Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Bản chúc thư - Ch 1

Bản chúc thư

John Grisham
Người dịch: Phan Quang Định
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2/2011

Chương 1

Ngày cuối cùng đã đến, giờ cuối cùng của đời ta đã đến.  
Ta, một ông già cô đơn chẳng được ai yêu mến, buồn thương phận mình, làm phiền người khác và đã chán chường cuộc sống nơi cõi trần này. Ta muốn thanh thản đi về cõi mai sau, về miền tươi sáng, bình yên đời đời...
Ta là chủ của tòa cao ốc lộng kính sáng loáng nơi ta đang ngồi đây và sở hữu chín mươi bảy phần trăm cổ phần của công ty nơi đây với khoảng đất xung quanh có đường kính nửa dặm ở ngay khu phố lớn, với hai ngàn con người làm việc trong đó và hai mươi ngàn con người khác chẳng làm việc gì. Ta làm chủ đường ống dẫn mang hơi đốt từ những mỏ dầu khí của ta ở Texas đến tận tòa nhà này, và ta sở hữu những đường dây truyền tải điện liên tiểu bang. Ta thuê bao riêng một vệ tinh viễn thông đang quay tít hàng vạn dặm trên quĩ đạo, qua đó ta từng ra mệnh lệnh cho đế quốc của ta trải dài bao la trên khắp mặt đất. Tài sản của ta vượt quá con số mười một tỉ đô la. Ta sở hữu các mỏ bạc ở Nevada, mỏ đồng ở Montana, những đồn điền cà phê bạt ngàn ở Kenya, mỏ than ở Angola, cao su ở Malaysia, hơi đốt thiên nhiên ở Texas, dầu thô ở Indonesia, sắt thép ở Trung Hoa. Công ty của ta là mẹ đẻ của những công ty khác sản xuất điện lực, làm ra máy tính, xây dựng các đập nước, xuất bản báo chí, phát tín hiệu cho vệ tinh. Ta có chi nhánh và phân chi nhánh nơi hầu hết mọi xứ sở trên hành tinh này, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác.
Ta từng làm chủ những món đồ chơi thú vị - những du thuyền, những phản lực chuyên cơ, bao nhiêu nàng tóc vàng, tóc nâu, tóc đen, những lâu đài ở châu Âu, những trang trại ở Argentina, một hòn đảo xinh tươi giữa Thái Bình Dương. Những đàn ngựa đua thuần chủng và cả một đội bóng Hockey. Nhưng than ôi! Ta đã quá già để còn có thể hưởng dụng những món đồ chơi đó.
Và nghịch lý thay, tiền bạc lại chính là căn nguyên nỗi khốn khổ của ta.
Ta có ba gia đình - ba bà vợ với ba dòng con gồm bảy đứa, trong đó sáu đứa còn sống và tìm mọi cách gây khổ cho ta. Theo như ta biết, ta chính là cha của cả bảy đứa và đã chôn cất một đứa. Nói đúng ra là mẹ nó đã chôn cất nó. Lúc đó ta đang ở nước ngoài.
Ta đã trở nên xa lánh và bị ghẻ lạnh bởi tất cả các bà vợ và đàn con. Hôm nay chúng tụ tập đông đủ tại đây bởi vì ta đang hấp hối và chúng chờ chia của cải.
Ta đã trù tính ngày này từ lâu. Tòa nhà của ta có mười bốn tầng, dài, rộng, và vuông vức bao quanh một sân sau rợp bóng nơi ta thường ngồi ăn trưa. Ta sống và làm việc ở tầng trên cùng, một đại sảnh mênh mông, rộng mười hai ngàn bộ vuông, đối với nhiều người thì có vẻ là một sự hoang phí kệch cỡm những đối với ta chẳng có gì phiền. Bằng trí tuệ, bằng mồ hôi và ít nhiều may mắn, ta đã từ đồng xu con dựng nên cơ đồ vĩ đại. Vậy tiêu phí nó như thế nào đó là quyền của ta. Nhân sinh quí thích chí, anh có quyền vung ngàn vàng mua lấy trận cười, nếu ngàn vàng ấy là của anh làm ra, thì ai có quyền cản ngăn anh chứ? Ta có hứng chí bốc đồng ngồi trên máy bay rải xuống vài tỉ đô la cho bàn dân thiên hạ tranh nhau nhặt chơi để ta nhìn ngắm cười ha hả thì cũng mặc kệ ta chứ! Tiền của ta làm ra mà, mấy người lấy quyền gì cấm cản? Nhưng ta đang bị săn đuổi, vây chặt.
Tại sao ta phải bận tâm chuyện ai nhận được tiền, được bao nhiêu? Ta đã làm mọi thứ có thể tưởng tượng được với nó. Bây giờ ta ngồi đây trên chiếc xe lăn, cô đơn và chờ đợi, ta không thể nghĩ ra ta muốn mua một thứ gì, hay đi đến một nơi nào để nhìn ngắm hay một cuộc phiêu lưu nào khác để theo đuổi.  
Ta đã làm mọi chuyện đó và giờ đây ta quá mệt mỏi, chán chường.
Ta chẳng cần quan tâm ai nhận được tiền. Nhưng ta lại rất quan tâm đến người không nhận nó.  
Mỗi bộ vuông trong tòa nhà này đều do ta thiết kế và vì thế ta biết chính xác nên đặt ai ngồi vào chỗ nào trong buổi lễ nho nhỏ này. Tất cả chúng đang ở đây, chờ đợi và chờ đợi… Chúng sẵn sàng đứng trần truồng trong cơn bão tuyết lạnh đến ghê hồn vì những gì ta sắp làm.
Gia đình đầu tiên gồm Lillian và dòng dõi của bà - bốn đứa con đầu đời của ta với một người đàn bà ít khi để ta chạm vào người. Chúng ta lấy nhau hồi còn rất trẻ - Lúc đó ta hai mươi bốn và nàng mới mười tám tuổi - nên bây giờ nàng cũng đã là một lão bà thượng thọ. Đã hàng chục năm nay ta chẳng thấy bà và hôm nay ta sẽ chẳng nhìn bà. Ta chắc rằng bà vẫn còn thủ diễn vai trò của một bà vợ cả đang tiếc thương, dầu bị bỏ rơi vẫn hết lòng với bổn phận, đến để nhận chiến lợi phẩm xứng đáng. Bà đã ở vậy không hề tái giá và ta cũng chắc rằng bà không léng phéng với ai trong suốt năm mươi năm nay. Ta không biết làm sao mà chúng ta lại sinh con đẻ cái với nhau được nhỉ?
Thằng lớn nhất của chúng ta hiện nay đã bốn mươi bảy, trong Junior một thằng ngốc vô tích sự, mang tên bố chỉ làm hổ danh bố. Nó thích được gọi bằng cái hỗn danh TJ hơn. Trong số sáu đứa có mặt tại đây ngày hôm nay, TJ là thằng ngốc nhất, đã từng bị đuổi học năm mười chín tuổi vì tội bán ma túy.
Thằng cả TJ, cũng như mấy đứa kia, đều được bố tặng cho năm triệu đô la vào dịp sinh nhật thứ hai mươi mốt. Cũng giống như với mấy đứa kia, số tiền đó đã như nước lọt qua kẽ tay nó trong thời gian ngắn.  
Ta thật đau lòng khi nhắc lại những câu chuyện khốn nạn của đám con bà Lillian. Chỉ cần nói rằng bọn chúng đều mang nợ ngập đầu và thất nghiệp triền miên, rất ít hy vọng đổi đời, bởi thế việc ta ký chúc thư này sẽ là biến cố quyết định nhất trong đời chúng.
Trở lại chuyện mấy bà vợ cũ. Rời bà Lillian lãnh cảm ta chạy đến với vòng tay cuồng nhiệt, mê đắm của Janie, cô thư ký kế toán trẻ đẹp được thăng cấp nhanh chóng khi ta quyết định cần có nàng tháp tùng trong những cuộc đi lại làm ăn. Ta đã ly dị Lillian để cưới Janie, nhỏ hơn ta hai mươi hai tuổi, và nhất quyết muốn làm vui lòng ta. Nàng đã sinh liền hai đứa con nhằm dùng chúng như những chiếc neo buộc chặt ta. Rocky, thằng con thứ, đã tử nạn trong chiếc xe hơi thể thao với hai thằng bạn thân, khiến ta phải tốn sáu triệu đô la lo lót cho tòa mới thu xếp yên.  
Ta cưới Tira lúc ta sáu mươi tư. Nàng hai mươi ba, mang bầu với ta sinh ra thằng tiểu quỉ tên là Ramble, mà ta chẳng hiểu lý do tại sao nàng chọn cho nó cái tên đó. Ramble hiện nay mười bốn tuổi, với thành tích một lần bị bắt vì trộm cửa hàng và một lần khác vì mang cần sa. Tóc nó tết thành bím, mượt dầu, thòng xuống cổ, phủ qua vai, mang vòng ở tai, lông mày và mũi. 
Ramble xấu hổ vì có ông bố đã gần tám mươi, còn bố nó xấu hổ vì có thằng còn mang chuỗi hạt cườm bằng bạc đâm xuyên qua lưỡi.
Và thằng quí tử đó, cùng với các má lớn, má nhỏ, các đại ca, tiểu huynh của nó đang trông chờ ta ký tên vào bản chúc thư này cho đời nó tươi hơn. Song dẫu tài sản ta kếch xù cỡ nào, tiền bạc cũng chẳng ở lâu với những thằng ngu.
Một người già sắp chết chẳng nên để lòng sân si hờn oán ai, ngay cả với kẻ thù không đội chung trời, thế nhưng sao ta không thể để cho lòng thanh thản, cho ghét giận tiêu tan. Bởi chúng là một lũ khốn nạn, tất cả bọn chúng. Các bà mẹ của chúng ghét ta, vì thế đến lượt mấy đứa con cũng được nhồi sọ để ghét ta.
Chúng là những con kên kên đang lượn vòng với móng vuốt cong lại, mỏ nhọn sắc, đôi mắt tham lam thèm khát, choáng váng với dự tưởng về những số tiền khổng lồ sắp vào tay mình.
Sự minh mẫn trong tâm hồn ta giờ đây thật đáng giá. Chúng nghĩ rằng ta bị khối u ác tính bởi vì ta nói những điều kỳ quái. Ta nói lắp bắp, đứt quãng trong những cuộc mít tinh hay trên điện thoại, và những trợ lý của ta thầm thì, gật đầu, nháy mắt với nhau và nghĩ như thế, vâng đúng thế. U ác tính đấy.
Hai năm trước ta đã lập một bản di chúc để lại toàn bộ tài sản cho cô tình nhân cuối cùng, vào thời ấy cô ta chỉ có việc lượn đi lượn lại trong phòng ta, mặc đồ chẽn bó sát người có in hình da báo và không phải làm chuyện gì khác. Chuyện này, ta nghĩ đúng là tại mình cuồng si các vệ nữ tóc vàng tuổi hai mươi hơ hớ với những đường cong bốc lửa hầu khích động cái “năng cử khí quan” của mình để may ra vớt vát được quả nào lời quả ấy. Trời cho ta dư thừa tiền của nhưng chẳng cho ta đủ sức để ngốn ngấu hết những trái ngon của đời cho đã, cho hả cơn thèm! Thì cố vắt đến giọt cuối cùng rồi cũng đành thôi vậy. Nhưng nàng riết rồi cũng chán và thấy vô duyên với trò biểu diễn thời trang thiên nhiên chỉ chọc ngứa mà lại không được gãi cho đã ngứa nên nàng vùng vằng tỏ ra chẳng vừa “cái” bụng. Thế là ta cho nàng “ô-rờ-lui” với tí tiền còm trợ cấp đủ sống ba tháng trong khi chờ… vận may mới! Còn bản chúc thư đó thì được cho vào máy cắt, xé vụn tan tành cho vào bồn cầu giựt nước trôi ra cống rãnh. Cũng đáng tiếc cho nàng. Còn ta chỉ thấy hơi mệt mỏi. Ba năm trước ta đã làm bản chúc thư để lại toàn bộ tài sản cho các hội từ thiện, hơn một trăm hội đoàn. Một ngày nọ ta đã chửi thằng TJ và thằng nghịch tử chẳng chịu nhịn, cũng chửi lại ta. Và ta cho nó biết nội dung bản chúc thư. Hắn cùng mẹ và lũ anh em thuê một đám luật sư cò mồi láu cá đệ đơn lên tòa án với mưu đồ buộc ta phải qua cuộc kiểm nghiệm, đánh giá pháp y. Đây quả là một đòn khôn ngoan ma mãnh của đám thầy cãi bởi vì nếu ta bị phán là mất năng lực tinh thần thì bản chúc thư đó sẽ trở thành vô hiệu.
Nhưng ta cũng có hàng trăm thằng luật sư chờ đợi răm rắp nghe theo tiếng búng tay, tiếng huýt gió khẽ của ta bởi ta sẵn sàng chi trả cả ngàn đô la một giờ tiền công cho mỗi đứa, miễn làm sao biết vo tròn bóp méo cái bánh dẻo pháp lý cho vừa ý ta. Ta chẳng phải qua khám nghiệm pháp y nào cả mặc dầu thời đó có lẽ ta cũng hơi khùng điên một chút!
Và ta có cái máy cắt, xé vụn tài liệu của riêng ta để cắt xé những bản chúc thư ta buồn tình viết ra, rồi lại muốn hủy đi.
Ta mặc những áo choàng trắng bằng lụa Thái hay lụa Việt Nam và cạo đầu trọc lóc như một thầy chùa, ta ăn ít nên thân hình mảnh khảnh. Họ tưởng ta tu theo đạo Phật nhưng thật ra ta nghiên cứu Bái hỏa giáo của Zarathustra. Họ đâu biết sự khác biệt. Ta hầu như hiểu được tại sao chúng nghĩ năng lực tinh thần ta đã suy thoái.
Lillian và dòng con thứ nhất của ta đang ở phòng hội thảo của ban điều hành công ty tại tầng mười ba ngay dưới nơi ta đang ngồi. Đó là một đại sảnh với đá hoa cương và gỗ gõ mật với thảm Ba Tư và bàn bầu dục dài ở giữa, giờ đây đang hội tụ những con người nôn nóng bồn chồn. Cũng không có gì ngạc nhiên, bởi bọn thầy cãi còn đông hơn người nhà. Đệ nhất cố lão phu nhân Lillian có một luật sư phụ tá và mỗi một trong bốn hậu duệ của bà cũng đều có luật sư riêng trừ TJ có đến ba luật sư phò tá để chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của cậu cả và để chắc ăn rằng mọi kịch cảnh đều được đạo diễn sâu sát đúng mức. TJ có nhiều vấn đề pháp lý hơn mọi thân nhân khác của người chết. Ở đầu kia của chiếc bàn là một màn hiển thị kỹ thuật số lớn sẽ phóng chiếu mọi diễn biến của cuộc họp.
Em kế của TJ là Rex, bốn mươi bốn tuổi, con trai thứ hai của ta, hiện đang cưới một ả vũ nữ thoát y, một sinh vật nghèo trí tuệ, nghèo quần áo nhưng vú viếc mông miếc thì giàu sụ, hình như là vợ thứ ba của nó. Thứ hai hay thứ ba cũng thây kệ cha nó, ta là ai, ta tốt lành gì hơn về cái khoản đó mà đòi lên án nó? Cô nàng đang có mặt ở đây, với lũ phu nhân hiện hữu bây giờ hoặc những cô vợ hờ của chư công tử. Đủ mặt! Các người đang nóng lòng sốt ruột chờ xem mười một tỉ đô la sẽ được chia ra thế nào chứ gì? - Hượm đã!
Cô trưởng nữ của Lillian, Libbigail, là đứa con mà ta thiết tha yêu quí cho đến khi nó rời gia đình vào đại học và quên bẵng cha già mẹ yếu để đem lòng yêu và lấy một thằng Mỹ gốc Phi châu - nghĩa là một thằng da đen - và ta liền xóa tên nó khỏi sổ bộ gia đình, đừng hòng mơ tưởng có tên trong các chúc thư của ta.
Mary Ross là cô gái út do Lillian sinh ra. Nó lấy một thằng bác sĩ ôm mộng thành cự phú nhưng hiện đang nợ như chúa chổm.
Janie và dòng thứ hai ngồi đợi nơi một phòng của lầu mười. Nàng chỉ mới có thêm được hai đời chồng kể từ khi li dị với ta nhiều năm trước đây. Còn hiện nay ta hầu như không biết chắc là nàng đang phòng không chiếc bóng. Bởi ta đã thuê các thám tử tư theo dõi nàng và cả FBI cũng thường xuyên tường trình cho ta về những cuộc “động giường” của nàng. Như ta đã nói, Rocky, con trai của ta với nàng, đã tử nạn. Geena, con gái của ta với nàng, có mặt ở đây với thằng chồng thứ nhì của nó, một thằng con nít khờ khạo có được mảnh bằng MBA, một thứ bùa chú đủ nguy hiểm để làm tiêu tan nửa tỉ đô la trong vòng ba năm.
Và rồi còn cậu quí tử Ramble, ngồi lừ đừ lòng khòng trong ghế ở lầu năm, liếm chiếc nhẫn vàng ở khóe môi, lấy tay xoắn mớ tóc màu xanh lá cây bóng mượt dầu, nhìn cau có mẹ nó, một mụ đàn bà vô sỉ dám trơ trẽn đến đây cặp tay một thằng đĩ đực oắt tì tóc tai râu ria bù xù. Ramble trông chờ hôm nay sẽ nắm được trong tay một tài sản lớn, đơn giản chỉ vì cậu đã được phóng vào đời từ sinh thực khí của ta. Và Ramble cũng có một luật sư riêng, một gã hippie mà Tira thấy hình ảnh trên tivi và thuê tức thì khi gặp. Cả lũ đang chờ.  
Ta biết rõ tất cả bọn chúng và sẵn sàng đối chiến.
Snead xuất hiện từ phía sau apartment của ta. Hắn là người quản gia cho ta gần ba mươi năm nay, một gia nhân lùn, béo tròn trong chiếc áo choàng trắng, khúm núm quị lụy, luôn cúi người thật thấp trước mặt chủ nhân, như một thị thần phủ phục trước quân vương. Snead dừng lại trước ta, đan tay để ngang bụng, như thường lệ, đầu nghiêng về một bên, cười cầu tài đúng liều lượng và thưa bẩm đúng nghi thức: “Bẩm, chủ nhân mạnh khỏe?” bằng một giọng trầm bổng du dương dễ gây thiện cảm mà hắn đã luyện đến độ tinh thục từ khi ta còn ở Ái Nhĩ Lan.  
Ta chẳng nói gì, vì ta đâu còn bị đòi hỏi hoặc được chờ đợi phải trả lời Snead.  
- Chủ nhân dùng cà-phê?
- Bữa trưa.
Snead nháy cả hai mắt và càng cúi thấp người hơn rồi đi lạch bạch khỏi phòng, gấu quần lê trên sàn. Cả hắn ta nữa, cũng trông chờ được ban phát khá đủ để trở thành giàu có khi ta chết đi, và ta đoán là hắn cũng đang đếm từng ngày, như tất cả bọn kia.
Cái rối khi anh có tiền nhiều là mọi người ai cũng mong kiếm được tí tỉnh từ tay anh. Chút đỉnh thôi, như con trâu rụng sợi lông ấy mà! Lộc bất khả tận hưởng. Ngài có hàng tỉ đô la thì chia sớt cho kẻ khốn khổ này một triệu có đáng gì đâu. Xin ngài rộng lượng san sẻ chút của phù du để được ơn phước đời đời. Mong ngài ghi tên tôi vào một góc nào đó trong chúc thư, còn chỗ mà.
Snead ranh ma như quỉ sứ và nhiều năm trước ta đã bắt gặp y láo liên rình mò bản chúc thư. Hắn cầu mong ta chết bởi vì hắn chờ đợi vài triệu đô la của ta lọt vào túi hắn.
Hắn có quyền gì mà chờ đợi điều ấy nhỉ? Lẽ ra ta đã đuổi cổ hắn từ bao năm trước.
Hắn không được hân hạnh nêu tên trong bản chúc thư mới của ta.  
Hắn đặt cái khay trước mặt ta: một hộp bánh Ritz chưa mở, một bình nhỏ mật ong còn dấu plastic trên nắp và một can đựng Fresca. Một khúc điệu nhàm chán, chẳng có biến tấu nào. Tên này đáng bị đuổi ngay tại chỗ.  
Ta tuyên bố “bãi nhiệm” y và nhúng miếng bánh vào mật.
Bữa tiệc trần gian cuối cùng.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét