Jonas Jonasson
Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Người dịch: Phạm Hải Anh
Chương 4
1905-1929
Allan Emmanuel Karlsson sinh ra ngày 2 tháng Năm năm 1905.
Hôm trước, mẹ cậu đã tham gia cuộc diễu hành ngày 1 tháng Năm ở Flen, biểu tình
đòi giải phóng phụ nữ, đòi một ngày làm việc 8 tiếng và những thứ không thể
thực hiện khác. Ít nhất thì cuộc biểu tình cũng một kết quả tốt, làm cơn đau
bụng trở dạ bắt đầu và chỉ sau nửa đêm cậu con trai đầu tiên và duy nhất của bà
ra đời. Nó xảy ra trong căn nhà lá cho thợ thuyền ở Yxhult với sự giúp đỡ của
vợ ông hàng xóm, bà chắc chắn không phải là bà đỡ tài ba gì nhưng cũng có ít
danh phận, vì hồi 9 tuổi đã được nhún gối chào trước mặt Vua Karl XIV Johan,
người có thể xem là bạn của Napoleon Bonaparte. Và để công bằng với vợ ông hàng
xóm, cũng phải nói rằng đứa trẻ mà bà đỡ ngày nào giờ đã trưởng thành, với số
tuổi dư cực cao.
Cha Allan Karlsson là một người chu đáo và nóng tính. Ông
chu đáo với gia đình; nổi nóng với xã hội nói chung và với tất cả những ai được
xem là đại diện cho xã hội. Giới cầm quyền không ưa ông, lại càng ghét từ khi
ông đứng trên quảng trường ở Flen nói về việc áp dụng các biện pháp tránh thai.
Vì thế ông đã bị phạt mười crown, cộng thêm việc ông không bao giờ phải lo lắng
về chuyện tránh thai vì từ đó mẹ Allan quá xấu hổ nên đã quyết định cấm vận
chồng. Allan lúc đó sáu tuổi, đủ lớn để bắt mẹ giải thích kỹ hơn lý do tại sao
giường của cha đột nhiên bị chuyển vào lều chứa củi ngoài bếp, nhưng cậu không
có câu trả lời nào khác ngoài câu đừng hỏi quá nhiều nếu không sẽ bị đóng hộp
vào tai. Allan, giống như trẻ con mọi thời, không muốn tai mình bị cái hộp chụp
lên, nên cậu đành bỏ qua chuyện đó.
Từ ngày đó, cha của Allan đâm ra hiếm khi có nhà. Ban ngày
ít nhiều ông phải đối phó với công việc của mình ở đường sắt, buổi tối ông thảo
luận về chủ nghĩa xã hội tại các cuộc họp khắp nơi, và Allan không bao giờ biết
rõ ông qua đêm ở chỗ nào.
Tuy nhiên, cha cậu vẫn gánh vác trách nhiệm tài chính của
mình. Hàng tuần, ông nộp phần lớn tiền lương cho vợ, cho đến một hôm, ông bị sa
thải vì đã hành hung một hành khách, người khoe rằng mình đang trên đường đến
Stockholm cùng với hàng ngàn người khác để diện kiến Đức Vua trong hoàng cung
và cam kết với Ngài ý nguyện bảo vệ tổ quốc.
- Để bắt đầu, ông có thể bảo vệ chính mình chống lại cái này
đã, - cha Allan nói rồi đấm thẳng vào ông ta mạnh đến nỗi người đàn ông ngã lăn
xuống đất.
Bị sa thải ngay lập tức có nghĩa là cha của Allan không thể
cưu mang gia đình mình nữa. Mang tiếng là một người đàn ông bạo lực và ủng hộ
các biện pháp tránh thai khiến ông chỉ phí thời gian tìm việc khác. Chỉ còn
cách chờ đợi cuộc cách mạng, hoặc tốt nhất là thúc đẩy nó bùng nổ, bởi vì ngày
nay, chuyện cỏn con gì cũng chậm chạp khủng khiếp. Cha Allan là người muốn thấy
kết quả khi ông dồn hết tâm trí của mình vào nó. Chủ nghĩa xã hội Thụy Điển cần
một mô hình quốc tế. Chỉ khi nào có nó thì mọi thứ sẽ bắt đầu vận động và tên
lái buôn Gustavsson cùng đồng bọn sẽ phải vã mồ hôi.
Vì vậy, cha Allan đã khăn gói đến nước Nga để lật đổ Sa
hoàng. Tất nhiên mẹ Allan bị mất khoản tiền lương từ đường sắt, nhưng mặt khác
bà lại hài lòng vì chồng mình không chỉ biến khỏi huyện nhà mà là đi tuốt khỏi
đất nước. Sau khi người trụ cột gia đình đã ra đi, bà mẹ và Allan, lúc đó chỉ
mười tuổi, chịu trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình. Mẹ cậu đã chặt hạ 14 cây
bạch dương lớn, cắt khúc, bửa ra rồi bán như củi, trong khi Allan cố gắng xin
một công việc lương thấp tè, làm tạp vụ tại chi nhánh sản xuất
Nitroglycerin AB [công ty sản xuất thuốc nổ của Afred Nobel] ở ngoại ô Flen.
Trong những bức thư thường xuyên gửi từ St Petersburg (chẳng
bao lâu sẽ bắt đầu được gọi là Petrograd), mẹ Allan ngày càng ngạc nhiên để ý
thấy cha Allan, sau một thời gian đã bắt đầu nghi ngờ niềm tin của chính mình
về sự tuyệt vời của chủ nghĩa xã hội. Nhân vật hay được trích dẫn là một người
tên là Carl. Cái tên không Nga lắm, Allan nghĩ, và càng không có vẻ gì là Nga
khi cha của Allan bắt đầu gọi ông ta Fabbe, ít nhất là như trong thư.
Theo cha Allan, Fabbe lập luận rằng nhìn chung mọi người
không hiểu rõ chính mình, và họ cần ai đó để dựa dẫm. Đó là lý do tại sao chế
độ tập quyền mạnh hơn dân chủ, miễn là thành phần có trách nhiệm và có giáo dục
của xã hội chăm lo sao cho tập quyền ở đây có hiệu quả tốt. Ví dụ Fabbe đã khịt
mũi nghi ngờ khi thực tế là 7 trong số 10 người Bolshevik không biết đọc. Chúng
ta không thể giao quyền lực cho đám người mù chữ, đúng không?
Tuy nhiên, trong thư gửi về nhà ở Yxhult, cha Allan vẫn bênh
những người Bolshevik ở điểm đó, bởi vì cả nhà ông không thể tưởng tượng được
bảng chữ cái Nga trông như thế nào. Chẳng có gì là khó hiểu khi người ta không
biết chữ.
Cái tệ là cách những người Bolshevik cư xử. Họ ở bẩn, và họ
uống vodka như thợ hồ ở nhà, những người đã đặt đường ray đan chéo qua miền
trung Thụy Điển. Cha Allan luôn thắc mắc làm sao các đường ray có thể thẳng
được nếu nhìn vào mức tiêu thụ rượu của đám thợ, và ông đã thấy nhói lên nghi
ngờ mỗi khi đường ray Thụy Điển quẹo sang phải hoặc sang trái.
Về chuyện này, những người Bolshevik ít nhất cũng tệ ngang
ngửa.
Fabbe đã khẳng định chủ nghĩa xã hội sẽ kết thúc bằng việc
mọi người cố gắng giết lẫn nhau cho đến khi chỉ còn một người quyết định. Trong
trường hợp đó, tốt hơn là ngay từ đầu dựa vào Sa hoàng, một người tốt, có giáo
dục với tầm nhìn thế giới.
Ít nhất thì Fabbe cũng biết mình đang nói gì. Ông đã gặp Sa
hoàng vài lần thật. Fabbe tuyên bố rằng Nicolai II cực kỳ tốt bụng. Cho đến
nay, Sa hoàng gặp nhiều rủi ro trong đời, nhưng chắc chắn không thể mãi như thế
được? Những vụ mùa thất thu và cuộc cách mạng Bolshevik làm mọi thứ hỗn loạn cả
lên. Sau đó người Đức bắt đầu phản đối vì Sa hoàng ra lệnh tổng động viên.
Nhưng ngài làm điều đó với mục đích gìn giữ hòa bình. Rốt cuộc thì có phải là
Sa hoàng đã giết chết thái tử Áo và vợ ông ta ở Sarajevo đâu? [Tức thái tử Áo
Franz Ferdinand. Vụ ám sát ông ta ở Sarajevo đã châm ngòi cho Thế chiến I] Đúng
không?
Rõ ràng là Fabbe (dù ông ta là ai) đã thấy hết tất cả, và
bằng cách nào đó ông ta khiến cha Allan cũng nhìn theo cách ấy. Hơn thế nữa,
cha Allan còn cảm thông với những rủi ro mà Sa hoàng đã phải chịu.
Sớm hay muộn thì vận rủi cũng phải thay đổi, với Sa hoàng
Nga cũng như với nhân dân, những con người trung thực ở vùng ngoại ô Flen.
Cha cậu không bao giờ gửi tí tiền nào từ Nga, nhưng sau vài
năm, có lần ông đã gửi một cái gói đựng quả trứng Phục Sinh men sứ. Cha cậu nói
rằng ông đã thắng nó trong trò chơi Harlequin với một đồng chí Nga, ngoài việc
uống rượu, thảo luận và chơi bài, cha Allan không mất thời gian vào các thứ
khác như là làm quả trứng kiểu đó.
Cha ông đã tặng quả trứng Phục sinh của Fabbe cho “vợ yêu”,
bà đã nổi giận mắng đồ vô công rồi nghề chết tiệt ít nhất cũng có thể gửi một
quả trứng thật để gia đình có cái mà ăn. Và mẹ ông sém chút nữa thì ném món quà
qua cửa sổ, trước khi bà lấy lại tự chủ. Biết đâu ông lái buôn Gustavsson sẽ
quan tâm trả giá gì đó cho nó, ông ta luôn luôn cố gắng tỏ ra đặc biệt và quả
trứng này mẹ Allan nghĩ là rất đặc biệt.
Cho nên mẹ Allan rất ngạc nhiên khi nhà buôn Gustavsson sau
hai ngày xem xét đã trả 18 crown cho quả trứng của Fabbe. Tất nhiên là theo
cách trừ nợ, nhưng dù thế cũng tốt.
Sau đó, mẹ cậu hy vọng sẽ nhận được bưu phẩm có nhiều trứng
hơn, nhưng trong lá thư tiếp theo, thay vì trứng, bà được biết rằng các
tướng của Sa hoàng đã bỏ rơi minh chủ của mình và Sa hoàng đã mất ngôi. Trong
thư, cha Allan nguyền rủa người bạn sản xuất trứng của mình đã can dự vào vụ
này và chạy trốn sang Thụy Sĩ. Cha Allan chắc chắn sẽ ở lại và chiến đấu với
bọn nổi dậy và gã hề, kẻ chiến thắng mà họ gọi là Lenin.
Đối với cha Allan, toàn bộ chuyện này cũng có vấn đề cá nhân
vì Lenin đã cấm tiệt quyền sở hữu đất cá nhân đúng vào ngày cha Allan vừa mua
xong mười hai mét vuông đất để trồng dâu tây Thụy Điển. “Miếng đất giá không
hơn bốn rúp, nhưng họ sẽ không dễ gì quốc hữu hóa mảnh đất trồng dâu của tôi”,
cha Allan đã viết trong lá thư cuối cùng ông gửi về nhà. Và ông kết thúc bức
thư: “Bây giờ là chiến tranh!”
Chắc chắn là chiến tranh rồi. Ở khắp nơi trên thế giới trừ
nơi này, và trong nhiều năm. Nó đã nổ ra ngay sau khi cậu bé Allan nhận được
chân tạp vụ tại AB Nitroglycerin. Allan vừa nhồi chất nổ vào các cái hộp, vừa
dỏng tai nghe ý kiến của đám thợ về những gì xảy ra. Cậu tự hỏi sao mà họ biết
nhiều thế, nhưng hơn hết cậu thắc mắc những người đàn ông trưởng thành có thể
mang lại bao nhiêu đau khổ. Áo tuyên chiến với Serbia. Đức tuyên chiến với Nga.
Rồi Đức chiếm Luxembourg một ngày trước khi tuyên chiến với Pháp. Khi Anh tuyên
bố chiến tranh với Đức thì người Đức trả đũa bằng cách tuyên chiến với Bỉ. Sau
đó, Áo tuyên chiến với Nga và Serbia tuyên chiến với Đức.
Và cứ thế tiếp tục. Nhật Bản tham chiến, Mỹ cũng thế. Vì lý
do gì đó, Anh đã chiếm Baghdad, sau đó là Jerusalem. Người Hy Lạp và Bulgaria
bắt đầu choảng nhau rồi Sa hoàng Nga phải thoái vị, trong khi người Ả Rập chiếm
Damascus...
“Bây giờ là chiến tranh”, cha cậu đã thông báo cho họ. Ngay sau
đó, Lenin đã hành quyết Sa hoàng cùng với cả gia đình ông. Allan để ý thấy vận
rủi của Sa hoàng vẫn tiếp tục.
Vài tháng sau đó, lãnh sự quán Thụy Điển ở Petrograd gửi một
bức điện đến Yxhult, thông báo rằng cha Allan đã chết. Nhân viên lãnh sự không
có trách nhiệm phải gửi điện tín đi sâu vào chi tiết như thế, nhưng có lẽ ông
ta không cưỡng lại được.
Dù sao, theo ông ta, cha của Allan đã đóng ván quanh diện
tích khoảng 10-15 mét vuông, và tuyên bố khu vực này là một xứ cộng hòa độc
lập. Cha Allan đã gọi là tiểu bang tí hon của mình là Nước Nga Chân Chính
và sau đó hi sinh trong cuộc hỗn chiến khi hai người lính của chính phủ đến đấy
kéo các tấm ván xuống. Lúc đó, cha Allan đã dùng nắm đấm nhiệt thành bảo vệ
biên giới quốc gia của mình, và hai người lính không thể nói chuyện với ông.
Cuối cùng, họ thấy không có giải pháp nào khác là tặng một viên đạn vào giữa
hai mắt của cha Allan, để họ có thể làm việc trong hòa bình.
- Liệu có thể chết một cách đỡ ngu ngốc hơn không? - mẹ của
Allan nói với bức điện tín từ Lãnh sự quán.
Vốn đã không trông đợi gì vào việc chồng mình quay về nhà,
nhưng sau này, bà lại bắt đầu mong mỏi, vì bản thân bà có vấn đề về phổi, và
việc bửa củi ngày càng khó khăn hơn.
Mẹ Allan cất tiếng thở dài não ruột và thế là xong đám tang.
Bà bảo Allan bây giờ nó là như thế, nhưng cái gì phải đến sẽ đến. Sau đó, bà âu
yếm xoa đầu cậu con trai trước khi ra ngoài để bửa thêm ít củi.
Allan không hiểu lắm những gì mẹ nói. Nhưng cậu hiểu rằng
cha mình đã chết, mẹ bị ho và chiến tranh đã kết thúc. Bản thân cậu, ở tuổi 13,
đã đặc biệt thành thạo với việc chế tạo thuốc nổ bằng cách trộn nitroglycerine,
cellulose nitrat, amoni nitrat, nitrat natri, bột gỗ, dinitrotoluen và một ít
các thứ khác. Một ngày nào đó nó sẽ có ích, Allan nghĩ, và đi ra ngoài để giúp
mẹ mình với đống gỗ.
Hai năm sau, mẹ Allan đã dứt ho, và bước vào nơi có lẽ là
thiên đường mà cha bà đã yên nghỉ trước. Đứng ở cửa căn nhà lá, ông lái buôn
tức giận nghĩ mẹ Allan lẽ ra phải trả khoản nợ chín crown trước khi bà - chẳng
báo cho ai - lăn ra chết. Dù sao Allan cũng không định trả cho Gustavsson nhiều
hơn mức cần thiết.
- Chuyện đó ông đi mà nói với chính mẹ tôi ấy, ông thương
gia ạ. Ông có muốn mượn cái thuổng không?
Lái buôn thì vẫn là lái buôn, nhưng ông ta người hơi gày gò,
trái ngược với Allan mười lăm tuổi. Cậu sắp thành một người đàn ông rồi, và nếu
chỉ điên bằng nửa cha mình thì cậu có thể làm bất cứ điều gì, lái buôn
Gustavsson thấy thế, và ông ta muốn lượn lờ xung quanh một thời gian nữa để đếm
tiền của mình. Vì vậy, món nợ ấy không bao giờ được nhắc đến nữa.
Cậu bé Allan không hiểu nổi làm thế nào mẹ mình có thể cào
cấu để tiết kiệm hàng trăm Crown. Nhưng có tiền, đủ để chôn mẹ cậu và mở Công
ty Dynamite Karlsson. Mới chỉ 15 tuổi khi mẹ mất, nhưng Allan đã học được những
gì cần thiết tại Nitroglycerin AB.
Cậu đã làm rất nhiều thí nghiệm táo bạo trong hố sỏi phía
sau nhà, một cái gớm đến nỗi con bò nhà hàng xóm gần nhất bị sẩy thai cách đấy
hai cây số.
Nhưng Allan không bao giờ bị nghe về chuyện đó, bởi vì cũng
như ông lái buôn Gustafsson, hàng xóm hơi sợ bố con nhà Karlsson cùng điên như
nhau.
Từ hồi làm tạp vụ, Allan đã quan tâm đến những gì xảy ra ở
Thụy Điển và trên thế giới. Ít nhất tuần một lần, cậu đều đặn vào thư viện công
cộng ở Flen để cập nhật những tin tức mới nhất. Ở đó, cậu thường gặp những
người trẻ tuổi thích tranh luận và bọn họ có một điểm chung: muốn lôi kéo Allan
vào một vài phong trào chính trị này kia. Nhưng Allan chỉ quan tâm để biết
những gì đang xảy ra, chứ không thích tham gia hay cố gắng gây ảnh hưởng gì.
Tuổi thơ của Allan dĩ nhiên đã có những hoang mang về chính
trị. Một mặt, cậu thuộc tầng lớp lao động, khó có thể nói gì khác về một cậu bé
bỏ học từ năm lên chín để kiếm việc trong ngành công nghiệp. Mặt khác, cậu tôn
trọng ký ức về cha mình, và cha cậu trong cuộc đời ngắn ngủi đã cố gắng để có
đủ các quan điểm. Ông bắt đầu đi từ cánh Tả, đến chỗ ca ngợi Sa hoàng Nikolai
II và làm tròn sự tồn tại của mình bằng một tranh chấp đất đai với Vladimir Illych
Lenin.
Về phần mình, mẹ cậu, giữa những cơn ho vò xé đã nguyền rủa
tất cả mọi người từ nhà vua, đám Bolshevik và luôn tiện, cả các nhà lãnh đạo
của đảng Dân chủ xã hội, Hjalmar Branting, lão lái buôn Gustavsson và cha của
Allan nữa.
Còn bản thân Allan chắc chắn không phải là một kẻ đần độn.
Cậu thừa nhận đã mất ba năm ở trường, nhưng nó khá hữu ích cho cậu để học đọc,
viết và làm tính. Những người bạn thợ đầy ý thức chính trị tại Nitroglycerin AB
cũng khiến cậu tò mò về thế giới.
Tuy nhiên, cái cuối cùng làm hình thành triết lý sống của
Allan lại chính là những gì mẹ cậu đã nói khi họ nhận được tin cha mất. Tất
nhiên, cũng phải mất một thời gian trước khi điều này thấm vào tâm hồn người
trai trẻ, nhưng một khi ở đó thì nó tồn tại mãi mãi:
Bây giờ nó là như thế, nhưng cái gì phải đến sẽ đến.
Và thế thì người ta đừng bộc lộ bản thân. Ít nhất là nếu
không có lí do để làm như vậy. Ví dụ như khi tin báo tử của cha cậu đến ngôi
nhà ở Yxhult. Theo truyền thống gia đình, Allan đã phản ứng bằng cách chặt gỗ,
trong một thời gian hết sức lâu và đặc biệt im lặng. Hoặc khi mẹ cậu đã mất
theo cùng một cách và bà được đưa ra cỗ xe tang đang chờ đợi bên ngoài nhà. Lúc
đó, Allan ở trong nhà bếp, theo dõi cảnh tượng qua cửa sổ. Và rồi cậu
lặng lẽ nói khẽ đến mức không ai khác nghe thấy:
- Tạm biệt mẹ.
Và nó kết thúc một chương của cuộc đời cậu.
* * *
Allan đã làm việc chăm chỉ ở công ty thuốc nổ và trong những
năm đầu thập kỷ 20 đã có được một nhóm khách hàng đáng kể trong vùng. Vào các
tối thứ Bảy, Allan ở nhà tìm tòi các công thức mới để nâng cao chất lượng thuốc
nổ của mình. Đến Chủ nhật, anh ra hố sỏi và thử nghiệm các vật liệu nổ. Tuy
nhiên, anh không thử giữa mười một và một giờ trưa, ít nhất thì Allan đã hứa
với mục sư ở Yxhult, đổi lại mục sư sẽ không phàn nàn quá nhiều về sự vắng mặt
của Allan trong các dịch vụ nhà thờ.
Allan thấy sống một mình rất ổn. Có lẽ thế là tốt, bởi vì
anh thực sự khá đơn độc. Vì không tham gia vào hàng ngũ của phong trào lao động
nên anh đứng ngoài phe xã hội, trong khi anh quá bình dân và là con trai ông bố
như thế thì không bao giờ có được một chỗ đứng trong bất kỳ salon tư sản nào.
Đó là nơi Gustavsson ngồi và suốt đời ông ta sẽ không thèm bước chân vào công
ty của thằng nhãi ranh Karlsson. Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu nó chộp
lấy những gì Gustavsson đã kiếm chác được từ quả trứng mà ông ta từng mua của
mẹ Allan với giá cực bèo và bán cho một nhà ngoại giao tại Stockholm. Nhờ
vụ kinh doanh đó, Gustavsson đã trở thành người thứ ba của huyện tự hào sở hữu
một chiếc ôtô.
Hồi đó ông ta thật may mắn. Nhưng lúc này vận may của
Gustavsson đã không kéo dài như ông ta muốn. Vào một ngày Chủ nhật tháng Tám
năm 1925, sau khi đi lễ nhà thờ, ông ta đi xe về, chủ yếu là để khoe khoang với
mọi người. Chẳng may ông ta lại chọn đúng con đường đi qua Allan Karlsson ở
Yxhult.
Đi đến khúc quanh phía ngoài ngôi nhà của Allan, Gustavsson
hơi căng thẳng (có lẽ Chúa hay số phận đã sắp xếp mọi chuyện theo cách nào đó),
và tay ga bị kẹt khiến Gustavsson cùng với cái ôtô của ông ta đâm thẳng vào cái
hố sỏi phía sau nhà, thay vì theo khúc cua hơi cong của con đường sang
bên phải. Với Gustavsson, đặt chân trên đất của Allan và giải thích này kia đã
đủ tồi tệ lắm rồi, nhưng nó còn tệ hơn nữa, bởi vì đúng lúc Gustavsson vừa
khiến chiếc ôtô đang mất lái của mình dừng lại được, thì Allan bắt đầu vụ nổ
thử nghiệm đầu tiên trong ngày Chủ nhật.
Bản thân Allan lại đang ôm bụng phía sau chuồng xí nên không
thể nhìn thấy hay nghe thấy bất cứ điều gì. Cho đến khi quay trở lại hố sỏi để
xem vụ nổ diễn ra thế nào, anh mới nhận ra có cái gì đó không ổn. Các mảnh ôtô
của Gustavsson vương vãi đến nửa hố, và nằm rải rác đây đó có vài mảnh của
chính Gustavsson nữa.
Ngay gần ngôi nhà, đầu Gustavsson đã hạ cánh nhẹ nhàng trên
một đám cỏ. Nó nằm đó nhìn lơ đãng qua đống đổ nát.
- Ông định kinh doanh gì trong hố sỏi của tôi? - Allan hỏi.
Gustavsson đã không trả lời.
* * *
Suốt bốn năm sau đó, Allan có rất nhiều thời gian để đọc và
nâng cao kiến thức của mình về xã hội đang phát triển như thế nào. Anh bị bắt
giam gần như ngay lập tức, mặc dù lý do thì mù mờ khó xác định. Thậm chí cả cha
của Allan - nhà cựu cách mạng - cũng được tham gia vào quá trình này. Điều này
xảy ra khi một học trò trẻ và nhiệt thành của giáo sư Bernhard Lundborg, chuyên
gia về Sinh học Chủng tộc ở thành phố đại học Uppsala, quyết định xây dựng sự
nghiệp của mình qua Allan. Sau nhiều lần bị vặn vẹo, Allan thấy mình rơi tõm
vào mớ rối rắm của giáo sư Lundborg và chẳng bao lâu bị buộc triệt sản vì “lý
do an sinh xã hội”, nghĩa là Allan có thể hơi bị thiểu năng và mang gen di
truyền của ông bố nhiều quá mức khiến nhà nước không thể cho phép gen Karlsson
tiếp tục sinh sôi.
Việc triệt sản không làm Allan bận tâm lắm. Bù lại, anh được
đón tiếp tử tế tại phòng khám của giáo sư Lundborg. Thỉnh thoảng anh trả lời
các câu hỏi thập cẩm, chẳng hạn anh có nhu cầu gì khi cho nổ tung người và vật
thành muôn mảnh và liệu anh có biết mình có tí máu da đen nào trong người
không.
Allan đã trả lời rằng anh thấy có sự khác biệt nhất định
giữa người và vật khi tính đến niềm vui lúc châm ngòi thuốc nổ. Nổ tung một
tảng đá có thể làm ta khoan khoái. Nhưng nếu không phải tảng đá mà là một con
người, thì Allan nghĩ cũng nên yêu cầu người ấy di chuyển ra chỗ khác. Giáo sư
Lundborg có nghĩ vậy không?
Nhưng Bernhard Lundborg không phải loại người ưa thảo luận
triết học với bệnh nhân của mình, thay vào đó, ông lặp đi lặp lại câu hỏi về
dòng máu da đen. Allan đáp anh không rõ lắm, nhưng cả bố mẹ anh đều trắng nhởn
như anh, nếu giáo sư có thể xem đó là một câu trả lời? Rồi Allan nói thêm rằng
anh cực kỳ muốn nhìn thấy tận mắt một người da đen nếu giáo sư có sẵn trong
kho?
Giáo sư Lundborg và trợ lý của ông không trả lời các câu hỏi
ngược lại của Allan, nhưng họ ghi chú, hừm hừm và rồi để anh yên, đôi khi trong
nhiều ngày liền. Allan dành những ngày đó để đọc đủ thứ. Báo hàng ngày và cả
sách từ thư viện bệnh viện vốn rất nhiều. Mỗi ngày được ba bữa ăn thỏa thích,
nhà vệ sinh khép kín và một phòng riêng. Allan thấy được nhốt trong bệnh viện
tâm thần rất thoải mái. Chỉ một lần bầu không khí trở nên hơi khó chịu, đó là
khi Allan muốn thỏa mãn tính tò mò của mình bằng cách hỏi giáo sư Lundborg là
người da đen hay Do Thái thì có gì mà nguy hiểm thế. Lần này, giáo sư đã không
trả lời bằng cách im lặng mà gầm lên rằng Karlsson nên lo việc riêng của mình
chứ đừng can thiệp vào việc của người khác. Tình thế này khiến anh mơ hồ nhớ
lại nhiều năm trước đây bị mẹ đe dọa đóng hộp lên tai lúc còn bé.
Mấy năm trôi qua, các cuộc phỏng vấn Allan ngày càng ít đi
và thưa hẳn. Sau đó, quốc hội bổ nhiệm một ủy ban điều tra việc triệt sản các “cá
nhân kém phẩm chất sinh học” và khi báo cáo in ra, Giáo sư Lundborg đột nhiên
có rất nhiều việc phải làm nên cái giường của Allan thành cần thiết cho người
khác. Do đó vào mùa xuân năm 1929, Allan được tuyên bố là đã hồi phục và phù
hợp để tái hòa nhập xã hội, anh được thả ra đường với món tiền tiêu vặt chỉ đủ
một vé tàu đi Flen. Còn vài dặm cuối cùng đến Yxhult thì anh phải đi bộ, nhưng
Allan thấy không sao. Sau bốn năm bị nhốt sau song sắt, anh cần được duỗi chân.
Chương 5
Thứ Hai ngày 2 tháng Năm 2005
Các tờ báo địa phương lập tức công bố trên trang web của
mình tin tức về cụ già đã bốc hơi trong ngày sinh nhật trăm tuổi. Vì phóng viên
báo vốn khát tin tức thực sự của huyện nhà nên đã thòng thêm một câu về việc
không loại trừ khả năng đây là một vụ bắt cóc. Theo các nhân chứng, cụ già trăm
tuổi vẫn minh mẫn và hầu như không thể bị lạc.
Biến mất vào ngày sinh nhật trăm tuổi là một điều gì đó đặc
biệt. Kênh phát thanh địa phương ngay lập tức đưa tin sau tờ báo địa phương,
rồi đến đài phát thanh quốc gia, truyền hình, các trang web của báo chí trên
toàn quốc và bản tin chiều, tin tối trên truyền hình.
Cảnh sát Flen không dám làm gì khác hơn là chuyển vụ này lên
đội hình sự tỉnh, đội này cử hai xe cảnh sát với các nhân viên cảnh sát mặc
đồng phục và Chánh Thanh tra Aronsson không mặc đồng phục. Chưa kể các đội săn
tin khác nhau giúp tìm kiếm tất cả các ngóc ngách trong khu vực. Sự hiện diện
đông đảo của các phương tiện truyền thông khiến cho tỉnh trưởng cảnh sát có lí
do để đích thân dẫn đầu cuộc điều tra và chắc sẽ được ghi hình trong suốt quá
trình công tác.
Ban đầu, công việc của cảnh sát là chạy xe cảnh sát diễu qua
diễu lại khắp thành phố, trong khi thám tử thẩm vấn mọi người ở Nhà Già. Tuy
nhiên, ngài thị trưởng đã về nhà ở Flen và tắt hết các máy điện thoại.
Theo ngài thì dính dáng đến sự mất tích của một ông già vô
ơn sẽ chẳng có gì hay ho cả.
Bao nhiêu lời bàn ra tán vào: đủ thứ, từ chuyện người ta đã
thấy cụ Allan đạp xe ở Katrineholm đến chuyện cụ đã xếp hàng và cư xử tồi tệ ở
hiệu thuốc tại Nyköping. Nhưng tất cả những chuyện như thế và các quan sát
tương tự chẳng bao lâu đã bị gạt bỏ vì nhiều lí do. Ví dụ, cụ không thể ở
Katrineholm trong khi có bằng chứng cho thấy cụ đang ăn trưa trong phòng mình
tại Nhà Già ở Malmköping.
Trưởng công an tỉnh đã tổ chức các nhóm tìm kiếm với sự giúp
đỡ của một trăm tình nguyện viên trong khu vực, và hết sức kinh ngạc vì không
có kết quả gì hết. Cho đến giờ, ông đinh ninh rằng đây chỉ là vụ đi lạc của một
cụ già lẩm cẩm, bất chấp mọi tuyên bố của các nhân chứng về sự minh mẫn của cụ
già. Thế là cuộc điều tra bị dẫm chân tại chỗ, cho đến khi chó nghiệp vụ được
gửi đến từ Eskilstuna vào lúc bảy rưỡi tối. Con chó đánh hơi một lúc ở cái ghế
tựa của cụ Allan và dấu chân trong đám hoa păngxê bên ngoài cửa sổ rồi chạy về
phía công viên, đi ra cổng bên kia, băng qua đường, vào khu nhà thờ trung cổ,
vượt qua bức tường đá và không ngừng lại cho đến khi tới ngoài phòng chờ của
Trung tâm Du lịch Malmköping.
Cửa phòng chờ bị khóa. Một viên chức của công ty giao thông
huyện Flen báo với cảnh sát là Trung tâm Du lịch khóa cửa lúc 19 giờ 30 vào các
ngày thường, khi đồng nghiệp ở Malmköping kết thúc ngày làm việc. Nhưng, viên
chức nọ nói thêm, nếu cảnh sát không thể đợi đến ngày hôm sau thì họ có thể đến
tận nhà vị đồng nghiệp nói trên ở Malmköping. Tên anh ta là Ronny Hulth và chắc
chắn có trong danh bạ điện thoại.
Trong khi trưởng công an tỉnh đứng trước ống kính máy quay
bên ngoài Nhà Già và thông báo rằng họ cần quần chúng giúp đỡ để các nhóm tìm
kiếm tiếp tục suốt chiều và đêm nay vì cụ già trăm tuổi ăn mặc rất phong phanh
và có lẽ bị lẫn lộn, chánh thanh tra Göran Aronsson đi đến nhà Ronny Hulth và
nhấn chuông cửa.
Con chó đã chỉ rõ rằng cụ già đã đi vào phòng chờ tại Trung
tâm Du lịch, và ông Hulth có mặt tại phòng vé có thể nói liệu cụ già có lấy xe
buýt đi khỏi Malmköping hay không.
Tuy nhiên, Ronny Hulth không mở cửa. Anh ta ngồi trong phòng
ngủ của mình với băng bịt mắt, ôm con mèo cưng của mình.
- Biến đi! - Ronny Hulth thì thào về phía cửa ra vào. - Biến
đi! Cút đi!
Và cuối cùng, Chánh Thanh tra đã làm đúng như thế. Một phần,
ông cũng nghĩ như sếp mình, là cụ già đang lang thang chỗ nào đó trong vùng,
phần khác ông nghĩ rằng nếu cụ ta lên được xe buýt, thì chắc cũng tự lo được
cho bản thân. Rằng Hulth Ronny có lẽ đang ở chỗ bạn gái. Để sáng mai tới kiếm
anh ta tại nơi làm việc cũng được. Nếu lúc đó mà ông lão còn chưa xuất hiện.
* * *
Vào lúc 21 giờ 02, trung tâm cảnh sát giao thông ở
Eskilstuna nhận được một cuộc gọi:
- Báo cáo các anh, tôi tên là Bertil Karlgren và tôi đang gọi điện thoại... Tôi đang gọi điện thoại thay mặt vợ tôi, đúng thế ạ. À, vâng, dù sao thì, vợ tôi, Gerda Karlgren, đã ở Flen vài hôm, đến thăm con gái của chúng tôi và chồng con bé. Hai đứa sắp có em bé và thế thì... chắc chắn là có rất nhiều việc phải làm. Nhưng dù sao hôm nay cũng đến lúc phải về nhà và cô ấy… tôi định nói là Gerda ấy ạ, Gerda bắt xe buýt đầu buổi chiều về nhà, vâng, báo cáo anh đúng là ngày hôm nay đấy ạ, và xe buýt đi qua Malmköping, chúng tôi sống ở đây ở Strängnäs... Vâng, chuyện này có thể không liên quan gì, vợ tôi cũng nghĩ như thế, nhưng chúng tôi nghe trên đài phát thanh về một cụ già trăm tuổi bị mất tích. Các anh đã tìm thấy cụ chưa? Chưa ạ? Dù sao, vợ tôi nói rằng có một ông cụ già lụ khụ đã lên xe buýt ở Malmköping và cụ đã có một cái vali lớn như là định đi xa lắm. Vợ tôi ngồi ở phía sau và cụ già ngồi phía trước vì vậy cô ấy không nhìn thấy rõ lắm và cũng không nghe được những gì ông cụ và người lái xe nói chuyện với nhau.
Em nói gì hả Gerda? À vâng, Gerda nói là dù sao cô ấy cũng
không phải là loại người nghe lỏm chuyện người khác… nhưng dù thế nào thì cái
ông cụ kỳ quặc… vâng, kỳ quặc hoặc là… rất già đó cũng chỉ đi nửa đường đến
Strängäs. Cụ ấy chỉ đi một đoạn đường ngắn với cái vali to tướng của mình. Và
trông cụ thì già khủng khiếp, chắc chắn là già lắm. Tuy nhiên Gerda không biết
trạm dừng xe bus ấy tên là gì, nó kiểu như là ở giữa rừng… nửa đường đi đâu đó.
Ở giữa Malmköping và Strängnäs.
Cuộc điện thoại được ghi âm, bóc băng và gửi fax đến khách
sạn của chánh thanh tra ở Malmköping.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét