Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Bản chúc thư - Ch 33

Bản chúc thư

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Phan Quang Định
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2/2011

Chương 33

Một lần anh tỉnh lại nhưng không nhìn thấy gì. Anh tỉnh lại lần nữa và mọi vật vẫn tối đen. Anh cố nói điều gì đó với Jevy về nước, một chút nước và có lẽ một miếng bánh mì. Nhưng giọng của anh đã tắt. Nói đòi hỏi cố gắng và cử động, nhất là khi phải la lên để át tiếng nổ của động cơ. Các khớp kéo anh co lại. Anh bị dán chặt vào cái vỏ nhôm của chiếc xuồng.
Nàng Rachel nằm bên cạnh anh dưới tấm vải bạt nặng mùi, hai đầu gối đụng vào anh, giống như khi hai người ngồi gần bên nhau trên khoảng sân trước căn lều của nàng, và sau đó trên chiếc chõng tre dưới bóng cây cạnh bờ sông. Một va chạm khẽ khàng từ một người nữ thèm cảm giác hồn nhiên của thân xác. Cô đã sống giữa những người Ipicas trong mười một năm, và tình trạng khỏa thân của họ tạo một khoảng cách giữa họ và bất kì con người văn minh nào. Chỉ ôm thôi cũng đã thấy rắc rối. Ôm vào chỗ nào? Vỗ vào chỗ nào? Siết trong bao lâu? Chắc chắn cô nàng chưa hề va chạm với một người đàn ông nào.
Anh muốn hôn cô, chỉ trên má thôi, vì rõ ràng cô đã qua bao nhiêu năm mà không hề nhận được một cử chỉ âu yếm như thế.
“Nụ hôn sau cùng của cô là lúc nào, hở Rachel?”. Anh muốn hỏi cô như vậy. “Cô đã từng yêu. Đến mức độ nào?”
Nhưng anh vẫn giữ những câu hỏi đó trong lòng và thay vào đó họ chỉ nói chuyện về những người mà họ chưa từng biết, những chuyện chẳng đâu vào đâu.
Chàng xoa đầu gối nàng và hình như nàng có vẻ chịu. Nhưng chàng không tiến xa hơn. Gạ gẫm chuyện liên hệ xác thịt với một nhà truyền giáo là điều tội lỗi.
Nàng ở đó, canh giữ cho chàng khỏi tay thần chết. Nàng đã từng chống chọi thành công với bệnh sốt rét đến hai lần. Những cơn sốt dâng cao rồi hạ xuống, cơn ớn lạnh ùa đến như những tảng nước đá để lên lưng, lên ngực, lên bụng, rồi lại biến đi. Cơn buồn nôn đến từng chập như những đợt sóng. Rồi chẳng có gì trong hàng giờ. Nàng vỗ vào cánh tay chàng và trấn an là chàng sẽ chẳng chết đâu. Nàng nói với mọi người điều đó, chàng nghĩ. Tử thần ơi, ta vẫn chờ ngươi, Vẫn chờ ngươi...
Chàng ngưng xoa gối nàng, mở mắt để nhìn Rachel nhưng… nàng biến mất tiêu!
Jevy nghe cơn mê sảng đến hai lần. Mỗi lần như vậy anh dừng xuồng và kéo tấm vải bạt khỏi Nate, dấp nước vào miệng anh ta và rẩy nước qua mái tóc đẫm mồ hôi của anh ta.
- Chúng ta gần đến nơi rồi, - anh lặp đi lặp lại. - Gần đến rồi.
Những ánh đèn đầu tiên từ Crumbá rọi đến làm anh mừng đến ứa nước mắt. Anh đã từng thấy cùng những ánh đèn ấy bao nhiêu lần rồi khi trở về từ những chuyến du hành đến Pantanal, nhưng chưa bao giờ anh mừng rỡ đến thế. Những ánh đèn nhấp nháy trên đồi, ở xa xa. Anh đếm cho cho đến khi chúng hòa nhập vào nhau thành một quầng sáng.
Gần 11h đêm khi anh nhảy xuống nước nông và kéo chiếc xuồng vào ke tàu. Bến cảng vắng tanh. Anh chạy lên đồi, đến trạm điện thoại công cộng.
Valdir đang mặc đồ Pyjama ngồi xem tivi, hút điều thuốc cuối cùng trong đêm và lờ đi bà vợ xấu tính trái nết, thì chuông điện thoại reo. Ông trả lời điện thoại mà chưa đứng lên, rồi đột ngột nhảy đi.
- Cái gì vậy? - bà vợ hỏi khi ông chạy vào phòng ngủ.
- Jevy trở về. - Ông ngoái lại trả lời.
- Jevy là ai vậy?
- Tôi phải đến bờ sông gấp.
Bà vợ ngơ ngác chẳng hiểu gì.
Lái xe chạy qua thành phố, ông ghé vào gọi một người bạn bác sĩ cùng đi theo, ông này vừa mới vào giường ngủ và hứa sẽ đến gặp họ ở bệnh viện.
Jevy đang đi bộ dọc theo bến tàu. Ông Mỹ ngồi trên một tảng đá, đầu gục lên gối. Không một lời, họ nhẹ nhàng dìu Nate vào băng sau xe, rồi phóng đi, sỏi đá văng ra lộp bộp đằng sau.
Valdir có quá nhiều câu hỏi khiến ông không còn biết nên bắt đầu từ đâu. Những lời nặng kí tạm thời gác lại để sau.
- Ông ấy bị bệnh lúc nào?
Ông hỏi bằng tiếng Bồ. Jevy ngồi sát ông dụi mắt, cố tỉnh thức, đầu óc anh đã đờ ra, buồn ngủ đến rã rời.
- Tôi không biết, - anh nói. - Tôi không còn phân biệt được ngày nào. Đó là sốt xuất huyết. Vết sần đỏ nổi lên đã hai ngày nay. Tôi không nhớ rõ lắm.
Cô điều dưỡng thực hiện một số những chăm sóc ban đầu cho Nate rồi cô kéo một cái áo choàng màu vàng từ hộc tủ ra, mặc vào cho anh.
Bác sĩ đo thân nhiệt anh lần nữa.
- Cơn sốt sẽ bắt đầu giảm trong giây lát, - ông nói với cô điều dưỡng. - Nếu không, thì gọi cho tôi ở nhà. - Ông liếc nhìn đồng hồ.
- Cám ơn anh nhiều, - Valdir nói.
- Tôi sẽ khám lại anh ta sớm mai, - Bác sĩ nói và để họ ở lại đó.
Jevy sống ở vùng ngoại ô với những dãy nhà lụp xụp, những con đường không tráng nhựa. Anh ta ngủ gục đến hai lần trong lúc Valdir đưa anh về nhà.
* * *
Bà Stafford đang mua sắm đồ cổ ở Luân Đôn. Điện thoại reo hàng chục lần trước khi Josh bắt máy. Lúc đó là 1 giờ 20 sáng.
- Valdir nói đây, - giọng bên kia thông báo.
- A, Valdir đấy à. - Josh cào tóc và chớp mắt. - Hay quá, chắc có tin lành?
- Người của anh đã trở về.
- Tạ ơn trời!
- Tuy nhiên anh ta ốm nặng.
- Sao! anh ta làm sao vậy?
- Anh ta bị sốt xuất huyết. do muỗi truyền bệnh. Chuyện bình thường ở đây.
- Tôi nghĩ anh ta có mang theo đủ những loại thuốc men cần thiết mà.
- Nhưng lại không mang theo thuốc sốt xuất huyết.
- Anh ta sẽ không chết chứ?
- Ồ không đâu. Anh ta đang ở trong bệnh viện. Tôi có ông bác sĩ bạn thân đang chăm sóc cho anh ta. Ông ấy nói anh ta sẽ lành bệnh.
- Khi nào tôi có thể nói chuyện với anh ta được?
- Có thể ngày mai. Anh ta đang sốt cao và còn mê man.
- Anh ta có gặp được cô ấy?
- Có.
Thế là tốt, Josh nghĩ. Ông thở phào nhẹ nhõm và ngồi trên giường. Như vậy, quả thực là cô ta ở đó.
- Cho tôi số phòng của anh ta.
- À, họ không có điện thoại riêng cho từng phòng.
- Một phòng riêng phải không? Cố lên, Valdir tiền bạc không thành vấn đề ở đây. Ráng lo liệu cho anh ấy.
- Anh ấy đang được chăm sóc kĩ. Có điều bệnh viện ở đây không được tiện nghi, hiện đại như ở xứ ông.
- Tôi có nên đến đó không?
- Nếu ông muốn. Nhưng không cần thiết. Không có bệnh viện nào tốt hơn. Nhưng ông bác sĩ này rất giỏi.
- Anh ta sẽ phải ở đó bao lâu?
- Vài ngày nữa. Sáng mai chúng tôi sẽ biết rõ hơn.
- Gọi cho tôi sớm nhé, Valdir. Tôi cần lắm đó. Tôi nóng lòng muốn nói chuyện với anh ấy càng sớm càng tốt.
- Vâng, tôi sẽ gọi cho ông sớm.
Josh đi vào nhà bếp lấy nước đá uống. Rồi ông đi tới đi lui trong phòng mình. Đến ba giờ, gan ruột vẫn cồn cào không sao ngủ lại được nữa, ông chế một bình cà phê thật đậm và mang vào văn phòng của mình ở tầng hầm.
Đối với ông Mỹ giàu có kia, họ không phải lo về tiền bạc. Nate được tiêm những loại thuốc tốt nhất có ở các hiệu thuốc. Cơn sốt hạ xuống một chút, mồ hôi ngưng đổ. Đau đớn biến đi hẳn nhờ những liều thuốc tốt nhất nhập từ Mỹ, Anh ngáy khò khò khi cô điều dưỡng và một y công đẩy anh trên xe lăn về phòng, hai giờ sau khi anh đến đây.
Anh sẽ phải nằm chung với năm bệnh nhân khác trong phòng, đêm nay. Cũng may là mắt anh bị băng lại và anh đang hôn mê. Nên anh không phải chứng kiến những cơn co giật quằn quại đau đớn của ông già nằm cạnh anh, những bệnh nhân khác gần như đã mất sự sống quanh anh, không phải ngừi mùi xú uế toát ra từ họ.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét