Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Mùi Hương - Patrick Süskind (Chương 21 - 25)

Patrick Süskind

Mùi Hương

Lê Chu Cầu dịch
NXB Văn học - 2016

21

Nó muốn đi ngay xuống miền nam để học ở đó những kỹ thuật mới như ông già đã nói. Nhưng đâu có thể được. Nó chỉ là một đứa học nghề có nghĩa là chẳng là cái thớ gì cả. Nghiêm khắc mà nói, Baldini giải thích sau khi nỗi mừng rỡ ban đầu vì Grenouille sống lại qua đi, nghiêm khắc mà nói thì nó còn kém cả sự chẳng ra cái thớ gì, vì một đứa học việc đúng đắn phải có được gốc gác chính thức đàng hoàng, họ hàng cùng giai tầng xã hội và một giao kèo học nghề mà cả ba thứ đó nó đều không có. Tuy vậy Baldini vẫn muốn giúp nó một ngày kia có được chứng chỉ thợ lành nghề chỉ vì đã cân nhắc cái năng khiếu không dễ có của Grenouille, phẩm hạnh tốt của nó trong tương lai và vì lòng tốt không bờ bến của ông, một điều mà nó không bao giờ có thể phủ nhận, dù rằng lòng tốt ấy thường đem hại đến cho ông.
Dĩ nhiên cần khá lâu, ngót ba năm, để hoàn thành lời hứa của sự hảo tâm này. Trong thời gian ấy có Grenouille trợ giúp, Baldini đã thực hiện được giấc mộng với cao của ông. Ông thành lập một xí nghiệp ở Faubourg Saint-Antoine, những nước hoa độc đáo của ông được ưa chuộng trong hoàng cung, và ông nhận được đặc quyền của hoàng gia. Nước hoa hảo hạng của ông bán tận sang Petersburg, tới Palermo, tới cả Kopenhagen. Thậm chí một thứ đặc biệt có mùi xạ hương rất được ưa  chuộng ở Konstantinop (Istanbul ngày nay) dù họ thừa nước hoa, như Chúa biết đấy. Trong những cửa hàng sang trọng của London cũng thơm nức nước hoa của Baldini như ở trong hoàng cung Parma, trong cung điện ở Warsaw cũng không khác lâu đài của bá tước Von und zur Lippe-Detmold. Sau khi tưởng đã cam phận sống nốt tuổi già nghèo túng ở Messina, Baldini dứt khoát trở thành nhà chế nước hoa lớn nhất Châu Âu và là một trong những công dân giàu có nhất Paris vào năm ông bảy mươi tuổi.
Đầu năm 1756, lúc này ông đã tậu thêm ngôi nhà bên cạnh trên Pont au Change, chỉ để làm chỗ ở thôi vì ngôi nhà cũ ngập tới tận nóc, không phải nói ngoa, với hương liệu và đồ gia vị, ông ngỏ ý với Grenouille rằng sẵn lòng trả tự do cho gã, tất nhiên chỉ với ba điều kiện: thứ nhất, trong tương lai gã không chế tất cả nước hoa gã đã chế dưới mái nhà của Baldini, và cũng không đưa công thức cho ai khác; thứ hai là gã phải đi khỏi Paris và sẽ không trở lại khi Baldini còn sống và thứ ba là gã phải tuyệt đối giữ kín hai điều kiện trên. Gã phải thề trước các vị thánh, trước vong linh khốn khổ của mẹ gã và trên danh dự của chính gã.
Grenouille thề ngay dù rằng chẳng hề có danh dự, cũng như chẳng tin vào thánh hay vong linh khốn khổ của mẹ gã. Gã sẵn sàng thề mọi thứ, chấp nhận mọi điều kiện, vì gã muốn có được cái chứng chỉ thợ lành nghề khôi hài để có thể sống kín đáo, đi lại không bị trở ngại và tìm được chỗ làm. Những chuyện khác gã chẳng màng tới. Những điều kiện kia nào có nghĩa gì! Không được trở lại Paris ư? Gã cần gì Paris chứ! Gã biết Paris tới tận ngóc ngách hôi hám cuối cùng, dẫu đi đâu gã cũng đều có Paris trong người từ nhiều năm rồi. Không được chế những nước hoa độc đáo của Baldini, không được trao công thức cho người khác ư? Làm như gã không thể sáng tạo ra hàng nghìn thứ khác tốt bằng và tốt hơn nếu gã muốn! Nhưng gã đâu có muốn? Gã đâu định cạnh tranh với Baldini hay với bất kỳ một nhà chế nước hoa trưởng giả nào. Gã đâu có ý định làm giàu với nghệ thuật của gã ngay cả chỉ để sống cũng thế, khi gã có thể làm cách khác. Gã muốn bộc lộ cái gã tàng trữ trong lòng mà gã cho rằng tuyệt vời hơn tất cả những gì ngoại giới cống hiến, gã không muốn gì khác hơn thế cả. Cho nên điều kiện của Baldini đối với gã không phải là điều kiện.
Gã ra đi vào mùa xuân, một sáng sớm tháng Năm. Gã nhận được của Baldini một túi đeo lưng nhỏ, một cái áo thứ nhì, hai đôi tất, một khúc dồi to, một cái chăn thô và hai mươi lăm quan. Baldini nói thế là quá nhiều so với những gì ông có bổn phận cung cấp, nhất là Grenouille không trả tí tiền học nào cho sự đào tạo chu đáo mà gã hưởng. Ông chỉ buộc phải cho gã hai quan tiền đi đường, thế thôi. Nhưng mà ông không thể chối bỏ lòng tốt của mình cũng như tình cảm sâu đậm chất chứa trong trái tim ông trong suốt bao năm dành cho thằng Jean-Baptiste Grenouille giỏi giang. Ông chúc gã nhiều may mắn trong cuộc hành trình và một lần nữa nghiêm khắc cảnh cáo gã đừng quên lời thề. Rồi ông đưa gã tới cổng dành cho người làm, nơi xưa kia ông đã gặp gã, để cho gã đi.
Ông không đưa tay cho gã bắt, cái tình cảm chưa đủ sâu đậm đến thế. Ông chưa bao giờ bắt tay gã. Ông luôn luôn tránh đụng chạm đến gã do một thứ ghê tởm mù quáng như thể có nguy cơ gã làm ông lây bệnh, làm ông ô uế. Ông chỉ nói gọn lỏn adieu [vĩnh biệt (tiếng Pháp)], Grenouille gật đầu rồi khom người lại, ra đi. Đường phố không một bóng người.

22

Baldini nhìn theo gã lê bước qua cầu, sang bên hòn đảo, nhỏ thó, khom người, mang cái túi trên lưng như mang cái bướu, nhìn từ sau chẳng khác một ông già. Tới khúc ngoặt của con hẻm nơi tòa án tối cao (Parlement) thì gã biến khỏi tầm mắt và ông nhẹ hẳn cả người.
Ông chưa bao giờ mến gã, chưa hề, và bây giờ thì ông có thể dứt khoát thú nhận được rồi. Suốt thời gian ông cho gã ở và moi móc gã, ông không thoải mái tí nào. Ông cảm thấy như một người chân thật lần đầu tiên làm một việc bị cấm đoán hay chơi gian một ván bài. Vẫn biết khả năng làm việc này bị phát giác nhỏ thôi mà triển vọng thành công thì vô cùng to lớn nhưng lòng bất an và lương tâm cắn rứt cũng lớn không kém. Quả thật suốt mấy năm ấy không ngày nào ông không bị đeo đuổi bởi một cái ý nghĩ không vui rằng rồi ông sẽ phải đền bù bằng cách nào đó cho sự giao du với gã. Ước gì được trôi chảy, ông không ngớt lo âu cầu khẩn, ước gì mình có thể gặt hái được sự thành công của việc mạo hiểm này mà không phải đền bù gì! Ước gì mình thành công! Điều tôi làm không đúng thật đấy nhưng Chúa sẽ nhắm mắt làm ngơ, chắc chắn Người sẽ làm ngơ! Trong đời tôi Người đã từng trừng phạt nặng nề nhiều lần mà chẳng vì lý do gì cả  thì nếu lần này Người có thái độ làm hòa thì cũng đúng thôi. Tôi đã làm tội gì nào, nếu như quả đó là tội? Cùng lắm là tôi đã hơi vượt quá điều lệ của phường hội qua việc tôi lợi dụng cái năng khiếu tuyệt vời của một thằng thiếu kinh nghiệm và nhận năng lực của gã làm của tôi. Cùng lắm là tôi đã đi trệch một ít khỏi cái con đường mòn truyền thống đầy tư cách của ngành thủ công. Cùng lắm là  hôm nay tôi đã làm cái mà tôi lên án ngày hôm qua. Thế đã là tội ác chưa? Có những kẻ bịp cả đời. Còn tôi chỉ mới gian dối vài ba năm nay thôi. Cũng chỉ tại vì ngẫu nhiên mà cái cơ hội ngàn năm một thuở ấy đến với tôi đấy chứ? Cũng có thể không ngẫu nhiên đâu, có thể chính Chúa đã gởi cái tay phù thủy ấy đến nhà tôi để đền bù cho những ngày tôi bị Pélissier và lũ bạn gã hạ nhục. Có thể Chúa không hoàn toàn ưu ái tôi đâu mà chỉ trừng phạt Pélissier thôi! Có thể lắm chứ? Chúa làm cách nào trừng phạt được Pélissier nếu không nâng đỡ tôi? Như thế thì sự may mắn của tôi là phương tiện để Chúa thực hiện sự công bằng và tôi không những được phép mà còn phải nhận mà không cần phải xấu hổ hay hối hận tí nào…
Baldini vẫn thường nghĩ như thế trong những năm qua, sáng sáng khi ông xuống cửa tiệm qua cái cầu thang hẹp cũng như chiều chiều khi ông ôm cái két lên lầu đếm những đồng tiền vàng và bạc nặng trịch và đêm đêm khi ông nằm cạnh cái thân thể gầy đét ngáy vang của vợ, không thể nhắm mắt vì sự may mắn làm ông quá sợ.
Nhưng bây giờ rốt cuộc những ý nghĩ gở ấy qua rồi. Người khách lạ lùng đã đi khỏi và sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Còn sự giàu có ở lại và vững bền mãi mãi. Baldini đặt tay lên ngực, cảm thấy qua làn vải áo quyển sổ nơi trái tim. Sáu trăm công thức đã ghi trong ấy, phải nhiều thế hệ nhà chế nước hoa mới hòng thực hiện được. Nếu như hôm nay ông mất hết tất cả thì trong vòng một năm, chỉ với quyển sổ tuyệt vời này thôi ông sẽ lại giàu. Nói thật, ông còn đòi hỏi gì hơn.
Mặt trời buổi sáng phía trên đầu hồi các nhà đối diện chiếu ánh nắng vàng ấm lên mặt ông. Baldini vẫn nhìn về phía nam, hướng con đường dẫn đến toà án tối cao, cảm thấy thật dễ chịu khi không còn nhìn thấy Grenouille nữa và quyết định sẽ hành hương sang Notre-Dame ngày hôm ấy để cúng một đồng tiền vàng với lòng chan chứa biết ơn, sẽ thắp ba ngọn nến, quỳ xuống cám ơn Chúa đã ban cho ông thừa thãi may mắn và tránh cho ông không bị báo thù.
Nhưng trớ trêu sao lại có chuyện xảy đến giữa chừng. Ngay khi ông định đi sang nhà thờ vào lúc xế trưa thì có tin đồn ầm là Anh đã tuyên chiến với Pháp. Thật ra thì chẳng có gì đáng lo lắng cả. Nhưng đúng hôm ấy Baldini định gởi một chuyến hàng nước hoa sang London nên ông hoãn lại việc đi sang Notre-Dame để vào phố lấy thêm tin tức rồi đi tiếp đến xí nghiệp ở Faubourg Saint-Antoine, hủy ngay việc gởi hàng sang London. Tối đến nằm trên giường ông nảy ra một sáng kiến thiên tài ngay trước khi đi vào giấc ngủ: nhân cuộc chiến tranh xảy ra để tranh giành thuộc địa ở các nước Tân thế giới, ông định sẽ tung ra một loại nước hoa có tên Prestige de Québec (Uy danh Québec), một mùi thơm quả cảm làm từ nhựa cây mà sự thành công của nó chắc chắn thừa bù đắp cho cái vụ bỏ buôn bán với Anh. Maitre Baldini ngả cái đầu già nua đần độn lên gối, nhẹ cả người với cái ý nghĩ ngọt lịm kia, thấy sức nặng của quyển sổ đè lên ngực dễ chịu hẳn, ông chìm trong giấc ngủ và không bao giờ dậy nữa.
Số là đêm hôm đó xảy ra một tai biến nhỏ mà sau đó ít lâu là lý do để có chiếu chỉ ra lệnh dần dần phá sập mọi nhà trên tất cả các cầu ở Paris: mạn tây của Pont au Change, giữa trụ cầu ba và bốn sụp mà không rõ nguyên nhân. Hai ngôi nhà đổ ụp xuống sông bất ngờ đến nỗi không thể cứu được ai cả. May mắn sao chỉ có hai người chết, Giuseppe Baldini và bà vợ ông, bà Teresa. Những người giúp việc, chẳng biết được phép hay không đều đi ra ngoài cả. Còn Chénier mãi hửng sáng mới chếnh choáng về nhà, đúng hơn phải nói là muốn về nhà vì ngôi nhà không còn ở đó nữa, liền bị suy nhược thần kinh. Ông đã tận tụy ba mươi năm ròng với hy vọng được Baldini chọn làm người thừa kế trong di chúc vì ông này không có con cái cũng không thân thích. Bây giờ bỗng nhiên cả gia sản biến mất; tất cả, nhà, cửa hàng, nguyên vật liệu, xưởng, ngay cả Baldini, thậm chí cả tờ di chúc biết đâu lại chẳng để cho ông cái xí nghiệp để làm của riêng!
Chẳng tìm thấy gì cả, xác không, tủ tiền không, quyển sổ với sáu trăm công thức cũng không. Cái duy nhất còn sót lại của Giuseppe Baldini, nhà chế nước hoa lớn nhất Châu Âu, là một mùi trộn lẫn xạ hương, quế, giấm, oải hương và hàng nghìn thứ khác tràn ngập sông Seine từ Paris tới tận Le Havre suốt mấy tuần liền.

Phần Hai

23

Vào cái lúc ngôi nhà của Giuseppe Baldini sập thì Grenouille đang trên đường đi đến Orléans. Gã để lại phía sau cái bầu trời mờ đục bao phủ thành phố lớn, cứ mỗi bước xa thêm thì không khí quanh gã trong hơn, tinh khiết hơn, sạch hơn. Cả loãng hơn nữa. Không có cảnh trăm, nghìn thứ mùi dồn dập luân phiên rượt đuổi nhau từng mét một nữa mà chỉ một mùi sẵn có như mùi đường đi cát sỏi, mùi đồng cỏ, mùi đất, mùi cây cối, mùi nước… bất tận trên đồng quê; chầm chậm nở ra, chầm chậm biến đi, không bao giờ đứt đoạn đột ngột cả.
Grenouille thấy sự mộc mạc này như là giải thoát. Những mùi hương nhẹ nhàng mơn trớn gã. Lần đầu tiên trong đời gã không phải cảnh giác rằng với mỗi hơi thở lại phát hiện ra một mùi thù địch mới không ngờ hay để mất đi một mùi dễ chịu. Lần đầu tiên gã gần như có thể thở tự do mà không phải vừa ngửi vừa rình rập. Gọi là gần như vì thật ra chẳng có gì tự do đi qua mũi Grenouille cả. Dù không có chút lý do nhỏ nào nhưng gã luôn luôn thận trọng bẩm sinh khi để cho những thứ bên ngoài lọt vào bên trong gã. Cả đời, kể cả đôi lúc hiếm hoi mà gã được sống trong những thứ tương tự như sự thỏa mãn, hài lòng, thậm chí cả may mắn nữa, gã vẫn thích thở ra hơn hít vào như gã đã bắt đầu sự sống không phải bằng một sự hít vào đầy hy vọng mà bằng cái tiếng khóc rùng rợn. Trừ cái hạn chế bẩm sinh này ra thì càng xa Paris bao nhiêu Grenouille càng thấy thoải mái bấy nhiêu, gã cảm thấy dễ thở hơn, bước đi nhanh nhẹn hơn và đôi lúc thẳng người lên được, lúc ấy nhìn từ xa thì thấy gã chẳng khác mấy một gã thợ thủ công, nghĩa là như một người hoàn toàn bình thường.
Gã thấy xa cách con người là giải thoát hay nhất. Ở Paris người ta sống chen chúc hơn bất kỳ đâu trên thế giới này. Sáu, bảy trăm nghìn người sống ở Paris. Họ nhan nhản ngoài đường phố và quảng trường, trong nhà thì đầy ứ từ hầm tới nóc. Không một xó xỉnh nào ở Paris mà con người không trân trối ngó vào, không một khoảnh đất nào mà lại không có hơi người.
Sang ngày thứ ba của chuyến đi, gã bị hút vào trong trường mùi của Orléans. Grenouille phát hiện trong không khí sự tích tụ của con người thật lâu trước khi có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy đang ở gần thành phố và quyết định tránh xa Orléans, ngược với ý định ban đầu. Gã không muốn cái hơi thở tự do vừa mới có được lại sớm bị cái môi trường ngột ngạt của con người ô nhiễm. Gã đi vòng thật xa thành phố, gặp con sông Loire ở Chateauneuf và vượt sông ở Sully. Tới đây thì cũng vừa ăn hết dồi, gã mua một cây khác rồi bỏ dòng sông đi sâu vào đất liền.
Lúc này gã không chỉ tránh thành phố mà tránh cả làng mạc. Gã như bị say bởi cái không khí không ngừng loãng và vắng con người hơn. Chỉ khi nào phải mua thêm đồ ăn gã mới đến gần một khu dân cư hay một nông trại chơ vơ, mua bánh mì rồi lại biến vào rừng. Sau vài tuần thì ngay cả những lần gặp đôi người qua lại trên những con đường khuất nẻo cũng là quá nhiều đối với gã, gã không chịu nổi mùi toát ra từ những nông phu đang cắt vụ cỏ đầu tiên trên đồng cỏ. Gã sợ hãi tránh những đàn cừu, không phải sợ lũ cừu mà để tránh mùi người chăn cừu. Gã băng đại ngang đồng cỏ, sẵn sàng đi vòng hàng dặm nếu ngửi thấy mùi đoàn kỵ binh đang phi về phía gã dù họ còn cách xa gã cả tiếng đồng hồ. vì không hề biết có chiến tranh nên không phải gã sợ bị khám xét hay hỏi giấy tờ và bị bắt lính như những tay thợ thủ công hay bọn du thủ du thực khác mà chỉ vì gã gớm ghiếc mùi người của các kỵ binh. Vì thế kế hoạch đi thật nhanh tới Grasse tự động tan biến dần, chẳng do một quyết định đặc biệt nào, có thể nói là kế hoạch đã hòa tan trong sự tự do như mọi dự tính và kế hoạch khác. Grenouille không muốn đi bất kỳ đâu nữa mà chỉ muốn xa con người.
Cuối cùng gã chỉ còn đi vào ban đêm. Ban ngày gã chui vào các lùm cây thấp, ngủ trong các bụi cây rậm rạp ở những nơi khó vào nhất, cuộn tròn như một con vật, cái chăn thô màu đất nâu trùm kín cả người lẫn đầu, mũi kê giữa khuỷu tay, quay xuống đất để không một chút mùi lạ nào quấy rầy giấc mơ của gã. Gã thức dậy khi mặt trời lặn, đánh hơi khắp mọi hướng và chỉ sau khi đã ngửi thấy chắc chắn rằng người nông phu cuối cùng đã rời khỏi đồng ruộng và ngay cả người bộ hành gan góc nhất cũng đã tìm một chỗ trọ trước màn đêm, chỉ sau khi đêm tối với những nguy hiểm tưởng tượng đã quét sạch con người khỏi vùng đất, Grenouille mới chui ra khỏi chỗ ẩn nấp, tiếp tục chuyến đi. Gã không cần ánh sáng để nhìn. Ngay trước đây, khi còn đi trong ban ngày, gã thường bịt mắt hàng giờ liền và chỉ đi theo cái mũi. Cái bức tranh đồng quê sặc sỡ, sự lóa mắt, sự thay đổi bất chợt và sự phải nhìn rõ làm mắt gã đau. Gã chỉ thích ánh trăng. Ánh trăng không có màu và chỉ soi nhạt đường nét địa thế. Ánh trăng phủ mảnh đất với màu xám nhơ nhuốc và bóp nghẹt sự sống được một đêm dài. Cái thế giới trong đêm như được đúc bằng chì, không có gì lay động ngoài ngọn gió thỉnh thoảng như cái bóng đổ xuống những cánh rừng màu xám và không có gì sống trong đó ngoài mùi thơm của đất trần trụi, là cái thế giới duy nhất mà gã chấp nhận vì giống với cái thế giới của tâm hồn gã.
Gã đi về hướng nam như thế đấy. Gọi đại khái là hướng nam thôi vì gã không đi theo la bàn nam châm mà chỉ theo la bàn của mũi gã, nó bảo gã đi vòng mỗi thành phố, mỗi làng, mỗi khu dân cư. Hàng tuần liền gã không gặp một ai. Và gã có thể tự ru ngủ trong niềm tin vững vàng rằng gã là kẻ duy nhất trong cái thế giới tối tăm, được tắm trong ánh trăng lạnh lẽo nếu cái la bàn nhậy bén của gã không chỉ  ra điều ngược lại.
Trong đêm cũng có người. Ở trong những vùng hẻo lánh nhất cũng có người. Họ chỉ rút về chỗ trú ẩn ngủ như chuột. Mặt đất chưa hết sạch hơi họ bởi vì ngay trong giấc ngủ họ vẫn phả ra mùi, xuyên qua cửa sổ để ngỏ hay những kẽ hở trong nhà, bay ra ngoài làm uế tạp cái thiên nhiên tưởng chừng không gì đụng đến được. Grenouille càng quen với cái không khí trong lành bao nhiêu thì gã càng nhậy cảm bấy nhiêu với cái mùi người có lần ào đến bất ngờ, hoàn toàn không chờ đợi, kinh tởm như mùi phân bón, tố giác rằng nơi trú chân của người chăn cừu hay lều của người đốt than hay hang của bọn cướp đâu đó quanh đây. Thế là gã tiếp tục chạy, càng ngày càng phản ứng nhậy hơn với cái mùi người ngày càng ít hẳn đi. Và cái mũi gã càng dẫn gã đến những vùng hẻo lánh hơn, xa con người hơn và đẩy gã mãnh liệt hơn về cái cực nam châm của sự cô độc, càng gần càng tốt.

24

Cái cực này, tức là điểm xa cách con người nhất trong toàn vương quốc, nằm ở Massif Central, vùng Auvergne, cách phía nam Clermont năm ngày đường, trên đỉnh một ngọn núi lửa cao hai nghìn mét, có tên là Plomb du Cantal.
Cái núi khoáng thạch màu xám chì có hình chóp nón khổng lồ được bao quanh bởi một cao nguyên mênh mông, trơ trụi, mọc toàn rêu màu xám và những bụi cây rậm rạp lè tè cũng màu xám; đây đó dựng lên những tảng đá nhọn màu nâu trông như những cái răng sâu và vài thân cây cháy thành than. Ngay giữa ban ngày vùng này cũng cằn cỗi  buồn tẻ đến nỗi người chăn cừu cùng khổ nhất của cái tỉnh vốn nghèo này cũng chẳng thèm xua lũ cừu đến đây. Còn ban đêm, trong ánh trăng sáng nhờ nhờ thì cái cảnh hoang vu như thể bị Chúa bỏ rơi làm cho vùng này có vẻ như thuộc về một thế giới nào khác. Ngay đến tên cướp Lebrun ở Auvergne bị truy nã khắp nơi cũng thà chọn vùng Cévenne để thoát thân rồi bị tóm ở đó và bị tứ mã phanh thây hơn là trốn ở Plomb du Cantal, cho dù chắc chắn ở đó chẳng ai thèm tìm bắt hắn, nhưng cũng chắc chắn là hắn sẽ phải chết đau khổ hơn nữa, đó là chết mòn mỏi trong cô đơn. Chung quanh núi hàng dặm không một bóng người hay một con thú có máu nóng nào trừ vài con dơi, vài con bọ hung và rắn. Hàng chục năm rồi không ai leo lên đỉnh núi cả.
Grenouille tới chân núi một tối tháng năm năm 1756. Tờ mờ sáng gã đã đứng trên ngọn núi. Gã chưa biết rằng chuyến đi của gã chấm dứt ở đây. Gã vẫn nghĩ rằng đây chỉ là một chỗ dừng chân trên con đường đi đến nơi có không khí trong lành hơn và gã xoay quanh, mũi lướt nhìn phong cảnh hùng vĩ của vùng núi lửa hoang vu, lướt về phía đông nơi có cao nguyên Saint-Flour bao la và những đầm lầy của con sông Riou, và lướt về phía bắc nơi gã phát xuất và đã nhiều ngày đi qua những dãy núi đá vôi, lướt về phía tây nơi ngọn gió nhẹ ban mai mang đến cho gã chỉ một mùi của đá và loại cỏ cứng, sau hết về phía nam nơi những núi con của Plomb trải dài hàng dặm tới tận những hẻm núi tối tăm của sông Truyere. Khắp nơi, phía nào cũng vậy, đều xa con người cả nhưng đồng thời mỗi bước về mỗi phía có nghĩa sẽ lại gần con người hơn, cái la bàn cứ xoay quanh. Nó không còn chỉ phương hướng nữa. Grenouille đã tới đích. Nhưng đồng thời gã đã bị giam giữ.
Khi mặt trời đã lên cao, gã vẫn đứng tại chỗ hếch mũi lên. Với một cố gắng tuyệt vọng, gã đánh hơi tìm xem đâu là hướng con người nguy hiểm có thể đến và đâu là hướng ngược lại để gã chạy trốn tiếp. Hướng nào gã cũng nghi là rồi sẽ phát hiện ra một chút hơi hướng của con người còn ẩn đâu đó. Nhưng chẳng có gì cả. Chỉ là bình yên, bình yên của mùi, nếu có thể nói như thế được. Chung quanh chỉ có tiếng xào xạc khe khẽ do mùi thơm thuần nhất của đá không sự sống, của thạch y xám và của cỏ úa, ngoài ra không còn gì khác.
Phải rất lâu Grenouille mới chịu tin những gì gã không ngửi thấy. Gã không chờ đợi sẽ gặp may. Sự nghi ngại dằng co dai dẳng với nhận thức Thậm chí, khi mặt trời lên, gã dùng đến sự trợ giúp của mắt lục lọi khắp chân trời một dấu hiệu nhỏ nhoi về sự hiện diện của con người, chẳng hạn một mái lều, một làn khói, một bờ rào, một cây cầu, một đàn gia súc. Gã khum tay quanh tai lắng nghe tiếng cắt của lưỡi hái, một tiếng chó sủa hay một tiếng trẻ khóc. Gã ở lì trên đỉnh ngọn Plomb du Cantal suốt ngày hôm ấy trong cái nóng như thiêu đốt, chờ đợi hoài công một dấu hiệu nhỏ nhất. Chỉ khi mặt trời lặn sự nghi ngại của gã mới từ từ nhường chỗ cho một cảm giác phơi phới mạnh dần lên: gã đã thoát khỏi cái mùi xú uế đáng ghét! Gã thật sự hoàn toàn một mình! Gã là con người duy nhất trên thế giới!
Tiếng hò reo ầm ĩ vỡ òa trong con người gã. Như một kẻ bị đắm tàu sau nhiều tuần trôi giạt lênh đênh say sưa chào mừng hòn đảo đầu tiên có người ở, Grenouille ăn mừng đã đến được ngọn núi cô độc. Gã gào lên vì sung sướng. Gã tung hê túi đeo, chăn, gậy và không ngớt dậm chân thình thịch, tay giơ cao, xoay người múa và hét toáng tên gã khắp bốn phương, nắm tay lại, đắc thắng dứ dứ vào cái vùng đất nằm tuốt phía dưới và vào vầng mặt trời đang lặn như thể chính gã xua đuổi nó khỏi bầu trời. Gã hành động như một kẻ điên tới tận khuya.

25

Gã dành mấy ngày sau đó để sắp xếp trên ngọn núi vì gã thấy rõ sẽ không sớm rời khỏi miền đất lành này. Trước hết gã đánh hơi tìm nước và tìm thấy trong một chỗ lõm gần ngọn núi. Nước nhỉ thành một lớp mỏng dọc theo tảng đá vào đấy. Không nhiều nhưng nếu gã kiên nhẫn liếm khoảng một tiếng thì cũng đủ cho nhu cầu trong ngày. Gã tìm thấy cả thức ăn. Đó là những con kỳ nhông nhỏ và rắn khoang mà gã nuốt cả da lẫn xương sau khi đã bứt đầu. Gã ăn thêm thạch y khô, cỏ và những hạt rêu. Theo tiêu chuẩn bình thường thì ăn uống kiểu này hoàn toàn không thể chấp nhận được nhưng lại chẳng làm gã bực mình tí nào. Mấy tuần rồi, mấy tháng rồi gã đâu có sống nhờ vào thực phẩm làm sẵn của con người như bánh mì, dồi, phomát, mà khi thấy đói thì gã ăn tất những gì gã gặp và thấy là ăn được. Gã không phải là kẻ sành ăn. Gã cũng chẳng cần thưởng thức nếu như thưởng thức cốt không phải ở cái mùi thuần túy vô thể. Gã cũng không cần đến tiện nghi và sẵn sàng hài lòng dựng chỗ ở trên đá trần trụi. Nhưng gã tìm thấy chỗ tốt hơn.
Gần chỗ lấy nước gã phát hiện ra một đường hầm thiên tạo, dẫn sâu vào trong núi, qua nhiều khúc quanh hẹp, để sau chừng ba mươi mét thì không đi tiếp được nữa vì đầy đá lở. Ở đó, nơi cuối đường hầm, chật đến nỗi hai vai gã chạm vào đá và thấp đến nỗi gã chỉ có thể đứng lom khom, nhưng ngồi được và nếu gã cong người thì có thể nằm được nữa. Thế là đáp ứng hoàn toàn cái nhu cầu về tiện nghi của gã. Vì chỗ này có nhiều thuận lợi không lường được: cuối đường hầm thì ngay cả ban ngày cũng tối như mực, tĩnh mịch như bãi tha ma, còn không khí thì ẩm, lạnh và có vị muối. Grenouille ngửi ngay ra là chưa từng có một sinh vật nào vào đấy cả. Khi chiếm chỗ này gã có cảm giác rụt rè thành kính. Gã cẩn thận trải cái chăn thô lên nền đá như thể phủ cái bàn thờ rồi nằm lên trên. Gã thoải mái vô cùng. Gã nằm trong lòng ngọn núi cô quạnh nhất nước Pháp, năm mươi mét dưới mặt đất, như trong nấm mồ của chính gã vậy. Trong đời gã chưa bao giờ cảm thấy an toàn như thế, kể cả khi nằm trong bụng mẹ. Dẫu ngoài kia thế giới có cháy rụi thì ở đây gã cũng chẳng hề biết. Gã khóc thầm. Gã không biết phải cám ơn ai với bấy nhiêu may mắn.
Về sau gã chỉ đi ra ngoài để liếm nước, để giải quyết thật nhanh cái việc tiêu tiểu, để săn thằn lằn và rắn. Dễ tóm được chúng vào ban đêm vì chúng rúc dưới các phiến đá hay chui vào hang và gã tìm dấu chúng bằng mũi.
Mấy tuần đầu gã leo lên đỉnh núi thêm vài ba lượt nữa để đánh hơi phía chân trời. Chẳng bao lâu cái việc này trở thành thói quen chán ngắt hơn là cần thiết vì không lần nào gã ngửi thấy sự đe dọa cả. Cho nên cuối cùng gã bỏ cả các chuyến khảo sát và lo trở về phần mộ cho thật nhanh sau khi đã làm những việc lặt vặt cần thiết nhất cho sự sống còn. Bởi vì ở đấy, trong phần mộ, gã mới thực sự sống. Có nghĩa là gã ngồi hơn hai mươi tiếng trong ngày nơi cuối đường hầm, trên cái chăn thô, hoàn toàn trong bóng tối, im lặng và tuyệt đối không cử động, lưng tựa vào đống đá lở, vai kẹp giữa những tảng đá và không đòi hỏi gì hơn.
Ta biết có những người tìm sự cô quạnh như những kẻ sám hối, những người thất chí, những vị thánh hay những nhà tiên tri. Họ thích rút vào sa mạc, sống bằng cào cào và mật ong. Có người chọn hang động hay am trên những hòn đảo xa xôi, hoặc khác thường hơn, ngồi chồm hổm trong cái cũi treo lơ lửng trong không khí. Họ làm như thế để được gần Thượng Đế hơn. Họ sống khổ hạnh, qua đó mà sám hối. Họ làm như thế với niềm tin rằng cuộc sống ấy hợp với ý Thượng Đế. Hay là họ chờ đợi ròng rã nhiều tháng nhiều năm, tin rằng lời rao truyền của Thượng Đế sẽ đến với họ trong cảnh cô độc, để rồi họ sẽ vội vã đem rao giảng trong cõi nhân gian.
Grenouille chẳng có gì giống như thế cả. Gã không nghĩ chút xiú nào đến Thượng Đế. Gã không sám hối cũng chẳng chờ đợi một linh cảm màu nhiệm nào. Gã rút về đây chỉ do một thích thú riêng đó là được gần với chính gã. Gã ngụp lặn trong sự tồn tại không gì làm phân tâm được của gã và thấy tuyệt vời. Gã nằm trong cái phần mộ bằng đá như một xác chết, không thở, tim ngừng đập nhưng lại sống hết sức mãnh liệt và phóng đãng mà chưa một kẻ phóng đãng nào ngoài đời từng sống.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét