Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Bản chúc thư - Ch 11

Bản chúc thư

Tác giả: John Grisham
Người dịch: Phan Quang Định
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2/2011

Chương 11

Một giờ trước rạng đông, máy bay bắt đầu hạ cánh trong lúc mọi người ăn điểm tâm, Nate vẫn còn ngủ, và trong khi anh thức giấc một tiếp viên vội vàng mang cà phê đến cho anh.
Thành phố São Paulo hiện ra, một tập hợp xây dựng khổng lồ trải rộng trên gần tám trăm dặm vuông. Nate nhìn ngắm biển ánh sáng bên dưới và tự hỏi làm thế nào mà một thành phố có thể chứa nổi hai mươi triệu người.
Bằng một tràng tiếng Bồ Đào Nha, viên phi công nói lời chào buổi sáng và mấy câu vấn an quí khách mà Nate mù tịt chẳng bắt được từ nào. Câu dịch qua tiếng Anh theo sau cũng chẳng nghe được rõ hơn mấy. Chắc chắn là anh sẽ không bị bắt buộc phải tự mày mò tìm đường trên khắp xứ sở này. Hàng rào ngôn ngữ có khiến anh hơi lo lắng nhưng nỗi lo của anh tan biến ngay khi một cô tiếp viên xinh xắn người Brazil yêu cầu anh thắt đai an toàn.
Sân bay nắng nóng và ồn ào với người qua lại tấp nập. Anh nhận lại hành lí của mình, làm thủ tục hải quan mà không ai liếc mắt nhìn anh, và đợi lên chiếc máy bay tới Campo Grande. Rồi anh gặp một bar giải khát với bảng thức uống treo trên tường. Anh chỉ tay và nói: “Espresso” (càphê hơi) và cô thủ quĩ gọi anh. Cô nhíu mày khi thấy anh đưa tiền Mỹ nhưng vẫn đổi cho anh. Một đồng real của Brazil ăn một đôla Mỹ. Nate thủ trong túi một số đồng real.
Anh nhâm nhi càphê trong khi đứng chen vai với mấy du khách Nhật ồn ào. Những ngôn ngữ khác vi vu quanh tai anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha hòa trộn với tiếng Bồ Đào Nha ùa đến qua mấy chiếc loa phóng thanh. Anh mong ước phải chi mình đã chịu mua và xem qua một quyển đàm thoại thực hành thông dụng để ít ra cũng hiểu lõm bõm được vài ba từ.
Tình trạng cô lập định hình dần, lúc đầu còn khó nhận ra. Giữa đám đông, anh là người cô độc. Anh chẳng biết ai. Hầu như không ai biết hiện nay mình ở đâu, và cũng chẳng mấy ai bận tâm lắm đến chuyện đó. Khói thuốc lá từ các du khách cuộn vòng quanh anh, và anh vội lảng ra, vào phòng đợi lớn, thật rộng với tầng nhà cao, thoáng. Anh bắt đầu xuyên qua đám đông, vô mục đích, mang theo cặp hành lí nặng nề và chửi thề anh chàng Josh đã nhét quá nhiều ba cái thứ linh tinh, lỉnh kỉnh nào đó.
Chợt nghe giọng tiếng Mỹ ồn ào, anh hướng về phía đó. Vài doanh nhân Mỹ đang đợi gần quầy đổi tiền Mỹ, và anh tìm được chỗ ngồi gần họ. Tuyết đang rơi xuống ở Detroit và họ lo lắng việc trở về nhà ăn Noel. Họ đến Brazil vì một dự án đường ống dẫn dầu và chẳng bao lâu Nate đã chán nghe những lời ngớ ngẩn của họ. Dầu sao họ cũng đã chữa cho anh khỏi nỗi nhớ nhà.
Anh nhớ Sergio. Sau lần hồi phục vừa qua, dưỡng đường đã đặt Nate vào một căn nhà trung chuyển trong một tuần để tạo dễ dàng hợp cho việc tái hội nhập. Anh ghét nơi chốn ấy với những thói mòn của nó nhưng sau đó anh nhận ra sự sáng giá của ý tưởng kia. Bạn cần một vài ngày để tái định hướng. Có lẽ Sergio đã làm đúng. Ông gọi cho anh từ trạm bưu điện và đánh thức anh dậy. Lúc này là sáu giờ rưỡi ở São Paulo, nhưng ở Virginia thì mới bốn giờ rưỡi.
Sergio không quan tâm lắm. Tùy theo lãnh thổ thôi.
Không có ghế hạng nhất trên chuyến bay đến Campo Grade, cũng không có ghế trống. Nate ngạc nhiên thích thú khi quan sát mỗi bộ mặt đàng sau tờ báo buổi sáng và có rất nhiều tờ báo khác nhau, với những ngôn ngữ khác nhau. Các tờ nhật báo cũng mượt mà, tân tiến như bất kỳ tờ báo nào ở Mỹ, và được đọc bởi một công chúng rất khát khao tin tức. Có lẽ xứ Brazil không lạc hậu như anh tưởng. Mọi hành khách trên máy bay đều đọc báo được cơ mà! Chiếc boeing 727 rất sạch sẽ và được tân trang bóng loáng. Coca-cola và Sprite luôn có sẵn, anh cảm thấy ấm cúng như ở nhà.
Ngồi bên cửa sổ ở hàng ghế phía sau, anh lờ đi quyển chỉ dẫn về các bộ lạc Da đỏ để thích thú chiêm ngưỡng phong cảnh bên dưới. Một vùng thảo nguyên và núi đồi rộng bát ngát, tươi tốt, sum suê, xanh rì với những ngọn đồi nhấp nhô, rải rác những trang trại chăn nuôi, với những con đường đất đỏ đan xen nhau. Thổ nhưỡng nơi đây tuyền một màu cam đỏ tươi và những con đường chạy ngoằn ngoèo bất chợt từ một khu định cư nhỏ này đến khu khác. Vắng bóng những xa lộ thênh thang như ở Mỹ.
Rồi một con đường trải nhựa hiện ra, với xe cộ qua lại. Máy bay đáp xuống và phi công chào mừng họ đến Campo Grande. Có những tòa cao ốc, một khu trung tâm nhộn nhịp, một cầu trường lớn, nhiều đường phố và xe cộ và các mái nhà đều lợp ngói đỏ. Nhờ vào tính hiệu năng điển hình của một hãng lớn, anh có được một bị-vong-lục do một trong các anh chàng luật sư tập sự của hãng soạn thảo, trong đó mô tả Campo Grande như thể sự hiện diện của nó có tầm quan trọng quyết định đến vấn đề trong tầm tay.
Sáu trăm ngàn dân. Một trung tâm mua bán gia súc. Rất nhiều chàng cow-boy (chăn bò). Tăng trưởng nhanh. Những tiện nghi hiện đại. Cũng đáng biết đấy, nhưng nhọc công làm quái gì? Nate sẽ không ngủ ở đó mà.
Sân bay có vẻ quá nhỏ đối với một thành phố cỡ đó và anh nhận ra mình đang so sánh mọi thứ với bên Mỹ. Điều này cần “stốp” lại ngay. Khi bước ra khỏi máy bay, anh bị cái nóng như thiêu tấn công đột ngột. Ít nhất cũng chín mươi độ Farenheit. Hai ngày trước Giáng Sinh ở Nam bán cầu người ta vẫn khổ vì nóng. Anh lóa mắt trong ánh nắng chói chang và bước xuống các bậc thang bắt vào máy bay với một bàn tay nắm chặt vào thanh vịn.
Anh xoay sở để gọi bữa ăn trưa trong nhà hàng của sân bay và khi thức ăn được mang đến anh hài lòng thấy rằng món đó có thể xơi được. Một miếng sandwich với gà rán, cũng giống như trong bất kỳ hiệu ăn nhanh nào ở Mỹ. Anh ăn thong thả trong khi nhìn đường băng ở xa xa. Giữa chừng bữa ăn, một chiếc cánh quạt hai động cơ của hàng không Pantanal đáp xuống và lăn bánh vào trạm đỗ. Sáu người bước ra.
Anh dừng nhai bởi anh phải vật lộn với một cuộc tấn công bất ngờ của nỗi sợ hãi. Các chuyến bay con thoi giữa thành phố và vùng rừng rậm sình lầy vẫn diễn ra liên tục có điều nếu chiếc nào lỡ rơi thì cũng… biệt vô âm tín luôn, chẳng ai được biết tin gì.
Nhưng chiếc máy bay này trông có vẻ vững chắc và ngon lành, có phần hiện đại nữa là khác, và các phi công là những tay chuyên nghiệp, được huấn luyện có bài bản. Nate tiếp tục ăn. Hãy “tư duy tích cực” lên nào, anh tự lên dây cót.
Anh đi lòng vòng trong trạm đỗ nhỏ cả tiếng đồng hồ. Tại một quầy sách báo anh mua một quyển hướng dẫn đàm thoại tiếng Bồ Đào Nha và bắt đầu học thuộc lòng một số từ. Anh đọc những quảng cáo dịch vụ phiêu lưu vào vùng Ngũ Giác Nê Địa, mà tiếng Anh gọi là ecotourism (du lịch Sinh thái). Có nhiều xe hơi cho thuê. Một quầy đổi tiền, một bar với đủ loại bia và whiskey trên các kệ. Gần cổng vào là một cây thông Giáng Sinh mảnh mai với một dây ánh sáng đơn độc. Anh nhìn chúng nhấp nháy theo giọng một bài thánh ca Brazil và dầu cố gắng để không nghĩ tới nhưng Nate vẫn nghĩ về mấy đứa con của mình.
Đó là ngày trước Đêm Giáng Sinh. Không phải mọi hoài niệm đều đau đớn.
Anh bước lên máy bay với răng mím chặt và cột sống cứng lại, rồi ngủ trong gần hết thời gian máy bay bay đến Corumbá. Sân bay nhỏ nơi đó ẩm ướt và đầy những người Bolivia chờ chuyến bay đến Santa Cruz. Họ đều mang nặng các hộp và gói quà Giáng Sinh.
Anh gặp một tài xế taxi chẳng nói được tiếng Anh nào, nhưng không hề gì. Nate chỉ cho anh ta mấy từ “Palace Hotel” trên sách hướng dẫn du lịch của mình, và họ chạy vèo đi trong một chiếc Mazda cũ mèm, tồi tàn.
Corumbá có chín mươi ngàn dân, theo một sách hướng dẫn do nhân viên của Josh soạn. Đứng bên bờ sông Paraguay, sát biên giới Bolivia, đã từ lâu rồi thành phố này tự tuyên bố là thủ đô của vùng Pantanal. Việc vận chuyển và mậu dịch trên sông đã xây dựng nên thành phố và duy trì sự phồn vinh cho nó.
Qua cái nóng và nỗi khổ vì nóng nực, Corumbá hiện ra như một thị xã nhỏ uể oải nhưng cũng khá thú vị. Các đường phố rộng rãi, tráng nhựa, có vỉa hè và những hàng cây hai bên. Những người buôn bán ngồi trong bóng râm phía trước cửa hàng, chờ khách và tán gẫu với nhau. Thanh thiếu niên lao xe gắn máy vun vút trên đường. Những đứa bé chân trần ăn kem nơi các quán trên lề đường.
Lúc họ đến gần khu thương mại, xe cộ chen dày nhau và phải dừng lại trong cái nóng ngột ngạt. Tay tài xế lầm bầm điều gì đó nhưng không tỏ vẻ khó chịu lắm. Ở New York hay Washington, một tài xế gặp cảnh đó thường dễ đi đến bạo động.
Nhưng đây là Brazil, ở Nam Mỹ. Đồng hồ ở đây dường như chạy chậm hơn. Không có gì phải vội. Thời gian đâu quan trọng ghê gớm đến thế. Vất đồng hồ của bạn đi, Nate tự nhủ. Anh nhắm mắt lơ mơ và hít thở không khí nóng, nặng nề đó.
Khách sạn Palace ở ngay trung tâm thành phố, trên một con đường xuôi thoai thoải về hướng sông Paraguay rộng lớn ở phía xa xa. Anh đưa cho tài xế mấy tờ real và kiên nhẫn chờ y thối lại tiền. Nhưng y chẳng thối mà chỉ cảm ơn anh bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhỏ nhẹ: “Obrigado” rồi mỉm cười và nói điều gì đó mà anh chẳng hiểu. Mọi cánh cửa vào phòng khách lớn của khách sạn đều mở, cũng như mọi cánh cửa hướng ra lề đường ở Corumbá.
Những tiếng đầu tiên anh nghe được khi bước vào khách sạn là của ai đó ở bang Texas của Mỹ. Một nhóm công nhân dàn khoan đang trả phòng. Họ đã uống rượu nhiều trong trạng thái vừa mới tàn buổi tiệc, nôn nao về nhà nghỉ lễ. Nate ngồi xuống gần chiếc tivi và chờ bọn họ đi.
Phòng của anh ở lầu tám. Với tám mươi đôla/ngày anh thuê một phòng khoảng mười sáu mét vuông, có một giường hẹp và thấp với chiếc nệm cực mỏng. Đừng đòi hỏi có lò xo nhún. Có một bàn giấy và một chiếc ghế, một cửa sổ nhỏ, một tủ lạnh nhỏ với nước vô chai, coca, và bia, một phòng tắm khá sạch sẽ có xà bông, khăn mặt, khăn tắm. Không tệ lắm, anh tự nhủ. Ta đang lao vào một cuộc phiêu lưu mà. Đây không phải loại năm sao, ba sao nhưng cũng ở được.
Trong gần nửa tiếng, anh cố gọi Josh. Nhưng rào chắn ngôn ngữ đã chặn anh lại. Tay thư ký ở phòng tiếp tân chỉ biết vừa đủ tiếng Anh để tìm một tổng đài bên ngoài, nhưng chỉ thế thôi, còn ngoài ra thì anh ta chỉ nổ tiếng Bồ lốp bốp. Anh thử gọi bằng điện thoại di động của mình nhưng bưu điện địa phương chưa nối mạng.
Nate thả tấm thân mệt mỏi dài theo chiếc giường nhỏ thô sơ và đi vào giấc ngủ.
* * *
Valdir Ruiz là một người tầm thước, ngực lép, da nâu sáng, đầu hói chỉ còn lơ mơ vài sợi tóc được chải ngược hết ra sau. Đôi mắt đen, đầy nếp nhăn, hậu quả của ba mươi năm ghiền nặng thuốc lá. Năm nay ông năm mươi hai tuổi. Lúc mười bảy tuổi ông qua Mỹ sống với một gia đình ở Iowa theo chương trình trao đổi sinh viên, học sinh của Phù Luân Hội (Rotary Club). Ông ta tự hào về vốn tiếng Anh của mình, mặc dầu ít có dịp dùng đến ở Corumbá. Ông xem các chương trình truyền hình Mỹ thường xuyên hàng đêm để duy trì kỹ năng nghe nói.
Sau một năm ở Iowa, ông về học Đại học ở Campo Grande, rồi trường Luật ở Rio. Ông miễn cưỡng quay về Corumbá để làm việc trong văn phòng pháp lý của chú ông và để chăm sóc cha mẹ già. Valdir đã phải sống cuộc đời tẻ nhạt với những hoạt động tư pháp loàng xoàng ở Corumbá, trong khi vẫn mơ về cuộc sống phồn hoa và danh vọng nơi các thành phố lớn.
Nhưng ông là một người khả ái, cảm thấy hài lòng với đời sống theo cách mà đa số người Brazil vẫn có khuynh hướng như thế. Ông làm việc hiệu quả trong văn phỏng nhỏ của mình, chỉ có mình ông với một cô thư ký lo trả lời điện thoại và đánh máy. Valdir thích việc tư vấn pháp lí về bất động sản, chúc thư, hợp đồng và những chuyên tương tự. Ông chẳng bao giờ đến pháp đình trước tiên bởi vì chuyện biện hộ nơi tòa án không phải là một phần không thể thiếu của việc hành nghề luật sư ở Brazil. Các vụ tranh tụng rất ít. Những cuộc đấu pháo pháp lí giữa công tố, thẩm phán và luật sư theo kiểu Mỹ, thực tế nó chỉ giới hạn trong năm mươi bang của Hoa Kỳ. Valdir ngạc nhiên với những điều mà các luật sư làm và nói trên đài CNN. Tại sao họ phải cổ vũ sự chú ý? Ông thường tự hỏi. Các luật sư tổ chức những cuộc họp báo, đi từ các “sô” nói chuyện này đến “sô” khác phiếm đàm lung tung về các thân chủ của họ. Ở Brazil chuyện đó chưa ai từng nghe.
Văn phòng của Valdir cách khách sạn Palace ba dãy phố, trên một lô rợp bóng mát mà chú ông đã mua từ mấy thập kỷ trước. Những tàn cây dày lá che kín mái nhà, nên bất kể cái nóng, Valdir vẫn mở rộng mọi cửa sổ. Ông thích tiếng động từ ngoài phố vọng vào. Vào lúc ba giờ mười lăm phút, ông thấy một người đàn ông lạ, mà ông chưa từng gặp, dừng lại ngắm nghía văn phòng của ông. Tay ấy rõ là một khách lạ và đặc vẻ Mỹ. Valdir biết ngay đó là ông O’Riley.
Cô thư ký mang đến cafezinho - một loại cà phê đen sánh mà dân Brazil uống suốt ngày trong những cốc nhỏ xíu và Nate lập tức nghiện ngay thức uống đó. Anh ngồi nơi văn phòng của Valdir và nhìn ngắm khung cảnh: cánh quạt trần trên đầu, những cửa sổ mở với âm thanh rì rầm của đường phố vọng vào, những dãy hồ sơ xếp ngăn nắp trên các kệ phía sau Valdir, sàn ván ghép cũ kỹ dưới chân họ. Văn phòng trông thật ấm cúng mà không hề thiếu tiện nghi. Nate có cảm tưởng đang xem một bộ phim quay cách đây năm mươi năm.
Valdir gọi đến Washington và gặp Josh. Họ trao đổi một lát rồi ông đưa ống nói qua bàn cho khách. “Hello, Josh”, Nate nói. Rõ ràng Josh tỏ ra nhẹ nhõm khi nghe giọng nói của anh. Nate kể lại cuộc hành trình của mình đến Corumbá, nhấn mạnh sự kiện là anh đang khỏe mạnh, sống điều độ và nôn nao mong chờ phần kế tiếp của cuộc phiêu lưu.
Valdir bận rộn với một hồ sơ trong một góc, cố gắng tỏ ra không quan tâm đến cuộc đối thoại nhưng thực ra không bỏ sót lời nào. Tại sao Nate O’Riley tự hào đến thế về sự điều độ của anh ta?
Khi cuộc điện đàm đã qua, Valdir trải một tấm bản đồ không ảnh lớn của bang Mato Grosso do Sul, rộng khoảng chừng cỡ bang Texas, và chỉ vào vùng Pantanal. Vùng Ngũ Giác Nê Địa này gồm toàn bộ phần Tây Bắc của bang  và trải dài cho đến Mato Grosso ở phía Bắc và Bolivia ở phía Tây. Hàng trăm sông ngòi chằng chịt như những mạch máu qua khắp vùng sình lầy. Không có thành phố hay thị trấn nào trong vùng Pantanal. Không có xa lộ, không có đường trải nhựa. Một trăm ngàn dặm vuông đồng nước, sình lầy, Nate nhớ lại theo những tập hướng dẫn mà Josh đã nhét cho anh.
Valdir đốt một điếu thuốc trong lúc họ cùng khảo sát bản đồ. Ông ta đã làm vài bài tập. Có bốn dấu X màu đỏ dọc rìa phía tây của bản đồ, gần Bolivia.
- Có mấy bộ lạc ở đây, - ông nói, chỉ vào các dấu đỏ. - Guató và Ipicas.
- Họ có đông người không? - Nate hỏi, nghiêng người gần sát hơn. Lần đầu tiên anh thực sự nhìn vào vùng đất mà anh sẽ phải sục sạo để tìm Rachel Lane.
- Chúng tôi cũng không biết rõ lắm, - Valdir trả lời, giọng thấp nhưng rõ ràng. Ông ta đang cố gây ấn tượng lên anh chàng người Mỹ bằng tiếng Anh của mình. - Một trăm năm trước đây, họ đông hơn rất nhiều. Nhưng từng mỗi thế hệ qua đi, các bộ lạc lại thưa người dần.
- Họ có liên lạc nhiều với thế giới bên ngoài không? - Nate hỏi.
- Rất ít. Sinh hoạt của họ không thay đổi trong hàng ngàn năm. Họ trao đổi mua bán bằng thuyền bè, nhưng họ chẳng muốn thay đổi cuộc sống.
- Chúng ta có biết các đoàn truyền giáo ở đâu không?
- Chưa thể khẳng định. Tôi đã nói chuyện với Bộ trưởng y tế của bang Mato Grosso do Sul. Tôi khá thân với ông ấy, và văn phòng của ông cũng có biết sơ về nơi làm việc của các phái bộ truyền giáo. Tôi cũng có nói chuyện với một vị đại diện của FUNAI - đó là Cục Đặc trách vấn đề Người Da Đỏ của chính phủ chúng tôi. - Valdir chỉ vào hai dấu X. - Đây là vùng sinh sống của bộ lạc Guató. Quanh vùng này chắc là có các đoàn truyền giáo.
- Ông biết tên họ không? - Nate hỏi, nhưng đó chỉ là một câu hỏi vu vơ. Theo một tập tài liệu hướng dẫn của Josh, Valdir không được cho biết tên của Rachel Lane. Ông chỉ được biết là người đàn bà ấy làm việc cho Phái bộ truyền giáo World Tribes, và chỉ thế thôi.
Valdir mỉm cười và lắc đầu.
- Chuyện ấy đâu có dễ. Ông phải hiểu rằng có ít nhất là hai mươi tổ chức truyền giáo khác nhau của Mỹ và Canada ở Brazil. Nhập cảnh xứ này rất dễ dàng và đi đây đi đó cũng không khó. Nhất là ở những vùng chưa phát triển. Không ai thực sự quan tâm chuyện ai đến đó, làm gì ở đó. Chúng tôi cứ nghĩ là những nhà truyền giáo tất nhiên là những người tốt.
Nate chỉ vào Corumbá, rồi vào dấu X đỏ gần nhất.
- Từ đây đến đó mất bao lâu?
- Cũng tùy. Máy bay mất độ một giờ. Đi bộ từ ba đến năm ngày.
- Vậy máy bay cho tôi đâu?
- Đâu có dễ quá vậy, - Valdir nói, rồi hướng về một bản đồ khác. Ông trải nó ra và đặt trên bản đồ đầu tiên. - Đây là bản đồ địa hình của vùng Pantanal. Đây là những fazendas.
- Những gì?
- Fazendas. Những trang trại lớn.
- Tôi cứ nghĩ toàn vùng chỉ là đầm lầy chứ.
- Không. Có nhiều nơi khá cao đủ để chăn nuôi gia súc. Các fazendas được xây dựng từ hai trăm năm trước đây, và vẫn còn được quản lí bởi các pantaneiros. Chỉ một số ít các fazendas có thể tiếp cận bằng thuyền, do đó họ thường dùng các máy bay nhỏ. Các tuyến bay được đánh dấu bằng màu xanh đậm.
Nate để ý thấy có rất ít tuyến bay đến các khu định cư của người Da đỏ.
Valdir tiếp tục:
- Ngay cả nếu ông bay vào vùng này thì sau đó ông cũng phải dùng đến thuyền để đến với các bộ lạc Da đỏ.
- Các bãi đáp máy bay ra sao?
- Là những sân cỏ. Có lúc cỏ được cắt bằng, có lúc để mọc tự nhiên. Chuyện lớn là những… con bò.
- Sao lại có vấn đề bò ở đây?
- Thì bò vốn ăn cỏ. Đôi khi máy bay rất khó đáp xuống vì đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ trên đường hạ cánh. - Valdir nói điều đó một cách bình thản, không có ý hài hước.
- Thế không ai xua đàn bò ra chỗ khác được sao?
- Được chứ, nếu họ biết có ông đến. Phiền nỗi không có điện thoại.
- Mấy trang trại đó không có điện thoại à?
- Không. Chúng rất biệt lập.
- Vậy tôi không thể bay đến Pantanal, rồi từ đó thuê thuyền đi tìm dân Da đỏ?
- Như ông thấy, khó đấy. Vả chăng, ngay tại Corumbá đây, ta có thể thuê thuyền cũng như người hướng dẫn.
Nate nhìn chằm chặp vào bản đồ, nhất là dòng sông Paraguay ở những đoạn con sông len lỏi tìm hướng đi về phía bắc, phía những khu định cư của người Da đỏ. Ở một nơi nào đó dọc theo con sông này, hy vọng là gần đó, giữa vùng sình lầy rộng lớn đó, một kẻ tôi tớ khiêm cung của Chúa, sống những ngày êm đềm với lòng tín mộ và sự bình an trong tâm hồn, chẳng bận tâm mấy với tương lai, với thế giới bên ngoài, âm thầm phục vụ đàn chiên của mình.
Và chàng có bổn phận tìm người nữ tu ấy.
- Tôi muốn ít nhất cũng bay qua vùng này, - Nate nói.
Valdir cuốn tấm bản đồ lại.
- Tôi có thể kiếm một máy bay và một phi công.
- Còn thuyền thì sao?
- Tôi đang thương lượng việc đó. Lúc này đang là mùa nước nổi và phần lớn ghe thuyền đều được sử dụng. Các dòng sông đều dâng cao. Việc đi lại trên sông rất nhộn nhịp vào thời điểm này trong năm.
Troy “chọn điểm rơi” vào đúng mùa nước nổi như thế này thật tốt quá! Theo nghiên cứu của hãng, mùa mưa đến vào tháng Mười một và kéo dài đến tháng Hai và tất cả các vùng trũng cũng như rất nhiều trang trại sẽ ngập dưới nước.
- Tuy nhiên, tôi phải cảnh báo anh, - Valdir nói, đốt một điếu thuốc khác vừa cuốn lại tấm bản đồ thứ nhất, - rằng việc đi máy bay không phải là không nguy hiểm. Máy bay thì nhỏ và nếu có trục trặc máy móc, thì… - Giọng anh ta xa vắng khi anh ta đảo mắt, nhún vai ngầm ý mọi hy vọng trong trường hợp đó đều sẽ chỉ là… mơ mộng hão!
- Thì sao?
- Không có chỗ nào để đáp khẩn cấp, không có chỗ nào để hạ cánh được cả. Tháng trước đây một máy bay đã rơi. Người ta tìm thấy xác máy bay gần bờ sông, với bầy cá sấu vây quanh.
- Chuyện gì xảy ra cho hành khách? - Nate hỏi và sợ nghe câu trả lời.
- Xin ông hỏi… bầy cá sấu.
- Thôi đổi đề tài đi.
- Cà phê nữa nhé?
- Vâng, hay lắm.
Valdir gọi cô thư ký. Họ đến bên cửa sổ và nhìn xe cộ lưu thông.
- Tôi nghĩ tôi đã tìm được người hướng dẫn thích hợp. - Valdir nói.
- Tốt. Anh ta nói tiếng Anh được hả?
- Được, rất trôi chảy. Một chàng trai vừa mới xuất ngũ. Tháo vát, dễ thương. Bố anh ta là hoa tiêu trên sông.
- Tốt quá.
Valdir bước tới bàn giấy và nhấc điện thoại lên. Cô thư ký mang đến cho Nate một cốc cafezinho khác, và anh đứng cạnh cửa sổ nhâm nhi ly cà phê. Bên kia đường có một bar nhỏ với ba cái bàn trên vỉa hè, dưới tấm bạt che. Một tấm biển đỏ quảng cáo bia Antartica. Hai người đàn ông mặc sơ-mi ngắn tay ngồi chung bàn với một chai bia Antartica lớn ở giữa. Một khung cảnh toàn hảo - ngày nóng nực, hai người bạn cùng chung vui với thức uống lạnh trong bóng râm.
Bỗng nhiên Nate thấy choáng váng. Dấu hiệu của bia mê hoặc anh, cảnh tượng ấy đến và đi rồi quay lại làm tim anh rộn lên, hơi thở như ngưng lại. Anh bấu vào thành cửa sổ để định thần lại. Hai tay anh run, nên anh phải đặt cốc cafezinho xuống bàn. Valdir đứng sau anh, quên lãng, gọi với ra xa bằng tiếng Bồ.
Mồ hôi nhỏ thành dòng trên hai hàng lông mày của anh. Anh có thể thưởng thức bia được chứ. Cú trượt đã bắt đầu. Một chỗ nhược nơi bộ áo giáp. Một vết nứt nơi bờ đê. Một khoảng sạt lở nơi ngọn núi quyết tâm mà anh đã xây dựng trong bốn tháng vừa qua với Sergio. Nate thở một hơi thật sâu, cố tập trung tư tưởng. Thời khắc thử thách ác liệt sẽ qua, anh biết nó sẽ qua đi. Trước đây anh đã từng đối đầu và bây giờ cũng còn phải nhiều lần đối đầu.
Anh nâng cốc cà phê trở lại và nhấp liên tục trong lúc Valdir gác ống nói và thông báo rằng tay phi công tỏ vẻ do dự không muốn bay đi đâu vào cái đêm trước ngày Giáng Sinh. Nate quay về chỗ ngồi dưới cánh quạt trần.
- Thêm tiền cho hắn ta đi! - anh nói.
Valdir đã được ngài luật sư Josh Stafford thông báo rằng tiền bạc không thành vấn đề đối với phi vụ này.
- Anh ta sẽ gọi lại cho tôi trong vòng một giờ. - Valdir nói.
Nate đã sẵn sàng ra đi. Anh đưa ra cái máy điện thoại di động mới toanh và Valdir giúp anh cách tìm một tổng đài viên của AT&T biết nói tiếng Anh. Để kiểm tra, anh quay số gọi Sergio và gặp máy trả lời tự động của ông. Rồi anh gọi Alice, cô thư ký của anh, chúc cô Giáng Sinh vui vẻ.
Điện thoại hoạt động tốt, anh rất hài lòng. Anh cám ơn Valdir và ra khỏi văn phòng. Họ sẽ nói chuyện lại trước khi ngày qua.
Anh đi về hướng bờ sông, chỉ cách văn phòng của Valdir mấy dãy phố và gặp mọt công viên nhỏ nơi các công nhân đang bận rộn sắp xếp ghế cho một cuộc hòa nhạc ngoài trời. Buổi xế chiều không khí nóng và ẩm, chiếc sơ-mi của anh mướt mồ hôi và dính vào ngực. Cái tiểu khúc nơi văn phòng Valdir làm anh sợ hơn mức độ anh sẵn lòng chấp nhận. Anh ngồi nơi mép một cái bàn dã ngoại, và ngắm nhìn vùng Pantanal rộng lớn trải dài trước mặt. Một cậu bé ghẻ lở không biết xuất hiện từ đâu và gạ bán cần sa cho anh. Chất “thần dược” được đựng trong những hộp gỗ nhỏ xíu. Nate xua tay đuổi đi.
Một nhạc công bắt đầu dạo đàn guitar và một đám dông dần dần tụ tập lại khi mặt trời đã lặng xuống bên kia rặng núi Bolivia, không xa nơi đó lắm.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét