Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 17

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 17

- Tôi cương quyết không đồng ý hoạn đồng chí Đường Nguyên Báo! - Bạch Độ đứng trước cửa sổ giận dữ quay phắt người lại, nói với bọn Triệu, Tôn, Lưu đang ngồi bên hội nghị bàn tròn bốn người. Môi cô run rẩy, cố kiềm chế bản thân: - Tôi cương quyết không đồng ý hoạn đồng chí Đường Nguyên Báo. Các vị, Bạch mỗ tôi hoành hành trong thiên hạ cũng đã mấy chục năm nay, tôi tự biết mình cũng độc địa tàn nhẫn không kém ai. Nhưng mà việc này, tôi xin lỗi, tôi thấy thật ghê tởm, tôi thấy quá đáng vô cùng.
- Vậy thì cô có cách gì xoay chuyển tình thế không? - Triệu Hàng Vũ hỏi. - Chúng tôi tất nhiên cũng bất đắc dĩ mới phải bàn tới hạ sách này.
- Tôi không có, bây giờ trong lòng tôi vô cùng hỗn loạn bối rối, chẳng nghĩ ra nổi cao chiêu gì.
- Vậy thì cũng không thể giương mắt lên nhìn sự nghiệp mà chúng ta cùng nhau sáng lập ra bị hủy hoại như vậy. Cô nghĩ xem, chúng ta nằm gai nếm mật, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được ngày hôm nay, những ngày tháng tốt đẹp vừa bắt đầu thì...
- Muốn phấn đấu thì phải có hy sinh, chúng ta không thể mềm yếu như đàn bà được. Đây không phải là nhằm vào một cá nhân ai câ. Nếu cần thiết, tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta ngồi đây sẽ không chút do dự mà cống hiến những thứ quý giá nhất của mình - chúng ta đã cống hiến thể diện liêm sỉ của chúng ta rồi đấy thôi.
- Hãy thử nghĩ cho Nguyên Báo mà xem, anh ta vẫn còn trẻ, chưa dùng bao giờ đã bị vĩnh viễn mất đi, điều này sẽ gây nên một vết thương lòng vô cùng đau đớn cho anh ta. vết thương ấy sẽ vĩnh viễn rỉ máu - anh ta phải có quyền giữ thân thể của mình toàn vẹn chứ.
- Từ ngày chúng ta chọn trúng Nguyên Báo, tất cả mọi thứ trên người anh ta đều đã thuộc về chúng ta rồi. Anh ta chính là thể diện của toàn quốc. Để cho thể diện này được hoàn chỉnh thì các phương diện khác của anh ta phải chịu khiếm khuyết, đây là quy luật khách quan e rằng không thể dùng ý chí của con người mà có thể lay chuyển được, sự lựa chọn đau khổ này e rằng sớm muộn cũng phải thi hành mà thôi.
- Anh đã từng nói, bây giờ anh ta là thể diện sống duy nhất còn được lành lặn của đất nước ta hiện nay mà.
- Anh ta vẫn là như thế, chúng ta không cần anh ta phải tàn phế, trừ phi cô cho rằng bản thân phụ nữ vốn là tàn tật.
- Điều này cũng không có gì mất mặt cả, anh ta cũng không vì thế mà trở thành một con quái vật. Hàng ngàn hàng vạn phụ nữ dù không có cái đó, nhưng chẳng ai oán hận cả, cho dù đôi lúc cũng có chút tiếc nuối thì họ vẫn tràn đầy niềm tin sống như một người bình thường.
- Thậm chí lại nhẹ nhàng hơn, so với người bình thường lại có cả một thế giới riêng tươi đẹp.
- Có thứ mất, tất có cái được.
- Cái mà những người cộng sản mất đi chỉ là xiềng xích, nhưng cái thu về lại là cả thế giới.
- Về lý lẽ thì tôi biết là như thế, nhưng về tình cảm thì vẫn không chịu đựng nổi. Anh có chắc chắn sau khi hoạn Nguyên Báo sẽ không bị biến thái, vẫn có thể giữ được sức mạnh và lòng dũng cảm không?
- Hãy thử đi mà, không thử thì làm sao biết được? Dù sao tình hình cũng không thể xấu hơn được nữa, nếu như chúng ta không có được một nữ chiến binh Amazon mà lại có phải một tên nửa váy nửa quần thì chúng ta cũng đành cuốn cờ im trống, giải tán Tổng hội, ngày sau tính tiếp, trở lại cầm quyền.
- Lá cờ lớn là Nguyên Báo không thể bị gãy, cô chẳng những phải rẽ theo hướng này, mà còn cần đích thân đi làm công tác tư tưởng cho Nguyên Báo, khiến cho anh ta vui vẻ mà chấp nhận quyết định của tổ chức. Nếu không chúng tôi chỉ còn cách khai trừ cô ra khỏi Đoàn chủ nhiệm Tổng hội.
- Đây là quyết định của tổ chức sao?
- Đúng vậy, Đoàn chủ nhiệm Tổng hội đã nhất trí thông qua, và chỉ định ba chúng tôi tìm cô nói chuyện.
- Đã là quyết định của tổ chức, vậy thì tôi chấp hành, nhưng xin bảo lưu ý kiến của cá nhân tôi.
- Cho phép bảo lưu, nhưng quyết định của tổ chức phải được quán triệt chấp hành, không được bớt xén gì hết.
- Tôi vẫn còn có một thỉnh cầu cuối cùng, nếu như một khi việc Nguyên Báo thay đổi giới tính thất bại, tôi khẩn cầu tổ chức sẽ không tính toán để tô vẽ Nguyên Báo thành tráng sĩ thêm lần nữa.
- Cô nghĩ chúng tôi đê tiện quá rồi đấy. Nói thực lòng, lúc quyết định, chúng tôi cũng rất không đành lòng, rất nhiều đồng chí đã rơi nước mắt, cảm thấy không phải với Nguyên Báo.
- Mấy người chúng ta à, cũng đều là khẩu xà tâm phật mà thôi, nếu như không phải là đứng ở cương vị này, tình cảm phải tuân theo yêu cầu, phải nghĩ tới lợi ích của toàn cục, thì sao có thể mặt người dạ thú như vậy đây?
- Tiểu Bạch à, - Triệu Hàng Vũ khoác tay lên vai Bạch Độ dẫn cô cùng đi đi lại lại trong phòng. - Phải tính toán kỹ lưỡng những khó khăn nặng nề của nhiệm vụ. Việc này nói thì dễ mà làm thì khó, cũng phải, đem người ta ra hoạn ai mà không bực mình, chỉ trừ thái giám thôi. Nên lấy lý mà hiểu, lấy tình mà làm, giảng rõ đạo lý phụ nữ cũng là người, về điểm này, cô là phụ nữ, cô có lợi thế, nên tận dụng. Phương pháp là do con người nghĩ ra, đến hoàng đế chúng ta còn cải tạo được, Đường Nguyên Báo chẳng nhẽ cứng đầu hơn cả hoàng đế sao?

Cánh cửa sắt của phòng giam mở đánh “kẹt” một tiếng, một viên cảnh sát đứng trong vệt nắng rọi từ ngoài cửa sổ, hướng vào căn phòng giam tối tăm gọi:
- Đường Nguyên Báo ra đây, mang theo hành lý.

Trong phòng khách của trại giam, cán bộ cảnh sát đang nói chuyện với Bạch Độ một cách nghiêm túc:
- Tôi chấp nhận sự giải thích của cô. Nhưng tôi phải cảnh cáo các vị rằng, các vị chỉ là một tổ chức xã hội, tất cả hoạt động, ngôn luận đều không được vượt quá phạm vi xã hội, không được phép lẫn lộn với công tác của chính phủ, càng không được phép tạo cho dân chúng cảm giác lầm lẫn các vị nghiễm nhiên trở thành một chính phủ lâm thời.
- Nhất định là như vậy rồi.
- Hành động thì không được hung hăng càn rỡ, nói năng thì không được bừa bãi cẩu thả như vậy. Làm việc gì cứ thành thực mà làm. Tổ chức thi đấu thì nói là tổ chức thi đấu, bồi dưỡng tuyển thủ thì nói là bồi dưỡng tuyển thủ, cần phải khai thác hơn nữa những nội hàm và hoàn cảnh khó khăn của con người ta, chứ không nên nói một đằng làm một nẻo, lạc đề quá xa. Có những vấn đề xã hội các vị nêu ra các vị đã giải quyết nổi chưa? Đối với những vấn nạn của xã hội, chỉ đứng một chỗ mà nói phét, cười cợt thì có tác dụng gì?
- Vâng ạ, chúng tôi nhất định sẽ chú ý, tự mình chỉ lo những việc của mình.
- Tôi cũng không bảo các vị chỉ lo việc của mình mà không lo việc của người khác. Việc của người khác có thể lo, nhưng thái độ thì nhất định phải đứng đắn, nhất định phải có thiện ý. Có trách nhiệm đối với xã hội là việc tốt, nhưng phát triển tới mức quá quắt, gay gắt, thậm chí tới mức phỉ báng và ám chỉ một cách độc địa thì không tốt chút nào cả.
- Tôi nhất định sẽ nhắc bọn họ phải chú ý.
- Cái gì mà nhắc bọn họ chú ý? Tôi bảo cô chú ý, bây giờ tôi đang nhìn vào cô.
- Tôi sẽ chú ý.
- Chỉ nói đảm bảo suông không đủ, tôi sẽ phải xem hành động của cô. Tôi quá hiểu mấy người các cô, bọn cô đều là ra vẻ phục tùng, nhưng thực ra thì ngấm ngầm chống đối.
- Đâu phải như vậy, nhất định là chúng tôi sẽ một lòng một dạ nghe theo. Đến lúc chúng tôi tổ chức trận thi đấu với người nước ngoài sẽ gửi ông hai tấm vé, mời ông tới tận nơi chỉ đạo.
- Tôi chưa chắc đã đi. Tôi chẳng hứng thú gì việc đấu võ với người nước ngoài, việc trong nước đã đủ làm tôi bận bù đầu rồi. Yêu nước thì phải yêu như vậy, thi đấu thắng thua với người nước ngoài thì dù giành thắng lợi cũng chẳng có ý nghĩa gì ghê gớm, giúp đỡ chính phủ đưa cả nước tiến lên mới là con đường chính đáng.
Viên cán bộ cảnh sát đứng dậy, bắt tay chào tạm biệt Bạch Độ, tiễn cô ta ra cửa:
- Lần này tôi bỏ qua cho các vị. Lần sau mà Đường Nguyên Báo lại làm những việc như thế này, tôi nhất định sẽ truy cứu tới cùng trách nhiệm của cô. Ai bảo cô là tác giả tạo ra anh ta.
- Tôi nhất định sẽ chú ý không để anh ta có cơ hội nói xằng nói bậy nữa đâu.
- Phải nghiêm túc giáo dục thêm nữa, hạn chế sử dụng.

Nguyên Báo lẻ loi đứng ngơ ngẩn trước cổng trại giam.
Bạch Độ khoác túi ra khỏi phòng khách trại giam, rảo bước đi tới. Nguyên Báo thấy Bạch Độ thì nhoẻn cười.
- Còn cười nữa à? - Bạch Độ nói. - Tôi vì anh mà bị người ta dạy dỗ không biết bao nhiêu? về sau phải chú ý, đừng có vì vui vẻ một lúc mà không tính tới khi gặp vận đen, tôi cũng bị vạ lây này... Đi thôi.
Bạch Độ vừa dẫn Nguyên Báo ra khỏi cổng trại giam, một đám phóng viên và những người hiếu kỳ đã vây quanh họ.
Nắng chiếu chói chang trên đường, người xe qua lại vô cùng náo nhiệt. Nguyên Báo bị nắng rọi hoa cả mắt lên, đôi mắt mở to đờ đẫn, mặt xị ra, anh ta được Bạch Độ che chắn rẽ đám đông đi ra.
- Anh có thấy ăn năn hối hận vì những gì đã làm không?
- Nếu như có cơ hội, anh có làm những việc như thế nữa không?
- Có phải anh cho rằng anh đã bị đối xử không công bằng? Nhà cầm quyền đã cố tình bóp méo ý tứ của anh phải không?
Đám phóng viên nhao nhao hỏi. Nguyên Báo chẳng nói lấy một lời. Bạch Độ luôn miệng trả lời:
- Không thể tiết lộ thông tin gì cả.

Ánh nắng ấm áp, trong phòng bày biện đồ đạc rất thoải mái tiện lợi, Nguyên Báo bên chiếc bàn trải tấm khăn trắng lặng lẽ ngồi ăn cơm. Không gian vô cùng yên tình, chỉ có tiếng bát đĩa khẽ va vào nhau “lách cách”.
Thức ăn rất thịnh soạn, màu sắc mùi vị vô cùng hấp dẫn.
Nguyên Báo khuôn mặt vô cảm ngồi ăn, ăn và ăn, anh ta khóc, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má.
Bạch Độ ngồi đối diện với anh, tay tì má nhìn anh ta, bất động, cũng không nói gì.
Nguyên Báo mau chóng lau nước mắt, lại tiếp tục ăn, cũng chẳng ngẩng đầu nhìn Bạch Độ lấy một lần.
Nguyên Báo ăn được một lúc, buông bát đũa xuống, ngước mắt nhìn Bạch Độ, lạnh lùng nói:
- Tôi ăn xong rồi.
Bạch Độ hơi cử động, gật gật đầu:
- Ăn xong rồi.
- Tiếp theo phải làm gì? - Nguyên Báo kéo chiếc khăn ăn buộc ở ngực ra, vứt nó xuống dắt, đứng dậy, đến bên một chiếc bàn rút một điếu thuốc, cố sức đánh vài que diêm mới châm được thuốc hút, ngẩng lên hất hàm hỏi.
- Không làm gì hết, không có việc gì cả. - Bạch Độ cụp mắt xuống, tay nghịch nghịch cái nĩa trên bàn, xoay tròn cái nĩa, nói: - Anh muốn làm gì thì có thể làm cái đó.
- Không thể, làm gì có chuyện không làm gì cả? - Nguyên Báo nhả ra một chùm khói, nhìn ra ngoài cửa sổ nói, - Tôi muốn làm gì cơ? Tôi thì có thể làm gì đây? Tôi chẳng muốn làm gì cả - các cô muốn làm gì?
- Chúng tôi cũng không muốn làm gì cả, - Bạch Độ nói. - Anh được tự do, giao ước hủy bỏ, từ giờ trở đi anh thích đi đâu thì đi đấy, muốn làm việc gì thì làm việc đấy, tất cả đều theo ý của anh.
Nguyên Báo nhìn Bạch Độ hồi lâu, điếu thuốc trong tay cháy dần, tàn bay lả tả xuống đất.
Anh quay lại bàn ăn, ngồi lại chỗ cũ, gí điếu thuốc vào gạt tàn, bình tĩnh nói:
- Tôi chẳng có nơi nào để mà đi.

- Tại sao cô lại dám nói như thế với Nguyên Báo? Ai cho cô quyền nói vậy? - Triệu Hàng Vũ đập bàn, quát tháo Bạch Độ đang đứng trước mặt ông ta. - Cô rành rành là đồ phản bội.
- Tôi cho rằng cô ấy đã đánh mất lập trường của một nhân viên làm việc cho Tổng hội rồi, - Lưu Thuận Minh đứng bên cạnh nói.
- Khai trừ, lập tức khai trừ tư cách hội viên của cô ta! - Triệu Hàng Vũ hết hơi hết sức gào lên với tất cả các thành viên của Đoàn chủ nhiệm Tổng hội ngồi quanh bàn hội nghị. - Có ai phản đối không? Không có - nhất trí thông qua.
- Cũng tốt, - Bạch Độ bình tĩnh nói. - Thế này đỡ cho tôi những thủ tục phiền phức khi xin ra khỏi hội.
- Cô cút ngay đi cho tôi nhờ, tôi không muốn thấy mặt cô nữa, trăm năm nữa cũng chẳng muốn gặp lại cô.
- Sau trăm năm tôi cũng chẳng muốn gặp lại anh, dẫu tôi có hóa ra tro thì cũng không muốn rải trên cùng một mảnh đất với anh!
Bạch Độ xoay người rời khỏi phòng họp.
Triệu Hàng Vũ ngoạc mồm ra chửi:
- Con đĩ thối, cô có hóa thành tro thì tôi vẫn nhớ cái mặt cô!
Ông ta ủ dột ngồi xuống, tay bưng lấy mặt bi phẫn nói:
- Sao tôi lại mù quáng như thế, chẳng hề phát hiện con rắn độc xinh đẹp từ trước tới giờ vẫn luôn ngủ bên cạnh chúng ta. Cô ta đã phụ sự tin cậy của tôi, lòng tôi giờ lạnh lẽo, về sau còn dám tin ai đây...
- Chú nhiệm Triệu, anh đừng đau buồn quá. - Lưu Thuận Minh nói thận trọng từng li từng tí. - Cô ta đi rồi vẫn còn chúng tôi cơ mà.
- Để chủ nhiệm Triệu nghỉ ngơi một chút, anh ấy phải chịu cú sốc lớn quá. - Tôn Quốc Nhân dìu Triệu Hàng Vũ rời bàn họp, nằm xuống một chiếc ghế sofa dài bên cạnh, gọi một có gái tới, để ông Triệu gối đầu lên đùi cô ta, bảo cầm lấy quạt khe khẽ phe phẩy.

- Chúng ta tiếp tục họp, - Tôn Quốc Nhân ngồi vào vị trí của Triệu Hàng Vũ, - tiếp tục bàn về vấn đề Đường Nguyên Báo - cuộc họp tạm thời do tôi chủ trì.
- Tôi đề nghị, - Lưu Thuận Minh nói, - Bạch Độ đi rồi, việc của Đường Nguyên Báo vẫn phải tiếp tục làm, hơn nữa phải giao cho một người có khả năng, đáng tin cậy mới có thể cứu vãn được những tổn thất và ảnh hưởng xấu do Bạch Độ gây nên. Đây là một trách nhiệm vô cùng nặng nề, người được chọn vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng trừ anh Tôn Quốc Nhân ra không có ai có thể đảm nhận được trách nhiệm này.
- Không, không, không, - Tôn Quốc Nhân vội vàng nói, - tôi không làm, không làm được đâu.
- Anh đừng khiêm tốn quá.
- Không phải tôi khiêm tốn, tôi còn có công việc phải làm ở ngõ Đàn Tử, làm gì có thời gian mà lo cho anh ta. Tôi đề nghị chọn người giỏi giang mẫn cán hơn tôi là anh Lưu Thuận Minh thay thế công việc của Bạch Độ. Anh ấy có thể làm việc như tôi, lại đã từng trông nom Đường Nguyên Báo, lại có kinh nghiệm phong phú về đấu địch, tìm một người lạ bắt tay làm lại tất cả từ đầu chi bằng tìm một đồng chí đã quen thuộc với Nguyên Báo.
- Không, không, tôi không làm được, công việc lần trước tôi làm không tốt mà...
- ... Có ai phản đối không? Không có, nhất trí thông qua.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét