Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Bản chúc thư - Ch 22

Bản chúc thư

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Phan Quang Định
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2/2011

Chương 22

Nước sông dâng lên, rút xuống theo chế độ bán nhật triều, dần dà rời bờ ở một vài nơi, nuốt những cồn cát, dâng cao lên những tán cây rậm, ngập lụt một vài khoảng sân vuông nhỏ đầy bùn của những căn nhà mà cỡ vài ba giờ họ mới thấy bóng dáng một căn. Dòng sông càng lúc càng mang thêm nhiều vật trôi nổi - cỏ dại, lá vàng, cành khô, củi mục v.v… Sông càng mở rộng ra lại càng mạnh hơn và những dòng nước chạy đập vào thuyền làm cho nó càng tiến chậm hơn.
Nhưng chẳng ai nhìn đồng hồ. Nate đã được lịch sự yêu cầu rời khỏi nhiệm vụ thuyền trưởng sau khi chiếc Santa Loura bị nghẽn vào một thân cây ngầm nằm trên đường đi mà anh ta không thấy kịp. Không thiệt hại gì, nhưng cú xóc khiến Jevy và Welly đập đầu vào buồng lái. Anh quay về phòng nhỏ riêng cho mình với chiếc võng giăng ngang ở giữa và tại đó, suốt buổi sáng, anh hết đọc lại ngắm cảnh đời sống hoang dã.
Jevy đến để cùng uống cà phê với anh.
- Giờ ông nghĩ sao về vùng Pantanal? - cậu ta hỏi. Họ ngồi gần bên nhau trên một chiếc ghế dài, tì tay lên thanh ngang vịn và thõng chân trần đong đưa bên mạn thuyền.
- Một cảnh mênh mông hùng vĩ đấy.
- Ông biết bang Colorado?
- Vâng, tôi đã từng ở đó.
- Trong mùa mưa, các con sông ở Pantanal dâng tràn. Vùng bị ngập sẽ có diện tích bằng bang Colorado.
- Còn cậu đã từng đến Colorado chưa?
- Vâng, tôi có người anh em họ ở đó.
- Ngoài ra cậu còn đến những nơi nào khác ở Mỹ?
- Ba năm trước đây, ông anh họ và tôi cùng lái một chiếc xe buýt lớn - chiếc Greyhound - đi qua khắp nước Mỹ. Chúng tôi đã qua gần hết mọi bang, trừ có sáu bang.
Jevy là một thanh niên nghèo của xứ Brazil, mới hai mươi bốn tuổi. Nate gấp đôi tuổi cậu ta, và thường có đầy tiền. Thế mà Jevy đã tham quan nước Mỹ còn nhiều hơn Nate.
Tuy nhiên, những lúc có tiền nhiều Nate luôn luôn đi du lịch châu Âu. Những nhà hàng anh thích nhất là ở Rome và Paris.
- Khi hết các cơn lũ, - Jevy nói tiếp, - chúng ta lại vào mùa khô. Bãi cỏ, đầm lầy, hồ nước, vùng đất sình đếm không hết. Cái chu kì thời tiết hết mùa lũ lại đến mùa khô đó đã sản sinh và nuôi dưỡng một đời sống hoang dã phong phú hơn bất cứ nơi nào trên địa cầu. Nơi đây có sáu trăm năm mươi chủng loại chim, hơn cả ở Canada và Mỹ gộp lại. Và ít ra là khoảng hai trăm sáu mươi chủng loại cá. Trăn, rắn, cá sấu, và cả loại rái cá khổng lồ sống trong nước.
Vừa lúc ấy cậu ta chỉ tay vào một bụi cây ở bìa rừng.
- Nhìn kìa, một con nai, - cậu ta nói. - Ở đây, nai vô số. Và vô số báo, heo vòi, vẹt đuôi dài, khỉ, vượn v.v… Pantanal tràn đầy động vật hoang dã.
- Cậu sinh ra ở đây?
- Tôi ra đời tại một bệnh viện ở Corumbá nhưng sống với những con sông này từ thuở ấu thơ. Đây là nhà tôi.
- Cậu đã nói với tôi rằng bố cậu là một hoa tiêu đường sông?
- Vâng, khi tôi hãy còn là một đứa bé, tôi đã bắt đầu đi tàu với ông. Sáng sớm, khi mọi người còn ngủ ông cho phép tôi lái tàu. Tôi đã biết tất cả con sông chính ở vùng này khi tôi mới lên mười.
- Và bố cậu đã chết trên sông.
- Không phải sông này, mà trên sông Taquiri, ở phía đông. Lúc đó ông đang lái một chiếc thuyền chở du khách Đức thì bị một cơn bão lớn quật đắm thuyền. Chỉ còn mỗi một thủy thủ sống sót.
- Chuyện ấy xảy ra bao lâu rồi?
- Năm năm trước đây.
Luôn luôn là một luật sư của các vụ kiện tụng, Nate có cả hàng tá câu hỏi nữa về sự cố. Anh muốn nắm rõ các chi tiết - những chi tiết giúp người ta thắng kiện. Nhưng anh nói: “Tôi xin lỗi” và để câu chuyện diễn tiến tự nhiên.
- Họ muốn phá hủy vùng Pantanal, - Jevy nói.
- Họ là ai?
- Nhiều loại người lắm. Những công ty lớn sở hữu những trang trại lớn. Họ đang khai quang nhiều vùng đất rộng, về hướng bắc và hướng đông của Pantanal, để lập các trang trại. Thu hoạch chính là đậu nành. Họ muốn xuất khẩu mặt hàng nông sản này. Họ càng khai quang rừng thì càng phá vỡ thế cân bằng sinh thái của vùng Pantanal. Các lớp trầm tích mỗi năm càng dày lên trên các đáy sông. Thổ nhưỡng của các trang trại không được phì nhiêu lắm, thế là các công ty dùng rất nhiều thuốc xịt và phân bón để tăng sản lượng các vụ mùa. Thế là chúng tôi phải hứng chịu các hóa chất. Nhiều trang trại lớn xẻ các dòng sông để tạo nên những bãi chăn thả gia súc mới. Điều này làm đảo lộn chu kì lũ. Còn thủy ngân đang giết dần các loài cá của chúng tôi.
- Làm thế nào mà thủy ngân lại đến nơi đây?
- Khai thác khoáng sản. Về hướng bắc, họ đang khai thác vàng bằng cách dùng thủy ngân. Thủy ngân thải ra chảy xuống sông, các con sông cuối cùng đều chảy về vùng Pantanal. Cá bị nhiễm độc thủy ngân và chết. Mọi thứ phế thải đổ dồn về Pantanal. Corumbá là một thành phố có cả triệu dân ở phía đông, nhưng không có hệ thống xử lí chất thải. Ông cũng đoán được là hệ thống thoát nước bẩn và chất thải của nó đưa về đâu.
- Chính quyền không làm gì để cải thiện sao?
Jevy cười cay đắng:
- Ông có nghe nói về dự án Hidrovia?
- Không.
- Đó là một con kênh lớn, cắt ngang vùng Pantanal. Theo dự tính, nó sẽ nối liền Brazil, Bolivia, Paraguay, Argentina và Uruguay. Nó được coi là sẽ cứu cho Nam Mỹ. Nhưng nó sẽ rút hết nước vùng Pantanal. Và chính quyền của chúng tôi đang hỗ trợ dự án đó.
Nate sắp sửa muốn nói điều gì đó về trách nhiệm đối với môi trường, rồi sực nhớ rằng đồng bào của mình chính là những kẻ tham lam năng lượng nhất thế giới.
- Dầu sao, Pantanal vẫn còn đẹp, - anh nói lảng ra.
- Vâng, - Jevy uống cạn ly cà phê. - Đôi khi tôi nghĩ vì nó quá rộng lớn nên họ chưa hủy hoại nổi.
Họ đi qua một tiểu đảo hẹp nơi đó có nhiều nước đổ vào sông Paraguay. Một đàn mấy con nai lội ngang dòng nước lũ, thong thả nhá mấy dây leo xanh, không để ý gì đến tiếng động từ dòng sông. Bảy con nai, hai con điểm lốm đốm màu nâu vàng nhạt.
- Vài giờ nữa chúng ta sẽ gặp một điểm buôn bán nhỏ, - Jevy nói. - Có lẽ chúng ta sẽ đến đó trước khi trời tối.
- Chúng ta sẽ mua sắm những gì?
- Chắc là không có gì, tôi đoán vậy. Chủ tiệm là Fernando, ông ta nghe mọi tin tức trên sông. Có thể ông ta biết đôi điều gì đó về các đoàn truyền giáo.
Jevy hắt cặn cà phê trong cốc xuống sông và duỗi hai tay ra.
- Đôi khi ông ta có bán bia Carveja.
Nate vẫn nhìn vào dòng nước.
- Tôi nghĩ chúng ta không nên mua gì. - Jevy nói và đi xa.
Vậy cũng tốt cho mình, Nate nghĩ. Anh uống cạn ly cà phê của mình, nhấm nháp cả những hạt đường ở đáy cốc.
Một chai bia màu nâu ướp lạnh, có lẽ là Antartica hay Brahma, hai hiệu bia mà anh đã chấm là tiêu biểu cho bia Brazil. Ngon tuyệt. Một nơi xưa kia anh thường lui tới là một quán dành cho sinh viên gần Georgetown với 120 hiệu bia ngoại trên bảng đồ uống. Anh đã thử đủ mọi loại. Uống bia với đậu phộng rang và bạn cứ việc xả vỏ đậu xuống sàn. Khi đám bạn bè trường Luật của anh gặp lại nhau ở thành phố đó, họ luôn luôn họp mặt ở chính quán đó để bù khú với nhau chuyện thời sinh viên. Bia mát lạnh thơm ngon, đậu phộng nóng giòn, bùi, thêm chút vị mặn của muối, sàn nhà lốp bốp có tiếng vỏ đậu khi bạn dẫm chân lên, còn các cô gái thì trẻ trung, tươi tắn và sẵn sàng cho bạn nếu bạn vừa mắt, hợp gu nàng. Nơi chốn ấy giờ này vẫn vậy và mỗi lần vào trung tâm cai nghiện, Nate lại nhớ đến cái lữ quán sinh viên đó nhất.
Anh bắt đầu đổ mồ hôi, dù lúc đó mặt trời đã lặn và một làn gió mát thổi hây hây. Anh vùi mình trong chiếc võng và kêu cầu giấc ngủ, một giấc ngủ hôn mê, nặng nề, giấc ngủ thật sâu để anh vượt qua được buổi hoàng hôn với những hoài niệm càng gợi ra bao tiếc nuối u buồn để đi vào đêm tối. Mồ hôi càng tuôn làm ướt đẫm cả áo. Anh bắt đầu đọc một quyển sách về sự lụi tàn của những thổ dân Da đỏ ở Brazil và cố gắng chìm dần vào giấc ngủ.
Anh bị đánh thức dậy khi máy tàu được hãm xuống và chiếc thuyền cặp sát vào bờ. Có tiếng nói lao xao rồi một và chạm nhẹ khi họ bỏ neo ở điểm mua bán. Nate chậm chạp rời khỏi võng và quay lại ngồi vào băng ghế.
Đó là một hàng quán ở chốn hẻo lánh, được dựng trên những cây cột đóng xuống nước, vách gỗ không sơn, mái tôn, và một khung cửa hẹp nơi đó mấy người dân địa phương đang ngồi hút thuốc, uống trà. Một con sông nhỏ hơn vòng phía sau nhà rồi khuất dần nơi xa xa. Một bồn chứa nhiên liệu lớn choán ngang một mé nhà.
Một cầu tàu mỏng mảnh xuống sông để neo thuyền. Jevy và Welly cẩn thận đi dọc theo cầu tàu vì nước bên dưới đang chảy xiết. Họ chào hỏi và tán gẫu năm ba câu với mấy pantaneiros rồi đi qua cửa.
Nate đã tỏ ý muốn ở lại trên tàu. Anh đi đến đầu boong phía kia, ngồi trên băng ghế đối diện, thòng tay và chân qua thanh chắn và nhìn toàn bộ độ rộng lớn của dòng sông trôi qua. Anh muốn ngồi trên boong, trên ghế, tay chân khóa vào thanh chắn. Dầu có chai bia mát lạnh hấp dẫn đến đâu cũng không thể lôi kéo anh ra khỏi nơi đây.
Một chuyến du lịch Brazil, nhất là trên các con sông, thật là đặc biệt đáng nhớ.
Jevy mua ba mươi gallon dầu diesel để thay thế cho lượng dầu bị mất trong cơn bão. Máy tàu lại khởi động.
- Fernando nói có một nhà truyền giáo nữ đang sống với người Da đỏ. - Jevy đưa cho anh một chai nước lạnh. Họ lại lên đường tiếp tục hành trình.
- Ở đâu vậy?
- Ông ta không chắc lắm. Về phía bắc, có vài khu định cư, gần biên giới Bolivia. Nhưng người Da đỏ không di chuyển trên sông, nên ông ấy cũng không biết gì nhiều về họ. Sáng mai chúng ta sẽ đến gần nơi đó. Nhưng chúng ta không thể đi bằng tàu này được mà phải dùng xuồng nhỏ.
- Coi bộ vui đấy.
- Ông còn nhớ Marco, người chủ trang trại có con bò bị máy bay chúng ta cán chết?
- Chắc chắn là nhớ. Ông ta có ba thằng nhóc.
- Đúng rồi. Hôm qua ông ấy đến đây, - Jevy nói vừa chỉ vào quán hàng đang khuất dần sau khúc sông cong. - Ông ấy đến đây mỗi tháng một lần.
- Mấy thằng nhóc có đi theo ông ta không?
- Không, cho con nít đi theo là nguy hiểm lắm.
Đúng là một thế giới khép kín. Nate hi vọng mấy chú nhóc tiêu được số tiền mà anh đã cho chúng vào dịp Giáng Sinh. Anh còn nhìn vào cái quán cho đến khi khỏi tầm nhìn.
Có lẽ khi quay về anh sẽ thấy khỏe và vui hơn để ghé quán đó và làm vài chai bia lạnh. Chỉ vài chai thôi để ăn mừng cuộc viễn chinh thành công. Anh lui về với sự an toàn của chiếc võng và tự rủa mình về sự yếu đuối vừa rồi. Trong chốn hoang vu của vùng đầm lầy mênh mông, anh đã tiếp cận với rượu và trong nhiều giờ liền tư tưởng của anh không còn nghĩ đến gì khác. Dự tưởng, sợ hãi, đổ mồ hôi và rồi kế hoạch để uống một chầu. Rồi đến gần, thoát ra, và bây giờ dư vị của hoang tưởng tái tạo khúc tình ca với rượu. Uống chút chút cũng tốt thôi bởi nó sẽ giúp anh ngưng lại quá trình ám ảnh. Đấy vẫn thường là lời nói dối hào nhoáng của anh.
Anh đúng là một tên nghiện rượu và nghiện ma túy khó mà chữa dứt. Bao nhiêu lần cai nghiện với phí tổn cả ngàn đô mỗi ngày, vậy mà kết quả vẫn cứ rất là tạm bợ, cơn tái nghiện vẫn cứ treo lơ lửng và sẽ chụp bắt anh lại bất cứ lúc nào.
Những cơn nghiện tóm bắt lấy anh và sự tuyệt vọng vây quanh Nate. Anh trả tiền cho chiếc thuyền này, Jevy làm việc cho anh. Nếu anh bảo họ quay lại cái quán đó, họ sẽ làm theo. Anh có thể mua tất cả số bia Fernando có, đem chất phía dưới boong, ướp đá, và nhâm nhi bia Brahma suốt trên đường đến Bolivia. Và chẳng có ai làm gì anh về chuyện này cả.
Như một ảo ảnh, Welly xuất hiện với một nụ cười và một ly cà phê đá.
- Mời ông, - cậu ta nói. - Tôi sắp dọn bữa ăn tối cho ông đây.
Thức ăn sẽ giúp ích nhiều, Nate nghĩ. Dù chỉ là một khẩu phần cơm đậu đen với gà luộc. Thức ăn sẽ thỏa mãn vị giác của anh, hoặc ít nhất cũng xua sự chú ý của anh khỏi những thèm thuồng khác.
Anh ăn chậm rãi, ở boong trên, một mình trong bóng đêm, vừa luôn tay xua muỗi khỏi mặt mình. Khi ăn xong, anh xịt thuốc chống muỗi từ cổ đến chân. Cú chộp bắt của cơn ghiền đã trượt qua, chỉ còn những dư chấn nhẹ còn vờn lấy anh. Anh không còn có thể thưởng thức bia hay ngửi mùi lạc rang từ quán sinh viên mình yêu thích nữa.
Anh lui về thánh đường của mình. Trời mưa trở lại, một cơn mưa lặng lẽ, không gió, không sấm. Josh đã gởi theo bốn quyển sách để anh đọc cho vui. Tất cả các bản tóm tắt và ghi chú đều đã được đọc đi đọc lại rồi. Không còn gì ngoài mấy quyển sách. Anh đã đọc được một nửa quyển sách dày nhất.
Anh cuộn mình trong chiếc võng và đọc tiếp quyển sử đau thương của người bản địa ở Brazil.
Khi nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Pedro Alvares Cabral lần đầu tiên đặt chân lên đất Brazil, trên bờ biển Bahia, vào tháng Tư năm 1500, cả xứ Brazil có khoảng năm triệu người Da đỏ, rải rác trong khoảng chín trăm bộ lạc. Họ nói 1.175 ngôn ngữ khác nhau, và trừ những vụ đụng độ nhỏ vẫn thường xảy ra giữa các bộ lạc, nói chung họ là những con người hiếu hòa.
Sau năm thế kỉ được “Khai hóa” bởi người Âu, số người bản địa đã giảm sút trầm trọng. Chỉ còn khoảng 270.000 người sống sót, trong 206 bộ lạc, sử dụng 170 ngôn ngữ. Chiến tranh, tàn sát, nô lệ hóa, chiếm đoạt đất đai, dịch bệnh - không có phương pháp diệt chủng nào mà những con người tự xưng là văn minh bỏ qua.
Thật là những trang sử đau thương, thảm khốc. Nếu người Da đỏ hiếu hòa và cố gắng hợp tác với bọn thực dân, thì họ sẽ nhiễm những chứng bệnh kì lạ: bệnh đậu mùa, ban đỏ, sốt vàng da, lao… mà họ không có cách nào để phòng vệ. Nếu họ không hợp tác, họ bị tàn sát bởi bọn người sử dụng những vũ khí tinh vi và hữu hiệu hơn cung tên và lao tẩm thuộc độc của họ nhiều. Khi họ chống trả và giết những kẻ tấn công họ, họ bị gán cho cái tên gọi là bọn man rợ.
Họ bị biến thành nô lệ bởi những công ty khai khoáng, đám chủ trang trại, chủ đồn điền cao su. Họ bị xua đuổi khỏi nơi ở của tổ tiên họ truyền lại từ bao đời bởi bất cứ nhóm nào có đủ súng đạn. Họ bị thiêu sống trên giàn hỏa bởi đám thầy tu, bị săn đuổi bởi quân đội và những băng cướp, bị hãm hiếp tùy ý bởi bất kì một tên đàn ông động dục nào và bị tàn sát vô tội vạ. Vào bất kì thời điểm nào trong lịch sử, dầu nghiêm trọng hay vô nghĩa, khi quyền lợi của người bản xứ Brazil xung đột với quyền lợi của dân Da trắng thì người Da đỏ cũng đều bị thua thiệt.
Họ thua thiệt trong suốt năm trăm năm và họ chẳng còn trông mong gì nhiều ở đời sống.
Vấn đề lớn nhất gây nhức nhối trong các bộ lạc Da đỏ hiện nay là nạn tự tử trong lớp trẻ của họ.
Sau hàng bao thế kỉ thi hành chính sách diệt chủng, chính quyền Brazil cuối cùng quyết định đã đến lúc cần bảo vệ “những người hoang dã tốt lành” của mình. Những cuộc tàn sát diệt chủng ngày nay bị quốc tế lên án, thế là có những cơ quan đặc trách “phát triển sắc tộc” được lập ra, những luật lệ “bảo vệ quyền lợi người bản địa” được thông qua. Với sự khoa trương tự-cho-là-chính-đáng, một số đất đai của các bộ lạc được long trọng tuyên bố trả về cho người bản địa và những đường ranh được vẽ ra trên các bản đồ của chính phủ, công bố những khu an toàn dành cho người Da đỏ.
Nhưng chính phủ cũng chính là kẻ thù. Năm 1967, một cuộc điều tra đối với Cục Đặc Trách Bản Địa Sự Vụ đã gây nhức nhối lương tâm cho phần lớn người dân Brazil. Bản tường trình tiết lộ rằng những nhân viên của chính Cục này, những chủ đầu tư đất đai và trang trại - những kẻ ác ôn hoặc làm việc cho Cục hoặc đủ thế lực và tiền bạc khiến Cục làm việc cho họ - đã sử dụng có hệ thống những vũ khí hóa học và vũ khí vi trùng để càn quét người Da đỏ. Họ phát quần áo có chứa mầm bệnh đậu mùa và bệnh lao cho người Da đỏ. Dùng máy bay, nhất là loại trực thăng, họ rải lên các làng mạc, đất đai của người Da đỏ những loại vi khuẩn gây bệnh chết người.
Còn trong vùng lòng chảo Amazon và các vùng biên giới khác, đám trại chủ và đám khai thác mỏ chẳng coi các đường ranh biên giới có nghĩa lí gì.
Năm 1986, một trại chủ ở Rondônia dùng các loại nông cơ để rải những chất hóa học độc hại lên những vùng đất của người Da đỏ ở gần trang trại của y. Y muốn lấy đất để mở rộng trang trại, nhưng trước hết phải loại trừ cư dân trên đó. Ba mươi người Da đỏ chết, thế mà tên trại chủ chẳng hề bị truy tố. Năm 1989, một trại chủ ở Mato Grosso treo giải thưởng cho những kẻ săn tiền thưởng nếu đem về những lỗ tai của người Da đỏ bị giết. Năm 1993, những người đào vàng ở Manaus tấn công một bộ lạc hiền lành chỉ bởi vì họ không chịu bỏ đất đai của mình để đi nơi khác. Mười ba người Da đỏ bị giết, nhưng chẳng có ai bị bắt hay truy tố.
Trong những năm 1990 chính quyền đã tìm cách mở cửa vùng lòng chảo Amazon, một vùng đất rất giàu tài nguyên thiên nhiên, về phía bắc vùng Pantanal. Nhưng người Da đỏ vẫn còn trên vùng đất đó. Đa số những kẻ sống sót hiện ngụ ở vùng lòng chảo, trong thực tế, người ta ước lượng rằng có khoảng năm mươi bộ lạc sống trong rừng rậm đã đủ may mắn để thoát khỏi sự tiếp xúc với văn minh.
Giờ đây “văn minh” lại tiếp tục tấn công. Sự lạm dụng người Da đỏ càng lớn khi đám khai thác mỏ, khai thác gỗ và đám trại chủ len lỏi sâu hơn vào vùng Amazon, với sự tiếp tay của chính quyền.
Những trang sử mê hoặc và cũng làm bủn rủn tinh thần. Nate đọc một mạch trong bốn giờ liền không nghỉ cho đến trang cuối cùng.
Sau đó anh đến buồng lái và uống càphê với Jevy. Mưa đã dứt hạt.
- Sáng mai chúng ta đến được đó chưa? - anh hỏi.
- Tôi nghĩ vậy, - Jevy đáp.
Các luồng ánh sáng từ trên tàu lắc lư nhẹ với dòng nước. Giống như chúng đang di chuyển một cách khó khăn.
- Cậu có mang chút dòng máu Da đỏ không? - Nate hỏi, sau một hồi do dự. Đó là một chuyện riêng tư, một vấn đề mà ở Mỹ không ai dám hỏi người khác.
Jevy cười, mắt không rời khỏi dòng sông.
- Tất cả chúng tôi đều có mang dòng máu Da đỏ trong người. Sao ông hỏi vậy?
- Tôi vừa đọc xong cuốn sử về người Da đỏ ở Brazil.
- Vậy ông nghĩ gì?
- Những trang sử bi thảm.
- Đúng vậy. Ông có nghĩ là ở đây người Da đỏ bị đối xử tồi tệ?
- Tất nhiên là vậy.
- Thế ở xứ ông thì sao?
Nate nghĩ ngay đến thỏa ước mà Đại tướng Custer đã kí với các thủ lĩnh Da đỏ. Ít ra người Da đỏ cũng có được một số quyền lợi. Người Mỹ không đốt người Da đỏ trên giàn hỏa thiêu, không xịt các hóa chất vào họ, không biến họ thành nô lệ. Phải vậy không? Chúng tôi cũng dành cho họ nhiều vùng đất rộng lớn, ở nhiều nơi.
Thế nhưng anh không muốn tạo ra cuộc tranh luận chẳng hay ho gì. Anh nói xuôi:
- Tôi e rằng cũng chẳng tốt lành hơn mấy tí.
Sau một khoảng lặng khá lâu, Nate xuống phòng toilet. Xong việc, anh kéo sợi dây bên trên và đi ra. Nước sông màu nâu nhạt chảy vào bồn cầu tiêu, lùa các chất phế thải vào một cái ống rồi đẩy thẳng xuống sông.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét