Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Phát tên lửa thứ ba (Ch 12)

Vaxin Bưcốp

Phát tên lửa thứ ba

Người dịch Văn Phú

NXB Tác Phẩm Mới - 1987

12

“Tất cả đã mất hết! Không thể cứu lại nữa!”…
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là một hố sâu bên cạnh ụ pháo. Một bánh xe của khẩu pháo nằm còng queo dưới hố. Gientych bị phủ đầy đất, nằm bất động cạnh càng pháo. Bên cạnh, Pôpốp cũng đầy đất và bụi đang trườn trên chiến hào, quãng chưa bị phá. Anh không đội mũ sắt mà cũng chẳng có mũ chào mào trên đầu, ngực anh ướt đẫm. Đôi mắt thẫn thờ, không hồn của anh quay nhìn về phía xe tăng…
Nhưng sao lại im lặng thế này và cái xe tăng đâu?
Tôi nhìn lại phía sau, một cảm giác vui buồn, kinh ngạc lẫn lộn trong người tôi khiến tôi đứng im không nhúc nhích. Khối thép to lớn của xe tăng mà nòng súng dài của nó gần chạm tới chỗ chúng tôi, đang đứng sững trên đống ngô, và tháp pháo tròn, mập, đã quay sang một bên bốc cháy ngùn ngụt.
Pôpốp rền rĩ cúi xuống, anh giơ tay lên, tôi trông thấy máu lẫn bùn. Anh khẽ nghiến răng, ôm ngực, cố ngăn dòng máu đang chảy xuống đầu gối, xuống quần, và xuống đất. Tôi đặt lựu đạn xuống đất và muốn đến giúp anh, nhưng Pôpốp đã thọc được tay vào trong vạt áo khoác và cáu kỉnh ra lệnh cho tôi:
- Lioniac, bắn! Bắn!
Chà, chúng lại tiến đến nữa! Phía sau, ba cột khói đen nổi lên cuồn cuộn trên những hầm có đường hào giao thông. Bên cạnh, xe tăng đang bốc cháy như một que diêm. Những xe tăng khác đang tiến về phía làng đã bị tàn phá. Tiếng súng rền vang. Từ xa nghe rõ cả tiếng đại bác réo.
Tôi lao viên đạn chống tăng vào nòng pháo và trườn tới trước kính ngắm. Khẩu pháo nhỏ của chúng tôi bị xây xát vì mảnh đạn, nhưng nó vẫn còn tuân theo sự điều khiển của tôi. Tôi ngắm một chiếc xe tăng ở gần và đạp cò. Và tôi lại chạy đi lấy đạn tiếp. Trong khi chạy, tôi đưa mắt nhìn chiếc xe vừa bị tôi bắn, cánh cửa nắp trên tháp pháo bật mở. Một bàn tay đeo găng đen như bồ hóng thò ra. Nó dò dẫm trên vỏ tháp, tìm cách bám lên cánh cửa, rồi buông xuống và lại giơ lên lền nữa. Một loạt đạn ngắn từ trong hầm vang lên, đó là tiếng súng trung liên của Crivênốc.
- Bắn! - Pôpốp nghiêm khắc hô. - Thước ngắm hai.
Tôi nạp đạn và quay kính ngắm ra xa, tôi ngắm, tôi bắn rồi lại vội vàng đi lấy đạn. Pôpốp không còn sức lực, ngồi xuống và ấn mạnh tay. Mặt anh đen sạm, hai mắt trũng sâu.
- Bắn! Lioniac! Bắn!
Và tôi lại bắn. Qua ống kính, tôi lại nhìn thấy một xe tăng khác. Tôi vừa kịp mang đạn tới, mồ hôi chảy xuống mắt, rỏ từ mũi xuống tay cũng chẳng kịp lau.
Không biết tình hình diễn ra như vậy bao lâu. Trong tâm trí tôi, hết kính ngắm lại đến xe tăng, đến tiếng đại bác ầm ầm, rồi đến bộ mặt gan góc của Pôpốp đang căng thẳng và nhăn nhó vì đau đớn, cùng tiếng hô “bắn” nghiêm khắc của anh. Và những viên đạn ở trong hòm. Tôi bò hết chỗ này đến chỗ kia, tiếng súng làm tôi ù tai và thở dốc. Cho đến khi nắm lấy vô lăng của kính ngắm, tôi quay nòng súng và thấy việc mình làm đã thành vô ích, đoàn xe tăng đã chạy biến vào vườn anh đào, vào sân, vào cảnh đổ nát của những ngôi nhà nhỏ.
- Thế là xong! - Tôi nói và bỏ tay xuống… - Thế là xong! Chúng vượt qua rồi.
Tôi ngồi trên mâm pháo, dựa lưng vào khóa nòng súng. Nó bốc ra sức nóng dữ dội, nhưng tôi không tránh nổi. Tôi đã kiệt sức, tai ù, mắt hoa. Trên trời cuồn cuộn những đám bụi và khói, mặt trời chiếu gay gắt. Cánh đồng hoang vắng, chỉ nhìn thấy nhưng mô vàng xám trong đám cỏa xanh: đó là những xác chết. Tôi nhận ra anh xạ thủ súng máy lúc nãy chạy theo đội trưởng của anh ta. Anh ta nằm úp mặt xuống đất, chân giạng ra, ngực đè lên hòm đạn. Anh ta chết mà vẫn giữ nó.
Và lúc đó có một tiếng nổ bất ngờ rung chuyển mặt đất. Tháp pháo trên xe tăng nổ tung, thép loảng xoảng bắn ra tứ phía, khói lửa mù mịt và chốt hãm của khẩu pháo cắm xuống đất. Cao su ở các bánh xe, nước sơn, xăng chảy ra đất bốc cháy dữ dội. Trong đám hỗn độn bay lả tả những mảnh giẻ đang cháy.
Dađôrôgiơnưi thận trọng ra khỏi hầm, Crivênốc thò đầu lên, chúng tôi ngẩn người nhìn chiếc xe tăng đang bốc cháy.
Rồi Dađôrôgiơnưi gọi to:
- Chúng ta rút lui thôi! Nhanh lên! Chạy đi!
Thế là đã biến mất cái vẻ lúc nào cũng tỏ ra bất cần của hắn, anh chàng anh hùng rơm của chúng tôi sợ hãi cuống cuồng. Mặt hắn đầy vẻ hoảng hốt, mắt lơ láo và không còn tự chủ được nữa.
Nhưng chúng tôi im lặng. Crivênốc lấy mũ chào mào lau mặt và bình tĩnh hỏi:
- Chúng ta còn bao nhiêu đạn pháo?
- Ít! - Pôpốp đáp.
Tay anh vẫn thủ trong áo khoác, mắt đăm đăm nhìn về phía làng. Chúng tôi nhìn anh, anh bây giờ là khẩu đội trưởng của chúng tôi.
- Này, sao các anh lại im? - Liosa nóng nảy hét to. - Pôpốp, anh là khẩu đội phó, anh hãy chỉ huy đi, đồ quỷ!
Tôi nhìn quanh. Trong căn hầm trước mặt chúng tôi không còn người nào nữa, nhưng những hầm nằm trên đường dốc ở phía sau, trong khu vực của trung đoàn bên cạnh, trận chiến đấu vẫn còn ầm ầm, những đám khói đen bốc cao và có tiếng mìn nổ vang. Crivênốc bước ra khỏi hầm, im lặng cúi xuống xác khẩu đội trưởng, anh cởi khuy áo khoác đẫm máu và kéo xuống hầm. Rồi anh ra mang Lukianốp vào, anh ta vẫn còn rên rất khẽ.
- Nay, Liosa, băng cánh tay cho tôi với. - Pôpốp nói và giơ tay ra.
Liosa miễn cưỡng đặt lựu đạn mà hắn đang cầm xuống đất để băng cho anh. Hắn vẫn luôn luôn ngoái lại nhìn. Cái trán bóng nhăn lại.
- Này, chúng mình hãy chuẩn bị đi. - hắn nói, giọng trở lại bình thường. - Trước khi qua muộn.
- Không. - Pôpốp đáp. - Ta chưa nhận được lệnh rút, chưa thể rút được.
- Người kỳ quặc thật! - Dađôrôgiơnưi hết sức ngạc nhiên. - Anh còn chờ lệnh nào nữa? Chúng đã chọc thủng phòng tuyến.
- Có lệnh cho chúng ta phòng thủ. Chưa có lệnh cho rút. Phải bắn.
- Anh điên rồi à? Bắn vào đâu?
- Bắn vào bọn Hitler! Anh không biết bắn vào đâu à?
- Đồ ngu! - Dađôrôgiơnưi chửi. - Tao tưởng mày là con người, nhưng mày chỉ là thằng người gỗ có hai con mắt.
- Mày hét cái gì thế? - tôi không nén nổi tức giận, bảo hắn. - Mày định đi đâu?
- Đi đâu à? Đi nơi nào có người đi.
- Thế còn khẩu pháo?
- Khẩu pháo thì làm gì? Khẩu pháo đã bị hỏng.
- Rồi sau này? Nó có nhiệm vụ…
- Thật ngu ngốc! - Liosa tức giận thực sự. - Đầu óc chẳng còn ra cái gì nữa. Mày muốn làm gì? Ở lại đây cho chúng nó giết chết à?
Crivênốc đứng thẳng người lên ở trong hầm. Vết sẹo trên mặt anh đỏ lên vì tức giận.
- Câm mồm đi! - anh quát. - Cứ để cho nó cút đi cho rảnh! Và nó hãy để cho chúng ta yên. Hiểu chưa?
Dađôrôgiơnưi nhíu lông mày, tức tối nhìn chúng tôi và ném mũ chào mào xuống đất.
- Thôi, kệ xác chúng mày! Cả cái thứ khẩu đội phó ngu ngốc này…
Câu rủa này đột nhiên đụng chạm tới Pôpốp, mọi khi rất bình tĩnh. Anh lấy hết sức nhích người lên và cúi xuống trước mặt Liosa.
- Tại sao lại ngu ngốc? Mày nói đi, sao? Chính mày mới ngu ngốc. Tao không thể bỏ khẩu pháo. Pôpốp đã tuyên thệ. Gientych không bỏ chạy. Pôpốp không thể bỏ chạy. Những thằng vô lại mới bỏ chạy.
Rôi anh bình tĩnh hơn một chút, ra lệnh cho chúng tôi lấp cái hố bên ụ pháo và chĩa nòng pháo ra phía đường cái. Chúng tôi cắm cúi bò ra làm. Dađôrôgiơnưi lau mồ hôi ở mặt và không nói đến chuyện rút chạy nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn lấm lét nhìn quanh và không khỏi nghĩ ngợi. Pôpốp bảo hắn quan sát quanh khẩu pháo và gọi tôi xuống hầm.
Crivênốc ngước đôi mắt lạnh lúng nhìn Pôpốp, nói:
- Khẩu đội trưởng đã chết. Lukianốp cũng sắp chết. Tôi vừa băng bó cho anh ta.
- Anh hãy ra với khẩu trung liên của anh đi. - Pôpốp đau đớn nhăn bộ mặt rộng bè và khi Crivênốc leo lên khỏi hầm, anh thở dài: “Chà chà, nguy rồi!... Nguy quá rồi, đồng chí khẩu đội trưởng ơi! Chà chà!...”.
Họ nằm cả trên mảnh vải bạt. Gientych nằm ngửa, giơ cái cằm gầy, lởm chởm râu mọc từ hôm qua. Lukianốp mặt tái mét, tấm áo capốt đầy bụi đắp ngang người. Cả hai đều nằm im, trông như họ bé hơn và lạ hẳn đi. Tôi cúi xuống người họ.
- Khẩu đội trưởng! Khẩu đội trưởng ơi! - Pôpốp ngôi xuống cạnh họ và than thở. - Tưởng anh chết trên sông Dniepr nhưng anh vẫn sống. Ở Malalia Gorca tưởng chết mười mươi, nhưng anh không chết. Ở làng Ônkhốpca còn tệ hại hơn nữa… Thế mà ở đây, anh chết hẳn…
Khẩu đội trưởng không còn nghe được nữa. Còn tôi cũng chẳng bao giờ còn được nghe ông hô, ông bảo ban hoặc quát mắng chúng tôi nữa. Tôi ngồi xuống bên ông và trong lòng đau xót âm thầm vì khi chết ông vẫn quát sau lưng tôi, và có lẽ cơn giận của ông đối với tôi là tình cảm cuối cùng của ông. Tôi thấy hình như vì tôi mà ông bị trúng đạn. Có thể nếu ông không gọi tôi và nếu tôi không giật mình quay lại, thì viên đạn sẽ giết chết tôi. Nhưng viên đạn đã trượt qua tôi mà trúng vào ông.
Còn Lukianốp? Ừ mà phải, tôi không trực tiếp có lỗi đối với cái chết của anh. Nhưng nếu chưa có lệnh mà tôi đã chạy ra đống ngô sớm hơn một chút, chắc chắn anh vẫn vô sự. Thế là anh đã chết, tôi không cứu vãn được nữa. Rồi đây chẳng có gì làm khổ anh được nữa; Liosa cũng không làm khổ anh, số phận hẩm hiu của anh và cả cha anh cũng không làm khổ anh nữa. Thật lạ lùng và thật kinh khủng khi nhìn thấy hai người nằm bên nhau, một người được cử đến chỗ chết cầm chắc, và người kia là người cử anh ta. “Ôi sức mạnh của chiến tranh thật to lớn và mù quáng. - tôi nghĩ - Có thể coi như thế này là sự công bằng của mi chăng?”.
Và lúc đó, tôi chợt nhớ đến Luxia. Chà, Luxia, Luxia!
Bây giờ cô đang ở đâu?
Cô có biết chúng tôi ra sao không?... Không hiểu sao trong tai tôi lại vang rõ tiếng nói rất dễ thương của cô: “Chào các anh”. Đấy, các anh của cô đã chết nằm đấy. Mà chúng tôi khao khát được sông biết bao!
Co quắp người trong cảnh đau buồn, trắc thủ vẫn ngồi cạnh Gientych. Chợt nhớ ra trong mũ của khẩu đội ngrhaxy còn bức thư vắn tắt mà ông chưa kịp gửi. Tôi bèn rút mảnh giấy ra: “Đaria, anh vẫn bình yên vô sự và mong em cũng được như vậy…”. Giá sau đó thời gian ngừng trôi và chuyện không thể cứu vãn được này đã thay đổi!
“Khẩu đội trưởng ơi, thế là các con ông cũng vẫn thiếu cha. Và thứ năm có cuộc hội nghị…”. Tôi chợt nghĩ vì bỗng nhớ đến những lời nói của ông, và tôi gập cánh tay ông lại. Nhưng tay ông lại từ từ duỗi ra và chỉ thẳng như thể đang chỉ quân địch, điều đó diễn ra trong giây lát như chuyện chưa từng thấy bao giờ.. Hình như mặt khẩu đội trưởng không thay đổi, chỉ có vài vệt thuốc súng làm cho mặt hơi sẫm hơn và có lẽ râu cũng cứng hơn. Mi mắt ông nửa nhắm nửa mở, chỉ thoáng nhìn thấy lòng trắng trong con mắt bất động.
- Vuốt mắt cho anh ấy đi. - Pôpốp nói. - Để anh ấy yên nghỉ!
Tôi thận trọng vuốt mắt cho khẩu đội trưởng và bỗng tôi thấy hoàn toàn thất vọng. Thế này nghĩa là thế nào? Tại sao? Làm gì bây giờ? Nhưng không thể làm gì được nữa. Tôi biết thế và đâm ra chửi bới lung tung. Rồi tôi lại ngồi im, mắt nhìn vẫn vơ, ý nghĩ u ám lại đến trong tâm trí tôi.
- Này, không nên thế… - Pôpốp nói. - Đó là chiến tranh!…
Phải, chiến tranh. Nhưng cuộc chiến tranh này thật là bất ngờ với chúng tôi. Nó lượn lờ trên đầu chúng tôi suốt những năm tháng ngắn ngủi trong tuổi ấu thơ của chúng tôi, nó chứa chất nung nấu từ ở trong nôi, cái nôi mà cha tôi làm sau cuộc chiến tranh lần trước. Chúng tôi đã lớn lên và học hành ngay dưới đôi cánh đen của nó. Chúng tôi, con của người lính rồi lại trở thành người lính… Nhưng chính vì thế mà chúng tôi đã chịu đựng được hết, không phải chúng tôi mong được thưởng công hoặc chúng tôi ưa mạo hiểm, mà mong đạt được điều duy nhất, là để được sống thật sự trên mảnh đất vĩ đại và đẹp đẽ của chúng tôi.
Tất cả những điều đó lẫn lộn trong đầu óc tôi. Một đám sương mù dữ dội và cay đắng bao trùm mặt tôi. Bỗng nhiên tôi lật đi lật lại bức thư của Gientych ở trong tay để cố hiểu cặn kẽ thêm.
- Pôpốp! - tôi gọi và nhìn trắc thủ. - Ta sẽ giữ? Giữ đến cùng phải không?
Trong đôi mắt buồn rầu của Pôpốp thoáng vẻ ngạc nhiên, hai hàng lông mày nhíu lại.
- Sao anh lại nói đến cùng? Không phải là tận cùng mà là phải sống! Anh cho rằng Pôpốp sống có dễ dàng không à? - trắc thủ hỏi sau một phút im lặng. - Thật rất khó khăn! Gientych là khẩu đội trưởng mà Gientych cũng là bạn cố tri. Trên sông Dniepr anh ấy đã suýt chết… Bây giờ phải vĩnh biệt! Vĩnh biệt rất đau đớn…
 Màn khói đen bao phủ bầu trời mùa hè. Mặt trời chiếu gay gắt, trán chúng tôi nóng rát, mồ hôi chua chua, mằn mặn nhơ nhớp trên mặt. Những con ruồi quấy nhiễu chúng tôi. Tôi lấy mũ chào mào xua đuổi chúng. Rồi Pôpốp bắt đầu kể cho tôi nghe một mạch, lẫn lộn giữa những tiếng thổ âm Yacuts với tiếng Nga về câu chuyện họ đã vượt qua sông Dniepr trong mùa Thu ra sao, họ đã giao chiến trên đầu cầu hẹp, và đại đội của họ đã bị hy sinh như thế nào. Sau đó, số phận của anh và Gientych đã gắn bó ra sao. Cả hai đã cùng bắn đại bác và tiểu liên, rồi khi biết hết hy vọng được sống, họ đã nói với nhau những lời vĩnh biệt. Nhưng tới giây phút cuối cùng, cái chết tai quái đã chừa họ ra. Từ ngày ấy đến giờ, hai người chiến sĩ đã hoàn thành biết bao nhiệm vụ khó khăn và vẻ vang, thế mà hôm nay, họ phải xa nhau mãi mãi.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét