Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Người lữ hành kỳ dị - Harold Robbins (Q 3)

Người Lữ Hành Kỳ Dị

Tác giả: Harold Robbins
Người dịch: Mạnh Hà - Thanh Sơn

Quyển ba. Gionơx - 1930

1

Ánh đèn của thành phố Lox Angiơlex đã hiện ra trước cánh phải máy bay. Tôi ngoảnh sang Băz ngồi bên cạnh.
- Ta sắp tới nhà rồi!
Bộ mặt có cái mũi tẹt và hếch của anh chàng giãn ra trong một nụ cười. Anh ta nhìn đồng hồ.
- Tớ nghĩ chúng mình đã lập được một kỷ lục đấy!
- Vất mẹ cái kỷ lục ấy đi! - Tôi đáp. - Tớ cần nhất là được hợp đồng chở thư ấy.
Băz gật đầu.
- Giờ thì chắc chắn như đinh đóng cột là ký được nó rồi. - Anh chàng cúi người tới, vuốt ve cái bảng điều khiển. - Em bé này đã đảm bảo cho bọn ta.
Tôi lượn một vòng rộng trên thành phố, nhằm hướng Bơbank, Nếu chúng tôi giành được cái hợp đồng chở thư tín, từ Chicago tới Lox Angiơlex, thì chẳng bao lâu công ty Intơ - Continentơn sẽ có mạng lưới kín nước Mỹ. Bước tiếp sau đây nữa là từ Chicago sang phía đông Niu Yooc.
- Tớ đọc báo thấy nói hãng Pho đã đặt ba động cơ để có thể chở tới ba mươi hai người. - Băz nói.
- Khi nào thì cái của đó xong?
- Hai, ba năm gì đó. - Băz đáp. - Đó là bước sau.
- Ờ. - Tôi thốt lên. - Nhưng ta không thể đợi Pho được. Có thể mất béng đến năm năm thì mới có được động cơ thực từ bọn họ. Sau hai năm nữa là ta phải có máy bay rồi.
Băz trố mắt nhìn tôi.
- Hai năm? Cậu làm thế quái nào có nhanh được đến thế. Vô lý?
Tôi liếc nhìn anh ta.
- Ta đang có bao nhiêu máy bay chở thư nào?
- Độ ba mươi tư chiếc gì đó. - Anh ta đáp.
- Thế nếu như ta ký được cái hợp đồng mới?
- Gấp đôi. Mà có thể là gấp ba hiện nay. - Anh ta ranh mãnh nhìn tôi. - Cậu đang âm mưu chuyện gì thế?
- Bọn chủ nhà máy sản xuất ra chúng sẽ kiếm được lãi nhiều hơn bản thân chúng ta qua cái hợp đồng ấy đấy.
- Nếu cậu đang định nói tới việc tự làm ra máy bay cho mình thì đúng là cậu phát rồ! - Băz nói. - Xây cho lên được một cái nhà máy đã mất đứt hai năm.
- Sẽ không đến thế đâu nếu ta mua một cái đang sản xuất. - Tôi đáp.
Anh chàng nghĩ ngợi một thoáng.
- Lochit, Matin, Cơtix-Rait, tất cả đang bận túi bụi. Họ sẽ không bán. Người duy nhất có thể bán lúc này là Uynthrop. Hãng đó đang trì trệ kể từ khi hụt mất cái hợp đồng của quân đội.
Tôi mỉm cười với anh ta.
- Cậu nghĩ khá đấy, Băz ạ.
Trong ánh đèn mờ mờ, anh chàng trợn mắt nhìn tôi.
- Ồ, không xong đâu. Tớ đã làm với lão Uynthrop. Lão đã thề là không bao giờ lão...
Chúng tôi đã ở trên phi trường Bơbank. Tôi lượn quá xuống phía nam của đường băng, nơi có nhà máy của Uynthrop. Tôi nghiêng máy bay để Băz có thể ngó người sang bên nhìn được.
- Cúi xuống dưới xem đi.
Dưới kia, trong màn đêm, được hai ngọn đèn chiếu rọi sáng là những chữ cái to tướng sơn ngay ngắn trên mái nhà máy quét nhựa đường.

CÔNG TY MÁY BAY COĐƠ

Chúng tôi vừa mới xuống tới mặt đất, đám nhà báo đã vây chặt. Những ngọn đèn chớp chụp ảnh của họ làm tôi nhức cả mắt. Tôi chớp chớp mi.
- Ông có mệt không thưa ông Cođơ?- một nhà báo thét lên.
Xoa xoa cái cằm chưa cạo, tôi toét miệng cười.
- Tươi như hoa buổi sáng ấy!- tôi đáp. Một hòn sỏi đâm nhói gan bàn chân tôi. Tôi ngoảnh lại phía máy bay, gọi Băz. - Này, quẳng cho tớ đôi giày nào!
Anh ta cười, vứt đôi giày xuống cho tôi. Đám nhà báo nhốn nháo rối rít, chụp ảnh tôi trong khi tôi đi giày vào.
Băz trèo xuống đứng cạnh tôi. Người ta chụp thêm mấy cái ảnh nữa rồi chúng tôi đi về phía nhà để máy bay.
- Về tới nhà các ông cảm thấy thế nào?- một tay nhà báo khác lại thét lên.
- Tốt.
- Rất tốt. - Băz nói thêm.
Chúng tôi cảm thấy thật như vậy. Năm ngày trước đây chúng tôi cất cánh từ sân bay Lơ Buôgiê, Paris. Rồi Niu Phaondland, Niu Yooc, Chicago, Lox Angiơlex - trong vòng năm ngày.
Một nhà báo chạy bổ tới, tay phất phất một tờ giấy.
- Các ông vừa phá kỷ lục bay từ Chicago tới Lox Angiơlex. Như thế là năm kỷ lục đã bị phá trong chuyến bay này.
- Mỗi ngày một kỷ lục. - Tôi toét miệng cười. - Thế thì chẳng có gì phải phàn nàn cả.
- Như vậy là các ông sẽ ký được cái hợp đồng chở thư ấy phải không ạ? - Một phóng viên hỏi.
Đằng sau họ, ở cái cửa ra vào của nhà để máy bay, Max Alixtơ đang vẫy tay như điên gọi tôi.
- Đấy là phần công việc. - Tôi thốt lên. - Tôi xin dành lời cho ông Băz, bạn công ty với tôi. Ông ta sẽ cung cấp cho các vị cái tin tức về việc đó.
Tôi rẽ nhanh ra khỏi đám phóng viên, để họ xúm xít quanh Băz, bước lại chỗ Max. Mặt anh lộ rõ vẻ hốc hác lo lắng.
- Tôi đã ngỡ là anh không tài nào về kịp đấy.
- Tôi đã bảo là chín giờ tôi sẽ về tới đây mà.
Mac kéo tay tôi.
- Tôi đang có xe đợi anh. Ta sẽ đi ngay tới ngân hàng. Tôi đã bảo họ là sẽ đưa anh đến.
- Hượm đã! - Tôi giằng tay ra. - Bảo ai?
- Nhóm công ty đã đồng ý với cái giá của anh để mua lại một lần nữa quyền sở hữu sản xuất khuôn phun cao tốc. Thậm chí Đuy Pont lần này cũng phải nằm trong số những nguời ấy.- Anh lại nắm lấy tay tôi, kéo xềnh xệch tới ôtô.
Tôi vùng ra một lần nữa.
- Hượm đã. - Tôi kêu lên. - Năm ngày vừa qua tôi không hề biết cái giường là gì và đang mệt rũ người. Mai rôi sẽ gặp họ.
- Mai ư? - Mac hét lên. - Họ đang chong chong chờ anh ở đó.
- Tôi cóc cần. Kệ cho họ đợi.
- Nhưng họ đang sắp sửa đưa cho anh mười triệu!
- Họ chả đưa cái gì cho tôi cả. Họ cũng có dịp mua được quyền sản xuất như ta. Năm ấy bọn họ đều ở châu Âu cả, nhưng họ tiếc tiền. Giờ thì họ cần, vậy họ có thể chờ đến mai nhé.
Tôi bước vào xe.
- Khách sạn Bivơly Hind.
Mac Alixtơ chui vào ngồi cạnh tôi. Mặt anh nom đờ đẫn.
- Mai ư? - anh thốt lên, - họ không muốn chờ.
Lái xe mở máy. Tôi ngoảnh nhìn Mac Alixtơ, nhoẻn cười. Tôi bắt đầu cảm thấy thương anh.
Rõ ràng đối với anh, để cái đám chủ công ty kia chịu thỏa thuận được như thế này không phải dễ.
- Tôi bảo thế này nhé, - tôi nói nhẹ nhàng. - Hãy để tôi chợp mắt lấy sáu tiếng rồi ta sẽ gặp họ.
- Như thế là ba giờ sáng! - Mac thốt lên.
Tôi gật đầu.
- Hãy đưa họ tới dãy buồng tôi ở khách sạn. Đến lúc ấy tôi sẽ sẵn sàng chờ họ ở đó.
Mônica Uynthrop đang đợi trong dãy phòng khách sạn. Trông thấy tôi bước vào, em đứng vụt dậy khỏi đivăng, dập tắt thuốc lá, chạy nhào tới, ôm chầm lấy hôn tôi.
- Gớm, râu ria khiếp chưa kìa! - em thốt lên, tỏ vẻ ngạc nhiên giễu cợt.
- Em ở đây làm gì vậy? Anh cứ tìm em ngoài sân bay kia!
- Đáng nhẽ em cũng ra đấy nhưng lại sợ ba cũng ra. - Em nói nhanh.
Đúng vậy, Amôx Uyntrhop quả là một ông bố khinh suất liều lĩnh vô cùng mới không nhận thấy những triệu chứng của cô con gái. Khổ cái là ông ta không biết sử dụng thời gian cho chúng. Ông ta để đàn bà xen vào công việc và công việc lẫn lộn với đàn bà. Nhưng Mônica là cô con gái độc nhất của ông ta, và cũng như mọi lão phóng đãng khác, ông ta nghĩ con mình là một trường hợp ngoại lệ, khác thường. Quả có thế thật. Nhưng không phải theo cái cách ông ta tưởng.
- Pha cho anh một cốc rượu nhé! - Tôi nói, đi qua Mônica vào phòng ngủ. - Anh phải chui vào ngay một cái bồn nước nóng đây. Người anh hôi sực đến ngay anh cũng nhận thấy.
Mônica cầm một cốc thủy tinh đầy uyxky và đá, theo tôi vào buồng ngủ.
- Em pha rượu cho anh rồi đây. Và bồn tắm đầy nước rồi đấy.
Tôi đón lấy cái cốc từ tay em.
- Sao mà em biết anh về đây?
Em mỉm cười.
- Nghe đài mà.
Tôi nhấp một ngụm nước. Em tiến lại gần tôi.
- Anh không cần phải tắm vì em đâu. Cái mùi mồ hôi ấy ngửi rạo rực lắm.
Tôi đặt cốc xuống, đi vào phòng tắm, cởi sơmi. Khi quay lại đóng cửa, tôi đã thấy em đứng sát cạnh tôi.
- Đừng vào bồn vội! - em thốt lên, - thật xấu hổ khi vứt sạch cái mùi hương đàn ông như thế này!
Em quàng tay ôm cổ tôi, ép mình vào người tôi. Tôi tìm môi em nhưng em ngoành mặt đi, úp vùi vào vai tôi. Em hít một hơi dài, rùng mình. Từ người em, hơi nóng như một cái lò, bốc ra ngùn ngụt. Em rên khe khẽ.
Hai tay bưng mặt em, tôi nâng nó lên nhìn. Em nhắm nghiền mắt. Em lại rên lên, người quằn quại. Tôi đỡ em lại cái bàn trang điểm kê sát tường. Mắt vẫn nhắm nghiền, em quắp chặt lấy tôi.
- Thở nhẹ thôi, bé! - Tôi thốt lên khi em bắt đầu thì thào nặng nề ngắt quãng. - Có lẽ bao nhiêu năm rồi anh mới lại có mùi thơm sực lên đến thế này!
* * *
Nước ấm dịu, dập dìu vỗ quanh người tôi. Mọi mệt mỏi dần tan sạch. Tôi quờ tay ra đằng sau, cổ xát xà phòng kín lưng nhưng không được.
- Để em làm cho! - Monica nói.
Tôi ngẩng lên. Em cầm miếng vải mềm từ tay tôi, bắt đầu kỳ lưng tôi đều đều, nhè nhẹ. Tôi hơi cúi người, nhắm mắt lại. Một cảm giác khoan khoái lan khắp người.
- Đừng ngừng nhé. Dễ chịu lắm.
- Anh hệt như một đứa trẻ ấy! Cần phải có một người săn sóc cho anh.
Tôi mở choàng mắt, nhìn thấy em.
- Anh cũng đã nghĩ tới điều đó. Có lẽ anh sẽ kiếm một chú hầu phòng người Nhật!
- Một chú hầu phòng Nhật Bản không ăn thua đâu! - Em gõ khẽ vào vai tôi. - Nằm ngửa ra đi anh, em muốn lau sạch xà phòng.
Tôi nằm ngửa người trong nước, mắt vẫn nhắm. Em đưa miếng vải lau ngực tôi, xuôi dần xuống. Tôi mở choàng mắt. Em đang chằm chằm nhìn tôi.
- Trông nó nhỏ bé và bất lực quá. - Em thì thào.
- Trước đây một tí em có dám nói thế đâu!
- Em biết. - Em thì thầm, mắt đã lại mờ mờ đi.
Tôi hiểu cái nhìn ấy. Tôi giơ tay quàng lấy cổ em, kéo em ngồi xuóng thành bồn tắm. Tay em tuột xuôi xuống, vẫn cầm miếng vải, ôm lấy tôi. Chúng tôi hôn nhau.
- Anh lại lớn lên rồi! - thì thào, em đưa môi lần tìm môi tôi.
Tôi phá lên cười. Đúng lúc ấy chuông điện thoại réo vang. Chúng tôi giật mình, quay vội lại, nước bắn tóe lên, ướt sũng vạt trước váy em. Em lẳng lặng cầm ống nghe từ cái bản trang điểm, đưa cho tôi.
- Đây! - tôi gắt vào máy.
Đó là Alixtơ. Anh ta đang ở ngoài hành lang.
- Tôi đã bảo ba giờ! - Tôi buông thõng.
- Bây giờ là ba giờ. - Anh trả lời. - Chúng tôi lên được chưa? Có cả Uynthrop ở đây nữa. Ông ta nói ông ta phải gặp anh có việc.
Tôi nhìn Mônica. Đến thế nữa là đủ. Để ông bố mò lên bắt gặp cô con ngoan ngoãn ở trong phòng tôi.
- Không được, - tôi đáp nhanh, - tôi còn đang ở trong bồn tắm. Đưa họ đến quầy rượu mua cho họ uống một chầu.
- Tất cả các quầy rượu đều đã đóng cửa.
- Thôi được. Tôi sẽ gặp các anh ở ngoài hành lang.
- Hành lang không phải chỗ bàn những chuyện quan trọng như việc này đâu. Họ sẽ không thích một tý nào cả. Nó không kín đáo. Mà tôi không thể hiểu tại sao chúng tôi không lên được phòng anh cơ chứ.
- Bởi vì tôi đang có một “Bé” ở đây.
- Thế thì làm sao nào? - Anh đáp. Bọn họ đều là những người không hề có bụng dạ bé bỏng hẹp hòi gì. - Anh cười khùng khục vì câu chơi chữ của mình.
- Cô ta là Mônica Uynthrop.
Đầu kia dây nói bỗng lạnh ngắt. Rồi tôi nghe thấy tiếng thở dài mệt mỏi.
- Lạy chúa! - Mac thối lên, - Ba anh nói đúng. Không bao giờ anh thôi được cái trò ấy hả?
- Còn ối thời giờ từ nay cho đến lúc tôi thôi khi bằng tuổi anh.
- Tôi chằng biết nữa. - Anh đáp. - Họ không thích cái ý định gặp nhau bàn việc ở hành lang đâu.
- Nếu họ muốn kín đáo thì tôi biết có một nơi.
- Ở đâu?
- Phòng vệ sinh nam giới, ngay cạnh thang máy. Năm phút nữa tôi sẽ tới. Ở đấy thì đủ kín đáo lắm!
Tôi đặt ống nghe xuống, đứng dậy. Tôi nhìn Mônica.
- Đưa cho anh một cái khăn nào. Anh phải xuống nhà, gặp ba em bây giờ!

2

Tôi bước vào phòng vệ sinh của đàn ông, tay xoa xoa cằm, vẫn còn lởm chởm bộ râu năm ngày. Tôi không còn thời gian kịp cạo nó. Tôi nhoẻn cười khi thấy họ, quá mê mải bàn soạn đến nỗi không để ý thấy tôi bước vào.
- Thưa các quý vị, đã đến giờ khai mạc cuộc họp! - Tôi nói to.
Họ đều quay ngoắt cổ lại nhìn về phía tôi, mặt lộ vẻ bàng hoàng. Tôi nghe thấy một người trong số họ lầu bầu rủa khẽ. Không hiểu ông ta khó chịu về cái quái gì cơ chứ.
Mac Alixtơ tiến đến chỗ tôi.
- Tôi phải nói rằng ông chọn chỗ họp như thế này là hơi kỳ quặc đấy, ông Giônơx ạ! - anh nói trịnh trọng.
Tôi chằm chằm nhìn Mac. Tôi biết rằng anh ta nói là vì thể diện của những người kia nên không để bụng với anh ta làm gì. Tôi nhìn xuống quần anh ta.
- Ô, Mac, - tôi thốt lên, - phecmơtuya quần anh chưa cài kìa!
Mac đỏ mặc, đưa tay sờ vội xuống quần.
Tôi phá lên cười, quay sang những người kia.
- Thưa các vị, tôi rất lấy làm tiếc để các vị trong hoàn cảnh bất tiện như thế này. Nhưng trên phòng của tôi ở trên kia, tôi đang có khó khăn về mặt chỗ ở. Tôi có một cái hòm to đến nỗi nó choán gần hết cả căn phòng.
Người duy nhất hiểu ra là Amôx Uynthrop. Một nụ cười tủm tỉm hiểu biết hiện trên mặt ông ta. Không biết mặt ông ta sẽ lộ ra vẻ gì nếu ông ta biết được rằng chính cô con gái rượu của ông ta là người mà tôi đang nói tới nhỉ?
Đến lúc này, Mac đã lấy được lòng tin và nhảy vào cuộc. Những lời giới thiệu đi vòng quanh suốt lượt, rồi chúng tôi bắt tay vào việc. Mac giải thích cho tôi biết rằng ba công ty hóa học lớn đã đứng ra thành lập một hãng riêng để mua lại quyền sản xuất từ tôi. Chính công ty này sẽ trả số tiền đầu tiên và đảm bảo trả đủ tiền bản quyền phát minh.
Tôi chỉ hỏi có mỗi một câu.
- Ai sẽ đảm bảo chỗ tiền?
Mac chỉ một người.
- Ông Sephin đây. - anh đáp, - Ông Sephin là một trong những người chủ công ty Gioocgiơ Xtiuôt.
Tôi nhìn Sephin, Xtiuôt, Mogơn, Lemơn là những cái tên vững vàng ở Phố. Về mặt tài chính, tôi không thể kiếm được nhiều người vững hơn thế nữa. Mặt người đàn ông nom có vẻ quen quen. Tôi lục trí nhớ của mình. Đây rồi.
F. Matin Sephin, Niu Yooc, Bôxtơn, Xaothamptơn, Pam Bich. Tốt nghiệp trường thương mại Havớt, surmma cum laude (với lời ca ngợi cao nhất, xuất sắc nhất), trước chiến tranh, thiếu tá quân đội Mỹ, từ 1917 đến 1918. Ba huân chương “vì lòng dũng cảm trong chiến đấu”. Cầu thủ polo cỡ mười bàn. Thượng lưu. Tuổi - nếu giờ nhìn mặt - khoảng ba lăm, theo giấy tờ: 42.
Tôi nhớ rằng anh ta đã đến gặp cha tôi một lần khoảng mười năm trước đây. Anh ta muốn cung cấp cho công ty một khoản vốn luân chuyển công cộng. Cha tôi đã từ chối.
- Dù cho bọn họ có làm cho nó có vẻ hấp dẫn đến thế nào đi chăng nữa, Giônơx Con ạ, - Ba tôi đã nói, - thì cũng đừng để cho họ quặp được kìm vào mình. Bởi vì khi ấy thì họ điều khiển công việc, chứ không phải mình. Cái duy nhất họ có thể đưa cho mình là tiền, trong khi điều quyết định lại là quyền lực. Mà quyền lực thì họ luôn giữ rịt trong tay họ.
Tôi giương mắt nhìn trân trân Sephind.
- Ông sẽ bảo đảm việc trả tiền như thế nào ạ?
Cặp mắt tối, trũng sâu của anh ta lóe lên sau cái kính kẹp mũi.
- Chúng tôi theo hợp đồng với những người khác, ông Cođơ ạ.
Giọng anh ta trầm đến ngạc nhiên so với khổ người mảnh mai. Và rất tự tin. Dường như anh ta không cần hạ cố trả lời tôi, dường như mọi người đều đã biết rằng chỉ cần có cái tên Xtiuôt không thôi trong hợp đồng là đã đủ bảo đảm lắm rồi.
Có thể là vậy. Nhưng anh ta có một cái vẻ gì đó khiến tôi cảm thấy nhoi nhói ở trong lòng.
- Thưa ông Sephind, ông chưa trả lời câu hỏi của tôi ạ. - Tôi nói rất nhã nhặn. - Tôi đã hỏi rằng ông sẽ lấy gì đảm bảo việc trả tiền ạ. Tôi không phải là chủ nhà băng, cũng không phải là người ở phố Uôn. Tôi chỉ là một chú bé tội nghiệp phải bỏ học dở dang đi làm vì cha mình đã chết. Tôi không hiểu biết những việc như thế này. Tôi chỉ biết rằng khi tôi vào một nhà băng, bao giờ người ta cũng bảo tôi phải đưa ra cái gì bảo đảm. Tôi phải đưa ra các đồ ký quỹ - đất đai, phiếu nợ, văn tự cầm cố... một cái gì đó có giá trị, trước khi họ đưa cho tôi tiền. Dạ ý tôi là muốn hỏi thế đấy.
Một nụ cười lạnh lùng thoáng xuất hiện trên môi anh ta.
- Thưa ông Cođơ, hẳn là ông không có ý muón nói rằng tất cả các công ty đây không xứng với số tiền hứa trả đấy chứ?
Tôi vẫn giữ giọng dịu dàng nhã nhặn.
- Thưa ông Sephind, tôi không hề có ý nói như vậy. Mà chỉ có những người già hơn tôi, những người có kinh nghiệm hơn tôi bảo với tôi rằng thời thế bây giờ lung tung bất ổn lắm. Thị truòng đổ vỡ, khắp nước chỗ nào cũng thấy ngân hàng phá sản. Không thể nói trước được mai sẽ như thế nào. Tôi chỉ muốn biết là tôi sẽ được trả bằng cách nào thôi ạ.
- Tiền của ông sẽ được đảm bảo qua thu nhập của công ty mới đó. - Sephind đáp, tỏ vẻ kiên nhẫn giải thích cho tôi.
- Tôi hiểu rồi. - Tôi thốt lên, gật gật đầu. - Ông muốn nói rằng tôi sẽ được trả bằng tiền các ông thu được nếu như tôi đưa quyền sản xuất cho chứ gì?
- Như vậy đấy. - Anh ta đáp.
Tôi rút túi lấy một điếu thuốc, châm lửa.
- Tôi vẫn còn không hiểu. Tại sao các ông không trả cho tôi ngay luôn?
- Mười triệu là một khoản tiền mặt khá lớn, ngay cả với các công ty này. Họ cũng có nhiều đòi hỏi khác nữa về tiền. Chính vì vậy, chúng tôi mới có mặt trong cuộc.
- Ồ, - tôi thốt lên, vẫn tỏ vẻ ngờ nghệch. - như vậy có nghĩa là các ông sẽ trả trước cho họ chứ gì?
- Ồ, không. - Anh ta thốt nhanh. - Chẳng phải thế đâu. Chúng tôi chỉ tính hạ giá chứng khoán thấp hơn mức thường, cung cấp những khoản chi phí tổ chức để công ty mới có thể hoạt động được. Nguyên thế cũng đã mất mấy triệu rồi.
- Kể cả lãi môi giới của các ông ạ?
- Tất nhiên. - Anh ta đáp. - Đó là thông lệ.
- Tất nhiên.
Anh ta đưa mắt xảo quyệt nhìn tôi.
- Ông Cođơ, ông phản đối vai trò của chúng tôi hả?
Tôi nhún vai.
- Không hề như vậy. Tại sao tôi lại phải làm như vậy. Lên giọng dạy người khác làm ăn là không phải việc của tôi. Tôi đã có đủ những lo nghĩ với chuyện làm ăn của mình rồi.
- Nhưng ông tỏ vẻ nghi ngờ thực sự về những lời để nghị của chúng tôi.
- Đúng vậy. Tôi đã có cảm tưởng là tôi sẽ nhận được mười triệu đôla về những quyền của mình. Bây giờ tôi mới té ra rằng tôi chỉ được đảm bảo là sẽ được nhận mười triệu. Giữa hai cái đó có khác nhau chứ. Trong trường hợp trước, tôi được trả ngay, còn trong trường hợp kia, tôi là một kẻ cùng hội cùng thuyền tình cờ trong cái trò liều của các ông, cũng phải chịu thua chung may rủi với các ông, mà lại còn bị bó tay bó chân vì số tiền đã được cố định.
- Ông định phản đối lời đề nghị của chúng tôi chứ?
- Không hề. Tôi chỉ muốn biết mình sẽ đứng ở đâu?
- Tốt. Thế thì ta có thể chuyển sang việc ký kết giấy tờ. - Sephind nhẹ nhõm mỉm cười.
- Chưa đâu! - tôi đáp. Nụ cười của anh ta vụt biến mất. - Tôi sẵn sàng làm một người tham gia theo cái cách đã được đề nghị, nhưng nếu tôi nhận trò liều này, tôi cảm thấy mình phải được đảm bảo mười lăm triệu, chứ không phải chỉ mười thôi!
Trong một lúc, cả căn phòng lạnh ngắt bàng hoàng. Rồi tất cả mọi người đều nhao nhao tranh nhau nói.
- Nhưng ông đã đồng ý với mười triệu!- Sephind phản đối.
Tôi chằm chằm nhìn anh ta.
- Không, tôi không hề đồng ý như vậy. Đây là lần đầu tiên ta mới gặp nhau!
Mac bật lò xo.
- Hượm đã, Giônơx. Anh đã khiến tôi nghĩ rằng anh sẽ chịu nghe theo một lời đề nghị mười triệu.
- Phải, tôi đã chịu nghe vậy. Thế thì sao?
Lần đầu tiên, tôi thấy vẻ bình tĩnh luật sư của Mac bị phá vỡ.
- Tôi đã hành động dựa trên lòng tin tưởng hoàn toàn về anh. Tôi sẽ không tham gia vào cái trò thương lượng sau lưng mình thế này. Nếu hợp đồng không được thông qua như đã thỏa thuận, tôi xin kiếu! Tôi xin từ chức!
Tôi chằm chằm nhìn anh, lạnh lùng.
- Nộp đơn đi!
Mac giận đến điên người.
- Khổ cái là giờ thì anh thấy mình đã to lắm rồi, mặc quần cũ không vừa rồi. Tôi còn nhớ cái thời anh mới ngoi ngóp, nước đang ngập đến tận cổ... 
Tôi phát khùng. Giọng tôi trở nên lạnh ngắt như băng:
- Cái khổ là anh chỉ là một luật sư chứ không hơn đâu, anh đang làm ăn với tiền của của tôi, chứ không phải của anh. Tôi muốn làm gì nó là tùy ở tôi, bán hay cho không tùy thích. Nó là của tôi. Tôi là chủ nó, và anh thì làm cho tôi. Xin nhớ hộ lấy điều đó.
Mặt Mac tái nhợt. Tôi có thể thấy mọi cái đang nhoang nhoáng lướt qua đầu anh. Số tiền một trăm ngàn đôla tôi trả hàng năm cho anh. Tiền thêm từ số lãi. Ngôi nhà anh ta đang sống. Cái trường học con cái anh ta đang học. Vị trí của anh ta trong xã hội. Không biết lúc này anh ta có hối hận là đã bỏ công việc luật sư sáu mươi nghìn đôla hàng năm để đến với tôi không?
Nhưng tôi không thể bắt mình thương hộ thân anh ta được. Anh ta hiểu rõ việc mình đã làm. Chính tay anh ta đã thảo hợp đồng làm việc của mình, theo những điều kiện của bản thân anh ta. Phàn nàn bây giờ, đối với anh ta, là đã muộn.
Tôi nhìn những người khác. Họ đang giương mắt nhìn chúng tôi. Tôi biết lúc này, có thương hại Mac hay không, tôi cũng phải giúp đỡ anh ta một chút.
- Ồ, hãy bỏ qua đi cho tôi nhé, Mac! - Tôi lấy giọng ấm áp, thân mật, nói. - Chúng ta đã gắn bó với nhau chặt chẽ đến thế, đừng để một việc ngu xuẩn như thế này phá vỡ. Quên nó đi nhé. Ta còn nhiều việc phải làm. Điều quan trọng là hãy ký một cái hợp đồng làm việc mới của anh sao cho tôi chắc chắn rằng không một ai có thể cướp được anh khỏi tôi.
Mặt Mac trở lại vẻ nhẹ nhõm.
- Phải đấy, Giônơx ạ. - Anh ta đáp. Rồi ngập ngừng nói thêm. - có lẽ tôi nghĩ cả hai chúng ta đều quá mệt. Tôi thì vì những cuộc thương lượng, anh thì bởi cái chuyến bay phá kỷ lục kia. Có lẽ tôi đã hiểu sai những lời anh nói với tôi.
Anh quay lại những người kia.
- Tôi xin lỗi, thưa quý vị. - anh nói trôi chảy, đã lấy lại được vẻ bình tĩnh tự tin. - Đây là lỗi của tôi. Tôi không hề có ý định lừa các vị, nhưng tôi đã hiểu sai ý ông Cođơ. Tôi xin thành thật xin lỗi các vị.
Cả căn phòng lạnh ngắt ngượng ngập. Không ai mở miệng một hồi lâu. Rồi tôi nhoẻn cười, bước tới cái bồn đi giải.
- Ấy, làm thế này để ta không phải ghi vào biên bản là cuộc họp đã kết thúc hoàn toàn thất bại. - Tôi vừa đái vừa nói với qua vai.
Sephind là người đầu tiên phá vỡ tình thế. Tôi nghe thấy tiếng anh ta thì thào rất nhanh với những người khác. Khi tôi quay trở lại, anh ta nhìn thẳng vào tôi.
- Xin hiệp sức cùng tôi, - anh ta nói, - mười hai rưỡi.
Thỏa thuận nhanh như thế chứng tỏ họ rất cần, thực sự cần lắm. Thoạt đầu, tôi lắc, rồi bất chợt nảy ra một ý nghĩ.
- Tôi đã được nghe ba tôi nói rất nhiều về ông. Ông cụ nói ông là một nhà thể thao thực sự. Ông chơi cuộc mọi cái.
Một nụ cười xuất hiện trên đôi môi mỏng dính của anh ta.
- Ấy, đôi khi tôi cũng có chơi cuộc thật. - anh ta công nhận.
- Tôi xin cuộc hai triệu rưỡi rằng ông không thể đái trúng cái máng đi giải từ chỗ ông đang đứng đó. - Tôi chỉ tay tới cái máng cách anh ta độ mét hai. - Nếu ông làm được, hợp đồng sẽ là của ông, mười hai triệu rưỡi. Nếu ông thua, tôi sẽ chỉ đồng ý với mười lăm.
Anh ta há hốc mồm, trố mắt nhìn tôi qua cặp kính.
- Ông... ông Cođơ! - anh ta lắp bắp.
- Cứ gọi tôi là Giônơx cho thân mật. Nhớ rằng hai triệu rưỡi đấy nhé.
Anh ta nhìn những người khác. Họ đang trố mắt nhìn anh ta. Rồi nhìn tôi. Cuối cùng cái lão đại diện cho hãng Hóa chất Malơn thốt lên.
- Hai triệu rưỡi đôla đấy, Matin. Với số tiền lớn như thế, bảo tôi tôi cũng làm.
Sephind lưỡng lự một thoáng. Anh ta đưa mắt nhìn Mac nhưng Mac tránh mắt anh ta, nhìn lảng đi. Rồi anh ta xoay người lại phía máng nước giải, tay lần khóa quần. Anh ta nhìn tôi.
Tôi gật. Không có gì xảy ra cả. Không hề có gì. Anh ta đứng sững, một vầng đỏ bắt đầu lan từ cổ lên mặt. Một thoáng nữa, rồi một thoáng nữa. Mặt anh ta giờ đỏ tía lên.
Tôi phá tan im lặng.
- Thôi được, ông Sephind ạ. - tôi giữ vẻ mặt nghiêm trang, nói.- Tôi xin chịu thua. Ông đã thắng cuộc. Hợp đồng thỏa thuận sẽ là mười hai triệu rưỡi.
Anh ta trố mắt chằm chằm nhìn tôi, cố đọc ra ý nghĩ của tôi. Tôi giữ một vẻ mặt thản nhiên nhất. Tôi chìa tay ra cho anh ta. Anh ta ngần ngừ một thoáng rồi cầm lấy bắt.
- Tôi gọi anh là Matin cho thân mật được không?
Anh ta gật đầu. Một nụ cười mơ hồ hiện lên trên cặp môi mỏng dính của anh ta.
- Xin anh cứ gọi thế!
Tôi lắc lắc tay anh ta.
- Matin, - tôi trịnh trọng nói, - quần anh chưa cài kìa!

3

Mac Alixtơ sửa chữa lại những chỗ cần thiết trong các bản hợp đồng rồi chúng tôi ký ngay ở đấy. Khi chúng tôi quay trở lại hành lang thì đã bốn rưỡi. Tôi chực bước vào thang máy thì thấy Amôx Uynthrop gõ nhẹ vào vai.
Tôi không muốn nói chuyện với ông ta tý nào cả.
- Để đến mai có được không, ông Amôx? Tôi cần ngủ một tý.
Mặt ông ta nhăn nhúm trong nụ cười thông cảm. Ông ta vui vẻ đấm vào vai tôi.
- Tôi biết anh cần giấc ngủ kiểu gì rồi, anh bạn trẻ ạ. Nhưng việc này quan trọng lắm.
- Không có cái gì quan trọng bằng việc kia đâu.
Cửa thang máy mở, tôi bước vào. Amôx theo ngay đằng sau tôi. Người giữ thang máy chực đóng cửa lại.
- Hượm đã. - tôi thốt lên với anh ta.
Cánh cửa cuốn lại mở toang, tôi bước ra.
- Thôi được, Amôx. Có chuyện gì thế?
Chúng tôi đi tới một chiếc đi-văng, ngồi xuống.
- Tôi cần mười nghìn nữa. - ông ta nói.
Tôi trố mắt nhìn ông ta. Thật không ngạc nhiên gì khi thấy ông ta luôn vỡ nợ. Ông ta tiêu tiền nhanh hơn cả tốc độ của máy in.
- Thế tất cả số tiền mặt do bác bán cổ phần đi đâu hết cả rồi?
Mặt ông ta lộ vẻ ngượng ngập.
- Hết cả rồi. - ông ta đáp. - Anh biết tôi nợ đìa ra như thế nào đấy.
Tôi đã biết. Ông ta nợ tất cả mọi người. Đến khi ông ta kể tên xong các chủ nợ và các bà vợ cũ, tôi có thể thấy năm mươi nghìn của ông ta chảy hết vào đâu rồi. Tôi bắt đầu cảm thấy ân hận vì đã ký hợp đồng với ông ta, tuy vậy tôi đã ngỡ rằng ông ta sẽ đóng góp được cái gì đấy cho công ty. Đã có thời, ông ta là một trong những nhà thiết kế máy bay giỏi nhất nước.
- Hợp đồng của ông có quy định những món trả trước như thế này đâu.
- Tôi biết. - Ông ta đáp, - nhưng việc này rất quan trọng. Tôi hứa là sẽ không bao giờ xin thế này nữa. Đây là vì Mônica.
- Mônica ư? - Tôi chăm chú nhìn ông ta. Việc này có vẻ tốt đây. - Cô ta làm sao?
Ông già lắc đầu.
- Tôi muốn gửi nó sang Anh cho mẹ nó. Tôi không chịu nổi nữa. Tôi không thể trị nổi nó nữa. Nó đang lén lút hẹn hò với một thằng nào đấy, và tôi cảm thấy rằng nếu nó chưa để thằng kia dằn ngửa ra thì rồi cũng sớm làm thế thôi.
Tôi chằm chằm nhìn ông ta một hồi. Không hiểu đây có phải là một kiểu tống tiền tế nhị không. Có thể là ông ta đã biết và đây là cách ông ta nói cho tôi hay.
- Thế bác có biết thằng ấy không?
Ông lắc đầu.
- Nếu tôi biết, tôi sẽ giết tươi thằng ấy. - Ông già hung hãn rít lên. - Một đứa trẻ ngây thơ ngoan ngoãn xinh đẹp như con bé!
Tôi giữ vẻ mặt thản nhiên. Tình yêu là mù quáng, nhưng các bậc cha mẹ còn mù quáng hơn.
Ngay cả một tay lừa gạt đàn bà khét tiếng như Amôx, với tất cả hiểu biết, kinh nghiệm, cũng không khôn hơn Giô Đâuơcx ở Pômôna!
- Bác đã nói chuyện với cô ấy chưa?
Ông ta lại lắc đầu.
- Tôi đã cố, nhưng nó không thèm nghe tôi. Anh biết trẻ con thời này thế nào rồi đấy. Chúng học được mọi cái ở trường. Chả còn dạy dỗ thêm được gì nữa. Khi nó mười sáu tuổi, tôi tìm thấy một hộp Meri Uytdâu ở trong túi nó.
Đáng nhẽ ông ta phải ngăn chặn ngay từ đấy. Giờ thì ông ta muộn mất ba năm rồi. Cô ấy giờ đã mười chín và mang riêng một cái nhẫn đồng theo mình.
- Những người như bác thì không bao giờ biết được!
- Thế anh bảo tôi phải làm gì? - Ông già hung hăng hỏi lại. - Khóa nó nhốt ở trong phòng nó nhé?
Tôi lắc đầu.
- Có lẽ bác có thể tỏ ra là một người cha thân thiết hơn.
- Anh biến thành chuyên gia trong lĩnh vực này từ bao giờ thế? - Ông già cộc lốc đay lại. - Đợi đấy, đến lúc có con rồi anh sẽ bỏ ngay được cái giọng ấy.
Tôi có thể nói cho ông già biết: tôi đã từng có một ông bố quá bận bịu đến đời riêng. Nhưng tôi đã quá mệt. Tôi đứng dậy.
- Thế còn tiền thì sao nào? - ông ta lo lắng hỏi.
- Tôi sẽ đưa cho ông. - Một cảm giác tởm lợm bỗng cồn lên trong họng tôi. Tôi cần những kẻ như thế này ở quanh mình làm gì? Họ như đỉa đói. Đã bám được là họ không rời. - Tôi sẽ thực đưa cho ông hăm lăm ngàn.
Mặt ông ta ngớ ra, ngạc nhiên nhẹ nhõm.
- Thế ư, Giônơx?
Tôt gật đầu.
- Với một điều kiện.
Lần đầu tiên, mắt ông ta ánh lên nỗi thận trọng.
- Anh muốn nói gì vậy?
- Tôi muốn ông đệ đơn từ chức.
- Khỏi công ty máy bay Uynthrop ư? - ông ta kinh ngạc.
- Khỏi công ty Cođơ! - Tôi nói thẳng.
Mặt ông ta bắt đầu nhợt đi.
- Nhưng... nhưng tôi là người xây dựng nó. Tôi biết mọi điều về nó. Tôi đang vạch ra kế hoạch làm một kiểu máy bay mà chắc chắn quân đội sẽ vồ lấy...
- Hãy cầm lấy tiền, ông Amôx. - Tôi đáp lạnh lùng. - Ông cần thì đã được đấy.
Tôi đi về phía cầu thang máy. Tôi bước vào. Anh chàng giữ thang máy sập cửa ngay trước mũi ông ta.
- Thưa ông Cođơ, ông đi lên chứ ạ? - anh ta hỏi.
Tôi trố mắt nhìn anh ta. Một câu hỏi ngớ ngẩn. Còn đi đâu nữa cơ chứ?
- Lên hết đường! - Tôi mệt mỏi trả lời.
Mônica đang nằm đè lên bộ Pyjama của tôi ở trên giường, thiu thiu ngủ. Em mở bừng mắt, nhìn tôi.
- Mọi việc xong xuôi cả rồi hả anh?
Tôi gật.
Em chăm chú nhìn tôi cởi áo sơmi vắt lên một cái ghế.
- Ba cần gì vậy?
Tôi bước chân ra khỏi quần, tay tóm lấy bộ Pyjama em quẳng cho.
- Ông đến đưa đơn từ chức.
Tôi lấy chân đá văng cái quần đùi đi, xỏ chân vào quần Pyjama.
Em ngồi thẳng trên giường, mở to cặp mắt nâu, ngạc nhiên.
- Ba làm thế thật ư?
Tôi gật.
- Em không hiểu tại sao lại thế nhỉ?
Tôi nhìn em.
- Ông cụ nói điều đó có liên quan tới em đấy. Rằng ông cụ muốn có thêm thời gian để làm cha em.
Em trố mắt nhìn tôi một thoáng, rồi rũ ra cười.
- Trời ơi, em đến chết cười mất. Suốt cả đời em, em chỉ mong ông ấy để ý đến em một tí thôi, và bây giờ, khi em không cần đến ông ấy nữa, thì ông ấy lại muốn chơi trò làm bố!
- Em không cần ông ấy nữa ư?
Em gật đầu.
- Không cần nữa. - Em nói từng tiếng một chậm rãi. Em bước xuống giường, ngả đầu lên ngực tôi. Giọng em thì thào tin tưởng như trẻ thơ. - Khi em đã có anh. Anh là tất cả đối với em - cha, anh, người yêu đấy.
Tôi chậm rãi vuốt ve mái tóc nâu mềm mại của em. Đột nhiên, một niềm thương cảm dâng lên dào dạt trong lòng tôi. Tôi đã biết người ta có thể cô đơn đến mức nào khi mười chin tuổi.
Mắt em nhắm nghiền lại. Chỉ còn thấy hai cái quầng mờ mờ xanh xanh mệt mỏi sau lớp da trắng mịn. Tôi khẽ áp môi lên trán em.
- Đi ngủ đi, bé. Đã gần sáng rồi đấy. - Tôi dịu dàng bảo.
Em ngủ thiếp đi ngay, tựa đầu vào vai tôi, cổ đặt lên cánh tay gấp lại của tôi. Suốt một hồi lâu, tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi nằm lặng, ngắm nhìn khuôn mặt lặng lẽ thanh thản của em cho đến lúc mặt trời lên, ánh nắng rọi ùa vào căn phòng. Quỷ tha ma bắt Amôx Uynthrop đi! Quỷ tha ma bắt Giônơx Cođơ đi! Tôi thầm rủa tất cả những kẻ đàn ông quá bận bịu và ích kỉ với chuyện riêng của mình đến mức không làm được vai trò người cha của mình với con gái của họ nữa.
Tôi bắt đầu cảm thấy thấm mệt. Mơ mơ màng màng, tôi cảm thấy em cử động cạnh tôi và hơi nóng của tấm thân mảnh mai, duyên dáng ấy ấm sực một bên mình tôi. Rồi giấc ngủ tới. Một giấc ngủ ngon lành tuyệt vời.
Chiều tối hôm sau, chúng tôi lấy nhau tại một nhà thờ nhỏ ở Renô.

4

Tôi nhìn thấy ánh lân tinh lóe lên rồi từ từ di chuyển theo dòng nước, liền hoan hỉ quăng cái mồi ruồi xuống suối đánh tõm, ngay trên đầu con cá hồi. Linh tính mách bảo tôi biết, mình sẽ tóm được chú cá. Mọi cái đều đâu vào đấy. Dòng nước, cái bóng lấp lánh của đám cây mọc ven bờ suối, con ruồi sặc sỡ xanh thắm, xanh lá cây, đỏ ở đầu dây câu. Một giây nữa là chú cá sẽ đớp. Tôi vừa cứng người lại thì nghe thấy tiếng Mônica gọi ở trên bờ ngay đằng sau:
- Anh Giônơx!
Giọng em phá tan cảnh tĩnh mịch, con cá lặn biến xuóng đáy suối. Chú ruồi giả chìm theo. Và trước cả khi quay lại, tôi đã biết thế là đi đời cả tuần trăng mật!
- Gì thế? - Tôi làu bàu.
Em đứng sững trước mặt tôi, mặc quần sooc. Đầu gối ửng đỏ, mũi bị bong da.
- Có một người gọi điện đến cho anh. Từ Lôx Angiơlex.
- Ai thế?
- Em không biết. Một người đàn bà. Chị ta không nói tên.
Tôi lại nhìn xuống dòng suối. Không còn lân tinh nước. Con cá đã đi. Thế là hết. Ngày hôm nay câu thế là đủ rồi.
Tôi bước lên bờ.
- Bảo cô ấy cứ cầm máy. Anh lên ngay đây.
Em gật đầu, đi về phía căn nhà gỗ. Tôi bắt đầu cuốn dây câu lại, thầm hỏi không biết ai đã gọi mình. Không phải nhiều người biết được căn nhà nhỏ trên đồi này.
Tôi thường lên đây với Nêvađa khi còn bé. Cha tôi luôn định lên đây nhưng chưa bao giờ thực hiện được.
Tôi rời khỏi con suối, chậm chạp bước lên đường. Chiều đã muộn. Đã có thể nghe thấy âm thanh của buổi tối bắt đầu. Dưới cái gốc cây, đám dế giun đã bắt đầu kêu ầm ĩ.
Tôi dựng cần câu vào tường ngoài, bước vào nhà. Mônica ngồi trên cái ghế cạnh máy điện thoại, đang giở xem một tờ tạp chí. Tôi nhấc ống nghe.
- Alô?
- Ông Cođơ phải không ạ?
- Vâng.
- Xin chờ cho một chút ạ. - cô giữ tổng đài nói như hát. - Lôx Angiơlex, người yêu cầu đang cầm máy đấy.
Tôi nghe thấy tiếng kêu tách một cái, rồi một giọng quen thuộc vang lên.
- Anh Giônơx phải không?
- Raina hả?
- Vâng. - Em nói - Đã ba ngày liền em tìm anh. Không ai biết anh ở đâu cả, rồi em nghĩ tới căn nhà này.
- Tuyệt lắm! - Tôi đáp, nhìn qua ống nghe tới Mônica. Em đang cúi xuống tờ tạp chí nhưng mà tôi biết là em đang lắng nghe.
- À, nhân đây, em xin chúc mừng! - Raina nói bằng cái giọng trầm trầm nho nhỏ. - Em mong anh sẽ hạnh phúc. Cô dâu của anh xinh lắm!
- Em biết cô ấy à?
- Không. - Raina đáp nhanh. - Em xem ảnh ở trên báo.
- Ồ, cảm ơn em. Nhưng chắc em gọi điện không phải vì thế.
- Đúng, không phải vì thế. - Vẫn cái tính thẳng thắn vốn có. - Em cần anh giúp đỡ.
- Nếu em cần mười nghìn nữa, anh sẵn sàng đưa ngay.
- Không, nhiều hơn thế nữa kia. Rất nhiều.
- Bao nhiêu nào?
- Hai triệu đôla!
- Sao? - Tôi gần như thét lên. - Em cần một số tiền khổng lồ như thế để làm cái quái gì vậy?
- Không phải là để cho em đâu. - Em đáp, tỏ vẻ rất bối rối. - Mà là cho Nêvađa. Anh ấy đang lâm nguy. Anh ấy có thể bị mất sạch mọi thứ.
- Nhưng anh nghĩ anh ấy đã làm ăn nổi đình nổi đám cơ mà. Báo chí nói rằng anh ấy làm được nửa triệu.
- Đúng thế. Nhưng...
- Nhưng sao? - Tôi kéo ra một điếu thuốc, quờ quờ tay ra xung quanh tìm diêm.
Tôi biết Mônica nhìn thấy hết cả nhưng vẫn vờ chúi múi vào tờ tạp chí.
- Anh nghe đây. - Tôi hít một hơi thuốc dài.
- Nêvađa đã đem cầm mọi cái anh ấy có để làm một bộ phim. Anh ấy làm tối tăm mặt mũi đã hơn một năm nhưng giờ mọi cái hóa ra hỏng cả và người ta không muốn phát hành nó.
- Tại sao thế? Nó dở quá à?
- Không phải. - Em đáp nhanh. - Không phải thế. Nó tuyệt lắm. Nhưng bây giờ chỉ có phim nói mới ăn khách thôi. Tất cả các rạp chỉ có chiếu loại ấy.
- Thế tại sao anh ấy không làm phim nói khi bắt đầu hả?
- Anh ấy làm bộ phim đó cách đây một năm. Không ai có thể ngờ rằng phim nói lại phát triển đến như vậy. - Raina trả lời. - Bây giờ nhà băng đang đòi tiền, còn Noman không chịu đưa thêm xu nào cả. Lão ta tuyên bố rằng lão cũng đang chết dở với phim của lão.
- Anh hiểu rồi. - Tôi thốt lên.
- Anh cần phải giúp anh ấy, Giônơx ạ. Cả sự nghiệp đời anh ấy đổ hết vào bộ phim đó. Nếu anh ấy thất bại, anh ấy sẽ không bao giờ còn dám làm gì đâu.
- Chưa bao giờ Nêvađa lại để ý đến chuyện tiền nong như vậy đâu.
- Đây không phải là chuyện tiền. - Em đáp nhanh. - Mà là cách anh ấy nghĩ về bộ phim. Anh ấy tin vào nó. Ít nhất lần này anh ấy cũng có dịp để chứng tỏ cho mọi người biết miền Tây thực sự là thế nào.
- Có ai cần quái gì biết miền Tây thực sự là thế nào đâu!
- Anh đã xem bộ phim nào anh ấy đóng chưa?
- Chưa.
Giọng em thoáng ngạc nhiên không tin.
- Thế anh không tò mò muốn biết anh ấy nom như thế nào ở trên màn ảnh à?
- Anh cần thế làm quái gì. - Tôi hỏi lại. - Anh biết rõ mặt mũi anh ấy thế nào rồi cơ mà.
Giọng em thẳng băng:
- Vậy anh có định giúp không nào?
- Chỗ ấy khá tiền đấy. Mà sao anh lại phải giúp cơ chứ?
- Em còn nhớ lúc anh đang rất cần có tiền và anh ấy đã cho anh.
Tôi hiểu Raina định nói gì. Chỗ cổ phần của Nêvađa trong Công ty thuốc nổ Cođơ.
- Nhưng anh ấy không mất đến hai triệu. - tôi đáp.
- Không đến ư? - Cô hỏi lại. - Giờ thì nó đáng bao nhiêu?
Câu hỏi ấy làm tôi chững lại một thoáng. Có thể giờ nó chưa đáng đến thế, nhưng thêm năm năm nữa thì chắc.
- Nếu anh ấy lâm vào cảnh túng quẫn như vậy, thì tại sao chính anh ấy lại không gọi điện cho anh nào?
- Nêvađa là người rất kiêu hãnh. Anh biết đấy.
- Tại sao em lại quan tâm đến điều đó như vậy?
- Bởi vì anh ấy là bạn em. - Em đáp nhanh. - Khi em thực sự cần giúp đỡ, anh ấy làm ngay không hỏi han gì cả.
- Anh không hứa gì đâu. - Tôi nói. - Nhưng đêm nay anh sẽ bay ngay xuống Lôx Angiơlex. Anh gặp em ở đâu được?
- Em đang ở nhà của Nêvađa. Nhưng tốt nhất hãy để em gặp anh ở đâu đó. Em không muốn anh ấy biết em đã gọi điện cho anh.
- Ôkê. Anh sẽ ở khách sạn Bivơly Hind vào nửa đêm nay.
Tôi đặt ống nghe xuống.
- Ai thế? - Mônica hỏi.
- Vợ góa của cha anh. - Tôi vừa trả lời vừa đi qua em vào buồng ngủ. - Gói ghém đồ đạc của em lại đi. Anh sẽ đưa em trở lại khu trại. Đêm nay anh phải bay xuống Lox Angiơlex có công việc.
- Nhưng mới có năm ngày! - Mônica thốt lên. - Mà anh đã hứa là chúng ta có hai tuần trăng mật.
- Việc khẩn cấp lắm.
Em theo liền tôi vào phòng ngủ.
- Mọi người sẽ nghĩ thế nào nếu sau năm ngày trăng mật, ta đã bỏ về ngay hả? - em thốt lên bực bội trong khi tôi ngồi xuống giường, tháo đôi ủng lội nước.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm:
- Anh việc quái gì phải nghĩ đến chuyện thiên hạ nghĩ ra sao hả?
Em bắt đầu thút thít khóc.
- Em không đi đâu! - em kêu lên, giậm giậm chân.
Tôi đứng dậy, bỏ ra khỏi phòng.
- Thì cứ ở lại! - tôi cáu kỉnh nói. - Tôi sẽ xuống chân đồi lấy ô tô. Nếu tôi quay lại mà cô vẫn chưa chuẩn bị xong, tôi sẽ đi thẳng bỏ cô lại đấy!
Dính dáng đến đàn bà - ai đã lường hết được tai họa chưa? Anh chỉ đứng trước một ông cha cố ấm ớ nào đó trong vòng năm phút chết tiệt, và khi anh đi ra, mọi việc đã lộn tùng phèo.
Trước khi anh lấy vợ, mọi thứ thật tuyệt. Anh là ông hoàng. Cô ta đứng kia, một tay ôm lấy của anh để tỏ cho anh biết cô ta khao khát đến mức nào, tay kia cô châm thuốc lá, cọ lưng anh, cho thức ăn vào miệng anh, vuốt cho gối anh phẳng - Tất cả chừng ấy việc làm trong một loáng.
Rồi những lời thần kỳ về cuộc sống vợ chồng bay tới và anh sẽ phải van vỉ vì nó. Anh phải làm như sách đã răn dạy. Phải chơi đùa với nó, phải đối xử dịu dàng. Anh phải nhỏm người dậy, chống tay châm thuốc cho vợ anh, phải ôm áo choàng cho cô ta, phải mở cửa hộ. Thậm chí anh phải cám ơn cô ta vì cô ta đã để anh làm việc ấy, những công việc mà trước đây cô ta đã cuống quýt làm cho anh.
Tôi cho xe chạy ngược lên đồi, đỗ lại trước cửa ngôi nhà, bóp còi. Mônica bước ra, tay xách một cái túi nhỏ, đứng sững lại chờ tôi mở cửa xe ra cho cô ta. Một lúc sau, cô ta tự mở cửa xe, ngồi vào, mặt ủ ê đau đớn. Suốt hai tiếng từ đó tới khu trại, mặt cô ta cứ như vậy.
Khi tôi đỗ xe trước cửa tòa nhà thì đã chin giờ tối. Như thường lệ, Rôbe đã ở cửa. Bác không lộ vẻ ngỡ ngàng khi thấy tôi vẫn ngồi nguyên trong xe sau khi bác đã nhấc vali của Mônica ra. Mắt bác chỉ ánh lên lướt qua mặt tôi khi bác quay sang Mônica, cúi người chào:
- Xin chào bà, thưa bà Cođơ. Tôi đã cho dọn dẹp phòng bà sẵn sàng rồi đấy ạ! - Rôbe lại nhìn tôi một lần nữa rồi quay đi, bước lên thềm.
Mônica nói, giọng trầm trầm và căng như dây đàn:
- Anh đi bao nhiêu lâu?
Tôi nhún vai.
- Tùy theo công việc yêu cầu! - Rồi đột nhiên tôi cảm thấy lòng mình dịu lại. Cáu cái chết tiệt gì cơ chứ, dù sao chúng tôi cũng chỉ mới lấy nhau vẻn vẹn được có 5 ngày. - Anh sẽ cố tranh thủ về càng sớm càng tốt!
- Đừng có vội về làm gì cả! - Mônica buông thõng và nghênh ngang bước lên thềm, đi khuất vào trong nhà, không hề ngoảnh lại.
Tôi cáu kính rủa, rồ máy ôtô, băng ra đường về phía nhà máy. Tôi để cái Oacơ thân thiết ở sân bay đằng sau. Leo vào buồng lái, tôi vẫn còn cáu kỉnh và chỉ dịu lại mãi khi lên tới độ cao hơn tám trăm thước, hướng máy bay về hướng Lôx Angiơlex.

5

Tôi đưa mắt nhìn cái bản thảo bọc bìa xanh trên tay, rồi lại nhìn Raina. Thời gian không lấy được của em cái gì cả. Em vẫn thon thả và rắn chắc như thế, hai vú vẫn nhô căng ra như hai khối đá ở rìa lèn. Tôi biết rõ chúng sẽ rắn lại khi chạm vào như thế nào. Cái thay đổi duy nhất là cặp mắt. Một ánh chắc chắn, trước kia không hề có, đã xuất hiện ở trong chúng.
- Anh không thích đọc lắm. - Tôi nói.
- Em biết rằng anh có thể nói thế mà. Nên em đã bố trí với xưởng phim chiếu cho anh xem thử. Người ta đang chờ đấy.
- Em ở đây được bao lâu rồi?
- Khoảng một năm rưỡi. Từ khi em ở châu Âu về.
- Ở nhà Nêvađa suốt?
Em gật đầu.
- Em ngủ với anh ấy?
Em không hề lảng tránh.
- Vâng, anh ấy tốt với em lắm.
- Thế em với anh ấy thì sao, tốt không?
Em vẫn nhìn thằng vào mắt tôi.
- Em mong như vậy, - em lặng lẽ nói, - nhưng thực ra điều ấy cũng không quan trọng. Anh có quan tâm gì đến em có tốt hay không đâu.
- Chỉ là anh tò mò muốn biết thôi. - Tôi đứng dậy, thả cái bản thảo rơi xuống ghế. - Anh đang thầm hỏi xem cái gì đã giữ em ở lại đây lâu đến thế.
- Không phải là vì cái anh tưởng đâu. - Em nói nhanh.
- Thế là cái gì? - Tôi đay lại - Tiền ư?
- Không. - Em lắc đầu. - Một người đàn ông. Đàn ông thực sự. Không bao giờ em cảm thấy được như thế với đám thanh niên trẻ cả.
Câu nói ấy chạm đúng tự ái tôi.
- Có lẽ rồi anh cũng đạt được như thế. - tôi nói.
- Anh mới lấy vợ được có năm ngày mà.
Tôi chằm chằm nhìn em một thoáng. Lòng lại thấy hừng hực lên những nỗi kích động quen thuộc.
- Thôi ta đi đi, - tôi nói gọn lỏn. - anh không rỗi cả đêm đâu.
Tôi ngồi trong phòng chiếu phim với Raina ở một bên, bên kia là Phôn Enxtơ, ông đạo diễn.
Raina không hề nói dối. Bộ phim thật tuyệt với. Nhưng là do một nguyên nhân duy nhất, Nêvađa. Anh đã làm tràn đầy bộ phim, gắn bó nó thành một khối bởi cái sức mạnh bẩm sinh mãnh liệt của anh. Không hiểu bằng cách nào, nó đã làm cho màn ảnh rạng rỡ tươi sáng hẳn lên.
Đó là cái sức mạnh mà tôi từng luôn luôn cảm thấy ở trong anh. Nhưng trên màn ảnh kia nó rộng lớn hơn, có mục đích hơn, và không một ai không bị cuốn hút. Anh bắt đầu bộ phim là một cậu bé mười sáu tuổi và phi ngựa mất hút sau các ngọn đồi ở cuối phim lúc hai mươi lăm. Suốt cả bộ phim, tôi không hề có lúc nào nhớ ra được là thực sự ra tuổi anh đã xấp xỉ gấp đôi chừng ấy.
Đèn bật sáng. Tôi ngả người trên thành ghế, thở dài. Tôi lục túi tìm thuốc lá, người vẫn rạo rực vì bộ phim. Tôi châm lửa, hít sâu một hơi khói. Cơn kích động tràn xuống đùi tôi. Hình như vẫn còn thiếu thiếu một cái gì đó, tôi mang máng cảm thấy như vậy. Rồi tôi thấy hai đùi mình nóng rực. À, thấy ra rồi.
Tôi nhìn Phôn Enxtơ:
- Ngoài cái cảnh ngắn về cô chủ nhà chứa ở Niu Olind và con gái thằng cha vượt ngục, bộ phim không còn một người đàn bà nào thì phải.
Phôn Enxtơ mỉm cười.
- Trong một phim miền Tây có đôi ba thứ người ta không đưa vào. Đàn bà là một.
- Tại sao thế?
- Bởi vì mọi người trong ngành cảm thấy là cần phải giữ vững cái hình tượng một người đàn ông trong sạch và mạnh mẽ. Nhân vật chính có thể phạm mọi tội lỗi, trừ cái khoản gian dâm.
Tôi bật cười, đứng dậy.
- Xin lỗi vì tôi đã hỏi tò mò. Thế nhưng tại sao các ông không ghép lời phim như đã ghép nhạc? Tại sao phải làm tất cả mọi cái từ đầu?
- Tôi mong giá như chúng tôi có thể làm thế được! - Phôn Enxtơ đáp. - Nhưng tốc độ chiếu của phim câm khác với phim nói. Phim nói được chiếu ở tốc độ của lời nói, còn phim câm thì đi nhanh hơn nhiều, phụ thuộc vào phụ đề đối thoại, có nhiều cảnh hơn để miêu tả câu chuyện.
Tôi gật đầu. Thuần túy kỹ thuật mà nói, ông này có lý. Giống như tất cả những thứ khác ở trên đời này, công việc của ngành này cũng có một thứ kỹ thuật riêng của nó và nó bắt đầu làm tôi cảm thấy hay hay. Không có kỹ thuật, thì toàn bộ trò này sẽ không thể tồn tại được.
- Quay lại khách sạn với anh. Anh muốn bàn thêm với em một vài thứ nữa.
Tôi thấy mắt Raina đột nhiên hiện lên một ánh đề phòng. Em liếc nhìn Phôn Enxtơ, rồi quay sang tôi.
- Đã gần bốn giờ sáng rồi, - em nói nhanh, - và em nghĩ có lẽ ta làm thế đã là đủ. Giờ phải có Nêvađa vào nữa.
- Được thôi. - Tôi đáp dễ dàng. - Em đưa anh ấy tới khách sạn vào sáng mai. Tám giờ, được không?
- Tám giờ được đấy.
- Tôi có thể đưa ông về khách sạn, ông Cođơ ạ. - Phôn Enxtơ hăm hở nói.
Tôi liếc nhìn Raina. Em kín đáo lắc đầu.
- Cám ơn ông, Raina có thể cho tôi đi nhờ trên đường cô ấy về.
Raina lặng lẽ suốt đường về. Mãi đến khi ô tô đỗ lại trước khách sạn, em mới nói:
- Phôn Enxtơ đang tìm người để chung chăn gối đấy. Ông ấy đang lo. Trước kia chưa bao giờ ông ấy làm phim nói cả, và ông ấy muốn làm bộ phim này. Nó là một bộ phim rất tuyệt, và nếu nó thành công, ông ta lại có uy tín vững vàng ngay.
- Như vậy em muốn nói là ông ta đang bị lao đao à?
- Mọi người ở Hôliút đang biết thế. Từ Gabô đến Ginbớt trở xuống. Không ai dám chắc phim nói sẽ có ảnh hưởng đến nghề mình như thế nào. Em nghe đồn rằng giọng của Giôn Ginbơt tồi đến nỗi hãng MGM đã thôi không ký với anh ta hợp đồng đóng một bộ phim mới nữa.
- Thế giọng Nêvađa thì sao?
- Tốt. Rất tốt. Hôm nọ chúng em đã thử âm rồi.
- Tốt. Thế là đỡ lo đi một việc.
- Anh có định làm không? - Em hỏi.
- Nếu anh làm thì anh được cái gì nào? - Tôi vặn lại.
- Anh có thể kiếm được rất nhiều tiền.
- Anh không cần cách này. Dù sao anh cũng làm ra được rất nhiều tiền.
Em đưa mắt nhìn sang tôi, giọng lạnh nhạt.
- Anh chẳng thay đổi chút nào nhỉ?
Tôi lắc đầu.
- Không. Mà tại sao anh lại phải thay đổi cơ chứ? Đã có ai thay đổi nào? Em ư? - Tôi với tay cầm lấy tay em. Nó lạnh như băng. - Để đưa được Nêvađa ra khỏi cảnh này, liệu em đã sẵn sàng hy sinh đến mức nào?
Mắt em nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Em sẽ hy sinh mọi cái em có, nếu như nó giúp được việc.
Lòng tôi đột nhiên buồn hẳn. Không biết có bao nhiêu người nói như vậy trong trường hợp phải hy sinh vì tôi? Ngay lúc này đâu, tôi không thể tính ra tên ai được. Tôi rời tay Raina, bước ra khỏi xe. Em cúi người ngó theo:
- Thế nào, Giônơx, anh đã quyết định chưa?
- Chưa. - Tôi đáp chậm rãi. - Còn nhiều cái nữa anh cần phải biết.
- Ôi! - Em thốt lên, thất vọng thả người vào thành ghế.
- Nhưng đừng có buồn. Nếu anh làm, em sẽ là người đầu tiên anh mò tới đòi đền bù công lao đấy.
Em ra hiệu cho người tài xế. Anh ta nổ máy, cài số.
- Là người hiểu anh, - em lặng lẽ nói, -em sẽ không bao giờ chờ đợi rằng anh sẽ nói điều khác.
Chiếc xe đi khuất. Tôi quay người, bước vào khách sạn. Tôi lên phòng mình, mở cái bản thảo. Nó làm tôi mất một tiếng rưỡi mới đọc xong. Mãi đến gần sáu giờ sáng, tôi mới nhắm được mắt.

6

Chuông điện thoại réo vang ngay cạnh đầu tôi. Tôi lắc đầu cho đỡ ngái ngủ, nhìn đồng hồ. Mới hơn bảy giờ có mấy phút. Tôi cầm lấy ông nghe.
- Ông Cođơ đấy ạ? - Tôi là Phôn Enxtơ đây. Tôi xin lỗi vì đã quấy rầy ông sớm như vậy. Nhưng tôi đang ở dưới hành lang với ông Noman. Chúng tôi cần phải gặp ông trước khi gặp ông Nêvađa. Điều này quan trọng lắm ạ.
- Noman là ai thế? - Tôi hỏi, vẫn còn phải cưỡng lại cơn buồn ngủ.
- Ông Bơny B. Noman của hãng phim Noman. Đấy là hãng sẽ phát hành bộ phim đó. Ông Noman cảm thấy mình sẽ có ích cho ông việc thỏa thuận được một hợp đồng tốt với Nêvađa đấy ạ.
- Làm sao tôi lại cần sự giúp đỡ cơ chứ? Tôi đã biết Nêvađa suốt cả đời mình rồi.
Giọng ông ta thì thào bí mật:
- Nêvađa thì không sao ạ, thưa ông Cođơ. Nhưng lão đại lý của anh ấy, Đan Piơx là một thằng cha rất ghê gớm. Ông Noman chỉ muốn cung cấp cho ông một số điểm trước khi ông cò kè với lão ấy thôi.
Tôi với lấy điếu thuốc. Phôn Enxtơ đã không để phí thời gian. Ông ta đã chạy bổ tới chủ của mình ngay sau khi đã đánh hơi được món tiền của tôi. Tôi không hiểu bọn họ muốn gì, nhưng chắc chắn là điều ấy sẽ không hề đem lại lợi ích cho Nêvađa.
- Xin chờ ở dưới đó cho đến lúc tôi mặc xong quần áo. Tôi sẽ gọi điện lại.
Tôi đặt ống nghe xuống, châm thuốc. Cái bìa xanh của bản thảo đập vào mắt tôi.Tôi lại cầm ống nghe lên: nói với cô tổng đài số điện thoại của Tony Mêrôni ở nhà riêng dưới thung lũng.
- Xin lỗi đã đánh thức bác, bác Tony ạ. Giônơx đây.
Giọng dịu dàng của ông bật cười khe khẽ trong ống nói.
- Không sao cả, anh Giônơx ạ. Tôi vẫn dậy sớm đấy. À nhân tiện, chúc mừng anh đã lấy vợ nhé!
- Cảm ơn bác! - Tôi nói như máy, đột nhiên mới nhận ra rằng chưa hề nghĩ tới Mônica từ khi đến thành phố. - Có phải các bác đã chi tiền cho bộ phim mới của Nêvađa không?
- “Thằng phản bội” ấy à?
- Vâng.
- Có, chúng tôi đã chi tiền. - Ông đáp.
- Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Một bộ phim tốt. Nếu nó là phim nói thì còn có thể gặp may hơn rất nhiều nữa. Nhưng dù sao, nó cũng là một bộ phim tốt.
- Nếu bác nghĩ nó tốt, tại sao bác lại đòi tiền về?
- Để tôi hỏi anh một câu trước đã, Giônơx. Chính xác thì là anh quan tâm tới cái gì?
- Tôi cũng chưa biết nữa. - Tôi đáp thẳng. - Nêvađa là bạn tôi. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với anh ấy. Tại sao bác lại đòi tiền về?
- Anh đã biết bọn tôi làm ăn thế nào rồi đấy. - Ông giải thích. - Chúng tôi cho Xmith vay tiền trên cơ sở đồ ký quỹ của anh ấy cộng với sự bảo đảm của Hãng điện ảnh Noman. Bây giờ Noman cần ngân khoản để làm lại mấy bộ phim nào đó của mình, ông ta rút sự bảo đảm của ông ta đi. Như vậy tự động là chúng tôi phải đòi tiền về.
Vậy không ngạc nhiên gì khi Phôn Enxtơ và Bơny Noman đang ở dưới hành lang chờ gặp tôi. Bọn họ không muốn có bất kì ai xen vào việc họ đang thao túng Nêvađa.
- Chính xác thì cái gì đã xảy ra với Nêvađa?
- Nếu anh ta không trả được nợ thì chúng tôi sẽ đình bộ phim lại, rồi tất cả đồ ký quỹ của anh ta sẽ được chuyển sang ngân khoản thứ ba để làm bằng. Rồi chúng tôi sẽ thanh toán trừ dần đến khi chúng tôi lấy lại được hết nợ.
- Rồi các bác định làm gì với bộ phim? Vứt nó vào sọt rác?
- Ồ, không. - Ông ta bật cười khẽ. - Chúng tôi sẽ chuyển nó cho Bơny để phát hành. Như thế để tạo cơ hội cho Bơny lấy lại được tiền. Ông ta bỏ ra đâu khoảng bốn trăm nghìn cho nó. Khi ông ta đã lấy đủ tiền, số dư sẽ chuyển sang trả cho chúng tôi. Khi chúng tôi lấy hết nợ, còn bao nhiêu sẽ chuyển cho Xmith.
Toàn bộ câu chuyện bắt đầu sáng dần ra. Đến khi có tý tiền nào đến được tay Nêvađa thì anh cũng đã sạt nghiệp cả.
- Khả năng tiền dư thế nào? - tôi hỏi.
- Ít có lắm. Theo hợp đồng hiện nay, tiền thu được theo chi phí phát hành thấp lắm và tiền của Nêvađa sẽ phải bỏ ra đầu tiên. Khi chúng tôi nắm lấy bộ phim, thì chi phí sẽ tăng lên gấp ba và Nêvađa sẽ nhận được tiền cuối cùng.
- Thế ai bỏ túi cái khoản thu được ấy? Ngân hàng à?
Môrôni lại bật cười.
- Tất nhiên là không, Bơny lấy. Ông ta là người phát hành mà!
Tôi giờ đã hiểu. Hai thằng cha dưới nhà kia đang định làm một món hời to. Vắt kiệt Nêvađa.
Theo cách ấy, hầu như chẳng bỏ ra cái gì mà chúng có thể thu được một đống tiền to sụ. Không hiểu đại lý của Nêvađa ranh ma quỉ quái thế nào mà lại để anh chui đầu vào một cái bẫy như vậy?
- Xin hỏi thêm một câu nữa, bác Tony ạ, rồi tôi sẽ không dám phiền bác nữa. Phải cần bao nhiêu tiền để làm “Thằng phản bội” trở thành một phim nói?
Mêrôni im lặng một thoáng.
- Để xem nào, - ông nói, - cảnh vẫn còn, quần áo vẫn còn. Như vậy là đỡ đi một nửa. Có lẽ độ một triệu nữa, may ra có thể kém hơn.
- Liệu nó có đáng làm không?
Ông ngập ngừng.
- Tôi thường không dám liều đưa ra ý kiến về phim ảnh. Nhiều cái bất ngờ xảy ra lắm.
- Lần này thì bác cứ liều đi! Tôi đang cần nghe được ý kiến của một người ngoài cuộc, không có mục đích riêng của mình ở trong đấy.
- Theo tất cả báo cáo mà tôi có, đây là một canh bạc lớn đáng chơi đấy.
- Cám ơn bác. - Tôi nói. - Bây giờ phiền bác giúp tôi việc này. Dừng mọi việc liên quan đến việc rút tiền về cho đến khi tôi nói chuyện với bác trong ngày hôm nay. Có thể tôi sẽ bước vào đảm bảo thay cho chỗ của Noman đấy.
- Nhưng sau đó anh vẫn còn phải bỏ ra một triệu nữa đấy.
- Tôi hiểu. Nhưng tay tôi còn vững lắm. Vẫn có thể luôn luôn ký thêm được một tấm séc nữa.
Mêrôni cười thoải mái. Chúng tôi chào tạm biệt nhau. Ông không hề lo lắng gì cả. Ông biết rằng tôi có thể thanh toán được dễ dàng từ cái khoản đưa trước của các công ty đã mua bằng sản xuất khuôn dẻo của tôi. Các chủ ngân hàng bao giờ cũng sẵn sàng cho ta vay tiền, bao nhiêu cũng được, chừng nào ta còn đủ đồ kỹ quỹ cho họ.
Tôi vừa đặt ống nghe xuống thì nhìn đồng hồ. Đã gần bảy rưỡi. Người mệt đờ ra. Tôi nhặt ống nghe lên rồi lại đổi ý. Kệ mẹ chúng nó. Nếu chúng muốn gặp tôi thì chúng cứ việc chờ.
Tôi đi vào buồng tắm.
Trong khi tôi đang đứng dười vòi hoa sen, chuông điện thoại ba lần réo vang. Tôi đứng sững dưới làn nước, để cho nó âm ấm ngấm vào da tôi và rửa sạch mọi nỗi mệt nhọc. Khi tôi ra khỏi buồng tắm, thì đã gần tám giờ và một lần nữa điện thoại lại réo vang.
Phôn Enxtơ đang nói. Giọng ông ta thì thào bí mật:
- Nêvađa, đại lí của anh ta và Raina đang lên đấy! Họ không nhìn thấy bọn tôi.
- Tốt! - Tôi đáp.
- Nhưng chúng ta sẽ gặp nhau như thế nào?
- Tôi cho rằng có lẽ muộn mất rồi. - Tôi nói trơn tuột. - Tôi đành phải liều xoay xở với lão đại lý của Nêvađa vậy. Bảo hộ với ông Noman của ông rằng tuy vậy tôi cũng đánh giá cao ý định muốn giúp tôi của ông ta. Nếu có gì cần, tôi sẽ gọi điện cho ông ấy.
Tôi nghe thấy tiếng ông ta há hốc mồm choáng váng lúc tôi bỏ máy xuống.
Tôi phì cười, không biết ông ta sẽ ăn nói ra sao với ông chủ của mình bây giờ. Mặc xong quần, tôi vừa với tay lấy một cái áo sơmi thì nghe thấy tiếng gõ cửa.
- Cứ vào, - tôi réo lên từ trong phòng ngủ. Có tiếng cửa ra vào mở. Tôi cài xong khuy áo. Đưa mắt tìm đôi giày, tôi thấy nó ở bên kia giường. Chả tội gì phải phí sức đi vòng sang lấy, tôi bước ra phòng khách, chân đi đất.
Raina đã ngồi trên cái đi-văng lớn. Nêvađa và một người đàn ông nữa đang đứng giữa phòng. Một nụ cười từ từ nở trên khuôn mặt Nêvađa. Anh chìa tay ra.
- Chào Giônơx. - anh nói thân thiết.
Tôi lập cập vụng về cầm lấy tay anh. Thật buồn cười khi bắt tay anh như với một người lạ thế này.
- Anh Nêvađa.
Khóe mắt anh có những nếp nhăn mệt mỏi nho nhỏ. Nhưng chỉ một thoáng sau, chúng đã biến mất khi anh ngẩng lên nhìn mặt tôi.
- Chú càng ngày càng giống ông già chú quá hà!
- Nom anh cũng mạnh khỏe tươi tắn lắm. Anh kiếm đâu ra mấy thứ sặc sỡ diêm dúa này vậy?
Mặt anh thoáng lộ vẻ ngượng.
- Cái trò nó phải vậy đó. Anh phải ăn vận như thế. Đám nhóc nó thích thế mà. - Anh đưa tay lục trong túi, vẫn cử chỉ quen thuộc, rồi lôi ra một gói thuốc lá quấn. Anh bắt đầu quấn một điếu thuốc. - Anh đã đọc được ở trên báo nhiều chuyện về chú lắm. Bay từ Paris và Lôx Angiơlex này, lấy vợ này... Cô ấy đi cùng chú chứ?
Tôi lắc đầu.
Anh ranh mãnh liếc nhìn tôi. Trong một thoáng ấy, tôi đã hiểu ra ngay rằng anh biết được chuyện gì đã xảy ra giữa Mônica và tôi. Anh có thể nhìn thấu lòng tôi như đọc một cuốn sách. Tôi không bao giờ có thể giấu nổi anh điều gì.
- Tồi thật! - anh thốt lên. - Anh đã mong được gặp cô ấy!
Tôi nhìn sang người đàn ông kia để thay đổi câu chuyện. Nêvađa cũng nhanh chóng trấn tĩnh được.
- Ồ, đây là ông Đan Piơx, đại lý của anh.
Chúng tôi bắt tay nhau rồi tôi đi ngay vào chuyện.
- Tối qua em đã xem bộ phim của anh. Em thích nó lắm. Thật không hay là anh phải làm lại từ đầu.
- Anh đã đồ rằng phim nói sẽ không sống lâu được! - Nêvađa đáp.
- Chuyện không phải hoàn toàn chỉ có thế! - Piơx cáu kỉnh xen vào. Ông ta quay sang tôi. - Nêvađa muốn có một phim câm, đúng vậy. Nhưng đến khi chúng tôi bắt đầu quay, anh ấy đã nhận thấy là mình nhầm. Khi đó chúng tôi đã cố chuyển nó sang phim nói nhưng không được.
- Tại sao thế?
- Noman không cho chúng tôi làm. - Piơx đáp. - Ông ta lúc ấy chỉ có một sàn quay phim nói và đang dùng cho bộ phim của ông ta. Ông ta khăng khăng bảo chúng tôi phải quay ngay nếu không sẽ rút vốn bảo đảm.
Thế là đã rõ hoàn toàn. Cả câu chuyện ngay từ đầu đã là một trò xỏ lá. Tôi nhìn Nêvađa. Tôi không hiểu nổi. Anh là một tay chơi bài cao tay hơn thế này nhiều.
Nêvađa lại đọc được những ý nghĩ của tôi.
- Anh biết chú đang nghĩ gì. Chú nhỏ ạ. - Anh nói nhanh. - Nhưng anh rất muốn làm bộ phim đó. Nó nói lên được một điều gì đó mà tất cả những trò giả dối anh đã từng đóng không bao giờ nói lên được, dù chỉ là gần như thế.
- Thế còn Noman? Tại sao họ không ứng trước tiền cho anh quay xong bộ phim?
- Họ cũng đã cạn tiền. - Nêvađa đáp. - Chính vì vậy mà ngân hàng mới rút vốn về.
- Trò bịp! - Piơx lại phát khùng. - Chúng ta bị chơi đểu. Bơny Noman ngầm với ngân hàng rút vốn về và ngân hàng đưa bộ phim cho hắn. Hắn sẽ ăn ngon như ăn kẹo, chỉ tốn khoảng một phần ba số tiền đáng lẽ phải bỏ ra mà vẫn có bộ phim.
- Thê làm lại phim từ đầu thì tốn bao nhiêu? - Tôi hỏi.
Nêvađa nhìn tôi.
- Độ chừng một triệu.
- Cộng thêm cả số tiền ngân hàng đang đòi. - Piơx nói thêm rất nhanh.
Tôi quay sang ông ta.
- Ông vẫn để Noman phát hành phim chứ?
Ông ta gật.
- Hẳn rồi. Họ đã ký một cái hợp đồng mười ngàn về nó và nếu nó là phim nói, không một rạp nào bỏ đâu.
- Còn nếu nó là phim câm?
- May ra thì được ngàn rưỡi. Rạp nào cũng chuộng phim nói cả.
- Anh nghĩ em phải làm gì bây giờ?
Nêvađa lưỡng lự một thoáng, rồi đưa mắt nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Nếu anh là chú, thì anh sẽ không làm, - anh đáp thẳng thắn, - chú có thể lỗ to!
Tôi nhìn thấy ánh mắt của Piơx loáng sang nhìn Nêvađa. Đầy bực tức nhưng lộ rõ một vẻ kính trọng là lạ. Đối với Piơx, tôi cũng chỉ là một nguồn khác để rút ruột. Nhưng cũng khá tinh khi nhận thấy tôi là một cái gì đó còn hơn thế đối với Nêvađa.
Tôi lặng lẽ nhìn anh một thoáng, rồi quay đi, nhìn Raina đang ngồi trên đi-văng. Mặt em bình thản không để lộ điều gì cả. Chỉ có cặp mắt van vỉ.
Tôi quay lại phía Nêvađa.
- Em sẽ nhảy vào, - tôi đáp, - nhưng phải có một điều kiện. Em sẽ mua lại của anh bộ phim đó và nó sẽ trở thành của em, Và khi ta quay lại bộ phim, nó sẽ được quay theo cái cách em muốn. Sẽ không có bàn bạc tranh cãi gì cả. Mọi người được bảo thế nào thì làm theo thế ấy. Kể cả anh. Nếu anh chơi trò phóng tay thì ít nhất cũng phải để em cầm bài!
Nêvađa gật đầu. Anh đã quá quen nghe thấy ba tôi nói những lời như vậy. Và anh cũng đã từng là người dạy tôi rằng cần phải luôn nhảy vào cuộc khi thấy tiền đặt đã lên cao.
- Nhưng ông đã biết gì về chuyện làm phim nào? - Piơx hỏi.
- Không hề biết gì cả. - Tôi đáp. - Nhưng xin hỏi lại: ông đã biết những ai từng làm phim nói rồi nào?
Piơx đờ người. Mắt ông ta dần dần vụt hiểu. Tôi nói đúng. Đây là một lĩnh vực mới. Không hề có ai kì cựu cả. Tôi quay sang Nêvađa.
- Thế nhé?
- Anh cũng không biết nữa. - Anh nói chậm rãi. - Anh để chú liều vậy. Anh cũng không còn gì để mất nữa.
- Anh nhầm! - Piơx nói nhanh. - Nếu bộ phim chẳng ra gì, thì cái nghề diễn viên của anh cũng đi đời!
Nêvađa mỉm cười với ông ta.
- Trước đây tôi làm ăn cũng không đến nỗi mèng lắm. Tôi cũng đã già tới cái mức không cần để ý lo lắng mình rồi sẽ đâm vào đâu.
- Thế nhé, anh Nêvađa?
Anh chìa tay ra. Những nếp nhăn mệt mỏi ở khóe mắt anh đột nhiên giãn ra, anh lại trẻ lại.
- Đồng ý, Giônơx Con ạ!
Tôi bắt tay anh rồi bước đến máy điện thoại. Tôi gọi cho Mêrôni ở ngân hàng.
- Bác thảo giấy tờ chuyển khoản nợ sang cho Công ty thuốc nổ Cođơ. - tôi nói.
- Chúc anh may mắn, Giônơx ạ! - Ông ta cười khùng khục. - Tôi đã có cảm giác là anh sẽ làm việc này mà.
- Thế thì bác biết hơn tôi đấy.
- Nhà băng giỏi thì phải vậy chứ!
Tôi gác ống nói và quay lại với mấy người ở trong phòng.
- Bây giờ, việc đầu tiên tôi làm là thải ngay Phôn Enxtơ.
Nêvađa choáng váng ngạc nhiên.
- Nhưng Phôn Enxtơ là một trong những đạo diễn giỏi nhất, - anh phản đối, - ông ấy đạo diễn tất cả những phim tôi đóng. Ông ấy phát hiện ra tôi đấy!
- Ông ta là một thằng khốn khiếp. Nghĩ rằng anh đang gặp khó khăn là ông ta liền bán đứt anh ngay. Sáng hôm nay lúc bảy giờ ông ta đã mò đến đây cùng với Bơny Noman. Hai thằng cha muốn khuyên bảo tôi đừng mất tiền. Tôi đã không nói chuyện với chúng.
- Nào, giờ thì may ra anh mới tin lời tôi bảo là có Bơny đứng ở đằng sau cái trò bóp chẹt ấy nhé! - Piơx nói.
- Thích hay không thích, anh Nêvađa ạ, - Tôi nói. - chúng ta đã thỏa thuận rồi. Đây là phim của tôi, và những gì tôi nói là phải được thực hiện.
Anh lặng lẽ gật đầu.
- Việc thứ hai tôi muốn là ông Piơx sẽ thu xếp cho tôi ba ngày tới đây xem được càng nhiều phim nói càng tốt. Rồi nghỉ cuối tuần, tôi sẽ đưa tất cả bay xuống Niu Yooc. Chúng ta sẽ bỏ ra ba bốn ngày gì đó đi đến các rạp hát. Biết đâu ta có thể kiếm được một đạo diễn sân khấu trong khi ở đó. Để rồi xem. - Tôi dừng lại, châm thuốc và đột nhiên nhìn thấy vẻ mặt Nêvađa đã thay đổi. - Anh cười gì thế?
- Tôi đã bảo mà, chú càng ngày càng giống ông già chú quá!
Tôi nhoẻn lại cười với anh. Đúng lúc ấy, người phục vụ đem bữa điểm tâm sáng vào.
Nêvađa và Piơx vào buổng tắm rửa mặt, còn lại Raina và tôi.
Một vẻ dịu dàng hiện lên trên mặt em.
- Nếu anh bỏ cái tính ích kỷ của anh đi, - em nói khẽ, - thì em nghĩ anh có thể trở thành một con người được đấy!
Tôi nhìn thẳng vào Raina.
- Đừng có cố bịp anh. Cả hai chúng ta đều biết tại sao anh lại làm thế. Em và anh đã thỏa thuận đêm qua rồi!
Vẻ dịu dàng trên mặt em tan rất nhanh.
- Anh muốn em làm cho anh ngay bây giờ ư?
Nghe giọng nói tôi biết mình đã làm tổn thương đến em, tôi mỉm cười.
- Anh có thể đợi được.
- Em cũng vậy. Mãi mãi đợi cũng được, nếu như phải thế.
Đúng lúc ấy, điện thoại réo chuông.
- Cầm máy cái! - tôi nói.
Raina nhấc ống nghe lên, tôi nghe thấy một giọng léo nhéo trong một chốc. Rồi Raina chìa nó cho tôi.
- Vợ anh gọi.
- Alô, chào em Mônica!
Giọng trong máy nghẹn lại vì tức.
- Công việc. - Mônica hét lên. - Và khi tôi gọi anh, một con đĩ rẻ tiền nào đó lại trả lời! Tôi cho rằng anh sẽ bảo với tôi rằng đấy là mẹ kế của anh chứ gì!
- Đúng thật thế!
Một tiếng “Cạch” cáu kỉnh vang lên trong máy, rồi ống nghe chết lặng trong tay tôi. Tôi nhìn xuống nó một hồi lâu, rồi bật cười.
Mọi cái đều đúng hết sức.
Và cũng sai hết sức.

7

Qua cửa sổ, tôi nhìn ra sân bay. Năm bảy chiếc máy bay đang xếp hàng khởi động, ba chữ cái ICA màu đỏ, trắng và xanh quấn vào nhau ở bên sườn, ở dưới cánh chúng. Tôi lại nhìn xuống bản thiết kế, rồi ngẩng lên nhìn người kỹ sư.
Anh chàng Morixây này còn rất trẻ, trẻ hơn cả tôi nữa. Anh ta đã tốt nghiệp trường M.I.T, chuyên ngành thiết kế và kỹ thuật hàng không. Anh ta không phải là phi công. Anh ta thuộc một thế hệ mới, thế hệ đi bộ trên không. Đề nghị của anh ta rất mới. Một cái máy bay cánh đơn, hai động cơ, có thể nâng hầu như bất kỳ một vật gì lên không trung.
Anh chàng kéo cái kính trễ hơn xuống mũi.
- Thưa ông Cođơ, theo như tôi thấy, - anh ta nói bằng cái giọng chính xác của mình, - thì bằng cách làm cánh sâu thêm, chúng ta sẽ có được sức nâng ta cần và cũng tăng được khả năng chứa nhiên liệu. Cộng thêm vào đó, ta tạo thêm được cái lợi cho tầm quan sát trực tiếp của phi công.
- Cái mà tôi quan tâm là sức chở và tốc độ. - Tôi nói.
- Nếu tính toán của tôi mà đúng, - Morixây nói - thì chúng ta có khả năng chở được hai mươi người cộng thêm phi công chính và phi công phụ, ở tốc độ hành trình khoảng hai trăm năm mươi dặm một giờ. Nó có thể bay liền sáu tiếng mới lấy dầu thêm.
- Ông định nói rằng ta có thể bay từ đây đến Niu Yooc mà chỉ đỗ có một lần xuống Chicagô thôi ư? - Băz nghi ngờ hỏi. - Tôi không tin!
- Đấy là tính toán của tôi chỉ ra thế, thưa ông Đantơn. - Morixây nhã nhặn đáp.
Băz nhìn tôi.
- Cậu có thể quăng tiền của cậu vào những kế hoach vớ vần kiểu này. Còn tớ thì xin kiếu. Tớ đã trải qua quá nhiều những ước mơ tàu bay giấy như thế này rồi.
- Chế tạo cái đầu tiên mất độ bao nhiêu? - Tôi hỏi Morixây.
- Bốn đến năm trăm ngàn. Sau khi đã khắc phục được các lỗi kỹ thuật, ta có thể sản xuất với giá hai trăm năm mươi ngàn một cái.
Băz cười khan khan.
- Nửa triệu một cái máy bay? Có mà là phát rồ! Không bao giờ đủ lại được vốn!
Vé tàu hỏa hạng nhất từ bờ biển này tới bờ biển bên kia nước Mỹ là bốn trăm đôla. Đi gần hết bốn ngày đêm. Cộng thêm ăn uống nữa, mỗi người phải mất hơn năm trăm đôla. Một cái máy bay như thế này có thể chở mỗi chuyến trị giá bảy ngàn, cộng thêm quyền chở thư nữa, thành ra tám ngàn rưỡi. Bay mỗi tuần năm chuyến, thì chưa đầy hai mươi tuần chúng tôi đã thu về đủ chi phí, cộng thêm cả chi phí sử dụng. Từ đó trở đi thì mọi cái sẽ lên như diều. Ồ, thậm chí chúng tôi có thể cho ăn không mất tiền trên máy bay ba bữa nữa.
Tôi nhìn đồng hồ. Đã gần chín giờ. Tôi đứng dậy.
- Tôi phải về xưởng phim đây. Hôm nay họ sẽ quay cảnh đầu tiên.
Mặt Đantơn đỏ ửng lên vì tức.
- Bỏ cái trò đó đi, Giônơx. Quay về công việc làm ăn thôi. Suốt một tháng trời rưỡi rồi, cậu cứ chúi mũi vào cái xưởng phim chó chết ấy. Sau khi cậu bỏ được cái bộ phim khốn nạn ấy thì ta phải xoay ngay xem có cái máy bay nào làm không. Nếu ta không làm một kiểu mới, cả cái ngành hàng không sẽ vượt lên trên đầu ta mất.
Tôi chằm chằm nhìn anh chàng, không cười.
- Về mặt tớ mà nói, thì ta đã có một chiếc rồi!
- Cậu không đùa... - anh ta thốt lên kinh ngạc. - Cậu không... cậu định nói là ta thử liều với cái này chứ?
Tôi gật đầu, rồi quay sang với Morixây.
- Anh có thể bắt đầu chế tạo cái máy bay này ngay!
- Hượm đã! - Băz nói gọn lỏn. - Nếu cậu nghĩ là hãng I.C.A sẽ chi tiền, thì cậu điên rồi. Đừng có quên là tớ có một nửa số vốn.
- Và công ty thuốc nổ Cođơ có một nửa. Công ty thuốc nổ Cođơ còn giữ hơn nửa triệu đôla vốn cược bằng máy bay của hãng I.C.A, phần lớn số đó đều đã quá hạn cả. Nếu tớ đòi, thì kết cục là tớ sẽ chiếm cả cái công ty I.C.A này.
Anh chàng cáu kỉnh nhìn tôi một thoáng, rồi toét miệng cười.
- Đáng lẽ tớ phải mở mắt ra hơn. Khi tớ mất cho cậu cái Oacơ là đáng nhẽ tớ phải mở mắt ra hơn, Giônơx ạ!
Tôi mỉm cười lại.
- Cậu là một phi công tuyệt diệu Băz ạ. Cậu cứ chúi mũi vào việc bay lượn đi, còn để phần tính toán làm ăn cho tớ lo. Tôi sẽ làm cho cậu giàu sụ.
Anh chàng rút một điếu thuốc lá.
- Ôkê, - anh nói thoải mái, - nhưng tớ vẫn cứ nghĩ rằng cậu điên khi làm cái máy bay ấy đấy, không khéo ta mất béng cả váy với nó đấy!
Tôi không trả lời khi tôi và Morixây đi ra xe. Giải thích cho Băz về những quy tắc đơn giản về ngân khoản thì cũng vô ích.
Hãng I.C.A sẽ đặt mua hai mươi chiếc máy bay này từ công ty máy bay Cođơ. Rồi hai công ty này sẽ cược động sản của chúng cho công ty thuốc nổ Cođơ. Sau đó thuốc nổ Cođơ sẽ thanh toán số đó ở ngân hàng trước thời hạn, thậm chí trước cả khi những cái máy bay được làm ra. Tình thế tồi nhất có thể xảy ra, nếu như cái máy bay không tốt, là Công ty thuốc nổ Cođơ sẽ bớt được một khoản thuế lớn.
Tôi chui vào ô tô.
- Chúc bộ phim gặp may nhớ! - Băz thét với theo khi chiếc xe rồi máy chạy đi.
Tôi rẽ vào cái cổng lớn của xưởng phim Noman. Anh chàng gác cổng ló đầu ra khỏi chòi gác rồi vẫy tay bảo tôi cứ đi.
- Chào ông Cođơ ạ. Chúc ông may mắn!
Tôi mỉm cười, lái xe tới chỗ đó. Một cái biển nhỏ cắm ở đó: ÔNG COĐƠ. Họ không quên một cái trò nào khi phải quỵ lụy rút được tiền. Trong phòng ăn của ban giám đốc có một cái bàn dành riêng mang tên tôi. Tôi được hẳn một biệt thự riêng với một dãy văn phòng, hai thư ký, một tủ rượu đầy ăm ắp, một tủ lạnh chạy điện, một nhà vệ sinh và nhà tắm riêng, một phòng thay quần áo, một phòng họp, hai văn phòng cho thư ký cạnh phòng riêng của tôi.
Tôi vào lối cửa sau của biệt thự, đi thẳng tới văn phòng. Chưa kịp ngồi nóng chỗ thì một trong hai thư ký xuất hiện. Cô ta đứng trước bàn tôi, nom ra dáng được việc lắm với cuốn sổ tay và cái bút chì.
- Xin chào ông Cođơ, - cô ta tươi tỉnh nói, - ông có đọc gì để tôi ghi lại ạ?
Tôi lắc đầu. Có lẽ đến phút này thì cô ta đã hiểu ra hơn. Năm tuần vừa qua, sáng nào cũng như thế này. Tôi không viết gì cả - điện, ghi nhớ, chỉ dẫn... Nếu tôi muốn viết cái gì, tôi gọi Mac Alixtơ. Luật sư là chỉ để thế thôi mà.
Chuông điện thoại trên bàn tôi khẽ réo. Cô ta nhặt lên.
- Văn phòng ông Cođơ đây. - Cô ta lắng nghe một thoáng, rồi quay sang tôi:
- Họ đã diễn tập xong ở sân khấu số 9. Và đã sẵn sàng quay cảnh đầu tiên. Họ muốn biết ông có đến đó không ạ.
Tôi đứng dậy.
- Bảo họ là tôi đến đấy.
Sân khấu số 9 ở đầu kia của trường quay. Chúng tôi dựng cảnh Niu Olind ở đó bởi tính rằng nó sẽ đỡ ồn hơn, không có những tạp âm ở những sân quay khác vọng đến. Tôi bắt đầu đi như chạy trên các con đường lát gạch, làu bàu chửi đoạn đường xa, cho đến khi nhìn thấy chiếc xe đạp của anh chàng chạy giấy dựng ngoài biệt thự của một người trong ban quản trị. Một giây sau, tôi đã đạp xe như điên trên đường, bỏ lại phía sau tiếng la hét của anh chàng chạy giấy.
Tôi rẽ ngoằng vào sân khấu số 9, suýt nữa đâm sầm vào một người đang mở cửa. Ông ta đứng sững, choáng váng ngạc nhiên nhìn tôi. Đó là Bơny Noman.
- Trời ơi, ông Cođơ, - ông ta thốt lên, - ông không cần phải làm như vậy. Đáng nhẽ ông có thể gọi điện bảo đánh xe đến đưa ông tới đây!.
Tôi ngả chiếc xe vào tường.
- Ông Noman, tôi không có thời giờ. Người ta nói họ sắp sửa bắt đầu. Đây là tiền của tôi và thì giờ của tôi mà họ sắp sửa tiêu tốn.
Họ đang sắp sửa bắt đầu đóng cảnh đầu tiên, khi Macx - lúc ấy là một thanh niên rất trẻ - lần đầu tiên đến gặp cô chủ nhà chứa. Đấy không phải là cảnh đầu tiên của bộ phim, nhưng cái lối làm phim nó là phải như vậy. Người ta thoạt đầu quay tất cả nội cảnh trước, rồi đến ngoại cảnh, Khi tất cả đã quay xong, một người dựng phim sẽ cắt chúng ra, ghép lại theo trật tự cốt truyện.
Diễn viên đóng vai chủ nhà chứa là Xinthiơ Ranđơn - ngôi sao nữ nổi tiếng của Noman. Cô ta được coi là cô đào lẳng lơ nhất trong làng điện ảnh. Đối với cá nhân tôi, tôi chả thấy có tí hấp dẫn gì. Tôi thích đàn bà phải có ngực ra ngực, Hai người phụ trách hóa trang và một thợ uốn tóc đang rối rít lăng xăng bên cạnh cô ta, trong khi cô ta ngồi trước cái bàn phấn là một phần của cảnh.
Nêvađa đang đứng ở góc kia, quay lưng lại phía tôi, nói chuyện với Raina. Đúng khi tôi đi tới chỗ anh, anh quay mặt lại. Sống lưng tôi bỗng lạnh toát: ký ức như dựng lên trước mắt tôi hình ảnh của anh khi tôi còn thơ ấu. Nom anh thậm chí còn trẻ hơn cả khi tôi lần đầu tiên gặp anh. Tôi không biết anh đã làm cách nào, ngay mắt anh cũng là cặp mắt của một chàng trai trẻ.
Anh chậm rãi mỉm cười.
- Ồ, Giônơx Con, thế là ta vào cuộc đấy.
Tôi mỉm cưởi vẫn không rời mắt khỏi anh.
- Ờ, thế là ta vào cuộc đấy.
Một người nào đó thét lên.
- Về chỗ, tất cả!
- Có lẽ nói cả anh đấy! - Nêvađa thốt lên.
Raina ngoảnh mặt vào cảnh quay, mắt nhìn mê mẩn. Một người đàn ông cầm dây cáp hấp tấp đi vụt qua tôi. Tôi né người sang bên để tránh thì suýt nữa đâm vào người khác. Tôi quyết định rút lui khỏi đây trước khi gây thiệt hại gì đó.
Tôi đứng dừng lại ở gần quầy ghi âm. Từ đây có thể nhìn rõ và nghe rõ mọi cái. Bây giờ thì tôi đã hiểu sao làm phim lại tốn đến thế. Cho đến khi quay lần thứ mười một cảnh ấy, tôi bỗng để ý tới anh chàng phụ trách ghi âm trong cái quầy bên cạnh tôi. Anh ta đang cúi rạp người trên bảng điều khiển, tai nghe kẹp chặt bên đầu, tay xoay các núm như điên. Cứ một thoáng, tôi lại thấy môi anh ta mấp máy chửi, tay lại rối rít vặn các nút.
- Máy có trục trặc gì hả? - Tôi hỏi.
Anh chàng ngẩng lên nhìn tôi. Trông cái cách ngó tôi, tôi biết ngay rằng anh chàng không biết tôi là ai.
- Máy chả sao sất cả. - anh ta đáp.
- Chắc cậu đang chán cái gì hả?
- Này, anh bạn. - anh ta nói - Tôi với ông đều cần có chỗ kiếm cơm, phải không?
Tôi gật đầu.
- Khi ông chủ bảo ông bạn làm cho ai đó có bộ mặt thật đẹp vào, ông làm ngay, không hỏi han lôi thôi gì, phải không?
- Đúng vậy. - tôi đáp.
- Đấy, tôi cũng đang cố hết sức. Nhưng tôi không phải là ông trời. Tôi không thay đổi được giọng người!
Tôi trợn mắt nhìn anh ta, điếng người. Tôi đã chỉ tin vào có độc lời Raina nói rằng Nêvađa đã thử giọng thấy ổn cả rồi.
- Anh định nói là giọng của Nêvađa Xmith ư?
Anh lắc đầu.
- Không, - anh ta khinh miệt thốt lên, - anh ấy thì ổn. Mà là con mẹ kia. Nó có cái giọng mũi eo éo đến mức nghe cứ như là vang từ mắt ra ấy!
Anh chàng ghi âm lại quay vào với đám máy móc của mình. Tôi vươn người, giật phắt hai cái tai nghe ra khỏi đầu anh. Anh ta cáu kỉnh quay lại:
- Chơi cái trò chó gì thế hả?
Nhưng tôi đã chụp tai nghe vào đầu mình và anh chàng chỉ có thể trợn mắt nhìn. Nêvađa đang nói. Giọng ang vang lên ấm áp - một giọng tốt. Rồi Xinthiơ Ranđơn nói, và tôi không biết nên tin vào tai hay vào mắt mình.
Giọng cô ta eo éo vang lên khó chịu như tiếng một con mèo gào trên hàng rào sau nhà, không thấy có tí gì là hấp dẫn, là lẳng cả. Nghe mà phát ớn xương sống. Một cái giọng như vậy sẽ làm đi đời nhà ma vẻ khêu gợi lẳng lơ, dù cho nó có ở trong cái nhà chứa khét tiếng nhất Olind. Tôi lột hai cái tai nghe ra, dúi vào tay anh chàng ghi âm đang đứng đớ người.
Tôi đâm bổ ra sân quay. Một người túm lấy áo tôi níu lại: cáu kỉnh, tôi hất bắn tay anh ta ra.
Một giọng thét lên:
- Cắt!
Im lặng đột ngột bao trùm tòa nhà. Mọi người giương mắt nhìn tôi bàng hoàng kỳ quặc.
Tôi uất cả người. Tất cả những gì tôi hiểu là một người nào đó đã chơi xỏ tôi, và tôi không ưa một tí gì cả. Hình như cô đào chính hiểu tại sao tôi lại xô ra đây. Mặt cô ta lộ ra một vẻ đề phòng, trong khi mồm cố nhoẻn cười.
Bơny Noman hấp tấp bước ra sàn quay. Mặt cô ta vụt lóe lên ánh nhẹ nhõm. Và tôi vụt hiểu.
Cô ta bấu lấy cánh tay Bơny. Ông ta quay sang tôi.
- Ông Cođơ, có chuyện gì trục trặc thế?
- Cô ta! - Tôi nói cay nghiệt. - Đưa cô ta ra khỏi sàn quay. Tôi thải cô ta.
- Ông không thể làm thế được, thưa ông Cođơ! - Ông ta thốt lên - Cô ta đã ký một hợp đồng với bộ phim này!
- Có thể là vậy. - Tôi công nhận. - Nhưng không phải với tôi. Cô ta có thể vắt kiệt đến giọt mực cuối cùng của bút của một thằng cha nào đó, chứ nhất định không phải là bút của tôi nhé!
Bơny giương mắt nhìn tôi. Bộ mặt rám nắng dần dần tái đi. Ông ta biết rằng tôi định ám chỉ cái gì.
- Điều này thật bất thường quá! - ông ta phản đổi, - Cô Ranđơn là một ngôi sao rất quan trọng.
- Cô ta có là Đức Mẹ thì tôi cũng mặc xác! - Tôi cất lời, giơ tay ra nhìn đồng hồ, rồi ngẩng phắt lên nhìn ông ta. - Ông được chính xác năm phút để tống cổ cô ta ra khỏi đây ngay, nếu không tôi sẽ cho đình quay bộ phim này và nện cho ông một vố bằng cái đơn kiện lớn nhất ông chưa từng biết!
Tôi ngồi phịch xuống cái ghế bố có gắn tên tôi, ngó quanh cái sàn quay giờ vắng ngắt. Chỉ còn một vài người vật vờ đi lại như những cô hồn trong một bữa tiệc ma. Tôi lại nhìn anh chàng ghi âm, đang mọp người trên bảng điều khiển, cái tai nghe vẫn dính chặt trên đầu. Tôi mệt mỏi nhắm mắt lại. Đã mười giờ tối.
Nghe thấy tiếng chân lại gần, tôi mở mắt. Đó là Đan Piơx. Ông ta đã gọi điện thoại cho các xưởng phim khác, cố hỏi mượn một ngôi sao nữ khác.
- Thế nào? - tôi hỏi.
Ông ta lắc đầu.
- Không xơ múi gì. Hãng MGM không cho ta mượn Gabô. Họ cũng đang có kế hoạch làm một bộ phim nói với cô ta.
- Thế còn Marion Đâyvi?
- Tôi vừa mới gọi điện cho cô ta xong. Cô ta rất thích vai đó nhưng cảm thấy không đóng nổi. Có lẽ ta phải bấu lấy Xinthiơ Ranđơn thôi. Mỗi một ngày ngồi không thế này anh mất béng ba mươi nghìn đấy!
Tôi châm một điếu thuốc, chằm chằm nhìn ông ta.
- Thà tôi dẹp mọi trò lại ngay từ giờ còn hơn để sau bị cười tống ra khỏi rạp và lỗ vốn.
- Có thể ta đưa một diễn viên từ Niu Yooc tới chăng?
- Ta không có thời gian. - Tôi đáp - Mười ngày, ba trăm ngàn.
Đúng lúc ấy, Raina bê đến mấy cái bánh mỳ kẹp thịt.
- Em nghĩ có lẽ các anh đói, nên đã gọi người đem đến.
Tôi cầm lấy một cái, ủ rũ nhai. Raina đưa cái nữa cho người bên cạnh.
- Cám ơn cô Malôvi.
- Có gì đâu! - em đáp và quay lại chỗ vừa ngồi với Nêvađa.
- Thật không may là các ông không tìm ra được một người như cô ấy! - Anh chàng ghi âm lung búng nói qua một mồm đầy bánh mì.
Tôi nhìn anh ta.
- Anh bảo sao?
- Cô ấy có một cái gì đó ở trong giọng nói nghe rất quyến rũ. Nếu qua đường ghi trong băng mà cũng như vậy thì các tầng gác rạp sẽ đông nghẹt người.
Tôi trợn mắt nhìn anh ta.
- Anh bảo Raina ư?
Anh ta gật đầu, nuốt chỗ bánh mỳ.
- Ờ. - Và một nụ cười chậm rãi, đầy ý nghĩa hiện trên môi anh ta. - Và nếu tôi không điên, thì vào phim nom cô ấy cũng mỡ màng lắm. Cô ta là một người đàn bà chẳng kém ai.
Tôi quay sang Đan.
- Ông nghĩ sao?
- Cũng có thể! - Ông ta công nhận một cách thận trọng.
- Vậy thì làm sao! - Tôi vừa nói vừa đứng dậy. - Ba mươi nghìn một ngày là một món tiền lớn.
Raina coi là trò đùa rất tuyệt khi tôi bảo em nói mấy câu trong kịch bản vào cái micro. Cho đến khi tôi gọi cả đoàn làm phim trở lại để quay thử toàn bộ một cảnh, em vẫn chưa tin là thật. Và chắc chắn là em vẫn coi là trò đùa cho đến khi chúng tôi ngồi trong phòng chiếu thử vào lúc hai giờ sáng, xem em và Nêvađa đóng trong một cảnh.
Chưa bao giờ trên màn bạc, tôi được thấy ai như em. Em có những gì quyến rũ ở ngoài đời, thì ở trên kia, nó quyến rũ gấp đôi, chỉ riêng nhìn thôi cũng làm người ta ứa nước miếng.
Tôi quay sang em.
- Đi về và đi ngủ đi. Anh muốn em sáu giờ sáng mai có mặt ở phòng trang phục. Chín giờ mai sẽ quay.
Raina lắc đầu.
- Ồ... Ồ... anh Giônơx. Đùa đến thế thôi. Em không có đóng điếc gì đâu!
- Sáng mai chín giờ cô phải có mặt ở sàn quay! - Tôi nói nghiệt ngã. - Cô là người đã tìm đến tôi, chứ không phải tôi tìm đến cô, nhớ chưa?
Tôi nhìn Nêvađa. Mặt anh ngỡ ngàng khó hiểu. Và một cái gì đó ngây thơ trong sáng ánh lên trong mắt anh làm tôi phát khùng.
- Và anh phải đảm bảo rằng cô ấy sẽ phải dẫn xác đến. - tôi cáu kỉnh thốt lên.
Tôi quay ngoắt người, đi ra khỏi phòng chiếu, để lại họ phía sau, đờ người đưa mắt nhìn theo.

8

Tôi từ từ mở một mắt, he hé nhìn đồng hồ. Đã hai giờ! Tôi ngồi bật dậy và đầu bỗng đau như vỡ vụn ra. Tôi bật rên to thành tiếng. Cửa mở.
Đan bước vào, đã mặc quần áo - quần màu kem, áo sơmi thể thao. Ông ta chìa cho tôi một cái cốc đựng thứ gì nom như nước cà chua.
- Này, uống đi, anh bạn! Nó sẽ làm hết đau đầu đấy.
Tôi đưa cái cốc lên miệng. Dòng nước gây nên một cảm giác lợm giọng từ miệng xuống dạ dày. Nhưng ông ta nói đúng. Một thoáng sau, đầu tôi đã nhẹ hơn. Tôi nhìn quanh cái buồng ngủ. Thật bừa bộn hỗn độn.
- Đám con gái đâu rồi? - tôi hỏi.
- Tôi trả tiền và bảo họ về rồi.
- Tốt. - Tôi loạng choạng đứng dậy. - Tôi phái đến xưởng phim đây. Họ sắp sửa quay vào lúc chin giờ.
Đan mỉm cười.
- Tôi đã gọi điện và bảo họ rằng anh mệt, nhưng sẽ đến xưởng chiều nay. Tôi cho rằng nếu anh chợp mắt được một tý thì tốt. Đêm qua quả thật là một đêm hỗn loạn.
Tôi nhoẻn cười với ông ta. Quả có thế thật.
Đêm qua tôi và Đan đúng là bận đến phờ người. Tôi gặp ông ta đi ra khỏi sàn quay và ngỏ ý đưa ông ta về nhà. Nhưng trên đường về, chúng tôi quyết định dừng lại, kiếm cái gì ăn. Tôi cảm thấy người mệt mỏi căng như một sợi dây đàn. Đan tỏ ý muốn giúp tôi xả hơi một chút. Thịt bò rán ở một cái quán ông ta biết. đáng lẽ giờ này phải đóng cửa rồi nhưng không đóng, cùng với uýtky ngô, và sau đó là công chuyện. Công chuyện xuất phát từ trong cuốn sổ đen bé xíu của ông ta, cuốn sổ mà hình như viên đại lý nào cũng có. Tôi đã xả hơi dịu đi được, và bây giờ không biết họ có thể làm tôi căng thằng lên được nữa hay không?
Chú hầu phòng người Nhật của Đan đã bày sẵn trứng ốp lết và xúc xích khi tôi vừa ở phòng tắm ra. Tôi đói ngấu. Tôi chén liền tù tì sáu quả trứng và độ một tá bánh mỳ nhỏ. Khi tôi đặt tách cà phê thứ tư xuống, Đan mỉm cười hỏi:
- Giờ thì anh cảm thấy thế nào?
Tôi mỉm cười lại.
- Chưa bao giờ cảm thấy dễ chịu như bây giờ.
Tôi nói thật. Tôi lại cảm thấy thư thái và phóng túng. Nhớ tới công việc ngày hôm qua, lòng cũng không cảm thấy thắt lại như thường lệ nữa.
- Ông đã bảo sẽ bàn chuyện làm ăn đôi chút hả?
Đêm trước chúng tôi đã bàn, chưa bao giờ tôi cởi mở đến thế với một người lạ. Nhưng Đan khác những người khác. Ông ta thuộc một loại người tôi chưa gặp, và làm tôi thích thú. Ông ta thô lỗ, ranh ma, biết rõ mình muốn gì. Tôi còn đang đù đờ lớ ngớ, tôi biết lắm. Tôi sẽ sớm khôn. Nhưng từ nay cho đến đó, tôi có thể dùng loại như Đan Piơx.
- Sáng nay tôi đã bán hãng đại lý của mình cho hãng M.C.A.
- Để làm gì?
- Bởi vì tôi sẽ đến làm việc với anh.
- Ông có bốc máu quá không đấy? - Tôi hỏi. - Tôi mới nhảy vào nghề này với một bộ phim này. Ông sẽ định làm gì sau đó?
Đan mỉm cười.
- Anh thì anh nói thế. Thậm chí bây giờ anh cũng thực sự cảm thấy thế. Nhưng tôi thì tôi nghĩ khác. Anh có một cái cảm giác đối với nghề này - một cảm giác rất tự nhiên mà không có nhiều người biết được. Và anh không chịu từ một thách thức nào. Anh vừa phát hiện ra một chiếu bạc nữa. Anh sẽ theo đến cùng.
Tôi nhấp cà phê. Nó đặc và đen, đúng kiểu tôi thích.
- Thế ông tính ông có thể giúp được gì?
- Bởi vì tôi đã biết mọi ngóc ngách của cái nghề này, mọi mánh khóe bẩn thỉu mà anh phải lâu mới tìm ra được. Anh rất bận, thời gian là cái quý nhất của anh. Tôi sẽ không đáng giá một nửa như hiện nay nếu như điện ảnh là lĩnh vực làm ăn duy nhất hiện nay của anh. Nhưng thực ra nó không phải thế. Và không bao giờ phải thế. Nó chỉ là một trò súc sắc khác nữa của anh mà thôi.
Tôi chằm chằm nhìn ông ta.
- Cho tôi một ví dụ không mất tiền xem nào.
- Ví dụ, - ông ta đáp nhanh, - tôi sẽ không bắt đầu bộ phim chừng nào chưa thử tiếng của tất cả mọi người.
- Đấy là một cái tôi đã học được rồi. Tôi muốn có một ví dụ về cái chưa biết cơ.
Ông ta giơ tay ra phía sau lấy cái bản thảo bọc bìa xanh.
- Nếu Raina xuất hiện trên màn ảnh như cái cảnh quay thử, ta có thể thay đổi một đôi chút ở trong này và đỡ tốn đi được bốn trăm ngàn.
- Bằng cách nào?
- Bằng cách dựng thêm chuyện cho cô ấy và tập trung nhiều vào đoạn ở Niu Olind. Như thế sẽ đỡ đi dăm tuần ngoại cảnh và chưa có ai dám chắc cái ba cái micro ra ngoài trời thì sẽ tốt đến mức nào.
Tôi với lấy một điếu thuốc lá.
- Nếu ta làm thế, - tôi chậm rãi nói, - thì Nêvađa sẽ ra sao? Phần của anh ấy sẽ bị giảm xuống.
Đan nhìn thẳng vào mắt tôi một cách vững vàng.
- Nêvađa không phải là việc của tôi nữa. Anh ta đã thuộc hãng M.C.A. Tôi giờ làm cho anh và cho rằng tất cả tình cảm của anh dùng cho bộ phim này anh đã sử dụng hết rồi. Phim ảnh cũng giống như bất kỳ một ngành làm ăn nào khác. Điều quan trọng là phải ra tiền.
Tôi rít mẩu thuốc, nhấp thêm một ngụm cà phê. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Raina gọi điện cho tôi, tôi lại trở về trạng thái bình thường. Trong một khoảng thời gian, em đã làm cho tôi xoay tít mù như một con quay, không biết mình đang sang phải hay sang trái. Giờ thì tôi đã cảm thấy khác.
- Ông định đề nghị với tôi như thế nào?
- Không lương. Chỉ mười phần trăm của công ty và ngân khoản chi phí.
Tôi cười.
- Tôi nghĩ là đã nghe ông bảo ông đã bán đại lý rồi.
- Đấy là cách duy nhất tôi nghĩ có thể đền bù lại cho mình và không làm ông quá tốn kém.
- Đừng có bịp tôi. Ông sẽ không có ngân khoản chi phí đâu.
- Chắc chắn là tôi sẽ có. Ngay cả khi có lương tôi cũng cần phải có. Anh làm sao có thể hy vọng rằng tôi làm việc cho anh mà không phải tiêu tiền. Tiền là thứ duy nhất trong thành phố này không ai từ chối được.
- Tôi sẽ để cho ông có mười phần trăm lợi nhuận. Nhưng không có chuyện cổ phần cổ phiếc gì đâu.
Ông ta chăm chú quan sát tôi một lúc.
- Còn cái khoản chi phí?
- Cái đó thì được.
Ông ta chìa tay ra:
- Nhất trí!
Khi chúng tôi đến sàn quay số 9 thì đã hơn ba giờ chiều. Cái sàn quay đang tấp nập nhộn nhịp, ồn ào những tiếng động của công việc chạy đều. Người ta đang chuẩn bị quay một lượt mới. Nêvađa đang đứng ở rìa sân quay. Raina không thấy đâu cả. Tôi đứng lại cạnh anh chàng ghi âm.
- Công việc thế nào?
Anh ta ngẩng lên, toét miệng cười nhìn tôi.
- Có vẻ tuyệt lắm. - anh ta gõ gõ vào tai nghe của mình.
Tôi mỉm cười bước tới chỗ Nêvađa. Anh đang nói chuyện với đạo diễn. Cả hai đều quay lại khi thấy tôi đến.
- Cô ấy đóng ra sao?
Người đạo diễn mới nhún vai.
- Lúc đầu cũng có hơi hồi hộp nhưng dần dần đã bình tĩnh lại rồi. Cô ấy sẽ đâu vào đấy.
- Cô ấy sẽ đóng rất tuyệt. - Nêvađa nhiệt thành nói. - Tôi không ngờ là những lời cô ấy nhắc vở cho tôi giờ lại đâm ra có ích cho cô ấy vậy.
Một phó đạo diễn tất tả chạy tới.
- Đã sẵn sàng cả rồi, ông Carôn ạ.
Đạo diễn gật đầu. Anh phó đạo diễn quay người lại, thét to.
- Tất cả, về chỗ!
Đạo diễn đi đến chỗ máy quay trong khi Nêvađa bước vào sân. Tôi quay người và nom thấy Raina từ bên cạnh bước vào. Tôi trố mắt, không tin là thật nữa. Mái tóc dài, vàng sáng của em bị buộc gọn lên trên đỉnh đầu. Người ta ép vú em chặt đến nỗi nom em như con trai. Môi em đánh son thành một đường cong cánh cung mỏng dính. Lông mày em kẻ dài lê thê, mảnh đến mất tự nhiên. Em không còn là đàn bà nữa - trông em như bất kỳ một biếm họa quảng cáo nào trong Hội chợ phù hoa!
Mặt Đan bình thản không để lộ gì cả. Ông ta chằm chằm nhìn tôi, ánh mắt thản nhiên.
- Họ hóa trang đẹp đấy. Cô ấy nom đúng với vai lắm!
- Trông cô ấy không còn là đàn bà nữa!
- Thì họ định làm thế mà!
- Tôi kệ mẹ họ định gì thì định. Tôi không thích. Đàn bà như kiểu ấy thì một hào một tá ở cái thành phố này.
Mắt Đan thoáng mỉm cười.
- Nếu anh không thích, thì thay nó đi. - Ông ta nói. - Anh là ông chủ mà. Đây là phim của anh.
Tôi giương mắt nhìn Đan trân trân. Tôi lại cảm thấy muốn bước văng ra giữa sân quay và tung hê mọi thứ. Nhưng linh cảm đã ngăn tôi lại. Tôi biết rằng thêm một lần nữa như hôm qua thì cả đoàn làm phim sẽ rệu rã mất tinh thần.
- Bảo Carôn là tôi muốn gặp ông ta. - tôi nói với Đan.
Ông gật đầu tán thưởng.
- Thông minh đấy! - ông ta thốt lên. - Cách làm thế là đúng. Anh có khi sẽ cần đến tôi ít hơn là tôi nghĩ đấy.
Một thoáng sau, đạo diễn tuyên bố nghỉ mười phút. Ông ta đi đến chỗ tôi và có thể thấy là ông ta đang hồi hộp.
- Thưa ông Cođơ, hình như có gì không ổn?
- Ai đã thông qua kiểu hóa trang và quần áo ấy?
Đạo diễn nhìn tôi, ngoảnh lại nhìn Raina.
- Tôi chắc chắn là phòng hóa trang và trang phục. Nêvađa đã bảo với họ là cứ hóa trang cho cô ấy hết cỡ vào.
- Nêvađa ư?
Ông ta gật đầu. Tôi nhìn Đan.
- Tôi muốn mười phút nữa, mọi người có liên quan sẽ có mặt ở văn phòng của tôi.
- Được, anh Giônơx ạ.
Tôi quay người, đi thẳng ra khỏi tòa nhà.

9

Tôi đưa mắt nhìn quanh gian phòng. Xét cho cùng, có lẽ xưởng phim cũng có biết cách làm ăn. Căn phòng đủ rộng đế chứa tất cả chúng tôi.
Đan ngồi trong một cái ghế bành bên trái bàn của tôi. Raina và Nêvađa ngồi trên đi văng. Đối diện với họ ở bên kia tường là người quay phim. Ngay bên kia căn phòng là người hóa trang và người phụ trách phục trang - một người đàn bà gầy gầy, không đoán nổi bao nhieu tuổi, có bộ mặt trẻ và mái tóc hoa râm sớm, mặc bộ đồ giản dị do thợ may cắt. Cuối cùng, là cô thư ký của tôi ở bên phải tôi, với chiếc bút chì muôn thuở đang nhăm nhăm chĩa vào quyển sổ.
Tôi châm một điếu thuốc.
- Tất cả mọi người ở đây đều đã xem cảnh quay thử đêm qua. Nó thật là tuyệt. Vậy tại sao không thấy cái cô gái ấy có ở sàn quay chiều nay?
Không một ai đáp.
- Raina đứng dậy.
Lặng lẽ, em đứng lên, nhìn tôi. Tôi đảo mắt suốt căn phòng một lượt.
- Tên cô này là gì?
Ông đạo diễn ho sặc lên, cười một cách căng thẳng.
- Ông Cođơ, mọi người đều biết tên cô ấy cả.
- Thế ư? Vậy tên là gì?
- Raina Malovi.
- Thế tại sao cô ấy lại không nom như Raina Malovi thay cho việc là một mớ hổ lốn khốn kiếp của Clara Bâu, Mariơn Đâyvi và Xithia Ranđơn hả? Chắc chắn giờ trông cô ấy không có gì là Raina Malovi hết, không có một tí gì hết!
- Thưa ông Cođơ, tôi e rằng ông chưa hiểu ra vấn đề đấy.
Tôi nhìn quanh một lượt.
- Tên cô là gì?
Cô ta nhìn thẳng lại vào tôi.
- Tôi là Ilenơ Gala, người vẽ mẫu quần áo.
- Được rồi, thưa cô Gala. Cô thử nói xem tôi không hiểu cái gì vậy.
- Cô Malovi phải được phục trang theo những mốt mới nhất. - Cô ta bình thản đáp. - Ông Cođơ, như ông thấy đấy, mặc dù chúng ta phải quan tâm nhất định đến cái thời điểm câu chuyện xảy ra, nhưng những đường nét cơ bản phải thể hiện được những gì mới nhất của mốt hiện nay. Đấy là lí do của phần lớn đàn bà đi xem phim. Điện ảnh là tạo ra mốt mới mà.
Tôi nheo mắt nhìn cô ta.
- Mốt hay không mặc kệ, cô Gala ạ, thật vô lý là một cô gái phải nom như đàn ông thì mới gọi là mốt. Không một người đàn ông có đầu óc gọi là bình thường nào có thể thích một thứ bú dù như thế kia cả.
- Giônơx, đừng đổ tội cho cô Gala. Tôi bảo cô ta làm thế đó.
Tôi quay ngoắt sang Nêvađa.
- Anh bảo hả?
Anh gật đầu.
Sớm hay muộn, điều đó cũng phải xảy ra. Tôi để giọng mình trở nên lạnh ngắt.
- Lúc này, vốn bỏ ra là tiền của tôi và đã thỏa thuận ở hợp đồng tôi là ông chủ. Từ nay trở đi, anh chỉ bận tâm vào vai của anh thôi nhé, mọi cái khác sẽ là chuyện để tôi lo.
Môi Nêvađa mím chặt lại. Tít ở đáy mắt anh, tôi thấy nỗi tủi cực của anh. Tôi quay đi để khỏi phải trông thấy nó. Raina chăm chú theo dõi chúng tôi dưới một vẻ thờ ơ rất kỳ quặc.
- Raina!
Em quay lại chỗ tôi. Một cái màn thản nhiên rất nhanh sập xuống mắt em.
- Đi vào phòng tắm, rửa sạch cái đám rác rưởi trên mặt em đi. Trang điểm như em vẫn thường làm ấy.
Raina lặng thinh rời khỏi phòng. Tôi quay lại đằng sau bàn của mình và ngồi xuống. Không ai nói lời nào cho đến khi em quay lại, miệng lại rộng, môi lại dầy, hàng lông mày lại cong tự nhiên như em vốn có. Mái tóc em lóe lên như một suối vàng lấp lánh chấm đến tận vai. Nhưng vẫn còn một cái gì không ổn. Dưới cái áo choàng mỏng, người em vẫn cứng đờ, thẳng đuồn đuỗn.
- Quay lại chỗ ấy và tháo cái bộ yên cương em đang nịt ấy ra!
Vẫn lặng lẽ, em làm theo lời tôi bảo. Và lần này, khi em bước ra, người em khẽ đung đưa. Không ai không thể nhận thấy rằng có một người đàn bà ở dưới tấm áo ngủ kia.
- Trông thế còn tàm tạm. - Tôi thôt lên. - Giờ ta sẽ quay lại cái cảnh ấy.
Raina gật đầu, quay đi, Giọng của Gala làm em chững lại.
- Ta không thể quay cô ấy như thế này được!
Tôi ngẩng lên nhìn cô họa sĩ vẽ quần áo.
- Cô bảo sao?
Gala đứng dậy.
- Ta không thể quay cô ấy như thế này được. Ngực cô ấy đung đưa.
Tôi bật cười.
- Thế thì sao? Vú thì phải nẩy chứ?
- Tất nhiên. - Cô họa sĩ nói nhanh. - Nhưng trên màn ảnh mọi thứ sẽ được phóng đại. - Cô ta quay sang nhìn anh chàng quay phim. - Có đúng không, Li?
Anh ta gật đầu.
- Đúng đấy ạ, thưa ông Cođơ. Chúng sẽ nom không tự nhiên một tý nào cả.
- Chúng ta phải để cô ấy mặc một loại yếm nào đó. - Gala nói.
- Ôkê. Các cô làm đi.
Một thoáng sau, Raina và cô phụ trách phục trang bước ra khỏi buồng tắm đi thẳng đến chỗ tôi. Nom đã khá hơn cái bộ yên cương chính cống kia, nhưng không tốt bằng không có. Tôi vẫn thấy chưa vừa mắt.
Tôi đứng dậy, đi ra khỏi bàn, đến chỗ Raina.
- Để tôi xem nào.
Raina nhìn tôi, đôi mắt lơ đãng một cách cố ý. Điềm tĩnh, em trật cái áo choàng ra khỏi vai, giữ nó lại ở chỗ khuỳnh ra ở hai khuỷu tay.
- Quay sang trái, - tôi nói, - giờ quay sang phải!
Tôi bước lùi lại, nhìn Raina. Bây giờ tôi đã thấy ra nguyên nhân rồi. Mỗi khi Raina quay người, cái yếm lại giãn ra, ép xuống khiến cho vú em nom mất tự nhiên như vậy. Tôi nhìn cô họa sĩ vẽ mẫu.
- Liệu ta bỏ khóa vai thì có được không?
Ilenơ Gala nhún vai.
- Ta thử xem. - Cô vươn tay ra, kéo các khóa vai xuống.
Raina đứng sững, mắt nhìn đăm đăm vào một điểm xa xăm nào đó ở phía sau vai tôi.
- Giờ quay đi nào.
Cái yếm vẫn cứa vào vú.
- Ồ… ồ… tôi vẫn chưa thấy thích!
- Tôi còn có cách nữa.
- Tốt lắm. - Tôi đáp.
Mấy phút sau, hai người lại bước ra. Raina mặc một thứ nom gần như cái nịt ngực nhỏ, có gắn dây bằng thép, chỉ tội không chạy dài xuống tận eo như nịt ngực thông thường. Và khi em đi lại, vú em không lúc lắc. Có thể thấy rõ được chúng. Nhưng nom như chúng được lấy ra từ các mẫu vú nhựa của Paris.
Tôi nhìn cô thiết kế quần áo.
- Ta có cách nào cắt bớt đi được mấy cái dây thép đi không?
- Tôi nghĩ thế này là tốt lắm rồi, ông Cođơ ạ. Mà tôi không hiểu tại sao ông lại quá lo lắng đến đường nét của bộ ngực cô ấy thế. Chân cô ấy rất đẹp và có thể nhìn thấy rất nhiều.
- Cô Gala ạ, bởi vì cô không phải là đàn ông nên tôi cũng không hy vọng cô sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Tôi có thể nhìn thấy tất cả các thứ chân cẳng tôi thích ở trên đường phố. Chỉ xin cô trả lời cho câu hỏi của tôi thôi.
- Không, thưa ông Cođơ, chúng ta không thể cắt được dây thép đi ạ. - Cô ta lễ độ trả lời theo cái giọng của tôi. - Nếu ta làm thế, thì cô ấy lại như là chẳng mặc gì cả. Không có đủ độ cứng để đỡ cho cô ấy.
- Có lẽ nếu tôi chỉ ra cho cô thấy tôi muốn gì thì cô sẽ làm được. Raina, bỏ cái ấy ra xem. - Tôi nói, bước tới chỗ Raina.
Trầm tĩnh, Raina hơi quay người đi trong một thoáng. Khi quay lại, một tay em cầm cái bộ lằng nhằng kia, tay kia túm ngực áo choàng kín lại.
Tôi cầm lấy cái nịt ngực quẳng nó lên bàn. Tôi đặt hai tay lên mép cổ áo choàng của Raina, miết mạnh xuống cho đến khi nó tạo thành một hình vuông ngang trên ngực, ngay trên hai núm vú của em. Vú em nhô lên, tròn như hai mặt trăng trắng ngần đối lập nổi bật với hai tay nắm đen sạm, nắm chặt của tôi. Tôi ngoảnh lại nhìn cô họa sĩ thiết kế.
- Thấy tôi muốn nói gì chưa?
Có lẽ cô ta có thể không thấy, nhưng không một người đàn ông nào hiện diện trong phòng lại không nhìn như muốn bật con ngươi.
- Cái ông muốn không thể nào thực hiện được, thưa ông Cođơ. Raina là một cô gái nở nang, vòng ngực cỡ 95cm. Không có một cái yếm nào có thể đỡ được bộ ngực như vậy. Thưa ông Cođơ, tôi là họa sĩ vẽ kiểu quần áo, chứ không phải là một kỹ sư kết cấu.
Tôi nhấc tay ra khỏi áo của Raina, quay sang cô Gala.
- Cảm ơn cô.
Vừa nói tôi vừa đi đến máy điện thoại.
- Đây là ý kiến có ích đầu tiên tôi được nghe, kể từ khi cuộc họp này bắt đầu.
Morixây có mặt trong vòng không đầy hai mươi phút sau.
- Tôi có một vấn đề nhỏ cần đến sự giúp đỡ của anh, Morixây.
Nỗi hồi hộp của anh hơi giảm đi. Anh ngượng ngập nhìn qua phòng.
- Có thể làm được gì, tôi xin cố gắng, thưa ông Cođơ!
- Đứng dậy, Raina. - Tôi nói. Chậm chạp em đứng lên và từ từ vòng quanh chúng tôi. Mắt Morixây mở to sau cặp kính. Tôi vui khi thấy rằng cũng còn có cái khác chiếm chỗ trong đầu anh ngoài máy bay tàu lượn.
- Hiện nay chưa hề có cái yếm nào có thể giữ cho chúng không lúc lắc. - Tôi nói. - Mà vẫn nom tự nhiên. Tôi muốn anh thiết kế cho một cái sẽ làm được như vậy.
Anh chàng quay ngoắt sang nhìn tôi, mặt lộ vẻ bàng hoàng.
- Ông nói đùa, thưa ông Cođơ!
- Chưa bao giờ trong đời, tôi lại nghiêm chỉnh bằng bây giờ.
- Nhưng... nhưng tôi không biết gì về nịt vú cả. Tôi là kỹ sư hàng không học. Anh ta nói lắp bắp, mặt đỏ chín cả lên.
- Chính vì vậy tôi mới gọi anh. - Tôi bình thản đáp. - Tôi cho rằng nếu anh có thể thiết kế được những máy bay chịu được hàng ngàn cân áp lực, thì anh cũng có thể nghĩ ra được một vật nhỏ bé có thể giữ được một cặp vú! - Tôi quay sang cô họa sĩ vẽ mẫu quần áo. - Thông báo cho anh ấy mọi điều anh ấy cần biết.
Cô Gala nhìn tôi, rồi nhìn Morixây.
- Có lẽ tốt hơn ta nên về làm việc ở văn phòng của tôi. Ở đó tôi có đủ tất cả những cái anh có thể cần.
Morixây vẫn chằm chằm nhìn vào vú Raina, không để ý thấy lời cô họa sĩ nói. Trong một thoáng, tôi nghĩ anh chàng đã bị mê mẩn đến đờ người ra. Rồi anh ta quay lại.
- Có lẽ, tôi có thể làm được một cái này.
- Tôi biết mà. - Tôi mỉm cười.
- Ấy tất nhiên tôi chưa dám hứa trước đâu. Nhưng vấn đề này cũng rất lý thú đây.
Tôi giữ vẻ mặt nghiêm trang.
- Rất đúng. - Tôi đáp nghiêm chỉnh.
Morixây quay sang cô họa sĩ.
- Chị có cái compa đo ngoài nào tình cờ ở đây không?
- Compa? Chúng tôi cần compa để làm gì cơ chứ?
Morixây kinh ngạc nhìn cô ta:
- Nếu không thì ta làm sao có thể đo được chiều sâu và chu vi bây giờ?
Cô họa sĩ trố mắt, đờ người nhìn anh một thoáng, rồi nắm lấy tay anh, kéo ra cửa:
- Tôi chắc là ta sẽ kiếm được một cái ở phòng kỹ thuật. Raina, tốt nhất là cô hãy đi cùng với chúng tôi.
Hơn một tiếng sau, Morixây quay lại. Anh bước vào phòng, tay huơ huơ một tờ giấy.
- Tôi nghĩ rằng ta đã tìm ra rồi! Vấn đề thực sự trở nên đơn giản một khi ta xác định được điểm nén, trọng lượng của mỗi một cái vú kéo nó sang bên. Điều đó có nghĩa rằng nguồn lực nén rơi vào giữa chúng, ngay ở điểm giữa của phân tuyến.
Tôi trố mắt nhìn anh. Ngôn ngữ của anh là một mớ hỗn tạp kỳ quặc giữa kỹ thuật và ngành thiết kế quần áo. Nhưng anh chàng đã quá say sưa giải thích đến nỗi không nhận thấy được vể mặt của tôi.
- Và như vậy, toàn bộ vấn đề bây giờ là giải quyết được bài toán bù. Ta phải tìm ra một cách nào sử dụng được cái lực nén ấy để giữ được vú cho chắc. Tôi lắp thép hình chữ V vào đường phân tuyến treo. Ông có hiểu không?
Tôi lắc đầu.
- Anh nói cao quá tầm hiểu biết của tôi.
- Ông có biết nguyên tắc của cầu treo không?
- Láng máng. - Tôi đáp.
- Theo nguyên lý ấy, lực đè lên cái cầu càng lớn bao nhiêu thì càng tạo ra một áp lực giữ cho nó chắc bấy nhiêu ở nguyên chỗ ấy.
Tôi gật đầu. Tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết. Nhưng giờ thế là đủ rồi. Cái tôi muốn biết lúc này là liệu có thành công không.
Tôi không phải chờ câu trả lời lâu. Ngay sau đó, Raina bước vào văn phòng cùng với Ilenơ Gala. Em cố tình để cái áo choàng rơi tuột xuống nền nhà và đứng sững ở đó, trong bộ đồ ngủ đã được chữa.
- Đi đến chỗ ông Cođơ đi. - Cô họa sĩ bảo.
Từ từ, em tiến đến chỗ tôi. Tôi không thể rời mắt khỏi em được nữa. Mắt em lạnh lùng, đầy tính toán. Cô gái ranh ma này luôn luôn biết được rất rõ cái ấn tượng mình gây ra cho tôi. Em chực quay đi.
- Thêm một điều nữa cô Gala ạ, - tôi thốt lên, - mai khi ta quay, tôi muốn cô ấy phải mặc áo choàng ngủ màu đen, thay cái màu trắng kia. Tôi muốn mọi người biết rằng cô ấy là một con nhà thổ, chứ không phải là một cô dâu trinh tân gì.
- Thưa ông Cođơ, vâng ạ. - Ilenơ tiến tới bàn tôi, mắt sáng ngời. - Tôi chắc chắn rằng chúng ta đã tạo ra được một mốt mới với cô Malovi đấy ạ. Nếu tôi không hoàn toàn nhầm thì khi bộ phim này được chiếu ra, tất cả đàn bà trên thế giới sẽ cố bắt chước mốt của cô ấy!
Tôi mỉm cười với cô họa sĩ:
- Ta không tạo ra mốt gì đâu cô Gala ạ. Đàn bà trông giống như đàn bà đã từ rất lâu, trước cả khi tôi và cô được sinh ra trên đời này cơ.
Cô ta gật đầu, đi ra. Tôi nhìn quanh gian phòng. Cuộc họp đã tan, mọi người nhấc cặp chân cứng đờ đứng dậy. Nêvađa đi ra sau cùng, tôi gọi anh.
Anh quay lại chỗ bàn tôi. Tôi quay sang nhìn cô thư ký. Cô ta vẫn ngồi đó, cuốn sổ dày cộp chi chít những câu tốc ký.
- Cô ghi gì vậy? - tôi hỏi.
- Số phút của cuộc họp ạ.
- Để làm gì?
- Đấy là quy định của công ty. - Cô ta đáp. - Số phút của tất cả các cuộc họp hành, gặp gỡ của mọi thành viên ban chấp hành phải được ghi lại, biên bản sẽ được phát hành tới những người khác.
- Đưa tôi cuốn sổ nào. - Tôi đưa nó lên miệng cái thùng đựng giấy loại, xòe diêm, gí vào nó. Khi ngọn lửa đã cháy bùng lên, tôi thả nó vào thùng và nhìn cô thư ký.
Cô giương mắt khiếp đảm nhìn tôi.
- Giờ thì vác cái mông lạch bạch của cô xéo khỏi đây ngay. Và nếu tôi còn nghe thấy những phút phiếc giây giếc gì của bất kỳ cuộc họp nào trong phòng này lọt ra quá bốn bức tường đây, thì cô cứ liệu mà đi kiếm chỗ làm khác nhé!
Khi tôi quay lại chỗ mình thì thấy Nêvađa tủm tỉm cười.
- Em xin lỗi là đã phải nói như vậy với anh, anh Nêvađa ạ.
- Có chi đâu, Giônơx Con. Đáng lẽ anh đừng mở miệng mới phải.
- Có rất nhiều kẻ trong thành phố này nghĩ em là một đứa bị moi tiền, rằng em bị lừa vào một cái trò bịp lấy tiền. Anh với em đều hiểu không phải thế, nhưng anh phải ngăn không cho có những lời xì xào loại ấy. Em không chịu nổi nó.
- Anh hiểu, Giônơx ạ. Ba chú cũng vậy. Khi ông ấy ở đâu, chỗ đó chỉ có một ông chủ.
Và đột nhiên, tôi nhận thấy chúng tôi đã trở nên già dặn thêm lên biết chừng nào. Lòng tôi bỗng một thoáng bùi ngùi nhớ tiếc thời thơ ấu, khi tôi lúc nào cũng có thể chìa tay ra tìm thấy sự che chở của Nêvađa. Giờ thì không còn thế nữa. Mà thực sự ngược hẳn lại. Nêvađa phải dựa vào tôi.
- Cám ơn anh, anh Nêvađa. - Tôi bắt môi mình phải nở một nụ cười. - Và đừng có lo lắng gì cả. Mọi chuyện từ nay trở đi sẽ đâu vào đấy hết.
Anh quay đi. Tôi nhìn dõi theo cho đến khi anh khuất hẳn. Rồi ngay sau đó, Đan Piơx bước vào. Tôi với tay lấy một điếu thuốc, châm lửa.
- Còn về những lời ông nói sáng nay, tôi thấy ta nên sửa kịch bản đi một chút. Ông nên cho tìm anh chàng viết kịch bản ấy ngay.
Ông ta nhoẻn cười, hiểu ý.
- Tôi đã làm rồi ạ.

10

Chúng tôi hoàn thành bộ phim sau đó bốn tuần. Nêvađa thấy rõ những chuyện gì xảy ra nhưng không hề nói lời nào. Hai tuần sau khi xong, chúng tôi chiếu thử một buổi ở một rạp trong thung lũng.
Tôi đến muộn. Tay phụ trách quan hệ với công chúng của xưởng đưa tôi vào.
- Thưa ông Cođơ, chỉ còn mấy chiếc ghế trống ở bên cạnh. - anh ta xin lỗi.
Tôi nhìn xuống khu giữa rạp. Chính giữa là một lô quây lại bằng dây dành cho khách của xưởng phim. Mọi người trong xưởng, từ Noman trở xuống, đều có mặt ở đó. Họ đều chờ tôi đến để quỳ mọp xuống chúc tụng đây.
Tôi bước lên gác xép vừa đúng lúc đèn tắt và bộ phim bắt đầu. Tôi dò dẫm trong bóng tối giữa đám thanh niên, mò tới một cái ghế trống, ngước lên màn ảnh.
Tên tôi to tướng ở trên đó nom thật ngồ ngộ.

Giônơx Cođơ xin trình bày...

Nhưng rồi cảm giác đó mất ngay khi hết phần tên những người làm phim, bộ phim bắt đầu.
Sau mười phút, tôi bắt đầu thấy đám thanh niên trẻ quanh tôi tỏ vẻ bồn chồn sốt ruột.
- Ồ, cứt thật, - một chú thì thào thốt lên, - tao cứ tưởng có gì khác thế, té ra lại là một bộ phim cao bồi miền Tây nhạt như nước ốc.
Rồi Raina xuất hiện trên màn ảnh. Năm phút sau, tôi nhìn ra xung quanh, mắt đám thanh niên đều dán lên màn ảnh, miệng há hốc ra, nom đê mê đờ đẫn. Cả tầng gác lạnh ngắt, chỉ nghe thấy tiếng thở của các cô cậu. Ngay cạnh tôi là một cậu ngồi nắm chặt tay cô gái để lên đùi mình. Khi Raina cuối cùng kéo Nêvađa ngã nhào xuống giường cùng với mình, tôi có thể cảm thấy cậu ta như oằn người đi. Cậu khẽ thốt lên:
- Trời ơi!
Tôi lục túi tìm một điếu thuốc, mỉm cười. Chả ai phải bảo tôi rằng bộ phim này sẽ bán chạy như tôm tươi. Khi tôi mò xuống hành lang sau buổi chiếu, Nêvađa đang đứng ở một góc giữa một đám thanh niên đông nghẹt, cho chữ ký. Tôi tìm Raina. Em đang bị quây ở đầu kia bởi một tốp phóng viên. Lượn vè vè quanh em như một ông bố kiêu hãnh, là Bơny Noman.
Đan đang đứng giữa một đám đàn ông. Ông ta ngẩng lên nhìn bắt gặp tôi đi xuống.
- Anh đoán đúng lắm, Giônơx. - Ông ta thét lên phấn khởi. - Cô ấy đã làm mê hồn họ. Ta sẽ thu về được mười triệu đôla!
Tôi ra hiệu, ông ta theo tôi ra bến xe.
- Khi cái trò này xong, - tôi nói, - đem Raina đến khách sạn chỗ tôi.
Ông ta chằm chằm nhìn tôi.
- Anh vẫn còn bứt rứt về điều ấy ư?
- Đừng có dạy đạo đức cho tôi, hãy làm như tôi đã bảo!
- Nhưng nếu cô ấy không tới thì sao?
- Cô ấy sẽ tới. - Tôi nói tàn nhẫn. - Bảo với cô ấy rằng hôm nay là ngày thu thuế.
Khi đồng hồ chỉ một giờ sáng, tôi đã uống được nửa chai uyxky thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Tôi đi ra, mở cửa.
Raina bước vào phòng. Tôi đóng cửa lại. Em quay người, nhìn vào mặt tôi.
- Sao thế?
Tôi phác tay ra hiệu về phía phòng ngủ. Em trố mắt nhìn tôi một thoáng, rồi em nhún vai, thản nhiên bước về phía đó.
- Em đã bảo với Nêvađa là em tới đây. - vừa đi em vừa nói với qua vai.
Tôi vồ lấy em, xoay người em quay ngoắt lại.
- Em làm cái trò cực kỳ ngu xuẩn ấy để làm cái quái gì hả?
Mắt em bình thản quan sát thái độ của tôi.
- Nêvađa và em sẽ lấy nhau. Em bảo với anh ấy rằng em muốn mình là người đầu tiên báo cho anh biết cái tin này.
Tôi choáng người, không tin vào tai mình.
- Không! - tôi khàn khàn thét lên. - Em không thể. Anh nhất định không để em làm thế. Anh ấy già rồi. Anh ấy hết thời rồi. Em sẽ là ngôi sao nổi tiếng nhất của làng điện ảnh, một khi bộ phim này được phát hành!
- Em biết.
- Nếu em biết thế, tại sao lại làm như vậy? Em không cần anh ấy. Em không cần bất kỳ ai cả.
- Bởi vì khi em cần, anh ấy giúp đỡ em. - Em nói bình tĩnh. - Giờ đến lượt em. Anh ấy cần em.
- Anh ấy cần em ư? Tại sao thế? Bởi vì anh ấy kiêu hãnh đến mức không chịu mỏi gối cầu xin ư?
- Không phải thế! Và anh cũng biết rõ là không phải thế!
- Làm em trở thành ngôi sao nổi tiếng là ý tưởng do anh nghĩ ra!
- Em không cần xin anh làm như vậy cho em! - Raina cáu kỉnh nói. - Thậm chí em cũng không thích như vậy. Đừng có ngờ là em không biết anh đã làm cái gì. Giảm bớt vai của anh ấy đi trong bộ phim của chính anh ấy, dựng em lên như một thứ đài kỷ niệm ca ngợi cái tính ích kỷ của anh trong khi anh làm hại anh ấy!
- Anh đã có thấy em cố ngăn cản điều đó đâu! - Tôi nói - Cả hai chúng ta đều biết rằng anh ấy đang hết thời rồi. Bây giờ mọi xưởng phim đều có một kiểu mới về vai anh chàng chăn bò. Một anh chàng ca hát. Anh ta dùng cái đàn ghita chứ không sử dụng khẩu súng nữa!
- Anh hiểu rõ mọi cái như thế đấy hả? - Và “Bốp!”, Raina căm tức vả mạnh vào mặt tôi. Tôi cảm thấy mặt nóng rẫy lên, rát rạt trong tiếng Raina dằn mạnh. - Chính vì thế mà anh ấy cần em hơn bao giờ hết!
Tôi phát khùng, vồ lấy vai Raina, lắc người em như điên.
- Thế còn tôi thì sao? Cô có nghĩ là tại sao tôi đâm đầu vào chuyện này không? Không phải vì Nêvađa, mà là vì cô. Vì cô! Đã bao giờ cô kịp nghĩ đến điều đấy chưa, kể từ khi tôi cuống cuồng bay đến đây gặp cô không? Đã bao giờ cô có ý nghĩ rằng tôi cần đến cô không?
Raina chằm chằm cáu kỉnh nhìn tôi.
- Anh chưa bao giờ cần đến ai cả, Giônơx ạ, ngoài bản thân anh. Nếu không, anh đã không bỏ vợ anh trơ lại một mình ở chỗ ấy. Nếu như anh có một chút tình cảm, thậm chí chỉ là lòng thương hại thôi, thì anh phải bay về đó, hay bảo cô ấy đến đây.
- Xin cô đừng lôi vợ tôi ra dính vào chuyện này!
Em bỗng vằng mạnh ra khỏi tay tôi. Ngực trước chiếc áo rách xoạc đến tận hông. Tôi trố mắt nhìn. Hai vú em phập phồng nhô lên nhô xuống theo nhịp thở hổn hển. Người tôi bỗng bừng bừng như phát sốt.
- Raina! - Tôi ngấu nghiến miết môi mình lên miệng em. - Raina, anh xin em...
Trong một thoáng, miệng em chuội đi, em cố vùng vẫy bứt ra khỏi tôi. Rồi đột nhiên, em áp người vào tôi, mỗi lúc một sát, hai tay bấu chặt lấy cổ tôi. Đúng khi ấy, có tiếng cửa mở phía sau lưng.
- Xéo khỏi đây ngay! - tôi quát lên khàn khàn, không buồn quay lại nhìn.
- Lần này thì không, anh Giônơx ạ!
Tôi ẩy mạnh Raina về phía cửa buồng ngủ, từ từ quay lại. Đứng sững trước mặt tôi là ông bố vợ tôi và một người đàn ông nữa. Đằng sau họ, giữa ngưỡng cửa, là Monica. Tôi chằm chằm nhìn cô ta. Bụng cô ta phưỡn ra phía tôi.
Amôx Uynthrop cất tiếng. Giọng ông ta uôm uôm đắc thắng.
- Trước kia, để tôi đuổi được con gái tôi đi, mười nghìn đưa cho tôi là quá nhiều. - Ông ta cười khùng khục khe khẽ. - Vậy bây giờ anh xem anh phải tốn bao nhiêu để rứt bỏ được nó nhỉ?
Vẫn chằm chằm nhìn Monica, tôi bắt đầu chửi thầm mình. Thật không ngạc nhiên khi thấy một lão khốn kiếp như Amôx Uynthrop có thể cười được. Tôi quen Monica chưa đầy một tháng trước khi cưới. Thậm chí bây giờ, với cặp mắt không thông thạo của mình, tôi cũng có thể thấy rằng cô ta đã chửa ít nhất là được năm tháng. Như vậy là trước khi lấy tôi hai tháng, cô ta đã có mang.
Tôi lại tự chửi thầm mình. Không có thằng ngu nào như một thằng ngu trẻ - ba tôi trước kia luôn nói như vậy. Và, như thường lệ, ông cụ lần này lại đúng.
Cô ta không phải đang nướng cái bánh của tôi trong lò của cô ta.
--------------
Còn tiếp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét