Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Chớ Gọi Tôi Là Người - Chương 22

Chớ Gọi Tôi Là Người


Tác giả: Vương Sóc

Dịch giả: Lê Tùng Văn - Hà Thị Cẩm Yến

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 10/03/2010


Chương 22

- Dao... kéo... kìm... nhíp...
Dưới bóng đèn flash, một nhóm bác sĩ mặc áo trắng đội mũ trắng đeo khẩu trang trắng đang nhịp nhàng tiến hành phẫu thuật...
Cửa phòng phẫu thuật mở, một chiếc băng ca được y tá kéo ra, trên băng ca phủ một tấm khăn trải màu trắng, lúc này Nguyên Báo đang nhắm nghiền mắt nằm thiêm thiếp dưới tấm khăn trải giường.
Gương mặt của anh ta trắng bệch, bình thản, nhẹ nhàng.
Chiếc băng ca được đẩy men theo dãy hành lang về phía xa, khoan thai lướt nhẹ, bánh xe nhẹ nhàng lăn trên mặt đất không phát ra một tiếng động.
Lưu Thuận Minh, Tôn Quốc Nhàn, bốn cô gái Chu, Ngô, Trịnh, Vương cùng các bậc lãnh đạo của giới phụ nữ đang đứng tại phía đầu dãy hành lang đợi chiếc băng ca được đẩy đến.
Chiếc băng ca dừng lại trước mặt họ, tất cả mọi người đều chăm chú nhìn Nguyên Báo đang nằm ở trên.
- Phẫu thuật tiến hành như thế nào? - Tôn Quốc Nhân hỏi người y tá.
- Vô cùng thành công, - người y tá đáp. - Xin mọi người hãy yên tâm.
- Mấy ngày nữa thì anh ta có thể xuất viện được?
- Sẽ nhanh thôi, - người y tá đẩy băng ca vào phòng bệnh, quay đầu lại nói. - Thứ anh ta cắt bỏ là thứ đồ vật thừa, không đúng sao?
- Đúng đúng, - Tôn Quốc Nhân nói. - Thế là tôi có thể thở phào nhẹ nhõm rồi.
- Cậu thực sự không cần phải lo lắng như thế, - Lưu Thuận Minh nói. -Đây chẳng qua chỉ là một ca phẫu thuật thông thường, vả lại anh ta cũng không phải là người đầu tiên làm loại phẫu thuật này.
Tôn Quốc Nhân xoay người bắt tay với từng người phụ nữ:
- Cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ của các vị, nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì công việc của chúng tôi đã không suôn sẻ như thế này.
- Không cần khách sáo, - bà già thủ lĩnh nói. - Bồi dưỡng vun trồng con người mới là trách nhiệm chung của chúng ta, đã làm việc nghĩa thì không cần lời cảm ơn.
- Sau khi Đường Nguyên Báo xuất viện, vẫn có thể sống cùng chúng tối được không? - Cô Trịnh hỏi.
- Tôi e là không thể được, - Tôn Quốc Nhân cười nói. - Nhiệm vụ của các vị đã hoàn thành rồi. Hãy nỗ lực học tập, đợi sau khi các cô tốt nghiệp bước ra xã hội, sẽ có rất nhiều thứ có thể sáng tạo rơi vào tay các cô.
Cô Vương nói:
- Chúng tôi sẽ rất nhớ Đường Nguyên Báo, anh ấy còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm, đại diện cho giới phụ nữ chúng ta tham gia thi đấu. Đấy là việc lớn, quan trọng hơn nhiều so với việc sống cùng với chúng tôi đúng không? - Cô Vương trong sáng tin cậy nhìn Tôn Quốc Nhân.
- Đúng vậy, - Tôn Quốc Nhân đáp. - Anh ta còn có chút việc phải thay đổi, rồi lại phải xông ra chiến trường nữa.
- Từ tận đáy lòng chúng tôi cầu chúc cho anh ấy vừa ra quân đã lập chiến công, mã đáo thành công, - cô Vương thay mặt cho các bạn bày tỏ cảm xúc.
- Có thể nào lại không như thế? Dù tìm khắp thiên hạ cũng không có người thứ hai có tinh thần như anh ấy để bồi dưỡng đâu.
- Và cũng bởi anh ta ở trong khối của chúng ta nên mới có điều kiện tốt như thế. - Lưu Thuận Minh bổ sung thêm.

- Xin hỏi, bây giờ anh cảm thấy như thế nào?
Trong phòng bệnh, Nguyên Báo ngồi dựa vào thành giường, khắp nơi chất đầy hoa tươi, đang trả lời phỏng vấn của phóng viên.
- Phẫu thuật xong, anh có cảm thấy điều gì không thoải mái không?
- Hoàn toàn không, cảm giác rất tốt, vô cùng nhẹ nhõm. - Mắt Nguyên Báo nhìn lên trên, cố hình dung cảm giác của mình. - Nó giống như việc cõng một chiếc hòm to đi mấy trăm quãng đường, đột nhiên đánh rơi, dù cho trong hòm là vàng bạc châu báu nhưng vẫn cảm thấy hết sức thoải mái. Tuy bị tổn thất đôi chút, song không đến nỗi vì thế mà chết mệt, ngoài ra cũng là cách để đi thật nhanh trên đường.
- Xin hỏi, anh đánh rơi chiếc hòm này... - Một nhà báo đeo kính đang hỏi dở chừng, thì tất cả mọi người trong phòng cười phá lên.
Nhà báo nọ hơi ngượng, đẩy đẩy chiếc kính, đổi lời diễn đạt, nói:
- Xin hỏi, trong lòng anh nghĩ gì khi đồng ý tiến hành phẫu thuật? Lẽ nào không có chút... ừm, ví dụ như là... do dự chăng? Phải biết, đó là... ừm, nói thế nào nhỉ... là một quyết định rất quan trọng.
- Do dự đương nhiên là có, nhưng tôi đã khắc phục được. Mỗi lần nghĩ đến trách nhiệm mà đất nước giao phó, sự kỳ vọng của nhân dân, trong đầu tôi không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân nữa. Hơn nữa, thép tốt dùng ở lưỡi dao, rượu ngon dùng trong quốc yến. Đường Nguyên Báo tôi lún sâu vào con đường xấu, bốc mùi lên rồi, cũng không bằng cả cái thứ đồ chơi trên bàn. Thế mà nay được sắp xếp có ích lớn như thế khiến cho nhân dân cả nước có thể thở phào nhẹ nhõm, đấy chính là vinh dự của tôi. Cũng không oan ức gì, chiến mã chết ở trận tiền, tráng sĩ chết dưới lưỡi đao, chỗ nào ở Thanh Sơn cũng chôn những hài cốt trung thành, hà tất gì phải chịu cảnh da ngựa bọc thây, đến như Hạng Vũ đã làm ma muôn đời, chết anh hùng cũng không được về nhà...
- Ngừng lại đi ngừng lại đi, chúng tôi rất hiểu ý anh.
- Vậy sao, xem ra tôi đã đánh giá thấp các anh rồi.
- Tốt hơn cả là anh đừng xem thường chúng tôi, ở phương diện chuyên môn đánh bóng bản thân này đẳng cấp của chúng tôi không hề thua kém anh đâu.
Nguyên Báo cười hi hi:
- Vậy thì nói thành thật chút đi, các anh có thực sự cảm thấy tôi đưa ra quyết định này là rất trọng đại không? Các anh có thực sự cảm thấy cái món đồ chơi đó đặc biệt có ích không?
- Nhìn từ đạo lý thông thường thì đúng như vậy mà? Du lịch tại gia, ai ai cũng phải chuẩn bị, chống đau đầu, chống buồn chán, chống lười biếng, chống đau lưng...
- Xem ra các anh đúng là vật tận kỳ dụng, nhưng đối với tôi mà nói, đưa ra quyết định này rất đơn giản, giống như việc quyết định cắt bỏ ruột thừa cắt bỏ tuyến hạch...
Nguyên Báo hạ giọng, mỉm cười nói với vẻ bí mật:
- ...Bởi vì tôi vốn không hề có cuộc sống cá nhân.
Các phóng viên bỗng bừng tỉnh ngộ, tiếp đó nhất loạt cắm cúi ghi lại câu nói đó của Nguyên Báo.
- Nói như thế, có nghĩa là anh trước sau đều nhất quán việc nằm gối giáo đợi trời sáng*? - Một nhà báo nhìn cuốn sổ ghi chép của mình hỏi. - Trước sau nhất quyết thi hành “ba không” ở hai bờ eo biển sao?

*[Ý nói luôn trong tình trạng cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu]

- Chúng tôi không ngờ anh lại thảm như thế, - một nhà báo khác thành thật nói.
- Các ngài cũng đừng ra cái vẻ trải đời như vậy. - Nguyên Báo cười nói. - Tôi nghĩ mãi không ra người dân Trung Quốc nào có một cuộc sống cá nhân thực sự, cũng chỉ đều là khỉ đội lốt người mà thôi.
- Anh có kỳ vọng gì đối với chị em phụ nữ? - Một nữ nhà báo hỏi. - Sau khi gia nhập vào đội ngũ chúng tôi?
- Tôi vô cùng khâm phục họ, hy vọng họ giữ mãi được vinh quang, họ chính là một đội ngũ rất trẻ trung, dù khởi đầu muộn song muộn cũng có cái hay riêng, có thể học tập từ nhiều tấm gương đi trước, hạn chế đi đường vòng, tuyệt đối không để trong lúc hấp thụ tính hoa của nam giới thì cũng hấp thu luôn cặn bã của họ.
- Nghe nói anh có tham gia một lần vào đại hội biểu dương lực lượng của phụ nữ, vậy sự việc đó có đem lại ấn tượng sâu sắc cho anh không?
- Đúng vậy, bọn họ đúng là khí thế ngút trời, đi tới đâu quét sạch mọi chông gai tới đó, dũng mãnh khác thường.
- Vậy điều đó có phải là một nhân tố quan trọng thúc đẩy anh hạ quyết tâm cuối cùng không?
- À đúng, - Nguyên Báo nghiêm trang nói. - Tôi vốn thích đứng cùng với những kẻ mạnh.
- Cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn. Cuối cùng, xin hỏi anh có điều gì muốn nói với khán giả và độc giả của chúng tôi?
Nguyên Báo ngồi thẳng người, hắng giọng, hướng về chiếc micro với điệu bộ như đang nói với nhân dân cả nước:
- Xin đừng lo buồn cho tôi, cuộc sống của tôi hiện nay rất tốt, các vị lãnh đạo cũng như các đồng chí đều hết sức quan tâm đến tôi, không có một chút kỳ thị, phân biệt. Mỗi ngày tôi đều tham gia lao động, vừa lao động vừa cải tạo, mỗi tuần vào thứ Ba thứ Năm thì được ăn thịt, dăm bữa nửa tháng còn có thể được đi xem phim. Hiện nay tôi đang viết sách, cuốn sách nói về cuộc đời trước đây của tôi. Sau này tôi còn dự định dựng bộ phim mang tựa đề là “Giọt nước mắt hối hận”. Cuộc đời tôi đã hại không biết bao nhiêu người nhưng tất thảy mọi người đều không hận tôi, coi tôi như chính bản thân mình, đều đối xử với tôi lương thiện như thế, vậy tôi cũng không khách khí nửa, khổ một thân tôi nhưng mọi người đều được hạnh phúc... Thôi tôi chỉ nói đến đây, nói nhiều lại loạn.

- Ông còn điều gì muốn nói không?
- Bao nhiêu từ ngữ bay đâu hết rồi, chỉ còn việc nói tôi là kẻ phản quốc thì tôi không phục.
Ông già họ Đường mơ mơ màng màng mắt nhắm nghiền, miệng lảm nhảm.
- Tôi và người Hán các anh vốn không cùng một nước, chúng tôi là người của nước Đại Thanh, đất nước của chúng tôi đã bị diệt vong lâu rồi, tôi có muốn phản cũng không phản được, tôi là một kiều dân, cùng lắm cũng chỉ là gián điệp của nước đối địch mà thôi, không thể buộc tội phản quốc cho tôi được.
- Ông đúng là nói nhảm, ông là một công dân Trung Quốc.
- Nhưng đó là những việc tôi làm ở thời Đại Thanh, còn từ sau Dân quốc thì tôi hoàn toàn lương thiện.
- Xem ra ông vẫn chẳng có chút nhận thức gì về vấn đề của ông cả.
- Sao tôi lại không nhận thức được, tất nhiên là tôi có nhận thức. Lúc đó đáng lý ra tôi không nên gây chuyện, đều là vương gia hại tôi đây mà. Nước Đại Thanh chắc chắn xong đời, xong đời trong tay ai chẳng giống nhau? Thà tặng cho nước bạn còn hơn là làm gia nô. Anh hãy nhìn người Hồng Kông, rồi lại nhìn người Ma Cao đi, họ là nô lệ của một quốc gia bị diệt vong à? Xem ra nếu không nắm vững lịch sử thì nhìn nhận vấn đề này thật khó. Cơ hội lịch sử chỉ trôi qua trong chớp mắt. Bà lão đến chết hãy còn là trinh nữ, kháng Nhật! kháng Nhật! Nếu không thì hiện nay cái chúng ta đang sử dụng trong tay đều là đồng yên Nhật, ngoại tệ mạnh, ngoại hối trong cả nước, đến như con tôm con tép hay cái lông lợn còn dùng để ăn để chải. Bây giờ thì hay rồi, có khấu đầu quỳ gối khắp thế giới này mời họ đến xâm lược cũng chả ai thèm ngó ngàng. Đều rõ cả rồi, xâm lược các ông thì được cái gì? Làm thế chẳng phải lại bị phản kháng sao?
- Những lời nói này của ông đều phải ghi lại vào án trạng. Người dân Trung Quốc ngay thẳng không cúi mình, thà chết đứng chứ quyết không sống quỳ!
- Được rồi, điều này cũng gần giống cái việc các anh chưa từng để tóc đuôi sam vậy thôi, ban đầu chả gào khóc inh ỏi không chịu, về sau thì sao? Đến lúc phải cắt đi thì lại thấy khó. Cái đức tính này của người Hán các anh tôi còn lạ gì chứ? Giả vờ như mình có khí chất lắm, giả vờ như đến chết cũng cần có thể diện, còn sống thì nhất định không chịu khuất phục, sự thực thì sao? Tôi không muốn nhận cũng không được, thể diện xưa nay không phải ai cũng cần đến.
- Thế thì phản động rồi, hôm nay tôi để ông phản động một cách sung sướng.
- Người Mãn chúng tôi cũng thật là bất hạnh, sao không để cho người khác đoạt lấy mà lại là các anh? Để người Mỹ diệt thì sao chứ? Lại để cho các anh đoạt lấy mà chả phí công phí sức gì, rẻ không có hàng tốt, thật khiến cho mọi chủ nghĩa đế quốc trên thế gian này phải đau lòng!
- Ông còn điều gì muốn nói nữa? Nói ra hết đi!
- Các anh không có giấy tự thú nào để tôi ký à?
- Không có! - Viên thẩm vấn phẫn nộ, đập bàn đứng dậy. - Ngươi đừng tưởng có thể thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân!
- Tôi vui vẻ lên báo tuyên bố, tự ăn năn hối cải.
- Ta quyết không cho ngươi cơ hội, phải đánh ngươi đến chết.
- Tôi thừa nhận sai lầm vẫn không được sao? Lập công chuộc tội, quay giáo đánh lại, lôi ra mấy cái “ô dù” đứng sau lưng. Các anh xem ai bướng bỉnh, tôi sẽ chạy đi vai kề vai tay dắt tay anh ta, rồi tố cáo là anh ta xúi giục. Cầm đầu nổi dậy, vạch trần, tố cáo, câu kết trên dưới, lôi kéo trong ngoài, dán biểu ngữ tạo tin đồn đều là sở trường của tôi. Nếu như thế vẫn chưa được thì tôi còn có thể ca tụng công đức, chỉ hươu nói ngựa, trợn mắt nói bừa, nhắm mắt sờ đến “bè lũ bốn tên” của mình cũng đừng nghĩ là làm khó tôi. Các anh nói làm như thế nào đi, lần này tôi hoàn toàn nghe các anh, làm cái bia, tôi là cái bia tốt, làm lâu la thì tôi sẽ là lâu la tốt, phái hữu tụ tập không đủ thì coi như tôi là một thành viên. Dù thế nào thì tôi cũng đã giao cho các anh rồi, các anh xem chỗ nào thiếu chỗ nào sót thì nhét tôi vào đó, tôi hoàn toàn không có ý kiến gì!
- Hiện nay chúng tôi đang thiếu một người chịu trách nhiệm trước sự thất bại của phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét