Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Phát tên lửa thứ ba (Ch 14)

Vaxin Bưcốp

Phát tên lửa thứ ba

Người dịch Văn Phú

NXB Tác Phẩm Mới - 1987

14

Tiếng động cơ rõ dần, nhanh chóng chấm dứt sự ngạc nhiên của chúng tôi.
Bỏ người lính khó hiểu, chúng tôi nhìn con đường cái một lát, một đoàn xe tải từ sau ngọn đồi chạy ra, chúng chạy hết tốc độ, bốc lên những đám bụi mù. Trong thùng xe rộng, bọn Đức ngồi thành hàng, sít vào vào nhau.
Ngạc nhiên, Pôpốp kêu lên câu gì bằng  tiếng Yakut rồi đặt bàn tay chính xác lên vô lăng kính ngắm.
- Liôniắc, nạp đạn!
Tôi lấy trong hòm đã mở sẵn ra một viên đạn và đẩy vào nòng pháo. Nhưng tôi làm vụng về, vỏ đạn còn nằm nửa chừng, góc chưa khép kín. Giống như Dađôrôgiơnưi vẫn làm, tôi lấy cán xẻng đẩy viên đạn rồi cúi xuống.
Nặng trĩu trên sườn đồi, chiếc xe tải đi đầu chạy vòng qua cánh đồng có mìn, vượt qua một cái hố rồi chạy vào con đường tốt. Tiếng đại bác vang lên… bụi mù trùm cả ụ pháo nên tôi không trông thấy viên đạn trúng vào đâu, và tôi lại chạy đi lấy viên đạn khác. Một lần nữa, nhiệt tình chiến đấu lại sôi lên sùng sục, tôi không thể nghĩ đến điều gì khác nữa, và tôi không rời mắt khỏi bọn địch. Nhưng bỗng có một giọng ảo não, ti tỉ từ đâu đến văng vẳng bên tai tôi: “Anh phải làm hộ việc của hắn, còn hắn được sống. Hắn đã chạy thoát, và ở lại với Luxia. Thế đấy!”.
Cái tiếng ghê gớm đầy vẻ mừng rỡ xấu xa khiến tôi ghê sợ. Muốn xua nó đi, tôi tập trung vào công việc mình đang làm, tôi bò từ chỗ nòng pháo đến bên những hòm đạn. Pôpốp vẫn bắn, người tôi đầy đất cát, tai ù và không trông thấy xe tải đâu nữa, nhưng tất cả ý chí và sức lực của tôi đều hướng vào một mục đích: không để cho chúng chạy vào trong làng. Tôi cho rằng cuộc chiến đấu của chúng tôi có lẽ sẽ kết thúc thảm hại do bọn bộ binh ở trong xe tải này. Nhưng mặc kệ.
Trong khi đấy Pôpốp đang bị kích động mạnh. Niềm vui mãnh liệt khiến anh cuống quýt lên, anh hô và nhìn vào kính ngắm: “Này Hitler, dừng lại! Này, Hitler, lùi!”. Rồi lại liên tiếp đạp cò. Tôi quỳ gối nhỏm lên nhìn qua tấm lá chắn. Ba chiếc xe tải bốc cháy trên đường, nhiều chiếc khác thấy có hỏa lực pháo bèn rẽ sang hướng khác. Một niềm vui ngây thơ hiện lên trên khuôn mặt tẹt và rám nắng của Pôpốp: chúng đang chạy vào cánh đồng có mìn.
- Mang nhiều đạn! Thật nhiều đạn lại đây! - Pôpốp hô và anh lại ngắm bắn.
Thật rõ ràng, đoàn xe đang bị hỗn loạn. Hai chiếc xe bị trúng mìn hất đổ sụp xuống, những chiếc khác chạy biến mất. Những chiếc chạy sau cũng vội tháo lui và leo ngược trở lại.
- Liôniắc, nạp đạn đi! - Trắc thủ giục tôi có vẻ hăng hái lạ thường. Nhưng trong hòm đạn chỉ còn có hai viên, đó là những viên cuối cùng. Tôi ôm một viên và chần chừ nhìn viên đạn trong tay mình.
Sau khi bắn xong, Pôpốp quay lại nhìn và hiểu ngay, anh buồn rầu buông tay xuống. Mồ hôi chảy ròng ròng trên bộ mặt đen sì, vai áo khoác ướt đẫm, đôi mắt sầm tối của anh nheo lại, đầy vẻ lo lắng.
- Chà chà! Thật tai hại. - anh nói. - Tai hại cho chúng ta rồi.
Tôi leo về phía những hòm đạn, tôi đẩy những hòm không - đã khá nhiều - và những vỏ đạn bừa bãi khắp nơi. Rồi bất ngờ có một hòm nặng. Tôi nắm lấy quai hòm, kéo về phía khẩu pháo, mở ra. Trong đó có mười viên đạn chùm. Đó là hy vọng cuối cùng của chúng tôi, nhưng muốn bắn đạn chùm thì phải chờ, vì bọn Đức còn ở xa.
- May quá, Liosa! - rồi Pôpốp lại buồn. - Liosa đâu? Nhưng chúng ta còn ít đạn. Phải xin lệnh…
Chúng tôi ngoái lại nhìn: không còn ai. Khắp chúng quanh, cánh đồng lỗ chỗ những hố đạn, và cuộc chiến đấu trong làng đăng kia vẫn chưa giảm. Tiếng đại bác vẫn nổ rền, tiếng động cơ vẫn gầm rú ầm ầm, các cỡ liên thanh vẫn hối hả nhả đạn loạn xạ. Người ta không để bọn Đức tiến xa hơn. Đó là điều hay. Nhưng chúng tôi không biết nên làm gì. Chờ Liosa à? Chúng tôi không biết hắn có về không, hay nằm chết gí ở nơi nào? Hơn nữa, chúng tôi chạy ra sao? Gần chúng tôi, bọn Đức vẫn tiếp tục chạy trên đường. Có lẽ chúng tôi sẽ ngăn được chúng, không cho chúng tiến vào làng, nếu chúng tôi có đạn.
Bọn Đức không vội tấn công chúng tôi. Chúng dàn ra hai bên đường và đang chờ đợi cái gì.
Panaxiuc ngồi im lặng, lưng dựa vào chiến hào. Nhưng đầu anh ta nghiêng về bên trái. “Có lẽ anh ta ngủ chăng?”, tôi kéo chân anh lính.
- Này anh bạn. Xuống hầm đi!
Nhưng anh ta không nhúc nhích. Thế rồi tôi đứng lên và vỗ vào người anh ta. Đầu Panaxiuc tự nhiên ngoẹo sang một bên, tôi kinh ngạc, nhìn thấy cái chết trong mắt anh.
- Nhìn này, anh ta đã chết rồi!
- Anh ta đã chết! - Pôpốp công nhận, anh đang ngồi trên mâm pháo. - Anh ta chết từ lâu. Anh ta chết từ ở đằng kia cơ. - Rồi anh chỉ căn hầm mà người lình từ đó đi đến.
Đó là cái chết của người xa lạ, một cái chết vô cớ và bất ngờ, hình như làm tôi bối rối. Lúc nãy anh ta còn sống và đáng lẽ còn sống lâu. Anh ta đã thực sự hết nhiệm vụ chiến đấu mà lại chết trong cảnh vô lý thế này.
- Mang anh ta xuống hầm. Đừng để ở đây! - Pôpốp nói.
Tôi nắm lấy tay Panaxiuc, kéo vào trong hầm. Tôi đặt anh ta ở vách hầm, cạnh Lukianốp vẫn còn thở. Tôi chạm vào chân Lukianốp, nhưng anh không nhúc nhích. Im lặng, tôi nhìn họ trong giây lát và nghĩ: “Ai sẽ là người tiếp theo?”.
Bỗng tôi nghe thấy tiếng Pôpốp gọi:
- Crivênốc! Bắn! Bắn!… Sao lại im thế? Bắn đi!
Tôi nhảy lên và đã đoán đúng: bọn Đức đang lom khom và rón rén tiến lên trên đoạn đường từ chỗ có những chiếc xe tải bị bắn cháy nằm ngổn ngang đến cánh đồng lúa.
- Crivênốc! - Pôpốp hét.
Nhưng Crivênốc vẫn im.
Tôi bò về phía hầm của Crivênốc và nhìn vào trong hầm. Khẩu trung liên vẫn nằm trên chiến hào, xung quanh bừa bãi những băng đạn đã rỗng. Nhưng không có Crivênốc ở đây.
Chúng tôi im lặng nhìn nhau. Vẻ bối rối hiện rõ trên bộ mặt có gò má cao và đầy mồ hôi của Pôpốp.
- Hắn chạy sang phía bọn Đức? Hay hắn bị bắt cóc?
Tôi nhún vai, không nói gì.
Trong khi ấy bọn Đức biến khỏi cánh đồng lúa. Pôpốp hết nhìn đường cái lại nhìn mấy viên đạn chùm ở trong hòm. Nhưng chúng tôi chỉ còn mười quả. Bỗng anh vỗ vào hông:
- Chà, ngu thật! Tại sao lại cử Liosa đi? Ồ, Liosa là thằng tinh quái! Hắn đã bỏ chúng ta!
Đến giờ tôi thấy rõ ràng là Dađôrôgiơnưi không trở về. Hắn đã bỏ chạy và không trở về! Tuy vậy tôi vẫn không muốn tin vào điều đó, tôi xua đuổi ý nghĩ ấy đi. Làm sao hắn dám bỏ chúng tôi?
Tôi muốn an ủi Pôpốp:
- Có khi hắn trở về thì biết đâu?
- Tai hại là còn ít đạn! Liosa không trở về cũng thật tai hại. Crivênốc biến mất cũng tai hại. ba cái tai hại liền!
Ngay lúc ấy Crivênốc về.
Mới đầu, một hòm đạn nặng rơi đánh ầm xuống chiến hào của khẩu đội. Chúng tôi đang ngồi trên mâm pháo, liền nhảy xuống ngay. Crivênốc nhảy theo. Áo khoác của anh trễ xuống thắt lưng. Người anh đầy đất cát, bụi bẩn. Một tay anh cầm băng đạn trung liên, tay kia cầm con dao găm to của S.S.
- Tại sao anh lại bỏ đi như thế? - Pôpốp hỏi.
Crivênốc thở dốc, đứng thẳng người lên để khoác lại áo khoác và nhìn Pôpốp vẻ trách móc.
- Đấy! - anh nói và hất đầu chỉ hòm đạn đại bác. - Tôi lấy ở vị trí của Skvarysep, cả đạn súng máy nữa.
- Anh đến chỗ Skvarysep à? Thế Skvarysep đâu? - Pôpốp hỏi, giọng dịu hẳn.
- Họ đã rút rồi. Họ rút kịp. - Crivênốc đáp
Rồi anh cầm con dao găm có dòng chữ “Deutschlan duber alle” (Nước Đức trên hết) chùi xuống đất. Cán và lưỡi dao dính máu. Tôi bỗng hiểu anh đã gặp chúng ở đâu.
- Anh đi theo đường cái à?
- Tôi không nhớ nữa. - Crivênốc đáp.
- Thế cái này? - tôi chỉ con dao găm, hỏi.
Crivênốc cắm nó vào trong cái bao màu đen và đưa con mắt dữ tợn nhìn tôi.
- Bộ binh đã rút chạy, các anh có trông thấy không?
- Sao, họ rút chạy rồi à?
Pôpốp nhấp nháy mắt vì ngạc nhiên, và chống gối nhỏm người lên. Tôi cũng nhìn kỹ phía sau. Chúng tôi thấy vài tốp người đứng chơ vơ trên sườn đồi. Họ chạy lùi nữa. Người khiêng những chướng ngại vật chống tăng, người đang kéo đại liên, họ chạy qua quãng đất trống và biến mất trong đường hào giao thông dẫn về hậu phương. Trong căn hầm đầu không nhìn thấy ai nữa.
- Chà chà! - Pôpốp thốt ra giọng lo lắng rồi bỗng im. Anh chẳng cần phải nói thêm, chúng tôi cũng hiểu rất rõ những điều sắp xảy ra.
- Chà, thế thì nguy! Bọn Đức sẽ tới ngay. Phải đắp công sự.
Mỗi lúc tình thế của chúng tôi càng thêm xấu. Nhưng không thể làm gì hơn được nữa, phải chờ Liosa hoặc một cơ hội may mắn, và chúng tôi chuần bị chiến đấu.
Pôpốp vẫn ở trên ụ pháo, Crivênốc và tôi xuống hầm, căn hầm này không còn sâu nữa, chiến hào đã bị phá hủy. Đất hai bên bị đạn cày lên, cỏ xám xịt những bụi đất, Crivênốc cầm một cái xẻng gẫy cán, còn tôi cầm mũ sắt, lỗ chỗ những lỗ đạn, quai bị đứt, chúng tôi bắt đầu đào hầm sâu thêm.
Mồ hôi lẫn với bụi đất do đạn nổ, khiến mặt chúng tôi nhem nhuốc. Mặt trời hình như đã chênh chếch nhưng vẫn thiêu đốt dữ dội. Tôi rất khát. Đầu óc rối loạn và chậm chạp. Người uể oải lơ mơ, không buồn nói nữa.
Tôi quẳng những tảng đất đen ở dưới hầm lên trên chiển hào. Crivênốc đào cách tôi ba bước, hôm nay trông anh rất lạ lùng, tôi không hiểu nổi nữa. Tính tình tốt đẹp sẵn có của anh biến mất hết. Tôi thấy suốt ngày anh không nói với tôi câu nào, hình như có bức tường vô hình đang ngăn cách chúng tôi.
- Này! - tôi nhẹ nhàng nói với anh. - Anh có biết sẽ ra sao không? - Anh nhìn tôi một cách lạnh lùng và vẫn lẳng lặng xúc đất. - Như thế là gay go đấy!
- Mặc mẹ, tôi đếch… - Crivênốc văng ngay.
Tôi chăm chú nhìn anh, anh có vẻ bực tức, hay nói đúng hơn là buồn bực. Nhưng sao anh lại tức giận đến thế. Tôi đã gây thương tổn gì cho anh? Tôi suy nghĩ một lát, cố tìm hiểu và một thoáng nghi ngờ lướt qua óc tôi.
- Crivênốc này! Anh không bằng lòng tôi điều gì thế?
- Tôi chẳng có gì không bằng lòng. - Anh nói và quắc mắt nhìn tôi.
- Không, đừng giấu diếm thế.
Crivênốc hất mạnh xẻng đất qua vai rồi thở dài thườn thượt. Tôi chờ đợi thì bỗng anh đứng thẳng người lên.
- Chính vì Luxia mà anh xông vào đánh Dađôrôgiơnưi phải không?
- Thế anh thương hại hắn à?
- Tôi chỉ cười Dađôrôgiơnưi.
Vậy ra là thế đấy! Mối nghi ngờ của tôi đã tan, bây giờ đã rõ ràng cả. Nhưng tôi biết nói gì với anh? Tôi không thể dối trá mà bảo anh rằng Luxia không dính dáng gì đến chuyện đó.
Crivênốc im lặng. Tôi cũng bối rối, muốn nói với anh, nhưng rồi lại thôi, ra sức đào.
Ở đầu hầm có một cánh tay áo nhầu nhĩ lòi ra ngoài đống đất, tôi kéo ra, đó là áo khoác của Gientych. Đồ dùng của người chết gây cho tôi một cảm giác lạ lùng. Áo đã cũ, dính đầy dầu mỡ, cáu ghét, một bên cầu vai đã đứt, cầu vai bên kia tôi thấy một phù hiệu đỏ. Tôi nhớ Gientych đã khâu lại như thế nào. Ông không có kim chỉ, chính tôi đã đưa kim chỉ cho ông.
Dưới tấm áo khoác còn có túi xắc của Gientych. Tôi sờ thấy vật gì răn rắn và không khỏi tò mò, tôi mở ra xem. Trong túi xắc chứa tất cả tài sản riêng của ông: một khăn tay, một đôi xà cạp, một tập sách hướng dẫn pháo chống tăng, hai miếng lót giầy bằng da, một đôi găng đi mô tô, cổ dài và rộng, tận dưới cùng có một hộp nhỏ, sơn mài rất lạ… những vật tìm thấy này khiến tôi hơi ngạc nhiên. Ông Gientych thật già dặn và khôn ngoan! Ông rất thông minh và thực tế, bậy mà ông có thấy từ nay những vật trong túi xắc này trở thành vô dụng với ông không, cũng như ông có còn nhìn thấy nó sau những trận đánh nữa không? Ông cũng biết thế, nhưng không vượt lên được những cám dỗ, và ông cũng muốn giữ những vật riêng tây nhỏ mọn, chỉ có cuộc đời ông thì ông không thể giữ gìn.
Tôi quăng vào góc chiến hào cái túi xắc mà từ nay chẳng ai cần đến nữa, và tôi cầm lại cái mũ sắt. Đất khô nóng bỏng dưới ánh mặt trời như xúc vào đá sỏi. Tôi không biết trên mặt đất xảy ra chuyện gì, nhưng Pôpốp yên lặng, và nhiều ý nghĩ diễn ra trong đầu tôi.
Tôi nhớ đến viên sĩ quan hậu cẫn cũ của chúng tôi, một lần trước trận đánh, anh ta đã đánh xi rất cẩn thận đôi giày da cao cổ, mà một người du kích trước là thợ đóng giày vừa đóng cho anh ta; và anh ta đã chết một giờ sau đó, khi đôi giày chưa kịp bẩn.
Trước mắt tôi hiện ra Klybốp, đội phó phân đội biệt động của chúng tôi, anh ta có tiếng keo bẩn và thích sưu tầm đồ cũ. Không ai có thể xin nổi của anh ta lấy một miếng mụn vá, và anh ta kéo đi khắp nơi ba xe chở chiến lợi phẩm bắt được của địch. Một viên đạn đại bác đã rơi trúng cỗ xe anh ta đang ngồi, làm tung tóe ra đất của cải của anh ta cùng với ruột gan của anh ta nữa.
Tôi lại nhớ đã trông thấy ở bệnh viện, một bác sĩ phẫu thuật đã mổ cho một người lính, ông bác sĩ không ngớt phàn nàn rằng mảnh đạn đại bác Đức đã làm vỡ nát cái đồng hồ trong túi của tay xạ thủ súng máy này, và hàng trăm bánh xe răng cưa, trục cùng dây cót đã cắm sâu vào hông anh ta.
Thật đáng nguyền rủa những thứ đồ cũ này, chúng đã gây ra biết bao phiền lụy cho con người. Cứ nghĩ đến những chuyện đó cũng đủ để tôi nhắm mắt lại.
-------------
Còn tiếp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét