Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Người lữ hành kỳ dị - Harold Robbins (Q 5)

Harold Robbins

Người lữ hành kỳ dị

Người dịch: Mạnh Hà, Thanh Sơn
NXB Văn học -1987


Quyển năm. Jonas - 1935

1

Tôi kéo cái cần lái vào lòng, hơi lệch sang trái một chút. Cùng lúc đó, tôi mở hết khóa ga. Chiếc CA - 4 lao vụt lên trời theo nửa vòng lộn, hệt như một mũi tên rời khỏi cung. Tôi cảm thấy rõ trọng lực đè gí tôi xuống ghế, làm máu rung lên bần bật trong các mạch máu ở hai cánh tay tôi. Tôi cho máy bay lao ra bằng ở đỉnh vòng lộn. Nhìn lại bảng đồng hồ, tôi thấy đang ở tốc độ một trăm mét giây. Chúng tôi đang bay bùn vụt trên Đại Tây Dương, bỏ Long Aixlơn rất xa lại phía sau.
Cúi về phía trước, tôi gõ gõ vào vai viên phi công quân đội ngồi trước mặt tôi.
- Thế nào, trung tá? - Tôi thét to, cố át tiếng gầm của động cơ kép và tiếng gió rít vù vù của cái nắp chất dẻo phía trên đầu chúng tôi.
Tôi thấy anh ta gật đầu trả lời tôi, nhưng không quay lại. Tôi biết anh ta đương làm gì. Anh ta đang kiểm tra bảng đồng hồ trước mặt. Trung tá Forextơ là một trong những phi công thực thụ. Anh ta đã lần lượt vất vả leo hết các cấp để trở về đến được chỗ với Edi Rickenbacơ và là lính cựu trong phi đoàn Ring. Không hề giống gì với cái lão tướng già chúng tôi đã bỏ lại trên phi trường Rudơvelt mà quân đội đã phái đến để xem xét máy bay của hãng chúng tôi.
Viên tướng đó chễm chệ chiếm cái ghế Cục trưởng Cục đặt mua và ủy quyền ở Oashingtơn. Dịp lão ta tiếp xúc gần nhất với máy bay là khi lão ta có chân trong thẩm phán đoàn tòa án binh xử vụ Bily Mitchel. Nhưng lão chính là cái mồm thốt ra tiếng Ôkê. Chúng tôi thế còn may đấy, vì lão cũng có được một sĩ quan không quân trong đám tùy tùng của mình.
Tôi để ý đến lão ngay từ lúc lão bước vào nhà để máy bay, Môrixây đi lật bật bên cạnh tỏ vẻ bồn chồn khó chịu. Theo sát chân viên tướng là hai tùy tùng của ông ta - một đại tá và một đại úy. Cả hai đều không có đôi cánh bạc trên ve áo.
Viên tướng đứng dừng ở cửa nhà để máy bay, giương mắt đứng nhìn chiếc CA - 4. Tôi có thể nhìn rõ vết nhăn không hài lòng hiện ra ngang mặt ông ta.
- Xấu xí quá!- Ông ta thốt lên.- nom nó như con cóc ấy.
Giọng ông ta vọng rõ mồn một từ đấy đến chỗ tôi, đang ở trong buồng lái, kiểm tra lại lần cuối cùng. Tôi leo ra ánh và để chân không, nhảy bộp xuống đất. Tôi đi thẳng về hướng ông ta. Ông ta biết chó gì về dáng khí động học và thiết kế cơ chứ? Có lẽ cái đầu của ông ta cũng nặng trịch một cục như cái bàn làm việc của ông ta mà thôi.
- Ông Cođơ ơi!
Tôi nghe tiếng thì thào đằng sau. Tôi ngoảnh lại. Đó là anh chàng thợ máy. Mặt anh ta đang ngoác ra cười. Anh ta cũng đã nghe được lời nhận xét của viên tướng.
- Anh cần gì, hả?
- Tôi chuẩn bị đẩy nó ra. - Anh chàng đáp nhanh. - Tôi không muốn làm bẹp giày của ông ạ.
Tôi trừng trừng nhìn anh ta một giây, rồi mỉm cười. “Cảm ơn”. Vừa nói tôi vừa quay lại xỏ chân vào giày. Đến khi tôi tới chỗ Morixây và viên tướng, tôi đã dịu đi.
Morixây có một bản số liệu trong tay và đang đọc cho viên tướng nghe để ông ta biết.
- Máy bay Cođơ 4 thể hiện một quan niệm mới mẻ về máy bay chiến đấu - ném bom, hai chỗ ngồi, có tầm bay hơn ba nghìn hai trăm kilômét, tốc độ hành trình 380km/giờ, tốc độ tối đa 580km/giờ. Nó có thể mang mười súng máy, hai canôn và 45kg bom ở hai cánh và trong một khoang đặc biệt ở bụng.
Tôi quay lại nhìn chiếc máy bay giữa những lời Morixây nói. Hẳn là một quan niệm mới mẻ và táo bạo. Nom nó như một con báo đen ngồi chồm chỗm trên sàn nhà để máy bay, cái mũi dài nhô hẳn ra phía trước, đôi cánh vuốt hẳn về phía sau. Nắp chất dẻo của buồng lái lấp lánh như một con mắt mèo khổng lồ trong bóng tối mờ mờ của căn nhà.
- Rất thú vị. - Tôi nghe thấy tiếng viên tướng nói. - Bây giờ tôi chỉ có thêm một câu hỏi nữa thôi.
- Thưa, gì cơ ạ? - Morixây hỏi.
Viên tướng cười khùng khục lên một tiếng, nhìn đám tùy tùng của mình. Hai anh chàng tỏ vẻ để lộ ra một nụ cười nhạt trên môi. Tôi biết ngay là cái thằng rắm thối già này sửa soạn cho xịt ra một trong số câu khôi hài ưa thích của lão.
- Chúng tôi, đám quân nhân đã xem mỗi năm hơn ba trăm cái gọi là máy bay theo quan niệm mới mẻ và táo bạo của các anh. Liệu nó có bay được không?
Tôi không thể kìm được nữa. Mấy triệu đồng tôi đổ ra để cái CA - 4 được như thế này cho tôi đủ quyền được mở miệng.
- Nó sẽ bay, sẽ gí đít vào mũi tất cả những gì mà các ngài đang có trong quân đội, tướng quân ạ.- Tôi thốt lên.- Và tất cả các loại máy bay trên thế giới nữa, kể cả những loại máy bay chiến đấu mới mà Vili Mexesmit đang chế tạo!
Viên tướng quay ngoắt về phía tôi, mặt tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi thấy mắt ông ta nhìn cái áo khoác trắng lem nhem dầu mỡ của tôi một lượt từ trên xuống dưới.
Morixây vội nói ngay.
- Xin giới thiệu, đây là tướng Giađix, đây là ông Giônơx Cođơ.
Viên tướng chưa kịp mở mồm thì một giọng nói đã vang lên ở ngưỡng cửa phía sau ông ta.
- Ông làm cách nào mà biết được Mexesmit đang chế tạo cái gì thế?
Tôi ngẩng lên nhìn, vừa đúng lúc người hỏi câu ấy xuất hiện. Rõ ràng là viên tướng có đem theo một phụ tá thứ ba. Đôi cánh bạc sáng ngời trên ve áo anh ta, làm thành cặp hài hòa với những cái lá sồi bạc ở vai. Anh ta khoảng bốn mươi tuổi, cao dong dỏng, để bộ ria kiểu phi công. Anh ta đeo hai dải huân chương trên áo - Thập tự chiến tranh của Pháp và thập tự bay xuất sắc.
- Ông ta bảo tôi. - Tôi đáp cộc lốc.
Một vẻ kì quặc hiện lên trên mặt viên trung tá.
 - Vili làm ăn ra sao hả ông?
Viên tướng chẹn ngay trước khi tôi kịp trả lời.
- Chúng ta đến đây để xem xét một cái máy bay,- ông ta nói sin sít,- chứ không phải để hỏi han về những bạn bè của hai người đâu nhớ.
Giờ đến lượt tôi ngạc nhiên. Tôi đưa mắt nhìn viên trung tá loáng một cái, nhưng một tấm màn thản nhiên đã sập xuống trên mặt anh ta. Mặc dù vậy, tôi có thể thấy được hai người này chả lấy gì ưa nhau cho lắm.
- Thưa ngài, rõ. - Viên trung tá đáp nhanh. Anh ta quay sang nhìn chiếc máy bay.
- Anh thấy nó thế nào, Forextơ?
Forextơ hắng giọng.
- Thưa ngài, thú vị ạ.- Anh ta quay về phía tôi.- Các cánh quạt đổi góc quay được, hả.
Tôi gật đầu. Trong ánh sáng chập choạng thế này, mắt anh ta tinh đấy.
- Quan niệm rất khác thường,- anh ta nói,- để hai cánh ở chỗ của nó và vuốt nó về phía sau. Có lẽ sẽ làm khoảng nâng thông thường của máy bay tăng lên đến bốn lần.
- Đúng vậy đấy - Tôi đáp. - Ơn Chúa, ít nhất cũng còn có một người biết rõ ý nghĩa của vấn đề.
- Forextơ, tôi hỏi anh nghĩ thế nào về hình dáng của nó. - Viên tướng cáu kỉnh nhắc lại.
Tấm màn lại sập xuống mặt Forextơ khi anh quay sang bên.
- Rất khác thường, thưa ngài. Lạ lùng đấy ạ.
Viên tướng gật đầu.
- Tôi nghĩ như vậy đấy. Xấu xí. Hệt như một con cóc ngồi chồm chỗm.
Tôi xực cứt từ miệng ông ta thế là quá đủ.
- Dạ, có phải tướng quân đánh giá một cái máy bay theo cách ngài đánh giá đàn bà ở một cuộc thi sắc đẹp không ạ?
- Tất nhiên không! - Ông ta đáp cộc cằn. - Nhưng có tồn tại một số kiểu thiết kế nhất định, được người ta chấp nhận là tiêu chuẩn. Ví dụ như kiểu máy bay chiến đấu mới của hãng Cơtix chúng tôi xem hôm nọ. Cái máy bay ấy nom ra cái máy bay, chứ không trùi trũi như một quả bom gắn thêm cánh như thế này.
- Cái của nhép này mang vũ khí nhiều gấp đôi, cộng thêm bốn tạ rưỡi bom, bay xa hơn tám trăm năm mươi cây số, cao hơn nghìn bảy mét, nhanh hơn một trăm ba mươi cây số một giờ so với cái máy bay chiến đấu Cơtix mà ngài đang nói tới đấy ạ - Tôi bẻ lại.
- Hãng Cơtix làm máy bay đều tốt cả - Viên tướng buông thõng.
Tôi trố mắt nhìn ông ta. Tranh luận với lão này thật phí công. Như là nói trước một bức tường đá.
- Thưa tướng quân. Tôi có nói là không đâu. Hãng Cơtix bao nhiêu năm rồi vẫn làm ra máy bay tốt cả. Nhưng tôi đang nói máy bay này thì hơn hẳn mọi kiểu đã có.
Tướng Gađix quay sang Morixây.
- Chúng tôi đã sẵn sàng xem máy bay của các ông biểu diễn,- Ông ta nói sõng sượt.- Nghĩa là, nếu anh chàng phi công này hết lèm bèm tranh luận nữa.
Morixây bối rối liếc vội sang tôi. Rõ ràng là viên tướng không hề thấy tên tôi có gì lạ cả. Tôi gật đầu với anh và quay lại nhà để máy bay.
- Đẩy nó ra! - Tôi gọi to đám thợ máy đang đứng đợi ở đó.
Morixây, viên tướng và đám tùy tùng bước ra ngoài. Khi tôi đi ra, tôi thấy Morixây và những người khác đã xúm lại thành một vòng tròn quanh viên tướng, nhưng Forextơ hơi tách ra, đang nói chuyện với một phụ nữ trẻ. Tôi nhìn quanh cô ta. Nom được đấy - mắt sáng ngời liều lĩnh, miệng ướt lẳng.
Tôi theo sau máy bay ra tới đường băng. Nghe thấy tiếng chân lộp bộp sau lưng, tôi quay lại, Morixây.
- Đáng nhẽ anh không nên bắt đầu với ông tướng ấy theo kiểu như vậy.
Tôi ngoác miệng cười với anh.
- Có lẽ sẽ làm cho lão ấy tỉnh ra một chút. Lão ấy đã có đủ những thằng vâng dạ ở xung quanh đến mức có thể làm một tay chủ sản xuất phim được rồi.
- Dù sao, khó có thể bán cho lão theo giá ấy được đấy anh ạ. Tôi biết Cơtix tính một trăm năm mươi ngàn một cái của họ. Mà anh cũng đã rõ đấy, cố lắm chúng ta cũng chỉ hạ được đến mức trăm hai rưỡi.
- Vậy thì sao? Đấy chính là sự khác nhau giữa thịt gà và phân gà. Người ta không thể mua một chiếc Cađilac với giá của một chiếc Pho được.
Anh ta nhìn tôi một thoáng, rồi nhún vai.
- Giônơx, đấy là tiền của anh.
Tôi nhìn theo anh ta quay trở lại chỗ viên tướng. Anh ta có thể là một kĩ sư hàng không tuyệt vời, nhưng quá dễ xúc động, không thể làm được một tay chào hàng giỏi. Tôi quay sang anh chàng thợ máy.
- Xong chưa?
- Vẫn như từ lúc ông kiếm tra đấy ạ.
- Tốt lắm. - Tôi đáp và bắt đầu leo vào buồng lái. Tay ai giật giật chân tôi, tôi cúi nhìn xuống.
- Tôi ngồi cùng một chuyến có sao không? - Viên trung tá hỏi.
- Không hề gì. - Tôi đáp. - Nhảy vào đi.
- Xin cảm ơn. À mà này, tôi còn chưa nhớ tên anh lúc giới thiệu đâu.
- Giônơx Cođơ - Tôi nói.
- Tôi là Rôgiơ Forextơ. - Anh ta đáp chìa tay ra cho tôi.
Đáng lẽ tôi phải đoán ra ngay từ cái phút đầu tiên nghe tên anh ta, nhưng vì mãi đến giờ tôi mới thấy hết xúc động. Rôgiơ Forextơ một trong những con chủ bài tuyệt nhất của Không đoàn Lafayet. Hai mươi hai máy bay Đức là chiếc công của anh ta. Anh ta là một trong những thần tượng của tôi thuở còn nhỏ.
- Tôi đã được nghe nhiều về anh. - Tôi thốt lên.
Nụ cười mỉm của anh ta chợt mở rộng.
- Tôi cũng được nghe nhiều về anh.
Cả hai bật cười. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi kéo tay anh ta. Anh ta lao vụt lên, đứng trên cánh cạnh tôi. Anh ta ngó vào buồng lái, rồi nhìn tôi.
- Không có dù à?
- Không bao giờ dùng cả. - Tôi đáp. - Chúng tôi làm với căng thẳng. Về mặt tâm lý học mà nói, nó biểu hiện một sự thiếu tin tưởng.
Anh ta bật cười.
- Tôi có thể lấy cho anh một cái nếu anh muốn.
Anh ta bật cười.
- Kệ xác nó.
Bay ra đại dương được khoảng năm chục cây số, tôi cho máy bay làm tất cả những trò đã viết trong sách và một vài trò nữa mà chỉ cái CA - 4 này mới làm được. Và anh ta không mảy may chớp mắt.
Làm một cú dứt điểm, tôi cho máy bay lao đứng lên vòn vọt tới năm ngàn thước. Nó rung bần bật giữa trời như một con ruồi nhảy nhót trên đầu mũi kim. Rồi tôi cho nó đâm nhào xuống, lộn xoáy lò xo khiến cho đồng hồ nhẩy tới tốc độ tám trăm cây số giờ. Máy bay vẫn vùn vụt cắm thẳng xuống, còn cách mặt đất có năm trăm thước, tôi buông cả hai tay khỏi cần lái, vỗ vào vai anh ta.
Anhta quay ngoắt lại, nhanh đến nỗi đầu như bắn văng ra khỏi cổ. Tôi cười lớn.
- Trung tá, anh lái đi.
Đến khi anh ta quay người được lại, chúng tôi đã lao xuống tới bốn trăm mét, ba trăm sáu mét khi anh ta điều khiển được vòng lộn xoay chong chóng của máy bay, ba trăm khi anh ta cho nó lao ra thẳng được xuống và một trăm ba mươi mét khi anh ta kéo ngược cái cần lái lên.
Tôi cảm thấy rất rõ máy bay rung bần bật ở dưới tôi, hai cánh nó xé gió rít lên u ú. Trọng lực gí tôi vào ghế, làm hơi nghẹn lại trong cuống họng tôi. Đột nhiên, mọi cái nhẹ bỗng. Chúng tôi cánh mặt đất chưa đầy tám thước khi máy bay bắt đầu lao ngược lên.
Forextơ ngoảnh lại nhìn tôi.
- Từ cái thời một mình tung hoành năm mười năm đến nay, chưa bao giờ tôi được một mẻ sợ bạt vía thế này.- Anh ta thét lên, nhoẻn miệng cười.- "Mà làm sao anh biết được rằng nó không rụng cánh trong cái cú lộn chong chóng ấy hả? 
- Ai biết đâu? - Tôi bẻ lại. - Nhưng lúc nãy cũng là một dịp tốt như bất kì dịp nào khác để xem có phải thế không.
Anh ta bật cười. Tôi nhìn thấy anh ta với tay lên trước, gõ gõ vào bảng điều khiển.
- Thế này mới gọi là máy bay chứ! Đúng như anh đã nói, nó đúng thực sự biết bay.
- Đừng có bảo tôi, mà nói với lão sư cụ ở dưới kia ấy!
Mặt anh ta thoáng tối lại.
- Tôi sẽ cố. Nhưng không biết có làm gì được nhiều không. Anh lái đi.- Anh ta nhấc tay lên.- Giờ thì anh cho nó vòng về thôi.
Tôi có thể nhìn thấy Morixây và đám sĩ quan đang đứng trên sân bay, nhìn chúng tôi qua ống nhòm. Tôi cho máy bay vòng rộng ra và vỗ vỗ vào vai Forextơ.
- Tôi cuộc mười đồng rằng tôi sẽ cho bay mũ lão tướng già ngay từ lần lướt qua đầu tiên.
Anh ta ngần ngừ một thoáng, rồi nhoẻn cười.
- Xong rồi.
Từ độ cao ba trăm mét, tôi nhào xuống bay bằng, cách đường băng có năm thước. Chúng tôi lao vụt qua họ, nhìn thấy rõ vẻ sững sờ kinh ngạc trên mặt họ. Tôi kéo ngược cần lái vào lòng. Chúng tôi bay sạt đầu họ, leo gần như dựng ngược lên, thổi thốc luồng hơi đẩy cánh quạt vào đúng đầu họ.
Tôi ngoảnh lại vừa kịp nhìn thấy viên đại úy đang tất tả chạy đuổi theo cái mũ của lão già. Tôi lại gõ vào vai Forextơ. Anh ta ngoái nhìn xuống và cười sặc sụa, ứa cả nước mắt.
Máy bay nhẹ nhàng hạ xuống như một chú bồ câu đậu về tổ. Tôi đẩy nắp buồng lái bằng nhựa về phía sau, và chúng tôi leo xuống, cùng đi lại chỗ nhóm người đang đứng. Tôi đưa mắt liếc Forextơ. Tất cả vui vẻ đã biến mất, cái mặt nạ đề phòng cẩn thận lại hiện lên.
Viên tướng đã đội mũ lại trên đầu.
- Thế nào Forextơ?- ông ta hỏi cộc lốc.- Anh nghĩ sao?
Forextơ nhìn thẳng vào mặt cấp trên của mình.
- Thưa ngài, không còn nghi ngờ gì nữa, đây là loại máy bay tốt nhất trên không hiện nay.- Anh ta nói bằng giọng đều đều lãnh đạm.-  Thưa ngài, tôi đề nghị ngài ra lệnh tổ chức một nhóm kiểm tra để tiến hành kiểm tra ngay lập tức nhằm xác định ý kiến của tôi ạ.
- Hừm... - Viên tướng lạnh lùng thốt lên. - Ê, anh cũng tham gia vào đó chứ, hả?
- Thưa ngài, tôi sẽ làm. - Forextơ khẽ nói.
- Forextơ, còn những điều khác phải tính nữa kia. Anh có biết giá những máy bay loại này bao nhiêu không hả?
- Thưa ngài không. - Forextơ đáp. - Bổn phận duy nhất của tôi là đánh giá hoạt động của bản thân máy bay thôi ạ.
- Bổn phận của tôi thì sâu sắc hơn nhiều. Anh phải nhớ rằng chúng ta đang hoạt động trong một ngân quỹ rất eo hẹp.
- Rõ, thưa ngài.
- Xin anh hãy nhớ rằng. - Viên tướng cáu kỉnh nói. - Nếu tôi cứ bốc lên nửa đời nửa đoạn với mọi ý nghĩ của đám không quân các anh thì không còn đủ tiền để quân đội tiêu trong một tháng đâu.
Mặt Forextơ đỏ chín lên.
- Rõ, thưa ngài.
Tôi liếc nhìn anh ta. Không hiểu sao anh chàng lại vẫn đứng ngay đơ ở đó, nhẫn nhục nuốt hết mọi cái. Thật vô lý. Không thể thế được, với danh tiếng như vậy. Anh ta có thể ra khỏi quân đội và kiếm được gấp hai mươi lần như hiện nay với bất kỳ một hãng hàng không nào. Anh ta có một cái tên chẳng kém gì tên Rickenbacơ tý nào cả.
Viên tướng quay sang Morixây.
- Nào, bây giờ thưa ông Morixây,- ông ta đã gần như hồ hởi thốt lên, - Chúng tôi có thể nói chuyện với ai để thu thập được một ít sự thật và số liệu về chi phí của chiếc máy bay này được nhỉ?
- Thưa ngài, các ngài có thể nói chuyện với ông Cođơ.
- Tốt lắm. - Viên tướng nói oang oang. - Nào hãy vào văn phòng và gọi ông ta.
- Thưa tướng quân, ngài không cần phải làm thế đâu. - Tôi nói nhanh. - Ta có thể nói chuyện ngay tại đây.
Ông ta trố mắt nhìn tôi, rồi mồm ông ta ngoác ra trong một thứ mà ông ta nghĩ là nụ cười rộng mở.
- Không hề có ý định làm mếch lòng đâu, con giai ạ. Bác nghe tên mà quên khuấy không nghĩ ra.
- Thưa tướng quân, không sao ạ.
- Ba cháu với bác vốn là bạn cũ đấy. - Ông ta nói. - Trong cuộc chiến tranh vừa rồi, bác đã mua khá nhiều cái đám thuốc súng của ông cụ. Nếu cháu thấy không sao thì bác muốn bàn việc này với ba cháu. Chỉ là tình bạn cũ thôi, cháu hiểu đấy. Ngoài ra, việc này có thể trở thành một hợp đồng khổng lồ đấy. Bác chắc chắn là ba cháu sẽ muốn tự mình đứng ra giải quyết.
Tôi cảm thấy mặt mình tái nhợt đi. Cố hết sức, tôi mới trấn tĩnh nổi. Mày còn phải sống núp dưới bóng ông già bao lâu nữa hả? Giọng tôi vang lên, lạnh cứng và căng thẳng, ngay cả tôi cũng thấy rõ.
- Thưa tướng quân, tôi chắc chắn là ông ấy sẽ thấy thế. Nhưng tôi sợ rằng ông sẽ phải nói chuyện với tôi thôi, ông không thể nói chuyện với ông ấy được đâu.
- Tại sao không? - Giọng ông ta đột nhiên lạnh ngắt.
- Ba tôi đã chết cách đây mười năm. - Tôi nói, quay lưng đi, bước về phía nhà để máy bay.

2

Tôi bước vào căn phòng nhỏ ở phía sau nhà, nơi Morixây dùng làm phòng làm việc. Tôi đóng sập cửa lại, bước tới bàn của anh, rút ra một chai uyxky ngô luôn luôn có ở đấy dành cho tôi. Rót đầy rượu ra một cái cốc giấy, tôi đổ ộc vào họng. Rượu đốt bỏng rát họng tôi. Tôi cúi xuống nhìn hai bàn tay, chúng đang run lên bần bật.
Có những con người không chịu bị coi là đã chết. Người ta làm cách nào cũng vẫn thế.
Người ta có thể vùi họ xuống đất đen, nhấn chìm họ xuống biển sâu hay đốt họ ra tro. Những ký ức về họ vẫn làm bụng dạ ta nhão ra, hệt như họ vẫn còn đang sống.
Tôi nhớ lại những gì mà tôi đã nói với tôi ở ràn ngựa sau nhà vào một sáng sớm. Khi đó ông mới cưới Raina. Sáng đó tôi đến xem Nêvađa luyện một con ngựa chưa thuần hẳn. Mới chỉ hơn năm giờ một tý, mặt trời vừa ló đầu ra khỏi sa mạc.
Đó là một con ngựa đen nhỏ chắc lẳn, hung dữ đến mức sau mỗi lần hất văng Nêvađa xuống đất, nó còn nhe răng chực cắn và tung vó lên loang loáng nhằm đá anh. Lần cuối cùng hất văng anh ra, nó thậm chí còn định lăn đè lên anh. Nêvađa lồm cồm bò dạt sang bên, nhảy qua hàng rào vừa đúng lúc.
Anh dựa vào hàng rào, thở hồng hộc trong khi đó mấy chú bé người Mêhicô đuổi con ngựa.
Tiếng hò hét của các cậu phá tan cảnh lặng lẽ sáng mai.
- Hắn là một thằng khùng, - Nêvađa thốt lên.
- Anh bây giờ định tính sao với nó? - Tôi hỏi tò mò. Hiếm khi tôi thấy Nêvađa ngã liên tiếp ba lần trong một vòng như vậy.
Các cậu người Mêhicô đã tóm được con ngựa. Nêvađa nhìn họ chăm chú dắt nó về.
- Thử lần nữa coi, - anh tư lự đáp, - và nếu không ăn nhằm gì, thì đến thả nó vậy.
Giọng ba tôi vang lên từ phía sau một cách đột ngột:
- Vậy là đúng ý nó muốn đấy!
Nêvađa và tôi ngoảnh lại. Ba tôi đã ăn mặc chỉnh tề như sắp sửa đi thẳng tới nhà máy. Ông mặc bộ conplê đen, cái cà vạt nằm ngay ngắn giữa cổ áo hồ dầy cộp, trắng toát.
- Tại sao anh không đóng hàm thiếc vào m õm nó để nó không cắn được nhỉ?
Nêvađa nhìn ông:
- Không ai tới gần được nó mà không mất tiêu một cẳng tay.
- Nhảm! - Cha tôi đáp cộc lốc. Ông nhặt lấy một đoạn dây thòng lọng ngắn vắt trên cột rồi lách qua hàng rào, bước vào ràn. Tôi có thể nhìn thấy tay ông thắt cái dây thành một nút thòng lọng nhỏ trong khi chân bước tới chỗ con ngựa.
Con ngựa hoang đứng gõ chân xuống đất, gườm gườm theo dõi cha tôi. Hai cậu Mêhicô ghì chặt sợi dây giữ qua cổ nó. Cha tôi tung thòng lọng lên, con ngựa bật lại, tung hai vó trước lên. Cha tôi vừa kịp tránh.
Ông đứng sững lại một thoáng, chằm chằm nhìn vào mắt con ngựa, rồi vươn tay lên. Con ngựa lắc đầu điên dại, hung hãn bổ vó vào tay cha tôi. Các móng chân nó một lần nữa lại bay loáng qua, vồ hụt cha tôi. Nó đã thực sự phát điên sau lần thứ hai đá hụt, rùng mình, vặn vẹo như đã có người trên lưng. Hai cậu Mêhicô ghì mọp người trên dây thừng để giữ nó đứng lại. Sau một lúc, cha tôi lại bước tới.
- Đồ chó đẻ khốn kiếp, - ông lặng lẽ nói. Con thú nhe răng đợp ông. Dường như cha tôi chỉ kịp nhấc tay khỏi trước mấy phần mười của giây khi mõm nó sượt qua. - Thả nó ra. - Cha tôi thét hai cậu Mêhicô.
Hai cậu đưa mắt thoáng nhìn nhau, rồi nhún vai gần như không nhận thấy, miễn cưỡng từ bỏ trách nhiệm của mình, hai cậu buông dây giữ ra.
Đột ngột không bị kìm giữ gì nữa, con ngựa đứng đờ ra trong một giây, kinh ngạc. Ba tôi đứng trước mặt nó, cao lớn, mặc quần áo đen. Mắt ông và mắt nó ngang tầm nhau. Từ từ, cha tôi bắt đầu đưa tay lên một lần nữa, và con ngựa phát khùng. Nó lùi lại, mắt sáng quắc, răng trắng nhởn, tung vó trước ra. Cha tôi lần này bước lùi lại. Con ngựa nhào xuống, cha tôi lao người tới trước.
Trong một khoảnh khắc, tôi nhìn thấy nắm đấm của ông lơ lửng trên đầu nó. Bốn vó con ngựa đập xuống đất. Nắm tay ông, như một nhát búa, đập đánh rầm vào phía trên mắt nó.
Tiếng nắm đấm vọng tít tới tường nhà. Con vật đứng đờ ra một thoáng, rồi từ từ khuỵu người xuống đầu gối, hai chân trước nhũn ra như đột nhiên biến thành cao su.
Nhanh như chớp, cha tôi bước vụt sang bên, vỗ mạnh bàn tay vào cổ con ngựa. Nó ngã kềnh sang một bên. Nó nằm nguyên như thế mấy giây, người phập phồng, rồi ngẩng nhìn lên cha tôi. Bốn chúng tôi - hai cậu bé Mêhicô, Nêvađa và tôi - lặng thinh, đứng nhìn họ.
Cái đầu con thú ngẩng lên hắt thành một bóng râm dài trên mặt đất rầm bụi của ràn ngựa. Bóng ấy bị nhòe to ra bởi bóng của cha tôi khi ông và con vật nhìn xói vào mắt nhau. Rồi con vật có vẻ như thở dài thở dài đánh sượt một cái rất to và lại vật đầu xuống đất.
Cha tôi chằm chằm nhìn nó một lúc, rồi cúi xuống, cầm lấy mấy cái dây ở gần miệng con vật, lôi nó đứng dậy. Con ngựa đứng sững, chân run lẩy bẩy đầu cúi gục uể oải, không ngẩng lên ngay cả khi cha tôi vượt qua mặt nó, lách lại qua hàng rào tới chỗ chúng tôi.
- Các anh từ giờ trở đi sẽ chẳng gặp phiền nhiễu gì với nó nữa đâu. - Cha tôi vắt lại sợi dây lên cọc và bước về phía tòa nhà. - Có vào ăn sáng cùng không, Giônơx? - Ông vẫn bước đều chân, không ngoảnh đầu lại, gọi với lên như thế.
Nêvađa đã vào lại ràn ngựa và bước tới chỗ con vật đứng.
- Vâng, có ạ, - tôi đáp, đuổi theo ba tôi. Đến thềm sau thì tôi kịp ông. Chúng tôi cùng quay lại, ngắm Nêvađa đang leo lên con ngựa. Con vật nhảy chụm bốn vó, tung lên, vùng vằng, nhưng có thể dễ dàng thấy nó chả để tâm trí vào đó nữa.
Ba tôi quay sang phía tôi, không mỉm cười.
- Có một số con ngựa giống như người ấy. Cái ngôn ngữ duy nhất mà chúng hiểu là một quả đấm nện vào đầu.
- Con cứ ngỡ là ba không quan tâm về ngựa đến thế đâu. - Tôi thốt lên. - Ba không bao giờ xuống ràn cả.
- Tôi không quan tâm về chúng. - Ông đáp nhanh. - Anh mới là điều tôi quan tâm. Anh còn phải học hỏi nhiều thứ nữa lắm.
Tôi bật cười.
- Khối thứ con học được từ cú đấm của ba lên đầu con ngựa đấy.
- Anh đã học được một điều: rằng Nêvađa không thể cưỡi được con ngựa ấy cho tới khi tôi làm cho anh ta có thể cưỡi được.
- Thế ạ?
Cha tôi quay lại. Ông là một người cao lớn; hơn một mét tám, nhưng tôi còn cao hơn.
- Thế đấy, - ông đáp chậm rãi, - dù mày có lớn phổng phao đến đâu, mày cũng không đủ to để xỏ vừa giày của ba đâu, cho đến khi nào ba cho phép mày mới được.
Tôi theo cha tôi bước vào phòng ăn. Lưng Raina quay lại phía tôi, mái tóc của em ánh lên như bạc khi em ngẩng má để đón cái hôn buổi sáng của ông. Cha tôi đứng thẳng người lại, nhìn tôi, mắt ánh lên một vẻ đắc thắng lặng lẽ. Ông không nói gì cả - ngồi xuống ghế của mình. Ông không cần phải nói. Tôi biết ông đang nghĩ gì. Ông không cần phải nện cho tôi một cú đấm vào đầu mới làm tôi tỉnh ra.
- Ăn sáng cùng chúng tôi nhé, Giônơx? - Raina lịch sự mời.
Tôi chằm chằm nhìn em một thoáng, rồi nhìn cha tôi. Một cảm giác buồn nôn quặn lên trong ruột tôi.
- Không ạ. Xin cảm ơn. Tôi không thấy đói.
Tôi quay ngoắt người, bước vội ra cửa, xuýt nữa thì xô phải bác Rôbe đang bưng một cái khay vào. Đến khi tôi trở lại ràn ngựa, Nêvađa đang cho con ngựa hoang bước tiến bước lùi, dạy nó nhận hiệu cương. Ba nói đúng, con vật không gây gổ gì với Nêvađa nữa. 
Và giờ đây, sau mười hai năm, tôi vẫn còn nghe rõ mồn một giọng của ông lặng lẽ vọng lại trên cái thềm nhà buổi sáng hôm đó.
- Xéo đi, ông già, xéo đi! - Tôi cáu kỉnh quát lên, đấm thình tay xuống mặt bàn trống rỗng. Cơn đau điên dại chạy xộc ngược lên tới bả vai tôi.
- Ông Cođơ! - Tôi ngẩng phắt lên, ngạc nhiên. Morixây đang đứng ở ngưỡng cửa, miệng há hốc. Tôi cố gắng mới trở về được hiện tại.
- Đừng có đứng sững như trời trồng thế! - Tôi gắt lên. - Vào đi! - Anh ta ngập ngừng bước vào. Một lát sau, Forextơ cũng hiện ra ở ngưỡng cửa, cũng lặng thinh đi vào theo.
- Ngồi xuống các anh, uống hớp rượu nhé? - Tôi vừa nói vừa đẩy chai uyxky ngô về phía họ.
- Xin để tôi tự nhiên. - Forextơ nhấc chai rượu và cái cốc giấy lên. Anh ta rót cho mình một cốc đầy tràn. - Mắt anh đỏ ngầu lên rồi kìa.
- Vì viên tướng đấy. - Tôi đáp. - À mà lão ta giờ đâu rồi?
- Trên đường về thành phố. Ông ấy có hẹn gặp tay chủ nhà máy làm giấy vệ sinh.
Tôi bật cười.
- Ít nhất thì ông ấy có thể tự mình kiểm tra được chất lượng của cái đó.
Forextơ bật cười theo, nhưng Morixây vẫn ngồi rầu rĩ. Tôi đẩy chai rượu về phía anh ta.
- Ông bạn kiêng rượu à?
Anh ta lắc đầu.
- Chúng ta làm gì bây giờ?
Tôi chăm chú nhìn anh ta một thoáng, rồi nhấc chai rượu lên, rót cho mình một cốc nữa.
- Là tôi đang nghĩ về chuyện đến phải tuyên bố chiến tranh với Hoa Kỳ thôi. Đấy là cách để chúng ta chỉ cho lão ấy thấy máy bay của chúng ta tốt như thế nào.
Morixây vẫn không nhếch được mép để cười.
- CA - 4 là cái máy bay tốt nhất mà tôi đã từng thiết kế.
- Thế thì sao hả? - Tôi đay lại. - Anh có tốn tiền quái gì về nó đâu. Tiền ấy là của tôi. Hơn nữa, thiết kế máy bay anh đã kiếm được gì ghê gớm đâu, được bao nhiêu nào? Thậm chí nó không được bằng một phần hai mươi số tiền bản quyền hàng năm về cái xu chiêng ranh mà anh đã thiết kế cho Raina Malovi ấy.
Đúng vậy, chính Mac Alixtơ là người đã nhìn ra cái tầm lớn lao về thương mại của cái khỉ ấy và xin đăng ký phát minh mang tên Công ty máy bay Cođơ. Morixây có một hợp đồng làm việc tiêu chuẩn với công ty, trong đó quy định rằng tất cả những thiết kế và phát minh của anh là thuộc về công ty. Nhưng trong công việc này, Mac Alixtơ là người đàng hoàng trung thực. Anh đã đưa cho Morixây mười phần trăm lãi trong số tiền bản quyền phát minh, coi như tiền thưởng. Trong năm ngoái, phần của Morixây đã lớn hơn một trăm nghìn đôla nữa rồi. Thị trường đang ngày càng đòi hỏi mẫu ấy. Đã từ rất lâu, việc khoe cặp vú không bao giờ là mốt lạc hậu cả.
Morixây không trả lời. Mà tôi cũng không hy vọng nhận được câu trả lời của anh chàng. Anh ta thuộc loại người không hề quan tâm tới tiền nong. Tất cà cuộc sống của anh ta là dành cho công việc.
Tôi uống cạn chỗ rượu, rồi châm một điếu thuốc, thầm chửi rủa mình. Đáng nhẽ tôi không được để một lời nhắc vô tình đến cha tôi làm tôi phát bẳn lên như vậy. Tôi có thể chịu đựng được tổn thất vừa rồi. Nhưng có ma nào thích quẳng hàng triệu bạc xuống cống đâu.
- Có thể tôi sẽ làm được một điều gì đó. - Forextơ thốt lên.
Một tia hy vọng lóe lên trong mắt Morixây.
- Anh làm được ư?
Forextơ nhún vai.
- Tôi không rõ, - anh nói chậm rãi, - tôi bảo là có thể thôi.
Tôi chằm chằm nhìn anh ta.
- Anh nói có thể nghĩa là thế nào?
- Đây là cái máy bay tốt nhất tôi được thấy. Tôi không thích để không quân chúng tôi mất nó vì sự ngu ngốc của lão già.
- Cám ơn. - Tôi đáp. - Chúng tôi sẽ rất biết ơn anh, nếu anh làm được một điều gì đó.
Forextơ mỉm cười.
- Anh chẳng cần phải chịu ơn tôi cái gì cả. Tôi là một trong những anh chàng thủ cựu, không thích thấy chúng ta bị thất thế nếu những trò đó bỗng nhiên lại bùng ra.
Tôi gật đầu.
- Chúng rồi cũng sớm bùng ra thôi. Chừng nào Hitle nghĩ là hắn đã chuẩn bị xong.
- Anh cho là đến bao giờ?!
- Ba, hay có lẽ là bốn năm nữa. - Tôi đáp, - khi chúng có đủ máy bay và phi công được đào tạo cẩn thận.
- Hắn kiếm được ở đâu ra hả? Hiện hắn đã có gì đâu.
- Hắn sẽ kiếm đủ. Hiện nay các chủ tàu lượn mỗi tháng cho ra mười nghìn phi công, và trước khi hết hè, Mexesmit sẽ đưa chiếc ME - 109 của ông ta vào dây chuyền sản xuất hàng loạt đấy.
- Bộ tổng tham mưu cho rằng hắn sẽ chẳng làm được gì nhiều, khi hắn ta chạm tới chiến lũy Maginô.
- Hắn ta sẽ không chạm tới nó. - Tôi đáp, - hắn sẽ bay qua nó.
Forextơ gật đầu.
- Càng thêm lý do để cho tôi cố bảo họ xem xét máy bay của anh. - Anh ta nhìn tôi với ánh mắt là lạ. - Anh cứ như là người biết rõ chuyện ấy.
- Tôi biết. - Tôi đáp. - Tôi ở bên đó chưa đầy chín tháng trước.
- À, phải. - Anh ta đáp. - Tôi nhớ ra rồi. Tôi đọc báo thấy có nói đến việc đó. Hình như có chuyện om sòm gì đó, phải không?
Tôi bật cười.
- Có thể đấy. Một số người còn buộc cho tôi cái tội cảm tình quốc xã cơ.
- Bởi một triệu đôla anh chuyển cho Ngân hàng đế chế phải không?
Tôi đưa mắt liếc nhanh anh ta. Forextơ không phải đù đờ đơn giản như anh ta giả vờ lộ ra bên ngoài.
- Có lẽ thế, - tôi đáp, - anh biết đấy, tôi chuyển khoản tiền đó chỉ trước một ngày Rudơvelt ra lệnh cấm vận.
- Anh đã biết là sẽ có lệnh cấm vận, đúng không nào? Đáng nhẽ anh đã có thể cứu được tiền của anh rồi, bằng cách chỉ cần nán lại một ngày thôi.
- Tôi không thể nán lại được, số tiền ấy phải đến được Đức, chỉ có vậy đối với nó thôi.
- Sao thế? Tại sao anh lại gửi tiền cho chúng khi rõ ràng anh nhận thấy đó là kẻ thù tương lai của chúng ta?
- Đó là tiền chuộc một người Do Thái. - Tôi đáp.
- Một số người trong đám bạn bè tốt nhất của tôi là người Do Thái. - Forextơ nói. - Nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi việc gửi đi một triệu đô để chuộc một người Do Thái.
Tôi chằm chằm nhìn anh ta một thoáng, rồi rót rượu thêm vào cốc giấy của tôi.
- Người này xứng đáng với số tiền ấy.
Tên ông ta là Ôtô Xtraxme, và ông ta bắt đầu cuộc đời từ cái chân kỹ sư kiểm tra chất lượng trong một nhà máy sứ mà miền Bavaria có vô số. Từ sành sứ, ông chuyển qua chất dẻo, ông chính là người phát minh ra cái khuôn cao tốc mà tôi đã mua và bán lại cho một loạt các nhà sản xuất Mỹ. Hợp đồng đầu tiên của chúng tôi là dựa trên cơ sở tính theo quyền phát minh, nhưng sau khi nó đã được áp dụng mấy năm, Xtraxme muốn thay đổi nó. Khi đó là năm 1933, Hitle vừa lên nắm chính quyền.
Ông đến phòng khách sạn của tôi ở Beclin, nơi tôi vừa tới trong chuyến đi châu Âu hằng năm của mình, và giải thích ông muốn gì. Ông sẵn sàng từ bỏ tất cả lợi nhuận trong tương lai tính theo bản quyền để lấy ngay một triệu đôla, ghi lại thành văn bằng do người thứ ba giữ cho ông ta ở Mỹ. Tất nhiên, tôi đồng ý theo như thế. Phần lợi nhuận bản quyền của ông ta còn cao hơn thế, tính đến hết hợp đồng. Nhưng tôi không hiểu vì sao. Và tôi hỏi ông.
Ông đứng dậy khỏi ghế, đi đến bên cửa sổ.
- Ông hỏi tôi tại sao ư, thưa ông Cođơ? - Ông ta lặp lại, giọng nói tiếng Anh lơ lớ rất lạ. Tay ông ta chỉ ra cửa sổ. - Kia là lý do tại sao đấy.
Tôi đi đến cửa sổ, cúi nhìn xuống đường. Trên phố, trước cổng Ađlơn, một nhóm thanh niên, hầu như là choai choai mới lớn, mặc sơmi nâu, đang hành hạ một ông già mặc áo choàng dài. Trong lúc chúng tôi nhìn, hai lần bọn chúng đánh ông ngã xuống rãnh nước. Chúng tôi có thể thấy rõ ông đang nằm vật ở rìa hè, đầu gục xuống rãnh nước lề đường, máu ròng ròng nhỏ ra từ mũi. Đám nhãi con đứng sững hồi lâu nhìn ông, rồi bỏ đi, sau khi đã khinh miệt đá bình bịch vào ông mấy cái nữa.
Tôi quay lại nhìn Xtraxme, ngỡ ngàng.
- Đó là một người Do Thái, ông Cođơ ạ. - Ông khẽ nói.
- Thế thì tại sao? Tại sao ông ta không gọi cảnh sát?
Xtraxme chỉ tay ngang qua đường. Hai viên cảnh sát đang đứng ở góc đối diện.
- Họ đã nhìn thấy mọi chuyện xảy ra.
- Sao họ không ngăn chúng lại?
- Họ được chỉ thị không làm gì cả. Hitle tuyên bố rằng dưới pháp luật Đức, người Do Thái không có quyền gì cả.
- Điều ấy có liên quan gì đến ông?
- Tôi là một người Do Thái. - Ông nói đơn giản.
Tôi lặng thinh hồi lâu. Rồi lấy ra một điếu thuốc, châm lửa.
- Ông muốn tôi làm gì với số tiền ấy nào?
- Giữ nó cho đến khi ông nghe được tin tức về tôi. - Ông mỉm cười. - Vợ và con gái tôi đã ở Mỹ rồi. Tôi rất biết ơn nếu ông báo cho họ biết là tôi vẫn bình thường yên ổn.
- Tại sao ông không sang ở với họ? - Tôi hỏi.
- Có lẽ sẽ sang... một lúc nào đó. Nhưng tôi là người Đức. Và tôi vẫn hy vọng cơn điên này một ngày nào đó sẽ qua đi.
Nhưng hy vọng của ông Xtraxme đã không trở thành hiện thực. Điều này tôi hiểu ra trong vòng chưa đầy một năm sau, khi ngồi trong văn phòng của Thống chế không quân Đức.
- Bọn Do Thái trên thế giới này đã đến ngày tận số. - Gơrinh lịch thiệp đáp. - Chúng tôi, người của Trật tự mới, nhận thức được điều đó và hoan nghênh bạn bè và đồng minh của chúng tôi ở bên kia đại dương, những người mong muốn cùng tham gia cuộc thập chinh với chúng tôi.
Tôi lặng thinh chờ ông ta tiếp tục nói.
- Chúng ta, những con người của không trung, rất hiểu nhau.
Tôi gật đầu.
- Vâng, thưa ngài Thống chế.
- Tốt lắm. - Ông ta nói, và mỉm cười. - Vậy thì ta đừng lãng phí thời gian nữa. - Ông ta ném mấy tờ giấy lên mặt bàn. - Theo điều luật mới. Đế chế đã tịch thu tài sản của một ông già Ôtô Xtraxme nào đó. Theo chúng tôi hiểu, có những khoản tiền gã ta nhận từ ông; do vậy ông sẽ được hướng dẫn và trả vào Ngân hàng đế chế.
Tôi không ưa cái từ “được hướng dẫn” chút nào cả.
- Tôi đã và đang cố liên lạc với Xtraxme, - tôi nói.
Gơrinh lại mỉm cười.
- Xtraxme bị suy sụp sức khỏe khá nặng nề và hiện đang phải ở trong một bệnh viện.
- Tôi thấy rồi. - Tôi đáp, và đứng dậy.
- Đế chế thứ ba sẽ không quên bè bạn của mình, - Viên thống chế nói, tay ấn lên cái nút đặt trên bàn giấy.
Một trung úy Đức trẻ tuổi hiện ra ở ngưỡng cửa. “Hail Hitle!”. Gã kêu to, giơ thẳng tay chào theo kiểu quốc xã.
- Hail Hitle! - Gơ rinh lơ đãng đáp. Ông ta quay sang tôi. - Trung úy Muyle sẽ tháp tùng ông đến nhà máy Mexismit. Tôi chờ đón gặp ông ở bữa tiệc chiều đấy, ông Cođơ ạ.
Nhà máy Mexismit đã làm tôi sáng mắt. Không có một cái nào được như nó đang làm máy bay ở Mỹ cả. Những gì duy nhất có thể so sánh được với nó là các dây chuyền sản xuất ôtô ở Đitrôit. Và khi tôi được nhìn vào vài phác thảo của chiếc ME - 109 trang trí trong văn phòng của Mexismit, tôi không cần phải trố mắt xem lại đến lần thứ hai. Chỉ có thể thét lên chịu thua nếu như không mau mau thoát khỏi cái đám khú đỉn chung của tất cả chúng ta.
Tối ấy, tại bữa tiệc chiều, viên thống chế không quân Đức kéo tôi vào một góc.
- Ông nghĩ về nhà máy của chúng tôi thế nào hả?
- Gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi.
Ông ta gật đầu, hài lòng.
- Nó bắt chước mẫu nhà máy của ông ở Caliphonia đấy. Nhưng lớn hơn rất nhiều, tất nhiên.
- Tất nhiên. - Tôi đồng ý. Không hiểu họ làm sao mà tới được đó nhỉ. Rồi tôi hiểu ra, chúng tôi có giữ bí mật gì về nó đâu. Cho tới nay, chúng tôi chưa bao giờ nhận được hợp đồng nào của chính quyền cả; tất cả những gì chúng tôi làm đều là máy bay thương mại.
Ông ta cười to, khoái chí, rồi quay người chực bỏ đi. Một thoáng sau, ông ta quay lại.
- À mà nhân tiện câu chuyện, tôi xin nói, - ông ta thì thào. - Lãnh tụ rất hài lòng về sự cộng tác của ông đấy. Liệu khi nào chúng tôi có thể thông báo với Người rằng chúng tôi sẽ nhận được tiền của ông?
Tôi nhìn thẳng vào ông ta.
- Trong cái ngày ông Xtraxme bước vào văn phòng của tôi ở Niu Yooc.
Ông ta cũng tròn mắt nhìn lại tôi.
- Lãnh tụ sẽ không thích chuyện này đâu, - ông ta thốt lên, - tôi đã bảo với Người rằng ông là bạn của chúng tôi.
- Tôi cũng là bạn của ông Xtraxme.
Ông ta vẫn tròn mắt nhìn tôi.
- Tôi không biết bây giờ sẽ ăn nói ra sao với Lãnh tụ đây. Chắc chắn là Người sẽ rất thất vọng khi biết rằng chúng ta sẽ không nhận được số tiền đó.
- Trong trường hợp đó, - tôi đáp, - tại sao lại phải làm ông ấy thất vọng cơ chứ? Thêm hay bớt một người Do Thái cũng chả ảnh hướng đến nước Đức nhiều nhặn gì cho lắm.
Ông ta từ từ gật đầu.
- Có lẽ đấy là cách tốt nhất thật.
Đúng một tháng sau, người kỹ sư Đức nhỏ bé bước vào văn phòng của tôi ở Niu Yooc.
- Ông định sẽ làm gì bây giờ? - Tôi hỏi.
- Đầu tiên, tôi sẽ về với gia đình ở Colôrađô, nghỉ ngơi một chút. - Ông đáp. - Rồi tôi sẽ phải tìm việc làm. Tôi không còn là người giàu nữa rồi.
Tôi mỉm cười với ông ta.
- Hãy đến làm với tôi. Tôi sẽ tính cái món một triệu đôla ấy là khoản tạm ứng, trừ vào khoản tiền lãi bản quyền của cụ đấy.
Khi ông đi khỏi, tôi đồng ý để Morixây tiếp tục cái CA-4. Nếu linh cảm của tôi mà đúng, thì sẽ không còn đủ thời gian cho bất kỳ một ai trong số chúng ta nữa đâu. Nhưng làm cho Hoa Kỳ tin như thế, thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Tôi quay nhìn Forextơ qua mặt bàn.
- Tôi sẽ quay về thành phố, gọi mấy cú điện thoại về Oashingtơn. Tôi vẫn còn một số bạn hữu ở đó. - Anh nói. - Tôi sẽ ghé lại, nói thêm với ông tướng. May ra tôi có thể thuyết phục ông ta lắng nghe anh.
- Tốt lắm. - Tôi thốt lên, đưa mắt nhìn đồng hồ tay. Đã gần mười hai rưỡi. Cuộc họp các cổ đông lúc này đã tan. Mac Alixtơ và Piơx chắc đã về lại đến khách sạn và đã gọn gàng nhét được Noman vào túi quần sau của họ rồi.
- Tôi có việc hẹn ở khách sạn Oanđơf lúc một giờ. - Tôi nói, - Tôi có thể chở anh về cùng không?
- Cám ơn, - Forextơ thốt lên cảm kích, - Tôi cũng có một bữa tiệc trưa rất ngại đến trễ đấy.
Anh ta đi cùng đến Oanđơf với tôi rồi rẽ ngoặt sang Piooc trong khi tôi đi bộ tới chỗ thang máy. Tôi đứng đợi thang và nhìn thấy một người phụ nữ đứng dậy đón anh ta. Vẫn cái cô tôi đã nhìn thấy đi với anh ta ngoài sân bay. Mơ hồ, tôi thầm hỏi sao cô ta không đợi ở ngoài đó rồi về cùng nhỉ.
Lơ đãng, tôi nhìn Ricô, quản gia khách sạn, dẫn hai người đi vòng qua gác, đưa vào một cái bàn khuất. Tôi bước tới lối ra vào, đứng đó cho đến khi bác đó quay lại.
- A, Mơxiơ Cođơ. - Bác ta mỉm cười. - Ăn cơm một mình sao?
- Không phải ăn cơm đâu, bác Ricô ạ. - Tôi đáp, ấn vào tay bác ta một tờ bạc. - Một câu hỏi. Cái bà đi với trung tá Forextơ... Ai thế?
Ricô tủm tỉm cười, tỏ ý hiểu biết. Bác hôn hôn mấy ngón tay của mình.
- À, “quyến rũ”, - bác ta đáp, - đó là bà Gađix, phu nhân của tướng quân Gađix.
Trên đường quay lại thang máy, tôi vừa đi vừa ngó quanh các phía hành lang. Viên tướng chắc cũng ở quanh quẩn đâu đây thôi. Từ những gì tôi nhìn thấy thái độ của ông ta đối xử với Forextơ, tôi đã đoán rằng giữa hai người, không chỉ có chuyện quân đội với máy bay máy biếc đâu.
Tôi nhìn thấy ông ta vừa lúc ông ta đi ngang qua hành lang vào nhà vệ sinh nam, cạnh thang máy. Mặt ông ta hằm hằm, đỏ tía lên.
Tôi chờ cánh cửa sập lại hẳn sau ông ta rồi mới bước tới thang máy. Kể từ khi chiếc CA-4 hạ cánh xuống Rudơvelt tới giờ, lúc này tôi mới cảm thấy dễ chịu. Mọi thứ đang đâu vào đấy.
Tôi không còn lo lắng nữa. Vấn đề duy nhất, còn lại là quân đội sẽ mua máy bay với số lượng bao nhiêu.

3

Cái điều tôi mong muốn nhất lúc này là tắm một tý rồi chợp mắt lấy một chốc. Sáng đó, mãi đến năm giờ, tôi vẫn chưa ngủ được. Tôi thả quần áo rơi xuống cái ghế, bước vào buồng tắm, đứng dưới vòi hoa sen, vặn nước ra. Các bắp thịt cứng đờ của tôi dưới làn nước ấm dịu cảm thấy giãn ra rõ rệt. Trong khi tắm, tôi nghe thấy chuông điện thoại réo vang nhiều lần như cứ kệ.
Khi bước ra, tôi cầm máy nói với cô tổng đài là từ giờ đến bốn giờ tôi không muốn nghe một cuộc nói chuyện điện thoại nào hết.
- Nhưng ông Mac Alixtơ bảo tôi gọi cho ông ngay khi ông vừa mới đến. - Cô ta kêu ré lên. - Ông ấy bảo việc quan trọng lắm.
- Cô có thể nối máy cho ông ấy vào lúc bốn giờ. - Tôi nói, thả ống nghe xuống, ngã ra giường và ngủ thiếp ngay như một đứa trẻ.
Tiếng chuông réo làm cho tôi choàng tỉnh, vừa với lấy điện thoại tôi vừa ngó đồng hồ tay.
Đúng bốn giờ.
Mac gọi.
- Tôi lùng anh suốt cả chiều đến giờ, - anh thốt lên, - anh rúc vào cái xó nào thế hả?
- Tôi ngủ.
- Ngủ! - Anh kêu tướng lên. - Chúng ta sẽ có một cuộc họp ban giám đốc ở văn phòng của Noman. Ngay bây giờ phải tới đó rồi.
- Thì anh có bảo gì tôi đâu.
- Tôi bảo anh thế chó nào được, khi anh không buồn trả lời điện thoại thế hả?
- Tìm tướng Gađix hộ tôi cái, - tôi nói với cô tổng đài, - tôi cho là ông ấy cũng ở đây đấy.
Vừa đợi, tôi vừa châm một điếu thuốc lá. Ống nghe kêu đánh tách bên tai tôi.
- Tướng Gađix đang nói đây.
- Thưa tướng quân, tôi là Giônơx Cođơ. Tôi đang ở trong phòng của tôi. Ba mốt - mười lăm, khu Tháp. Tôi muốn nói chuyện với ngài.
Giọng viên tướng lạnh lùng.
- Chúng ta không có gì để nói với nhau cả. Anh là một gã nhãi ranh bố láo đến vô lương, một...
- Tướng quân, tôi không muốn bàn về tác phong của tôi, - tôi ngắt lời, - mà là vợ ngài kìa.
Có thể nghe thấy rõ ông ta lắp bắp qua ống nói.
- Vợ tôi? Cô ta thì có dính gì vào việc của chúng ta?
- Rất nhiều đấy, tướng quân ạ, tôi tin như vậy. - Tôi đáp. - Cả hai chúng ta đều biết ai là người cô ấy gặp gỡ ở Piooc lúc một giờ. Tôi không thể tin được rằng Bộ Chiến tranh sẽ đồng tình với chuyện để một mâu thuẫn cá nhân là cơ sở cho việc từ chối chiếc CA - 4 đâu.
Ống nghe lặng ngắt.
- À, mà nhân tiện, xin hỏi ngài thích dùng đồ uống gì nhỉ?
- Xcotch. - Ông ta đáp theo thói quen máy móc.
- Tốt lắm, tôi sẽ cho gọi một chai lên đây, chờ ngài. Mười lăm phút nữa, được không nhỉ?
Trước khi ông ta kịp trả lời, tôi đã gác máy và gọi hầu phòng.
Đang đợi trả lời, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa.
- Vào đi, - tôi kêu váng lên.
Ngồi trên giường, tôi thấy Mac và Đan bước vào. Tới buồn ngủ, mặt Mác vẫn có vẻ tư lự như thường lệ, còn mặt Đan thì ngoác ra trong một nụ cười. Ông ta đang sắp đạt được mọi cái mà ông ta hằng mong muốn.
Cuối cùng hầu phòng cũng tới. Từ đằng xa, tôi đã nghe thấy tiếng bát đĩa chạm nhau lanh canh, và đột nhiên cảm thấy đói ngấu. Từ bữa điểm tâm tới giờ, tôi chưa hề ăn thêm gì cả. Tôi gọi ba suất bánh mì thịt bò, một chai sữa, một bình cà phê đen, một chai Xcott, hai chai uyxky, một suất kép thịt rán kiểu Pháp. Đặt ống nghe xuống, tôi nhìn hai người.
- Thế nào, chuyện xảy ra sao?
- Bơny kêu rống lên như lợn bị chọc tiết, - Đan ngoác miệng cười. - Nhưng chúng tôi đã túm được tóc gáy của ông ta, và ông ta biết rõ điều ấy.
- Thế còn cổ phần của ông ta?
- Tôi không rõ, Giônơx ạ, - Mac đáp. - Ông ta không nói với Đan.
- Tuy vậy, tôi đã nói với Đêviđ Ulf. - Đan nói nhanh, - tôi bảo anh ta làm cho ông cậu muốn bán đi, nếu không chúng ta sẽ làm cho công ty lão phá sản.
- Anh đã có được Mục bảy hai lăm đấy chưa? - Tôi hỏi Mac. Anh biết tôi muốn nói gì - một kiến nghị cử người nhận trong trường hợp phá sản.
- Trong cặp tôi đây rồi. Trước cuộc họp sáng nay, tôi đã có cuộc thảo luận ngắn với các luật sư của ta ở đây. Họ đều cảm thấy có thể xoay được một kiến nghị chỉ định người nhận hết mức có lợi.
Tôi chằm chằm nhìn thẳng vào anh.
- Anh có vẻ không vui thích về chuyện này thì phải.
- Tôi không vui. - Anh đáp. - Noman là một lão già ranh ma. Tôi không nghĩ là anh chơi lão dễ thế được. Lão ta biết rõ là nếu anh làm phá sản Công ty, anh cũng phải mất ngang như bất kỳ người nào khác.
- Và lão ta cũng là một thằng cha khốn kiếp, tham lam. Lão sẽ không chịu để mất những gì lão ki cóp được nhằm để thỏa mãn thấy tôi cũng mất như lão đâu.
- Tôi hy vọng là anh đúng.
- Ta sẽ sớm thấy ngay thôi mà. - Tôi quay sang Đan. - Ông đã có thể liên lạc được với Raina chưa?
Ông ta lắc đầu.
- Tôi đã cố tất cả mọi nơi. Vẫn không may. Nhà cô ta không có trả lời. Xưởng phim không rõ cô ta ở đâu. Thậm chí tôi có liên lạc với cả Luêla nhưng cô ấy cũng chịu không biết!
- Tiếp tục tìm đi, - Tôi nói, - chúng ta phải tìm ra cô ấy. Tôi muốn cô ấy đọc cái kịch bản đó.
- Tôi cũng vậy. - Đan đáp. - Cô ấy là người duy nhất làm ta nổi đình nổi đám, nhất là khi tôi có cái của Đờ Milơ ấy sang tên từ hãng Paramout.
- Paramout ôkê nó rồi ư?
- Sáng nay, - ông ta đáp, - tôi đang có trong túi đây một bức điện từ Zuco.
- Tốt lắm. - Tôi đáp.
Đây sẽ là bộ phim vĩ đại nhất từ trước đến nay, lại làm ngay ở ngõ Đờ Milơ nữa chứ. Chúng tôi sẽ quay nó bằng một loại phim màu mới, gọi là Têchnicalơ, và sẽ tốn khoảng sáu triệu. Đó là câu chuyện về Mary Magđalen. Chúng tôi sẽ gọi nó là Người có tội.
- Anh làm thế có phải là tự mình hơi vội không nhỉ? - Mac Alixtơ hỏi. - Thế nhỡ cô ấy không muốn đóng nó thì sao?
- Cô ta sẽ đóng. - Tôi đáp.- Thế anh nghĩ tôi muốn cái công ty Noman để làm khỉ gì nữa nào? Hợp đồng với cô ấy là tài sản duy nhất mà họ có.
- Nhưng hợp đồng ấy cho quyền cô ấy tán thành kịch bản.
- Cô ấy sẽ tán thành. - Tôi đáp. Em sẽ phải tán thành. Tôi đã cho viết cái của ấy chính là để dành riêng cho em.
Khi hầu phòng mang thức ăn tới, tôi tung chân vắt qua giường, bảo anh ta dọn bàn ăn ngay trước mặt tôi. Đến bây giờ tôi mới nhận thấy tôi đói như thế nào. Cho đến khi cậu hầu bàn đi khuất ra khỏi cửa, tôi đã ăn hết vèo một cái bánh mì thịt bò và uống cạn nửa chai sữa.
Đang ăn dở cái bánh mì thứ hai, tôi thấy viên tướng bước vào. Đan đưa ông ta tới phòng ngủ, và tôi giới thiệu ba người với nhau. Rồi tôi xin lỗi Đan và Mac để chúng tôi ở lại một mình.
- Xin mời ngài ngồi, thưa tướng quân. - Tôi nói khi cửa ra vào đã đóng lại. - Và xin cứ rót rượu ra mà uống. Chai Xcotch ở trên bàn đấy ạ.
- Không, cám ơn. - Ông ta đáp cộc lốc, vẫn đứng sừng sững.
Tôi nhún vai, nhặt cái bánh mì thứ ba lên. Tôi đi thẳng luôn vào việc.
- Nếu tôi bảo Forextơ rời khỏi quân đội, ngài thấy thế nào?
- Cái gì đã làm anh nghĩ là tôi muốn thế hả?
Tôi nuốt một mồm đầy bánh mì.
- Thưa tướng quân, ta đừng vờ vĩnh loanh quanh nữa. Tôi là thằng cũng lớn rồi, cũng có con mắt biết nhìn. Tất cả những gì tôi muốn là một cuộc kiểm nghiệm công bằng chiêc CA - 4 thôi. Từ sau đó trở đi, quyền là ở ngài. Không còn cái gì ép buộc nữa đâu.
- Cái gì đã làm anh nghĩ rằng tôi sẽ không tổ chức một cuộc kiểm nghiệm công bằng cái máy bay của anh nào?
Tôi mỉm cười nhìn ông ta.
- Và để thổi thêm hình ảnh của Forextơ trong mắt bà nhà chăng?
Tôi cảm thấy rõ sự căng thẳng đã rời bỏ ông ta. Trong một thoáng, tôi gần như cảm thấy ái ngại cho ông ta. Cái ngôi sao thiếu tướng trên vai ông ta chả có nghĩa lý gì hết. Ông ta chỉ là một người đàn ông già nua đang cố giữ lấy bà vợ trẻ của mình. Tôi thấy muốn bảo cho ông ta thôi cái trò tự làm hại mình đi. Nếu không phải Forextơ, thì sớm muộn cũng sẽ là một thằng cha nào đó.
- Có lẽ tôi phải uống một chút gì mất.
- Xin ngài cứ tự nhiên.
Ông ta mở một chai rượu, rót cho mình một cốc nguyên không pha. Ông ta uống cạn, rồi buông mình xuống cái ghế đối diện tôi.
- Vợ tôi không phải một người tồi, ông Cođơ ạ, - ông ta thốt lên, gần như là xin lỗi, - có điều cô ấy còn trẻ quá... và dễ bị xúc động.
Ông ta không lừa tôi. Nhưng không hiểu ông ta có đang tự dối lòng ông ta hay không.
- Tôi hiểu, thưa tướng quân.
- Ông hiểu với các cô gái trẻ thì chuyện như thế nào rồi đấy. - Ông ta tiếp tục nói. - Họ chỉ nhìn thấy ánh hào quang, thấy vẻ rực rỡ của bộ quân phục. Một người đàn ông như Forextơ... phải, dễ hiểu thôi. Đôi cánh bạc trên ve áo anh ta, Thập tự bay xuất sắc, rồi Thập tự chiến tranh của Pháp nữa.
Tôi lặng lẽ gật đầu, rót cho mình một tách cà phê đen.
- Tôi cho rằng đấy là kiểu người lính mà cô ấy nghĩ tôi là thế, khi cô ấy lấy tôi. - Ông ta trầm ngâm thốt lên. - Nhưng chẳng bao lâu sau, cô ấy đã nhận ra rằng tôi chẳng là cái gì sất cả, chỉ là một lão đặt hàng vinh quang mà thôi.
Ông ta lại rót thêm vào cốc rượu của mình rồi nhìn thẳng vào tôi.
- Quân đội ngày nay là một bộ máy phức tạp, ông Cođơ ạ. Mỗi một người lính ở tiền tuyến muốn chiến đấu được là cần phải có năm hay sáu người khác ở đằng sau lo việc cung cấp cho anh ta. Tôi luôn tự hào với bản thân vì tôi đã chú ý lo lắng để anh ta được cung cấp những thứ tốt nhất.
- Thưa tướng quân, tôi cũng rất tin như vậy. - Tôi đáp và đặt tách cà phê xuống.
Ông ta đứng dậy, cúi xuống nhìn tôi. Có thể đó là do tôi tưởng tượng nhưng ông ta càng nói, người ông ta càng như lớn lên, căng thẳng ra trước mặt tôi.
- Chính vì thế mà tôi đến đây nói chuyện với ông, ông Côđơ ạ, - ông ta nói với vẻ kiêu hãnh đàng hoàng, kín đáo, - không phải bởi vì ông đã chọn vợ tôi làm chủ đề nói thêm, không hề liên quan đến công việc kia; mà là để báo cho ông biết rằng một nhóm kiểm nghiệm sẽ có mặt ở sân bay Rudơvelt sáng mai để xem xét cái máy bay của ông. Sáng nay, khi về tới thành phố tôi đã yêu cầu ngay như thế. Tôi đã gọi điện cho ông Morixây nhưng chắc là ông ấy không thể báo cho ông được vì trắc trở gì đó.
Tôi ngẩng lên nhìn ông ta, ngạc nhiên. Một cảm giác hổ thẹn nghẹn trong người tôi. Trước khi xổ thốc xổ tháo mồm miệng như thế, đáng nhẽ tôi phải còn đủ trí khôn để gọi cho Morixây xem tình hình ra sao mới đúng.
Một nụ cười thoáng hiện trên mặt viên tướng.
- Ông thấy đấy, ông Cođơ. Ông không phải thỏa thuận gì với tôi về chuyện Forextơ để ép tôi cả. Nếu máy bay của ông qua được cuộc kiểm tra, quân đội sẽ mua nó.
Cửa ra vào khép lại sau lưng ông ta. Tôi với lấy một điếu thuốc. Ngả người vào thành giường ở phía đầu, tôi rít một hơi thuốc sâu vào trong hai cánh phổi.
Cô tổng đài ở khách sạn Chatham đã tìm thấy Forextơ ở quầy rượu.
- Giônơx Cođơ, - tôi nói. - Tôi đang ở khách sạn tháp Oanđơf cuối phố. Tôi muốn gặp anh nói chuyện.
- Tôi cũng muốn nói chuyện với anh. - Anh ta đáp. - Sáng mai họ sẽ kiểm tra máy bay của anh đấy.
- Tôi biết rồi, đấy là điều tôi muốn bàn với anh.
Chưa đầy mười phút sau, anh ta đã có mặt ở phòng tôi. Mặt anh chàng đỏ ửng, nom anh ta hình như đã bỏ cả buổi chiều ngồi chết gí với một chai rượu.
- Có vẻ như lão già đã nhìn ra vấn đề hay sao ấy, - anh ta thốt lên.
- Anh thực nghĩ như vậy ư? - Tôi hỏi, trong khi anh ta đang rót cho mình một cốc.
- Muốn nói gì thì nói. Nhưng Gađix là một người lính tốt. Ông ta biết làm việc.
- Rót cho tôi xin một cốc với, - tôi nói.
Anh ta nhặt một cái cốc nữa, rót rượu, rồi chìa ra cho tôi. Tôi cầm lấy.
- Tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc anh nên thôi cái trò lính tráng rồi đó.
Anh ta tròn mắt nhìn tôi.
- Anh định tính cái gì thế?
- Tôi nghĩ rằng từ nay trở đi Công ty máy bay Cođơ sẽ làm ăn với quân đội khá nhiều. Và tôi cần một người hiểu biết các mối dây - đám chỉ huy quân sự, những gì họ muốn ở một cái máy bay. Lập các quan hệ bạn bè cho chúng tôi, tiến hành các cuộc tiếp xúc. Anh biết tôi định nói gì rồi đấy.
- Tôi hiểu ý anh định nói gì rồi. - Anh ta thốt lên. - Kiểu như là không được gặp gỡ với Vơgina Gađix nữa vì như thế sẽ chẳng hay ho gì cho công ty cả, chứ gì?
- Đại để là như vậy đấy. - Tôi lặng lẽ đáp.
Anh ta dốc tuột cả chỗ rượu vào họng.
- Tôi không biết mình làm thế liệu có nên trò trống gì không. Tôi đã ở trong không quân từ thuở còn là một đứa bé con cơ.
- Nếu không thử thì không bao giờ anh có thể biết được. Hơn nữa anh sẽ có ích cho không quân nhiều hơn khi anh đã ra ngoài: sẽ không còn ai ngăn chặn anh nữa, nếu như anh muốn thực hiện một ý định nào đó.
Anh ta nhìn tôi.
- Nói tới ý định, - anh ta thốt lên, - vậy ý định này là của ai - anh hay Gađix?
- Của tôi. Tôi đã quyết định sáng nay sau khi ta nói chuyện ở trong văn phòng của Morixây. Và nó không liên quan gì tới việc người ta có chấp được cái CA-4 hay không.
Anh ta đột ngột nhoẻn miệng cười.
- Tôi cũng đã quyết định sáng hôm nay. - Anh ta nói, - Tôi sẽ nhận việc đó, nếu anh đề nghị tôi.
- Anh thích bắt đầu từ chức vụ nào? - Tôi hỏi.
- Cầm đầu. - Anh ta đáp tức thì. - Quân đội không tôn trọng ai khác ngoài người cầm đầu.
- Hợp lý đấy. - Tôi nói. - Điều đó có lý. Anh là chủ tịch mới của Công ty máy bay Cođơ. Anh muốn lương bao nhiêu?
- Anh đã để cho tôi chọn chức vụ. Tôi sẽ để cho anh đặt lương.
- Hăm nhăm ngàn một năm cộng thêm chi phí làm việc.
Anh ta huýt lên tiếng sáo.
- Anh không phải tốn kém đến thế đâu. Gấp bốn lần chỗ tôi nhận hiện nay đấy.
- Này, nhớ lấy lời vừa rồi khi đến đòi tăng lương thêm đấy nhé! - Tôi nói.
Cả hai đều phá lên cười, chạm cốc.
- Có một vài cái thay đổi trên máy bay tôi muốn bàn với anh trước khi có cuộc kiểm tra ngày mai, - anh ta nói.
Đúng lúc đó, Mac Alixtơ bước vào phòng ngủ.
- Giônơx, gần sáu giờ rồi, - anh thốt lên, - anh nghĩ ta có thể bắt họ chờ thêm được bao lâu nữa hả? Đan vừa gọi điện nói chuyện với Đêviđ Ulf xong. Anh ta nói rằng Noman đang dọa bỏ đi đấy.
- Mặc quần ngoài xong là tôi đi với các anh ngay đấy. - Tôi đang cài khuy áo sơ mi thì chuông điện thoại réo vang. - Nghe hộ tôi tý, anh Mac.
- Thế còn những thay đổi thì sao? - Forextơ hỏi trong khi Mac cầm máy.
- Anh ra sân bay và cùng thực hiện với Morixây.
- Lôx Angiơlex gọi. - Mac nói, và đưa tay bịt ống nghe lại. - Ta không còn nhiều thời gian nữa đâu.
Tôi nhìn anh một thoáng.
- Bảo họ rằng tôi vừa mới đi họp. Rằng hai tiếng nữa họ có thể gọi đến văn phòng Noman sẽ được gặp tôi.

4

Trời bắt đầu mát dần, và các cô gái đang từ nhà mình đổ ra đại lộ Pac, mặc váy áo mùa hè, khăn lông hờ hững vắt trên vai.
Trên đại lộ số sáu, các cô gái đang đổ ra rất đông. Nhưng những cô này không bước vào xe tắc xi; họ vội vàng rảo bước tới đường xe điện ngầm, mất hút vào những lối hun hút ấy, vui mừng vì thế là đã xong một ngày làm việc.
Niu Yooc có một nhịp sống hừng hực biến dạng rất buồn cười, đối lập hẳn với không khí ủ ê đình trệ đang bao trùm cả đất nước. Các tòa nhà mới đang mọc lên, bất chấp những lời rền rĩ kêu rên của Phố Uôn - các tòa văn phòng, những căn hộ đắt tiền. Nếu như tất cả tiền bạc đều đã mất tiêu như người ta cho rằng thế, vậy thì làm sao có nhiều gái điếm loại sang vẫn sống trong những khu tốt nhất như thế này? Không, tiền có mất đâu. Nó chỉ trốn đi thôi, chui tuột xuống đất như một con chuột chũi để lại ngoi lên khi các mối bấp bênh đã giảm đi, thời cơ sinh lợi đã lớn hơn.
Trên đại lộ số sáu, các bảng thông báo nằm hững hờ trước các văn phòng tìm việc. Đám bảng đen với dòng chữ ghi tên công việc bằng phấn trắng ấy nom cũng đã bắt đầu mệt mỏi. Và những cô gái ăn sương hai đôla một lần cũng đã bắt đầu phát vãng phất phơ kiếm khách của mình.
Một em trong toán ấy, đứng ở rìa đám đông, quay ra nhìn tôi khi tôi đi ngang qua. Mắt cô ta to, mệt mỏi, rầu rĩ và thông minh. Tôi nghe được tiếng thì thào từ đôi môi hầu như bất động của cô nàng:
- Anh yêu ơi, anh là người đầu tiên hôm nay đấy. Thế nào, bắt đầu một ngày mới đi chứ?
Tôi nhoẻn cười với cô ta; và cô ta cho đó là một dấu hiệu khích lệ. Cô ta tiến lại chỗ tôi.
- Chỉ hai tờ thôi, - cô ta thì thào nhanh, - và em sẽ dạy cho anh những cái mà anh không bao giờ học được ở trường cả.
Tôi dừng lại, tủm tỉm cười.
- Anh tin là nhất định thế.
Mac và Đan đã đi quá tôi được mấy bước. Mac quay ngoắt lại nhìn tôi, vẻ khó chịu. Người đàn bà đưa mắt nhìn loáng họ một cái, rồi quay sang tôi.
- Anh bảo với các bạn mình đi, rằng em sẽ tính giá đặc biệt cho cả ba anh. Năm tờ thôi.
Tôi thọc tay vào túi, lôi ra một đôla, ấn vào tay cô gái.
- Để khi khác nhé. Nhưng anh nghĩ là mấy ông giáo kia của anh không thích thế đâu.
Cô ta cúi nhìn tờ một đôla. Một ánh hài hước lóe lên trong cặp mắt đen mệt mỏi của cô ta.
- Chính những anh chàng như anh đã làm hư con người ta đấy, làm cho người ta thấy khó không muốn hành nghề được nữa.
Cô gái đâm nhào vào một quán rượu bên kia đường trong khi chúng tôi rẽ vào hành lang của tòa nhà mới thuộc Trung tâm Rocơfelo.
Vào đến văn phòng ban giám đốc, tôi vẫn còn tủm tỉm cười. Noman ngồi ở đầu cái bàn dài, Đêviđ Ulf ngồi bên phải ông ta, còn bên trái là một người đàn ông tôi đã từng gặp ở xưởng quay, Ơnơxt Hauly, thủ quỹ trưởng. Dọc hai bên là những người đề cử của chúng tôi; hai người làm nghề môi giới, một chủ ngân hàng, một kế toán.
Đan và Mác kéo hai cái ghế ở hai bên ngồi xuống, chừa lại một chỗ đầu bàn cho tôi. Tôi chực ngồi.
Bơny đứng vụt dậy.
- Hượm đã, Cođơ, - ông ta nói, - cuộc họp này chỉ dành cho ban giám đốc thôi, - ông ta sừng sộ với tôi, - trước khi tôi ngồi cùng bàn với anh, tôi thà bỏ đi còn hơn.
Tôi rút túi lấy ra một bao thuốc lá, rút ra một điếu, châm lửa.
- Thì cứ việc đi, - tôi lặng lẽ đáp, - dù sao sau cuộc họp này, ông cũng chẳng còn việc gì vớ vẩn ở đây để làm đâu.
- Thưa các vị, thưa các vị. - Mac Alixtơ nói nhanh. - Đây không phải là cách chúng ta tiến hành một cuộc họp quan trọng. Chúng ta có nhiều vấn đề trọng yếu có liên quan tới tương lai của công ty phải xem xét. Chúng ta sẽ không giải quyết được cái gì trong bầu không khí không tin tưởng nhau như thế này.
- Không tin tưởng! - Bơny gào lên. - Ông chờ tôi tin hắn ta ư? Sau khi hắn ăn cắp cả hãng phim của tôi khuất mặt tôi như vậy!
- Cổ phần được bán ở thị trường công khai, tôi đã mua, thế thôi.
- Với giá bao nhiêu hả? - Ông ta thét tướng lên. - Thoạt tiên, hắn ép giá xuống, rồi hắn mua hết cổ phần. Thấp hơn giá trị của nó. Hắn không thèm đếm xỉa đến việc hắn làm hãng có mùi tồi tệ như thế nào khi giở trò như vậy. Rồi hắn lại mò đến đây, hy vọng rằng tôi cũng sẽ bán cổ phần của tôi với giá đánh sụt mà hắn đã trả cho những kẻ khác đấy.
Tôi cười thầm, cuộc mua bán đang tiếp diễn. Lão già tính rằng cách tốt nhất có được những gì lão muốn đã tấn công phủ đầu tôi. Cái việc tôi có mặt ở cuộc họp này đã hoàn toàn bị quên.
- Cái giá mà tôi định trả là gấp đôi thứ mà tôi đã trả ở thị trường công khai đấy.
- Anh đã định giá ở thị trường.
- Tôi không điều hành hãng phim. - Tôi trả miếng lại. - Mà là ông. Và trong sáu năm trở lại đây, điều hành trong tình trạng thua lỗ.
Lão già bước vòng qua cái bàn.
- Và anh có thể làm tốt hơn ư?
- Nếu tôi không nghĩ thế, tôi đã đặt hơn cái số bảy triệu mà ông đòi cơ.
Cáu kính, ông ta nhìn vào mắt tôi một giây, rồi bước lại cái ghế của mình ngồi. Ông ta cầm một chiếc bút chì lên, gõ gõ nó xuống mặt bàn.
- Cuộc họp thường kỳ của Ban Giám đốc Hãng điện ảnh Noman, hợp nhất, xin bắt đầu.
Ông ta nói, giọng đã nhỏ hơn. Ông ta ngó sang anh chàng cháu của mình.
- Đêviđ, anh sẽ làm thư ký cho đến khi ta cử được một người mới.
Lão già tiếp tục.
- Số đại biểu quy định đã có mặt, đồng thời có mặt - theo lời mời - là ông Giônơx Cođơ. Ghi chú thêm, Đêviđ, rằng ông Cođơ có mặt theo lời mời của một số thành viên nhất định trong ban giám đốc, mặc dù chủ tịch phản đối.
Ông ta chằm chằm nhìn tôi, chờ tôi phản ứng lại với lời vừa rồi. Tôi ngồi thản nhiên.
- Chúng ta giờ sẽ sang mục thứ nhất của cuộc họp, là việc bầu chức vụ của hãng cho năm tới.
Tôi gật đầu với Mac Alixtơ.
- Thưa ông chủ tịch, - anh ta nói, - cho phép tôi đề nghị chứ ạ? Là hoãn việc bầu các chức vụ cho đến khi ông và ông Cođơ đây hoàn thành xong các cuộc thảo luận có liên quan tới việc cổ phần của ông.
- Cái gì khiến anh nghĩ rằng tôi tính chuyện bán cổ phần của mình đi hả? - Bơny hỏi vặn. - Niềm tin của tôi vào tương lai của hãng này vẫn vững vàng như trước. Tôi đã lập nhiều kế hoạch bảo đảm cho sự thành công của hãng, và nếu tụi nhãi nhép các anh nghĩ rằng các anh có thể ngăn tôi, tôi sẽ lôi các anh vào một cuộc đấu tranh giấy ủy quyền mà các anh chưa bao giờ biết được.
Đến Mac Alixtơ cũng phải mỉm cười. Lão sẽ chống lại bằng cái gì cơ chứ? Chúng tôi đã chiếm bốn mốt phần trăm phiếu bầu rồi.
- Nếu mối quan tâm của ông chủ tịch về tương lai của hãng này cũng chân thành như mối quan tâm của chúng tôi, - Mac Alixtơ lịch thiệp nói, - thì chắc chắn ông cũng đã thấy ra được những thiệt hại có thể tạo nên bằng việc phát động một cuộc đấu tranh về giấy ủy quyền mà ông không thể nào thắng được.
Một vẻ tinh quái hiện ra trên mặt Bơny.
- Tôi không phải là một thằng ngu như các anh tưởng đâu. Suốt chiều nay tôi đã bận bịu, tôi đã có đủ trong tay các đề nghị của cổ đông để khống chế được tình hình nếu tôi chống lại các anh. Tôi sẽ còn sống lâu, và chừng nào chết đi, tôi mới chịu hiến cái hãng riêng của tôi - cái hãng mà đổ mồ hôi sôi nước mắt tôi mới làm ra được thế này - cho Cođơ nhé, để rồi anh ta có thể có thêm tiền quyên cúng cho các ông bạn anh ta là lũ quốc xã. - Ông ta nắm tay đấm thình xuống bàn, nom rất kịch. - Không, không bao giờ, cho dù anh ta có trả bảy triệu đôla riêng cho chỗ cổ phiếu của tôi.
Tôi đứng im, môi mím chặt, tức giận.
- Tôi xin hỏi ông Noman xem ông ta sẽ làm gì với bảy triệu đôla, giả sử tôi có đưa thật chỗ đó cho ông ta. Ông ấy chắc cũng quyên cúng hết vào Quỹ Cứu trợ Do Thái cả chứ gì?
- Tôi làm gì với tiền của tôi, thì cũng không phải việc của ông Cođơ! - Ông ta kêu tướng lên từ đầu bàn đằng kia lại phía tôi. - Tôi không phải là người giàu như ông ta. Tất cả những gì tôi có là dăm cái cổ phần của chính hãng này của tôi.
Tôi mỉm cười.
- Thưa ông Noman, ông vui lòng để tôi đọc cho ban giám đốc nghe một danh sách các tài sản và ngân khoản của ông chứ, đứng tên ông lẫn tên bà nhà ta?
Bơny lộ vẻ bối rối.
- Danh sách ư? - Ông ta hỏi. - Danh sách nào?
Tôi nhìn Mac Alixtơ. Anh đưa cho tôi một tờ giấy lấy từ trong cặp. Tôi bắt đầu đọc.
- Khoản gửi mang tên Mây Noman: Ngân hàng bảo hiểm Nesơnơn Bôxtơn - một triệu, bốn trăm ngàn; Ngân hàng công ty Manhatơn Niu Yooc - hai triệu, một trăm ngàn; Công ty bảo hiểm Nesơnơn Paiơnia Lôx Angiơlex - bảy trăm ngàn; Ngân hàng anh em Lêman Niu Yooc - ba triệu, một trăm năm mươi ngàn; cộng các ngân khoản nhỏ hơn khắp đất nước, khoảng sáu hoặc bảy trăm ngàn nữa. Thêm vào đó, bà Noman còn là chủ năm trăm hecta đất điền trang hạng nhất ở Oextut, gần Bivơly Hind, tính một cách khiêm tốm là bốn mươi nghìn đôla một hecta.
Bơny trố mắt nhìn tôi.
- Anh kiếm đâu ra cái danh sách ấy?
- Không cần để ý đến việc tôi kiếm ở đâu ra.
Lão già quay sang anh chàng cháu mình.
- Thấy chưa, Đêviđ, - lão hạ giọng nói nhỏ, - thấy một người vợ đảm đang có thể tiết kiệm chi phí trong nhà, dành dụm được nhiều tiền thế đấy.
Giá như lão ta không là một thằng gian manh đến thế, nghe câu ấy, tôi đã phá lên cười. Nhưng vẻ mặt anh chàng kia đớ ra, chứng tỏ anh ta đã không hề biết những của nả đặc biệt đó. Một điều gì đấy bảo thầm với tôi rằng Đêviđ sẽ còn vỡ mộng nhiều.
Lão già quay lại phía tôi.
- Như vậy là vợ tôi đã có dành dụm được một vài đồng. Điều ấy cho anh cái quyền ăn cướp của tôi ư?
- Trong sáu năm qua, trong khi hãng của ông lỗ vốn mất mười một triệu đôla, tôi thật thấy lạ vợ ông lại có thể mỗi năm tích cóp bỏ nhà băng được đến một triệu từ chỗ vốn riêng của bà ấy đấy.
Mặt Bơny đỏ lên.
- Nhà tôi cũng dùng tiền nong đầu tư rất thông minh, - ông ta nói, - tôi không bỏ thời gian của tôi nhòm ngó qua vai bà ấy làm gì sất cả.
- Có lẽ là ông nên làm việc ấy đi. - Tôi đáp. - Ông sẽ thấy rằng bà ấy thực tế đã nhận tất cả những hợp đồng cung cấp chủ yếu về trang bị và dịch vụ cho Hãng điện ảnh Noman. Ông không thể nói với tôi rằng ông không biết là bà ấy đã lấy tiền hoa hồng nhận thầu từ năm đến mười lăm phần trăm tổng số đơn đặt hàng của hãng này.
Ông ta ngồi phịch trở lại ghế.
- Thế thì có gì sai nào? Bà ấy là người bán cho chúng tôi những món đó, vậy tại sao bà ấy lại không được ăn hoa hồng? Đó là việc kinh doanh hoàn toàn bình thường.
Nghe lão ta lảm nhảm bịp thế là đủ.
- Thôi được, ông Noman, - tôi nói, - ta đừng có lòng vòng bịp quanh nữa. Tôi đã đề nghị trả hơn cái giá công bằng cho chỗ cổ phiếu của ông. Ông có muốn bán không thì bảo?
- Không phải với giá ba triệu rưỡi, không. Năm thì tôi có thể nghe.
- Ông đang ở vị trí không mà cả được đâu, ông Noman ạ. Nếu ông không nhận lời đề nghị của tôi, tôi sẽ chuyển công ty vào tình trạng tài sản tranh tụng. Rồi chúng ta sẽ cùng xem xem liệu một trọng tài Liên bang có tìm ra điều nào phạm tội trong những cái gọi là hợp đồng buôn bán hợp pháp của vợ ông không. Có vẻ ông đã quên rằng những gì ông làm với hãng là một vấn đề nhà nước, bởi ông đã bán cổ phiếu trên thị trường chung công khai. Nó có hơi khác với khi ông là chủ duy nhất của cái hãng này. Thậm chí ông có thể thấy mình, rút cục là ở trong tù đấy.
- Anh không dám làm thế đâu.
- Không ư? - Tôi thốt lên. Tôi chìa tay ra. Mac Alixtơ đưa cho tôi các giấy tờ ghi Mục 722. Tôi quẳng chúng lại cho Bơny. - Tùy ông đấy. Nếu ông không bán, thì giấy tờ này sáng mai sẽ ở tòa án.
Ông ta cúi xuống nhìn chúng, rồi ngẩng lên nhìn tôi. Một vẻ căm uất điên dại hiện lên trong mắt ông ta.
- Tại sao anh lại làm thế đối với tôi hả? - Ông thét tướng lên, - bởi vì chính là mày đã căm thù người Do Thái đến xương tủy, trong khi tất cả những gì tao làm cho mày là cố giúp đỡ mày thôi, có phải thế không?
Đó là giọt nước cuối cùng làm tràn bát. Tôi đứng vụt dậy, đi vòng qua bàn, túm cổ lão, lôi phắt dậy, ấn vào tường.
- Đồ Do Thái đê tiện khốn kiếp, - tôi thét lên, - tao nghe cứt mày phụt ra thế là đủ lắm rồi. Mỗi một lần mày đề nghị giúp tao, là một lần mày rạch túi của tao. Mày lúc này đang điên lên bởi lần này thì tao không để mày tái diễn cái trò ấy một lần nữa, một lần nữa nhé!
- Đồ quốc xã! - Lão nhổ vào tôi.
Tôi từ từ để lão xuống, rồi quay lại phía Mac Alixtơ.
- Gửi chỗ giấy tờ ấy đi. Đồng thời phát ra một đơn kiện, buộc tội Noman và vợ ông ta đã ăn cắp vốn của hãng.
Rồi tôi chực bước ra cửa.
- Hượm đã! - Giọng Bơny làm tôi đứng lại. Một nụ cười kỳ quặc hiện lên trên mặt lão ta. - Anh không phải điên khùng bỏ đi như vậy, chỉ vì tôi đã có một chút mất bình tĩnh.
Tôi tròn mắt nhìn lão chằm chằm.
- Quay lại đi. - Lão ta vừa nói vừa ngồi lại xuống ghế. - Chúng ta có thể giải quyết toàn bộ vấn đề giữa hai ta trong vòng mấy phút thôi. Như những người đàng hoàng chính trực.
Tôi đứng cạnh cửa sổ, chăm chú nhìn Bơny ký giấy tờ chuyển giao cổ phần. Có một cái gì đó kỳ quặc phi lý trong cái cảnh ông ta ngồi kia, ngòi bút sột soạt lia, ký bỏ đi toàn bộ công sức làm ăn một đời của mình. Thiên hạ có thích phải có một anh chàng thương hại cho anh ta đâu. Ấy thế mà, theo một phương diện nào đó, lúc này đây chính tôi lại cảm thấy như vậy.
Ông ta là một lão già ích kỷ, ti tiện. Ông ta không hề có ý thức gì về sự tử tế, không hề biết tự trọng, không hề có đạo đức; ông ta hy sinh bất kỳ ai cho quyền lực của ông ta. Nhưng bây giờ, khi ông ta lia bút qua từng tờ giấy chứng nhận, tôi có cảm giác như máu của ông ta đang bị rút kiệt qua cái đầu ngòi bút vàng cùng với dòng mực.
Tôi quay đi, nhìn qua cửa sổ, từ tầng thứ ba mươi xuống đường. Ở dưới kia, con người nom nhỏ xíu, họ có những ước mơ con con, những kế hoạch be bé. Mai là thứ bẩy. Ngày nghỉ của họ. Có thể họ sẽ ra biển, hay có thể sẽ vào công viên. Nếu họ có tiền, có thể họ sẽ lái ôtô về nông thôn chơi. Họ sẽ ngồi trên thảm cỏ cạnh vợ họ, ngắm lũ con họ và có dịp cảm thấy mặt đất mát rượi, mới tinh khôi dưới bàn chân của họ. Họ là những con người may mắn.
Họ không sống trong một rừng rậm, nơi mà giá trị của con người ta được đo bằng khả năng có thể tồn tại cùng bầy sói được không. Họ không sinh ra ở một nhà có một người cha không thể yêu được con trai mình, trừ phi nó trở nên giống như cái khuôn do chính ông ta đúc. Họ không bị vây quanh bởi con người chỉ có mục đính duy nhất là gắn mình vào những nguồn của cải. Khi họ yêu, thì đó là chỉ vì họ cảm thấy muốn yêu, chứ không phải vì họ tính thế là lợi như thế nào.
Miệng tôi đột nhiên chua loét. Có thể đó là cái lối sống ở dưới kia, nhưng tôi cũng không thực rõ. Mà tôi cũng không thực háo hức muốn tìm ra xem có phải thế không. Tôi thích ở trên này cơ.
Ở đây giống như ở trên đời, không có ai quanh anh để dạy bảo anh rằng phải làm thế này, đừng làm thế kia; tự anh đặt ra luật lệ cho anh. Và mọi người phải sống theo chúng, dù họ có thích hay không thích. Chừng nào anh còn đứng trên đỉnh. Tôi muốn đứng trên đỉnh thật lâu. Lâu đến mức để khi người ta nói đến tên Giônơx Cođơ, thì họ hiểu là đang nói tên ai. Tên tôi, chứ không phải tên của ba tôi.
Tôi rời cửa sổ, bước lại bàn. Tôi cầm đám giấy chứng chỉ nhìn. Chúng đã được ký đúng đắn. Bơny.B.Noman.
Bơny ngẩng lên nhìn tôi. Ông ta cố mỉm một nụ cười. Nhưng nom nó không thực là nụ cười lắm.
- Bao nhiêu năm trước đây, khi Bơny Nomanôvit, mở cái tiệm chiếu bóng năm xu của mình ở Phố số bốn, khu Đông, không ai nghĩ rằng một ngày kia ông ta sẽ bán hãng của mình lấy ba triệu rưỡi đôla.
Đột nhiên, tôi không thấy ái ngại nữa. Tôi không hề còn thương hại ông ta một chút nào. Ông ta đã chiếm đoạt và cướp không hơn mười lăm triệu đôla của một công ty, và cái lời bào chữa duy nhất cho việc đó là ông ta là người tình cờ bắt đầu xây dựng nó mà thôi.
- Tôi cho rằng anh thích cái này nữa, - ông ta vừa nói vừa móc túi áo ngực, lấy ra một tờ giấy gập tư.
Tôi cầm lấy tờ giấy, mở ra. Đó là đơn từ chức chủ tịch công ty và chủ nhiệm ban giám đốc của ông ta. Ngạc nhiên, tôi ngẩng lên nhìn Noman.
- Nào bây giờ còn gì để tôi làm cho anh nữa không?
- Không. - Tôi đáp.
- Ông nhầm rồi, ông Cođơ ạ. - Ông ta dịu dàng thốt lên. Ông ta đi ngang qua căn phòng, tới cái bàn điện thoại ở góc.
- Cô tổng đài, tôi là Noman đây. Cô có thể nối máy gọi cho ông Cođơ được rồi đấy.
Ông ta chìa ống nghe ra cho tôi.
- Gọi ông đấy, - ông ta bình thản nói. Tôi cầm lấy ống nghe. Giọng cô tổng đài vang lên.-  Lôx Angiơlex, tôi có ông Cođơ cầm máy rồi đấy.
Ống nghe kêu tách một tiếng, rồi tiếng nữa, trong khi lời nói của cô ta vọng từ đầu kia. Tôi nhìn thấy Noman xảo quyệt nhìn tôi, rồi quay lưng bước ra cửa. Ông ta quay lại, nhìn người cháu.
- Đi chứ mày, Đêviđ.
Ulf chực nhỏm dậy khỏi ghế.
- Anh. - Tôi thốt lên, đưa tay bịt miệng ống nói lại. - Anh ở lại đã.
Đêviđ nhìn Bơny, rồi khẽ lắc đầu, ngồi lại xuống ghế. Lão già nhún vai.
- Tại sao tôi lại cứ phải trông mong đứa cháu máu mủ ruột thịt với mình làm hơn thế này nhỉ? - Lão thốt lên. Cánh cửa đóng lại sau lão ta.
Một giọng nữ vọng tới tai tôi. Nghe giọng nói có vẻ quen quen.
- Anh Giônơx Cođơ đấy ư?
- Tôi đây. Ai đấy?
- Inelơ Gala. Suốt chiều nay, tôi đã cố tìm anh. Raina... Raina... - Giọng cô ta nấc nghẹn lại.
Vùng ngực quanh tim tôi chợt lạnh toát đi, lo ngại.
- Sao, cô Gala, - tôi thốt lên, - Raina làm sao?
- Cô ấy đang hấp hối, ông Cođơ ạ, đang hấp hối. - Cô ta nức nở. - Và muốn gặp ông.
- Hấp hối ư? - Tôi lập lại bàng hoàng. Không thể tin được. Không phải Raina. Em bất diệt, không gì có thể hủy hoại được.
- Vâng, đúng thế đấy. Viêm não. Và tốt hơn hết là ông hãy nhanh lên. Bác sĩ không biết là cô ấy sống được bao lâu nữa. Cô ấy đang ở Nhà an dưỡng Cơntơn, Xanta Monica. Tôi có thể báo với cô ấy rằng ông đang tới nhé?
- Bảo với cô ấy rằng tôi đang trên đường tới! - Tôi thét lên, đặt máy xuống.
Tôi quay lại nhìn Đêviđ Ulf. Anh ta đang chằm chằm nhìn tôi, mặt lộ rõ một vẻ là lạ.
- Anh đã biết, - tôi nói.
Anh ta gật đầu, đứng dậy.
- Tôi đã biết.
- Tại sao anh không báo cho tôi trước?
- Làm sao tôi có thể làm được? - Anh ta hỏi lại. - Cậu tôi sợ rằng nếu anh tìm ra điều ấy, anh sẽ không cần cổ phần của ông ấy nữa.
Căn phòng lại lặng ngắt một cách kỳ lạ khi tôi lại cầm ống nói lên. Tôi nói cho cô tổng đài số điện thoại của Morixây ở sân bay Rudơvelt.
- Ông có muốn tôi đi bây giờ không? - Ulf hỏi.
Tôi lắc đầu. Tôi đã bị đưa vào xiếc một cách rất tuyệt để mua một công ty vô giá trị, trơ trụi như một con cừu ranh đã bị cạo sạch lông. Nhưng tôi không có quyền mở mồm than thở. Tôi biết mọi luật chơi rồi.
Nhưng giờ đây, ngay điều ấy cũng không còn quan trọng. Không cái gì còn quan trọng nữa cả. Chỉ có mỗi một điều mà thôi - Raina. Tôi bồn chồn rủa thầm, nóng lòng chờ Morixây cầm máy.
Cách duy nhất tôi còn để đến kịp với Raina là bay tới đó bằng chiếc CA-4.

5

Trong cái nhà để máy bay đèn đóm sáng trưng, mọi việc đang rối rít tít mù. Tốp thợ hàn đang ngồi vắt vẻo trên hai cánh máy bay, mặt nạ che kín, ngọn lửa xanh nóng rực cháy từ đầu que hàn của họ. Họ hàn những thùng dầu phụ vào đó. Đám thợ cơ khí đang lột bỏ mọi cái làm nặng thêm trọng lượng mà không thật cần thiết cho chuyến bay.
Tôi nhìn đồng hồ khi thấy Morixây bước lại gần. Đã sắp sửa mười hai giờ đêm. Như vậy là gần chín giờ ở Caliphonia.
- Còn lâu không? - Tôi hỏi.
- Không bao lâu nữa đâu. - Anh cúi xuống nhìn tờ giấy trong tay. - Bỏ mọi cái khỏi nó, ta vẫn còn bảy trăm cân quá tải nâng.
Vùng trung tâm đang hoàn toàn có giông, theo lời báo lại câu hỏi về khí tượng của chúng tôi. Nếu tôi muốn vượt qua được vùng đó, tôi phải bay về phía nam vòng qua các cơn giông ấy. Morixây đã tính là phải thêm bốn mươi ba phần trăm nhiên liệu cho bản thân chuyến bay và ít nhất bảy phần trăm dự trữ an toàn nữa.
- Tại sao anh không nán lại đến sáng? - Morixây hỏi. - Có thể thời tiết sẽ khá hơn và anh có thể bay thẳng qua được.
- Không.
- Lạy Chúa! - Anh gắt lên. - Anh sẽ không bao giờ nhấc nổi nó lên khỏi mặt đất đâu. Nếu anh nóng lòng muốn giết mình thế, sao không dùng béng một khẩu súng đi cho rồi!
Tôi quay lại, nhìn thấy phụ tùng cạnh chiếc máy bay.
- Vô tuyến điện nặng bao nhiêu?
- Hai trăm linh năm cân. - Anh đáp nhanh. Rồi tròn mắt nhìn tôi. - Anh không thể bỏ nó đi được, làm thế quái nào mà anh biết rằng đang ở đâu, hay thời tiết phía trước như thế nào?
- Theo như cái cách tôi đã làm trước khi người ta lắp vô tuyến điện cho máy bay ấy. Quẳng nó đi!
Anh chực bước vào máy bay, lắc đầu. Tôi chợt nẩy ra ý nữa.
- Còn hệ thống ôxy nén cho buồng lái?
- Ba trăm ba lăm cân, kể cả thùng.
- Vứt cả cái ấy nữa. - Tôi đáp. - Tôi sẽ bay thấp.
- Anh sẽ phải cần ôxy khi xượt qua dãy Rocky.
- Đặt một thanh xách tay cạnh chỗ tôi trong buồng lái.
Tôi đi vào văn phòng và gọi điên cho Baz Đaltơn ở văn phòng Hãng hàng không liên lục địa ở Lôx Angiơlex. Anh chàng đã về nhà, vì vậy người ta chuyển máy về số máy ở nhà anh ta.
- Baz, tớ là Giônơx đây.
- Tớ đang hỏi quái không biết là ai.
- Tớ muốn cậu giúp tớ một việc.
- Xong rồi. - Anh chàng đáp ngay. - Gì thế?
- Đêm nay tớ chuẩn bị bay sang bờ phía Đông. - Tôi đáp. - Và tớ muốn cậu thông báo thời tiết bằng tín hiệu cho tớ tại mọi nhà để máy bay của hãng ICA trên toàn quốc.
- Vô tuyến điện của cậu bị làm sao hả?
- Tớ sẽ cho cái CA-4 bay liền một mạch. Và tớ không thể kéo lê tất cả cái của nặng ấy theo.
Anh ta huýt một tiếng sáo.
- Cậu sẽ không làm được đâu, chiến hữu ơi!
- Tớ sẽ làm được. Dùng đèn pha nhấp nháy ban đêm, sơn mái nhà ban ngày.
- Được rồi. - Anh ta đáp. - Đường bay của cậu thế nào?
- Tơ chưa quyết định. Cứ thông báo ở tất cả các sân bay.
- Được rồi. - Anh ta đáp. - Chúc may mắn.
Tôi đặt ống nghe xuống. Tôi thích tính Baz là vì vậy đấy. Có thể dựa vào anh ta. Anh không phí thời gian hỏi những câu vô ích ngớ ngẩn như tại sao, khi nào hoặc ở đâu. Anh ta làm như được yêu cầu. Điều duy nhất anh chàng quan tâm tới là Hãng hàng không. Chính vì vậy mà ICA đang nhanh chóng trở thành Hãng hàng không thương mại lớn nhất đất nước.
Tôi nhấc chai uyxky ngô khỏi bàn, nốc một hơi dài. Rồi tôi bước tới đivăng. Trong khi tốp thợ máy đang kết thúc, tôi có thể tranh thủ chợp mắt một chốc. Tôi nhắm mắt lại.
Tôi cảm thấy Morixây đang đứng cạnh mình, và mở mắt ra.
- Sẵn sàng rồi chứ? - Tôi ngước lên hỏi.
Anh gật đầu.
Tôi tung chân qua thành đivăng, ngồi dậy. Tôi nhìn ra ngoài nhà để máy bay. Nó trống rỗng.
- Đâu rồi?
- Ở ngoài kia. - Anh đáp. - Tôi đang cho khởi động nó.
- Tốt lắm. - Tôi đáp, nhìn đồng hồ. Ba giờ hơn mấy phút. Anh theo tôi vào phòng vệ sinh.
- Anh mệt đấy, - anh thốt lên, chăm chú nhìn tôi trong khi tôi vã nước lạnh vào mặt. - Anh có thực thấy mình cần đi không?
- Tôi phải đi.
- Tôi đã để sáu cái bánh mỳ kẹp thịt bò rán và hai phích một phần tư lít đựng cà phê đen trong máy bay cho anh đấy.
- Cám ơn lắm. - Tôi nói, bắt đầu bước ra.
Tay anh ngăn tôi lại. Anh chìa ra một cái lọ màu trắng.
- Tôi đã gọi bác sĩ của mình, - anh nói, - và ông ấy đã đem những cái này cho anh.
- Gì vậy?
- Một loại thuốc mới. Bezêđrin. Uống một viên nếu anh buồn ngủ. Nó sẽ làm anh tỉnh. Nhưng cẩn thận với chúng đấy. Đừng có uống nhiều quá, nếu không anh sẽ bay vèo qua mái nhà đấy.
Chúng tôi cùng bước về phía cái máy bay.
- Đừng có mở các thùng dự trữ cho đến khi anh còn có một thùng một phần tư. Bơm tiếp dầu trọng lực sẽ không kéo đâu nếu như nó ghi lại được sức nén lớn hơn thế, thậm chí nó có thể khóa lại đấy.
- Vậy tôi làm thế nào biết được là các thùng dự trữ đang hoạt động?
Anh nhìn tôi.
- Anh sẽ không biết cho đến lúc anh hết dầu. Và nếu bơm khóa, áp suất khí cũng vẫn làm cho đồng hồ đo chỉ một phần tư, ngay cả khi thùng dầu đã cạn khô.
Tôi liếc loáng sang Morixây một cái, nhưng lặng thinh. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Tôi leo lên cánh và hướng về phía buồng lái. Một bàn tay nắm ống quần tôi giật giật. Tôi quay đầu lại.
Forextơ đang ngẩng lên nhìn tôi, mặt bàng hoàng.
- Anh định làm gì với cái máy bay thế hả?
- Bay tới Caliphonia.
- Thế còn cuộc kiểm nghiệm ngày mai thì sao? - Anh ta thét lên. - Tôi thậm chí đã mời được cả Xtivơ Ranđơn tới nữa đấy.
- Xin lỗi. - Tôi đáp. - Báo hoãn lại vậy.
- Nhưng còn viên tướng. - Anh gào ta. - Tôi giải thích thế nào với lão đây? Lão sẽ phát khùng lên đấy.
Tôi trèo vào buồng lái, cúi nhìn thẳng vào anh.
- Điều đó không còn là nỗi đau đầu của tôi nữa, mà là của anh.
- Thế nhỡ máy bay xảy ra chuyện gì thì sao hả?
Tôi đột ngột nhoẻn cười. Linh cảm của tôi về anh ta đã đúng. Anh ta sẽ trở thành một giám đốc hạng nhất. Không hề có một mảy may quan tâm về tôi, tất cả chỉ đổ dồn cho cái máy bay.
- Thì làm cái khác, - tôi kêu to, - anh đã là chủ tịch công ty rồi mà.
Tôi vẫy tay, rồi nhả phanh, bắt đầu từ từ cho máy bay chạy ra đường băng. Tôi cho nó chạy về phía gió, rồi phanh lại, tăng vòng quay của động cơ. Khi đồng hồ đo tốc độ góc đạt tới hai mươi tám, tôi sập nắp buồng lái lại và nhả phanh.
Chúng tôi lao vùn vụt trên đường băng. Tôi thậm chí không nâng máy bay lên khi vận tốc chạy dưới đất chưa đạt tới mức hai trăm hai lăm cây số/giờ. Khi máy bay bắt đầu nhấc lên khỏi mặt đất, chúng tôi đã gần như chạy hết cả đường băng. Sau đó, nó bốc lên rất ngon lành.
Đến độ cao một ngàn ba trăm thước, tôi cho máy bay bay bằng, nhắm thẳng hướng nam. Tôi ngoảnh nhìn qua vai. Sao Bắc đẩu đang ở chính giữa lưng tôi, nhấp nháy rực rợ trong nền trời quang, đen mịn. Thật khó mà tin được rằng cách đây một ngàn năm trăm cây số, trời lại nghẹt trong giông tố.
Đang ở trên vùng trời Pixbơg, tôi bỗng nhớ tới một điều Nêvađa đã dạy tôi thuở còn bé.
Chúng ta đang bay trên đường lùng một con mèo rừng lớn, anh chỉ lên sao Bắc đẩu. Người da đỏ có một câu tục ngữ nói rằng khi sao Bắc đẩu lập lòe như vậy, là có một cơn giông đang tràn xuống phía nam.
Tôi lại ngẩng lên nhìn. Sao Bắc đẩu đang lập lòe như đêm ấy. Tôi lại nhớ ra một câu tục ngữ nữa mà Nêvađa đã dạy tôi. Con đường ngắn nhất theo phía tây là xuôi theo chiều gió.
Tôi đã quyết định. Nếu người da đỏ đúng, thì đến khi tôi bay đến miền trung tây, cơn giông đã ở phía nam dưới tôi. Tôi nghiêng cánh máy bay, liệng vào chiều gió thổi. Và đến khi rời mắt khỏi la bàn, tôi ngẩng lên nhìn, sao Bắc đẩu đã nhấp nháy rực rỡ phía vai phải.
Vai tôi đau như dần - mọi thứ đều như bị dần - vai, hai cánh tay, hai chân tôi. Mắt tôi nặng hàng tạ. Tôi cảm thấy chúng đang từ từ khép lại, liền với tay lấy phích cà phê. Cái phích nhẹ bỗng. Tôi nhìn đồng hồ. Đã mười hai giờ đồng hồ trôi qua kể từ lúc rời Rudơvelt. Tôi thọc tay vào túi, lấy ra hộp thuốc Morixây đã đưa cho. Tôi bỏ một viên vào miệng, nuốt chửng.
Mấy phút đầu, tôi chẳng thấy có gì lạ. Rồi tôi bắt đầu thấy dễ chịu hơn. Tôi hít một hơi thở thật sâu, đảo mắt nhìn chân trời. Nom có vẻ như không còn xa rặng núi Rocky lắm thì phải, tôi thầm nhủ. Hăm lăm phút sau, nó đã hiện ra.
Tôi kiểm tra lại đồng hồ đo dầu. Nó đã chỉ ở mức một phần tư. Tôi đã phải mở các thùng nhiên liệu trước đó rồi. Cái mép ngoài của cơn giông tôi phải vượt qua ở miền trung tây đã làm tốn mất hơn một giờ nhiên liệu. Mà giờ tôi lại cần phải thắng được sức gió để vượt qua rặng Rocky này.
Tôi mở van ga, rồi lắng tai nghe tiếng động cơ. Chúng gầm lên nặng hơn, nghe đầy đặn hơn khi luồng hỗn hợp nhiên liệu được lùa vào các mạch máu của chúng. Tôi kéo ngả cần lái về phía sau, bắt đầu leo lên theo triền núi.
Vẫn còn cảm thấy hơi mệt, tôi bỏ một viên thuốc nữa vào miệng.
Đến độ cao bốn ngàn mét, tôi bắt đầu cảm thấy lạnh. Tôi xỏ chân vào đôi hurachô rồi với lấy bình ôxy. Gần như ngay lập tức, tôi cảm thấy máy bay như nhảy vọt lên thêm một cây số nữa. Tôi nhìn đồng hồ độ cao. Nó mới chỉ có bốn ngàn một trăm ba mươi.
Tôi lại hít thêm một hơi ôxy nữa, và người tôi bỗng rực lên một sức mạnh lạ thường, tôi bất giác chụp cả hai tay lên bảng điều khiển. Cần quái gì dầu xăng! Tôi có thể nhấc cả máy bay này qua rặng Rocky bằng hai tay không. Chỉ cần có ý chí thôi. Giống như khi những thầy tu khổ hạnh ở Ấn Độ làm ta kinh ngạc bối rối trước những mẹo làm người bay được của họ - đó chỉ là cần có ý chí thôi, ý chí chế ngự vật chất. Mọi cái đều ở trong đầu ta!
Raina! Tôi gần như thét lên thành tiếng. Tôi trừng trừng nhìn đồng hồ độ cao. Kim đã tụt xuống ba nghìn hai trăm, và đang còn tụt nhanh nữa. Tôi ngoái sang các sườn núi đang vùn vụt lao ập vào mặt tôi. Tôi vồ lấy cần lái, kéo mạnh vào lòng. Tôi kéo mãi, kéo mãi, tưởng hàng thế kỉ trôi qua trước khi các đỉnh núi lại tụt hẳn xuống phía dưới.
Tôi nhấc tay ra, quệt mồ hôi đã ướt lông mày. Má tôi ròng ròng nước mắt. Cảm giác kỳ quặc về sức mạnh đã qua, người tôi lại cảm thấy mệt bã, đầu đau nhức. Morixây đã báo trước cho tôi về tác dụng của thuốc, lại cộng thêm chỗ ôxy nữa chứ. Tôi xoay nút ga, cẩn thận điều chỉnh lại hỗn hợp nhiên liệu cho động cơ.
Tôi vẫn còn phải bay thêm sáu trăm năm mươi cây số nữa, và tôi không muốn phung phí chất đốt.

6

Tôi hạ cánh xuống sân bay Bơbank lúc hai giờ chiều. Tôi đã ở trong không trung như vậy đã gần mười lăm tiếng. Tôi cho máy bay chạy vào nhà để máy bay của Hãng máy bay Cođơ, tất cả động cơ đã tắt. Tai tôi vần còn ầm tiếng động cơ của nó.
Tôi bước xuống đất; ngay lập tức, một đám đông quây chặt lấy tôi. Tôi nhận ra một đôi người, phóng viên.
- Tôi xin lỗi, thưa các vị, - tôi vừa nói vừa đẩy họ ra, rẽ lấy lối đi về phía nhà để máy bay.- Tai tôi vẫn còn điếc đặc vì tiếng động cơ máy bay này. Tôi không thể nghe thấy các vị nói gì cả đâu.
Baz cũng đứng trong đám đó, miệng đang ngoác ra cười rạng rỡ. Anh chàng vồ lấy hai tay tôi, du đi du lại. Môi anh ta mấp máy, nhưng tôi không thể nghe được phần đầu của câu nói. Rồi đột nhiên, tai tôi lại thông hẳn, nghe rõ mồn một.
- ... lập một kỷ lục mới về bay từ đông sang tây, bờ đại dương này sang bờ đại dương kia.
Lúc này đây, điều đó không có ý nghĩa gì cả.
- Cậu có cho ôtô chờ mình không?
- Ở cổng trước kia. - Baz đáp.
Một anh chàng nhà báo văng ra khỏi đám đông được.
- Ông Cođơ, - anh ta thét lên, - có thật là ông tiến hành chuyến đi này để đến gặp Raina trước khi cô ấy chết không?
Sau cái nhìn của tôi, anh ta nhất định phải về nhà tắm. Tôi lặng thinh không đáp.
- Có phải là ông mua trọn Hãng điện ảnh Noman chỉ là để nắm quyền quản lý hợp đồng với cô ấy không?
Tôi đã chui vào xe nhưng bọn họ vẫn nhao nhao hỏi chõ vào. Xe chuyển bánh. Một cảnh sát đi môtô vụt lên trước đầu xe chúng tôi, rú còi dẹp đường. Chúng tôi tăng tốc ngày một lớn khi xe cộ dẹp vội sang bên.
- Giônơx, tớ xin lỗi về chuyện Raina. - Baz thốt lên. - Tớ không biết cô ấy là vợ của ông già cậu.
Tôi nhìn anh ta.
- Từ đâu mà cậu biết được chuyện đó thế?
- Trên các báo. Hãng Noman đã thông báo trong cuộc họp báo của họ, cùng với câu chuyện cậu đang bay tới đây để gặp cô ấy.
Tôi mím môi. Cái nghề phim là phải thế đấy. Lúc nào nó cũng rình rập xen vào đời tư của người ta như một lũ ma cà rồng lượn lờ trên một chiếc mả.
- Tớ có một chiếc bình cà phê với một chiếc bánh mỳ kẹp thịt trong xe đấy, nếu cậu thích.
Tôi với lấy chỗ cà phê. Dòng nước đen nóng bỏng thấm vào ruột tôi tới đâu biết rõ tới đấy. Tôi quay sang bên, nhìn ra cửa xe. Lưng tôi lại bắt đầu giần giật, đau nhừ.
Không biết tôi có thể nán chờ được cho đến khi chúng tôi tới bệnh viện, rồi tôi mới vào phòng vệ sinh được không, tôi tự hỏi thầm.
Nhà an dưỡng Coltơn giống như một khách sạn hơn là bệnh viện. Nó nằm ngay trên dãy đá Thái Bình Dương, nhìn xuống biển. Để tới được nó, người ta phải rời quốc lộ ven biển, rẽ ngoặt vào một con đường nhỏ ngoằn ngoèo. Và ở kia, cạnh cái cổng sắt, là một người gác. Chỉ có thể vượt qua anh ta sau khi đã trình đủ giấy tờ hợp lệ.
Bác sĩ Coltơn không phải là một gã lang băm ở Caliphonia. Ông ta chỉ là một người tinh ranh, nhận rõ sự cần thiết của một bệnh viện hoàn toàn riêng tư. Các ngôi sao màn bạc đi tới đây vì mọi lý do, từ sinh đẻ đến thăm bệnh, từ mổ bó bột đến chữa suy nhược thần kinh. Và một khi đã ở trong cái cổng sắt, họ có thể hít thở tự do, nghỉ ngơi thoải mái. Bởi vì từ trước đến nay chưa hề có một phóng viên nào lọt được vào đây. Họ có thể chắc chắn biết rằng dù họ có vào đây vì lý do gì thì những lời duy nhất mà thế giới bên ngoài biết tới được, là những lời từ chính miệng họ.
Người gác cổng rõ ràng đang chờ chúng tôi, bởi anh ta mở cổng ngay khi thấy cái môtô của tay cảnh sát. Đám nhà báo thét hỏi chúng tôi, còn thợ ảnh thì cố chụp lia lịa. Thậm chí một anh chàng phóng viên còn bấu được thành xe lọt vào trong cổng. Rồi đột nhiên một người bảo vệ thứ hai xuất hiện, túm lấy anh chàng kia, giằng phăng ra khỏi ôtô.
Tôi quay sang Baz.
- Họ dai như đỉa đói ấy, nhỉ?
Mặt Baz rất nghiêm túc.
- Từ nay trở đi, cậu nên quan tâm tới việc này, Giônơx ạ. Mọi cái cậu làm sẽ trở thành tin tức hết.
Tôi tròn mắt nhìn anh ta.
- Vớ vẩn, - tôi thốt lên, - chỉ hôm nay thôi, ngày mai thì lại là người khác.
Baz lắc đầu.
- Cậu đã không xem báo, hoặc là nghe đài ngày hôm nay. Cậu trở thành một người cả nước biết tiếng rồi. Trong việc cậu đã làm vừa rồi, có một cái gì đấy khuấy động, thu hút trí tưởng tượng của công chúng. Các đài phát thanh từng nửa giờ một lại thông báo diễn biến chuyến bay của cậu. Ngày mai, tờ Người xem xét sẽ bắt đầu đăng chuyện đời cậu. Chưa bao giờ, từ thời Linbơg, lại có chuyện náo động cả cái nước này như vậy đó.
- Cậu nghe đâu mà bảo thế hả?
Baz mỉm cười.
- Ở các ô tô quảng cáo của Người xem xét chứ ở đâu. Người ta vẽ áp phích cái mặt cậu. “Xin đón đọc chuyện đời của con người bí ẩn của Hôliut. - Giônơx Cođơ do Ađêla Râugiơ Xênt Giôn viết”.
Tôi tròn mắt nhìn anh. Có lẽ mình đã phải quen với chuyện này rồi mới phải. Xênt Giôn là cây bút nữ số một chuyên viết chuyện tình cảm của tập đoàn xuất bản Hơxt. Như vậy có nghĩa là ông già cầm trịch tít ở Xan Ximiơn đã giơ ngón tay tỏ ý tán thưởng tôi. Từ nay trở đi, tôi sẽ sống như ở trong bể cá vàng.
Xe dừng, một người hầu cửa xuất hiện.
- Xin ngài làm ơn theo tôi ạ, thưa ngài Cođơ, - bác ta lịch sự mời.
Tôi theo bác bước lên bậc thềm vào bệnh viện. Cô y tá mặc đồng phục trắng ngồi sau bàn mỉm cười chào tôi, chỉ cuốn sổ đăng ký bọc da đen.
- Thưa ông Cođơ, xin mời ông ạ. Theo nội quy của bệnh viện, tất cả khách đến thăm đều phải ký vào sổ ạ.
Tôi ký loáng vào sổ. Cô y tá ấn một cái nút dưới quầy. Một thoáng sau, cô y tá khác hiện ra cạnh bàn.
- Xin mời ông theo tôi, thưa ông Cođơ, - cô ta nhã nhặn nói. - Tôi sẽ đưa ông tới buồng của cô Malovi ạ.
Tôi theo cô ta tới một hàng các thang máy nhỏ ở phía sau hành lang. Cô ta ấn nút, ngẩng lên nhìn đồng hồ báo hiệu. Mặt cô ta thoáng có nếp nhăn nhíu lại.
- Tôi xin lỗi vì đã làm ông phiền, thưa ông Cođơ. Nhưng ta sẽ phải đợi mấy phút ạ. Cả hai thang máy đều đang ở trên phòng mổ ạ.
Một bệnh viện rút cục vẫn là một bệnh viện, dù có làm nó nom giống như khách sạn đến thế nào đi chăng nữa. Tôi ngó quanh, cho đến khi thấy cái định tìm. Đó là cái cửa có đề một cách tế nhị dòng chữ: NAM GIỚI.
Tôi rút một điếu thuốc từ trong túi ra, cánh cửa thang máy khép lại phía sau lưng tôi. Bên trong cái thang máy này, mọi thứ lại sặc sụa mùi bệnh viên. Rượu, thuốc tẩy uế, fomalđêhit. Sự ốm đau và cái chết. Tôi đánh một que diêm, châm vào đầu điếu thuốc, thầm mong cô y tá đừng để ý thấy những ngón tay đột nhiên run bắn lên của tôi.
Thang máy dừng, cánh cửa lăn ra. Chúng tôi bước sang một hành lang bệnh viện sạch như li như lau. Tôi rít ngốn ngấu điếu thuốc lá, lập cập theo sau cô y tá. Đến trước một cánh cửa, cô ta đứng dừng lại.
- Thưa ông Cođơ, tôi e rằng ông phải dập thuốc lá đi đấy ạ.
Tôi ngẩng lên bắt gặp tấm biển màu da cam:

CẤM HÚT THUỐC

CÓ ÔXY ĐANG ĐƯỢC DÙNG TRONG NÀY!

Tôi rít thêm một hơi nữa rồi quẳng nó vào một thùng đựng rác đặt ở cạnh cửa. Tôi đứng sững hồi lâu, đột nhiên cảm thấy sợ không dám vào. Cô y tá vòng tay qua tôi, mở cửa.
- Thưa ông Cođơ, bây giờ ông có thể vào được rồi đấy ạ.
Cửa mở toang, để lộ ra một căn phòng ngoài nhỏ. Một cô y tá khác đang ngồi trên ghế tựa, đọc một tờ tạp chí. Cô ta ngẩng nhìn tôi.
- Xin mời ông vào, ông Cođơ, - cô ta thốt lên một cách vui vẻ giả tạo, - chúng tôi đang chờ ông đấy.
Từ từ, tôi bước qua ngưỡng cửa. Có tiếng cửa đóng lại phía sau lưng tôi, tiêng chân cô dẫn đường bước xa dần. Đối diện với cửa ra vào là một cái cửa khác. Cô y tá bước tới chỗ nó.
- Cô Malovi ở trong này ạ, - cô ta nói.
Tôi đứng sững ở ngưỡng cửa. Thoạt tiên, tôi không thể nhìn thấy em. Ilenơ Gala, một bác sĩ và một y tá nữa đang đứng cạnh giường, quay lưng lại phía tôi. Rồi, như một tiếng còi nào gọi giật, tất cả đột nhiên quay phắt lại. Tôi tiến đến giường. Cô y tá rời đi, còn Ilenơ và bác sĩ hơi né người sang bên để dành chỗ cho tôi. Rồi tôi nhìn thấy em.
Một cái lồng bằng chất dẻo trong suốt chụp kín đầu và hai vai em. Em có vẻ như đang ngủ. Trừ mặt em ra, còn tất cả người em hoàn toàn bị che phủ bởi một tấm băng trắng dày cộp khiến mớ tóc vàng sáng ngời của em không nhìn thấy được nữa. Mắt em nhắm nghiền, tôi có thể nhận thấy có một mạch máu nhỏ quầng xanh dưới lớp da mi. Da mặt em bị kéo căng ra về phía hai gò má cao, để lại một hốc sâu quanh hai má hốc hác khiến người ta có cảm giác rằng lớp thịt ở dưới chúng đã không còn nữa. Cái miệng rộng của em, trước kia lúc nào cũng tươi tắn, ấm nóng, giờ tái nhợt, hơi co lên, để lộ hàm răng đều đặn trắng muốt.
Tôi đứng sững bên giường, lặng thinh một thoáng. Tôi không thấy em thở. Tôi ngoảnh sang bác sĩ. Ông lắc đầu.
- Cô ấy vẫn sống, ông Cođơ ạ, - ông thì thào, - nhưng chỉ hơn cái chết một tý thôi.
- Tôi nói chuyện với ấy được chứ ạ?
- Ông cứ thử xem, ông Cođơ ạ. Nhưng đừng thất vọng nếu như cô ấy không trả lời ông. Trong mười tiếng ròng rã vừa qua, cô ấy cứ ở trong tình trạng như thế này. Và nếu như cô ấy đáp lời, ông Cođơ ạ, cô ấy sẽ có thể không nhận ra ông.
Tôi quay lại phía em.
- Raina! - Tôi khẽ gọi, - anh đây, Giônơx đây.
Em vẫn nằm im phăng phắc. Tôi luồn tay vào ống chất dẻo, tìm tay em, nắm lấy nó, xiết mạnh. Nó mềm nhũn lạnh toát. Đột nhiên trong tôi mọi cái dừng phắt lại điên dại. Tay em lạnh rồi. Em đã chết rồi. Em đã chết rồi.
Tôi quỳ sụp xuống cạnh mép giường, gạt phăng cái lồng chất dẻo sang bên, cúi sát xuống người em.
- Raina, Raina, đừng em! - Tôi van vỉ như điên, - Anh đây, Giônơx đây! Đừng em, đừng chết!
Tôi đột ngột cảm thấy tay em hơi nặng trở lại. Tôi cúi nhìn xuống em, hai má ròng ròng nước mắt. Tay em nhúc nhích rõ rệt hơn. Rồi em từ từ mở mắt ra, nhìn thẳng vào mặt tôi.
Thoạt tiên, cặp mắt ấy đờ đẫn và xa vời vợi. Rồi nó vụt trở lại trong vắt, và môi em cong lên thành một cái gì hơi giống nụ cười.
- Giônơx, - em thì thào, - em đã biết thế nào anh cũng đến mà.
- Em chỉ cần huýt một tiếng sáo thôi là anh bổ đến ngay.
Môi em chúm lại, nhưng không phát ra được thành tiếng.
- Em chả bao giờ học huýt sáo được cả, - em khẽ thì thào.
Giọng ông bác sĩ vọng lại từ phía sau tôi.
- Cô Malovi, giờ thì cô nên nghỉ đi lấy một chút.
Mắt Raina nhìn lướt qua vai tôi về phía ông.
- Không, - em đáp khẽ, - cho tôi xin. Tôi không còn nhiều thời gian nữa. Hãy cho tôi nói chuyện với Giônơx.
Tôi quay lại nhìn bác sĩ.
- Thôi được, - ông đáp, - nhưng một chút thôi đấy.
Rồi tôi nghe thấy tiếng cửa đóng lại đánh tách ở sau lưng. Tôi cúi xuống nhìn Raina. Tay em khẽ nhấc lên, vuốt vuốt má tôi. Tôi ôm lấy những ngón tay em, ép vào môi mình.
- Em phải gặp anh, Giônơx ạ.
- Tại sao em lại nán chờ lâu đến thế hả Raina?
- Vì em phải gặp anh, - em thì thào, - để giải thích.
- Bây giờ thì cần gì phải giải thích nữa em?
- Giônơx, xin anh hãy cố hiểu em. Em yêu anh từ giây phút đầu tiên gặp. Nhưng em sợ. Em đã từng là cái nợ đem rủi ro đến cho những người yêu thương em. Mẹ em, anh trai em vì yêu thương em mà đã thiệt mạng. Cha em thì chết trong tù vì đau khổ.
- Đấy không phải là lỗi tại em.
- Em đẩy Magrit ngã xuống cầu thang và giết chị ấy. Em giết con em ngay từ khi nó thậm chí còn chưa ra đời, cướp mất nghề của Nêvađa, và Clođơ đã tự tử vì những cái em đã hành anh ấy.
- Những điều ấy xẩy ra vì phải xẩy ra. Em đừng có tự buộc tội như vậy.
- Em có tội. - Em thì thào khan khan, bướng bỉnh. - Hãy xem em đã làm gì anh, làm gì cuộc hôn nhân của anh. Đáng nhẽ em không bao giờ được mò đến khách sạn của anh đêm ấy mới phải.
- Đó là lỗi của anh. Anh ép buộc em phải đến.
- Không ai buộc em cả. - Em thì thào. - Em đã đến, bởi vì em muốn đến. Và khi cô ấy xuất hiện, em đã nhận ra mình sai đến mức nào.
- Tại sao vậy? - Tôi cay đắng hỏi. - Vì cô ta mang cái bụng phưỡn ra đến vậy ư? Thậm chí đứa bé ấy không phải là con anh nữa.
- Thế thì khác gì nào hả anh? Nếu trước khi gặp anh, cô ấy đã ăn nằm với ai đó, thì sao? Anh nhất định phải rõ chuyện đó khi anh cưới cô ấy. Và khi đó, nó đã không thành vấn đề đối với anh, thì tại sao anh lại cảm thấy đau khổ khi cô ấy sắp sửa đẻ đứa bé với người khác?
- Điều đó có thành vấn đề đấy. - Tôi vẫn khăng khăng. - Tất cả những gì cô ta quan tâm chỉ là tiền của anh mà thôi. Thế em nghĩ sao về sự thỏa thuận nửa triệu đôla cô ta nhận khi cuộc hôn nhân được hủy bỏ?
- Không đúng đâu. - Em thì thào. - Cô ấy yêu anh, em có thể nói như vậy, nhìn cặp mắt đau đớn của cô ấy, em biết lắm. Và giả sử nói rằng cô ấy coi tiền là quan trọng như vậy, tại sao cô ấy lại đưa hết cho ba mình?
- Anh không biết là có chuyện ấy.
- Anh còn không biết nhiều cái lắm. - Raina thì thào. - Nhưng em không còn thời gian nói cho anh rõ hết nữa rồi. Chỉ vì một điều này. Em đã phá hoại hạnh phúc gia đình anh. Vì lỗi lầm của em mà đứa bé tội nghiệp ấy đang lớn lên không được mang họ anh. Em muốn bằng cách nào đó đền bù cho con bé.
Em nhắm nghiền mắt lại trong một thoáng.
- Có thể gia sản của em không còn nhiều nhặn gì, - em khẽ nói, - chưa bao giờ em biết cách dùng tiền thế nào cho thật tốt cả, nhưng em sẽ để lại toàn bộ của cải của em cho con bé ấy, và chỉ định anh là người thực hiện di chúc của em. Anh hứa với em đi - Rằng anh sẽ làm mọi cách để nó nhận được số tài sản đó.
Tôi cúi nhìn xuống mắt em.
- Anh xin hứa.
Em chậm rãi mỉm cười.
- Giônơx, cám ơn anh. Em biết mà, lúc nào em cũng trông cậy vào anh được.
- Thôi bây giờ cố ngủ đi một chút, em.
- Để làm gì? - Em thì thào. - Để em lại sống thêm vài ngày nữa trong cái thế giới điên dại, ngớ ngẩn đang quay cuồng trong đầu em ư? Không, Giônơx. Nó làm em đau đớn không chịu nổi. Em muốn chết. Nhưng đừng để em chết ở đây, kẹt cứng trong cái lồng chất dẻo này. Đem em ra ngoài bao lơn. Hãy để em nhìn thấy bầu trời một lần nữa.
Tôi tròn mắt nhìn em.
- Bác sĩ sẽ...
- Giônơx, em xin anh...
Tôi cúi xuống nhìn em. Em mỉm cười. Tôi mỉm cười lại và gạt cái lồng chụp ôxy sang bên. Tay tôi nhấc bổng em lên, ấp sát vào người. Em nhẹ bẫng như một chiếc lông chim.
- Giônơx, được ở trong vòng tay anh một lần nữa, dễ chịu quá. - Em thì thào.
Tôi hôn lên trán em, và bước ra nắng.
- Em đã gần như quên mất một cái cây có thể xanh đến thế nào, - em thì thào, - tít ở Bôxtơn, có một cây sồi xanh ngắt, xanh đến độ anh chưa hề thấy đâu. Giônơx, xin anh đưa em về lại đó đi.
- Anh nhất định sẽ làm.
- Và đừng để cho họ làm rùm beng chuyện này nhớ. - Em thì thào. - Họ có thể làm như vậy đấy, trong cái nghề điện ảnh này.
- Anh biết.
- Ở đấy sẽ có chỗ dành cho em. - Em nói khẽ. - Cạnh ba em.
Tay em tuột khỏi ngực tôi. Và một sức nặng mới xuất hiện trong thân thể em. Tôi cúi nhìn mặt em. Mặt em khuất vùi trên vai tôi. Tôi quay đi, nhìn cái cây đã làm em nhớ lại quê nhà.
Nhưng tôi không nhìn thấy nó. Mắt tôi nhòe nước.
Khi tôi quay người lại, Ilenơ và ông bác sĩ đã ở trong phòng. Lặng lẽ, tôi bế Raina đi vào giường, nhẹ nhàng đặt em xuống. Tôi đứng thẳng người dậy, nhìn họ.
Tôi cố nói, nhưng trong một lúc, không lời nào có thể thoát ra được khỏi miệng. Và cuối cùng, khi nói được,giọng tôi khản đặc vì đau đớn.
- Cô ấy muốn chết trong nắng mặt trời. - Tôi nghẹn ngào.

7

Tôi nhìn ông mục sư đang lặng lẽ mấp máy môi đọc kinh theo quyển Thánh kinh bé xíu bọc bìa đen trong tay. Rồi ông ta ngẩng mặt lên nhìn trời một giây, sau đó gập quyền Thánh kinh lại và chậm rãi đi xuôi theo con đường nhỏ. Một thoáng sau, những người khác cũng đi theo ông ta. Chả mấy, bên nấm mồ chỉ còn tôi và Ilenơ ở lại.
Cô ta đứng sững, đối diện tôi, gầy hốc hác, lặng lẽ, mặc bộ áo váy đen. Tấm mạng nhỏ xíu từ chiếc mũ đen che lấy mặt.
- Thế là hết, - cô ta mệt mỏi thốt lên.
Tôi gật đầu, cúi xuống nhìn mộ chí. Raina Malovi. Giờ thì không còn là gì nữa, ngoài một cái tên.
- Tôi mong rằng mọi cái đã làm đúng theo lời cô ấy mong.
- Tôi tin là như thế đấy.
Rồi chúng tôi lại im lặng, nỗi im lặng lúng túng giữa hai con người gặp nhau ở nghĩa trang, quen nhau qua mối liên hệ giờ đây đã nằm dưới mộ ấy. Tôi thở dài một hơi thật sâu. Đến lúc phải về rồi.
- Cho phép tôi chở chị về khách sạn chứ?
Cô lắc đầu.
- Tôi muốn ở lại đây một lúc nữa, ông Cođơ ạ.
- Chị sẽ không sao chứ?
Tôi không thấy ánh mắt cô sau tấm mạng.
- Tôi sẽ không sao đâu, ông Cođơ ạ. Giờ thì chẳng còn gì hơn có thể xẩy ra đối với tôi nữa đâu.
- Tôi sẽ bảo một chiếc tắcxi chờ chị. Thôi chào chị, chị Gala.
- Xin chào ông, ông Cođơ ạ. - Cô ta trang trọng đáp lại. - và... và... xin cảm ơn ông.
Tôi quay người, bước xuôi con đường nhỏ ra đường lớn của nghĩa trang. Đám đông bệnh hoạn và tò mò vẫn còn đang ở kia, phía đối diện, sau lưng hàng rào cảnh sát. Một tiếng reo khẽ dậy khi tôi bước qua cổng nghĩa trang. Tôi đã làm hết sức, nhưng không hiểu sao, bao giờ cũng vẫn còn những đám đông bu lấy...
Anh lái xe mở cửa chiếc xe hòm, tôi bước vào. Anh ta đóng nó lại, rồi tất tả chạy về chỗ của mình.
- Thưa ông Cođơ, chúng ta đi đâu ạ? - ông ta vui vẻ hỏi. - Về khách sạn chứ ạ?
Tôi xoay người, nhìn qua cửa. Chúng tôi đang ở trên đỉnh một đoạn đường đồi nhỏ. Tôi có thể nhìn thấy Ilenơ trong nghĩa trang. Cô ta đang ngồi cạnh nấm mồ, tội nghiệp, rũ rượi trong bộ quần áo đen, mặt vùi trong hai tay. Rồi chúng tôi qua chỗ ngoặt, không nhìn thấy cô ta nữa.
- Về lại khách sạn chứ, thưa ông Cođơ? - Anh tài xế lại hỏi.
Tôi ngồi thẳng người, lục túi tìm một điếu thuốc.
- Không, - tôi đáp, châm lửa, - ra sân bay.
Tôi rít một hơi rất dài, để luồng khói đốt bỏng phổi. Đột nhiên tôi muốn, chỉ muốn rời xa tất cả. Bôxtơn và cái chết, Raina và những giấc mơ. Tôi có quá nhiều ký ức mất rồi.
Tiếng gầm rú dội lên đỉnh tai tôi, khi tôi bắt đầu leo lên cái thang dài ngoẵng, đen kịt thoát ra khỏi bóng tối dày kịt trên đầu. Càng leo lên, tiếng động càng rộ lên mãi, càng to lên mãi... Tôi mở choàng mắt.
Ngoài cửa sổ, đoàn tàu điện đại lộ số ba đang ầm ầm lao qua. Tôi có thể nhìn thấy những hành khách trong các toa xô dúi vào nhau, rời những người đứng trên sân ga bé xíu, ở ngoài trời. Đoàn tàu qua hẳn. Một sự lạnh ngắt kỳ quái ập xuống căn buồng. Tôi đưa mắt nhìn quanh.
Một căn buồng nhỏ, tối tối, giấy dán tường trước trắng nay đã ố nâu vàng. Cạnh cửa sổ là một cái bàn nhỏ, trên tường ngay đó treo một chữ thập ác. Tôi đang nằm trong một chiếc giường cũ kỹ bằng đồng. Từ từ, tôi vắt chân thả xuống sàn nhà, ngồi dậy. Đầu tôi đau như muốn rời ra khỏi cổ.
- A, thế là anh đã tỉnh dậy rồi đấy nhỉ?
Tôi chực ngoái cổ lại, nhưng người phụ nữ đã vòng tới trước mặt tôi. Nom mặt cô ta mơ hồ có vẻ gì quen quen, nhưng tôi chịu, không nhớ nổi ra là đã gặp ở đâu. Tôi giơ một tay lên xoa má, cằm tôi nhám như một tờ giấy ráp.
- Tôi đã ở đây bao lâu rồi nhỉ?
Người đàn bà mỉm cười.
- Gần một tuần rồi, - cô ta đáp, - và tôi bắt đầu ngỡ rằng chẳng bao giờ anh sẽ hết khát nữa.
- Tôi đang uống nước ư?
- Kia kìa.
Tôi nhìn theo ánh mắt cô xuống sàn nhà. Ba thùng carton đầy vỏ chai uyxky. Tôi vò vò gáy.
Thảo nào mà đầu nhức như búa bổ.
- Tại sao tôi lại vào đây được nhỉ? - Tôi hỏi.
- Anh không nhớ ra ư?
Tôi lắc đầu.
- Anh đi tới trước mặt tôi ngay trước cửa hiệu ở Đại lộ số sáu ấy, túm lấy tay tôi và nói rằng anh đã sẵn sàng học cái bài học ấy rồi. Khi ấy anh đã say rượu. Rồi chúng ta vào tiệm Hoa hồng trắng uống thêm đôi cốc. Ở đó anh gây sự, đánh nhau với lão chủ quầy. Thế là tôi đã đem anh về nhà đây để trông nom chăm sóc anh.
Tôi dụi mắt. Bắt đầu thấy lờ mờ nhớ ra. Tôi từ sân bay xuống và đang đi dọc Đại lộ số sáu tới các văn phòng của Hãng Noman thì đột nhiên cảm thấy muốn uống một chút gì đó. Sau đó, mọi việc theo là mờ mịt lộn xộn. Tôi mang máng nhớ lại rằng mình đã có lùng sục trước một cửa hàng bán rađiô, tìm cái cô gái điếm đã hứa dạy một đôi điều mà tôi không được biết đến lúc ở trường đi học.
- Thế cô là người ấy à? - Tôi hỏi.
Cô ta bật cười.
- Không, không phải tôi đâu. Nhưng ở cảnh anh lúc ấy, thì điều đó cũng chẳng khác gì nhau lắm, tôi đã nghĩ thế. Khi ấy anh không tìm kiếm một người đàn bà, mà là lùng một nỗi buồn để nhấn chìm mình vào đó.
Tôi đứng dậy, nhận thấy mình đang mặc quần đùi. Tôi ngẩng lên nhìn cô ta, tỏ ý hỏi.
- Ngày hôm qua, khi anh không đòi uống nữa, tôi đem quần áo xuống nhà cho hiệu giặt. Tôi sẽ đi xuống lấy cho anh bây giờ, còn anh tắm rửa một chút cái đi.
- Phòng tắm ở đâu kia?
Cô ta chỉ một cái cửa.
- Không có vòi hoa sen đâu. Nhưng có đủ nước nóng trong bồn tắm đấy. Và ở trên cái giá ngay trên bồn, có một lưỡi dao cạo đấy.
Khi tôi tắm xong bước ra, quần áo đã sẵn sàng.
- Tiền của anh ở trong ngăn kéo ấy, - cô nói khi tôi đã mặc xong sơmi và xỏ tay vào áo vét. Tôi đi đến ngăn kéo, nhặt nó lên.
- Anh sẽ thấy nó vẫn còn nguyên, trừ số tôi đã lấy mua rượu.
Cầm nắm tiền trong tay, tôi nhìn cô ta.
- Tại sao cô lại đưa tôi về đây thế?
Cô nhún vai.
- Chúng tôi, những người Airơlen, chỉ làm được những con nhà thổ tồi. Chúng tôi hay thương những người nghiện rượu.
Tôi cúi xuống nhìn nắm tiền trong tay. Có khoảng hai trăm đôla tất cả. Tôi nhặt ra một tờ năm đôla, đút vào túi; còn lại, tôi bỏ tất cả lên mặt bàn. Cô ta lặng thinh cầm lấy chỗ tiền, rồi theo tôi ra tới cửa.
- Cô ấy đã chết rồi, anh biết đấy. - Cô nói. - Và tất cả rượu uyxky trên đời này cũng không làm cô ấy sống lại được nữa đâu.
Chúng tôi đứng lặng yên nhìn thẳng vào nhau một thoáng, rồi người đàn bà đóng cửa lại.
Tôi lần mò xuống khỏi cái cầu thang tối, bước ra đường. Tôi đi bộ tới một cửa hàng bách hóa nằm ở góc phố Tám hai với Đại lộ ba và gọi điện cho Mac Alixtơ.
- Anh chết dúi vào cái xó nào vậy hả? - Mac thốt lên.
- Rượu say. - Tôi đáp. - Anh có một bản sao di chúc của Raina không?
- Có, tôi có một bản. Chúng tôi đã sục nhào cả thành phố Niu Yooc này lên tìm anh. Anh có nhận ra cái gì đang xẩy ra ở xưởng phim không? Họ cứ chạy ngược chạy xuôi như gà con bị cắt mất đầu ấy.
- Di chúc anh để đâu?
- Trong cái bàn ở phòng ngoài nhà anh ấy, nơi anh đã bảo tôi. Nếu chúng ta không tổ chức sớm một cuộc họp về cái hãng phim ấy, anh sẽ không còn phải lo lắng vào chỗ tiền anh đầu tư vào đó nữa đâu. Sẽ không còn gì nữa cả.
- Ôkê. Vậy tổ chức ngay một cuộc họp đi. - Tôi đáp, và bỏ máy ngay, không cho Mac kịp trả lời.
Tôi bước ra trả tiền tắcxi, rồi bắt đầu đi dọc trên vỉa hè trước mặt các ngôi nhà. Trẻ con đang chơi đùa trên bãi cỏ, đưa mắt tò mò theo tôi. Hầu như tất cả cửa của các nhà đều mở, nên tôi không nom thấy số nhà.
- Ông tìm ai đấy hở ông? - Một đứa bé hỏi.
- Cô Uynthrop. - Tôi đáp, - Monica Uynthrop.
- Cô ấy có một đứa con gái chứ gì? Lên năm tuổi chứ gì?
- Có lẽ vậy đấy.
- Thế thì bốn nhà nữa là tới.
Tôi cảm ơn cháu bé rồi đi xuôi xuống. Đến lối vào của ngôi nhà thứ tư, tôi nhìn tên chủ nhà gắn dưới nút chuông. Uynthrop. Không ai trả lời. Tôi lại ấn lần nữa.
- Cô ấy đi làm chưa về đâu. - Một ông nhà bên cạnh nói với sang chỗ tôi. - Cô ta còn ghé qua nhà trẻ đón con bé đã.
- Thế độ bao giờ cô ấy về ạ?
- Mấy phút nữa thôi. - Ông ta đáp.
Tôi nhìn đồng hồ. Bảy giờ kém mười lăm. Mặt trời đã bắt đầu lặn. Ngày cũng bớt nóng dần.
Tôi ngồi xuống bậc thềm, châm điếu thuốc. Miệng tôi đắng ngăn ngắt. Có thể cảm thấy rõ mồn một cơn đau đầu lại sắp sửa bắt đầu.
Điếu thuốc gần hết thì tôi thấy Monica từ góc phố rẽ ra, đi trên vỉa hè, một đứa bé con nhảy tâng tâng chạy trước.
Tôi đứng dậy khi con bé nhìn thấy tôi, dừng phắt lại. Mũi nó chun chun lại, cặp mắt đen xếch lên.
- Mẹ ơi, - nó kêu lên lanh lảnh, - có bác nào đứng ở thềm nhà ta kìa.
Tôi nhìn Monica. Trong một thoáng, chúng tôi đứng sững trước mặt nhau như vậy. Nom cô vẫn thế, nhưng lại có một vẻ gì khang khác. Có thể là do cô ấy để kiểu tóc thế. Hoặc là do cái áo đi làm giản dị. Nhưng chủ yếu nhất, chính là cặp mắt. Chúng có một vẻ tự tin bình thản trước kia không hề có. Cô chìa tay ra, kéo con bé vào lòng.
- Không sao đâu, Giô-an ạ, - cô bế bổng con bé lên, - bác ấy là bạn mẹ đấy.
Cô bé mỉm cười.
- Cháu chào bác ạ.
- Chào cháu. - Tôi đáp, rồi nhìn Monica. - Chào Monica.
- Chào anh Giônơx. - Cô đáp lạnh lùng. - Anh khỏe chứ?
- Bình thường. Anh muốn gặp em một chút.
- Về việc gì vậy? - Cô hỏi. - Em tưởng là mọi chuyện thu xếp xong xuôi rồi.
- Không phải về chúng ta. - Tôi đáp. - Về đứa bé.
Cô đột nhiên ôm chặt hơn con bé vào lòng. Một cái gì giống như sợ hãi lóe lên trong mắt cô. - Giô-an làm sao cơ?
- Không có gì đáng ngại đâu em ạ. - Tôi nói.
- Có lẽ tốt hơn là ta vào nhà đi.
Tôi bước tránh sang bên cho cô mở cửa, rồi bước theo cô vào căn phòng ở nhỏ bé. Cô đặt con xuống đất.
- Giô-an đi về phòng con chơi với mấy con búp bê đi.
Con bé cười khanh khách sung sướng, lũn cũn chạy vụt đi.
Monica quay lại chỗ tôi.
- Nom anh có vẻ mệt, - cô thốt lên, - anh đợi có lâu không?
Tôi lắc đầu.
- Không lâu lắm.
- Anh ngồi xuống đi. - Cô nói khẽ. - Để em pha cà phê.
- Thôi đừng vất vả. Anh sẽ không làm phiền lâu đâu.
- Không sao mà. - Cô đáp nhanh. - Không phiền đâu. Chúng em cũng hiếm khi có khách.
Cô đi vào bếp. Tôi thả người xuống một cái ghế, đưa mắt nhìn quanh. Không hiểu sao, tôi không thề quen với cái ý nghĩ rằng đây là nơi cô ấy sống. Nom nó có vẻ như được trang bị bởi đồ đạc mua từ tầng hầm cửa hiệu Gimbel. Không phải là chúng không tốt. Mà là vì mọi cái đều gọn gàng đơn giản hơn, thực tế và rẻ tiền. Vậy mà Monica trước kia đã từng quen sống theo cái kiểu ở dinh thự Groxfeld cơ đấy.
Cô quay lại, bưng một tách cà phê đen bốc hơi ngùn ngụt, đặt nó xuống bàn cạnh tôi.
- Hai thỏi đường nhỉ, đúng không?
- Loại Oashingtơn G. đấy.
- Thế là thế nào?
- Bạn của chị em làm việc. - Cô đáp. - Cà phê pha luôn. Khi đã quen rồi, thì cũng không thấy nó tồi cho lắm.
- Không biết rồi họ sẽ nghĩ ra cái gì nữa cơ chứ?
- Em lấy cho anh mấy viên axpirin nhé? - Cô hỏi. - Nom anh có vẻ như đang đau đầu ấy.
- Sao em biết được thế?
Cô mỉm cười.
- Chúng ta đã từng lấy nhau một thời gian, anh còn nhớ không? Mỗi khi đau đầu trán anh lại có một nếp nhăn như vậy.
- Thế thì cho anh xin hai viên. - Tôi đáp. - Cám ơn em.
Cô ngồi xuống đối diện với tôi, sau khi tôi đã uống thuốc. Mắt cô chăm chú nhìn tôi.
- Anh ngạc nhiên thấy em ở trong một nơi thế này chứ gì?
- Hơi có thế thật. - Tôi đáp. - Mãi tới gần đây, anh mới biết là em không hề giữ lại một chút nào trong số tiền mà anh đưa cho em. Tại sao vậy?
- Em không cần nó, - cô đáp giản dị, - mà ba em thì lại cần. Như vậy em giao nó cho ba em. Ba em cần để làm ăn buôn bán.
- Thế em đã cần gì?
Cô ngần ngừ mãi rồi mới trả lời.
- Cái mà em giờ đang có. Giô-an. Và đừng bị ai động đến nữa. Em dành dụm được đủ tiền để quay về miền Đông đẻ. Rồi khi con bé đủ cứng cáp, em tìm việc làm. - Cô mỉm cười, - em biết rằng so với nghề của anh thì nó chẳng thấm tháp gì đâu. Nhưng em là một thư ký hành chính đấy. Mỗi tuần em lĩnh được bảy mươi đôla.
Tôi lặng thinh cho đến khi uống hết chỗ cà phê còn lại.
- Ông Amôx giờ thế nào? - Tôi hỏi cô.
Cô nhún vai.
- Em không rõ. Bốn năm rồi em không biết gì về ba em cả. Làm cách nào mà anh tìm ra chỗ em ở thế?
- Từ Raina. - Tôi đáp.
Cô lặng thinh một hồi lâu. Rồi cô thở dài.
- Giônơx, em thương quá.
Có thể thấy rõ mắt cô ngời ngời niềm tiếc thương.
- Có thể là anh không tin, nhưng em thực sự thương cô ấy quá. Em đã đọc báo. Kinh khủng quá. Có nhiều cái đến thế, rồi ra đi như thế.
- Raina không còn họ hàng nào cả. - Tôi nói, - chính vì vậy mà anh đã đến đây.
Cô lộ vẻ ngỡ ngàng.
- Em không hiểu.
- Cô ấy để lại toàn bộ tài sản của mình cho con bé con em. - Tôi nói nhanh, - Anh không rõ chính xác là bao nhiêu, có thể là ba mươi, hay bốn mươi ngàn, sau khi đã trừ nợ và trả thuế. Cô ấy giao cho anh làm người thực hiện di chúc đó và bắt anh phải hứa bảo đảm cho con bé nhận được tiền.
Cô đột nhiên tái mặt, trào nước mắt.
- Tại sao cô ấy lại phải làm thế? Cô ấy có nợ gì em đâu.
- Cô ấy nói là cô ấy phải chịu trách nhiệm vể những gì xẩy ra giữa chúng ta.
- Những gì xẩy ra giữa chúng ta là lỗi lầm của em và anh. - Cô nói dữ dội. Rồi ngừng bặt, cô nhìn tôi. - Mà thật ngớ ngẩn khi lại xúc động về chuyện đó lúc đã muộn mằn quá như thế này. Chuyện ấy đã kết thúc và đi qua rồi.
Tôi lặng lẽ nhìn cô hồi lâu, rồi đứng dậy.
- Đúng vậy, Monica à. Chuyện đó đã kết thúc và đã qua lâu rồi. - Tôi bước về phía cửa. - Nếu em liên lạc với Max Alixtơ, anh ấy sẽ chuẩn bị sẵn mọi giấy tờ cho em.
Cô nhìn thẳng vào mặt tôi.
- Sao anh không ở lại, để em nấu cơm chiều cho ăn. - Cô lịch sự. - Nom anh có vẻ mệt đấy.
Rõ ràng không thể bảo cho cô ấy biết rằng cái mà cô nhìn thấy chính là cơn rời rã sau một trận uống rượu say mèm.
- Không, xin cám ơn em, - tôi cũng lịch thiệp đáp lại. - Anh phải về. Anh có mấy cuộc hẹn gặp vì công việc.
Mặt cô lại lộ vẻ nhăn nhó, gần như cay đắng.
- Ồ, suýt nữa thì em quên mất đấy. - Cô thốt lên. - Anh còn công việc nữa.
- Đúng vậy đấy. - Tôi đáp.
- Có lẽ em phải biết ơn vì anh đã bỏ thời giờ đến đây. - Cô quay đi, gọi con trước khi tôi kịp trả lời. - Giô-an ơi, ra đây cám ơn bác tốt bụng đi con!
Cô bé bước vào phòng, ôm trong tay một con búp bê. Nó ngẩng lên nhìn tôi, mỉm cười.
- Đây là búp bê của cháu đấy.
Tôi cúi xuống mỉm cười với đứa trẻ.
- Con búp bê đẹp quá!
- Chào bác về đi, Giô-an.
Giô-an chìa tay ra cho tôi.
- Chào bác ạ. - Con bé nói chững chạc. - Lần sau bác lại đến thăm chúng cháu nhé. Một hôm nào đấy. Sớm nhé.
Tôi cầm lấy tay nó.
- Bác nhất định sẽ lại tới, Giô-an ạ. Chào cháu.
Giô-an mỉm cười, rụt nhanh tay lại, rồi chạy vụt ra khỏi phòng.
Tôi đứng thẳng người dậy.
- Thôi, xin chào Monica. Nếu cần gì, cứ gọi điện cho anh.
- Sẽ ổn cả thôi, anh Giônơx ạ. - Cô vừa nói vừa chìa tay ra cho tôi. Tôi nắm lấy nó xiết chặt.
Cô mỉm cười trước.
- Cám ơn anh, anh Giônơx ạ. Và em tin chắc rằng nếu Giô-an mà hiểu ra được, nhất định nó cũng sẽ cám ơn anh.
Tôi mỉm cười lại.
- Con bé xinh xắn ngoan ngoãn quá.
- Thôi tạm biệt, anh Giônơx. - Cô rụt tay khỏi tay tôi, đứng giữa khung cửa ra vào mở rộng.
Tôi bước xuống đường.
- Anh Giônơx!
Tôi quay lại.
- Gì vậy, Monica?
Cô ngần ngừ một thoáng, rồi bật cười.
- Không có gì đâu, anh Giônơx ạ. - Cô nói, - đừng có làm việc quần quật quá.
Tôi cười.
- Anh sẽ cố không làm thế thử xem.
Cô đóng nhanh cửa lại. Tôi tiếp tục đi bộ dọc theo vỉa hè. Khu Forext Hil, vùng Quin đúng là một nơi thổ tả mà người ta phải sống. Tôi phải lóc cóc lê bộ qua sáu dãy nhà mới gọi được xe tắc xi.

*
*   *

- Vậy thì bây giờ ta phải làm gì với Hãng đây? - Ulf hỏi.
Tôi nhìn qua mặt bàn thẳng vào anh ta, rồi nhấc chai uyxky ngô lên, rót đầy lại cho cốc của mình. Tôi tiến đến bên cửa sổ, cúi xuống nhìn Niu Yooc.
- Còn Người có tội nữa? - Đan hỏi. - Chúng ta sẽ phải quyết định làm gì với nó. Tôi đã nói chuyện với hãng Mêtrô hỏi mượn Halâu rồi.
Tôi quay ngoắt lại chằm chằm nhìn ông ta.
- Tôi không cần Halâu, - tôi buông thõng. - Đấy là bộ phim của Raina.
- Nhưng lạy Chúa ơi, anh Giônơx. - Đan kêu lên, - Anh không thể quẳng cái kịch bản ấy đi như thế được. Nó sẽ ngốn mất của anh nửa triệu cho đến khi anh trả hết nợ nhà Đơ Milo.
- Tôi cóc để ý tới phí tổn. - Tôi rít lên. - Tôi quẳng nó đi đấy!
Căn phòng lặng ngắt đi. Tôi quay lại cửa sổ. Phía trái tôi, ánh đèn khu đường Brôđuây sáng ngược lên đến tận trời; phía bên phải tôi, có thể nhìn thấy sông Ixt. Qua con đường ấy là Forext Hil. Tôi nhăn mặt, nuốt ực ngụm rượu. Monica đã nói đúng một điều. Tôi đang làm việc quá quần quật.
Tôi có quá nhiều người bấu víu phía sau lưng; quá nhiều công việc. Công ty thuốc nổ Cođơ; Hãng hàng không liên lục địa. Giờ tôi lại là chủ một hãng sản xuất phim mà mình không hề mong muốn.
- Thế nào, Giônơx? - Max Alixtơn lặng lẽ hỏi, - anh định làm gì bây giờ?
Tôi quay lại bàn, rót thêm rượu vào cốc. Tôi đã quyết định, tôi đã biết từ nay trở đi tôi sẽ làm gì. Chỉ những cái mình muốn. Hãy để họ tự kiếm lấy mà ăn mà chứng minh cho tôi thấy họ được việc như thế nào.
Tôi chăm chăm nhìn Đan Piơx.
- Ông luôn miệng nói rằng ông có thể làm phim tốt hơn bất kỳ ai trong ngành này. Vậy thì ôkê, ông sẽ phụ trách phần việc sản xuất.
Trước khi ông ta kịp mở miệng, tôi quay ngoắt sang Ulf.
- Anh lo lắng rằng chuyện gì sẽ xảy ra với Hãng ư? Vậy thì từ nay anh sẽ thực sự có cái mà lo lắng đấy. Anh sẽ phụ trách mọi thứ khác - buôn bán, hệ thống rạp, bộ máy điều hành.
Tôi quay người đi, bước lại về phía cửa sổ.
- Giônơx, thế là tốt lắm. - Mac Alixtơ nói. - Nhưng anh không hề bảo cho chúng tôi biết ai sẽ là những quan chức của Hãng.
- Anh là chủ nhiệm ban giám đốc, Mac ạ. - Tôi đáp. - Đan là chủ tịch Hãng; Đêviđ, phó chủ tịch hành chính. - Tôi uống một ngụm rượu từ cái cốc. - Còn câu hỏi nào nữa không?
Họ nhìn nhau. Rồi Mac quay lại phía tôi.
- Trong khi anh không có mặt ở đây, Đêviđ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu tình hình của Hãng. Hãng cần ba triệu đôla vốn luân chuyển để qua được năm nay nếu ta muốn giữ mức sản xuất như hiện tại.
- Các anh sẽ có một triệu đô la. - Tôi nói. - Các anh phải xoay sở với chừng ấy để làm được thế.
- Nhưng, Giônơx. - Đan phản đối. - Làm sao anh có thể chờ tôi làm ra được loại phim mà tôi muốn làm, nếu như anh không cho chúng tôi số tiền như vậy?
- Nếu ông không thể làm được, - tôi hằm hè, - vậy thì cắp đít xéo, để tôi kiếm người khác có thể.
Tôi nhìn thấy mặt Đan trắng nhợt ra. Ông ta mím chặt môi rầu rĩ, và lặng thinh không đáp.
Tôi nhìn ông ta, rồi lần lượt nhìn những người khác.
- Tất cả các anh cũng sẽ như vậy. Từ nay trở đi, tôi xin đủ cái trò vú em thay tã cho cả thiên hạ. Người nào không thể làm được, xin mời bước. Nếu tôi cần các anh, tôi sẽ gọi điện. Nếu các anh có gì muốn báo cáo, viết thành văn bản gửi cho văn phòng của tôi. Hết đấy, thưa các vị. Chúc ngủ ngon.
Cửa ra vào đóng lại sau lưng họ. Tôi cảm thấy rõ mồn một cái nút thắt cứng đờ, cáu kỉnh đang nghẹn lại trong ruột. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Forext Hil. Không hiểu ở đó có những trường học như thế nào để cho một cô bé như Giô-an được học hành tử tế.
Tôi uống cạn chỗ rượu còn lại trong cốc. Nó không cởi gỡ cái nút nghẹn trong ruột tý nào mà lại làm nhức nhối hơn. Đột nhiên, tôi cảm thấy thèm khát một người đàn bà.
Tôi nhấc máy điện thoại, gọi Riôsê, trưởng hầu bàn tại câu lạc bộ Riô dưới nhà.
- Dạ, tôi đây thưa ông Cođơ.
- Bác Riôsê. - Tôi nói. - Cái cô ca sĩ trong ban nhạc Rumba ấy... Cái cô có cặp mắt...
- ... to ấy mà. - Bác ta tiếp lời, khẽ cười. - Vâng ạ, thưa ông Cođơ, tôi biết. Nửa tiếng nữa cô ấy sẽ có mặt ở chỗ ông ạ.
Tôi đặt ống nghe xuống, bước lại bàn. Tôi cầm chai rượu lên, đem nó lại cửa sổ, vừa đi vừa rót rượu vào cốc. Tối nay tôi đã biết được thêm một điều nữa torng đời.
Người ta sẽ trả bất kỳ giá nào cho những gì họ thực sự muốn. Monica sẽ chịu sống ở khu Quin để giữ được con gái của em. Đan chịu nuốt những lời lăng nhục của tôi để có thể làm được phim. Ulf sẽ làm mọi cái để chứng minh là anh ta có thể điều hành hãng tốt hơn ông cậu Bơny của mình. Và Mac tiếp tục trả giá cho cảnh yên ổn ấm no mà tôi đã cho anh.
Khi tính lại, con người ta ai cũng có giá riêng của mình. Có thể chủng loại tiền trả cho những giá ấy khác nhau. Nó là thể là tiền bạc, là quyền lực, là vinh quang, hay là tình dục. Bất kỳ mọi cái. Chỉ cần biết rõ là họ thực sự muốn gì.
Có tiếng gõ ngoài cửa,
- Vào đi, - tôi gọi to.
Cô ta bước vào, cặp mắt đen sáng lấp lánh, mớ tóc đen dài phủ kín lưng, gần tới hông. Chiếc áo choàng đen khoét ngực để lộ một màu trắng lóa đến tận rốn. Cô ta mỉm cười.
- Xin chào ông Cođơ ạ. - Giọng cô ta không còn giả vờ lơ lớ như ở dưới quầy rượu nữa. - Ông mời tôi lên đây thật tử tế quá.
Đèn ở khu Quin không nhiều bằng khu Manhantan này. Và những ngọn đèn ít ỏi ấy lại cũng chẳng lấy gì làm sáng cho lắm. Đột nhiên, tôi cảm thấy bực tức. Tôi giật mạnh sợi dây giữ tấm rèm cửa mành mành. Nó sập xuống cửa sổ. Và thành phố mất hẳn. Tôi quay lại nhìn cô gái. Cô ta đang trân trân nhìn tôi, mắt mở rộng.
- Tôi chán phải nhìn khu Quin lắm rồi! - Tôi đáp, và bước ngang căn phòng tới chỗ cô ta.
--------------
Còn tiếp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét