cảnh sát rồi đến trường học công khai bắt anh đi...
- Không, tôi không muốn đi. - Nguyên Báo bình thản nói. - Cảm ơn ý tốt của cô, nhưng tôi không muốn đi.
- Tại sao? Có phải anh lo lắng không biết đi về đâu? Tạm thời anh có thể đến chỗ của tôi cũng được mà.
- Không, đấy không phải là vấn đề, chỉ là tự tôi không muốn đi.
- Anh vẫn còn lưu luyến cái gì? Ở đây có ai coi anh là con người đâu? Bọn họ đều có những động cơ này động cơ kia, muốn lợi dụng anh, hủy hoại anh thôi. Bọn họ nhào nặn anh thành các kiểu tùy theo ý thích của họ. Lẽ nào anh không thấy tức giận và bị sỉ nhục sao? Sao anh có thế chịu đựng được chứ?
- Theo ý cô, thì thế gian này vẫn còn có cõi niết bàn sao?
- Anh không nghĩ thế hay sao?
- ...
- Chúng ta có thể đi Tây Sơn, đến khu giải phóng... Ở đó trời xanh nước biếc, nơi nơi hoa tươi khoe sắc. Mọi người đều no cơm ấm cật, chẳng còn áp bức, chẳng còn bóc lột, muốn thế nào thì như thế ấy, tự do tự tại, ngày ngày vui sống hát ca...
- Không cần làm việc nữa sao?
- Không cần. Trên đường chỗ nào cũng có vàng, chỉ cần anh cúi xuống, đưa tay ra là có thể nhặt được mấy ao xơ vàng.
- Nghe giống như nước Mỹ nhỉ.
- Cũng gần giống, kẻ tám lạng người nửa cân, điều không giống duy nhất là không có tranh cử tổng thống. Chẳng có ai cai quản chúng ta cả.
- Không ai cai quản, thực sự tôi không quen lắm.
- Đáng buồn thật, người Trung Quốc sao mà đáng thương.
- Đi cái... cái mẹ tôi! Sao tôi lại không bằng cả đồ vật thế này, tốt xấu không phân biệt được, bùn nhão không thể đắp nên tường, hố vàng hố bạc khơi ra ngay ở dưới chân tôi, tôi cũng không dám nhắm mắt nhảy xuống. Tôi đúng là phụ lòng tốt của người ta, tôi thấy mình thật có lỗi với những người quan tâm tới tôi. Tôi dứt khoát phải cho mình hai cái bạt tai mới đáng.
- Nói như thế thì anh quyết định sẽ đi phải không?
- Không đi, tôi ngại ra đi. Cô hãy coi như tôi chỉ là cái đít gà chỉ đáng hai xu đi, đừng nói gì tới chuyện đắt rẻ. Vốn dĩ chẳng là thá gì, không đáng để cô phải lo lắng tới chuyện sống chết của tôi.
- Anh thật không coi chính mình là người nữa... tôi thấy rất buồn.
- Xin cô đừng buồn, tôi vốn dĩ chẳng phải là con người rồi.
- Tôi phải buồn chứ, tôi nên buồn chứ. Tôi rất hiểu anh, tôi cũng có một phần trách nhiệm trong việc tạo ra con người anh ngày hôm nay. Tôi không trốn tránh, tôi phải đối diện với sai lầm của chính mình, tôi ăn năn, tôi tự cảnh tỉnh, tôi không tha thứ cho sự yếu lòng trong phút chốc của tôi, tôi phải gánh vác trách nhiệm lịch sử ấy của mình. Khi gặp cơn sóng to gió lớn, những trụ cột của Trung Quốc như chúng ta tại sao lại tách nhau ra? Tại sao chúng ta không tự sát tập thể mà lại tiếp tục sống như một lũ chó thế này? Lại ủng hộ một cách giả dối, lại gắng gượng một cách giả dối...
- Những lời như thế này để dành tới trước lúc chết nói cũng không muộn mà...
- Không được, tôi phải nói ra, dù sao bây giờ cũng chẳng còn nguy hiểm gì nữa rồi.
- Nhưng cô cũng không cần thiết phải dằn vặt mình như thế. Tuy cô không thể hiện ra dũng khí của mình, nhưng tôi vẫn cảm thấy cô là một người tốt, hình tượng của cô trong lòng tôi luôn luôn cao đẹp, tôi chẳng hề đòi hỏi cô phải làm khác như chúng tôi trong những lúc nguy nan. Huống hồ cô lại luôn cho rằng chúng ta gặp phải nghịch cảnh thảm hại như thế này là vì cô không trượng nghĩa nói thẳng, có phải thế không? Sai rồi, chúng tôi rất vui vẻ. Từ xưa tới nay cũng chưa bao giờ được náo nhiệt như thế này. Người nghèo đổi đời là thế nào? Thế này chính là người nghèo được đổi đời! Các cô quen làm hảo hán rồi, đến khi quay trở lại đóng vai hề thì lại gượng gạo, chúng tôi được đóng vai hề cũng không dễ gì. Chỉ cần khán giả khen hay, thấy cần thì chúng ta không thể nào thoát được vai diễn của mình - đời người có được mấy hồi diễn?
- Anh hãy nghĩ tới hậu quả. Vai hề chẳng thể diễn được suốt một đời, dù sao chính kịch sớm muộn gì cũng sẽ khai màn, cái mà người xem thích xem nhất vẫn là đế vương tướng lĩnh, tài tử giai nhân.
- Bọn họ chẳng qua cũng là lũ hề được mặc áo giáp, được đeo râu mà thôi.
- Cho dù là cái gì đi nữa, dù sao cũng chẳng phải là vở kịch của anh, lúc hạ màn anh sẽ làm như thế nào?
- Có những thứ khi mất đi rồi thì sẽ không thể nào tìm lại được, đã thiến thì không thể mọc lại được đâu. Anh không thể vì ham vui một chốc mà đánh mất hạnh phúc cả đời được.
- ...
- Quyết định đi, đừng đợi tới lúc dao hạ xuống.
- ...Tôi nuôi nó lớn, không phải là để dùng sao?
- Anh dùng theo cách bỏ mặc hay là dè sẻn để dùng lâu dài đây?
- ...
- Sinh mạng rất quý, giá trị của nó lại càng cao hơn.
- Cao? Cao cái gì? So với trời không thể sánh được, so với đất, không thể sánh bằng, so với người, cũng vẫn không thể so được - người Trung Quốc chết còn không sợ, sao còn sợ sống chứ?
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét