Vaxin Bưcốp
Phát tên lửa thứ ba
Người dịch Văn Phú
NXB Tác Phẩm Mới - 1987
19
- Nước… nước… - Đó là tiếng Lukia nốp bắt đầu rên rỉ và động
đậy. Môi anh khô héo, nét mặt dăn dúm. Cái mũi vàng nhọn ra như cái mỏ chim.
Luxia ngồi cạnh anh, cô từ tốn nhẫn nại vuốt ve cánh tay áo anh.
Nói đến nước, tôi lại nuốt nước bọt, nhưng cũng không có cả
nước bọt nữa, họng tôi khô khốc. Một đám sương mù trùm lên óc tôi. Phải làm gì,
không thể ngồi yên, nếu không giấc ngủ sẽ kéo đến và nó sẽ làm hại chúng tôi
ngay. Đột nhiên một loạt súng ngắn vang lên ở hầm bên.
- Có chuyện gì thế? - Tôi hỏi và chợt tỉnh, nhưng Crivênốc
im lặng. Tôi lắng nghe và hỏi lại.
- Có kẻ đang bò. - Crivênốc đáp một cách miễn cưỡng.
Tôi thận trọng thò đầu lên; thật thế, có cái gì đang di động
cạnh xe tăng, hình như có người đang bò.
- Khoan! - Tôi bảo anh. - Có thể đó là người của ta.
Tôi thấy tiếc một viên đạn và tiếc cả cái yên tĩnh mà tôi biết
là không kéo dài lâu nữa. Dù sao cũng gần tối và chúng tôi hy vọng được cứu. Ở
đây không nhìn rõ người đó nhưng hình như hắn vẫn bò, và Crivênốc lại lên lách
cách khóa nòng súng.
Luxia nghên lên ở bên cạnh chúng tôi. Đến lượt cô nhìn ra
ngoài chiến hào. Cũng có khi là một tên Đức. Chúng tôi thấy cỏ động đậy và thỉnh
thoảng cái lưng sẫm lại nhô lên. Cri vê nốc chờ đợi, anh chưa bắn và lúc đó một
tiếng rên đau đớn, yếu ớt từ xa vọng đến tai chúng tôi:
- Paul!... Paul!...
Bây giờ đã rõ là một tên Đức bị thương. Có thể nhận ra qua
cách bò của nó: nằm áp xuống đất, chậm chạp và nhích lên như bị co giật. Luxia
nhướng hàng lông mày thanh thanh và bảo Crivênốc:
- Khoan, đừng bắn! Có thể nó có nước…
Khi thì tôi nấp dưới chiến hào, khi thì nhìn ra ngoài. Một lần
nữa, đất lại rơi vào mặt tôi và có tiếng súng từ hàng cây vòi voi bắn tới.
“Chúng nó thám thính chúng ta đây mà, đồ quỷ ranh”. Trong khi đó, tên Đức vẫn
bò, nó phải dừng lại hết lần nọ đến lần kia, chúng tôi nghe tiếng nó kêu nghẹn
ngào: “Paul!”. “Đó là thằng Paul xa lạ mà nó đang tìm ở hầm của chúng ta”. Tôi
nghĩ và bật buồn cười. Thật ngẫu nhiên, tôi nắm lấy tiểu liên, đặt tay vào cò
súng.
Một tảng đất khô rơi từ trên chiến hào xuống vỡ tan và lại
rơi vài lần nữa, rồi tôi thấy nhô lên hai bàn tay ghê tởm, bị cháy đỏ, lộ ra khỏi
ống tay áo bị cháy. Bàn tay bám vào tảng đất trên chiến hào, ngay sau đó nhô
lên cái đầu tóc ngắn đã bị cháy trụi. Tên Đức ngẩng mặt lên, cả tôi và Luxia đều
kinh hãi: mặt nó đầy những vết bỏng đo đỏ, trăng trắng. Cạnh tai có vết máu
đông lại, mi mắt của nó dính chặt vào nhau không mở ra được.
Chúng tôi im lặng nhìn con ma này co giật một lát, rồi tôi
nghiêm khắc ra lệnh cho nó:
- Xuống! Nhanh lên. Schnell!
Nhưng tên Đức chẳng nghe thấy gì cả. Mặt nó không thay đổi,
như đang nhìn vào quãng trống và rên rỉ.
- Paul!
Vì thế tôi tóm lấy vai nó kéo xuống, thằng Đức trườn người
trên chiến hào và ngã nhào xuống hầm. Nhiều phát đạn bắn theo nhưng không
trúng.
Tên Đức nằm sóng soài dưới đáy hầm. Đó là một tên lính lái
xe tăng còn trẻ, nó chỉ gần tầm tuổi chúng tôi. Nó chỉ còn thoi thóp. Hai chân
nó giạng ra, đau đớn rên rỉ. cả bộ quần liền áo của nó đầy những vết cháy khét
lẹt, có chỗ còn bốc khói. Với cảm giác ghê tởm, tôi ngắm cái xác còn sống rồi
thọc tay vào cái túi rộng của bộ quần áo may liền. Tôi lôi ra được một cái cờ-lê
để vặn ốc, một ống đựng dầu tròn bằng chất dẻo màu đỏ và một miếng giẻ. Tôi
không thấy có bi-đông hoặc đạn.
- Thằng Đức quỷ sứ này, mày được nướng chín rồi đấy. - Tôi bực
tức nói và đẩy nó ra xa. Với vẻ không bằng lòng, Luxia ngước đôi mắt nghiêm nghị
lên nhìn tôi.
- Tại sao anh lại hành động như vậy? Đó là một kẻ sắp chết.
“Nếu nó chết thì ma bắt nó đi! - Tôi nghĩ - Biết bao người của
chúng ta đã chết: Gientych, Panaxiuc, Pôpốp, Lukianốp, có thể thằng quốc xã này
đã giết một trong những người ấy. Nó và đồng bọn của nó đã dìm nhân loại trong
biển máu, chúng đã cướp mất tuổi thanh xuân của chúng ta, làm cho tâm hồn chúng
ta đầy đau khổ…”.
Tuy vậy, với lòng khoan dung mà tôi không hiểu nổi, Luxia xốc
nách tên Đức, nhẹ nhàng kéo đến cạnh Pôpốp. “Người thứ năm”, tôi lẩm nhẩm. Tôi
không ngờ một kẻ thù lại là người thứ năm nằm ở đây. Tên Đức rên rỉ và run như
đang lên cơn sốt rét. Luxia khéo léo mở phec-mơ-tuya sáng trên ngực áo hắn, trên
túi áo của bộ đồng phục có một chữ thập ngoặc bằng sắt màu đen. Trông thấy hình
chữ thập ngoặc này, tôi sinh ra mối căm thù sâu sắc với tên lính xe tăng này,
tôi hiaatj nó ném ra ngoài chiến hào, rồi tôi thọc tay vào túi áo bộ đồng phục.
Trong đó có nhiều thứ: sổ tay, giấy tờ, những bức thư nhàu nát trong phong bì hẹp,
một cây bút máy bị vỡ, và một chiếc lược nằm trong cái bao bằng kim loại.
Tôi thấy hình như tôi tìm kiếm một chứng cớ để chứng minh
cho sự căm thù của tôi, tôi muốn thấy ở tên Đức này có một nguyên nhân về nỗi
bi thảm của chúng tôi ngày hôm nay; tôi không biết nhiều về mớ giấy lộn này. Chỉ
có những dấu hiệu, những con số, những chữ Đức viết nguệch ngoạc một cách khó đọc
và đầy rẫy những hình chữ thập ngoặc, những hình con diều hâu, những dấu xanh đỏ.
Còn đây là những bức ảnh đựng trong giấy bóng kính. Trên bức ảnh thứ nhất, một
cảnh phố xá trong một thành phố khá sạch sẽ, có những mái nhà nhọn. Trên bức ảnh
thứ hai, một tốp thanh niên trên sân vận động, có một quả bóng trước mặt những
người đang chạy. Có lẽ tên lính xe tăng ở trong đám thanh niên này. Trên bức ảnh
thứ ba, một cô gái tóc vàng hoe đang cười, có những lọn tóc chấm vai. Bức ảnh
thứ tư khiến tôi suy nghĩ.
Không thể sai được, nó là hình ảnh của tên Đức bị thiêu cháy
này. Nó mặc đồng phục, tay chắp sau lưng, trên bộ ngực ưỡn ra của nó nổi lên một
hình chữ thập ngoặc đen, có lẽ cũng là hình chữ thập ngoặc mà tôi vừa vứt ra.
Nhưng mặt tên Đức không vui, nó nhìn xa xăm. Bên cạnh nó, một người đàn bà đứng
tuổi, để tang, đang ngồi trong ghế bành. Mặt bà ta buồn rười rượi, gần như
khóc, đôi mắt lộ vẻ đau đớn. Có cái gì xa xôi, lạ lùng, nhưng đồng thời cũng dễ
hiểu toát ra trong bức ảnh này và tôi đọc từng chữ khó hiểu viết ở mặt sau tấm ảnh:
“Mein lieber Knabe! Fur mich bist du der letzte. Und du
sollst daran denken. Sei vorsichtig. Du bist meiner, du gehorst nicht dem
offizier, nicht dem General oder dem Fuhrer. Sondern mir allein. Du bist
meiner, meiner! Deine Mutter. 29 Mars 1944”.
[Con thân yêu của mẹ! Con là đứa con cuối cùng của mẹ. Và con phải nhớ lấy điều đó. Con hãy cẩn thận. Con là con của mẹ, con không phải là của chỉ huy của con, chẳng phải của đại tướng và chẳng phải của Quốc trưởng. Con chỉ là con của mẹ. Con là của mẹ, của mẹ! Mẹ của con. 29 tháng Ba 1944]
Tôi không biết nhiều tiếng Đức lắm, nhưng tôi có thể hiểu bập
bõm những dòng chữ này. Và những nét chữ mực xanh khiến tôi bối rối trong giây
lát. Tôi chưa hề nghĩ rằng kẻ thù của tôi lại có thể có một người mẹ, một người
đàn bà có tuổi, buồn rầu xen vào giữa chúng tôi bất ngờ đến thế. Bà ta yêu hắn,
đứa con cuối cùng của bà ta, như tất cả những bà mẹ khác. Bà ta sợ hắn bị nguy
khốn. Đó là lẽ tự nhiên, bà ta đã sinh ra hắn, nuôi dưỡng hắn, bà ta đã vui mừng
trước những bước đi chập chững cũng như những lời nói bập bẹ của hắn… Bà ta đã
già đi vì lo cho hắn trở thành học trò giỏi, không bị điểm xấu, không bị rét mướt,
không bị đói, không bị ốm đau, khổ sở… bà ta hoàn toàn giống bà mẹ tôi, bà mẹ
Luxia, bà mẹ Pôpốp, Lukianốp và hàng triệu bà mẹ khác trên trái đất. bà ta cũng
có thể có đứa con trai ngoan, nó biết yêu mẹ và cũng có cả những đứa con gái
xinh như trong ảnh. Rồi sao đó ra sao? Nó có thể là đứa con ngoan nữa không? Nó
đã giết Gientych, Pôpốp, Panaxiuc, làm bị thương Lukianốp? Không, đó là một tên
quốc xã! Một tên vô lại! Nó cũng như biết bao kẻ khác đã bán mình cho Hitler.
Nó là kẻ thù. Nếu không, nó dẫn xác đến đây để làm gì? Để làm gì?
Tôi muốn tức giận, giận dữ bội phần, nhưng tôi bị mệt mỏi,
thẫn thờ và tôi cũng không hiểu ra sao nữa.
Nhưng tôi chỉ cười ngớ ngẩn. Tôi cảm thấy tôi trở thành kẻ
hoài nghi. “À, thật là ngu ngốc - tôi nghĩ - Khi bà có nguyện vọng điên rồ
trong thời kỳ tàn bạo này: giữ lấy đứa con của mình! Bà sinh ra nó, bà nuôi dưỡng
nó, bà đưa vũ khí cho nó, đủ quá rồi còn gì? Trong một nước mà bọn quỷ sứ ngự
trị, con người cũng chỉ là vật sở hữu của chúng. Bây giờ bà hãy ra mà giữ lấy
con trai của bà đi, bà mẹ già người Đức ơi, giữ lấy đứa con trai đã bị thiêu
cháy dở dang này đi…”.
Nhưng có cái gì thế? Ở về phía tây, có những tiếng ầm ầm, dữ
dội, liên tiếp. Nó tràn khắp trời, nó lan khắp mặt đất. Một lần nữa, nỗi lo lắng
lại làm lòng tôi se lại. Rõ ràng rồi, đó là những máy bay Đức. Nó đang bay về
phía làng. Nó kéo đến nặng nề như đang bò trên những cái chân ngắn có bánh xe.
Nó nhiều đến nỗi tôi không đếm xuể. Tôi chỉ nhìn thấy ba chiếc cuối cùng trong
phi đoàn này tách ra, nó lượn vòng, những cánh quạt loang loáng trong giây lát
rồi bắt đầu bổ nhào xuống chỗ chúng tôi.
-------------
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét