Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Phát tên lửa thứ ba (Ch 8)

Vaxin Bưcốp

Phát tên lửa thứ ba

Người dịch Văn Phú

NXB Tác Phẩm Mới - 1987

8

Hầm trú ẩn đã đào xong. Pôpốp cũng kết thúc công việc của anh. Chúng tôi ra chỗ khẩu pháo và để gọn xẻng vào một đống. Gientych rút trong túi ra cái đồng hồ Thụy Sĩ, phần thưởng chiến công, và cẩn thận cài dây đeo vào cổ tay, rồi chăm chú nhìn những chữ số xanh nổi trên mặt đồng hồ đen.
- Thôi… Lioniac, Lukianốp, đi lấy suất ăn sáng đi. Thật nhanh lên đấy nhé! Chẳng mấy lúc mà sáng đâu.
Lukianốp ngoan ngoãn cầm gamen và tôi khoác tiểu liên lên vai, rồi chúng tôi đi theo con đường hẹp ngoằn ngoèo trên cỏ, dưới ánh tranh tối tranh sáng yên tĩnh và khó chịu.
Đêm đã gần tàn.
Mặt trăng đã mờ, xuống thấp hơn; đám mây mỏng trăng trắng hôm trước còn nằm ở chân trời đã rời đi, bầu trời sáng sủa hơn, những vì sao càng chiếu sáng hơn. Ánh tranh tối tranh sáng xanh xanh ở trên những quả đồi bớt sẫm hơn, phương đông tuy còn tối nhưng đã ánh lên ánh phản chiếu của mặt trời còn khuất ở dưới thấp. Những cái bóng hỗn độn trên mặt đất đã thay đổi; những mảng ánh trăng sáng và những vệt sẫm chỉ còn lờ mờ trên cánh đồng cỏ.
Tôi bước lên phía trước và cảm thấy nhẹ bớt những đau đớn và mất mát, nó không còn thổn thức trong lòng tôi nữa, và tôi thấy điềm tĩnh hơn. Tôi chẳng còn thấy ghen ghét Liosa, tôi cũng chẳng còn thấy Luxia hấp dẫn nữa, tôi đẩy lùi mọi cái đó vào dĩ vãng, hình như tôi lớn lên và chỉ sau một đêm tôi đã trở nên minh mẫn hơn.
Chúng tôi lặng lẽ đi. Nắp gamen khẽ kêu lách cách. Lukianốp vẫn trầm tư và kín đáo như mọi khi. Tôi chợt nhớ đến chuyện vừa rồi Liosa chửi anh ta, có nhắc đến chuyện anh bih bắt làm tù binh mà không hiểu sao anh chịu im.
- Sao anh không tống một quả vào mồm nó? - tôi quay sang hỏi. - Nó sẽ không dám bắt nạt anh nữa.
Lukianốp thở dài, rồi bình tĩnh trả lới:
- Tôi không nghĩ thế. Nó không phải người đầu tiên và cũng chẳng phải là người cuối cùng. Tôi chịu quen rồi.
- Anh nhầm rồi, cần phải làm như thế. Nếu không nó sẽ cố tìm cách gây sự với anh, nó sẽ hành hạ anh. Nó là người như thế đấy.
- Không ai có thể hành hạ người khác hơn là người đó tự hành hạ mình.
- Đó là trường hợp của những người có lương tâm, còn Dađôrôgiơnưi thì phớt tất cả.
- Sao? - Lukianốp đáp sau khi đã suy nghĩ. - Nó có lý theo cách của nó. Tất nhiên là tương đối. Vả lại mọi chuyện trên đời đều là tương đối.
Chúng tôi lại im lặng. Chúng tôi đi không vội vã lắm và lắng nghe đêm tối.
Con đường nhỏ dẫn chúng tôi về phía hàng cây vòi voi, nó đứng yên trong bóng tối như một bức tường xám. Bên kia bức tường này, có tiếng binh lính trên đường cái và trên con đường nhỏ xa hơn có ánh thuốc lá lập lòe cùng tiếng cười thoảng đến tai chúng tôi. Dù đang có chiến sự và khắp nơi đều nguy hiểm, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và mọi vật vẫn êm đềm biết bao!
Lukianốp lê bước ở phía sau, tôi đoán trong tính khí trầm lặng của anh có ẩn náu một nỗi đau sống động, một vết thương tinh thần. Thấy anh đến gần, tôi hỏi:
- Anh hãy kể cho tôi nghe sao anh lại bị cầm tù đi…
Im lặng một chút để suy nghĩ, rồi anh thở dài:
- Rất đơn giản. Đó là năm 1942, ở trước Kharkov. Tôi đã bị thương. Tôi bị ngất đi và khi tỉnh lại thấy bọn Đức khắp chung quanh. Rồi ở trại tù và những chuyện khác…
Tôi tưởng Lukianốp sẽ nói thêm câu gì nữa, nhưng anh im.
Trên đường đi có một hố mìn nhỏ. Trăng chiếu yếu ớt trên cái hố đen ngòm. Tuy bây giờ hố mìn không còn nguy hiểm nữa, nhưng chúng tôi cũng không muốn đặt chân vào. Tôi nhảy qua. Còn Lukianốp đi vòng qua nó.
- Đó mới là bắt đầu cho cái thời kết thúc của tôi. - Lukianốp lại thở dài.
- Bắt đầu của kết thúc! - tôi lặp lại vì bỗng gặp phải cái ý nghĩa trái ngược của mấy từ này. - Rồi về sau?
- Sau đó à? Sau đó bắt đầu xuống địa ngục. Trong suốt mùa hè, chúng tôi phải đi lấp những hố chống tăng ở Ukraina. Có đến hàng ngàn cây số, đào từ năm 1941. Và chúng tôi phải lấp. Kể cũng chẳng cần gì làm những chuyện ấy, nhưng chắc bọn Đức không tìm được việc gì khác để bắt chúng tôi làm.
- Trước khi bị bắt anh là sĩ quan phải không?
- Phải, tôi là trung úy, chỉ huy một đội công binh.
- Thế rồi về sau?
- Tôi là lính trơn, như anh thấy đấy.
Tôi không hỏi nữa, tôi hiểu là anh bị trừng phạt, tuy tôi vẫn chưa nắm được sao một con người có nhiều đau khổ đến thế mà vẫn còn phải chịu hình phạt nữa.
- Như thế đấy, anh bạn ạ! - anh nói và đi cạnh tôi. - Trong chiến tranh, tôi rủi ro ghê gớm. Rủi ro đủ mọi bề.
- Lại còn chuyện gì nữa?
Lukianốp chậm bước lại, nhìn vào bóng tối xa xôi có vẻ băn khoăn, nói:
- Anh có biết không, cha tôi là Anh hùng Liên Xô. Còn tôi, tôi xấu hổ khi nhắc đến ông.
Tôi lắng tai nghe, lại càng thêm chú ý. Anh nhận thấy điều đó, giải thích cho tôi:
- Cha tôi chỉ huy một lữ đoàn. Sau khi bị tù, tôi không viết thư cho ông nữa. Vì tôi không dám viết, hơn nữa biết viết gì? Phải nói ông có tấm lòng thương con, cả mẹ tôi cũng thế. Cha mẹ tôi cho tôi tất cả, tiền bạc và lòng âu yếm. Tôi thấy hình như tôi cũng không đến nỗi khổ lắm. Vâng lời cha mẹ, tôi học tập. Năm 1941, hai cha con cùng ra đi, cha tôi ra mặt trận, còn tôi vào trường quân sự. Tôi mơ ước chiến công và huân chương. Thế rồi dẫn đến kết cục vô lý như thế đấy.
- Ừ, đau khổ thật. Tất cả vì chiến tranh.
- Chiến tranh thì phải rồi. Nhưng nó không liên quan đến chuyện ấy. Sai lầm là do bản thân tôi. Tôi hiểu rõ điều đó.
Nỗi đau khổ của anh lan sang tôi, tôi tin anh, tôi thành thực thông cảm với anh, tôi muốn an ủi anh:
- Này, vẫn chưa phải quá muộn đâu. Có thể anh được phục chức. Cái quan trọng là còn sống. Trong quân đội, không phải ai cũng như… Dađôrôgiơnưi đâu.
- Đúng thế đấy… nhưng cấp bậc cũng chẳng quan trọng. À này, đừng có cả tin vào Dađôrôgiơnưi đấy! - Lukianốp bắt sang chuyện khác. - Nó là thằng hay bịa đặt. Nó kể đủ chuyện, nhưng toàn chuyện khoác lác. Thường con người ta thích khoe khoang.
Mới đầu, những lời lẽ của anh khiến tôi ngạc nhiên và bỗng tôi lại thấy hy vọng. Tôi nắm được ngay, dù chỉ loáng thoáng nghe thấy.
- Thật thế chứ?
- Thế anh tin nó à? Luxia là một cô gái tốt. Cô ta không thể… Vả lại nhiều điều bất hạnh đến với chúng ta., vì chúng ta không tin vào phụ nữ. Chúng ta chưa quý trọng họ lắm. Họ là những người khôn ngoan trên đời. Họ chịu hy sinh vì tình mẫu tử. Họ chống lại bạo tàn cũng vì họ là người mẹ. Họ có nhiều đau khổ. Những đau đớn đã khắc sâu vào tâm hồn họ. Gientych đã nói đúng, chính cuộc đời và đau khổ đã làm nên con người. Một con người không đau khổ là con người chẳng đáng kể gì.
Mấy chiến sĩ bộ binh im lặng đi lại phía chúng tôi, họ lấy suất ăn sáng mang ra tiền tuyến. Một giờ đồng hồ nữa, không ai có thể qua lại chỗ này. Những người đi muộn đành phải chờ đến bữa tối. Chúng tôi nhìn mặt họ dưới ánh trăng lờ mờ, nhưng không có ai quen.
- Chúng tôi không muộn quá chứ, các anh? - tôi hỏi.
- Không. Họ mới bắt đầu chia. Chúng ta là những người đầu tiên. - Một anh bộ binh trẻ trả lời tôi tử tế, lưng anh khom xuống vì sức nặng của cái bình to đeo trên lưng.
Chúng tôi rời con đường nhỏ và bước vào đám cỏ. Lukianốp tụt lại sau một tí, rồi anh theo kịp và lại đi bên tôi. Rõ ràng do tò mò tôi đã chạm phải sợi dây tình cảm của anh, đã im lặng từ lâu, bắt đầu rung lên và rung mãi một cách chân thành.
- Đau đớn, xúc cảm… - anh nói rồi ngẫm nghĩ và bỗng phấn khởi nói tiếp. - Tôi sắp nói với anh điều này. Tôi bị nhầm lẫn từ lâu, tôi không hiểu một số điều. Nhà tù đã dạy tôi rất nhiều. Ở đó, con người đã vất bỏ tất cả những gì là giả dối xa lạ ở trong người họ. Chỉ còn lại bản chất của họ: lòng tin, lương tâm và nhân tính. Nếu con người không có những cái ấy, lúc vào nhà tù họ sẽ trở thành con vật. Tôi đã gặp tất cả những gì có thể tưởng tượng. Trước đây tôi đã nghĩ: nước Đức đã cho nhân loại Bach, Goethe, Schiller, Engels và cả Marx cũng sinh trưởng trên mảnh đất của họ. Rồi đến Hitler! Thằng cha khủng khiếp. Do hay bị ám ảnh vì sợ hãi, do không tin vào cái gì, mà nó bán linh hồn cho quỷ dữ, hay vì tham vọng? Nó còn khủng khiếp hơn cái chết. Trong trại tôi bị giam, có thằng Cut trong tiểu đoàn lính gác. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với nó. Nó căm thù Hitler, nhưng nó lại sợ. Trước hết nó sợ mặt trận. Và thằng này vừa căm thù bọn Quốc xã, vừa ngoan ngoãn phục vụ chúng. Nó bắn giết, đánh đập, chửi bới mọi người. Thực ra, sau đó nó đã tự treo cổ. Trong nhà vệ sinh. Bằng dây súng carbin.
- Ta có thể trông mong gì vào bọn Quốc xã này? - tôi nói. - Nếu như người của chúng ta… Có biết bao kẻ đã gia nhập bọn Vlasov hoặc đi làm cảnh sát, chỉ điểm cho bọn Đức nữa.
- Tính nhút nhát và tham lam đã dẫn đến những tổn thất không thể tránh khỏi. - Lukia nốp nói sôi nổi, điều ít thấy ở anh. - Nếu ta không thắng được những điều trói buộc và tính nhút nhát trong người chúng ta, ta không thể thắng được kẻ địch. Phải, đó là vấn đề của đời sống và cũng là vấn đề của lịch sử.
Anh im lặng một lát rồi nói thêm, lại càng hăng hái hơn:
- Đối với những điều liên quan đến Luxia, anh không phải lo. Cô ấy là một cô gái tốt. Tôi tin cô ta. Chà, nếu không có chiến tranh.
Tôi bỗng cảm thấy tin cậy ở anh mà trước đây chưa bao giờ tôi tin. Anh làm khuây khỏa tấm lòng nặng trĩu đau khổ của tôi, và làm sáng lên trước mắt tôi một hy vọng rạng rỡ. Thật đáng ngạc nhiên trước sức mạnh của những lời lẽ chân tình nói khi cần thiết. Bây giờ tôi mới hiểu sao tôi không nhận ra điều đó từ đầu. Sao tôi lại không biết Liosa hay bịa đặt. Tôi bông thấy trong lòng rộn ràng.
- Ừ, Luxia rất tốt. Còn hắn là thằng ba hoa. - tôi lặp lại và cảm thấy buồn khi nghĩ rằng vừa rồi mình còn định chửi cô gái ngây thơ, vô tội.
- Nào, chúng mình hãy nhanh lên. Trời sắp sáng rồi. tôi vui vẻ nói thêm, rồi chúng tôi dấn bước đi theo hàng cây về phía thung lũng, trong đó có một làng, cứ đêm đến là địa điểm tập kết các xe cấp dưỡng dã chiến của tiểu đoàn chúng tôi.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét