Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 8

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 8

Chiếc máy ủi đất mở hết công suất xông lên phía trước.
“Rầm” một tiếng, một đoạn tường bao quanh cái sân nhỏ của nhà họ Đường đổ sập xuống, gạch vỡ bị ủi thành một cái sườn dốc, bụi bay mù mịt.
Mẹ Nguyên Báo xông đến trước mặt viên tổng chỉ huy gào lên:
- Chẳng phải có cửa hay sao? Phá tường làm gì?
- Thưa cụ, - viên tổng chỉ huy kiên nhẫn giải thích, - chúng cháu có cách làm việc của chúng cháu. Cụ thấy có công trình khảo cổ nào lại vào từ cửa không? Đều phải vừa đào vừa bới.
- Không có cửa thì anh đào, có cửa anh còn đào cái cục...!
- Vô cùng xin lỗi, cháu không có quyền làm trái trình tự làm việc, các công nhân cũng đã quen với cách làm việc này rồi.
Cỗ máy ủi đã hoàn toàn ủi đổ bức tường bao, tiến vào trong sân, xông về phía căn nhà. Một tiếng “ầm ầm”, căn nhà bị húc ra một lỗ hổng lớn, bức tường sập vùi lấp hết mọi thứ đồ dùng trong nhà. Dây điện bắt lửa, lưỡi lửa cháy âm ỉ dưới đống ngói vụn, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng nổ của đồ điện, lóe lên những tia lửa.
- Các người giết ta rồi! - Bà cụ giậm chân gào khóc. - Năm ấy bọn Nhật Bản cũng không dỡ nhà ta như thế này.
- Lưu tư lệnh, - viên tổng chỉ huy nghiêm mặt lại gọi Lưu Thuận Minh, - xin hãy đưa bà cụ này rời khỏi hiện trường, bà ấy làm ầm ĩ quá, khiến tôi không thoải mái chút nào.
- Tao liều mạng với cái lũ trứng thối chúng mày, cùng lắm là chết chứ gì.
- Đi thôi cụ ơi, -  Lưu Thuận Minh nói với mẹ Nguyên Báo. - Chẳng lẽ cụ lại không hiểu ư? Cái này gọi là “đồ cổ”, những thứ hàng cũ này bán còn đáng tiền hơn những cái mới ấy.
- Cái đạo lý này tao sống chết cũng không hiểu được.
- Cụ thử nghĩ xem, nếu mới thì có thể so được với người Tây không? Người Trung Quốc chúng ta vẫn còn có chút trọng lượng trong mắt bạn bè thế giới chẳng phải là vì chúng ta tận dụng được những thứ hàng cũ này sao.
- Đi thôi mẹ, - Nguyên Phượng đang ôm hành lý cũng tiến lại khuyên mẹ. - Lúc sắp đi anh con đã nói còn gì: Phải kiên cường!
- Nhà cũng dỡ rồi, người cũng mất rồi, sống chết không biết. Cả đời ta coi như là đã mất trắng rồi. - Bà cụ nước mắt lã chã.
- Chẳng phải là cả nhà ta gặp nạn, chúng ta khó khăn, tổ chức lại càng khó khăn, cùng nhau vượt qua cửa ải gian nan chứ.
- Đưa bọn họ đến chỗ nghỉ ngơi đi. - Lưu Thuận Minh mắt rưng rưng, vẫy vẫy tay gọi một người cấp dưới.
Một nhóm công nhân, tay cầm xẻng sắt, chổi, mở đường khai thông hiện trường và xử lý đường xá. Phía trước xúc, phía sau quét. Một đội nhân viên khảo cổ tay cầm bàn chải, kính lúp đi theo sát họ. Họ lật gạch mở ngói trong đống ngổn ngang ở khu vực đã bị san thành bình địa của nhà họ Đường, chọn ra các loại bình lọ chum vại, tỉ mỉ quét đi lớp bụi và cặn dầu bám bên trên, giơ kính lúp xem xét kỹ lưỡng.
- Giải quyết xong rồi, - Lưu Thuận Minh nói với viên tổng chỉ huy. - Những đồ vật còn lại của bà già ấy thì thuộc về các anh, còn đồ đạc của người con trai thì thuộc về chúng tôi.
Nguyên Phượng dìu mẹ, vừa đi vừa quay đầu nhìn lại, ngậm nước mắt mà đi. Họ gặp bà Lý và vợ chồng Hắc Tử ở đầu ngõ, mấy người ấy cũng ôm một cái bọc to, mặt đầy đau khổ bước ra ngoài.
Bà Lý vừa nhìn thấy mẹ Nguyên Báo đã khóc ầm lên:
- Nhà bà cũng coi như là phá nhà bắt tướng, nhưng chúng tôi thì gây tội tình với ai cơ chứ?
- Mọi người đi đâu đấy? - Nguyên Phượng nghẹn ngào hỏi Hắc Tử. - Chỗ ở tạm không ra khỏi ngõ mà.
- Chạy nạn thôi, - Hắc Tử tức giận nói. - Chúng tôi không đến trại tập trung đó đâu.
- Thế các anh em của cháu đâu rồi? - Mẹ Nguyên Báo hỏi Hắc Tử. - Lúc bình thường thì xưng hùng xưng bá, đến lúc xảy ra chuyện thật thì chẳng thấy đâu.
- Đều bị người của Lưu tư lệnh tịch thu vũ khí rồi. - Hắc Tử cúi đầu nói. - Một số thì vào trại tù binh, một số thì làm ngụy quân.
- Lưu tư lệnh này này rốt cuộc là tư lệnh nào vậy? - Mẹ Nguyên Báo hỏi. - Là tư lệnh của chính phủ à?
- Ai dám hỏi đây, - Hắc Tử nói. - Cháu vừa nhìn thấy bộ quân phục là đã ngất rồi.
- Anh nhà có tin tức gì không? - Bà Lý hỏi mẹ Nguyên Báo. - Sao không thấy ông ây đi dạo phố với đứa cháu?
- Chắc không đến nỗi chết đâu, tốt xấu gì cũng rơi vào tay người mình.

- Khi đó ông tham gia Nghĩa Hòa Đoàn là vì động cơ gì?
- Tôi vốn không muốn tham gia Nghĩa Hòa Đoàn, mà chỉ muốn đi làm lính. Mẹ tôi là vú nuôi của Thuần vương gia, tôi đã từng đến tìm ông để “xin bát cơm”. Ông khuyên tôi nên về quê yên tâm làm ruộng. Ông nói những người càng được vương gia yêu quý thì càng không được chiếu cố đặc biệt, phải làm gương cho những người khác. Có như vậy thì vương gia ở trong triều, trước mặt Hoàng thượng, trước mặt các vị vương gia khác, tiếng nói mới có trọng lượng. Sau đó khi Nghĩa Hòa Đoàn nổ ra, không ở nổi dưới quê, tôi lại đi tìm vương gia, yêu cầu được tham gia quân đội. Vương gia nghe tôi trình bày tình hình dưới quê, trầm ngâm một lát rồi nói: “Anh có thể viết một báo cáo, ta sẽ dâng lên Hoàng thượng, tình hình dưới quê nghiêm trọng như vậy mà Hoàng thượng hoàn toàn không biết chút gì”. Tôi nói tiểu nhân sẽ tuân theo lời dặn dò của vương gia. Vương gia dạy tôi nên viết thế nào, sau đó để tôi điểm chỉ, dặn đi dặn lại tôi không được đem chuyện này nói cho người khác biết. Tôi biết vương gia cũng có chỗ khó, Đại Thanh đang khó khăn như vậy, vương gia mà đổ thì lại càng chẳng có người chống đỡ. Tôi liền nói việc này là tôi hoàn toàn tự gánh vác, muốn giết muốn chém thì một mình tôi, không thể làm liên lụy đến vương gia. Tiếp đó vương gia lại nói với tôi đầy chân thành, ông đã nghĩ đi nghĩ lại rồi, tôi ở ngoài triều sẽ mạnh hơn ở trong triều, trong Nghĩa Hòa Đoàn tôi có rất nhiều các anh em, tôi ở bên ngoài sẽ có lợi hơn cho việc đoàn kết họ, dốc sức vì Đại Thanh, dẫn dắt họ chuyển phương hướng của cuộc khởi nghĩa thành “Phù Thanh diệt Tây”.
- Khẩu hiệu “Phù Thanh diệt Tây” là do ông đề ra phải không?
- Không sai, Đường mỗ tôi chỉ biết dốc lòng trung phụng sự quốc gia, khi đó chỉ biết có Tào, không biết có Hán. Phải kháng chiến ư, thế thì phải khiến quan dân thành một thể thống nhất, trên dưới như một sợi dây thừng, một thủ lĩnh, một chủ nghĩa...
- Chỉ dựa vào điều này cũng đủ để định ông là quân làm phản, nội gián có dư rồi.

Bạch Độ và Nguyên Báo chắp hai tay đứng ở cổng miếu, nghểnh mặt lên, mở trừng mắt để một tiểu hòa thượng mặc áo đen tay cầm bút lông, chấm hai vết mực đỏ lên chóp mũi và giữa hai hàng lông mày của họ. Sau đó, hai người nhập vào trong đám đông triều bái cứ đi một bước rồi lại rập đầu lạy, đứng lên, quỳ xuống, đi rồi lại dừng, nhích tới Đại Hùng Bảo Điện khói hương nghi ngút.
Tiếng chuông rền vang, tiếng mõ trong veo, một pho tượng đức Phật trên đầu đầy búi tóc tròn, hai tai lớn rủ xuống, khuôn mặt đầy đặn đang nhắm mắt mỉm cười, nằm trên một tòa sen phủ đầy hoa tươi. Phía sau, bên trái, bên phải đều đứng đầy các vị hòa thượng già có trẻ có đang chắp tay gật gù xướng lên những lời kinh văn với dáng vẻ say sưa đầy tôn kính.
Thanh niên nam nữ già trẻ trong hàng ngũ triều bái run rẩy sợ hãi, lần lượt cúi lạy dưới chân đức Phật, khấu đầu lia lịa, rồi đứng lên đi quanh tòa sen một vòng chiêm ngưỡng, che mặt khóc, nước mắt long lanh chứa đựng sự bi thương, lưu luyến không nỡ rời mà đi ra. Có người đứng lại, lập tức bị vị hòa thượng ở bên cạnh lôi đi, để tránh ảnh hưởng đến những người tham quan phía sau.
Lối ra còn có một hàng ni cô đang đứng khóc sướt mướt, tay mỗi người cầm một cái ống nhổ, mọi người khi đi qua đều phải nắm tay họ, ném vào trong ống nhổ một vài đồng xu kêu leng keng, nói vài câu an ủi. Có vài cô gái xúc động quá còn ôm lấy họ cùng khóc.
Bạch Độ và Nguyên Báo đi vào trong đại điện, cung kính cúi chào đức Phật nằm, quỳ xuống khấu đầu ba lần. Sau đó đứng lên, đi đến trước mặt đức Phật, nhìn một cách chăm chú và tha thiết. Họ không giống như những người khác đi một vòng rồi ra, mà móc lấy mấy xâu tiền xu, tách ra, thả vào trong cái ống nhổ cỡ lớn dưới chân tòa sen, ống nhổ phát ra những tiếng kêu vui tai, từ bên trong những bông hoa tươi trên tòa sen bỗng nhiên nhảy ra mấy con chim nhỏ làm bằng vàng kêu tích tích, nhìn khắp xung quanh.
Đại điện khi đó bỗng trở nên tĩnh lặng, tất cả những người có mặt đều không động đậy, không khóc, không tụng kinh nữa. Một tràng tiếng đàn organ vang lên, trong không khí nghiêm trang cung kính ấy, chỉ thấy đức Phật nằm từ từ ngồi dậy, từ từ hướng về phía Bạch Độ và Nguyên Báo, tòa sen cũng đồng thời chuyển dịch theo.
- Chào các con, - con ngươi của bức tượng chốc chốc lại lóe sáng, miệng mấp máy, phát ra những âm thanh lạnh lẽo như kim loại. - Các con muốn đánh cờ hay đánh bóng bàn?
Bạch Độ vội vàng quỳ xuống:
- Thưa đức tôn chủ vạn năng, chúng con không muốn đánh cờ cũng không muốn đánh bóng bàn. Chúng con chỉ mong có thể nhận được sự quan tâm và ban ơn của Người, cảm tạ Người đã ban cho chúng con lương thực để chúng con không bị đói, cảm tạ Người đã ban cho chúng con quần áo để chúng con được ấm áp...
- Con của ta, không cần phải nói những lời cảm kích ấy. Đức tôn chủ của con không thích nghe tâng bốc đâu. Đức tôn chủ của con biết, con người tán dương càng nhiều thì yêu cầu đối với đức tôn chủ càng tham lam.
- Đức tôn chủ thánh minh, nếu như Người đã biết tường tận thì con xin được nói thẳng và ngắn gọn.
Bạch Độ đẩy Nguyên Báo lên phía trước.
- Xin hãy nhìn kẻ đang đứng trước mặt Người, bảo với hắn hắn từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Rửa sạch tâm hồn mông muội và cặn bẩn của hắn, trả lại cho con tấm lòng con trẻ.
- Ngươi đến từ cát bụi thì cũng sẽ trở về với cát bụi. Thân thể xác thịt của ngươi phải trải qua khổ nạn mà linh hồn của ngươi thì chưa chắc được cứu vớt. Hãy đem trâu dê của ngươi cho ta. Ta sẽ làm cho ngươi được vui vẻ. Không được nói dối, không được làm những việc lén lút, khi ngươi nhận tiền của bất chính thì cũng chính là ngươi đã nhận được giấy thông hành tới địa ngục. Khi ngươi đem chiếc bánh hấp cuối cùng mà ngươi có cho người đói hơn ngươi, cũng chính là ngươi đã gửi một khoản đô la Mỹ vào ngân hàng của thiên đường vậy. Hãy yêu quý kẻ thù, khi nó đánh vào mông trái của ngươi thì hãy đưa mông phải ra cho nó đánh nốt. Nói những lời văn minh, nói những câu lịch sự, giữ kỉ luật, lên xe nhường chỗ, qua đường đi đúng đường dành cho người đi bộ, đèn đỏ dừng, đèn xanh đi, đi làm việc công thì không cầm một cái kim sợi chỉ của quần chúng, tất cả đều quy về của công, dám đấu tranh với kẻ xấu việc xấu...
- Thưa đức tôn chủ, sao con càng nghe lại càng thấy quen quen.
- Con của ta, những lời đức tôn chủ nói cũng có chút khuôn sáo. Bốn biển cuồn cuộn nước mây phẫn nộ, năm châu chấn động gió mưa tơi bời... Tình hình lớn tốt đẹp, không phải chuyện tốt nhỏ nhặt... Thời gian qua đi thật nhanh, lại một năm nữa đã qua...
- Thưa đức tôn chủ, không còn gì nữa thì nói đến đây là được rồi.
- Con của ta, đức tôn chủ cũng phải có đạo đức nghề nghiệp, con trả tiền cho mười phút, đức tôn chủ phải nói với con đủ mười phút, không thiếu một phút một giây.
- Thưa đức tôn chủ, thời gian hãy còn sớm, hay là người xem bệnh cho anh ta được không ạ?
- Con của ta, thế thì đức tôn chủ sẽ chìa một tay giúp con vậy. Dạ dày con không tốt, hồi nhỏ thường bị cảm, còn hay bị đi ngoài, cứ hễ ăn dưa chuột sống là đi ngoài.
- Đức tôn chủ vạn năng, làm thế nào mà người nhìn ra hết sở thích của con?
- Con của ta, đức tôn chủ cũng không phải chỉ ăn cơm.
“Ôi trời”, tiếng của bức tượng đột nhiên thay đổi. Vẫn nụ cười hì hì trên mặt, nhưng tiếng trong họng lại lộ ra vẻ sợ hãi. Con ngươi to chuyển động từ trái sang phải như muốn tìm kiếm gì đó, cuối cùng dừng lại ở Bạch Độ.
- Con của ta, con đã đưa ai đến đây vậy? Sao lại quái đản như thế?
- Thưa đức tôn chủ, là cái gì đã làm cho người kinh sợ dường vậy?
- Con của ta, con hãy tự mình xem đi, trên người này tất có ma quỷ bám vào, sau này sẽ lại truy cứu tội bất kính của các con.
- Đức tôn chủ từ bi của con, van xin người hãy ra tay cứu lấy con người bé nhỏ này, bắt giữ yêu ma.
- Thứ yêu này ta cũng chưa từng nhìn thấy, khác nghe như cách núi, không phải cùng một con đường. Các con có thể đi tìm Trương đại tiên, nghe nói bà ấy rất giỏi, chuyên nghề mời thần đuổi quỷ, rất thần thông.
- Uy... vũ...!
Các vị hòa thượng ở bốn phía cùng xướng.
Vừa thấy như vậy, Bạch Độ cũng ngẩn ra, vội vàng kéo Nguyên Báo ba chân bốn cẳng chuồn thẳng.

Buổi tối, sắc trời đã chuyển màu hoàng hôn, Bạch Độ, Tôn Quốc Nhân đứng trong phòng không bật đèn, nhìn chăm chăm vào Nguyên Báo. Trong bóng tối, khuôn mặt Nguyên Báo trở nên mơ hồ, đứng nằm đi lại đều không hề phát ra tiếng động, ánh đèn ngoài phố chiếu qua cửa sổ càng làm tăng thêm vẻ chập chờn ma quỷ.
- Hai vị, đừng tin lời của tên hòa thượng già đó. - Nguyên Báo bị hai người nhìn đến mức nổi da gà, ra sức thanh minh. - Tôi cũng lớn lên dưới lá cờ đỏ, từ trước tới nay đều được tắm gội ánh mặt trời, thế thì quỷ ở đâu đến chứ?
- Đừng có lại gần! - Bạch Độ giơ tay ngăn Nguyên Báo. - Trên người không có quỷ, trong lòng phải chăng cũng không có quỷ?
- Không có, - Nguyên Báo vỗ vào ngực nói. - Trừ hai lạng tim ra thì chỉ là một khoang ngực trống mà thôi.
- Tôi thấy hay là cứ đuổi đi, - Tôn Quốc Nhân nói. - Không làm việc xấu thì không sợ quỷ gọi cửa, có thì sửa, không có thì cố gắng thêm, nhỡ đâu trong lòng lại chất chứa những ý nghĩ quỷ quái.
- Không thể nào, - Nguyên Báo nói. - Tôi từ nhỏ đã ăn kẹo Quả Núi, đến giun còn chẳng sống được, huống hồ là một con quỷ lớn.
- Anh có biết gì về tình hình của Trương đại tiên không? - Bạch Độ hôi Tôn Quốc Nhân.
- Có biết, - Tôn Quốc Nhân nói. - Đó là một bà cụ ở thị trấn Tô Gia Đà vùng Hải Điện. Thuở nhỏ đã từng bị quỷ bắt đi, một năm sau trở về thì có thể đánh quỷ. Quỷ từ Nam Trường thành đến phía Bắc sông Hoàng Hà bà ta đều nhận ra gọi tên được.
- Thế bà ta là người hay là quỷ?
- Ở ranh giới giữa người và quỷ, với người cũng quen mà với quỷ cũng không lạ, không làm việc người nhưng ăn cơm người. Lũ quỷ Nhật Bản trong trận địa lôi năm đó của Bát lộ quân đã trói bà ta cùng với lũ dê, để đánh trận đầu.

- Hừ, có quỷ, ta vừa vào phòng này đã ngửi thấy mùi quỷ rồi.
Một bà già nhà quê chân bó, toàn thân là một màu trắng, áo trắng, dép trắng, tóc trắng, tay cầm một thanh kiếm gỗ cây bông dài hùng dũng tiến vào phòng Nguyên Báo, nhìn đông nhìn tây, nhăn mũi lại ngửi tới ngửi lui.
Nguyên Báo vội đứng lên, lấy lòng:
- Mở cửa sổ cho thoáng khí bà hãy ngửi, cháu vừa kéo cái quần.
- Anh chính là quả trứng thối um cả cái phòng này, ta cũng ngửi thấy mùi quỷ từ trên người anh đấy.
Bà ta “hừ” một tiếng, không thèm nói nữa. Tiếp tục đi đi lại lại trong phòng, nhìn ngang nhìn ngửa.
Tôn Quốc Nhân ngậm một điếu thuốc lá, nhìn bà ta rồi lại nhìn Bạch Độ, trông như cười mà không dám cười.
Bạch Độ lườm anh ta một cái, nghiêm túc đi lại cùng bà cụ trong căn phòng.
Bà cụ đưa tay sờ vào bệ cửa sổ, chiếc găng tay trắng bám đầy bụi:
- Cái phòng này bẩn quá, chẳng trách lại gọi quỷ đến.
- Giờ như thế này, - bà ta quay lại nói với mọi người, - chúng ta kiểm tra xem ai là quỷ, sau đó hãy nghĩ xem nên mời ai để đuổi nó. Quỷ thì chẳng phải đối với ai cũng đều đáng sợ, giống người hết, mỗi loài đều có khắc tinh của mình.
- Xin theo ý bà, bây giờ bà chính là thần ở nơi này. - Tôn Quốc Nhân sắp đặt. - Mọi người tránh ra, nhường cho lão bà một chỗ biểu diễn.
- Ở đây các người có máy radio không? - Bà ta móc ra 1 băng cát xét. - Trước tiên phải để cái thứ đồ chơi này được bật đã.
- Có có, đã chuẩn bị từ trước cho bà rồi. - Tôn Quốc Nhân chuyển cái đài cát xét ra, bỏ băng vào, ấn nút, trong phòng vang lên tiếng nhạc tang lễ chậm rãi nặng nề. Lại thấy bà lão nhắm mắt múa thái cực kiếm. Vừa múa vừa ngâm nga, ngân nga theo sự thay đổi của điệu nhạc, hát:
- A, huy hoàng biết bao... phong ba bão táp đã qua, bầu trời trong sáng biết bao... Ta nhìn trái nhìn phải nhìn trước nhìn sau nhưng chẳng thấy gì, đâu đâu cũng là biển người và giao thông ách tắc, nhìn thấy muôn vạn thôn làng mà không thấy người đâu, giọt nước mắt của ta rơi trên cát, một rừng ngải xanh...
Âm nhạc trở nên nhanh hơn, khi căng khi chùng, nhạc điệu hỗn tạp, lời trước không khớp với lời sau, làm cho người ta không biết đâu mà lần.
Bà cụ cũng càng múa càng nhanh, lắc hông ngoáy mông, hai vai run lên, lúc thì như diều hâu chuyển mình, lúc lại như khỉ con mò trăng; lúc lại cong người đá chân về phía sau; mỗi nhát kiếm múa giống như ánh bạc, ánh kiếm sắc lạnh quấn lấy thân mình, xoèn xoẹt rin rít. Bất kể là bà lão múa đầu chúc xuống hay đầu dưới đũng quần, những lời ca đó vẫn rõ ràng từng chữ, bi thương vô cùng, học rồng giống rồng, học chó giống chó.
- Ánh đao nghìn dặm chiểu, mắt thù khắp chín thành, có lẽ mắt của ngươi sẽ không còn mở ra được nữa. Nam tử hán đại trượng phu nên làm lính, chiến đấu trong mưa gió bao năm...
- Đây vẫn chỉ là một cái hồn thiêng. - Tôn Quốc Nhân nói nhỏ với Nguyên Báo.
- Tôi cũng nghe ra rồi.
Lời ca của bà lão bắt đầu liên tục đặt câu hỏi.
- Trương Lão Tam, ta hỏi ngươi, quê hương ngươi ở đâu, vì sao phải rời xa quê hương, rời xa người con gái mà ngươi yêu quý... Ta và ngươi không thù cũng không oán, cứ để ta không hình thù sống trộm trên cõi nhân gian...
- Được rồi, hỏi rõ rồi. - Bà lão đột nhiên thu thế, trở lại trạng thái bình thường, lau mồ hôi nói với Bạch Độ. - Mau tua lại băng đi, âm lượng to vào, nghe xem.
Bạch Độ đảo lại băng mấy vòng, để âm lượng ở mức to nhất, phát lại.
Lời ca của bà lão bỗng chốc tràn khắp cả căn phòng.
- Trương Lão Tam, ta hỏi ngươi, quê hương ngươi ở đâu?
Trong dòng nhạc tuôn chảy với mức độ lớn của chiếc máy cát xét đột nhiên vang lên một giọng đàn ông yếu ớt xa xăm, âm thanh bi thương tuyệt vọng nhưng vẫn có thể phân biệt:
- “Huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam”.
Lời hát của bà lão: “Vì sao phải rời xa cố hương, rời xa cô gái mà ngươi yêu quý...”
- “...Phong Ba đình...”. [Nhạc Phi (1103 -1142) là nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống, sau bị gian thần Tần Cối hãm hại chết tại đình Phong Ba thuộc Đại lý tự Lâm An]
- Trời ơi, Nhạc Phi... Nhạc đại nhân, - mọi người cùng kêu lên kinh sợ.
Ta với ngươi không thù cũng không oán, cứ để ta không hình thù song trộm trên cõi nhân gian...
Hãy tùy vào cảm giác...
- Vứt con mẹ mày đi! - Nguyên Báo đột nhiên chửi bậy. - Cái gì gọi là tùy vào cảm giác? Một đại nguyên soái như ngươi có chung cảm giác gì với một người dân bình thường như ta.
- Xin đại tiên giúp cho, - Bạch Độ lạy bà lão.
- Ngươi dân tộc gì? - Bà lão châm một điếu thuốc, liếc xéo mất hỏi Nguyên Báo.
- Tôi à? - Nguyên Báo thoáng nghĩ. - Dân tộc Mãn.
- Thế thì không xong rồi, năm đó Nhạc đại soái chính là kẻ thù của các ngươi.
- Nhưng năm dân tộc [Sau Cách mạng Tân Hợi, năm dân tộc Hán, Mãn, Hồi, Tạng, Mông được gọi là “Ngũ tộc”] đã cùng sống hòa bình từ lâu rồi mà, chúng tôi chẳng phải cũng bị các người cướp mất nước đó ư.
- Nhưng Nhạc đại soái không biết.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét