Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Bản chúc thư - Ch 34

Bản chúc thư

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Phan Quang Định
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2/2011

Chương 34

Mặc dầu không đứng tên tài sản nào và từng chơi trò “đu dây tài chính” trong phần lớn cuộc sống từ lúc trưởng thành của mình, Rex Phelan lại có “năng khiếu” về các con số. Đó là một trong những tài năng hiếm hoi mà anh ta thừa hưởng được từ ông bố. Anh ta là người thừa kế duy nhất trong gia đình Phelan có đủ khả năng và tính kiên trì để đọc cả sáu bản thỉnh nguyện phản bác di chúc của Troy. Khi đọc xong, anh ta nhận thấy rằng, về căn bản, sáu hãng luật đã “cóp” công trình của nhau. Thực tế là nhiều đoạn trong các văn bản đó nghe ra như thể được mượn từ văn bản trước hay từ văn bản tiếp theo.
Sáu hãng cùng vào cuộc chiến và mỗi hàng đều muốn cắn miếng thật to trong cái bánh. Đã đến lúc cần sự hòa hợp nho nhỏ trong gia đình. Anh ta quyết định bắt đầu với ông anh TJ, mục tiêu dễ tiếp cận nhất, vì các luật sư của anh ta bám vào những nguyên tắc đạo đức.
Hai anh em đồng ý sẽ bí mật gặp nhau, mấy bà vợ của họ rất ghét nhau và sự bất hòa có thể tránh được nếu để mấy mụ đàn bà qua một bên. Qua điện thoai, Rex nói với Troy Junior rằng đã đến lúc anh em trong nhà nên làm lành với nhau. Lợi ích kính tế đòi hỏi phải thế.
Họ gặp nhau cùng dùng bữa điểm tâm nơi một quán ăn sáng ở ngoại ô và sau vài phút tán gẫu chuyện thời sự lăng nhăng, mọi chuyện râu ria được dẹp qua. Rex đi vào chuyện làm ăn bằng cách kể chuyện Snead.
- Điểm này mấu chốt đây, - anh ta nhấn mạnh. - Nó có thể quyết định sự thắng bại của chúng ta đấy.
Anh ta kể ra câu chuyện, chậm rãi nêu ra giấy hứa sẽ trả nợ mà các luật sư muốn kí, tất cả trừ các luật sư của Troy Junior.
- Mấy luật sư  của anh đang trì hoãn cuộc thương lượng, - anh ta nói với vẻ cương quyết và nghiêm trọng, đôi mắt láo liên dò xét chung quanh như thể các điệp viên đang rình mò họ.
- Thằng chó đẻ đó đòi ăn đến năm triệu đô à? - Troy Junior nói, với vẻ ngần ngại sự phản phúc của Snead.
- Chuyện mặc cả mà. Xem nào, lão ta muốn nói rằng lão là người duy nhất ở bên cạnh Bố lúc Bố viết chúc thư. Ngay bây giờ lão chỉ đòi lấy trước nửa triệu đô. Phần còn lại - bốn triệu rưỡi đô - kia khi xong việc mới thanh toán nốt. Nhưng lúc đó, khi mọi việc đã xếp đặt đâu đó rồi, chúng ta chơi tình vờ lão cũng đếch làm được gì. Lão đã giở trò phản phúc thì  ta lại chơi ngón đểu với lão. Thế là hòa!
Troy Junior nghe bùi tai. Và thay đổi hãng luật hẳn nhiên chẳng phải là điều gì mới với anh ta. Nếu mà ngây thơ anh ta đã bị hãng luật Hemba và Hamilton “chộ” cho phát hoảng rồi. Bốn trăm luật sư. Nội thất bằng đá hoa cương. Tranh nguyên bản trên tường. Ai trả tiền cho những trò xa hoa đó? Lại bóp nặn từ đám thân chủ khờ khạo, cả tin thôi. Nhưng đâu dễ móc túi thằng này quá vậy?
Rex tăng ga.
- Anh đã đọc sáu bản thỉnh nguyện chưa?
Troy Junior chộp một trái dâu, và lắc đầu nói không. Ngay cả bản thỉnh nguyện nhân danh anh mà anh cũng còn chưa thèm đọc qua. Hemba và Hamilton đã bàn luận bản đó với anh, và anh kí vào thôi chứ nó dày cộm hơi đâu mà đọc trong khi nàng Biff ngồi chờ trong xe.
- Còn em đã đọc chúng, thong thả và nghiền ngẫm kĩ, và thấy chúng đều giống nhau. Chúng ta thuê sáu hãng luật làm cùng một việc, cả sáu hãng chỉ cùng tấn công một chúc thư. Chuyện phi lý!
- Anh cũng thường nghĩ về chuyện đó, - Troy Junior tiếp sức.
- Và cả sáu hàng đều chờ đợi sẽ phát tài to khi chúng ta chia phần. Đám luật sư của anh đòi bao nhiêu?
- Vậy chớ Hark Gettys của chú đòi bao nhiêu?
- Hai mươi lăm phần trăm.
- Đám của tôi đòi ba mươi. Nhưng tôi “ấn định tỉ số” là hai mươi.
Một ánh  tự hào lóe lên trong mắt vì Troy Junior đã thương lượng thắng thế hơn Rex.
- Giờ ta thử làm vài con tính, - Rex tiếp tục, - Cứ giả sử chúng ta mua Snead lão nói mọi điều đúng theo ý chúng ta, chúng ta lo đám bác sĩ tâm thần, đám rối được  tháo gỡ và tài sản được đem chia. Giả sử mỗi thừa kế lãnh được cho là hai mươi triệu đô đi. Vậy là  trên bản này có bốn mươi triệu. Năm triệu cho Hark. Bốn triệu cho đám luật sư của anh. Vậy là hết chín, chúng ta chỉ còn ba mươi mốt.
- Tôi chấp nhận phần đó.
- Em cũng vậy. Thế nhưng nếu chúng ta mời đám luật sư của anh đi chỗ khác chơi và chúng ta liên kết với nhau, thì Hark sẽ phải giảm phần chi phí của anh ta. Chúng ta đâu cần chi phải mướn hàng lố luật sư như vậy, anh Troy ạ. Họ chỉ cỡi lên lưng nhau và chờ móc tiền của bọn mình thôi.
- Nhưng tôi không ưa cái bản mặt thằng Hark Gettys.
- Được thôi. Cứ để em dàn xếp với hắn. Em không đòi hỏi hai người phải trở thành bạn tốt của nhau đâu.
- Tại sao chúng ta không dẹp Hark đi và dùng đám của tôi?
- Bởi vì Hark đã làm việc với Snead. Bởi vì Hark đã dàn xếp được với một ngân hàng chịu cho vay tiền để mua Snead. Bởi vì Hark sẵn sàng kí giấy tờ trong khi đám luật sư  của anh quá ư… đạo đức. Chuyện này có nhiều lắt léo. Éo le, anh Troy à. Và Hark hiểu rõ điều đó.
- Hắn dám lếu láo coi tôi là… phá gia chi tử. Tôi chưa đám hắn vỡ mõm là may.
- Ồ, anh chấp làm gì. Anh mà dùng hắn thì hắn lại ngoe nguẩy vẫy đuôi tâng anh ngay. Nếu chúng ta hợp sức lại, thì hắn phải giảm phần từ hai mươi lăm xuống còn hai mươi. Nếu chúng ta lôi kéo thêm được Mary Ross, thì hắn sẽ cắt còn mười bảy rưỡi. Thêm Libbigail nữa thì còn mười lăm.
- Khó lôi kéo Libbigail lắm.
- Vẫn có cơ may làm được đấy. Nếu ba người chúng ta cùng một thuyền, thì cô ấy sẽ nghe theo mình đấy.
- Thế còn cái thằng ác ôn chồng của cô ấy thì sao?
Troy Junior thực sự hỏi câu này với lòng thành thật hoàn toàn. Anh ta đang nói chuyện với chú em mình, kẻ đã kết hôn với một cô cựu vũ nữ thoát y.
- Chúng ta sẽ bàn về đám đó sau. Bây giờ chúng ta kết thúc cuộc thương lượng và nhất trí như thế nhé? Rồi chúng ta đi nói chuyện với Marry Ross.
- Đấu đá nhau cũng chằng hay  gì, - Troy Junior buồn bã nói.
- Nếu chúng ta cứ đấu đá nhau để rồi làm vụt mất cả một tải sản lớn, ai cũng xôi hỏng bỏng không thì quả là… chí ngu. Vì quyền lợi chung, chúng ta nên hưu chiến và giảng hòa với nhau.
- Anh cũng nghĩ vậy. Và chắc Mẹ sẽ vui.
* * *
Vùng đất cao trên sông Xeco đã được người Da đỏ sử dụng từ mấy thập kỉ qua. Đó là một chỗ tạm trú qua đêm của ngư dân và là một trạm dừng cho ghe thuyền qua lại trên sông. Rachel và Lako, và một người Ipicas khác tên là Ten, tấp vào một cái chòi đỗ tạm với mái rạ bên trên, và chờ cho cơn  bão qua đi. Mái bị dột và gió thổi tạt màn mưa xiên xiên tấp vào mặt họ. Chiếc xuồng ở dưới chân họ, từ sông Xeco dạt vào đây sau khi chống chọi với cơn bão suốt cả một giờ kinh hoàng. Quần áo của Rachel ướt đẫm, nhưng ít ra nước mưa cũng ấm. Hai chàng da đỏ không mặc quần áo trừ một sợi dây quanh ngực để giữ cái khố bằng da thú.
Trước kia cô có một cái xuồng gỗ với một động cơ cũ của vợ chồng mục sư Coopers - những người tiền nhiệm - để lại. Khi có dầu, cô dùng nó để đi lại trên sông giữa bốn khu định cư của người Ipicas. Và nó mang cô đến Corumbá trong vòng hai ngày, bốn ngày khi trở về.
Cuối cùng động cơ hỏng và không có tiền để mua cái mới. Mỗi năm khi trình ngân sách khiêm tốn của mình cho Giáo hội Woarld Tribes, cô đều tha thiết yêu cầu một chiếc xuồng mới, hoặc chí ít cũng là một chiếc còn dùng được tốt. Cô đã tìm thấy một chiếc ở Corumbá với giá ba trăm đô la. Nhưng ngân sách trải khắp thế giới rất sát sao. Phần được chia cho cô gồm thuốc men và kinh thánh. Hãy tiếp tục cầu nguyện, cô được bảo vậy. Có thể năm tới.
Cô chấp nhận điều đó không thắc mắc. Nếu Chúa muốn cho cô có một chiếc xuồng máy mới thì rồi cô sẽ có. Còn vấn đề có hay không, khi nào có, hãy để trong tay Người. Cô không phải thắc mắc về những chuyện đó.
Không có xuồng, cô đi lại giữa các buôn làng bằng chân, gần như luôn luôn với Lako bước thấp bước cao bên cạnh cô. Và cứ vào tháng tám mỗi năm cô lại thuyết phục thủ lĩnh cho cô mượn chiếc xuồng và một người hướng dẫn để đến sông Paraguay. Tại đó cô sẽ đợi một chiếc tàu chở gia súc hoặc chiếc xà-lan đi về phía nam. Hai năm trước, cô đã đợi cả ba ngày, ngủ trong chuồng bò của một trang trại nhỏ trên sông. Trong ba ngày đó cô đã từ một người khách lạ trở thành người bạn rồi nhà truyền giáo khi người chủ trại và bà vợ ông ta trở thành tín hữu Cơ đốc qua những lời rao giảng và cầu nguyện của cô.
Cô ở lại với họ ngày hôm sau và chờ thuyền đi Corumbá.
Gió thổi mạnh làm lắc lư căn chòi. Cô nắm tay Lako và họ cùng cầu nguyện, không phải cho sự an toàn của họ, mà cho sức khỏe của người bạn Nate.
* * *
Bữa điểm tâm được dọn lên cho ông Stafford ngay trên bàn làm việc của ông - mễ cốc và trái cây. Ông không rời văn phòng và khi ông tuyên bố sẽ ở đó suốt ngày, cả hai cô thư kí phải vội vàng thu xếp lại hơn sáu cuộc hẹn gặp. Đến mười giờ sáng, một ổ bánh mì được mang đến bàn ông. Ông gọi điện cho Valdir và được cho biết rằng ông này đã ra khỏi văn phòng, đến một cuộc hẹn đâu đó trong thành phố. Valdir có điện thoại di động. Sao ông ta không gọi?
Một luật sư phụ tá giao cho ông một bản tóm tắt hai trang về bệnh sốt xuất huyết, lấy từ mạng Internet. Tay phụ tá trình rằng anh ta cần đến pháp đình và hỏi ông Stafford có cần thêm thông tin y học nào khác hay không. Ông Stafford không nhận thấy hàm ý hài hước trong câu hỏi đó, đầu óc ông còn bận rộn với bao nhiêu chuyện dầu sôi lửa bỏng, đâu phải lúc để đùa. Nếu có nhận ra ông cũng lờ đi. Josh Stafford vừa đọc bản tóm tắt vừa gặm bánh mì. Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus, rất thường gặp trên khắp các vùng nhiệt đới của thế giới, do một loại muỗi tên là Aedes ưa cắn vào ban ngày, lây truyền. Nó làm người bệnh mỏi mệt, nhức đầu, sưng mắt, hành sốt, đổ mồ hôi, nôn mửa. Nó còn được gọi là “sốt gãy xương” vì khi sốt cao nó làm cho các cơ bắp và các khớp xương đau nhức kinh khủng, đau không chịu thấu đến những nỗi những người “lì đòn” nhất cũng phải rên rỉ. Bệnh có thể diễn tiến đến những ca ác tính gây xuất huyết, làm chết người, nhất là trẻ em.
Josh đã chuẩn bị gởi chiếc phản lực của ông đến Corumbá để đón Nate. Máy bay sẽ chở theo một bác sĩ, một điều dưỡng và mọi thứ nào xét thấy cần thiết.
- Ông Valdir gọi ông, - một cô thư kí nói qua máy Intercom. Các cuộc gọi khác đều được báo không có ông Josh ở văn phòng.
Ông Valdir đang ở bệnh viện.
- Tôi vừa xem qua tình trạng ông O’Riley, - ông ta nói chậm rãi, chính xác. - Anh ấy không nguy kịch gì đâu. Chỉ có điều chưa được tỉnh táo thôi.
- Anh ấy nói chuyện được không? - Josh hỏi.
- Không. Bây giờ thì không. Họ đang tiêm cho anh ấy thuốc giảm đau.
- Bác sĩ có giỏi không?
- Giỏi số một. Bạn của tôi. Bác sĩ đang đích thân chăm sóc cho anh ấy.
- Hỏi ông ấy khi nào ông Riley có thể bay về nhà. Tôi sẽ gửi một chiếc máy bay riêng đến Corumbá.
Có cuộc trao đổi trong hậu trường.
- Không sớm được, - Valdir báo cáo. - Anh ấy cần an dưỡng một thời gian sau khi rời bệnh viện.
- Khi nào anh ấy rời bệnh viện?
Lại một cuộc trao đổi khác.
- Ngay lúc này ông ấy chưa thể xác định được.
Josh lắc đầu và ném mẩu bánh mì còn lại vào giỏ rác.
- Anh có nói gì với ông O’Riley chưa? - ông gào lên với Valdir.
- Chưa. Tôi nghĩ anh ấy đang ngủ.
- Nghe này, ông Valdir, tôi rất cần nói chuyện với anh ấy, càng sớm càng tốt - đồng ý chứ?
- Tôi hiểu mà. Nhưng xin ông kiên nhẫn.
- Tôi hiểu. Nhưng xin ông cố cho. Chiều nay gọi lại tôi nhé.
Josh dằn máy xuống và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Quyết định gửi Nate, một kẻ thể chất yếu đuối, tâm lí bất ổn, đi đương đầu với những hiểm nguy nơi vùng nhiệt đới quả là... không mấy khôn ngoan. Chỉ có lí do để tiện sắp xếp nhân sự. Gởi anh ta đi xa thêm vài tuần, cho anh ta bận rộn ở nơi khác, trong lúc hãng cơ cấu lại dàn nhân sự. Trong hãng có bốn phụ tá khác, còn non tay nghề hơn, bên cạnh Nate, bốn người mà Josh đã tuyển thuê, và hướng dẫn công việc và ông cũng nghe ý kiến về một số vấn dề trong quản lý. Tip Durban là một trong bốn người đó và là tiếng nói duy nhất hỗ trợ Nate. Ba tay kia muốn Nate đi cho đỡ vướng.
Cô thư ký của Nate được gọi làm việc lại. Vừa qua một phụ tá đang lên đã mượn văn phòng anh, và đã được bảo kiếm chỗ khác.
Nếu sốt xuất huyết không làm quị Nate, thì cơ quan truy thuế cũng đang chờ anh.
* * *
Chai dịch truyền lặng lẽ vơi dần vào khoảng giữa ngày đầu không ai để ý kiểm tra. Mấy giờ sau Nate thức dậy. Đầu anh nhẹ đi hẳn, thanh thản, không còn sốt nữa. Anh còn thấy đau nhưng đã hết đổ mồ hôi. Anh cảm thấy miếng gạc nặng nề che đôi mắt, cái băng giữ nó ở đó. Sau một lúc suy nghĩ, anh quyết định phải nhìn. Tay trái anh được truyền dịch, nên anh  bắt đầu gỡ băng bằng mấy ngón tay phải. Anh nghe tiếng nói ở phòng bên và những bước chân trên sàn nhà. Ai nấy đều bận rộn. Gần hơn có ai đó đang rên rỉ vì đau đớn.
Chậm rãi, anh tháo băng ra khỏi da và tóc và lẩm bẩm chửi kẻ đã dán băng vào. Anh để miếng băng qua một bên, lủng lẳng nơi tai trái. Hình ảnh đầu tiên anh thấy được là mảng sơn loang lỗ màu vàng đã phai nơi bức tường ngay phía trên anh. Đèn trong phòng đã tắt hết, những ánh nắng lùa vào qua cửa sổ. Sơn vôi trên mái nhà cũng nứt nẻ, những khoảng đen lớn đầy mạng nhện và bụi. Một cây quạt trần rệu rạo ở giữa phòng, quay xộc xệch như sắp rơi xuống.
Hai bàn chân làm anh chú ý, hai bàn chân già nua, đầy những vết lở loét và những mục chai từ các ngón chân đến gót chân, đu đưa trong không khí và khi ngước đầu nhìn lên anh thấy đó là đôi bàn chân của một người nhỏ thó, nhăn nhúm, ở sát bên giường anh. Lão ta trông như chết rồi.
Tiếng làu bàu đến từ bức tường gần cửa sổ. Một bệnh nhân khác, cũng nhỏ con và nhăn nhúm, ngồi ở giữa giường, tay chân co quắp lại, cuộn người như một trái banh trong cơn đau đớn đến hôn mê.
Mùi nước tiểu, phân người và thuốc sát trùng trộn lẫn thành một mùi đậm đặc, tanh nồng. Xa xa có tiếng cười của mấy người điều dưỡng. Sơn vôi tróc loang lổ trên mọi bức tường. Xung quanh giường của Nate có năm giường bệnh khác được đặt lộn xộn không mấy cố gắng để sắp xếp cho trật tự.
Người bệnh thứ ba cùng phòng nằm gần cửa ra vào.
Anh ta trần truồng trừ một tấm ra ướt đẫm mồ hôi, và thân thể anh ta đầy những vết lở loét hở miệng đỏ lòm. Trông anh ta cũng như chết rồi và Nate cũng hy vọng như vậy. Thế còn tốt cho anh ta hơn.
Không có nút chuông điện nào để bấm gọi ai, không có Intercom, không có dây kéo khẩn cấp, không có cách nào để kêu gọi sự giúp đỡ ngoài cách la lớn lên nhưng làm như vậy có thể đánh thức người chết, dựng họ đứng dậy và đến tỏ tình thân mật với anh thì... ghê quá!
Anh muốn chạy, muốn tung đôi chân khỏi giường, đặt chân xuống sàn, dứt tung dây truyền dịch khỏi tay và phóng nhanh đi tìm tự do. Nhào ra đường phố. Chắc chắn sẽ không có nhiều bệnh tật như ở đây. Bất cứ nơi nào cũng tốt hơn cái nhà thương hủi này.
Nhưng đôi chân anh đã thành gạch. Anh cố hết sức để nhấc từng chân một lên nhưng chúng chẳng chịu nhúc nhích tí nào.
Nate vùi đầu vào trong gối, nhắm mắt và nghĩ đến chuyện... khóc. Tôi đang nằm trong bệnh viện nơi một quốc gia của thế giới thứ ba, anh lặp đi lặp lại. Tôi đã rời Walnut Hill nơi phải tốn ngàn đô mỗi ngày với đủ thứ tiện nghi hiện đại nhất và những chuyên gia  trị liệu luôn túc trực bên tôi.
Bệnh nhân với những vết lở loét lại cười nhăn nhở thấy ghê, và Nate càng vùi sâu vào gối hơn. Rồi anh cẩn thận lấy miếng gạc để lại trên mắt, dán nó lại giống như trước, nhưng lần này càng chặt hơn.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét