Patrick Süskind
Mùi Hương
Lê Chu Cầu dịch
NXB Văn học - 2016
16
Sáng hôm sau ông đi ngay tới tìm Grimal. Trước hết ông trả tiền tấm da lừa và trả đúng giá, không cằn nhằn cũng không mặc cả. Rồi ông mời Grimal đi uống một chai vang trắng ở quán Tour d’Argent để thương lượng mua lại gã học việc Grenouille. Tất nhiên ông không lộ ra tại sao lại cần nó và để làm gì. Ông bịa ra là được đặt một số lượng da tẩm nước hoa mà ông cần phải có một thợ phụ không rành nghề giúp mới làm xuể. Một gã cho gì chịu nấy, làm giúp ông những việc đơn giản nhất, cắt da vân vân. Ông gọi thêm một chai vang nữa và đề nghị trả Grimal hai mươi livre bồi thường do những phiền toái gây ra khi thiếu Grenouille. Hai mươi livre là một số tiền kếch sù cho nên Grimal đồng ý ngay. Họ trở lại xưởng thuộc da và lạ lùng thay Grenouille đã đợi sẵn ở đó với gói hành lý đâu vào đấy. Baldini trả hai mươi livre, dẫn nó theo, chắc chắn là đã làm một vụ buôn bán tuyệt nhất trong đời.
Grimal, cũng tự cho là đã làm một vụ buôn bán tuyệt nhất
trong đời, quay lại quán Tour d’Argent, uống thêm hai chai vang nữa rồi gần trưa
lại sang quán Lion d’Or bên bờ bên kia, chẳng thèm giữ gìn, uống say mèm đến nỗi
khuya hôm ấy khi định quay sang Tour d’Argent lần nữa, hắn lộn Rue Geoffoi
l’Anier với Rue des Nonaindières cho nên thay vì gặp ngay Pont Marie như dự
tính thì trớ trêu sao lại lạc đến Quai des Ormes, để rồi ngã sóng soài đập mặt
xuống nước như một cái giường mềm. Hắn chết ngay tức thì. Còn dòng sông thì cần
phải có đủ thời gian để kéo hắn từ chỗ bờ cạn, lách qua những tàu thuyền đậu ở
đó ra giữa dòng nước chảy siết hơn, và mãi hửng sáng tay thợ thuộc da Grimal,
hay đúng hơn là cái xác ướt sũng của hắn, mới theo dòng trôi nhanh về hướng
tây.
Trong khi hắn lặng lẽ trôi dưới Pont au Change và không va
vào chân cầu thì phía trên hắn hai mươi mét, Grenouille cũng vừa đi ngủ. Nó leo
lên cái phản được đặt một góc ở trong xưởng của ông Baldini trong khi chủ cũ của
nó giang hết chân tay trôi theo dòng Seine lạnh lẽo. Nó thoải mái cuộn người lại
như con bọ chét. Nó càng lúc càng chìm sâu vào hơn trong chính nó cùng với giấc
ngủ, ca khúc khải hoàn tiến vào pháo đài bên trong nó, mơ một lễ mừng chiến thắng
ngát hương, một buổi truy hoan nghi ngút khói trầm và hương mật nhi lạp để chào
mừng chính nó.
17
Giuseppe Baldini trở nên nổi tiếng khắp cả nước, cả Châu Âu, sau khi mua được Grenouille. Tại cửa hàng trên Pont au Change, bộ chuông Ba Tư không ngớt rung và mấy con cò không ngừng nhả nước.
Ngay tối đầu tiên Grenouille đã phải làm một hũ to Nuit
Napolitaire mà chỉ trong vài ngày đã bán được hơn tám mươi lọ con. Tiếng tăm của
nước hoa này lan nhanh như sóng. Mắt Chénier đờ đẫn vì đếm tiền và lưng đau nhức
vì phải gập người chào bởi vì khách hàng toàn là những ông to bà lớn, thậm chí
cực lớn hay ít nhất cũng là gia nhân của các vị ấy. Có lần cửa bị đẩy tung đến
nỗi bật tới bật lui, kêu lách cách, một tên hầu của bá tước d’Argenson bước vào
hét rằng ngài muốn có năm chai nước hoa loại mới; chỉ có lũ hầu mới có thể hét
to đến thế, mãi mười lăm phút sau Chénier vẫn còn run vì kinh sợ bởi bá tước
d’Argenson là đổng lý văn phòng ngự tiền kiêm thượng thư bộ Binh của Đức Hoàng
thượng và là người quyền thế nhất Paris.
Trong khi Chénier phải một mình chèo chống với làn sóng của
khách hàng thì Baldini rút vào xưởng với gã học việc mới. Ông biện minh tình trạng
này với Chénier bằng một lý thuyết kỳ quái mà ông gọi là “phân công và hợp lý
hóa”. Ông giải thích rằng suốt nhiều năm qua ông đã nhẫn nại chứng kiến
Pélissier và những tay coi thường phường hội cùng một giuộc như gã lôi kéo
khách hàng, làm cho cửa hàng lụn bại. Bây giờ sự nhẫn nại ấy chấm dứt. Bây giờ
ông chấp nhận sự thách thức và trả đòn bọn mới phất theo đúng cách của chúng: mỗi
mùa, mỗi tháng, nếu cần thì mỗi tuần ông sẽ tung ra nước hoa mới và nước hoa ra
nước hoa nhé! Ông sẽ dựa trên sức sáng tạo tràn trề di truyền. Muốn thế, ông cần
tập trung tất cả vào sản xuất nước hoa, chỉ với sự trợ giúp của một thợ phụ
không rành nghề, còn Chénier thì phải chuyên tâm mua bán. Với phương pháp hiện
đại này ta sẽ mở một chương mới trong lịch sử ngành nước hoa, quét sạch bọn cạnh
tranh và sẽ giàu không thể tưởng tượng được, phải, ông cố ý nhấn mạnh từ “ta”
vì ông có ý muốn cho người phụ việc lâu năm này được chia sẻ một phần nhất định
của sự giàu sang không lường nổi ấy.
Nếu là mấy bữa trước hẳn Chénier cho những lời này của chủ
là triệu chứng bắt đầu bệnh cuồng của tuổi già. “Ông ấy đến phải đi nằm Charité
mất thôi”, hẳn ông ta sẽ nghĩ thế, “chẳng còn bao lâu nữa ông ấy sẽ vĩnh viễn
buông chày thôi”. Còn bây giờ thì ông ta
chẳng nghĩ gì cả. Nhiều việc quá nên không còn nghĩ được nữa. Ông ta bận tối
tăm mặt mũi đến nỗi đêm đêm kiệt sức không dọn nổi két tiền đầy khẳm và kín đáo
thuổng cái phần của mình. Dù có nằm mơ ông ta cũng không thể nghi ngờ rằng mọi
chuyện không tiến triển tốt khi mà gần như mỗi ngày đều thấy Baldini mang từ xưởng
ra một loại nước hoa mới.
Và nước hoa như thế mới là nước hoa chứ! Không chỉ nước hoa
thượng hảo hạng mà còn kem, bột, xà bông, thuốc gội đầu, thuốc lau mặt, dầu... tất
cả những gì vốn thơm bây giờ thơm hoàn toàn mới, khác hẳn và tuyệt diệu hơn trước
kia. Và cứ như bị bỏ bùa mê, người ta nhào vào mua mọi thứ bất kể giá cả, đúng
là mọi thứ, ngay cả cái ruy băng kiểu mới
tẩm nước hoa nảy sinh trong một lúc bốc đồng của Baldini. Mọi thứ Baldini sản
xuất đều thành công. Và thành công vượt mức đến nỗi Chénier chấp nhận như một
hiện tượng tự nhiên và không còn tìm hiểu căn nguyên nữa. Nếu có ai nói với ông
ta rằng biết đâu cái gã học việc mới, cái thằng lùn vụng về vẫn ở trong xưởng
như một con chó và thỉnh thoảng khi ông chủ bước ra, người ta thấy nó đứng phía
sau lau bình, chùi cối giã, biết đâu cái thằng chẳng bằng con số không ấy có
liên quan đến sự phồn thịnh gần như hoang đường của cửa hiệu thì chẳng khi nào
Chénier lại chịu tin.
Tất nhiên là thằng lùn ấy liên quan đến mọi thứ. Những thứ
mà Baldini mang ra tiệm để Chénier bán chỉ là một phần vụn vặt những gì
Grenouille đã trộn sau cánh cửa đóng kín. Baldini ngửi không kịp. Đôi khi ông
như bị giày vò khi phải chọn trong những thứ tuyệt hảo Grenouille đã làm ra.
Cái thằng phụ việc như có phép thần thông này có thể cung cấp cho mọi nhà chế
nước hoa trên nước Pháp mà công thức không bao giờ trùng lặp, không bao giờ cho
ra một thứ phẩm chất kém hay trung bình. Thật ra thì nó không thể cung cấp cách
thức, tức là công thức cho họ được vì trước hết Grenouille sáng tác nước hoa của
nó theo cái cách hỗn loạn và hoàn toàn không chuyên nghiệp như Baldini đã từng
biết, nghĩa là nó trộn các thành tố tùy hứng và hết sức lộn xộn. Để nếu không
kiểm soát được thì ít nhất cũng hiểu được công chuyện, một ngày nọ Baldini đòi
Grenouille phải dùng cân, ly đong và ống hút khi trộn, cho dù nó thấy không cần
thiết, ngoài ra nó còn phải tập thói quen không coi rượu tinh cất như hương liệu
mà là dung môi, chỉ cho vào lúc cuối cùng, và sau hết, lạy Chúa, nó phải làm chầm
chậm, từ từ, chậm rãi đúng kiểu nghệ nhân.
Grenouille vâng lời. Lần đầu tiên Baldini có thể theo dõi từng
động tác của gã phù thủy và ghi chép lại. Ông ngồi cạnh Grenouille với giấy bút
ghi chú, miệng không ngớt kêu chậm lại, bao nhiêu gam chất này, mấy vạch trên
ly đong chất kia, Bao nhiêu giọt của chất thứ ba đã vào bình trộn. Bằng cái
cách lạ lùng này, nghĩa là phân tích một quy trình sau khi đã kết thúc bằng
chính những phương tiện cân đong, đo đếm mà lẽ ra bắt buộc phải dùng đến trước
khi thực hiện quy trình, cuối cùng Baldini cũng có được một tập quy tắc tổng hợp.
Bằng cách nào Grenouille vẫn trộn được nước hoa của nó mà chẳng cần đến những
nguyên tắc kia thì đối với Baldini vẫn là một câu đố, một phép lạ mới đúng; ít
ra ông cũng đã tóm được cái phép lạ ấy dưới dạng công thức và cái đầu óc thèm
khát nguyên tắc của ông được thỏa mãn đôi chút, đồng thời giữ được cái hình ảnh
về thế giới nước hoa của ông khỏi sụp đổ hoàn toàn.
Dần dà ông moi được từ Grenouille cách thức của mọi thứ nước
hoa nó đã tìm ra; ông còn cấm nó không được trộn nước hoa mới mà không có mặt của
ông để ông quan sát căn kẽ và ghi lại xuống giấy từng bước của quy trình. Những
ghi chú này chẳng mấy chốc đã thành vài chục công thức được ông ghi tỉ mỉ với
nét chữ nắn nót trong hai quyển sổ nhỏ, một quyển cất trong cái tủ không cháy đựng
tiền, quyển kia ông luôn mang trong người ngay cả khi đi ngủ. Ông thấy yên tâm,
vì bây giờ, nếu muốn, ông có thể làm lại cái phép lạ mà Grenouille đã làm ông hết
sức rung động khi chứng kiến lần đầu. Với bộ công thức này ông tin là có thể chấm
dứt sự hỗn loạn khủng khiếp trong sáng tạo tuôn ra từ gan ruột của gã học việc.
Ngay cái chuyện ông không còn chỉ biết thộn mặt ngạc nhiên mà đã tham gia những
hoạt động sáng tạo bằng sự quan sát và ghi chép cũng làm yên tâm và củng cố
lòng tin của Baldini. Ít lâu sau ông còn tin rằng đã góp phần không nhỏ trong
việc tạo ra những loại nước hoa tuyệt vời ấy. Và một khi đã ghi nó vào trong sổ
rồi, cất kỹ trong tủ sắt cũng như mang nó sát trước ngực thì ông chẳng hề nghi
ngờ gì nữa rằng, đó là công trình của ông và chỉ của ông mà thôi.
Nhưng Grenouille cũng có cái lợi qua cung cách kỷ luật mà
Baldini ép buộc. Thực ra nó không cần phải thế. Dẫu mấy tuần hay mấy tháng sau
nó chẳng phải tra công thức mới chế lại được một loại nước hoa vì nó không bao
giờ quên mùi cả. Nhưng qua sự cưỡng bách sử dụng ly đong, cân mà nó học được tiếng
nhà nghề của ngành nước hoa và qua bản năng nó nhận ra rằng biết cái ngôn ngữ ấy
có thể có lợi. Sau vài tuần Grenouille không những biết tên mọi thứ hương liệu
trong xưởng của Baldini mà nó còn tự viết ra được công thức nước hoa của nó và
ngược lại, làm ra nước hoa và những sản phẩm thơm từ những công thức mới lạ.
Hơn thế nữa, một khi nó đã học được cách phô diễn cái ý nghĩ về nước hoa của nó
bằng gam và giọt thì nó không cần tới cái bước thí nghiệm trung gian nữa. Khi
Baldini giao nó làm loại nước hoa mới cho khăn mùi soa, cho túi bột thơm hay
cho phấn trang điểm thì Grenouille không đụng tới chai hay bột nữa mà ngồi ngay
vào bàn, viết ra liền công thức. Nó đã học được cách thêm sự hình thành công thức
vào con đường đi từ sự hình dung mùi thơm đến nước hoa hoàn chỉnh. Theo nó thì
đó là con đường vòng. Trong con mắt thế gian, nghĩa là con mắt Baldini, thì đó
gọi là bước tiến bộ. Muốn gọi là gì thì gọi, phép lạ của Grenouille vẫn là phép
lạ. Nhưng mà việc nó thực hiện phép lạ theo công thức làm cho đôi mắt kia bớt sợ
và vì thế chỉ có lợi thôi. Grenouille càng thành thạo các công cụ và mánh lới
trong nghề, càng biết diễn đạt bình thường bằng ngôn ngữ của ngành nước hoa thì
chủ của nó đỡ sợ và bớt nghi ngại. Chẳng bao lâu sau Baldini không còn coi nó
như một Frangipani thứ hai, thậm chí một tay phù thủy đáng sợ nữa, tuy vẫn còn
đánh giá nó là một con người có biệt tài về mùi, Grenouille thấy vậy càng hay.
Với nó thì cái tập tục trong nghề thủ công là một cái vỏ ngụy trang tốt. Rõ
ràng nó ru ngủ Baldini qua cái cung cách mẫu mực khi cân các chất phụ gia, khi
lắc cái bình trộn, khi rẩy nước hoa lên cái khăn thử màu trắng. Nó vẩy khăn mềm
mại, kéo ngang mũi điệu nghệ gần bằng ông chủ. Với những cách quãng có tính
toán, nó thỉnh thoảng cố ý làm sai để cho Baldini phải trông thấy như quên
không lọc, chỉnh cân sai, viết tỉ lệ cồn long diên hương cao một cách phi lý
trong công thức... để được chỉ cho thấy sai lầm và sửa hết sức cẩn trọng. Qua đó
nó thành công trong việc ru ngủ Baldini với cái ảo tưởng rằng rút cuộc mọi sự
suôn sẻ cả. Nó thật không muốn lừa ông già. Nó thật muốn học ở ông. Không phải
cách trộn nước hoa, không phải sự cấu tạo hợp lý của mùi thơm, tất nhiên rồi!
Trong lãnh vực này trên thế giới không có ai dạy nó được chút gì và những chất
có sẵn trong cửa hiệu của Baldini còn lâu mới đủ để thực hiện loại nước hoa tuyệt
vời mà nó hình dung. Những gì thuộc về mùi mà nó làm ở tiệm của Baldini chỉ là
trò trẻ con so với những mùi nó trữ trong người nó mà nó dự tính sẽ thực hiện một
ngày nào đó. Nó biết rằng muốn thế phải hội đủ hai điều kiện: một là cái vỏ của
đời sống trung lưu, ít nhất của một thợ lành nghề để nó có thể miệt mài với những
say mê và theo đuổi thực sự dưới lớp vỏ kia mà không gặp trở ngại, hai là sự hiểu
biết về những phương pháp thủ công để tạo ra, để cách ly, để cô đặc và bảo quản
hương liệu vì chỉ như thế mới có thể có hương liệu sẵn sàng cho những sử dụng
cao cấp hơn. Tuy Grenouille có cái mũi nhậy nhất thế giới cả về phân tích lẫn
tưởng tượng thật nhưng nó chưa có khả năng làm chủ mùi thật sự.
18
Cho nên nó vui vẻ học nghệ thuật nấu xà bông từ mỡ heo, may găng tay từ loại da giặt được, trộn bột thơm từ bột mì, vỏ hạnh nhân xay nhỏ và rễ cây đồng thảo. Nó học lăn nến thơm từ than củi, hỏa tiêu và mùn cưa gỗ đàn hương. Học ép kẹo thơm theo kiểu các nước phương Đông từ mật nhi lạp, an tức hương và bột hổ phách. Học nhồi trầm hương từ bột trầm hương, cánh kiến, cây hương bài và quế. Rây và quết Poudre Impériale từ lá hồng nghiền nhỏ, hoa oải hương, vỏ cây thiên thảo. Khuấy phấn thoa mặt màu trắng và xanh dịu, đổ khuôn thỏi son môi màu đỏ từ mỡ. Chắt lọc bột sơn móng tay loại thật mịn và phấn chà răng thơm mùi bạc hà. Trộn dung dịch làm quăn tóc giả, thuốc chữa chai chân, thuốc tẩy tàn nhang cho da, tinh cây cà độc dược để nhỏ mắt cho thêm quyến rũ, thuốc bôi kích dục làm từ ruồi Tây Ban Nha cho quý ông và dấm vệ sinh cho quý bà… Dĩ nhiên là chẳng thích thú gì cho lắm nhưng nó không kêu ca và học có kết quả chế tạo mọi thứ thuốc, bột, đồ vệ sinh và trang điểm thông thường thêm cả cách pha trộn trà và gia vị, rượu mùi lẫn nước sốt dùng ướp cá thịt và những thứ đại loại như thế, nói gọn là tất cả những gì Baldini dạy nó với cái vốn hiểu biết rộng rãi gia truyền.
Nhưng khi Baldini chỉ dẫn nó cách có được tanh-tuya, tinh chất
và tinh dầu thì nó hăm hở lắm. Nó làm không biết mệt những việc như dùng máy ép
hạnh nhân đắng hay giã hột có mùi xạ hương hay băm củ long diên hương mỡ màng
màu xám bằng dao băm hay nạo rễ cây đồng thảo để sắc với loại rượu thượng hạng.
Nó học cách dùng phễu tách để tách tinh dầu khỏi cặn khi ép vỏ chanh. Nó học sấy
dược thảo và hoa trên vỉ đặt nơi ấm trong bóng râm, cách giữ lá khô trong bình
hay tráp có trét sáp. Nó học nghệ thuật tẩy pomát, các cách sắc, lọc, cô, làm
trong và tinh luyện nước sắc.
Dĩ nhiên là xưởng của Baldini không thích hợp cho việc sản
xuất khối lượng lớn. dầu lấy từ hoa hay dược thảo. Ở Paris cũng không thể có nổi
số lượng cây cỏ cần thiết. Nhưng thỉnh thoảng khi mua được rẻ hương thảo tươi,
cây xô thơm, bạc hà, hạt giống hồi ở chợ hoặc gặp khi tới một chuyến hàng lớn củ
hoa diên vĩ hay rễ cây nữ lang, hạt phòng phong, hạt đậu khấu hay hoa đinh
hương khô thì cái máu nhà giả kim trong Baldini chạy rần rần và ông lôi ra một
nồi chưng cất to tướng, đó là một bình bằng đồng với một bộ phận ngưng hơi đặc
biệt đặt bên trên mà ông tự hào gọi là bình chưng cất có đầu Maure [một sắc dân
ở bắc Châu Phi] ông đã dùng cách đây bốn mươi năm ngoài đồng trống trên vùng
cao Leberon ở sườn núi phía Nam miền Ligurien [Ligurien: một vùng phía bắc nước
Ý] để chưng cất cây đồng thảo. Trong lúc Grenouille lo xắt nhỏ những thứ để
chưng cất thì Baldini hối hả đốt nóng cái lò gạch vì việc chưng cất này đòi hỏi
phải làm thật nhanh, rồi đổ nước ngập đáy vào cái nồi đồng và đặt lên trên. Ông
bỏ các cây cỏ đã được xắt nhỏ vào đấy, đậy lại bằng cái đầu Maure rồi gắn hai ống
cao su nhỏ cho nước chảy vào và chảy ra. Ông giải thích cái cách làm lạnh bằng
nước thần tình này là do ông gắn thêm vào sau này, chứ thời đó, ở ngoài đồng trống,
dĩ nhiên người ta chỉ biết quạt cho nguội. Rồi ông quạt lửa lên.
Dần dà nước reo trong nồi. Một lúc sau tinh chất bắt đầu nhỏ
giọt rồi thành dòng mảnh như sợi chỉ chảy từ cái vòi thứ ba của đầu Maure vào một
cái bình Florentine mà Baldini đã để sẵn. Thoạt tiên cái chất này trông hơi dơ
như thể xúp lỏng, đục. Nhưng dần dần chất lỏng tách ra làm hai: dưới là nước của
hoa hay cỏ, còn bên trên lềnh bềnh một lớp dầu dầy, nhất là khi cái bình đã đầy
được để qua một bên, thay bình mới thì ở cái bình đầy sự tách kia lại càng rõ.
Sau khi cẩn thận rót ra cái nước chỉ thơm thoang thoảng qua vòi dưới thì sẽ chỉ
còn lại dầu nguyên chất tinh dầu, cái nguồn gốc thơm lừng của cỏ hoa.
Grenouille bị cái quá trình ấy quyến rũ. Nếu trong cuộc sống
có gì khêu gợi sự đam mê kín đáo như sự đam mê đốt bằng ngọn lửa lạnh trong người
nó thì chính là cái quy trình này, rút hồn thơm của vật bằng lửa, nước hơi và một
thiết bị tinh xảo. Cái hồn thơm này, cái tinh dầu, cái quý nhất của cái vật ấy
là cái duy nhất làm nó quan tâm. Nó chẳng thèm để ý đến những thứ vớ vẩn còn lại:
hoa, lá, vỏ, trái, màu, vẻ đẹp, sức sống và những thứ không cần thiết khác. Đó
là vỏ ngoàii vô giá trị, đáng vất đi.
Thỉnh thoảng khi tinh chất đã trong như nước thì họ lấy nồi
cất ra khỏi lò, mở và đổ bã đi. Bã trông nhũn và xám ngắt, như rơm sũng nước,
như xương con chim nhỏ bị tẩy trắng, như rau bị nấu quá lâu, nhạt nhẽo, xơ ra,
sền sệt, không thể nhận ra được nữa, chẳng khác xác chết ghê tởm và hầu như đã
bị lấy hết mùi đi rồi. Họ ném qua cửa sổ, xuống sông. Rồi lại xếp lớp cây mới
vào nồi, cho nước và đặt lên lò trở lại. Rồi nồi lại bắt đầu reo, cái nguồn sống
của cỏ cây lại chảy vào bình Florentine. Hầu như suốt đêm như thế, Baldini lo
trông chừng lửa, còn Grenouille ngó chừng các bình, chẳng có gì làm nữa trong
lúc chờ thay bình.
Họ ngồi trên ghế đẩu quanh bếp lửa như bị cuốn hút bởi cái nồi
thô kệch, mỗi người bởi nguyên nhân khác nhau. Baldini thưởng thức sự chói lọi
của lửa, cái màu đỏ lung linh của ngọn lửa và đồng, tiếng reo trong nồi cất như
thể xưa kia vậy. Thế này thì mê ly quá. Ông lấy trong cửa hàng một chai vang vì
cái nóng làm ông khát và uống vang thì cũng giống ngày xưa ấy. Rồi ông bắt đầu
kể chuyện ngày xưa, không dứt. Về cuộc chiến tranh dành ngai vàng mà ông dự phần
không nhỏ chống lại quân Áo, về những người Canmisard [những người Pháp theo đạo
Tin lành ở vùng núi Cévennes đã nổi loạn chống vua Louis XIV vào nửa đầu thế kỷ
17] đã cùng ông khuấy rối vùng núi Cévennes, về con gái của một người Huguenot ở
vùng Esterel say mùi oải hương đã trao thân cho ông, về việc tí nữa thì ông gây
ra một đám cháy rừng, chắc chắn sẽ thiêu rụi vùng Provence, như hai với hai là
bốn vì lúc ấy gió bấc rất mạnh, còn về sự chưng cất thì ông luôn luôn kể về những
đêm trên đồng vắng, dưới ánh trăng, bên chai rượu vang và tiếng ve sầu, về một
thứ dầu hoa oải hương ông tạo ra, rất thanh mà đậm đà, người mua phải trả bằng
bạc; về thời gian ông học nghề ở Genua, về những năm ông đi nơi này nơi nọ, và
về thành phố Grasse, ở đó người làm nước hoa đông như ở nơi khác làm bánh mì,
trong đó có những người giàu đến nỗi họ sống như các bậc công hầu, ở trong những
ngôi nhà nguy nga có vườn cây bóng mát, với sân thượng và ăn trong phòng ăn có
tường ốp gỗ, dùng toàn đĩa sứ và dao nĩa bằng vàng, vân vân.
Ông già Baldini vừa uống vang vừa kể những chuyện như thế,
vang cùng với lửa nóng và sự thích thú về câu chuyện của mình làm mặt ông cũng
đỏ như lửa. Grenouille ngồi khuất trong bóng tối chẳng thèm nghe gì cả. Nó chẳng
ham gì chuyện cũ, nó chỉ thích cái quy trình mới. Nó nhìn không ngớt vào cái
vòi nhỏ trên đầu nồi chưng, từ đó một tia nhỏ tinh chất rỉ ra. Trong lúc dán mắt
vào đấy, nó tưởng tượng ra chính nó là cái nồi chưng cất, cũng sôi reo như thế
này, và từ nó cũng rỉ ra tinh chất như thế kia, có điều tốt hơn, mới hơn, lạ
lùng hơn vì được chưng cất bằng những kỳ hoa dị thảo nó trồng trong người, nở
hoa trong đó, ngoài nó ra không ai ngửi thấy, mùi thơm có một không hai của
chúng có thể biến thế giới thành vườn địa đàng thơm lừng, theo nó thì chỉ ở đấy
sự hiện hữu - dưới góc độ khứu giác - mới tạm gọi là chấp nhận được. Được là một
nồi chưng cất khổng lồ làm tràn ngập thế giới với những tinh chất tự chế, là giấc
mơ tuyệt đích mà nó tâm niệm.
Trong khi Baldini rạo rực vì vang, không ngớt thổi phồng những
câu chuyện ngày xưa, trầm trồ chẳng cần giữ ý thì Grenouille chấm dứt sự tưởng
tượng kỳ quái của nó. Tạm thời nó xua khỏi đầu óc hình ảnh một cái nồi chưng cất
khổng lồ, thay vào đó cân nhắc dùng những kiến thức mới học được vào những mục
tiêu gần sao cho có lợi.
19
Chẳng bao lâu nó trở thành chuyên gia trong lãnh vực chưng cất. Nó nghiệm ra rằng độ nóng của lửa có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng của thành phẩm, trong việc này cái mũi của nó được việc hơn tất cả những quy tắc của Baldini. Mỗi cây cỏ, mỗi loại hoa, mỗi thứ gỗ, mỗi loại trái đòi hỏi một quy trình đặc biệt. Khi thì phải sôi sùng sục, khi thì sôi vừa phải và có loại hoa chỉ cho tinh dầu khi để lửa liu riu.
Sự chuẩn bị cũng quan trọng tương tự. Bạc hà và oải hương có
thể để cả bó vào chưng cất. Những loại khác phải chọn kỹ, ngắt, bằm nhỏ, nạo,
giã, hay thậm chí phải làm thành bột hồ trước khi cho vào nồi. Có loại không
chưng cất được làm Grenouille bực tức nhất.
Khi Baldini thấy Grenouille đã thành thạo khí cụ này thì ông
để nó tự do với nồi cất và Grenouille đã tận dụng sự tự do này. Ban ngày nó trộn
nước hoa và hoàn thành những sản phẩm mùi thơm
hay gia vị khác, còn ban đêm nó bận rộn với cái nghệ thuật chưng cất đầy
bí ẩn. Ý định của nó là sản xuất những hương liệu hoàn toàn mới để có thể chế
ra được vài thứ nước hoa mà nó sẵn có trong đầu. Mới đầu nó cũng thành công nho
nhỏ. Nó tạo được dầu của hoa tầm ma và hạt cải xoong, nước của vỏ cây hương mộc
còn tươi và của cành cây thủy tùng. Mùi của tinh chất chẳng giống tí nào với
nguyên liệu nhưng cũng hay hay, dùng để chế biến tiếp được. Tất nhiên cũng có
những chất mà quy trình hoàn toàn vô dụng. Chẳng hạn Grenouille thử chưng cất
mùi của thủy tinh, mùi đất sét lạnh của thủy tinh láng mà người bình thường
không cảm nhận được. Nó tìm kính cửa sổ và chai thủy tinh rồi thử dưới dạng miếng
to, mảnh nhỏ, mảnh vụn, bột, nhưng đều không thành công. Nó chưng cất đồng
thau, sứ, da thuộc, ngũ cốc và sỏi. Nó chưng cất cả đất nữa. Rồi cả máu, gỗ và
cá tươi. Cả tóc nó. Cuối cùng nó chưng cất cả nước, nước sông Seine, mà cái mùi
độc đáo nó thấy cần phải giữ. Nó tin rằng có thể lấy được với cái nồi cất mùi
thơm đặc thù từ những chất ấy như đã làm được với bách lý hương, oải hương và
phòng phong. Nó không hề biết rằng chưng cất chỉ là một quy trình dùng để tách
một hợp chất ra phần dễ bay hơi và phần khó bay hơi, và quy trình này chỉ có lợi
cho việc chế nước hoa khi tách nổi tinh dầu dễ bay hơi của cây cỏ nào đó với phần
không thơm hoặc ít thơm còn lại. Ở những vật chất không có tinh dầu thì phương
pháp chưng cất hoàn toàn vô dụng. Chúng ta được học vật lý nên thấy hết sức rõ
ràng, còn đối với Grenouille để hiểu được điều này là kết quả của một chuỗi dài
mệt nhọc những thử nghiệm thất bại. Hàng tháng dài, đêm nào nó cũng ngồi bên nồi
cất, thử đủ mọi cách để sản xuất những mùi thơm hoàn toàn mới, chưa từng có
trên trái đất dưới dạng đậm đặc. Nhưng ngoài một vài tinh dầu vớ vẩn của cây cỏ
ra chẳng được gì thêm. Nó không khai thác nổi từ trong cái giếng tưởng tượng
phong phú thăm thẳm của nó một giọt tinh dầu cụ thể nào. Nó không làm ra được một
nguyên tử tinh dầu nào từ những mùi nó nghĩ ra.
Khi đã rõ thất bại thì nó không thử tiếp nữa và lăn ra ốm tưởng
chết.
20
Nó sốt nặng. Những ngày đầu còn đổ mồ hôi nhưng sau chỉ nổi toàn những mụn như thể da nó không đủ lỗ chân lông vậy. Thân thể Grenouille đầy những mụn đỏ, nhiều cái vỡ ra, ứa nước để rồi lại phồng lên. Những cái khác thì phát thành chùm nhọt, tấy đỏ, toác ra như miệng núi lửa, chảy một thứ mủ sền sệt, máu lẫn nước vàng. Ít lâu sau Grenouille trông như một kẻ tử vì đạo chịu hình phạt ném đá - nhưng ném từ bên trong - với hàng trăm vết lở lói.
Dĩ nhiên Baldini lo lắm. Sẽ hết sức phiền nếu cái thằng học
việc quý giá của ông đúng vào cái lúc ông dự tính mở rộng việc buôn bán ra khỏi
phạm vi thủ đô, thậm chí ra ngoài biên giới đất nước. Vì quả thật không chỉ các
tỉnh mà cả cung đình các vương quốc khác cũng đặt thường xuyên hơn những nước
hoa loại mới mà Paris khao khát. Để đáp ứng nhu cầu này, Baldini nuôi ý định lập
một chi nhánh ở Faubourg Saint-Antoine, một xi nghiệp nhỏ thôi để trộn khối lượng
lớn những nước hoa thông dụng và đóng hàng loạt vào những chai nhỏ, xinh xắn,
do những cô gái nhỏ nhắn dễ thương đóng thùng để gởi sang Hà Lan, Anh và Đức. Đối
với một chủ tiệm cư ngụ tại Paris thì hành động liều lĩnh này không thật hợp
pháp nhưng gần đây Baldini có được sự che chở ở những nơi chóp bu, nước hoa tuyệt
diệu của ông đã tạo cho ông sự che chở không chỉ của ngài đổng lý văn phòng ngự
tiền mà còn ở những nhân vật quan trọng như của quan giám thu quan thuế
(zollpaechter) của Paris và của ngài Feydeau de Brou, thành viên hội đồng tài
chính hoàng gia, đồng thời là người tài trợ các xí nghiệp làm ăn phát đạt. Thậm
chí ngài còn tính tới khả năng ông sẽ được đặc ân của hoàng gia, một thứ giấy
thông hành giúp thoát khỏi mọi quy định của nhà nước và phường hội, chấm dứt mọi
lo lắng trong hành nghề và là một bảo đảm vĩnh viễn cho sự thịnh vượng vững chắc
không ai dám tranh chấp, nghĩa là cái cao nhất mà người ta chỉ dám mơ.
Baldini còn ấp ủ một dự tính khác, dự tính ưa thích nhất,
như một đối chọi với xí nghiệp ở Faubourg Saint-Antoine, không sản xuất hàng loạt
nhưng ai cũng có thể mua được; ông muốn chế, phải nói là ông ra lệnh chế thì
đúng hơn, một số loại nước hoa riêng cho một số khách hàng tuyển chọn có địa vị
cao và thật cao, giống như quần áo được đo cắt riêng, chỉ thích hợp với từng cá
nhân, chỉ người đó sử dụng và chỉ mang cái tên tăm tiếng của người ấy. Ông hình
dung ra nào là nước hoa của Hầu tước de Cernay, nào là nước hoa của Bà Thống chế
de Villars, nào là nước hoa của Quận công d’Aguillon, vân vân. Ông mơ đến nước
hoa của Madame Hầu tước de Pompadour, thậm chí một nước hoa của Sa Majesté le
Roi [Quốc vương], đựng trong lọ con mài bằng đá mã não đắt tiền với viền vàng
trạm trổ, có khắc ẩn trên mặt trong của đáy lọ cái tên Giuseppe Baldini, nhà
làm nước hoa, tên của ông và tên của Đức Vua ở cùng một món hàng, Baldini đã
dám thả hồn cao đến những tưởng tượng tuyệt vời nhường ấy! Vậy mà Grenouille lại
ốm! Dù rằng Grimal, xin Chúa đoái thương linh hồn hắn, đã thề sống thề chết rằng
nó chẳng bao giờ ốm cả, nó chống chọi được tất, kể cả bệnh dịch hạch đen. Thế
mà thình lình nó đau chờ chết. Nhỡ nó chết thật thì sao? Khủng khiếp quá! Những
đề án hay ho về xí nghiệp, về những cô bé dễ thương, về đặc ân và về nước hoa của
Đức Vua cũng sẽ chết theo nó.
Cho nên Baldini quyết định phải cứu mạng sống quý báu của
tên học việc. Không thể không thử được. Ông ra lệnh dời nó từ cái phản trong xưởng
lên một cái giường sạch sẽ trên lầu. Ông cho trải giường với khăn thêu hoa. Tự
tay ông giúp khiêng người bệnh lên cầu thang chật hẹp dù rằng những mụn nhọt lở
lói làm ông kinh tởm khôn xiết. Ông ra lệnh cho vợ nấu canh gà với rượu vang,
Ông cho tìm tay thầy thuốc nổi tiếng nhất khu phố, một tay Procope nào đấy, và
phải trả trước những hai mươi quan thì hắn mới chịu đến cho.
Thầy thuốc đến, dùng đầu ngón tay hất khăn giường ra, ném một
cái nhìn duy nhất lên thân thể Grenouille trông không khác bị cả trăm viên đạn
bắn lỗ chỗ, rồi rời khỏi phòng ngay, không thèm mở cái cặp mà người phụ tá của
ông luôn luôn mang theo. Ông ta nói với Balidni rằng trường hợp này quá rõ
ràng. Đây là biến chứng giang mai của bệnh đậu mùa lẫn với bệnh sởi làm mủ in
stadio ultimo [ở giai đoạn cuối cùng (tiếng La Tinh)]. Không cần điều trị gì nữa
vì không thể dùng lưỡi trích để lấy máu đúng quy cách được trên một thân thể đã
rữa, chết nhiều hơn sống như thế kia. Dưới góc độ khoa học nghiêm túc thì sự
chưa nhận thấy được trong tíến trình căn bệnh cái mùi hôi đặc trưng của bệnh dịch là một hiếm có nho nhỏ, đáng ngạc
nhiên, nhưng chắc chắn rằng bệnh nhân sẽ chết trong vòng bốn mươi tám giờ nữa,
rõ như tên ông ta là bác sĩ Procope vậy. Ông ta thu thêm hai mươi quan nữa vì
đã đến thăm và chẩn bệnh, rồi cáo lui, nếu để cho ông ta sử dụng cái xác với những
biểu hiện kia vào mục đích thuyết minh thì sẽ được hoàn lại năm quan.
Balidni quýnh lên. Ông than vãn, khóc lóc vì tuyệt vọng. Ông
cắn ngón tay vì căm giận số phận, Lại một lần nữa những dự án hứa hẹn thành
công, thành công vĩ đại của ông bị hỏng ngay khi đã gần tới đích. Trước kia là
Pélissier và lũ bạn bè với sự sáng tạo phong phú của chúng. Bây giờ là thằng lỏi
này với cái kho nước hoa không bao giờ cạn của nó, cái thằng nhỏ khốn nạn quý
hơn cả vàng này, nó lại nhè ngay cái giai đoạn xây dựng cơ sở làm ăn mà bị đậu
mùa do giang mai với sởi làm mủ in stadio ultimo! Nhè ngay lúc này! Tại sao
không đợi hai năm nữa? Một năm thôi cũng được? Tới lúc đó thì có thể khai thác
nó hết sạch như một mỏ bạc hay một con gà đẻ trứng vàng. Một năm nữa nó được
quyền chết thanh thản. Nhưng mà không! Nó phải chết bây giờ cơ, lạy Chúa tôi,
và trong vòng bốn mươi tám tiếng!
Balidni cân nhắc rất nhanh, có nên hành hương sang
Notre-Dame, châm một ngọn nến và cầu xin Đức Mẹ cho Grenouille được khỏi bệnh
hay không. Nhưng ông bỏ ý định đó vì cấp bách quá rồi. Ông chạy tìm giấy mực rồi
đuổi vợ ra khỏi phòng người bệnh. Ông muốn tự canh chừng. Rồi ông ngồi xuống
cái ghế cạnh giường, giấy đặt trên đầu gối, bút mực trong tay, tìm cách moi từ
Grenouille lời xưng tội - dĩ nhiên là về nước hoa. Lạy Chúa, nó đừng im lìm
mang theo cái kho tàng trong người! Nó hãy để lại vào giây phút cuối cùng một
di chúc nơi người đáng tin cậy để hậu thế không bị mất đi những nước hoa tuyệt
diệu nhất tự cổ chí kim! Ông, Baldini này, sẽ thực hiện hết sức trung thực những
công thức kinh điển của những nước hoa tuyệt vời hơn mọi nước hoa đã từng biết
và sẽ làm rạng rỡ mọi nước hoa của nó. Ông xin thề trước các thánh rằng sẽ gắn
chặt các vinh hoa bất tử với tên của Grenouille, phải, ông sẽ dâng lên Đức Vua
loại nước hoa tuyệt nhất, đựng trong một
lọ con bằng đá mã não có viền vàng trạm trổ và khắc hàng chữ kính dâng của “Jean-Baptiste
Grenouille, nhà chế nước hoa của Paris”. Ông nói như thế hay đúng hơn không ngớt
thì thầm vào tai của Grenouille, thề thốt, năn nỉ, mơn trớn.
Nhưng đều vô ích. Từ Grenouille chẳng thoát ra được gì khác
ngoài cái nước vàng và mủ với máu. Nó nằm câm nín trên nệm hoa, tiết ra cái chất
nước ghê tởm kia chứ không phải là kho báu của nó, sự hiểu biết của nó, chẳng
có lấy được một công thức nước hoa nào. Baldini muốn bóp cổ nó, muốn đánh nó,
muốn nện cho bật từ cái thân thể chờ chết kia sự bí mật quý báu nếu như quả có
triển vọng thành công... và nếu ý thức về tình thương đồng loại của một con chiên
không kịch liệt phản kháng.
Thế là ông lại tiếp tục êm ái thổi vào tai người bệnh những
lời ngọt lịm, vuốt ve và dùng khăn lạnh thấm từ cái trán đẫm mồ hôi và những vết
lở nóng như núi lửa, dù phải cố hết sức chịu đựng đến rợn người, rót từng muỗng
vang vào miệng nó để làm cho lưỡi nó phát ra tiếng, suốt đêm như thế nhưng công
toi. Sáng sớm ra ông bỏ cuộc. Ông kiệt sức buông người xuống ghế trong một góc
phòng và, không còn giận dữ nữa mà chỉ còn là cam chịu thầm lặng, nhìn sững cái
thân thể Grenouille nhỏ bé chờ chết trên giường phía góc bên kia mà ông không
còn có thể vớt vát gì được cho mình, đành chịu bó tay nhìn nó lìa đời như một
thuyền trưởng nhìn con tàu của mình chìm mang theo tất cả của cải xuống đáy biển.
Bỗng đôi môi của kẻ chờ chết hé mở, nó nói rõ ràng và chắc
chắn chẳng có vẻ gì là của một kẻ sắp lìa đời:
- Maitre, xin cho biết có cách nào khác để lấy được hương
thơm từ một vật thể ngoài cách ép hay chưng cất không?
Baldini nghĩ rằng tiếng nói nọ là do ông tưởng tượng hay đến
từ thế giới bên kia nên trả lời như máy:
- Có đấy.
- Cách gì? - câu hỏi vọng ra từ giường và Baldini mở choàng
đôi mắt mệt mỏi. Grenouille nằm không động đậy trên gối. Cái xác đã nói ư?
“Cách gì?”, câu hỏi vang lên và lần này Baldini nhận ra đôi
môi Grenouille mấp máy. “Hỏng thật rồi”, ông thầm nghĩ, “đã tới lúc rồi, hoặc
là cuồng vì sốt, hoặc là giẫy chết”.
Rồi ông đứng dậy, bước tới giường và cúi xuống người bệnh.
Nó mở mắt nhìn Baldini cũng với cái nhìn rình rập lạ lùng như ở lần gặp nhau đầu
tiên.
- Cách gì? - nó hỏi.
Baldini quyết định sau một lúc do dự, ông không muốn từ chối
kẻ sắp chết điều mong muốn cuối cùng nên trả lời:
- Có ba cách, con ạ. Cách enfleurage à chaud, cách
enfleurage à froid và cách enfleurage à l’huile [các phương pháp lấy hương thơm
trong ngành nước hoa: cách lấy nóng, cách lấy lạnh và cách lấy bằng dầu]. Chúng
trội hơn phương pháp chưng cất về nhiều mặt và người ta dùng để có thể lấy được
những mùi hương thanh cao nhất: hương hoa nhài, hoa hồng và hoa cam.
- Ở đâu? - Grenouille hỏi.
- Ở phía nam, - Baldini đáp. - Nhiều nhất là ở thành phố
Grasse.
- Hay lắm. - Grenouille nói.
Rồi nó nhắm mắt lại. Baldini từ từ đứng dậy, ông quá chán nản,
gom lại những tờ giấy không ghi được một dòng nào, thổi tắt nến. Bên ngoài trời
đã sáng. Ông hết sức mệt mỏi. Lẽ ra phải mời một linh mục đến, ông thầm nghĩ. Rồi
ông đưa tay phải làm dấu thánh giá vội vàng và ra đi.
Còn lâu Grenouille mới chết. Nó chỉ ngủ thật say, mơ thật sâu và hút trở vào những thứ tiết ra trên thân thể. Những vết phồng da bắt đầu khô lại, những vết lở ngưng chảy mủ, những vết loét khép lại dần. Trong vòng một tuần nó khỏi hẳn.
Còn lâu Grenouille mới chết. Nó chỉ ngủ thật say, mơ thật sâu và hút trở vào những thứ tiết ra trên thân thể. Những vết phồng da bắt đầu khô lại, những vết lở ngưng chảy mủ, những vết loét khép lại dần. Trong vòng một tuần nó khỏi hẳn.
-------------
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét