Vaxin Bưcốp
Phát tên lửa thứ ba
Người dịch Văn Phú
NXB Tác Phẩm Mới - 1987
3
Trước hết là đói.
Suốt ngày chúng tôi cồn cào mà chẳng có gì ăn, chẳng có cả
thuốc hút, chẳng còn cả hoa vòi voi có những hạt mẩy, mềm mềm mà chúng tôi thường
hái vào ban đêm để ăn, Cả món cháo ngô, ăn xong ai nấy đều chê, đến lúc này mới
thấy là một món thật ngon! Tới món bánh bột ngô chua chua, làm thành từng tảng
to, chúng tôi cũng thấy thèm. Còn một mẩu bánh nhỏ, ai ăn không hết để lại từ bữa
sáng…
Người ta để nó trên hòm đạn trên cùng ở góc để quân dụng, và
mỗi người trong chúng tôi thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn vào đấy. Lukianốp là
người đầu tiên không chịu nổi. Ngừng vẽ một lát, anh cầm miếng bánh trong những
ngón tay nhem nhuốc, rồi không nhìn ai, anh hỏi với vẻ mặt ngượng ngùng:
- Không ai ăn à?
Chúng tôi im lặng liếc nhìn anh.
- Thế thì tôi ăn vậy. - Lukianốp nói rất khẽ.
Rồi anh bắt đầu nhai miếng bánh, quai hàm gồ lên dưới làn da
mỏng của đôi má hóp, trong khi chúng tôi nuốt nước bọt và quay đi phía khác.
Lukianốp đang bị ốm, sớm tối, ngày hai lần anh lên cơn sốt
rét, đứng run bần bật trong tấm áo capốt, và đến đêm ssỡ hơn. Chúng tôi đều
châm chước cho sự thiếu ý tứ của anh vì chúng tôi biết anh bị khổ nhiều ở trong
trại giam. Anh ăn hết đến mẩu vụn cuối cùng rồi ngẩng lên nhìn trời còn rực rỡ
ánh phản chiếu của mặt trời. Ngọn gió mát nhè nhẹ thổi tới rồi trời tối dần.
Chúng tôi nóng lòng chờ đợi giờ phút này. Gientych cũng chờ
đợi cái giờ này, buổi tối ông có thể đi gặp cấp trên hoặc thăm các bạn bè trong
đơn vị bộ binh vì ông là lính cựu. Pôpốp cũng mong tối. Anh có thể ra khỏi hầm,
lúi húi bên khẩu pháo, lau sạch khóa nòng cũng như kính ngắm đầy bụi, rũ vải
che, cắm lại ngụy trang. Còn Liosa chờ tối để lăn trên đám cỏ quanh vị trí chiến
đấu. Nếu gặp dịp, hắn không quên chuồn vào làng để kiếm rượu và thức ăn. Lukianốp
thì chỉ ăn cho khỏi đói khi người ta mang xúp về, rồi lặng lẽ ngồi cạnh ụ pháo,
mải mê suy nghĩ. Tôi thì chờ lúc này để khi mọi vật đã yên tĩnh có thể ngồi lặng
nghe đêm tối, thường đầy rẫy những âm thanh xa gần vừa dễ hiểu vừa khó hiểu.
Trong cái vô cùng tận, tôi cố phân biệt tiếng chân người khẽ vang trên con đường
nhỏ chạy về phía sau. Tôi chờ đợi tối đến suốt những ngày khó chịu này. Không
biết tại sao tôi chờ nó nữa, tuy vậy vẫn cứ chờ.
Bóng tối buông xuống từ từ, chiến hào chìm ngập trong cảnh
nhá nhem. Trong góc để quân dụng và dưới bóng lều vải dựng cạnh chiến hào của
chúng tôi, không nhìn thấy gì nữa. Gientych quỳ xuống thắt chiếc thắt lưng kiểu
Rumani có vô số những lỗ nhỏ, ông uể oải chỉnh lại áo khoác rồi ra lệnh bằng giọng
khàn khàn:
- Nào, đi lấy xúp! Hôm nay sẽ dến lượt… - ông ngừng một tí
và nhìn chúng tôi. - Lukianốp sẽ đi với…
- Tôi cũng được, khẩu đội trưởng!
- Anh nhanh nhẹn quá đấy! - khẩu đội trưởng ngạc nhiên.
Liosa tự đắc ưỡn bộ ngực rộng, khéo léo chỉnh lại khóa thắt
lưng, cổ áo mở khuy, được trang điểm bằng một dải vải mỏng phẳng phiu trông rất
phong lưu.
- Cần phải nhanh chớ. - Liosa nháy mắt nói.
- À, à! - Gientych nói. - Tôi hiểu rồi. Ừ, mà cậu còn trẻ,
không phải như cánh già chúng tôi.
Chỉ vì hôm nay Luxia có mặt ở bộ phận cấp dưỡng của tiểu
đoàn. Luxia là hạ sĩ trong đội cứu thương, “người đẹp mắt xanh” của cả bọn
chúng tôi.
Lập tức tôi thấy chán cái buổi tối chờ đợi dài đằng đẵng này
đến nỗi viễn cảnh của món xúp cũng không làm tôi thích nữa.
- Này có gì đâu, cũng thường thôi! - Liosa nhắc lại câu nói
cửa miệng của hắn, và dựa vào vách hào. Phải chờ tối hẳn.
Cuối cùng hoàng hôn buông hẳn xuống mặt đất. Người ta vẫn
còn nhận ra vạt ngô gần nhất, những miệng hố đen ngòm, còn những ngọn đồi mà địch
chiếm đóng đã chìm ngập trong đám khói và sương mù, tranh tối tranh sáng. Những
ngôi sao lẻ loi chiếu sáng trên bầu trời.
Chúng tôi ra khỏi chiến hào. Cảnh bên ngoài thật đẹp, thật
phóng khoáng, thật tự do, tràn đầy không khí. Cần phải làm rất ít những chuyện
không đâu để con người cảm thấy hết vẻ đẹp của cuộc đời, niềm vui ngắn ngủi chỉ
diễn ra trong giây lát nào đó. Nó biến đi nhanh lắm, con người rất dễ mòn đi với
cái đẹp mà không tự biết.
Đám lính bộ binh cũng nhộn nhịp. Một giọng khó nghe gọi anh
chàng Xôlôđơ nào đó, họ khua vũ khí loảng xoảng. Lukianốp và Liosa mang gamen
đi vào con đường nhỏ dẫn đến hàng cây vòi voi.
Chẳng mấy lúc sẽ có xúp. Tôi nằm trên mặt chiến hào đầy lá
ngô, ngắm nhìn bầu trời. Trên trời quang đãng, mới có mấy ngôi sao nhỏ lấp lánh
xa xa, chưa mọc dày như về mùa đông. Chòm Đại Hùng tinh nhấp nháy trông vui mắt.
Theo thói quen từ hồi còn đi học, tôi vạch thử một đường thẳng dọc theo chòm
sao ấy và tìm ra ngôi sao Bắc cực. Ở phương bắc xa xôi ấy, sau dãy hoành sơn
Karpat, khi đẹp trời, hiện lên như một dải sương lam nhạt ở chân trời, có Bielorrusia,
quê hương đau thương, tang tóc của tôi ở đấy. Tôi từ giã quê hương cũng đã gần
một năm, lúc đang yếu, bị băng bó chặt cứng vì bị thương ở hông. Máy bay đã chở
tôi về hậu phương an toàn phía Đông, bao người tốt đã săn sóc cho tôi để tôi lại
có thể cầm được vũ khí, nhưng những người đồng hương, cha mẹ già và chị tôi còn
ở lại đó và trong rừng Bielorrusia vẫn còn những du kích tiếp tục nhiệm vụ biệt
động trong chi đội “Phục thù” của tôi. Tôi không thể trở về với họ được, số phận
đã gắn tôi vào mạn sườn của một mặt trận lớn ở Rumani, nhưng - tôi biết làm sao
khác nổi - tôi vốn canh cánh đêm ngày với những cánh rừng xa xôi kia. Tôi như một
con cò lượn quanh trên những cánh đồng, những lùm cây, những con đường lớn nhỏ.
Những mái nhà tranh trong các làng ở Bielorrusia. Trước mắt tôi hiện lên bao hồ
nước của đất nước như những con mắt xanh, những cánh rừng rậm, đầy tiếng thú rừng,
về mùa hạ xum xuê những quả mọng, về mùa thu chi chít những nấm, mà tuổi thơ của
tôi tưởng tượng ra biết bao điều sợ hãi, bí ẩn. Nhưng những cảnh ấy đã xa xôi lắm,
cảnh chúng tôi đã sống yên ổn trên mảnh đất thanh bình không có bóng bọn Đức.
Bây giờ, tất cả đều thay đổi. Cả làng im lìm trong cảnh buồn thảm, đồng ruộng
khô cằn và trong rừng vang dội những trận chiến đấu của du kích. Bielorrusia của
tôi bây giờ trang nghiêm và lo nghĩ. Tôi thường tự hào về những đồng bào chất
phác và quang vinh của tôi. Còn điều này nữa: tôi vẫn chưa thể làm tròn được
nhiệm vụ đối với đất nước và nhân dân đau khổ của tôi. Nhưng có lẽ giờ phút ấy
chưa đến, và tôi chờ, nóng lòng chờ, chờ mãi…
Crivênốc ngồi khuất trong đám cành lá ngụy trang khô héo ở gần
tôi. Anh không nằm như tôi mà chỉ im lặng ngồi ngắm đêm tối. Từ phía dưới tôi
nhìn lên thấy khá rõ nửa người bên trái của anh: Crivênốc có cái đầu to, trán
dô, mũ chào mào đội lệch một bên. Một anh chàng bướng bỉnh, tẩm ngẩm tầm ngầm,
như Liosa đã nói châm biếm, ngược hẳn với Liosa. Còn tôi cũng chẳng bao giờ để
ý lắm đến tâm tính của anh, nhưng chúng tôi là những người trẻ nhất ở đây, điều
đó đủ để chúng tôi thích thân với nhau. Lại còn điều này nữa: Từ đầu chiến
tranh đến giờ, hai chúng tôi làm thinh trước những câu: “có thư!”. Chúng tôi chẳng
vội vã như mọi người, đi gặp anh lính quân bưu từ ban tham mưu xuống, chưa bao
giờ có ai gửi cho chúng tôi một lá thư nào. Cha mẹ tôi thì ở trong vùng tạm chiếm,
còn Crivênốc mồ côi.
Anh không hề là một người bạn xấu, tuy anh ngang bướng. Đã
nhiều lần tính bướng bỉnh của anh bị trừng trị. Một lần, trong dịp trở về trạm
quân y tiểu đoàn để điều trị, anh gặp các chiến sĩ trinh sát đang giải hai tên
Đức. Họ bắt chúng về để khai thác tin tức sau nhiều ngày đêm lặn lội, len lỏi
vào tận vùng hậu địch, và hiện đang hài lòng về thành quả của mình, họ dẫn tù
binh về ban tham mưu. Nhưng Crivênốc có nghĩ đến điều ấy? Má anh bị thủng, sự
khao khát được trả thù bỗng trào lên trong lòng anh. Các chiến sĩ trinh sát
chưa kịp ngạc nghiên thì hai thằng Đức đã nằm sõng sượt trên mặt đường. Các chiến
sĩ trinh sát giận tái mặt dẫn Crivênốc bị một vết thâm tím to dưới mắt, về ban
tham mưu thay những tên Đức.
Về đến ban tham mưu, các chiến sĩ trinh sát, các sĩ quan
trong ban tham mưu quát mắng anh thậm tệ, rồi người ta dẫn anh lên gặp sư đoàn
trưởng. Đến lượt ông sư trưởng cũng xỉ vả anh hết lời, nhưng Crivênốc chẳng bào
chữa gì, chỉ im lặng, đến nỗi đại tá tưởng ánh đã hối lỗi. Sau khi đã la hét
cáu kỉnh, sư trưởng hỏi:
- Thế nào, giờ anh đã hiểu chứ? Anh không còn những hành động
tự tiện nữa chứ?
Crivênốc cau có, im lặng.
- Tôi hỏi anh! Anh hãy trả lời đi!
- Nếu tôi còn gặp chúng trên đường thì tôi vẫn cứ giết. -
anh lính bướng bỉnh đáp.
Câu trả lời này đã quyết định số phận của anh. Crivênốc được
đưa ngay xuống đại đội trừng giới, nơi đám lính bị thi hành kỷ luật, nhưng may
mắn đã đến với anh: trong suốt ba tháng làm nhiệm vụ cảm tử, anh không bị
thương. Rồi anh lại trở về đơn vị trên khắp nẻo đường chiến đấu. Và tới một hôm
anh về khẩu đội pháo, súng máy tước được của địch khoác trên vai. Gientych sau
khi khiển trách anh, giao anh làm xạ thủ súng máy, tất nhiên anh phải ôm thêm
nhiệm vụ ấy kèm với những công việc phục vụ khẩu pháo.
- Crivênốc này! - tôi hỏi, - Anh là người vùng nào?
- Tôi chẳng có quê nào cả.
- Sao lại thế?
- Anh xem, tôi sinh ra ở vùng Smolensk. Rồi sau khi mẹ tôi
chết, tôi sống linh tinh! Hầu hết ở trong các trại mồ côi.
- Thật không may, dù sao cũng… không có nhà.
- Tôi cần quái gì nhà cơ chứ. Còn anh, anh hãy kể chuyện ở
quê nhà của anh đi.
- Đủ thứ chuyện. - tôi nói, sau khi suy nghĩ.
- Ừ, tôi đến điên lên vì những chuyện ấy, bọn sâu mọt ở đâu
cũng giống nhau. - anh nói, giọng nghẹn ngào, giận dữ.
- Sao anh lại nóng nẩy đến thế? - tôi hỏi hết sức ôn tồn.
Nhưng Crivênốc chỉ chửi rủa, không nói gì.
- Anh hãy nói anh… nếu có kẻ làm cho anh phải ngậm hột thị
nhữ tôi, anh cũng nóng nảy như tôi thôi.
- Người ta sống bằng nhiều vẻ…
- Người ta sống! - Anh cựa quậy và quay sang phía khác. - Có
kẻ còn muốn giấu mặt đi khi nhìn vào mồm tôi.
- Anh nhầm rồi. Tính anh hay xấu hổ. Mà ở khẩu đội ta làm gì
có con gái!
- Con gái, con gái! - anh lầm bầm rất khẽ. - Tôi không cần bọn
con gái.
Tuy vậy anh bỗng bối rối, anh ném một hòn đất vào bóng tối
và nằm xuống chiến hào rồi lại nhỏm dậy.
Chỉ có Luxia hay đến chỗ chúng tôi…
Cái quan trọng là ở chỗ đó! Thực ra cô mắc cỡ khi bắt gặp
cái nhìn của Crivênốc, cô trở nên kín đáo và buồn rầu hơn, tuy cô đối xử với
anh cũng như với mọi người khác. Hình như Crivênốc cũng lảng tránh cô, chẳng
bao giờ nói chuyện hoặc chào hỏi cô. Bỗng trong óc thoáng ngờ vực, tôi cảm thấy
lòng mình se lại. Có thể như thế được chăng? Nhưng đúng thế chứ chẳng sai, và
Crivênốc nói như thể xác nhận ý nghĩ của tôi:
- Luxia coi tôi như một đứa trẻ hoặc một thằng ốm ấy… Trước
kia, cô ta không thế.
Đấy, thế là đúng rồi. Cô ta bối rối không yên và anh ta cũng
vậy, tôi nghĩ thế. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao anh lại nóng nảy, thô lỗ thế,
nhất là khi Luxia đến chỗ chúng tôi.
Tôi nín thở, chờ anh nói tiếp, nhưng Crivênốc im lặng, vì thế
tôi cũng im. Biết nói gì với anh ta? Chẳng lẽ lại kể lể với anh rằng chính tôi
đã gặp Luxia hai lần trong giấc mơ, tôi luôn luôn nghĩ đến cô và mong được gặp
cô, để được nghe cô nói và muốn làm mọi việc để cô vừa lòng. Tôi thấy trong
lòng tràn ngập một sự âu yếm lạ lùng khó hiểu, mà những điều đó chưa bao giờ
tôi có.
Luxia! Luxia! Khi tôi tới trung đoàn này, cô là hạ sĩ quân y
của tiểu đoàn. Tôi đã gặp nhiều cô y tá trẻ trong các đơn vị khác, tôi thấy
hình như các cô có vẻ kiêu kỳ đối với lính tráng chúng tôi và các cô tỏ ra
thích sĩ quan hơn. Điều đó khiến chúng tôi bực tức. Còn “người đẹp mắt xanh” là
một cô gái rất giản dị, rất cởi mở và rất xinh. Cái cô bé mới mười sáu tuổi,
người bé nhỏ, nhanh nhẹn này có vẻ mặt ai cũng phải nhận là phúc hậu. Mọi người
đều quý mến cô: lính cũng như sĩ quan, trẻ cũng như già. Chúng tôi nhận giúp cô
những việc lặt vặt để đỡ cho cô những khó khăn ngoài mặt trận. Thật ra cô không
thuộc hạng những phụ nữ thích được nịnh hót, chiều chuộng. “Người đẹp mắt xanh”
cũng không gây phiền phức gì trong khi chăm sóc sức khỏe, điều kiện sinh hoạt
và vệ sinh của chúng tôi. Rồi cấp trên chuyển cô lên Ban quân y trung đoàn. Tuy
vậy, chúng tôi không thể quên được cô, cũng như Luxia không thể quên tiểu đoàn
cũ của mình, hầu như cô vẫn đến chỗ chúng tôi buổi tối và có lẽ một phần chiến
sĩ đã thầm yêu cô. Hình như cô không nhận ra điều đó, vẫn vui vẻ với mọi người
như thường lệ và vẫn chăm sóc đời sống của chúng tôi ở dưới hầm như mọi khi. Dù
sao chăng nữa, có lúc tôi cảm thấy không phải vô cớ mà cô gắn bó với khẩu đội của
chúng tôi đến như thế, chắc một người nào trong chúng tôi đã quyến rũ cô. Cô
gái ấy là như thế đấy. “Người đẹp mắt xanh” như chúng tôi thường gọi.
Chúng tôi im lặng và nóng lòng chờ đợi, lắng tai nghe âm
thanh hỗn độn của ban đêm, nhưng cái mà chúng tôi chờ đợi là tiếng bước chân
quen thuộc của cô, vẫn chưa đến.
- Sao thế này nhỉ? - Crivênốc nói như thể để tự trả lời những
suy nghĩ của mình. - Đã khuya rồi.
Lòng tôi se lại, tôi không tin hôm nay Luxia đến.
-------------
Còn tiếp...
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét