Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Bản chúc thư - Ch 14

Bản chúc thư

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Phan Quang Định
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2/2011

Chương 14

Điện thoại reo, đánh thức Nate dậy nhưng phải mất một lát anh mới với tới ống nghe. Mấy lon bia không đủ tạo hiệu ứng gây váng vất - ngoài cảm thức phạm tội… chút chút - những hồi ức về cuộc phiêu lưu trên chiếc Cessna còn tươi rói đã khuấy động tâm trí anh. Cổ, vai và ngực anh còn bầm tím - những hàng vết bầm do các dây đai siết giữ anh lại chỗ lúc máy bay đâm xuống đất. Ít nhất cũng có hai cục u trên đầu anh từ mấy lần động đầu lên trần cabin. Hai đầu gối anh nhiều lần đập mạnh vào phía sau ghế ngồi của phi công - lúc đầu anh nghĩ chỉ xây xát nhẹ thôi, nhưng tính nghiêm trọng, qua một đêm, càng tăng thêm. Hai cánh tay và cổ của anh da rộp lên vì cháy nắng.
- Chúc Giáng Sinh vui vẻ, - một giọng nói chào anh. Đó là Valdir, và lúc đó khoảng chín giờ sáng.
- Cám ơn, - Nate đáp. - Chúc anh cũng vui vẻ.
- Vâng. Anh thấy sao?
- Tốt. Cám ơn.
- À, này, Jevy gọi tôi đêm qua và kể lại chuyện chuyến bay. Gã Milton quả là điên mới bay vào trong cơn bão. Tôi sẽ không bao giờ xài lại hắn nữa.
- Chắc tôi cũng thế.
- Anh bình yên chứ?
- Vâng.
- Anh cần bác sĩ không?
- Không.
- Jevy nói cậu ta nghĩ anh không sao.
- Vâng, không sao. Chỉ hơi ê ẩm thôi.
Một khoảng lặng nhẹ rồi Valdir sang số.
- Chiều nay chúng tôi tổ chức một party nhỏ mừng Giáng Sinh tại nhà. Chỉ có gia đình và vài ba bạn thân thôi. Anh có vui lòng đến dự cùng chúng tôi không?
Có chút gì cứng cỏi trong lời mời. Nate không thể đoán được là chỉ vì Valdir cố tỏ ra lịch sự, hay chỉ là vấn đề ngôn ngữ và giọng nói.
- Ồ, anh chu đáo quá, - Nate nói. - Nhưng rất tiếc, tôi còn phải dành toàn bộ thời gian để đọc gấp một số tài liệu.
- Vậy sao?
- Vâng. Dầu sao cũng cám ơn thịnh tình.
- Được thôi. Tôi có tin hay cho anh đây. Tôi đã xoay xở thuê được chiếc thuyền. Sau buổi party, thì đi đến chiếc thuyền cũng không lâu lắm đâu.
- Tốt. Lúc nào tôi đi?
- Có lẽ ngày mai. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Jevy biết chiếc thuyền ấy.
- Tôi hơi ngại khi đi trên sông. Nhất là buổi chiều.
Thế là Valdir lao vào một cuộc kể lể dông dài về việc ông ta phải thương lượng gay go như thế nào với người chủ thuyền, một tay thành thạo, uy tín, lúc đầu đã đòi đến cả ngàn real một tuần. Cuối cùng họ đã ngã giá sáu trăm. Nate nghe nhưng không bận tâm làm gì. Gia tài của Phelan sẽ thu xếp hết.
Valdir nói tạm biệt và lặp lại lời chào Giáng Sinh.
Đôi giày Nike vẫn còn ướt nhưng anh cứ mang cùng với quần short và áo T-shirt. Anh sẽ cố chạy bộ, nhưng nếu bất tiện thì đi bộ cũng được. Anh cần vận động và không khí trong lành. Đi chậm rãi trong phòng, anh thấy mấy lon bia không ném trong giỏ rác.
Chuyện đó tính sau. Đây không phải là sự trượt ngã và sẽ chẳng đưa đến sụp đổ. Cả cuộc đời anh đã lóe lên như một ánh chớp trong ngày hôm qua và chuyện đó đã làm thay đổi nhiều tư duy của anh. Suýt nữa anh có thể đã toi đời. Giờ đây mỗi ngày được sống là một tặng phẩm mới, mỗi khoảnh khắc cần được thưởng thức trọn vẹn. Tại sao không hưởng thụ đôi chút lạc thú ở đời? Một chút rượu bia thôi, không dùng chất kích thích nào mạnh hơn, ma túy chắc chắn là không.
Một lời biện hộ quen thuộc hay một lời nói dối hào nhoáng với một chút màu sắc triết lý làm dáng?
Anh uống hai viên Tylenol và thoa kem chống nắng lên những khoảng da trần. Nơi phòng khách lớn, một “sô” về Giáng Sinh đang được chiếu trên tivi nhưng không ai xem, chẳng có ai ở đó. Một phụ nữ trẻ ngồi sau quầy cười chào anh. Cái nóng nặng nề ngột ngạt ùa vào qua những cửa kính mở ra. Nate đứng lại để uống nhanh một ly cà phê đen nhỏ. Chiếc bình thủy để trên quầy, những chiếc ly giấy nhỏ xíu sắp ngay ngắn bên cạnh, để chờ bất kỳ ai muốn nghỉ ngơi và thưởng thức một ly cafezinho.
Uống liền hai cốc, và anh đổ mồ hôi trước khi rời phòng khách. Bước ra vỉa hè, anh thử vận động nhưng các cơ bắp đau nhức và các khớp như bị khóa cứng. Cuộc thử thách không dữ dội lắm nhưng âm thầm kềm hãm động năng của anh.
Nhưng không ai nhìn anh. Các cửa hiệu đều đóng kín và đường phố vắng bóng người. Sau hai dãy phố, áo anh ướt đẫm, dính sát vào lưng. Anh đang tập luyện trong phòng tắm hơi mà.
Đại lộ Rondon là con đường trải nhựa cuối cùng dọc theo dải đất cao bên trên sông. Anh đi theo hè phố một khoảng dài đến gần đó, vận động nhẹ nhờ các cơ bắp có chùng giãn ra đôi chút và các khớp hết bị trặc vẹo. Anh gặp lại cái công viên nhỏ mà anh từng dừng chân hai ngày trước đây, hai mươi ba tháng mười hai, khi đám đông tụ tập nghe nhạc lễ và hát thánh ca. Một số ghế xếp vẫn còn đó. Đôi chân anh cần nghỉ ngơi. Anh ngồi vào cái bàn dã ngoại hôm trước và nhìn quanh quất tìm thằng bé ghẻ chốc đã gạ bán ma túy cho anh.
Nhưng không một bóng người. Anh xoa nhẹ đầu gối và ngắm cảnh Pantanal trải dài trước mắt xa tít tắp đến tận chân trời. Nỗi phiền muộn huy hoàng. Anh nghĩ đến những đứa trẻ - Luis, Oli và Tomas - những chú bạn nhỏ với mười real trong túi mà không có cách nào để tiêu những đồng tiền đó. Lễ Giáng Sinh chẳng có nghĩa gì với chúng, ngày nào cũng vậy thôi.
Ở một nơi nào đó trong vùng đầm lầy mênh mông trước mặt anh đang ngồi đây, có nàng Rachel Lane, hiện đang là một tôi tớ khiêm cung của Chúa, nhưng sắp trở thành người phụ nữ giàu nhất trên trái đất này. Nếu thực sự anh tìm gặp được cô ta, rồi ra cô sẽ phản ứng như thế nào trước cái tin cô sắp làm chủ một gia tài khổng lồ? Cô sẽ phản ứng như thế nào khi gặp anh, một luật sư Mỹ tìm cách kéo cô về với đời thường?
Những câu trả lời khả hữu làm anh thấy bất an.
Lần đầu tiên, Nate có ý nghĩ, xét cho cùng, có lẽ lão Troy điên thật. Liệu một đầu óc sáng suốt, có lý tính lành mạnh lại có thể đem mười một tỉ đôla cho một người chẳng hề thiết tha đến tiền của? Một nhân vật đã tự xóa mình đi dưới lớp áo nữ tu sĩ, chẳng ai biết đến, kể cả người đã ký bản chúc thư viết tay để lại gia tài cho cô ta? Hành vi này có vẻ gàn dở, và đối với Nate giờ đây đang ngồi ngay trên vùng Pantanal nhìn vẻ hoang vu bạt ngàn của miền nê địa mênh mông, cách xa quê nhà hơn ba ngàn dặm, thì hình vi đó của lão tỉ phú ngạo đời càng lộ rõ tính… khùng điên.
Về nhân vật Rachel người ta chẳng biết được mấy. Mẹ cô ta, Evelyn Cunningham vốn là một thiếu nữ gốc dân Da đỏ, sinh trưởng ở một thị trấn nhỏ - Delhi - bang Louisiana. Năm mười chín tuổi cô đến thành phố Baton Rouge tìm việc làm, nhận chân thư ký cho một công ty thăm dò, khai thác dầu khí. Troy Phelan làm chủ công ty đó, và trong một cuộc thị sát thường lệ của ông ta, từ New York bay về Baton Rouge, ông “chấm” nàng Evelyn. Tất nhiên là nàng đẹp rồi, mà đặc biệt là nét đẹp ngây thơ hồn nhiên còn mang chất hoang dã hoa đồng cỏ nội của một thiếu nữ thổ dân. Như con diều hâu xớt mồi, Troy vồ lấy nàng nhanh như chớp và chỉ trong vài tháng, Evelyn “tự thấy mình”… có mang. Đó là vào mùa xuân năm 1954.
Tháng Mười một năm đó, bộ phận “an ninh nội chính” của Troy thu xếp cho Evelyn được vào nằm ở Bệnh viện Cơ đốc ở New Orleans và bé Rachel chào đời ngày mồng hai, nhưng bà mẹ Evelyn chẳng bao giờ được thấy mặt con mình.
Với một bầy luật sư và vô số tiền bạc dư sức đâm toạc mọi sách luật, Troy thu xếp cho vợ chồng một mục sư nhận Rachel làm con nuôi, ở Kalispell, Montana. Ông ta đang mua các mỏ đồng và kẽm ở bang này và có quan hệ với các nhân vật quyền thế địa phương, qua các công ty của mình tại đó. Cha mẹ nuôi của Rachel không hề biết gì về lí lịch của đứa con nuôi.
Evelyn lúc đầu cũng chẳng tha thiết gì với đứa con bất đắc dĩ, cũng chẳng muốn dây dưa với Phelan nữa. Cô nhận mười ngàn đôla và quay về Delhi, nơi đó những lời đồn râm ran về sự hư thân thất tiết đang chờ đợi nàng. Cô về ở với cha mẹ, và họ nhẫn nhục chờ cho cơn dông tố sẽ qua đi. Nhưng không - cơn bão dông đàm tiếu của dư luận cứ kéo dài. Nét độc ác tiêu biểu đó của cuộc sống tỉnh lẻ làm Evelyn thấy mình bị khai trừ khỏi cộng đồng. Nàng ít khi rời khỏi nhà và với thời gian, càng sống ẩn mình hơn, trong bóng tối của căn phòng riêng. Tại đó, trong bóng mờ của thế giới nhỏ riêng tư. Evelyn bắt đầu cảm thấy nỗi day dứt của tình mẫu tử.
Nàng viết bao lá thư cho Troy, mà chẳng nhận được hồi âm. Một thư ký đã cất giấu kỹ những bức thư đó. Hai tuần sau vụ tự tử, một phụ tá của Josh tìm thấy chúng được giấu trong đống văn kiện mật của Troy, nơi phòng riêng của ông ta.
Năm tháng trôi qua, Evelyn còn chìm sâu hơn trong vực nước mắt sầu muộn của nàng. Lời đàm tiếu thưa thớt dần nhưng không dứt hẳn. Sự xuất hiện của cha mẹ nàng ở nhà thờ hay ở bất cứ nơi nào cũng kéo theo những cái nhìn dè bỉu, những lời biếm nhẽ thầm thì, và cuối cùng họ cũng ẩn mình luôn.
Evelyn tự tử vào ngày mồng hai tháng Mười một năm 1959, đúng sinh nhật lần thứ năm của Rachel. Nàng lái xe ra vùng ngoại ô thành phố và nhảy từ trên cầu xuống dòng sông sâu nước xoáy bên dưới.
Những dòng cáo phó và câu chuyện về cái chết của nàng trong tờ báo địa phương rồi cũng tìm đường đến được văn phòng của Troy ở New Jersey, nhưng đều bị yểm đi.
Về thời thơ ấu của Rachel, người ta cũng chẳng biết được mấy. Ông bà mục sư Lane dời chỗ ở hai lần, từ Kalispell tới Butte, rồi từ Butte tới Helena. Ông chết vì bệnh ung thư năm Rachel mới mười bảy tuổi. Nàng là con một.
Vì những lý do mà không ai, ngoại trừ chính Troy, có thể giải thích, ông đã quyết định để mắt lại tới cuộc đời của hòn máu rơi, lúc nàng vừa tốt nghiệp Tú tài. Có lẽ ông cảm thấy có lỗi. Có lẽ ông lo lắng về chuyện lên Đại học của đứa con gái lạc loài, sợ cô không có tiền để theo đuổi việc học. Rachel biết mình là con nuôi của ông bà mục sư nhưng không tỏ ra quan tâm tìm biết cha mẹ ruột mình là ai.
Chi tiết thì không biết được, nhưng Troy thỉnh thoảng có gặp Rachel trong mùa hè năm 1972. Bốn năm sau, cô tốt nghiệp Đại học Montana. Rồi những khoảng trống xuất hiện sau đó, những khoảng trống lớn trong lí lịch đời cô mà không cuộc điều tra nào có khả năng lấp đầy.
Nate nghĩ rằng chỉ có hai người có thể cung cấp tài liệu chính xác về mối quan hệ. Một người đã chết, người còn lại đang sống như một thổ dân Da đỏ, ở đâu đó trên bờ của một trong hàng ngàn con sông chằng chịt trên vùng sình lầy mênh mông này.
Anh cố chạy hết một dãy phố nhưng phải dừng vì đau. Đi bộ cũng đã thấy khó khăn. Hai chiếc xe hơi chạy qua, mấy người trên xe có vẻ hào hứng. Tiếng gầm rú nhanh chóng đến gần từ phía sau, sát anh trước khi anh kịp phản ứng. Jevy đạp thắng sát lề đường. “Bom dia”, cậu ta kêu lên át cả tiếng máy xe.
Nate gật đầu chào lại, “Bom dia”.
Jevy tắt máy xe.
- Ông thấy sao?
- Đau ê ẩm. Còn anh?
- Không sao. Cô tiếp tân nói ông đang chạy bộ. Thôi, lên xe tôi đưa dạo phố một vòng.
Nate thích chạy bộ mà bị đau còn hơn ngồi xe với Jevy, nhưng giờ này xe cộ ít và đường phố an toàn hơn.
Họ lái xe đi qua khu phố trung tâm, tay tài xế vẫn hoàn toàn phớt lờ mọi tín hiệu giao thông. Jevy chẳng thèm nhìn quanh những lúc phóng qua các giao lộ.
- Tôi muốn ông xem chiếc thuyền. - Jevy nói. Nếu cậu ta bị đau, cậu ta cũng không hề lộ ra. Nate chỉ gật đầu.
Có một bến thuyền ở phía đông thị xã, dưới chân mõm đất cao, tại một tiểu đảo mà nước chung quanh đầy dầu nhớt. Một dãy thuyền sắp dài trên sông - có cái đã cũ ký hàng thập kỷ, cái khác thì ít khi được dùng tới. Có hai chiếc thấy rõ là thuyền chở súc vật với thiết kế giống các chuồng ngăn bằng gỗ.
- Đây rồi, - Jevy vừa nói vừa chỉ tay về hướng con sông. Họ đậu xe trên đường và đi bộ xuống bờ sông. Có một số thuyền câu nhỏ, chủ của chúng không biết đi đâu. Jevy gọi hai người trong bọn họ và họ đáp lại với vẻ hài hước.
- Bố tôi là một thuyền trưởng, - Jevy giải thích. - Tôi đến đây hàng ngày.
- Bây giờ ông ở đâu? - Nate hỏi.
- Ông chết chìm trong một trận bão.
Hay đấy nhỉ, Nate nghĩ. Các trận bão chộp bắt cả hai bố con cậu ta, cả trên không lẫn dưới nước.
Một mảnh ván ép bắt qua làn nước bẩn và dẫn xuống chiếc thuyền. Họ dừng ở mép sông để nhìn chiếc thuyền mang tên Santa Loura.
- Ông thích nó không? - Jevy hỏi.
- Tôi cũng không biết nữa, - Nate trả lời. Tất nhiên là nó trông lịch sự hơn chiếc thuyền chở gia súc. Có người đang đóng búa đàng sau thuyền.
Chiếc thuyền chí ít cũng dài sáu mươi bộ với hai boong và một cầu ở trên cùng các bậc thang. Lớn hơn Nate mong đợi.
- Chỉ có tôi thôi, phải không? - anh hỏi.
- Đúng vậy.
- Không có hành khách nào khác?
- Không. Chỉ có ông, tôi và người lái tàu kiêm nấu bếp.
- Anh ta tên gì?
- Welly.
Họ bước qua mảnh ván ép. Chiếc thuyền hơi chìm xuống một chút lúc họ nhảy vào. Trên thuyền lổn ngổn mấy thùng dầu diesel và nước ngọt. Họ đi vào cabin có trải mấy miếng nệm mỏng trên sàn. Trần thấp, cửa sổ đóng, không có máy điều hòa. Cabin tàu đúng là một cái lò hấp bánh.
- Có quạt máy, - Jevy nói, đọc được ý nghĩ của Nate. - Với lại khi tàu chạy, sẽ mát hơn nhiều.
Điều này hơi khó tin. Trong phòng máy một người đàn ông ở trần, mồ hôi nhễ nhại và nhìn trừng trừng cái clet trong tay như thể nó đã xúc phạm anh ta.
Jevy quen anh chàng đó, chào anh ta và bông lơn mấy câu. Nate lùi về phía sau và thấy một chiếc thuyền nhỏ bằng nhôm, được buộc vào đằng đuôi chiếc Santa Loura. Nó có mấy bàn đạp và một máy nổ cặp hông sau, và Nate bỗng nhiên tưởng tượng ra cảnh anh và Jevy cùng ngồi đạp chiếc thuyền, băng qua những vũng nước nóng, lướt trên cỏ dại và các cành cây mục, lách tránh mấy con cá sấu…
Cuộc phiêu lưu lớn dần trong đầu anh.
Jevy cười phá lên và sự căng thẳng chùng xuống. Cậu ta đi về phía đuôi thuyền và nói.
- Anh ta cần một cái bơm dầu. Nhưng hôm nay các tiệm đều đóng cửa.
- Thế ngày mai thì sao? - Nate hỏi.
- Không có vấn đề gì.
- Chiếc xuồng nhỏ này để làm gì?
- Nhiều việc lắm.
Họ trèo lên mấy bậc thang rỉ sét đi đến cầu tàu, ở đó Jevy khảo sát cần lái và máy móc. Đàng sau cầu tàu là một phòng nhỏ với hai tấm nệm. Jevy và anh chàng kia sẽ thay phiên nhau ngủ ở đó. Xa hơn sau đó là một boong, khoảng mười lăm bộ vuông, được che bằng một vòm bạt xanh dương. Một chiếc võng có vẻ tiện nghi được móc theo chiều dài của boong tàu, làm Nate chú ý đến ngay.
- Dành cho ông đó, - Jevy vừa nói vừa cười. - Ông sẽ có khối thì giờ để đọc và ngủ.
- Tuyệt quá, - Nate nói.
- Chiếc thuyền này thỉnh thoảng cũng phục vụ du khách, thường là người Đức, họ muốn khảo sát vùng Pantanal.
- Anh đã từng làm hoa tiêu trên tàu này?
- Vâng, nhiều năm trước đây. Ông chủ không được vui tính cho lắm.
Nate cẩn thận ngồi vào chiếc võng, đung đưa đôi chân bị thương mấy vòng cho đến khi cảm thấy hoàn toàn thích nghi. Jevy đưa mạnh chiếc võng một phát rồi đi nói chuyện với anh chàng thợ máy trên tàu.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét