Tôi đang cho xe chạy thong thả trên đường Hà Nội bỗng nghe
tiếng chào cất lên từ phía sau:
- Em đi đâu thế?
Giọng nói gợi lại cả một thời yêu dấu của tôi.
- Ôi anh! Anh từ đâu hiện ra thế này? Chao ơi, lâu đến thế em
không gặp anh, không nhìn thấy anh.
Tôi kêu lên mừng rỡ, tay lái chao đi vì xúc động.
- Anh làm gì, ở đâu từ bấy đến nay? Dẫu có lấy vợ thì cũng cho em biết, sao phải tránh em lâu thế. Đừng nghĩ phụ nữ nào cũng bắt vạ nhé, em nhậy cảm lắm, khi anh không yêu thì em biết phận chứ chẳng đòi hỏi gì đâu, cho dù...
- Anh làm gì, ở đâu từ bấy đến nay? Dẫu có lấy vợ thì cũng cho em biết, sao phải tránh em lâu thế. Đừng nghĩ phụ nữ nào cũng bắt vạ nhé, em nhậy cảm lắm, khi anh không yêu thì em biết phận chứ chẳng đòi hỏi gì đâu, cho dù...
Tôi vừa nói vừa cười, không ra trách mà cũng không níu kéo
gì, tuy nhiên tôi cứ muốn hỏi vì sao đàn ông lại chóng quên đến thế. Anh tránh
trả lời tôi, chỉ cười, mặt đỏ dần lên trong ánh đèn đường.
- Em đi đâu?
- Em định đến nhà cô bạn. Nhưng nếu... - Tôi định bảo “nếu
anh muốn thì chúng ta đi chơi với nhau, em vẫn nhớ anh da diết cho dù mười năm
đã qua”.
Nhưng anh im lặng không nói gì. Tôi ngượng.
- Em biết anh đang đèo con gái ở phía sau rồi, em chỉ muốn
nói rằng chúng ta sẽ chạy xe song song với nhau một quãng mà thôi. Cháu còn bé
không đi lâu được.
Anh lúng túng vì tôi nói thẳng ra cái điều anh đang ấp úng.
Rồi anh bảo:
- Anh sẽ đi đến phố Nguyễn Du thôi!
- Vâng, thì một chút cũng đỡ nhớ! - tôi níu.
Chúng tôi chạy xe thêm hai phút nữa thì anh nói:
- Anh rẽ đây rồi!
Tôi lập tức cho xe quay ngoắt về phía cũ không chào anh. Cơn
giận dữ từ đâu ập tới và sôi lên trong lòng, tôi không buồn nhìn theo anh như
những lần chia tay của mười năm trước, những cái nhìn chan chứa tình yêu.
Hà Nội nhấp nhóa ánh đèn, thoang thoảng gió hồ mùa hạ. Không
khí dịu êm phảng phất mùi hoa ngọc lan. Từng đôi trai gái đèo nhau bằng xe gắn
máy, chiếc đệm xe hơi dốc khiến các cô đổ ngực vào người lái phía trước trông hết
sức tình tứ. Hương mỹ phẩm vương lại trên đường phố mỗi khi họ đi qua. Nhìn họ,
cơn giận của tôi chùng lại. Lớp trẻ đã khác, còn thế hệ chúng ta, tất cả đàn
ông đều giống anh ấy, sợ hãi và bất lực.
* * *
Tôi nhớ lại mười năm về trước, chúng tôi cùng được cử đi học
ở một nước châu Âu trong một đoàn mười người. Chín chàng trai làm công việc gọi
là “nghiên cứu văn học xã hội chủ nghĩa”, còn tôi “xã hội học xã hội chủ nghĩa”.
Khi ở trong nước đọc tài liều mà chúng ta ấn hành, tôi có được
một số những khái niệm mà ở nước ngoài những khái niệm đó bị đảo lộn. Sách ở
đây rất đắt, tôi không đủ tiền mua đành nhờ vào mấy anh bạn người Âu có thiện cảm
gửi tặng. Bằng vẻ mặt ngây thơ của phụ nữ châu Á và sự say mê học hỏi, tôi làm
cho các chàng trai châu Âu trở thành kẻ si tình.
Song thực lòng tôi chỉ đắm say các gương mặt Việt nam. Trái tim
tôi (thật quê mùa) chỉ rung động trước các chàng trai Việt.
Tôi si mê họ, nhất là đàn ông có tài. Theo tôi người có tài
là người dám đi một mình trên quãng vắng, dám nói một lời giữa đêm tối hay hoàn
toàn câm nín trước đám tầm thường. Nếu trước mặt tôi là một người đàn ông như
thế thì bỗng nhiên tôi cứ muốn đem tặng cái gì đó quý giá cho họ.
Đoàn chúng tôi sống ở khu ngoại ô, mỗi người một phòng có cửa
sổ trổ vào thiên nhiên kỳ vĩ. Mùa này hoa mận đã tàn, những cành táo quả non
đang nhú. Xa xa đồi thông biếc xanh, mây trôi lững thững trên vòm trời vời vợi.
Đã xa nhà vài bốn tháng rồi, ai nấy nhớ nhà ghê gớm.
Chiều nay tôi đem thơ của quê nhà vừa gửi tặng ra đọc. Thơ lục
bát giúp tôi dìu nỗi nhớ vào những giấc mơ. Cánh cò, vạt nắng, ngọn tre chập chờn
hội nhập với hoa mận, rừng thông. Thực tại và ký ức không còn ranh giới, đan
xen vào nhau, một ánh nhìn lưu luyến tình yêu thuở học trò hiện ra trước mắt
xao xuyến cả cõi lòng…
Khi cơn mơ tan cũng là lúc đến giờ ăn cơm. Mọi người đến nhà
ăn rất đúng giờ. Tôi cho rằng điều đó không chỉ vì kỷ luật đoàn đặt ra như thế
mà bởi ai nấy đều buồn quá. Công việc nghiên cứu quả là nặng nhọc nên thời gian
dài lê thê. Vả lại, trong ngày, bữa ăn mới là lúc được gặp nhau. Chúng tôi đang
ở độ tuổi hai mươi, nhưng các chàng trai không dám yêu một ai. Các cô gái trẻ ở
vùng ngoại ô này rất nhiều và rất đẹp, nhưng ai nấy đều đinh ninh rằng “yêu
đương là một sa ngã” nên chẳng dám đoái hoài. Chín chàng đã vậy, còn tôi thì
như đã nói, chỉ mê người Việt nên thầm yêu một trong số đó. Nhưng họ không yêu
tôi. Có lẽ những nội quy du học đã thấm vào máu các chàng trai đến nỗi họ quên
cả nhịp đập của trái tim mình. Thậm chí, tôi còn cảm thấy họ cố gắng giữ mình để
đừng ai đó “nhòm ngó” tới.
Song đêm ấy trời đẹp quá. Cây cối nhà cửa, núi đồi thung
lũng như chìm trong mây sương lãng đãng. Những đêm như vậy ở phương Bắc này đã
trở thành huyền thoại trong các câu chuyện cổ tích. Đêm đẹp đến nỗi tôi muốn
phá tung mọi quy định, dù có phải về nước đi nữa, tôi muốn được dạo chơi trong
đêm với một người đàn ông, hoặc với cả chín chàng cũng được. Tôi nhìn sang mọi
người và nhận thấy họ cũng xao xuyến trước vẻ đẹp đêm nay. Chỉ có đoàn trưởng
là vô cảm. Không ai dám nói lên ý nghĩ của mình khiến bữa cơm trở nên nặng nề.
Bốn người đứng dậy về trước. Tôi nhìn anh ấy, thấy anh định nói điều gì, mặc dù
chưa thành lời nhưng tôi đoán được là anh cũng như tôi muốn buông mình trong
đêm phương Bắc.
Và thế là sau khi đoàn trưởng đứng lên ra về, hai người chúng
tôi và ba chàng nữa nháy nhau sẽ làm cuộc du ngoạn.
Dưới chân đồi là thung lũng xanh mướt, mùa này ấm trời, tuyết
thi thoảng mới có vài bông bay là là ngọn cây. Đêm trắng nhìn rõ mặt thảm cỏ có
những giọt sương tuyết long lanh.
Năm người chúng tôi đi xuống bằng một con đường nhỏ ngoằn
ngoèo hai bên có những cây bạch đàn thẳng tắp. Thoang thoảng mùi hương đồng nội.
Tôi muốn có ai ôm ngang lưng đi như mơ trong đêm, hoặc nắm
tay nhau chạy tung tăng trên cỏ, đến một quãng nào đó sẽ nằm dài bên nhau ngửa
mặt nhìn trời. Trời đêm nay trông rõ những đám mây bông di chuyển chậm chạp,
không gian như mịt mờ sương khói, lòng người cảm động như mơ.
Nhưng chẳng có ai làm thế với tôi, năm người đi hàng một, vẫn
cố gắng không động chạm vào nhau. Xuống đến nơi, mỗi người nhìn về một hướng,
khen đẹp một mình. Nhưng tôi nghe rõ tiếng nén thở của từng người, có lẽ họ
cũng giống tôi, đều muốn chia sẻ hạnh phúc đêm trắng mà không dám. Hình như những
nội quy treo lơ lửng trên đầu mỗi người làm cho họ hành động khác xa với cái họ
nghĩ.
Suốt buổi đi dạo tôi cứ mong chờ một lời nào đó dịu êm của
con tim mà không thấy. Toàn những chuyện bâng quơ hoặc chuyện công việc mà
thôi, những việc của khối óc lạnh lùng và không nhuần nhuyễn với không khí này.
Đêm phương Bắc êm đềm thoảng hương đồng nội. Năm người cứ đi
hàng một mãi không thôi. Tôi cứ chờ đợi, chờ đợi. Một cành bạch đàn thấp ngang
lối có những chiếc lá trắng bay bay, người ấy đi trước tôi từ bấy đến giờ giơ
tay bẻ cho khỏi vướng. Lúc này tôi nhìn rõ mặt anh, nghe rõ có hơi thở đầy xúc
động.
- Trong đêm nay, cánh trẻ châu Âu sẽ vui chơi thỏa thích đấy
nhỉ?
- Thì có còn ai như chúng ta? Chúng ta hèn quá đi mất.
Tất cả thở dài.
Nói xong, tôi thấy mình quá lời. tự trách mình đã táo tợn
như vậy. Càng lúc tôi càng thấy bất mãn với chính mình, tôi rất muốn được ngả đầu
vào vòng tay đang giang rộng ở rất gần kia, của anh. Nhưng anh thì lúng túng
còn tôi lại không dám khi thấy anh như thế. Tuy vậy, tôi cũng mong đêm dài ra
mãi để được nhìn các anh thấy gương mặt thật, thật gần.
Thấy ánh khao khát tỏa ra trong mắt họ. Chỉ nhìn thôi cũng
được, cũng hạnh phúc rồi.
Song đã nghe tiếng gọi hết giờ từ trên đồi vẳng xuống, chúng
tôi quay ngược lại lối cũ trở về khu nhà. Chấm dứt đêm phương Bắc hệt như các
nhà du hành, để rồi sau nhiều năm nữa không ai một lần đi dạo với ai. Tuổi trẻ
của chúng tôi trôi đi như thế đó.
* * *
Đúng lúc tôi đang quên lãng yêu đương, chỉ quanh quẩn với những
việc đan áo, đọc những quyển sách lỗi thời, thì anh đến. Đã từ lâu chúng tôi
không còn sống chung trong một khu nhà nữa, mỗi người theo khoa của mình về các
thành phố khác nhau. Tôi thi thoảng có nhớ tới anh, nhớ đến cả chín người đàn
ông ấy một cái nhớ nhạt nhòa, lại có lúc mỉm cười về họ và về chính mình với những
năm tháng bất lực đã qua…
Anh đến ngả người ngồi khá thoải mái trên chiếc đi văng mềm,
không như ngày xưa, nếu có đến gần tôi thì anh như muốn thu mình lại, co rúm, đầy
căng thẳng.
Anh cũng nhắc lại chuyện xưa với vẻ buồn cười nhạo báng. Anh
bảo lúc đấy ai cũng sợ bị kỷ luật phải về nước, bỏ lại sự nghiệp dang dở của
mình…
Đang nói chuyện thì cánh cửa phòng tự động khép lại, có lẽ
vì gió. Thực ra ở châu Âu có ai mở cửa khi có người ngồi trong phòng bao giờ
đâu. Chỉ riêng người Việt tự quy định với nhau mở cửa ra khi bên trong có hai
người khác giới, thành thử khi anh đến anh cũng chặn cửa phòng.
Tôi cám ơn sự ngẫu nhiên đó, trạng thái hồi hộp của thời con
gái len lén trở lại trong tim. Tôi nhìn anh và chúng tôi nhìn nhau xao xuyến,
thế rồi mặc cho mọi quy định đã ghi dấu trong tiềm thức, tôi lao vào vòng tay
anh, ôm lấy anh thổn thức: “Em đã yêu anh từ bao lâu nay”. Anh cũng riết lấy bờ
vai tôi hồi lâu, song vẫn còn chút lưỡng lự và sợ hãi nào đó. Thế là tôi khóc,
khóc nức nở, thổn thức như thể đã bị xúc phạm ghê gớm. Anh an ủi:
- Nín đi em, nín đi nào!
Tôi như được động viên áp môi vào ngực anh hôn tới tấp và rồi
anh đã không thể thờ ơ.
Từ đấy đôi khi anh đến thăm tôi, nồng nàn và say đắm, nhưng
lúc này chúng tôi đã ở tuổi ngoài ba mươi. Tôi mặc cảm không muốn hỏi anh về
hôn nhân và anh cũng hình như không muốn đề cập đến. Có lần anh bảo với tôi rằng:
“Tổ chức cho chúng ta đi học, chúng ta không thể trở về có cả hôn nhân được. Về
nước hãy hay”. Nhưng khi về nước mỗi người chúng tôi lại về một ban khác nhau
và không thấy nhau cho đến tận bây giờ.
* * *
Mười năm qua đi, hẳn là anh đã có vợ và cô con gái kia đã chừng
năm tuổi.
Tôi thì vẫn ở vậy chả thiết lấy chồng. Hoặc không lấy được,
hoặc luôn bận bịu với đề tài “sự bất ổn trong các gia đình thời kinh tế thị trường”.
Bỗng gặp anh trên đường và bắt gặp vẻ sợ hãi ngày xưa của
anh, tôi cứ lạ lùng tự hỏi: “không biết anh sợ cái gì?”.
------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét